Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 19 July 2012

Miền Tây mến yêu vốn là đồng bằng rộng nhất nước với hàng triệu hecta lúa và vườn cây ăn trái xum xuê cùng sông ngòi chằng chịt- đó là hình ảnh quen thuộc nhất. Nhưng ở những tỉnh đầu nguồn hoặc gần biển như An Giang, Kiên Giang lại có khá nhiều núi non và hang động hiểm trở, dư sức cho du khách tìm “cảm giác mạnh”.

Leo núi

An Giang có dãy Thất Sơn hùng vĩ mà trong đó cao nhất là ngọn Thiên Cấm Sơn, hơn 700m. Với không khí mát lạnh, nơi đây được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Tây”. Không chỉ vậy, núi Cấm còn có suối Tiên, động Thủy Liêm, nhiều đền chùa,… nên đường lên núi dẫu gồ ghề khó đi vẫn thu hút hàng ngàn lượt khách phương xa hàng năm.

“Đường lên dốc đá” dẫu “giữa đêm trăng tà” hay mặt trời vừa sáng đều… khó đi như nhau. Dù đã trang bị giày nhẹ, áo mỏng, nón rơm,… chẳng mấy chốc bạn vẫn thở phì phò còn hơn bể lò rèn vì núi cao dốc cao, đá sỏi chạy lạo xạo dưới chân trơn trượt. Vừa đi vừa… chống gậy, mắt chẳng dám… nhìn lên, sợ thấy đường còn xa thăm thẳm. Vậy mà các bà cụ chẳng bao giờ cho “than mệt”- cứ leo núi mà nói mệt thì không tới đỉnh được đâu...

Thật tình thì chúng tôi lén lút “mệt nói mệt chứ gì” còn chân cứ “ba bước tới một bước lùi” vì mỏi, nhưng rốt cuộc cũng tới nơi. Nhưng đứng trên đỉnh núi ngó xuống chân núi, mới thấy hoảng. Bởi nếu ai chưa leo núi cứ tưởng đường lên mới vất vả, nhưng thật ra không phải vậy.

Đường xuống nhiều khi… như cầu tuột. Sơ sẩy là trượt chân như chơi. Thân xác hồi lên thấy nặng nhọc, giờ càng thấy… nặng hơn. Nhìn mấy chiếc ôtô dưới chân núi cứ như đồ chơi con trẻ mà… ngao ngán lòng.

Vậy mà người dân nơi đây cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt gánh su su, măng tre trên núi xuống hoặc gánh nước đá dưới xuôi ngược lên. Thế mới biết, có sức người, sỏi đá… cũng chẳng nhằm nhò gì.

 Đường lên núi Cấm tuy “cảm giác mạnh” mà vẫn nhẹ lòng vì dọc đường đôi khi có những khạp nước nho nhỏ tặng không cho du khách. Nếu là một người ham “nghiên cứu” thì bạn còn thể tìm hiểu và “sưu tầm” các loại thuốc Nam, thuốc núi. Vô thiên lủng. Nào là kỳ hương, mỏ quạ, mật ong rừng… Bởi vậy, nhiều người cho rằng bánh xèo núi Cấm “ăn nên thuốc” bởi rất nhiều loại rau rừng có mặt nơi đây.

Tính từ lần tôi đến cách đây hơn 20 năm, người núi Cấm xem ra nay vẫn thế. Ngẫm ra chính tình đất tình người đã khiến cho du khách “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” là vậy.

Luồn hang

Dường như các ngọn núi ở miền Tây đều có hang động. Tuy không đẹp tuyệt như Phong Nha, Hạ Long, nhưng hang động miền Tây cũng đủ “thử lòng” du khách. Như đồi Tức Dụp (An Giang) với hàng chục hang động mà mỗi tên hang đều mang bóng hình lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là hang C6 (có hội trường sức chứa hơn 150 người), hang Quân Y, hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy,… Đồi Tức Dụp còn rất “có giá trị”, ít nhất là 2 triệu USD- đó là tổng số tiền mà bom đạn đã trút xuống đây để tiêu diệt cách mạng.

Tuy chỉ là đồi cao hơn 300m, nhưng không ít người (trong đó có tôi) cũng “bó chân” không thể trèo lên tận đỉnh hoặc vào hang sâu. Bởi đồi được cấu tạo toàn những tảng đá lớn nhỏ, mà theo truyền thuyết thì các tiên nữ đã đứng trên đỉnh núi Cô Tô ném đá xuống chân núi đùa chơi. Nhiều cửa vào hang còn được thiên nhiên “bố trí” một tảng đá khổng lồ, mà muốn thì chỉ có cách bò vào.

Thạch Động Hà Tiên (Kiên Giang) là một thắng cảnh với nhiều câu chuyện thần tiên. Những giọt nước mưa qua hàng ngàn năm đã tạo nên nhiều thạch nhũ độc đáo. Tương truyền trong động có một miệng hang sâu thăm thẳm, bao nhiêu người hiếu kỳ xuống hang đều không thấy trở về. Còn trên vách hang lờ mờ hình cô gái ẻo lả, dựng nên câu chuyện “Thạch Sanh chém chằn”. Hang nằm trên núi cao, nên trong hang lúc nào cũng mát rượi. Từ cửa hang, phóng tầm mắt nhìn xa xa thấy tận Mũi Nai và cửa khẩu Xà Xía.

Hà Tiên còn có núi Đá Dựng, là “tảng đá” cao chừng trăm mét, nằm chơ vơ giữa ruộng, nhưng theo đường dẫn đi hết 14 hang động thì phải qua hơn… 3.000m. Khi chúng tôi tới, trời đang mưa rỉ rả. Mọi người sắm ngay cái áo mưa 5.000đ rồi “hiên ngang” leo xuyên màn mưa. Nhưng chẳng mấy chốc đã è ạch thở vì đường đi hết dốc đứng lại… dốc ngược.

Có điều thiên nhiên đã “đáp lễ” bằng những hang động kỳ thú. Thạch nhũ mỗi hang mỗi khác, có nơi như chiếc hồ lô (hang Dơi), có nơi thạch nhũ lại chẳng khác nào giàn khổ qua (hang khổ qua), rồi hình cá đối, rồng bay,… Có nơi gió lồng lộng cửa hang, nhìn xuống chân núi, đồng bằng trải ra trước mắt. Nhưng đặc biệt nhất là hang Trống Ngực, bởi đứng tại đây, đấm tay vào ngực nghe như có tiếng trống (?).

Nói du lịch “cảm giác mạnh” miền Tây là tôi nói thật. Phần vì cảm giác leo núi hoặc vào hang cũng cần “bình tĩnh tự tin” chớ người “yếu bóng vía” hơi khó lòng làm được. Thêm nữa, là phải “mạnh thật sự” mới đủ sức khỏe leo trèo. Các bạn trẻ thường cẩn thận kiếm một cây gậy, trang bị giày thể thao, giắt lưng một chai nước, cột thêm chiếc áo khoác ngang hông, phòng khi nắng cháy. Nhưng du lịch “cảm giác mạnh” miền Tây bạn còn có thêm “cảm giác nhẹ” rất dễ thương. Đó là giá cả phải chăng, chỉ vài ngàn đồng một chiếc vé tham quan… tùy thích. Muốn đi đâu thì đi, muốn ở bao lâu thì ở.

Thức ăn, nước uống dẫu tuốt trong hang hay trên đỉnh núi cũng không đắt hơn ở chợ bao nhiêu. Nếu gặp khó khăn, du khách còn có thể nhờ cậy các chú bé địa phương đã theo bên cạnh tự lúc nào, sẵn sàng dìu đỡ hoặc nhảy thoăn thoắt qua các tảng đá để dẫn đường. Cậu bé Thạch Cha Van học lớp 7, nói rằng sau buổi học ra đây “trèo núi” một buổi cũng được vài chục ngàn đồng, mùa hè thì khá hơn, có khi cả trăm. Những hướng dẫn viên này rất dễ thương, cứ lặng lẽ theo sau, ai cần thì giúp, không mặc cả, không đòi hỏi, tùy lòng du khách vậy.

Du lịch, GO! - Theo Phương Nam (Vĩnh Long Online)
Cá chẽm có quanh năm, nhưng mùa đánh bắt chính từ tháng 9-11 âm lịch. Hằng năm, vào mùa này, ngư dân thường chuẩn bị đồ nghề như lưới, câu để đánh bắt.

Anh Nguyễn Văn Cậy, một tay đánh bắt cá chẽm chuyên nghiệp tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, khi ngọn gió chướng thổi về là cá chẽm bắt đầu vào bờ kiếm ăn.

Do đó, các ngư dân thường săn bắt bằng cách bủa lưới dọc theo các bãi biển, gần các cửa sông hoặc xung quanh các hòn đảo có độ sâu từ 2-5 m. Gặp những lúc trời yên biển lặng, một người giăng khoảng 5 tay lưới, mỗi  ngày có thể kiếm từ  5-10 kg cá.

Còn như anh Nguyễn Văn Tùng, một ngư dân chuyên lưới cá chẽm ở hòn Đá Bạc,  cho biết, cá chẽm ở đây khá nhiều nhưng muốn bắt được loài cá này phải có kinh nghiệm: giăng như thế nào, lúc nào và giăng ở đâu? Loại cá này có thể đánh bắt ban ngày nhưng đa số dân biển thích giăng vào chiều tối và gỡ lưới trước 6 giờ sáng để kịp đưa hàng ra chợ. Phương tiện đánh bắt cá chẽm rất đa dạng như: câu, giăng lưới, lưới cào…

Ban đêm, cá chẽm lội đến đâu thường có lằn sáng đến đó, khiến cho người đánh bắt dễ phát hiện. Vì là loài cá ngon, giá trị kinh tế cao nên gần đây, nhiều nông dân bắt đầu nuôi cá chẽm.

Cá chẽm là một loài cá chắc thịt, ít chất béo, giàu Omega 3 và protein, nên được các nhà hàng chế biến thành nhiều món ngon để phục vụ thực khách, đơn cử như: nấu lẩu, chiên, chưng tương, kho lạc, đút lò…, ngon nhất phải kể đến món cá hấp.

Món cá hấp tuyệt hảo nhờ có sự phối hợp tinh tế giữa gia vị và nhiều nguyên liệu tỉ mỉ, tạo nên hương vị quyến rũ, dù là khách sành điệu khó tính nhất cũng không thể chê được. Trước hết chúng ta phải chọn cho được những con cá tươi, làm sạch, để ráo và ướp gia vị cho thấm đều.

Sau đó, cho tất cả bún, nấm, củ hành, tương, ớt, gừng, thịt bằm vào và rải tương hột đều lên mình cá trước khi đem hấp cách thủy. Nếu không muốn cầu kỳ, chúng ta có thể cho cá vào nồi hấp với hành lá hoặc xốt cà, tất cả hương vị quyện vào nhau thật độc đáo, món nào cũng chất lượng.

Hấp xong, mở nắp nồi, chúng ta điểm thêm vài cọng ngò và vài lát ớt xắt, chỉ cần nhìn sắc màu hài hòa và nghe hương vị đậm đà bốc lên cũng cảm thấy ngất ngây.

Thịt cá hấp ngòn ngọt, mằn mặn, thơm ngon và đậm đà hương vị tự nhiên. Đối với cá chẽm, dân sành điệu rất quý bộ đồ lòng “nhất da cá mú, nhì lòng cá chẽm”, cũng giống như người miền Tây khoái ruột cá lóc. Do đó, khi mổ cá to họ thường giữ lại bộ đồ lòng để chế biến thành món ngon, nhất là gan cá chẽm thì “hết chỗ chê”, vừa bùi vừa béo, còn bao tử thì vừa giòn vừa dai, cho vào miệng nhai từ từ, cảm thấy vô cùng khoái khẩu, không có gì sánh bằng.

Cá chẽm hấp, ngon nhất là ăn lúc còn nóng, không cần nhiều nước, chỉ xâm xấp là đủ ghiền. Chúng ta có thể chan nước này với bún hoặc cơm, vừa lạ miệng, vừa khoái khẩu. Ai thích ăn bánh tráng cuốn, chắc chắn sẽ hài lòng với món cá chẽm hấp. Cứ từ từ giẻ cá rồi cuốn chung với sà lách, húng cây, cải bẹ xanh… chấm với nước mắm chua cay ngon đã đời.
Đúng là món ăn “nhất xứ”.

Du lịch, GO! - Theo Tấn Thành (NLĐ), internet
Cửa Đại cách phố cổ Hội An – Quảng Nam khoảng 5km là nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển lớn. Cửa Đại được xem là “nét duyên con gái” của mẹ Hội An. Suốt cả ngày lẫn đêm, Cửa Đại có một nét đẹp riêng làm đắm lòng khách phương xa…

Những tia nắng đầu tiên của ngày mới rực chiếu ánh hồng trên cửa Đại - nơi gặp nhau của ba con sông Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng trước khi đổ về biển Đông. Xa xa là xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).

Những chiếc rớ chồ dựng trên mặt nước lung linh tạo thành bức tranh thủy mặc nơi cửa biển. Những chú cò trắng cặm cuội lượm lặt những gì còn sót lại trên những tấm lưới vàng trong khi những chú chim biển chao lượn trên bầu trời chờ những chiếc rớ quay lên là sà xuống "hôi" cá tôm. Đến khi người đàn ông đội chiếc nón gò bằng nhôm quay rớ lên cao và cầm cây roi quét bằng tre đến gần bụng rớ chúng mới chịu buông tha.

Đi trên thuyền giữa biển nước mênh mông lúc bình minh, cảm thấy mình thật nhỏ bé, như hòa tan với thiên nhiên. Thi thoảng những âm thanh cốc cốc liên hồi để đuổi cá của những ngư dân làm nghề chài lưới lại khuấy động không gian.

Khi Mặt trời nhô lên khỏi núi cũng là lúc con đò chở học sinh, công nhân... vùng cát trắng sang Hội An lao động học tập và những chiếc tàu đánh cá về cập bến cá Duy Hải. Trên bờ trở nên náo nhiệt bởi kẻ bán người mua.

Tại Cửa Đại có bãi biển cát trắng mịn trải dài. Dọc bãi biển là những resort cao cấp với nhiều phong cách. Du khách có thể tự do đi lại, tắm biển ở bất kỳ vị trí nào trên bãi biển tùy thích. Giữa khu “đất vàng” này, chính quyền địa phương đã giữ lại một diện tích lớn làm công viên bờ biển và bãi tắm công cộng. Bãi tắm luôn được giữ sạch sẽ. Những người bán hàng rong ở khu vực này cũng ý thức cao việc giữ gìn môi trường, không xả rác bừa bãi.

Được biết, một điểm du lịch là cù lao Chàm đã đi tiên phong trong việc không sử dụng bọc ni-lông, thay vào đó là sử dụng chất liệu có thể tự hủy để làm sạch môi trường. Đến Hội An, Cửa Đại, nhất là cù lao Chàm, môi trường rất trong lành, không thấy rác. Vì thế khách châu Âu rất thích đến đây vào những kỳ nghỉ.

Bãi biển Cửa Đại ban đêm như một vườn hoa đăng với những ngọn đèn bão của người bán rong. Người dân địa phương tự do buôn bán: hải sản tươi sống, khô mực nướng… giá bình dân, cách resort cao cấp vài bước chân.

Người bán hàng rất lịch sự và luôn để sẵn thau, rổ cho khách đựng rác và thu dọn gọn gàng trước khi ra về. Mỗi “bàn” là một chiếc chiếu trải trên cát, bên trên để một, hai ngọn đèn bão để khách ngồi thưởng thức hải sản, ngắm biển đêm. Bạn bè quây quần bên nhau, ăn uống trò chuyện bên bờ biển sóng vỗ rì rào, gió mát rượi… quả thật thú vị. Xa xa, Đà Nẵng sáng rực sắc màu của ánh điện…

Nhiều đôi uyên ương đã chọn Cửa Đại và Hội An để hưởng tuần trăng mật. Đi trên đường, du khách hay nhìn thấy những chiếc xe đạp đôi chạy dọc theo bờ biển rợp bóng dừa xanh mướt. Các doanh nghiệp lữ hành đã khéo léo thiết kế tour trăng mật đến điểm du lịch này, hấp dẫn nhiều du khách. Sống trong sự tiện nghi mà gần gũi của những resort ở Cửa Đại, những đôi trai gái thư thả trải qua những giây phút ngọt ngào bên nhau. Buổi sáng đón bình minh hay buổi chiều ngắm hoàng hôn trên bãi biển thật là tuyệt.

Đến với cửa Đại những ngày này du khách sẽ thấy không khí nhộn nhịp của vụ cá nam. Những chiếc rớ chồ được dựng lên đông đúc hơn bởi đang vào chính vụ. Gần đó, hàng chục chiếc cần cẩu, thuyền bè cũng hối hả thi công cầu Cửa Đại nối TP Hội An với huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Du lịch, GO! - Theo TTO, DulichPhocoHoian

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống