Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 22 July 2012

Chuối Ngự vỏ mỏng, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, quyến rũ mà ăn nhiều không cảm thấy chán. Lần này về thăm làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) - quê hương của Chí Phèo - Thị Nở (nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao) những ngày đầu tháng bảy này, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một màu xanh mướt của những bãi chuối trải dài tới ngút tầm mắt.

< Chuối ngự.

Thú vị hơn, trong ngôi nhà cũ của nhà văn Nam Cao, chúng tôi được thưởng thức món chuối nổi tiếng thơm ngon, độc đáo- đó là chuối Ngự Đại Hoàng, hay còn gọi là chuối tiến vua, sản phẩm vừa được cơ quan chức năng dán tem nhãn chỉ dẫn địa lý.
Một không gian toàn chuối của làng Đại Hoàng khiến chúng tôi nhớ đến mối tình quê năm xưa của Thị Nở và Chí Phèo.

Để lại nhiều ấn tượng trong truyện ngắn "Làng Vũ Đại ngày ấy" của nhà văn Nam Cao là chi tiết Thị Nở và Chí Phèo đã có những giây phút bên nhau tại vườn chuối cạnh bờ sông- Cũng chính tại đó Chí và Thị đã "bén duyên".

Sản vật lừng danh

Hàng trăm năm qua, chuối vẫn là thứ cây được trồng phổ biến tại đây, điều đó tạo lên hình ảnh thật yên ả, thanh bình và như một biểu tượng của vùng quê bên dòng sông Châu trù phú. Phải chăng vì vậy mà khu vườn của nhà văn Nam Cao và cũng là vườn của Lão Hạc (nhân vật trong một truyện ngắn của Nam Cao) được trồng rất nhiều giống chuối tiến vua.

Trong tiềm thức của người dân Đại Hoàng còn âm vang mãi về một sự tích: vào thời Trần, hàng năm vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua.

Cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua với niềm cung kính mong được nhà vua thông cảm.

Trông thấy buồng chuối nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng và đẹp mắt lạ thường, vua cho gọi vào. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân khắp nơi cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự.

Ông Phạm Văn Hưng, 55 tuổi, thôn Đại Hoàng khoe rằng: Thật khó tìm đâu loại chuối thơm ngon, ngọt như chuối Ngự, đặc biệt nếu chuối được trồng trên đồng đất làng Đại Hoàng sẽ ngon hơn rất nhiều.

Khác với loại chuối thông thường, chuối Ngự nhỏ hơn, khi chín chuối có màu vàng da cam, cuống quả có màu xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua vươn dài cong cong rất đẹp. Vỏ mỏng, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, quyến rũ mà ăn nhiều không cảm thấy chán.

Cũng theo ông Hưng, mặc dù thơm ngon có tiếng nhưng chuối Ngự cũng có thời kỳ bị mai một, khi năm 1980, xã vận động người dân chặt chuối để trồng cây lương thực, cây chuối Ngự đã gần như mất hẳn. Theo kinh nghiệm của người dân Đại Hoàng, chuối Ngự thân cao, yếu, giòn dễ gãy đổ nên khi có buồng cần có cột chống.

Hàng năm có thể bồi gốc bằng bùn trên mặt liếp sẽ giữ cho vườn chuối bền lâu, năng suất cao. Khi chuối đã già thì thu hoạch và rấm bằng hơi nóng do đốt trấu hoặc đốt hương trong lò kín. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ chuối Ngự rất lớn, đặc biệt vào dịp lễ tết, ngày rằm hay mùng 1 hàng tháng.

Xây dựng thương hiệu

Người dân huyện Lý Nhân luôn tự hào về đặc sản chuối của quê hương, bởi vậy mỗi khi có khách quý các gia đình thường thết đãi bằng chuối Ngự, đặc biệt nếu vào mùa thu mà được thưởng thức chuối Ngự cùng với cốm lúa non thì thật "không gì sánh bằng".

Trước nguy cơ biến mất giống chuối quý, từ năm 2001 đến nay, được dự án Bảo tồn gien chuối quý hiếm của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) tài trợ nên diện tích trồng chuối tại huyện Lý Nhân đang dần được hồi phục.

Trong nhiều năm liền Sở NN-PTNT Hà Nam phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và các hộ dân làng Đại Hoàng triển khai thực hiện dự án bảo tồn gien giống chuối quí này và phát triển thành vùng chuyên canh trồng chuối Ngự đặc sản.

Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quí hiếm này của nước ta.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng tổ chức lễ gắn tem nhãn chuối Ngự Đại Hoàng nhằm quản lý và phát triển Chỉ dẫn dịa lý "Đại Hoàng" cho sản phẩm chuối Ngự của Hà Nam.

Đến nay, diện tích trồng chuối của huyện Lý Nhân đã tăng đáng kể (khoảng hơn 100 ha). Theo đánh giá của các nhà khoa học, chuối Ngự là loại cây dễ trồng, cho năng suất cao. Mỗi nải chuối trung bình có giá bán 10.000-15.000 đồng; thời điểm Tết, đỉnh điểm có nải bán được cả trăm ngàn, mỗi buồng chuối có từ 5-7 nải, thời gian cho buồng từ 6-8 tháng.

Sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng được gắn tem nhãn là một bước ngoặt quan trọng và có ý nghĩa lớn không chỉ đối với người dân xã Hòa Hậu, mà còn là niềm vui của người dân Lý Nhân nói chung. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm nổi tiếng của Hà Nam.

Tuy nhiên, để phát huy giá trị của tem nhãn và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng, việc duy trì chất lượng sản phẩm là yếu tố hết sức quan trọng. Ý thức người dân trong việc nâng cao chất lượng chuối cũng tăng lên, nhiều hộ gia đình đã xây dựng quy trình chăm sóc, bảo vệ chuối một cách công phu hơn như việc bọc giấy nilon cho buồng chuối, quy trình chăm sóc cũng cầu kỳ hơn từ việc bón phân, rấm chín và thu hoạch... từ đó từng bước đưa sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Du lịch, GO! - Theo GĐ&XH, ảnh internet
Vừa “ẵm” được chức Chinh Di tướng quân, Tổng binh Thông đã ra oai vỗ ngực tự cho rằng có thể đánh tan tác quân Lam Sơn giải vây cho quân Minh co cụm ở Đông Quan.

Nào ngờ một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta” (Lam Sơn thực lục) lại trở thành trận thất bại đến nỗi “nhơ để ngàn thu”. Sau mùa đông năm ấy, trận Tốt Động lẫy lừng được ghi vào sử sách, và cánh đồng Mồ chất chồng xác giặc nay vẫn còn đây.

Lượng - Hiệp bay đầu Vương Thông tháo chạy

Đã lùi xa lắm rồi cái thời vó ngựa binh đao quần thảo, dáo mác xâm lăng nhưng vẫn còn rõ lắm trang sử hào hùng chói lọi của dân tộc ta trong cuộc chiến chống giặc ngoại bang...

Tôi về thăm cánh đồng Mồ thuộc xã Tốt Động (Chương Mỹ-Hà Nội) trong cái nắng gay gắt. Mạ mới xuống đồng nắng cháy bạc phếch, gió thổi vi vu hoang hoải. Chính nơi này cách đây gần 600 trăm năm đã diễn ra cuộc huyết chiến rung trời lở đất, làm xoay chuyển thế thời giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh xâm lược. Giữa cái nắng gió, trước chiến địa lịch sử lòng người bỗng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.

Mùa Đông năm Bính Ngọ - 1426, nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không còn cách nào ứng cứu cho nhau. Tháng 10, vua Minh phong cho Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang nhằm xoay chuyển lại thế cờ. Vừa đặt chân tới Đông Quan, Vương Thông thẳng tay “trảm” hàng loạt tướng cũ đồng thời tập hợp chỉnh đốn lại binh mã thành hơn chục vạn quân chia ra 2 mũi vòng từ Đông Quan qua Tốt Động tấn công quân Lam Sơn đang đóng tại Cao Bộ.

Lúc này Lê Lợi cùng đại quân chính vẫn đang đóng ở Thanh Hóa, số lượng binh tướng bức thành Đông Quan chia cắt các phủ huyện chỉ có vài ngàn người. So với đại quân tiến như nước chảy của Vương Thông thì chỉ như lấy trứng chọi đá. Những tướng chỉ huy ở Tốt Động khi ấy là Lý Triện, Nguyễn Xí, Lê Ngân… đều là những tướng tài đã “bắt thóp” được đường đi nước bước của giặc. Trận phục kích được tính toán thần kỳ đã xác định Tốt Động là mồ chôn đại quân của Vương Thông.

Tốt Động khi ấy còn là đầm lầy lau lách ngập đầu cách Hà Nội 25 km về phía Tây Nam. Đường tiến quân nhỏ hẹp chỉ có con đường duy nhất nằm kẹp kìm giữa hai bên sông đầm lầy lội. Quân Vương Thông ào ào tiến công thác lũ nhưng khi qua đây không thể triển khai được đội hình đành dàn ra theo hình cổ chai, tương trợ nhau khó khăn. Đúng lúc ấy, bốn bề quân Lam Sơn hò reo như sấm dậy, voi chiến hùng dũng xông ra khiến quân giặc thất kinh. Bị bất ngờ quân giặc hoảng hồn người ngựa dẫm đạp nhau chết như ngả rạ. Tiền binh vỡ trận, hậu binh dồn lên hết lớp này lớp khác đều nháo nhác dưới dáo mác quân ta khiến “máu chảy thành sông”.

Sử sách chép lại khi ấy quân Lam Sơn chỉ có vỏn vẹn ba ngàn người và vài ba thớt voi chiến nhưng với tài thao lược tài tình “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” khiến 5 vạn quân Minh phải tan tác, 2,3 vạn tên thiệt mạng, một vạn quân bị bắt sống. Trận chiến chỉ diễn ra từ giờ Ngọ đến giờ Thân mà quân Minh bị đánh không còn một mảnh giáp, Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng bị chặt đầu, Vương Thông cũng bị thương, phải bỏ chạy thục mạng về Đông Quan, đóng cửa viết thư cầu viện binh.

Xác quân giặc chết chồng chất lên nhau khiến cả một vùng cách xa vạn dặm vẫn còn hôi tanh mùi xú uế. Trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã tóm lược bằng hai câu: “Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm…”. Để tỏ lòng nhân nghĩa, vài năm sau độc lập vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động thu gom hài cốt quân Minh lập chôn thành hàng trăm ngôi đại mộ. Đến năm Bính Dần, 1866 vua Tự Đức lại có chiếu cho làng Tốt Động quy dồn tất cả thành một đại mộ quây bằng đá ong đặt tên là đồng Mồ và nó tồn tại như một địa danh lịch sử cho đến ngày nay.

Tấm bia đá “di ngôn”

Để làm “việc nghĩa chủng” chiếu vua lệnh phải gom nhặt hài cốt rồi theo đó cúng tế đàng hoàng. Năm 1866, theo lệnh vua, viên cử nhân ở Bộ Lại là Đặng Tĩnh Trai đã thừa soạn tấm bia “di ngôn” đặt giữa đồng Mồ. Trên tấm bia có đoạn ghi: “Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”.

Để có thêm những tư liệu sử quý giá chúng tôi đến gặp ông Hà Huy Tiến người bao lâu nay đã cần mẫn gom nhặt những đoạn sử quê làng Tốt Động. Sau bao nhiêu năm cặm cụi sưu tầm giờ ông đã tập hợp lịch sử quê hương thành cuốn “Tạp ký bản xã chư sự” trong đó có nhiều điều thú vị.

Trận huyết chiến Tốt Động cũng được ông tìm hiểu, nghiên cứu với rất nhiều tài sử khác nhau. Ông Tiến còn đọc cho tôi nghe bài văn tế cô hồn quân Minh trên bia đá cổ có tên là “Văn tế Nghĩa Chủng” trong đó có đoạn: “…Thánh Triều nhân tâm / Trạch cập khô cất/ Sắc danh mộ điền/ Đồng phần dị huyệt/ Tuế tương mộ hỹ/ Giao nguyên thê kỷ/ Huân cao bật hưởng/ Hà phụ hà y…”.

Ông Tiến tạm dịch: “… Nhờ lòng nhân ái của vua ta/ Cho thu nhặt hài cốt/ Theo sắc chỉ xây mộ/ Cùng chung một xứ mồ/ Hằng năm các vong hồn hãy nhớ/ Ngày này trở về đây/ Cùng nhau mà hưởng lộc/ Vì không có nơi nương tựa…”.

Cái lễ đặc biệt thể hiện lòng nhân nghĩa của dân tộc ta với những vong hồn bại trận được diễn ra đều đặn hằng năm vào ngày 24 tháng Chạp. Những con “ma khách” được cúng rượu thịt, cháo cơm để phần nào khỏi đói khát, cô đơn ở xứ người mà chúng bỏ thân vì xâm lược. “Ô hô cẩn cốc” lời thầy cúng vừa dứt cũng là lúc trẻ con lao vào cướp cháo và từ đó người ta gọi là tục Cướp cháo cầu trước bia đá “di ngôn”.

Ông Tiến thở dài: “Lịch sử dân tộc hào hùng như thế. Cánh đồng Mồ chôn 5 vạn quân Minh còn đây mà mấy người biết tới. Nhiều khi ngỡ tưởng nó bị lãng quên thì thật là đáng trách”.

Lịch sử lùi xa nhưng những bài học thì còn mới lắm. “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo” tư tưởng ấy ngàn đời nay dân tộc ta vẫn dùng làm cốt lõi mà rõ nhất là lịch sử ở cánh đồng Mồ.

Đống Đa, Chi Lăng, Bạch Đằng, Tốt Động mồ chôn xác giặc còn cao vời vợi chẳng lẽ có kẻ nào đó đã sớm quên. Hậu quả của giặc xâm lăng là những cánh đồng phơi xương trắng, những dòng sông đỏ máu hôi tanh. Hỏi, ngàn năm nay sao chưa thấm mà vẫn còn muốn nhòm ngó, nhăm nhe? Lịch sử vẫn luôn công bằng, chiến thắng không dành cho những kẻ xâm lăng.

Du lịch, GO! - Theo Đoàn Gia (báo Công Lý), ảnh internet
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai gặp ông Tơ Tơ - một già làng nổi danh, từng khuất phục nhiều “ông ba mươi” chuyên ăn thịt người...

Linh hồn của rừng già

Già làng Tơ Tơ là tên gọi theo tiếng Châu Ro. Tên tiếng Kinh của ông là Nguyễn Văn Nổi. Người dân trong làng thường gọi ông với cái tên thân mật là ông Năm (vì là con thứ năm trong gia đình).

Đã bước qua tuổi 90 nhưng ông Năm còn khỏe và rắn chắc lắm. Hàng ngày, ông và vợ con cùng các cháu quây quần trong một ngôi nhà sàn cả trăm tuổi. Để ghi nhớ những thành tích mà ông Năm đã cống hiến cho cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, Nhà nước đã xây tặng ông ngôi nhà rất khang trang.

Nhưng ông thật thà bảo: “Già ở nhà sàn quen rồi”. Vì thế, khi căn nhà được xây xong, ông trang trọng dùng nó làm nơi tiếp khách và treo những bằng khen kỷ niệm một thời oanh liệt.

Bên bếp lửa bập bùng và ấm áp giữa cái lạnh heo heo của núi rừng, già làng miên man kể về thời trai trẻ đánh Pháp bằng giọng sôi nổi pha lẫn chút tự hào. Trước đây, có một tờ báo viết về ông với chiến công là bắn rơi máy bay Mỹ, nhưng ông Năm thật thà khẳng định: “Tau chỉ lấy súng trường mát bắn ngay “bụng” nó, có xoẹt lửa chứ làm sao rơi nổi”.

Suốt buổi tối hôm ấy, ông Năm đã kể cho chúng tôi nghe chuyện về những lần “chiến đấu” với mãnh chúa rừng xanh. Tiếng lửa cháy lách tách giữa màn đêm tĩnh mịch, chúng tôi ngồi thu lu một góc say sưa nghe từng lời kể đầy hào hứng của ông.

< Một góc nhà của già làng Tơ Tơ xếp đầy những bằng khen.

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, nhất là những lần làm giao liên, ông Năm đã nhiều lần gặp cọp. “Ngày đó, vùng này toàn đồi núi âm u, cây cối um tùm, người thưa thớt lắm, chứ không có quán xá, nhà cửa như hiện nay đâu” - ông vào chuyện. Bao nhiêu cảm xúc ùa về khiến đôi mắt ông Năm sáng rực.

Ông còn nhớ rất rõ con cọp ba móng, nặng 150kg chuyên vào nhà sàn để ăn thịt người. Thời điểm ấy vào khoảng năm 1942: trong làng thường xuyên xảy ra những vụ mất tích. Ai cũng biết, nhiều người Châu Ro đã bị cọp vồ và tha luôn vào rừng ăn thịt.

Người mất, người thương tiếc, khóc rên buồn bã. Không khí u uất bao trùm khắp nơi. “Ông ba mươi” trở thành nỗi khiếp đảm cho cả làng. Không thể để đồng bào đau buồn vì thú dữ, già làng Tơ Tơ đã đứng lên vận động bà con làm bẫy, làm hầm thuốc độc để quyết triệt hạ loài hổ hung hãn này. Lúc đó, ông còn là một chàng thanh niên khỏe mạnh và cam đảm, tự tay tạo ra loại thuốc độc được bào chế từ trái cây rừng. Sau vài lần bị thương vì bẫy, con cọp đã di chuyển xuống núi Chứa Chan (nay là huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), tiếp tục vồ nhiều người khác để ăn thịt.

Đương đầu với hổ dữ

Già làng Tơ Tơ quá đau lòng khi biết con hổ này đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Ông còn nhớ rõ, người cuối cùng bị hổ vồ chết là ông Bốn - sinh sống trong buôn làng Châu Ro. Trước tình thế này, ông Năm bàn với vợ: “Phải hy sinh tau đi, chứ nếu không làm sao giết được nó”.

< Già làng Tơ Tơ biểu diễn lại pha đả cọp cách nay hơn nửa thế kỷ.

Mặc kệ vợ khóc lóc, van xin, ý ông đã quyết. Sau khi bố trí hầm bẫy xung quanh, ông giả vờ nằm im trên nhà sàn để làm mồi nhử hổ. Đúng như dự đoán, con thú dữ quay lại. Sau ít phút lăm le, con hổ hung hăng nhảy vồ ông Năm thì bất ngờ bị sập bẫy. Cú rơi của nó làm lung lay cả nhà sàn. Bộ đội cùng ông xúm vào tóm gọn con hổ dữ.

Mười năm sau, khoảng năm 1952, trong một lần băng rừng đi giao liên cho cách mạng, ông Năm lại bị cọp vồ. Khi đó rừng núi hoang vu, trắc trở lắm. Đó chính là nơi lý tưởng cho nhiều thú dữ sinh sống, trong đó có rất nhiều cọp. Bà con buôn làng thường bảo nhau: “Đi giao liên tiếp tế cho bộ đội, không sợ địch vì chúng đóng ở đâu thì biết ngay. Nhưng cọp núp trong bụi nhảy ra, vồ người thì chỉ có... chết”. Ấy vậy mà già làng Tơ Tơ đã né được cú vồ bất ngờ của cọp.

< Già làng Tơ Tơ giới thiệu với tác giả về bộ cồng chiêng cổ.

Ông bảo: gặp cọp không thể bỏ chạy, mà phải xáp lá cà với nó, vì khi có khoảng cách, cọp sẽ nhảy tới vồ và ăn thịt người rất dễ dàng. Lúc ấy, trong tình thế mặt đối mặt, khi con cọp dáo dác nhìn thì ông nhanh tay rút xà-gạc (một trong những loại vũ khí tự vệ khi đi rừng, ngoài gùi, dao găm, ná của người Châu Ro) quyết tử chiến với nó. Khi con cọp lấy đà nhảy lên, ông dang rộng tay với xà-gạc, đưa một nhát chí mạng vào yết hầu con cọp. Bất ngờ trúng đòn ngay chỗ hiểm, mãnh hổ rừng xanh ngã bổ ra chết tại chỗ. Khi xong việc, ông quay lại đưa xác cọp về buôn làng. Thấy ông kéo hổ về làng, mọi người đổ xô ra xem và quá nể phục khi con hổ nặng cả trăm ký đã bị ông khuất phục.

Do nhiều năm hoạt động cách mạng ở Chiến khu Đ, già làng Tơ Tơ nói rất chuẩn tiếng Kinh, dù vợ ông vẫn sử dụng tiếng Châu Ro để giao tiếp với con cháu. Để chúng tôi hiểu thêm câu chuyện và chứng kiến những thế đả cọp, ông mặc lại bộ trang phục ngày trước và biểu diễn lại pha chém vào yết hầu mãnh chúa rừng xanh rất dũng mãnh.

Rời khỏi khu rừng già lúc bình minh vừa ló dạng, cái vẫy tay của ông Năm khuất dần ở con đường ngoằn ngoèo, hun hút; chúng tôi mang theo những kỷ niệm về một ông già làng đã từng đả chiến với hổ bằng sự khâm phục sâu sắc. Ánh nắng bắt đầu xuyên rọi qua những tán cây rừng.

Du lịch, GO! - Theo HT (ĐSCT), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống