Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 21 July 2012

Bãi biển Mỹ Thủy thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng cách thị trấn Hải Lăng 18km về phía Đông, cách thị xã Quảng Trị 26km về phía Đông Nam, cách thành phố Huế 50km về phía Đông Bắc.

Đây là bãi biển có bãi cát trắng dài, phẳng mịn và sạch, mang trong mình đầy vẻ nguyên sơ về duyên dáng kỳ lạ. Môi trường ở đây khá lý tưởng. Nơi đây hàng năm vào mùa hè đã thu hút được lượng khách tắm biển khá đông có lúc lên tới 2000 người.

Đặc biệt từ năm 1999, bãi biển Thuận An ở Huế bị lũ lụt làm hư hại thì bãi biển Mỹ Thủy là nơi hấp dẫn khách du lịch từ thành phố Huế ra nghỉ ngơi, tắm biển tại nơi này.

Vài năm gần đây, địa danh Mỹ Thuỷ đã xuất hiện ngày một nhiều trong các hội nghị, hội thảo bàn về những kế sách mang tính chiến lược mới, đột phá mới của tỉnh Quảng Trị, đã vang lên đầy hấp dẫn, mới mẻ trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với các đối tác nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Trị, đặc biệt, cái tên ấy đã ghi dấu ấn, đã đọng lại trên bàn giấy của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Mỹ Thuỷ, tên của một miền quê đau thương mà anh dũng, quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm, tên của một vùng biển thân thương của Quảng Trị đã hồi sinh trên hoang tàn, đổ nát chiến tranh và đang từng bước khởi sắc thay da đổi thịt trong các dự án lớn.

Mỹ Thuỷ có tiềm năng về cảng biển nước sâu nên khá thuận tiện trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Nếu phát triển song song với du lịch thì thật tuyệt, còn nghiêng về kinh tế thì bạn hãy làm một chuyến về bãi biển Mỹ Thủy khi nó còn tồn tại...

Du lịch, GO! - Theo web Quangtri và nhiều nguồn khác
“Ai yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn, Chapi...” - ông Mấu Xuân Điệp, còn được gọi là ama Điệp ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa là nghệ nhân duy nhất biết cách chế tác đàn Chapi và chơi đầy đủ các làn điệu của đàn.

Đàn của người Raglai

Ama Điệp giải thích: “Người Raglai rất thích nghe tiếng đàn Mã La. Tuy nhiên 1 bộ Mã La từ 9-12 chiếc phải đổi bằng 18-24 con bò mới có thể sắm được.

Ngày trước, người Raglai chỉ có những nhà giàu mới sắm được đầy đủ 4 chiếc tượng trưng cho cha, mẹ, chị gái đầu, em gái út... Vì vậy, dân gian Raglai đã sáng tạo đàn Chapi với âm hưởng gần giống đàn Mã La để chào đón ngày lễ lớn và sinh hoạt thường ngày”.

Đàn Chapi gồm 6 làn điệu với 6 mục đích sử dụng mang ý nghĩa tùy thuộc vào 6 thời điểm quan trọng của người Raglai là: điệu thường đánh trong lễ bỏ mả, điệu đánh trong đám cưới, điệu đánh vào ngày mùa, điệu hát giao duyên, điệu hát về chim cu gáy, điệu đánh mừng lúa mới.

Ama Điệp cho biết: “Đàn Chapi độc đáo ở chỗ khi nghệ nhân đàn lên, trong sự tĩnh lặng của núi rừng, ta sẽ thấy như có suối chảy róc rách, như có tiếng đàn Tơ - rưng, lắng sâu hơn là sự rắn rỏi của đàn đá, nhắm mắt lại ta mường tượng như 8, 9 thanh niên đang chơi Mã La vậy. Độc đáo còn ở chỗ đàn Chapi là sản phẩm dân gian thuộc loại lâu đời nhất”.

Hiện nay, Ama Điệp vẫn thường lui tới con đèo ở Khánh Sơn để chơi đàn cho bạn bè làm nương rẫy nghe.

Khi đánh đàn Chapi, người đánh phải nâng đàn lên gần ngang ngực. Sau đó ghì sát đầu ống để rỗng vào người để giữ âm lại trong ruột đàn. Hai bàn tay vừa để giữ đàn, vừa để khảy các dây đàn theo nhịp điệu của những khúc nhạc dân gian.

Nếu chuyên tâm học chỉ cần khoảng 10 ngày là có thể sử dụng được đàn Chapi nhưng để thành thạo tất cả 6 giai điệu của loại nhạc cụ này thì có khi phải mất cả đời.

Công việc chế tạo đàn Chapi cũng đòi hỏi lắm kỳ công. Cây đàn chỉ dài bằng 1 đốt tre chừng 30 cm, có 12 dây chia làm 6 cặp. 1 đầu ống tre được khoét lỗ, đầu kia để rỗng. Đặc biệt là con đội, có khả năng tạo độ căng cho dây đàn và tạo âm cho đàn.

Việc chọn nguyên liệu không hề đơn giản. Trước hết, phải chọn được cây tre mọc trên núi cao, khoảng 1 năm tuổi. Khi chặt tre về làm đàn, phải lựa đúng ngày 27, 29 âm lịch để tránh mối, mọt sau này. Tre phải phơi nắng ít nhất 1 tháng nếu không nứt, khô cong mới có thể đem ra chế tác đàn.

Các dây đàn Chapi cũng được tách ra từ thân ống tre đã chọn làm nhạc cụ. Chế dây đàn là khó nhất vì dễ bị rách dây. 6 cặp dây đàn phải được căn chỉnh hợp lý, kĩ lưỡng cả mặt trên và mặt dưới của đàn. Khi đánh đàn nếu không nghe được tiếng giống tiếng Mã La nhưng thanh hơn, thì phải làm lại cái khác.

Đàn Chapi có lịch sử hàng ngàn năm. Ông Mấu Xuân Điệp cho biết: “Để có được chiếc đàn Chapi như ý phải mất một tháng và chọn lựa, chế tác kỹ càng”.

Ngày mai Chapi...

Ama Điệp nói: “Núi rừng Tà Nĩa mây ngang đỉnh núi, đèo Khánh Lê với những khu rừng nguyên sinh mới là nơi để tiếng đàn Chapi vang đi xa nhất. Chapi phải đánh cho thôn bản, xóm làng vào ngày lễ hội mới là vui nhất. Ngày xưa, chỗ mình đâu đâu cũng có tiếng đàn Chapi”.

Sương đêm Tà Nĩa làm câu chuyện của Ama Điệp thêm buồn: “Ngày nay giới trẻ Raglai đã không còn ai chơi loại nhạc cụ này nữa rồi. Mình muốn truyền lại cho con, cho cháu mà không đứa nào chịu học, nhiều khi cũng buồn mà không biết làm sao”.

Thời xưa, đàn Chapi có trong mỗi gia đình Raglai, và chỉ những người trụ cột trong gia đình mới được giữ nó. “Còn bây giờ nhiều thanh niên Raglai đã không còn biết cách làm, cách khảy”. Khán giả trung thành nhất của Ama Điệp chính là người vợ của ông, bà Mấu Thị Mười.

Được biết, hiện nay cả khu vực Khánh Sơn chỉ còn 3 người biết khảy Chapi. Nhưng chỉ Ama Điệp là người duy nhất thường xuyên sử dụng loại nhạc cụ này. Ông đã từng đem đàn Chapi đi thi tài năng âm nhạc do tỉnh tổ chức vào năm 2004, 2011, và đều được giải cao.

--------------

Trong một chuyến đi tìm nhạc cụ dân tộc Việt Nam để giới thiệu tại Pháp, Trần Tiến đã tìm đến một vùng núi của tỉnh Ninh Thuận. Gặp được cây đàn mà anh rất thích, ở đây, người ta gọi là đàn Chapi. Anh nói với người chủ mình là nhạc sĩ và ngỏ ý muốn mua cây đàn này. Người chủ cây đàn đáp với anh rằng: " Nếu anh thích thì tôi sẽ tặng anh. Tôi không bán đâu vì đã mười mấy năm rồi tôi không dùng đến tiền".

Nhạc sĩ Trần Tiến thật sự bất ngờ vì câu trả lời của người chủ cây đàn. Từ đó, khơi nguồn cảm xúc cho anh sáng tác nên "giấc mơ Chapi".

Giấc mơ Chapi được hát đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và Hà Lan do chính tác giả trình bày và đó cũng là lần đầu tiên đàn Chapi được giới thiệu với bạn bè quốc tế. Khi về nước, với chất giọng hào sảng của ca sĩ Y Moan đã giúp ông thể hiện thành công bài hát này.

Do âm hưởng hùng ca của núi rừng nên nhiều người đã lầm tưởng đàn Chapi xuất xứ từ một vùng quê ở Tây Nguyên. Đó quả là một điều đáng tiếc với mảnh đất Ninh Thuận, cái nôi của đàn Chapi.

Thấy có khách từ miền xuôi lên thăm, ông Chamaléa Âu tự tay pha trà nóng đưa ra mời. Tấm lòng người Raglai rộng mở, ông thân mật tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà xây dựng khang trang ở đầu thôn Do. Chamaléa Âu đã qua gần sáu mươi mùa rẫy, nhưng bước đi dáng dứng lanh lợi như con nai, con sóc giữa rừng già Ma Nới. Bàn tay của ông sần sùi chắc nịch như cây lim, cây mấu. Có lẽ cuộc sống nương rẫy trên núi cao, với tâm hồn phóng khoáng cùng gió núi, hương rừng đã tạo cho ông có sức vóc khỏe mạnh. Tôi rất mê phong cách biểu diễn đàn Chapi rất hồn nhiên của ông. Khuôn mặt sạm nắng, râu  tua tủa, nụ cười hồn hậu gởi lòng theo tiếng đàn bập bùng hòa quyện cùng tiếng nước sông Do.

Thời trai trẻ, Chamaléa Âu đã từng là Bộ đội Cụ Hồ đánh giặc bảo vệ bản làng trên vùng chiến khu Anh Dũng. Khi đất nước thanh bình, ông phục viên trở về với núi rừng Ma Nới làm rẫy nuôi con. Sống giữa vùng nương rẫy mênh mông, nhìn thấy cây bắp trổ cờ, cây lúa đơm bông, lòng ông da diết nhớ tiếng đàn Chapi. Hồi nhỏ, ông được người cậu ruột là Chamaléa Lư hướng dẫn làm đàn và đánh đàn Chapi. Tiếng đàn Chapi đã từng theo ông suốt thời gian dài trong kháng chiến, cho đến ngày giải phóng rồi trở về làng quyết tâm khôi phục nhạc cụ Chapi.

“Tôi rất biết ơn Nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát "Giấc mơ Chapi" của ổng đã nói đúng bụng, đúng dạ đồng bào Raglai Ninh Thuận. Tôi cố gắng chế tác, biểu diễn và truyền nghề làm đàn Chapi cho con cháu bản làng. Cây đàn Chapi rất gọn nhẹ nếu du khách đến thăm Ninh Thuận có nhu cầu làm quà lưu niệm, tôi cũng sẵn sàng phục vụ. Tôi mong được đưa tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh Thuận đến với các dân tộc anh em trong cả nước”, nghệ nhân Chamaléa Âu bày tỏ ước mong.

Du lịch, GO! - Theo Đức Thọ (Bee), Thái Sơn Ngọc (báo Ninhthuan), internet
Theo chương trình khảo sát tour trong khuôn khổ hội thảo "Liên kết phát triển du lịch đồng bằng – biển đảo" do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Sở VH, TT&DL tỉnh Kiên Giang thực hiện với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang, chúng tôi đã có một chuyến đi thú vị đến quần đảo Bà Lụa - Ba Hòn Đầm, thuộc ấp Hòn Ngang, xã đảo Sơn Hải (huyện Kiên Lương).

Việc đi bộ qua biển nghe có vẻ lạ tai, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được điều này nếu đến quần đảo Bà Lụa. Nơi bạn đến là nơi xa nhất của quần đảo Bà Lụa – Ba Hòn Đầm. Dân địa phương giải thích rằng thời Pháp thuộc, tàu Pháp thường ghé đây để cho vợ sĩ quan Pháp (dân ta vẫn quen gọi là bà đầm) tắm biển, nên riết rồi thành địa danh Ba Hòn Đầm.
Tên gọi của từng hòn là Hòn Giếng, Hòn Đước và Hòn Dương. Nơi đây cảnh sắc hữu tình, hoang sơ, trời, biển, núi đồi như hoà quyện vào nhau. Toàn bộ quần đảo Bà Lụa có khoảng 37 hòn đảo nổi lớn nhỏ quần tụ với nhau, nên còn được nhiều du khách ví như Vịnh Hạ Long của phương Nam.

Bạn nên tham quan Ba Hòn Đầm với nhóm bạn khoảng 10 người trở lại là lý tưởng nhất, hành trang chuẩn bị cần đủ cho một chuyến đi nghỉ vào 2 ngày cuối tuần, bao gồm cả lều bạt để cắm trại qua đêm trên bờ biển.

Phương tiện thì tuỳ sở thích và điều kiện mà có thể đi bằng xe máy, ô tô, hay thậm chí đi bằng xe khách chất lượng cao cũng không có vấn đề gì. Nếu đi từ thành phố Rạch Giá bằng phương tiện cá nhân, các bạn nên khởi hành vào khoảng 7 giờ sáng.

Xuôi theo quốc lộ 80, đến thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất), dưới chân cầu Tri Tôn bạn nên dành thời gian rẽ trái đi về xã Thổ Sơn để tham quan tháp truyền hình Hòn Me của VTV cao nhất ĐBSCL, thăm và thắp hương viếng mộ anh hùng Phan Thị Ràng – nguyên mẫu của nhân vật Chị Sứ trong tác phẩm nổi tiếng "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức. Thăm thú nghỉ ngơi thư giãn xong, chúng ta trở ra quốc lộ 80 tiếp tục hành trình về xã Bình An (huyện Kiên Lương).

Theo lộ trình như vậy, đến Bình An đã vào giữa trưa. Tại đây các bạn sẽ nghỉ ngơi, ăn trưa, tham quan Chùa Hang (tên chính thức là Hải Sơn Tự). Đây là một ngôi chùa cổ toạ lạc trong lòng hang núi với nhiều nét văn hoá tín ngưỡng tâm linh rất đặc sắc cho các bạn khám phá, tìm hiểu. Ra khỏi Chùa Hang là tới bờ biển cát vàng với những hàng cây dương, cây dừa, thốt nốt... toả bóng râm mát rượi. Nhìn ra biển bạn sẽ ngắm hòn Phụ Tử nổi tiếng cả trước và sau khi đã gãy đổ một trong hai trụ đá. Bên bờ biển có cung cấp một số dịch vụ cơ bản cho du khách như: ăn ghẹ, tôm tích, ngồi nghỉ ngơi thư giãn, chụp ảnh lưu niệm... Nhưng bạn chớ nên sa đà ở Chùa Hang, vì điểm đến Ba Hòn Đầm mới thực sự hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tại bến du thuyền Chùa Hang, bạn mua vé đi Ba Hòn Đầm với giá chỉ khoảng vài chục ngàn đồng mỗi người. Gọi là du thuyền cho sang, chứ thực ra đó là những chiếc tàu đánh cá nhỏ của ngư dân được tân trang rồi cải tiến để chở du khách, không sang trọng nhưng khá tươm tất, sạch sẽ. Trước khi đi các bạn nên kiểm lại hành trang xem đã có đủ nước uống và đồ dùng cho một đêm cắm trại hay chưa. Bạn nào say sóng thì trước đó 30 phút nên uống thuốc, nhưng đề phòng vậy thôi, chứ hôm chúng tôi đi đoàn 60 người với rất đông phụ nữ mà không có ai cảm thấy khó chịu chút nào. Xong xuôi rồi thì lên thuyền và bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.

Cảm giác bồng bềnh trên biển khơi lộng gió, vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên, ôm đàn ca hát, hay lai rai một ít rượu, bia thì càng hấp dẫn. Theo nhịp lắc lư của du thuyền, những hòn đảo lần lượt nối nhau hiện lên trong tầm mắt với đủ hình thù, trong đó rất nhiều hòn chưa có tên và các bạn có thể tuỳ uý đặt theo trí tưởng tượng của mình. Cứ thế cảnh vật thiên nhiên không ngừng chuyển động thay đổi, khiến mọi cảm giác lo toan, mệt mỏi trong bạn sẽ tan biến hết, bạn sẽ cảm thấy như lạc vào một thế giới khác hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thản tâm hồn.

Kết thúc hải trình, du thuyền sẽ cập bến tại Hòn Giếng. Ở đây chỉ có duy nhất gia đình chị Phạm Tô Thuỷ sinh sống với ba ruột, chồng và hai con.
Chị Thuỷ kể: Gia đình tui sống ở đây đã hơn 40 năm nay rồi. Trước vùng đảo này có nhiều gia đình, nhưng vì chiến tranh ác liệt họ chạy giặc hết chỉ còn ba tui bám trụ ở lại. Nhà tui đã chuyển... hòn vài ba bận, tới khi thấy qua hòn này sinh sống được mới ở lại, cất nhà ổn định. Anh Phan Tấn Tài – chồng của chị Thuỷ cho biết: Thu nhập chính của gia đình trước đây nhờ vào đánh bắt hải sản trên biển, chỉ tạm đủ sống qua ngày.

Cách đây gần 20 năm, ba vợ tui là người đầu tiên thử nuôi cá bống mú bằng bè trên biển, nghề này cho thu nhập khá. Hiện gia đình đang thả nuôi khoảng trên một thiên (1 ngàn con cá), mỗi năm trừ chi phí thu nhập cũng được khoảng 60 chục triệu đồng. Ngoài ra nhà tui còn trồng rừng phòng hộ theo hướng dẫn của Nhà nước, trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài, thanh trà, mít... để tăng thêm thu nhập.

Vài năm nay, các công ty du lịch thường đưa ra khách ra tham quan nên cũng có thêm nguồn thu kha khá nữa, nhưng chủ yếu làm cho vui, vì ở đảo thiếu hơi người lắm ! "Nước sạch thì khoan giếng, còn điện thì chạy máy đèn (máy phát điện), nhưng chủ yếu để thắp sáng và xem tivi, còn quạt máy hoàn toàn không cần vì bốn bề gió lộng quanh năm, tối lạnh muốn chết" – anh Tài nói vui.

Tới nơi rồi, các bạn hãy thay đồ ngắn để lội xuống biển tự tay mình bắt Nhum, Cà Xịu lên ăn. Nhum là động vật biển, có gai đen tua tủa xung quanh, bạn phải dùng vợt để vớt. Vớt xong bạn sẽ sàng mạnh trong nước biển để gai Nhum gãy hết. Lúc này bạn sẽ vắt chanh ăn sống, hoặc nướng lên đều rất thơm ngon, nhưng khuyến cáo bạn nào yếu bụng không nên ăn nhiều vì sẽ dễ bị... "Tào Tháo rượt" lắm.

Cà Xịu là loài nhuyễn thể vỏ rất mỏng, điểm đặc biệt là có một phần cơ thể hình que dài thò ra ngoài cắm sâu xuống cát biển, dân địa phương nói vui là cái que đó dùng để làm ngoại giao. Nhổ Cà Xịu lên, không cần rửa gì hết, bạn cứ để nguyên như vậy ngâm nước mắm ngon cho thấm, sau đó trộn với rau răm, lá quế ăn vừa giòn, vừa thơm, vừa mằn mặn, ngòn ngọt, chỉ một lần bạn sẽ nhớ mãi. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều loại ốc ăn rất ngon như: ốc voi, ốc vá, ốc vú nàng, ốc cờ, hàu sữa... Các loại cá, cua, ghẹ, tôm... cũng được gia đình chị Thuỷ cung cấp khá đầy đủ, giá cả chắc chắn rẻ hơn ở đất liền, lại rất tươi ngon.

Bãi biển Ba Hòn Đầm toàn sỏi lớn nhỏ, màu sắc khác nhau, bạn có thể lang thang hàng giờ để chọn cho mình những hòn sỏi hình dáng lạ mắt, màu sắc phong phú mang về trang trí chậu hoa, hoặc bồn cá trong nhà. Chiều xuống là lúc thuỷ triều thấp, bạn có thể đi bộ từ hòn này qua hòn kia thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của 7 gia đình "Robinson" ở ba hòn.

Đáy biển nơi đây hết sỏi sẽ tới cát mịn, hoàn toàn không có sình nên rất sạch. Khi đi bạn nên báo cho gia đình chị Thuỷ biết để được hướng dẫn cẩn thận. Lúc nước cao nhất cũng chỉ ngang lưng quần, nên việc đi bộ vượt biển của người dân địa phương ở đây là chuyện thường ngày. Nếu sợ ướt đồ, thì họ sẽ lấy chiếc xuồng nhỏ bơi đi thăm hỏi, mời nhau bữa cơm, chén rượu lúc chiều tàn. Nhìn cuộc sống nơi đây các bạn sẽ ao ước có một ngày mình trở thành chúa đảo. Sống một cuộc đời giản dị, không hẳn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng rất riêng tư và bình yên, thanh thản giữa thiên nhiên tinh khiết trong lành.

Tất cả những món ăn bạn đều có thể tự tay chế biến, có như vậy mới cảm nhận hết cái thú của một chuyến du lịch đến một nơi còn rất hoang sơ. Các bạn có thể phân công nhau mỗi người một việc, kẻ nướng hải sản, người lo lấy nước đá ngâm bia, người lo trải bạt ra bờ biển, chuẩn bị cho buổi tiệc ngoài trời. Bạn nên vui chơi cho thoả thích rồi hãy nhập tiệc vào lúc chiều muộn. Không thích dùng đèn điện thì các bạn có thể đốt một đống lửa nhỏ, như vậy sẽ rất ấm cúng. Nghỉ đêm đã có chủ nhà sắp xếp cho bạn, tất nhiên là ngủ bụi nhưng sẽ rất vui. Bên bờ biển còn có treo sẵn rất nhiều võng để các bạn ngả lưng ngắm hoàng hôn dần buông xuống, hay thả hồn theo những làn gió biển mặn mòi mà rất trong lành.

Sáng hôm sau bạn có thể thuê du thuyền đi vòng quanh quần đảo Bà Lụa tiếp tục ngắm cảnh. Nếu đã chán thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không lên đường tiếp tục hành trình khám phá thắng cảnh của thị xã biên giới Hà Tiên. Đến Hà Tiên bạn có thể thăm lăng Mạc Cửu, chùa Tam Bảo, ra Mũi Nai đi xe trượt ống, ăn hải sản, thăm núi Đá Dựng, Thạch Động, thậm chí nếu thích đi nước ngoài thì các bạn có thể làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để sang nước bạn... Campuchia. Sau đó sẽ là hành trình trở về Rạch Giá, kết thúc hai ngày nghỉ cuối tuần đầy ấn tượng và thú vị.

Hiện nay Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang cũng đã khai thác tour du lịch này. Nếu không tự tổ chức được, thì các bạn có thể tìm hiểu thông tin và đăng ký mua tour tại đây.

Du lịch, GO! - Theo báo Kiên Giang, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống