Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 18 July 2012

Không chỉ biển xanh, cát trắng quyến rũ mời gọi, những nhà thùng với những chiếc thùng gỗ khổng lồ để ướp cá làm nước mắm sẽ là nơi không thể bỏ qua khi bạn đến tham quan đảo ngọc Phú Quốc.

Ở Phú Quốc có đến gần 100 nhà thùng đang hoạt động để sản xuất những chai nước mắm cá cơm thượng hạng.

Trước đây chỉ nghe nói nhưng khi tận mắt được chứng kiến những khu nhà thùng này, chúng tôi mới hình dung được quy trình sản xuất ra giọt nước mắm thơm ngon kỳ công và thú vị như thế nào.

Gỗ làm thùng phải là cây bời lời chỉ có ở rừng Phú Quốc. Thùng cao 2-4m, đường kính1,5-3m, mỗi lần ướp được 7-13 tấn cá. Quanh thùng được niềng bằng các sợi đai mây nên có độ bền chắc và có thể sử dụng trong 50-60 năm.

Hướng dẫn viên nhà thùng cho biết muốn cho ra những mẻ nước mắm ngon, không chỉ thùng ướp phải đúng quy cách, mà nguyên liệu cá cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng.

< Một trong những công đoạn kiểm tra chất lượng.

Nước mắm Phú Quốc chỉ được làm từ một loại nguyên liệu là cá cơm. Cá cơm sau khi được đánh bắt đã được xử lý ướp (hay chượp) ngay tại tàu để giữ được độ tươi ngon.

< Những thùng gỗ khổng lồ xếp thẳng hàng cho khách tham quan.

Khi tàu về bến cá đã chượp sẽ chuyển vào các thùng gỗ, gài nén và ủ trong vòng thời gian 12-15 tháng. Sau khi hết thời gian ủ sẽ đến công đoạn rút mắm. Qua các khâu xử lý các nhà thùng sẽ cho ra lò các loại nước mắm với nhiều loại với chất lượng và giá thành khác nhau…

Sau khi tham quan quy trình sản xuất nước mắm, du khách có thể đặt mua những chai nước mắm đặc sản này làm quà biếu (các cơ sở sản xuất sẽ giao đến tận nhà tại TP.HCM hay nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất).

Du lịch, GO! - Theo Đan Tâm (TTO)
Thuộc xã Thạch Sơn (Sơn Động, Bắc Giang), bản Đồng Cao được ví như một “Tam Đảo” hay “Mẫu Sơn” của Bắc Giang.

Nghe giới thiệu về vùng đất này đã lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp khám phá sau lời mời hấp dẫn của những người bạn yêu du lịch.

< Đồng Cao với những đồi cỏ ba la xanh rì...

Đúng 8 giờ, xe xuất phát từ TP Bắc Giang, theo hướng Đông Bắc. Sau hơn hai giờ, vượt gần 90 km chúng tôi đến trung tâm xã Thạch Sơn. Thường ngày tuyến đường từ trung tâm xã vào bản Đồng Cao vốn đã khó đi, do đêm hôm trước trời đổ mưa, nhiều đoạn đường trơn truội lại càng khó đi hơn.

Gần 1 giờ chiều, cả đoàn tập kết tại bản Đồng Cao. Đây là bản người Dao có 24 hộ, gắn bó với vùng đất này từ nhiều đời nay. Bản nằm giữa một thung lũng mây mù, hiện hữu nét hoang sơ. Sau bữa trưa chóng vánh, cả đoàn bắt đầu hành trình khám phá cảnh sắc Đồng Cao.

Trên đường đi, được tận mắt ngắm nhìn những nếp nhà chình đất lúp xúp nằm bên sườn núi, mặc cho mây mù bao phủ, tôi chợt thấy lòng nao nao khác lạ. Tiếp đó là một cảm giác nhồn nhột, rờn rợn khi ngồi trên chiếc xe máy Trung Quốc do chàng trai trẻ người Cao Lan tên Thắng cầm lái.

Xe vượt hết dốc này lại qua những khúc cua tay áo khác - một cung đường đáng giá cho “dân phượt” lang thang. Thắng bảo “đường xấu nên chúng em dù có xe máy đẹp cũng chẳng dám đi vì sau mỗi chuyến thế này về nhà lại phải sửa xe”.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Tiến Thoòng, 72 tuổi, dân tộc Dao. Vừa rót cốc nước vối ra mời khách, ông Thoòng thủng thẳng kể: Xưa ở đây hoang vu lắm, chỉ rặt núi non và cây rừng. Còn thú rừng thì nhiều vô kể. Nghe đâu vài năm trước cấp trên có ý tưởng làm thí điểm ở đây mô hình trồng rau đặc sản, rồi nuôi bò sữa trên “thảo nguyên” này nhưng không hiểu sao đến nay chưa thực hiện được? So với trước, dù đời sống của bà con dân bản đã khá hơn song do điện lưới chưa về, đất cấy lúa ít, lại chủ yếu trông vào nước trời nên đời sống của bà con vẫn còn bí bó lắm.

Đã vậy, giao thông quá khó khăn, dù cách chợ Vân Sơn có hơn một “thôi đường” song phải đi mất nửa ngày mới đến nên cả tháng bà con dân bản mới xuống chợ đôi lần để mua những thứ thiết yếu như muối, dầu hỏa, đèn pin... về dùng. Khó khăn là thế song hiện đồng bào vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Dao, điển hình là lễ cấp sắc. Theo tập tục này, ai đến tuổi trưởng thành cũng phải trải qua lễ cấp sắc mới được dân làng công nhận.

Khí hậu ở Đồng Cao quanh năm mát mẻ, giữa mùa hè nhưng ban đêm phải đắp chăn bông. Ông Thoòng dẫn chúng tôi đi thăm một vòng những “kỳ quan” của bản. Theo một lối mòn dưới tán của cây rừng thâm u, chúng tôi đến Hang Vua. Đó là một vách đá dựng đứng, vươn mình ra giữa khoảng không; kế bên là dòng nước từ trên cao chảy xuống trông thật đẹp mắt. Hỏi tại sao bà con lại gọi đây là Hang Vua, ông Thoòng lắc đầu không giải thích nổi.

Đi qua núi Vua chừng vài trăm bước chân, dạo bước trên một thảm cỏ xanh rộng lớn, thi thoảng mới bắt gặp một vài trảng cây bụi thưa thớt, hoa mua, hoa dại bung nở ẩn hiện trong lớp mây mù. Đâu đó vẳng tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu đang nô đùa trên bãi cỏ… Chúng tôi như bị ngợp giữa một “thảo nguyên” mênh mông. Hái trái sim rừng đưa lên miệng, anh Luyện - một thành viên trong đoàn thích thú như thể chưa bao giờ được ăn thứ quả dại này. Anh mời tôi “thử đi chú, sẽ đỡ khát nước hơn”. Phía trước - một quần thể đá to lớn với nhiều hình thù khác lạ ở bên kia đồi. Như có sự sắp đặt của bàn tay con người, những khối đá đẹp mắt và lạ lẫm nổi bật giữa không gian mênh mông khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng…

Thời gian trôi qua thật nhanh. Vừa mới đặt chân trên thảm cỏ vậy mà thoáng chốc hoàng hôn đã dần buông, không khí đã bắt đầu lạnh hơn. Để kịp về đến bản trước khi trời tối, dù chưa muốn song chúng tôi vẫn phải khẩn trương rời quần thể đá.

Khi ánh trăng vừa ló phía sau nhà cũng là lúc bữa tối được bày ra, cả đoàn quây quần bên góc sân một gia đình trong bản. Dưới ánh sáng phát ra từ chiếc bình ắc quy, cả chủ và khách cùng có những giây phút thoải mái bên ly rượu mềm môi thơm nồng.

Du lịch, GO! - Theo Mai Hạ (báo Quảng Ngãi), ảnh internet

Trên cao nguyên Đồng Cao
Hóng gió trên Đồng Cao
Trong những ngày đầu hè nắng nóng gay gắt với nhiệt độ tăng cao, nhiều người đã đổ xô đi tắm biển hóng mát. Với lợi thế bãi biển hoang sơ và gần TP. Quảng Ngãi nên bãi biển Tân An xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) đang là điểm đến hấp dẫn du khách.

Hoang sơ nơi bãi tắm

Từ TP. Quảng Ngãi vượt khoảng 11km xuôi theo con đường nhựa xuống xã Nghĩa Hòa rồi rẽ trái men con đường bê tông vượt cầu qua sông Tân Mỹ là đến bãi tắm Tân An. Nắng chiều đổ vàng trên bãi biển, từng dòng người tấp nập đổ về...
Từ đằng xa, nhìn về bãi biển Tân An, thấy một màu xanh của cây dương liễu nằm bên mép biển xanh rì. Từng con sóng vỗ nhẹ lăn tăn vào bờ cát nhấp nhô. Du khách đến đây tha hồ lội trong cát trắng, rồi thả mình vào dòng nước biển xanh, tha hồ ngắm mây trời trong vắt. Mọi sự  mệt mỏi của cuộc sống bon chen, nóng bức hàng ngày như tan biến...

Tắm xong du khách đến những quán bình dân mà ở đó các bãi đậu xe chen nhau mọc lên ngang dọc. Khi những tia nắng cuối ngày chìm xuống rặng núi đằng tây, du khách  bước vào bất kỳ quán nào cũng được chào mời bằng những câu chân chất, mộc mạc của những người mẹ, người chị quanh năm chỉ biết đan lưới, nuôi con, nay tập tành buôn bán.

Chị Mai Thị Nhị, đang khui vội chai nước cho khách, bảo: "Bán được hơn tháng nay rồi. Bãi biển còn hoang sơ nhưng đã thu hút  du khách đổ về thưởng thức cảnh thiên nhiên, các món hải sản còn tươi nguyên đánh bắt từ biển, từ sông cạnh bên". Bình quân mỗi ngày chị Nhị bán được hơn 1 triệu đồng. Riêng ngày mùng 5 tết Đoan Ngọ vừa qua, chị bán được 5-6 triệu đồng".

Kiếm được vài trăm ngàn trong ngày là điều mà chị Nhị chưa bao giờ dám nghĩ. Bởi, kể từ ngày có chồng, chị chỉ ở nhà trông nom bọn nhỏ và lo vun vén gia đình. Năm 2006, chồng và con trai của chị mất trong đợt bão ChanChu, để lại cho chị nỗi đau cùng nỗi lo cuộc sống cho 4 người con.

Nước mắt chưa kịp khô, chị đã bươn chãi nhiều việc nhưng đồng tiền kiếm được từ bán bún, bán cá dạo chỉ đủ đổi gạo qua ngày. Thế là hai con đầu của chị phải nghỉ học giữa chừng để đi biển... Giờ, nhờ bãi tắm này mà chị mở quán bán kiếm tiền cho hai bọn nhỏ ăn học.

Ở cạnh quán chị còn có nhiều dãy hàng bán cháo vịt, ốc gạo, nước mía... Bà Phạm Thị Lưu bán vài lon ốc cho khách, phấn khởi: "Hàng ngày hai bà cháu bắt ốc, mò cua trên dòng sông Tân Mỹ được 5 -10 lon là chờ các tiểu thương chèo ghe đến mua. Có hôm bắt được ít quá, họ để dồn lại đến hai ba hôm mới đến cân thì ốc chết khá nhiều. Hơn 1 tháng nay, du khách đổ về bãi biển này tắm mát, già thấy bà con "trổ" quán bán nhiều, già cũng nấu ốc đem bán thử sao. Nào ngờ bán rất chạy nên ngày nào hai bà cháu cũng cố gắng sáng đi mò ốc, chiều nấu bán đổi gạo".

Những chủ quán "con con" chủ yếu là những người quanh năm buôn gánh bán bưng, hay làm bá nghề như mò cua, bắt ốc, cào don trên các dòng sông. Đa số họ là những người mẹ, người vợ của những ngư dân bị mất trong đợt bão ChanChu năm 2006. Buổi sáng họ lo việc nhà cửa, cứ 2 giờ chiều là họ đến bãi biển dựng lều.

Tuy họ chưa quen với cách chào hỏi, đon đả đón khách, nhưng sự lịch thiệp của họ được thể hiện bằng những câu mời mộc mạc, chân chất đã thu hút lòng người. Tiếng lành đồn xa, du khách đổ về bãi biển Tân An ngày càng nhiều. Quán nước, quán ăn, bãi để xe cứ thế mọc lên khá dày.

Một du khách cao to vừa mới bước lên bờ, nước chưa kịp ráo trên người đã ngồi xòa vào chiếc ghế nhựa đặt sẵn ở mé biển, gọi: "Cho con tô don dì hai". Đôi bàn tay nhăn nheo, chai sần của bà Cao Thị Lâu bưng tô don đặt xuống bàn, bảo: "Cậu phải thử liền khi còn nóng mới biết được mùi vị của con don ở vùng nước quê hương này".

Bà Lâu cũng như bao số phận phụ nữ ở làng chài Tân An. Năm 2006, chồng mất trong đợt bão ChanChu, một mình bà phải bươn chải nuôi 5 người con. Bất kỳ việc gì, từ buôn gánh bán bưng hay cào cát, sạn, bắt ốc trên các dòng sông bà đều trãi qua. Có những hôm, nước cạn trơ cồn cát, ốc hiếm, bà Lâu cào chảy máu tay mà cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng từ bán ốc.

Kể từ ngày có khách về bãi biển, bà đã mượn vội bà con vài trăm ngàn đồng mở quán bán nước, bán don, ốc. Giá ốc, don theo đó có giá thành cao hơn bán cho các tiểu thương. Hơn 1 tháng nay bà có thu nhập nhẹ nhàng.

Bãi biển tự phát

Ông Ngô Thành Linh - Trưởng thôn Tân An, cho biết: Đến thời điểm này đã có 30 quán buôn bán các dịch vụ trên bãi biển này. Bấy nhiêu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho lượng khách đổ dồn về nơi này tắm biển, thưởng thức các món hải sản, tôm, mực biển, cá câu còn tươi nguyên...Nhiều chị em muốn mở thêm quán nhưng do tự phát nên bãi biển còn khá lộn xộn. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo an ninh đợi đến ngày xã quy hoạch tổng thể để đưa bãi biển vào hoạt động có nề nếp.

Ông Trần Ngọc Xôn - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, cho biết: Xã đã thống nhất trích kinh phí từ nguồn chương trình bãi ngang ven biển để đầu tư quy hoạch bãi biển. Trước mắt là xây dựng tuyến đường bê tông với chiều dài 800m chạy dọc bãi biển và san ủi mặt bằng, với chiều ngang 50m. Trên cơ sở này xã phân 100 lô cho bà con mở quán buôn bán.

Bên cạnh đó, xã đã tính đến chuyện thành lập tổ bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, tổ cứu nạn cứu hộ; đồng thời cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm để du khách phòng ngừa. Những dự định sẽ hoàn thành trong năm nay, để bãi biển Tân An đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn. Trước mắt, xã đã thành tổ cứu nạn cứu hộ để phòng khi bất trắc xảy ra.

Du lịch, GO! - Theo Mai Hạ (báo Quảng Ngãi), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống