Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 21 July 2012

Nồi cháo trắng chín nhừ trên bếp kế bên, sẵn tay cho vào thêm một ít tép bạc đã bóc vỏ. Nồi cháo mới ngon làm sao khi cắn một nửa con cá bống cứng săn trong răng...

< Cháo trắng cùng cá bống rim.

Cuối tháng 6 âm lịch, nước sông Hậu dần nhuốm đỏ. Đứng trên cầu Cái Răng (Cần Thơ) nhìn xuống, ta thấy một dải nước đỏ như tấm lụa đào giữa hai làn nước bạc lấp lánh trong nắng.

Phải thêm nhiều ngày, nhiều tuần nữa, mưa già hơn, con nước đỏ mới nhuộm hết cả mặt sông, mới tiến sâu vào các kinh, rạch xa xôi. Bấy giờ, người ta gọi một cách chính danh: mùa nước son - mùa cá bống trứng.

Mới đầu mùa, các chợ đã thấy bày bán khá nhiều cá bống trứng. Những con cá nhỏ bằng ngón tay út, bụng căng cứng trứng vàng hượm, nổi rõ dưới làn da nâu nhạt, mỏng tang. Không lệ thuộc thời vụ, không cần đợi lúc nông nhàn, hớt cá bống trứng chỉ đợi con nước son đổ về, và thường hớt về đêm.

Chỉ cần một ngọn đèn chong, một chiếc xuồng tam bản và một cái rổ xúc là người ta “khoèo” dầm tách bến, tiến về phía mấy giề lục bình trôi. Và, mặt rổ cắt xéo góc 45 độ so với mặt nước, phía dưới bộ rễ lục bình. Vục sâu rổ vào, lật ngang, nhanh tay giở lên khỏi mặt nước. Gạt lục bình ra. Những con cá bống trứng lẫn tép bạc nhảy xoi xói trong lòng rổ.

Nhưng, đầu mùa, lượng cá bống trứng chẳng mùi mẽ gì so với “chính vụ”. Đó là rằm tháng tám âm lịch. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc của đêm Trung thu, thường là dưới những cơn mưa rỉ rả, cá bống trứng ở đâu không biết, quần tụ, bám đầy rễ các giề lục bình làm ổ đẻ.

Với duy nhất một đêm “chính vụ”, dòng kinh, con rạch như đêm hội hoa đăng. Đèn chong chấp chới, lập lòe trên sông nước. Những cái rổ khi giở lên, lúc lại “chém” xuống nước khiến đêm thôn quê xao động.

Về nhà. Đổ cá ra, hớt mang, đuôi, làm sạch vảy bằng cách chà mớ cá trong chiếc rổ tre. Rửa sạch, cho vào ơ, kho khô, chế chút mỡ, rắc tiêu xay. Nồi cháo trắng chín nhừ trên bếp kế bên, sẵn tay cho vào thêm một ít tép bạc đã bóc vỏ. Nồi cháo mới ngon làm sao khi cắn một nửa con cá bống cứng săn trong răng.
Bao nhiêu sức lực hao phí vừa qua, cái lạnh của đêm mưa dầm nhanh chóng biến mất...

Ở Bến Tre còn có món cá bống trứng kho sả. Cá kho bằng ơ đất, chế nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy, ăn cùng bắp chuối đập và đọt lục bình.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, internet

Friday, 20 July 2012

Từ lâu tôi đã nghe nói nhiều về một ngôi làng hết sức đặc biệt, đặc biệt từ sự hình thành cũng như cuộc sống hiện tại của các cư dân giữa đại ngàn Tây Nguyên. Đó là ở xã Cư M'lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có một làng nằm giữa rừng sâu, cách trung tâm huyện gần 30km. Một làng không giống như bao làng khác ở chỗ: Không đường đi, không điện thắp sáng, không trường học, không trạm y tế và không có đủ thứ khác nữa. Làng được quản lý bởi một "Nữ chúa", có một cái tên rất là huyền bí: Bàn Diệu An Kỳ…

Gian nan đường vào làng

Đã nhiều lần tôi có ý định tìm đường vào thăm làng của "Nữ chúa" An Kỳ nhưng những người quen là người địa phương đã ngăn cản khi cho tôi biết: Vào mùa mưa, chỉ mỗi cách đi bộ. Mà phải đi cả ngày. Đường trơn trượt như đổ mỡ, ngoằn ngoèo, heo hút xuyên giữa rừng rậm.

Hàng chục cây số không một nhà dân, không một bóng người. Mưa rừng luôn bất thường, nước suối dâng lên đột ngột, giăng kín mọi ngả, không nơi trú thân, sơ ý không kịp là lũ cuốn trôi. Rừng nơi đây là rừng già nguyên sinh nên có nhiều thú dữ, người trong làng đi lại còn cảm thấy sợ hãi, chứ đừng nói anh lại là người lạ… Chỉ có mùa khô, có người dẫn đường, khi đó anh mới vào thăm làng được.

Ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M'lan phân công anh Nguyễn Tấn Tuấn (27 tuổi), cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Cư M'lan và 2 thanh niên to khỏe khác đưa tôi vào làng "Nữ chúa". Đoàn 4 người chúng tôi khởi hành cùng với 2 con ngựa máy. Xe chạy vòng vèo phi qua các gốc cây, khi thì đầu xe chúi xuống tôi cảm tưởng mặt mình sát với mặt đất, khi thì xe lên dốc thẳng đứng, tôi phải cố gắng ôm chặt eo Tuấn để khỏi phải rớt lại.

Phải thừa nhận Tuấn khỏe, tay lái cứng mới có thể điều khiển được con ngựa sắt leo chênh vênh trên các mỏm đồi núi mà không hề bị trượt té. Dọc đường đi có nhiều đoạn xe trâu, xe Yangma kéo gỗ của lâm tặc chà đi, xát lại, đất thành bột dày cả tấc, khiến bánh xe quay tít mà không nhích lên được, chúng tôi phải xuống xe, gò lưng đẩy. Thi thoảng trên lối mòn lại thấy một khúc gỗ cam xe, hoặc gõ mật, hoặc cẩm lai… còn tươi rói. Vừa đi Tuấn vừa cho biết:  Đấy là gỗ bọn lâm tặc chặt trộm. Mùa này rừng khô, chúng đi tìm gỗ quý chặt đưa ra dọc lối mòn, chờ đêm đến dùng xe trâu kéo ra...


< Một góc làng “Nữ Chúa”.

Sau khi qua hơn chục cây số rừng khộp thoáng đãng vì về mùa khô cây khộp rụng hết lá. Phía trước chúng tôi là rừng rậm âm u tươi xanh. Tuấn giống như một hướng dẫn viên du lịch cho biết: Bây giờ anh em mình sẽ phải chui vào vào một loại rừng khác, rừng mát mẻ hơn, nhưng rậm rạp và âm u hơn. Rừng ở đấy còn nhiều thú lắm. Đất ở đây là đất đỏ khá màu mỡ, nhưng mùa mưa thì sẽ trơn trượt, nhầy nhụa...

Sau gần 3 giờ đồng hồ gian nan vất vả, chúng tôi mới vượt được gần 30 cây số để vào làng. Từ xa những căn nhà tranh xiêu vẹo, ẩn hiện nơi góc rừng.

Diện kiến "Nữ chúa" rừng xanh

Ngôi làng này có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt ngay từ cái tên gọi. Làng của "Nữ chúa" Bàn Diệu An Kỳ, được người dân ở thị trấn Ea Súp gọi bằng nhiều cách khác nhau: Làng Bà Kỳ (vì bà Kỳ là trưởng làng), làng Đất Đỏ (vì làng ở trên vùng đất đỏ duy nhất của huyện Ea Súp), làng 265 (vì làng nằm trong tiểu khu rừng 265 thuộc Công ty lâm nghiệp Cư M'lan). Đặc biệt hơn cả là làng còn có tên là làng Bốn Không (vì làng không có trường học, không có bệnh xá, không có đường đi - chỉ đi theo lối mòn- không có điện thắp sáng. Trước đây hơn 1 năm, làng không có cả chính quyền mà chỉ có "Tù trưởng" là bà An Kỳ, do dân tôn sùng bầu lên. Bây giờ thì làng đã có chính quyền lâm thời, do bà An Kỳ làm Trưởng làng, ông Chiến Sinh Sồi làm Phó làng và ông Hoàng Ngọc Cường làm Công an viên.

< Hiền hậu và mến khách - “Nữ chúa” làng Bàn Diệu An Kỳ.

"Nữ chúa" An Kỳ còn khá trẻ. Tuổi Giáp Thìn (1964). Thời thanh xuân có lẽ bà là một mỹ nhân. Khuôn mặt tròn. Da ngăm ngăm bánh mật. Đuôi mắt dài. Khóe miệng tươi, rất có duyên. Vừa chạm mặt bà, tôi nhận ra ngay sự từng trải, thông minh, nhanh nhẹn, biết nhiều chuyện. Bà Trưởng làng xởi lởi và đon đả, giọng ngọt, tíu tít chào hỏi khách. Bà nói được 6 thứ tiếng, gồm Mán, Mường, Tày, Nùng, Mông và Kinh. Thấy bà dắt 2 đứa bé giống nhau chừng 5 tuổi, tôi hỏi bà: - Cháu của chị hả? Bà cười rất tự nhiên và nói cũng rất tự nhiên: - Con tôi đấy chứ. Sinh đôi năm 2003 đó. Trước đó tôi đã có 1 đứa con trai và 4 đứa con gái, đứa thứ 5 đã 12 tuổi, nhưng vẫn mong mỏi có thêm một đứa con trai. Gặp được người đàn ông đẹp mã, ăn nói có duyên, tôi quan hệ với anh ta để kiếm thêm đứa con trai, nào ngờ lại cho ra một cặp như thế này…

Đời sống cư dân giữa rừng già

Theo báo cáo của UBND xã Cư M'lan thì làng "Nữ chúa" có 76 hộ, 324 nhân khẩu. Nhưng theo bà An Kỳ thì hiện giờ có tới 90 hộ, gần 400 người. 100% người làng là dân di cư tự do, từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2003, nhiều nhất là Cao Bằng, Lạng Sơn. Cái bức xúc nhất của xã Cư M'lan và huyện Ea Súp trước đây là đồng bào phá rừng ghê gớm quá. Bình quân mỗi hộ có 2 ha rẫy, tức là gần 200ha rừng (mà là rừng giàu hẳn hoi) ở đây bị tàn phá. Vì thế năm 2004 huyện đã mở chiến dịch bốc dời toàn bộ các hộ dân ở đây sang xã Cư Kbang (thuộc huyện) để dễ quản lý. Nhưng rồi chỉ ba tháng sau, người dân lại trở về nơi đây, vì "sang bên kia không hợp, không thể sống được, chết chúng tôi cũng quay về". Thế là huyện Ea Súp và cả tỉnh Đắk Lắk đành phải chấp nhận, xem đây là một điểm dân cư mới. Nhưng vì quá xa xôi, cách trở, làng "Bà Chúa" gần như bị bỏ rơi.

Mãi tới năm 2008, chính quyền lâm thời của thôn mới được thành lập. "Nữ chúa" lãnh chức trưởng thôn. Nhưng hầu như mọi chuyện của làng thì vẫn do làng tự giải quyết, xã, huyện không đủ sức ôm. Vì thế làng hiện giờ có gần 150 trẻ em, nhưng chỉ có 5 cháu được đi học, phải ra tận buôn Cháy, xã Ea M'Ró, huyện Cư M'ga, cách 30 cây số để học. Làng không có y tá nào. Ai ốm đau chỉ mỗi cách duy nhất là… cúng ma. Điện thắp sáng là chuyện trong mơ. Đêm cả làng chỉ có leo lét đôi ngọn đèn dầu và ánh sáng bập bùng từ than củi…

Không có nhiều thời gian để tỉ tê chuyện vui, chuyện buồn, để hiểu hết những tâm sự của bà con ở đây, tôi chỉ đi thăm được chục hộ trong làng, nhưng tôi hiểu: Đời sống của bà con nhiều khốn khó lắm. Không còn đói, vì nhà thu hoạch ít nhất cũng có 2 - 5 tấn bắp và đậu, có nhà tới 15 tấn. Nhưng cái ăn hằng ngày chủ yếu vẫn là bắp, gạo thi thoảng mới có, vì ở đây không có ruộng nước. Bà con sống tự cung, tự cấp là chủ yếu. Lâu lâu vài ba tháng mới có dịp ra chợ huyện Ea Súp 1 lần để mua mắm, muối, cá khô, đèn dầu về dùng cho hai ba tháng sau. Gần 90% vẫn là nhà lợp tranh, chỉ có khoảng bảy tám nhà lợp tôn. Bà con vẫn sống chìm trong màn sương hủ tục, trong sự tự ti, ngại ngùng. Khát khao hàng đầu của bà con nơi đây là được chính quyền huyện Ea Súp và tỉnh Đắk Lắk quan tâm giúp dân mở một con đường từ làng ra huyện.

Chúng tôi được biết, huyện Ea Súp cũng đã lập dự án mở đường vào làng từ năm ngoái, nhưng đang phải chờ các ngành chức năng của tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Du lịch, GO! - Theo CAND, internet
Vải thiều là loại cây trái đặc hữu của tỉnh Bắc Giang. Đang mùa vải thiều ra hoa thơm ngát, thật tiếc khi Bắc Giang chưa khai thác được thế mạnh này để tổ chức những tour du lịch sinh thái vườn đồi, ngắm hoa giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Giá như tour du lịch độc đáo này được khai thác, có thể liên kết với tuyến du lịch qua các điểm đến nổi tiếng của Bắc Giang như tổ đình Vĩnh Nghiêm - suối Mỡ - hồ Cấm Sơn - hồ Khuôn...

Có lạc bước vào những khu vườn đồi bát ngát vải thiều đang rộ hoa, hương thơm sực nức quyến rũ những đàn ong mật mới hay lâu nay dường như vẻ đẹp của hoa vải thiều chẳng được mấy ai để ý.

Từ tháng 4 đến tháng 5, hoa vải thiều bung nở trắng khắp mọi nơi trên mảnh đất phên giậu, để rồi không lâu nữa những vườn vải sẽ trĩu thứ quả ngọt thơm từng là sản vật tiến vua ngày xưa.

< Những vườn vải thiều rộ hoa đến ngút tầm mắt.

Tương truyền Dương Quý Phi rất thích ăn quả lệ chi (vải thiều) chỉ ở đất Việt phương Nam mới có, nên Đường Minh Hoàng bắt dân ta phải cống nộp vải thiều sang Trung Hoa. Mai Thúc Loan là một trong vô số dân phu phải gánh vải sang kinh đô nhà Đường cống nộp, trở về ông kêu gọi những dân phu gánh vải nổi dậy. Từ một nhóm mấy trăm người buổi đầu, Mai Thúc Loan phát triển cuộc khởi nghĩa chống xâm lược phương Bắc ra khắp vùng (Thanh - Nghệ - Tĩnh), đến năm 713 ông lên làm vua và được dân gian gọi là Mai Hắc Đế.

< Ong được đưa từ các tỉnh phía Nam ra Bắc Giang để lấy mật hoa vải thiều.

Tại Bắc Giang, vải thiều được trồng ở các huyện Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang... nhưng nhiều nhất và nổi tiếng hơn cả là vải thiều Lục Ngạn. Được xem như “vương quốc vải thiều” của VN, Lục Ngạn hiện có khoảng 18.500ha trồng vải. Mươi năm về trước vải Lục Ngạn có giá trị kinh tế cao nên được gọi là “cây xóa đói giảm nghèo” bởi nhiều gia đình giàu lên nhờ vải thiều Lục Ngạn, và quả vải đã góp phần quan trọng làm đổi thay bộ mặt của một huyện vùng cao nghèo khó của Bắc Giang.

Theo ông Lý Lâm - người trồng vải thiều ở xã Quý Sơn của Lục Ngạn, năm nay do đợt giá rét kéo dài đến ngoài tết âm lịch nên hoa vải thiều nở muộn hơn, tuy nhiên hoa vẫn nở rất nhiều và đều hơn so với mọi năm. Đến Bắc Giang mùa này, du khách đi dọc quốc lộ 31 đoạn Lục Nam - Lục Ngạn sẽ mãn nhãn trước những cánh rừng vải thiều mênh mông phủ trắng sắc hoa.

Hoa sum sê, hoa chíu chít chen lấn trên cành, tỏa hương vào không gian cho gió của tiết trời chớm hạ chở đi xa... khiến lòng lữ khách càng thêm say đắm. Đây cũng là lúc các đàn ong đông đúc được di chuyển từ Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai... về Bắc Giang để khai thác nguồn lợi thiên nhiên quý giá này.

< Lấy mật ong.

Trong khu vườn rộng chừng 5ha của gia đình ông Lý Lâm, những rặng cây vải thiều thẳng hàng, đều tăm tắp đang nở rộ, trên cành ong đua nhau hút nhụy tạo nên âm thanh rì rào khiến khu vườn trở nên sống động, vui tươi hẳn lên. Sẽ không thể thiếu chai mật ong vải thiều nguyên chất làm quà khi du khách rời những vườn vải ở Lục Ngạn.

Tạm biệt những vườn vải đang rộ hoa, dường như niềm vui của người trồng vải còn lan sang khách: mùa hoa năm nay hứa hẹn cho một mùa vụ bội thu, từ tháng 6 đến tháng 7 những chùm vải thiều chín mọng, đỏ tươi, ngọt lịm sẽ có mặt khắp nơi trong cả nước...

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Văn Hưởng (TTO), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống