Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 9 August 2012

Cây dừa là thế mạnh của người dân Bến Tre, cho nên những món ăn nơi đây đều mang những nét đặc trưng đậm đà hương vị quê nhà.
Ngoài các món ăn chơi như kẹo dừa, bánh lá dừa, chè đậu xanh nước dừa xiêm... còn các món ăn với cơm hàng ngày phải kể đến là mắm lóc chưng nước cốt dừa, nấm mối xào dừa, cổ hũ xào dừa, chuối hầm dừa... Nếu có dịp đến quê tôi, mời bạn thưởng thức món ngon độc đáo từ dừa là cơm dừa và tép rang nước cốt dừa.

Cơm dừa

Làm món ăn này rất dễ, chỉ cần chọn gạo cũ, dẻo thơm, một cái xửng hấp và vài trái dừa xiêm. Trước hết, dừa phải gọt sạch vỏ, chừa gáo và đế dừa phải gọt thật phẳng để trái dừa đặt vững trên bàn...

Dùng dao bén vạt mặt dừa cho khéo (giữ phần mặt để dùng làm nắp đậy), đổ hết nước dừa ra tô. Kế đến, gạo ngâm nước, gút sạch, đổ ra rổ cho ráo. Cho gạo và nước dừa vào ngập xăm xắp mặt gạo (cỡ lóng tay), đậy nắp lại. Lưu ý gạo và nước vừa đủ để gạo chín không khô hay nhão, mất ngon.

Cuối cùng, cho dừa vào xửng hấp khoảng 1 tiếng là chín. Cơm dừa khi chín nên để trong xửng giữ nóng, khi ăn trái nào lấy ra trái nấy, tránh việc đem dừa ra quá sớm, cơm dừa nguội sẽ sậm màu, mất ngon. Món này ăn cùng với món tép rang nước cốt dừa thật “đúng bài”.

Tép rang nước cốt dừa

Tép mua nơi chợ lựa khoảng 200 gram tép bạc đất còn tươi (tép khi chín  thịt  chắc, đỏ, ngọt, ăn giòn ), 100 gram dừa khô nạo là đủ. Tép đem về cắt bỏ đầu, đuôi rửa sạch để cho ráo. Đổ tép vào chảo, vắt nước cốt dừa vào ngập xăm xắp với tép.

Bắc chảo lên bếp với ngọn lửa riu riu độ vài phút sau thêm gia vị muối và đường (không cần bột ngọt) vào nêm, nếm cho vừa khẩu vị (nhớ không nêm bằng nước mắm sẽ mất đi hương vị đặc trưng của tép và nước cốt dừa). Sau đó, tăng lửa lên một chút, dùng đũa sơ tép và gia vị ngấm đều, đến khi nước cốt dừa rút khô vào tép, nhắc xuống.

Bữa ăn đã sẵn sàng. Chỉ cần lấy từng trái cơm dừa còn nóng hổi trong xửng ra để lên bàn cùng dĩa tép rang nước cốt dừa dọn lên là xong. Dùng muỗng múc từng muỗng cơm dừa cùng vài con tép rang cho vào miệng nhai chậm rãi, bạn sẽ “ngậm mà nghe” vị ngọt của cơm  gạo mới và “mùi thơm đặc trưng” của nước dừa xiêm hòa lẫn vị ngọt, béo, thơm, giòn của tép bạc đất lan tỏa vào mọi giác quan, khiến bạn sẽ luyến nhớ mãi món ăn dân dã của quê hương Bến Tre.      

Du lịch, GO! - Theo Hữu Tưởng (Laodong), internet
Khó ai lý giải được tại sao ở Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) lại có những điều diệu kỳ đến vậy. ở đó, hoa, đất, nước và người đều có những điều khác biệt đến lạ kỳ khiến ai đó một lần đặt chân đến sẽ dường như quên mất đường về.

Suối “tu tiên”

Cảnh chiều nhuốm đầy những mái gỗ pơ mu xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La. Tôi vượt núi từ cánh đồng Mường Chiến thênh thang đến bản Lướt, nơi có suối “tu tiên” như lời ông Lò Văn Chinh, nguyên là Bí thư Chi bộ xã Ngọc Chiến. Bản làng chiều thanh bình quá. Bên suối nước nóng, vạt váy của những cô gái Thái e ấp rồi dần được vén cao, ngâm mình xuống suối để khỏa tan những giọt mồ hôi, để lộ dần những đôi vai trần trắng tinh khôi. Nhìn từ trên đường, dòng suối như được trải những tấm thân da trắng chảy dài theo con nước trong ngút ngàn rừng xanh.

Đó là dòng suối khoáng nóng đã có từ ngàn đời nay chảy qua bản Lướt để “bóc” cho làn da trắng hồng của người con gái thêm mịn màng. Thiên nhiên như ban tặng cho nơi đây tất cả cái đẹp, cảnh đẹp, con người đẹp, vì vậy mà tự ngàn năm qua, suối “tu tiên” là nơi tắm của những cô tiên trong cõi thực.

Ông Chinh bảo: “Đó là nhà tắm cộng đồng của bản”. Thầy Vũ Duy Thi - Hiệu trưởng trường THCS xã Ngọc Chiến thốt lên rằng, đây là mảnh đất đặc biệt. Khí hậu mát mẻ quanh năm, cho nên ngay cả vào tháng 8 mà cà chua mọc hoang ngoài hiên lớp học cũng sai trĩu quả, chín đỏ mọng. Còn Lò Văn Thoa, sinh viên quê gốc Ngọc Chiến, chuyên nghiên cứu về văn hóa dân tộc cho biết: “Nhiều người dân Mường La (cách đây khoảng 40km đường núi) thấy con gái ở Ngọc Chiến làm lụng vất vả mà vẫn có nước da mịn màng nên đã hỏi “bí quyết”.

Nhiều người vào ở đó hàng tháng, cùng sinh hoạt tắm tiên với bà con thì thấy da sáng dần lên, nhưng khi về nhà được một thời gian thì lại như cũ”. Cuộc sống ở Ngọc Chiến không phải chuyện hoang đường. Bởi theo các chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên, vùng tiểu khí hậu mát mẻ quanh năm như Ngọc Chiến không chỉ làm con người khỏe mạnh mà ở đó còn có nguồn dược liệu quý mà không phải nơi nào cũng có được.

Với người dân bản làng ở Ngọc Chiến, người ta vẫn tin truyền thuyết về suối nước nóng ở bản Lướt rằng, đó là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người hiền. Các cụ già ở Ngọc Chiến kể lại, suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó một người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần theo ngày tháng. Từ đó, cả bản đã cùng sinh hoạt, tắm vào buổi sớm đi nương để như tiếp sinh lực cho ngày bắt đầu lao động và chiều về lại tắm để hồi sức sau những giờ lao động vất vả.

Cõi “tiên cảnh bồng lai”

Tôi dỏng tai mà nghe thầy Vũ Duy Thi - Hiệu trưởng trường THCS xã Ngọc Chiến nói về vùng đất “bồng lai tiên cảnh”. Thầy Thi bảo: “Tôi sống ở đây nhiều năm nhận thấy, nó không chỉ là đặc sắc riêng của Sơn La đâu. Cả nước chắc chỉ đây mới có những điều thú vị về cuộc sống thiên nhiên thôi”. Lẽ thường, người Thái chỉ sinh sống ở những nơi có thiên nhiên phong phú và không khí trong lành. Trong các tài liệu nghiên cứu về đồng bào Thái có nói rằng, đây là đồng bào chuyên ăn theo nước, vì vậy bên bờ những con sông, suối thường chỉ thấy bản nhà sàn của người Thái quây quần như hòa vào dòng nước cỏ cây thiên nhiên. ở Ngọc Chiến thì có khác, có những bản có cả 2 đồng bào Mông và Thái cùng sinh sống, họ sống thuận hòa qua bao đời nay.

Ở Ngọc Chiến, dường như không có mùa hạ thì phải, bởi mới tháng 9 mà trời đã se lạnh, nhất là vào ban đêm, phải dùng chăn bông, nệm cỏ quanh năm. Đến Ngọc Chiến,  sẽ không thể tìm được nhà nghỉ, hay phòng trọ, nhưng có thể vào bất cứ gia đình nào cũng được quý như người thân, giúp ta có nơi ăn ngủ cùng gia đình ở gian nhà sàn pơ mu trang trọng nhất. Thầy giáo Thi là người quê gốc Ninh Giang (Hải Dương), lên Ngọc Chiến cắm bản gần 10 năm nay. Bây giờ thầy đã trở thành người của bản, được bà con ở đây “tín” như con của gia đình: “Tôi đi dạy nhiều vùng núi, nhưng thấy ở Ngọc Chiến bà con rất hiếu học, không như những nơi khác thầy cô phải vất vả vận động các em đến trường mà lớp vẫn vắng”.

Ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mường La cho biết: “Tây Bắc có biết bao điều lạ, nhưng điều lạ và đẹp nhất thì dường như hội tụ ở Ngọc Chiến”. Những người biết đến Ngọc Chiến ví nơi đó như Đà Lạt, Sa Pa của Tây Bắc. Ngoài không khí mát lành còn có hoa, đất, nước và người vẫn đậm đặc bản sắc rất riêng. Mùa này đang vào vụ nếp Tan chín trĩu bông. Cánh đồng Mường Chiến rộng đến 5-6km2, được bao bọc bốn phía bởi những dãy núi cao ngất, chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Đây là loại nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo. Giá nếp đắt gấp 3-4 lần nếp thường. Việc thu hái nếp Tan cũng khác với loại lúa khác, không gặt được mà chỉ hái từng bông.

Chưa có ai lý giải vì đâu mà vùng đất Ngọc Chiến làm cho hoa trái trở nên đặc sản hiếm có. Hoa đào, mận ở đây nở thắm quanh năm. Hoa dại cũng vậy, rất khác thường, cùng loài hoa dứa dại nhưng ở Ngọc Chiến bông hoa to gấp 5, 6 lần ở nơi khác, cao đến gần 10m. Thấy đây là vùng đất có tiểu khí hậu đặc biệt, năm 2004 một số chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa giống hoa Tulip, Ly về trồng thử nghiệm bên dòng suối Chiến. Thật bất ngờ, hương và sắc hoa đẹp đến ngỡ ngàng, cánh dầy, hương thơm nồng nàn. Những bông hoa chào hàng đã được đối tác nước ngoài hưởng ứng tích cực, họ sẵn sàng làm bạn hàng tiềm năng cho đầu ra loài hoa bên suối Chiến. Bà con vui lắm, giữa rừng già núi thẳm lại có cánh đồng hoa sặc sỡ ngát hương đem nguồn lợi cho dân bản.

“Vương quốc” của những nóc nhà Pơ mu

Người đến Ngọc Chiến bảo nơi đây là nơi sống của “đế vương”. Nơi đây có suối nóng “tu tiên”, ở nhà sàn được làm bằng gỗ pơ mu thơm phức, ăn nếp Tan thơm dẻo, xơi gà thiên cổ đen như mun từ lông đến xương. ở vương quốc pơ mu, nên cuộc sống như bị “ám ảnh” bởi loài gỗ ấy, từ cây cầu bắc qua suối, hàng rào, máng nước đến những ngôi nhà sàn 4 mái rộng thênh thang đều dùng 1 chủng loại gỗ quý của thiên nhiên.

Ai đến Ngọc Chiến đều ngỡ ngàng trước những ngôi nhà của người Thái. Sự ngăn nắp trong từng dãy nhà như được quy hoạch bởi đôi bàn tay, khối óc của những người được đào tạo chuyên nghiệp. Người Thái ở theo bản, mỗi bản khoảng 70-100 hộ dân trong cùng khu đất. Từ bao đời nay đã vậy, từ nhà này sang nhà khác, từ dãy này sang dãy khác đều có khoảng trống và có lối đi xuyên kiểu ô bàn cờ. Xã có 29 bản cả người Mông và người Thái, hầu hết là “bản pơ mu”.

Gọi là “bản pơ mu”, bởi những mái nhà, sàn nhà và tất cả những gì ở đây kết thành nếp nhà đều làm bằng gỗ pơ mu. Những mái gỗ rêu phong hàng trăm năm qua phơi mưa nắng vẫn im lìm đọ sức với thời gian. Gỗ lâu năm ngả màu đen như mun, tăm tắp trên nóc nhà. Có mái thời gian đất bụi kết dầy trên khe gỗ làm chỗ cho cỏ cây mọc thành gốc trên mái.

Ông Lò Văn Phát, Phó Bí thư chi bộ xã Ngọc Chiến cho biết: “Xã có 1.680 hộ thì 90% là những hộ đã có nhà ở lâu đời nay, đều làm bằng pơ mu hết, từ mái nhà đến hàng rào. Gỗ pơ mu rất tốt, nắng không hỏng, mưa không dột”. ở nơi thâm sơn cùng cốc, cuộc sống tự cung tự cấp thì khi ấy pơ mu có quý đến nhường nào cũng chỉ là thứ cây để làm nhà cửa. Chẻ gỗ to cả người ôm mà không dùng cưa, hàng nghìn tấm ván vẫn cứ thẳng tắp như xẻ bằng máy hiện đại. Ông Lò Văn Phát, người bản Phảy bảo: “Gỗ lợp nhà mà xẻ thì dột từ nóc dột xuống, ván đó chỉ có bỏ đi thôi, phải dùng nêm gỗ tách từng tấm gỗ theo thớ của nó, sẽ ở mãi mãi mà không lo hỏng”.  

Thầy Lò Văn Them là giáo viên trường THCS xã Ngọc Chiến đưa chúng tôi đến bản Phảy để chụp ảnh. “Bản này cha ông, gia đình tôi sinh sống bao đời nay rồi đấy. Quê tôi sống bằng nương rẫy, nay thêm cả nấu rượu. Bữa ăn của người Thái dùng xôi nếp là chính” -  thầy Them nói. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những nhà sàn 4 mái toàn gỗ pơ mu, thầy Them im lặng một lát rồi nói với giọng thoảng buồn: “Cách đây không lâu có một bài báo nói về những ngôi nhà pơ mu ở Ngọc Chiến, nhưng có điều họ chưa hiểu hết bề dày văn hóa của người Thái ở đây, nên đã cho rằng đó là cách giết rừng của dân bản.

Những mái nhà pơ mu này đã có từ vài trăm năm nay, từ khi bản tôi là thung lũng hoang biệt cách trở về giao thông. Người Thái ở đây chỉ biết dựng nhà cửa bằng những cái sẵn có ở quanh bản. Khi ấy, nơi đây là đại ngàn pơ mu nên nó trở thành vật liệu chính cho tất cả mọi sinh hoạt. Bây giờ các cậu thấy đó, làm gì có mái nhà pơ mu nào mới đâu, những nhà dựng hiện nay chỉ có lợp bằng tấm xi măng thôi”.

Nhà sàn người Thái ở Ngọc Chiến có kiến trúc, hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột khá tinh xảo, 4 mái và lầu tứ giác chứ không như những bản người Thái ở nơi khác trên vùng Tây Bắc. Gỗ pơ mu là loại gỗ quý đã từng được một số vua trong triều đại nhà Lê dùng làm quan quách. Gỗ có độ bền cao nhờ tinh dầu thơm mà không loài côn trùng nào có thể hủy hoại được.

Ngược dòng suối Chiến

Vào thế kỷ XI, XII vua Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái hay tin cánh đồng Mường Thanh, thóc gạo ngon nổi tiếng và nhiều vô kể, con trai út của vua Thái ở Mường Lò là Lạc Trượng xung phong mang quân đi đánh chiếm. Quân Thái Mường Lò vượt qua đèo Khau Phạ tiến lên Mù Căng Chải theo dòng suối Chiến rẽ sang Mường La, Sơn La.

Khi đoàn quân của Lạc Trượng đến khu vực suối Chiến ngày nay thì thấy phong cảnh hữu tình, hoa quả tốt tươi nên đã dừng lại để khao quân và chuẩn bị vượt dòng Đà Giang tiến lên Mường Thanh. Lạc Trượng thấy cánh đồng Ngọc Chiến phì nhiêu lại quanh năm được bồi đắp bởi suối Chiến nên đã cắt cử người ở lại khai khẩn lập bản, dựng mường và làm hậu phương để tiến sang Pá Vinh, đoạn gần Mường La đánh nhau với thủ lĩnh người La Ha đang cai trị vùng đất này.

Lạc Trượng làm những cây cầu mây lát gỗ pơ mu khổng lồ ở khu vực Pá Vinh để đưa quân đánh chiếm nhưng gặp sự kháng cự quyết liệt của người La Ha. Đánh nhau mãi với quân La Ha mà không thắng, Lạc Trượng bèn nghĩ kế giảng hòa, làm thân và gả con trai của mình cho con gái của Ăm Poi, thủ lĩnh người La Ha.

Theo phong tục người Thái, con trai phải đi ở rể ba năm và trong thời gian này, con trai Lạc Trượng đã nhân cơ hội giết Ăm Poi, khiến cho quân La Ha mất thủ lĩnh nên đành nhường cả vùng đất rộng lớn cho người Thái và họ di cư theo sông Đà, sông Nậm Mu (Lai Châu). Theo những tài liệu chữ Thái cổ thì vào thế kỷ XI, XII khi người Thái Đen thiên di tới vùng Ngọc Chiến, họ đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay. Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ “trâu trắng” để tế thần Ăm Poi - một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI.

Theo cụ Lò Văn Pá ở bản Phảy, xã Ngọc Chiến thì trong bài cúng tế người chết của người Thái ở đây vẫn có bài tế đưa hồn người chết ngược dòng lịch sử từ Ngọc Chiến qua Ngã ba Kim vượt đèo Khau Phạ (Mù Căng Chải) rồi về tổ tiên ở Mường Lò. Điều này chứng tỏ, tổ tiên gốc tích của người Thái ở Ngọc Chiến là xuất phát từ Mường Lò di cư sang và mảnh đất Ngọc Chiến đã có người Thái sinh sống từ đầu thế kỷ XI cho đến nay.

Sam Síp không còn là huyền thoại

Người Thái ở Ngọc Chiến ví đèo Sam Síp như 30 bức tường khổng lồ đẩy bản làng của họ vào sâu thẳm đại ngàn. Cái tên Sam Síp có nghĩa là 30 con dốc quanh co luồn vào trong mây ngàn, đó là lối vào duy nhất để đến với xứ sở của pơ mu, hoa, nước của cõi tiên giữa trần gian với những câu chuyện tưởng như chỉ có trong huyền thoại.

Luồn mây trên đỉnh Sam Síp mất gần 1 giờ đi xe máy tôi mới đến được bản đầu tiên của xã Ngọc Chiến. ở Sơn La thời điểm này thì  trời còn đang nắng nóng, vậy mà đến gần đỉnh Sam Síp thời tiết lạnh như mùa đông, mây giăng trắng trời, mắt thường chỉ nhìn được xa vài mét trước mặt, nên tôi chỉ dám đi từ từ vừa đi vừa lần đường. Những lúc sương giăng mù mịt thế này, một bên đèo cao, bên kia vực thẳm, người đi phải rất cẩn thận nếu không thì khó có cơ hội sửa sai.

Người dân bản Ngọc Chiến từ xa xưa thì coi Sam Síp như thành lũy vững vàng bảo vệ bản làng, còn bà con hôm nay thì giận cái đèo này nhiều hơn quý. Chỉ tại nó ngăn cách mà mãi tới năm 1998, người dân ở Ngọc Chiến lần đầu tiên mới được nghe tiếng ôtô bíp còi vang thôn bản, các cháu nhỏ cụ già xúm đông bên chiếc ôtô chở vật liệu làm đường để nghiêng ngó. Trước đó, đường vào Ngọc Chiến là lối ngựa đi, Sam Síp không chỉ khiến người sợ mà giống ngựa thồ của đồng bào Ngọc Chiến cũng phải hý vang khi phải thồ hàng vượt Sam Síp.

Năm 2004, chính Sam Síp làm cho cánh đồng hoa tuy líp, hoa ly của bà con nở bung, thơm đến nao lòng, rồi tự nó lại tàn cánh rơi lả tả theo dòng suối Chiến. Đèo cao, sương giăng mù mịt, núi lở bất thình lình làm chia cắt đường đi lại, người từ Ngọc Chiến ra huyện lỵ Mường La hoặc ngược lại đều phải quay lại nơi xuất phát, nhiều chuyến hàng hoa nằm mắc ở bên đèo đến vài ngày mà vẫn chưa thông, trong khi hoa thì phải nâng niu theo từng giờ. Một mùa hoa bị vài ba lần mắc ở Sam Síp như vậy, hoa đẹp đến bao nhiêu, hương có thơm ngào ngạt thì người mang hoa cũng đành phải để nó ngát hương bên dòng suối Chiến.

Bây giờ, đứng trên xã Ngọc Chiến, vẫn nhìn thấy cánh đồng hoa cao cấp nở, vẫn có người chăm bón thu hái nhưng không quy mô như ban đầu nữa. Có người bảo, Sam Síp cao và khó đi như vậy thì mới có Ngọc Chiến đẹp đến hoang sơ. Nhiều chuyện có thật như huyền thoại đều được người ta cho rằng phải vượt qua Sam Síp mới thấy. Từ đỉnh Sam Síp xuống gần đến bản Khùa Vai, bản đầu tiên của xã Ngọc Chiến, có mó nước “tình nhân” chữa bệnh cho dân bản, nhiều người đã đến để chữa bệnh và thấy chuyển biến về sức khỏe.

Chính Lò Văn Thoa, một sinh viên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, quê Ngọc Chiến thừa nhận rằng: “Tôi đã từng lên mó nước đó để xem thực hư thế nào. Nó rất khác biệt với những mó nước đang có trong bản ở chỗ nước chảy ra từ chỗ có hình hài giống hệt  2 bộ phận nam và nữ. Để đến đó được, phải gửi xe ở bản Khùa Vai rồi đi bộ mất nửa ngày. Chỗ đó có một bản với khoảng 7 nóc nhà, nhưng nay đã chuyển đi nơi khác vì mấy năm nay họ thấy nhiều người đến lấy nước về chữa bệnh, họ sợ nhiều người lạ đến sẽ sinh bệnh cho bản”.

Ông Lò Văn Phát - Phó Bí thư xã Ngọc Chiến cho biết: “Tôi thấy người ta đi chữa bệnh về khỏe ra, hỏi thì họ bảo chữa bằng nước ở mó nước “tình nhân”. Nhưng không phải họ chữa như người ta đồn đâu, phải sinh sống ở đó cả tháng, ăn uống nước đó mới khỏe ra được. Còn chuyện uống nước đó giúp người hiếm muộn có con thì tôi cũng không dám chắc vì cũng có người đến chữa sau này về sinh con được nhưng cái đó chẳng biết do nước hay do thuốc họ uống trước đó đến một lúc nhất định mới hiệu quả”.

Nhiều người nói đến mó nước “tình nhân” chữa được bệnh, nhưng hỏi ai thì họ lắc đầu không biết. Có người thì bảo, bản tôi toàn người khỏe cả, kể cả những cụ già 90 vẫn chặt củi, vác củi đi phăm phăm thì vào đó làm gì. Thế nhưng, chuyện về một người Mông ở xã Ngọc Chiến có tài nối đứt tay là sự thật. Chuyện này không còn là tin đồn, mà bằng chính hành động cứu người của “thầy lang” bản, ông ta đã chữa cho ông Tráng A Sử - Phó Chủ tịch xã Ngọc Chiến vết thương liền lại và đến nay cử động làm việc bình thường.

Ông Sử cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi bị máy cưa cắt đứt lìa 4 ngón tay phải, khi ra bệnh viện tỉnh Sơn La được bác sỹ phẫu thuật ba ngón đứt nông, còn ngón tay trỏ do bị nặng nên không nối được. Khi tôi bị nạn thì ông Lý Tẩn Pha biết và đuổi theo tôi ra tận bệnh viện để giúp, khi đi ông Pha mang theo 2 con gà thiên cổ (gà người ở Ngọc Chiến thường nuôi, đen từ lông đến xương, cổ luôn vươn lên trời, có tác dụng làm thuốc), sau khi thấy bác sỹ bảo ngón tay trỏ bị nặng không nối được nên chỉ nối 3 ngón còn lại. Ông Pha liền giật tay tôi và bôi cái gì đó có mùi hơi tanh và bó lại rồi về bản mấy ngày sau ông vẫn tiếp tục đắp thuốc giúp tôi. Giờ chính ngón tay trỏ ông Pha nối giúp lại hoạt động được bình thường.

Tại Ngọc Chiến có những điều lạ mà khó lý giải. Se tơ dệt vải, đan váy, dường như cô gái Thái nào làm cũng khéo léo đến điêu luyện. Những đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều tự tay đan, làm lấy như cái Bem được kết bằng mây dùng để đựng quần áo như chiếc vali nhưng nó đẹp và kỳ công đến khó tin. Hay người Thái có cái coóng khẩu được ví như “chiếc tủ nóng” mang đi nương.

Coóng khẩu có hình như cái giỏ, được đan kết bằng mây rất tinh xảo từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái dùng để đựng cơm đi nương. Bằng cách đan lồng ghép mà coóng khẩu có 2 mặt phải, ở giữa 2 mặt ghép để trống nhưng kín bưng làm cho cơm được giữ nóng mà không bị hấp hơi nước. Vì vậy những buổi đi nương, người Thái luôn có xôi, thức ăn nóng ăn mà không phải lích kích thổi nấu.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức Tuấn (ANTĐ), internet
'Mua đi anh, quýt Mường Khương đấy chứ không phải quýt Tàu đâu, nhìn không được đẹp mã nhưng là quýt sạch, lại ngọt nữa, ăn một lần là nhớ ngay!' - Không biết do giọng cô bán hàng ngọt ngào mời chào, hay quýt ngon thật mà mấy hàng hoa quả ở ngã tư chợ Mường Khương khách cứ chen nhau vào mua. Chẳng nhẽ xứ Mường toàn đá là đá này mà lại trồng được quýt ngọt sao? Ngờ ngợ với sự việc ấy, tôi quyết định "thâm nhập" vùng trồng quýt nơi đây theo lời chỉ dẫn của anh bạn đồng nghiệp.

Bên vườn quýt sai trĩu quả dưới thung lũng Sả Hồ, chàng trai trẻ dân tộc Bố Y Làn Mậu Thành kể: Ngày trước, cả thung lũng này chỉ toàn đá và cây dại mọc hoang, đất đai cằn khô, chẳng ai nghĩ rằng có thể trồng cấy được gì.

Khi vào đây sinh cơ lập nghiệp, hai vợ chồng mình chỉ có đôi bàn tay trắng, dùng sức người phát quang lau lách, bẩy từng gốc cây, nhặt từng hòn đá… ròng rã mấy tháng trời như thế mới khai phá được mảnh nương này.

'Nhìn trên đường xuống nó chỉ bé tẹo "như con tem dán trên tờ giấy báo", vậy mà vợ chồng mình quý hơn vàng đấy'… Hút xong điếu thuốc lào, Thành tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện: Hôm ấy là một buổi chợ phiên. Dù chẳng có việc gì Thành cũng vẫn xuống chợ. Đi chợ để gặp bạn gặp bè, uống chén rượu ngô, nói dăm ba câu chuyện, xem người ta bán gì, mua gì…

Quá trưa, chợ phiên đã vãn người. Một người đàn ông nét mặt mệt mỏi đang ngồi ở góc chợ uể oải xếp những bầu cây gần như héo quắt vì nắng cho vào lù cở chuẩn bị ra về. Nhìn đám cây nhỏ nhỏ, lá như lá chanh, Thành tò mò hỏi:

- Cây gì thế?
- Cây quýt đấy, mua về trồng đi…

Thành bỏ đi. Đất này chỉ cỏ với cây dại mọc được thôi. Loại cây này nếu chịu được sự khắc nghiệt ở đây chắc gì đã ra quả được. Mấy năm trước thấy người ta trồng mía xương gà tốt, vợ chồng anh cũng hăm hở trồng. Vụ đầu còn thu được chục triệu. Phấn khởi làm tiếp. Mấy vụ sau cây mía đốt cứ ngắn lại. Thân to chỉ bằng cây ngô. Chua loét. Vụ vừa rồi mía xếp đống chẳng ai mua. Bao nhiêu công lao đổ hết xuống sông, xuống suối. Khó khăn đội thêm khó khăn. Thất bại đó anh còn chưa quên được.

- Trồng được mà. Ra quả mà. Bên Tàu người ta trồng ra nhiều quả lắm. Không tin à? Ba năm không ra quả thì đến tận nhà trả lại tiền…

Nhìn ánh mắt hiền lành và gương mặt chất phác có phần khắc khổ của người đàn ông, Thành suy nghĩ lại: Người vùng cao chẳng ai nói dối cả.

Mường Khương giáp biên giới Trung Quốc, đất đai, khí hậu chẳng khác nhau là mấy, người dân bên ấy trồng quýt ra quả được thì tại sao mình không thử xem thế nào… Ấy là vào năm 2003, năm đầu tiên có chàng trai người Bố Y dám bỏ tiền mua 500 cây quýt lạ về trồng trên đất Mường Khương.

Từ khi vợ chồng Thành phá mía không trồng nữa, người ta bàn ra tán vào mãi rồi cũng quên dần. Bẵng đi một năm, cũng chẳng ai biết có một vườn quýt đã bắt đầu lên xanh giữa thung lũng Sả Hồ. Nhìn vườn quýt mỗi ngày thêm xanh tốt, vợ chồng Thành đặt vào đó nhiều hy vọng. Chắc chắn là cây sống rồi. Thành vui lắm.

Anh tìm lại người bán cây giống trước kia đặt mua thêm 1.500 cây nữa. Cây quýt từ thung lũng chen lên lưng núi, xòe tán che khuất những mỏm đá. Nhưng ông trời lại một lần nữa thử lòng đôi vợ chồng trẻ. Một năm. Hai năm. Ba năm. Rồi gần 4 năm. Cây đã đến tuổi ra hoa mà cũng chỉ thấy lác đác mấy bông.

Bố mẹ Thành vào chơi, ngán ngẩm: "Trồng mía vất vả còn được cây cho trẻ con ăn. Trồng cây này thì chỉ chặt làm củi thôi con ạ…". Dân bản biết chuyện cũng bảo chẳng ai dại như vợ chồng Thành, mua cây lạ về trồng, cuối cùng mất tiền, mất cả công…

Vợ Thành, chị Vàng Thị Lan tâm sự: "Nhiều lúc em cũng nản chí, định khuyên chồng chặt bỏ hết vườn quýt đi, chứ chờ mãi cây chẳng ra hoa, ra quả. Mỗi lần đi chợ chỉ nghe người làng trên, bản dưới chê cười. Rồi đến vụ ngô, vụ lúa, người ta thi nhau lên nương gieo trồng, nhà mình thì đứng nhìn vườn quýt không ra quả rồi sau này biết lấy gì mà sống. Nhưng thấy anh ấy cứ suốt ngày tha thẩn dưới vườn như người mất hồn nên em chẳng dám nói…".

Thành nhìn ra vườn trầm ngâm: "Ngày ấy mình cũng nghĩ chắc phải chặt bỏ vườn quýt này rồi. Nhưng bao nhiêu công lao đổ hết vào đấy. Mấy lần cầm dao ra vườn giơ lên rồi lại hạ xuống. Chặt đi một cây thì đau như chặt một ngón tay. Chỉ biết cầu trời cho năm sau cây ra quả… Mà ra quả thật anh ạ! Cuối năm 2006, gần 500 cây trồng đầu tiên đều ra quả. Vụ đó mới chỉ thu được hơn 10 triệu đồng thôi, nhưng không gì sung sướng bằng…". Nói đến đây, nét mặt Thành giãn ra, tươi hẳn lên.

Vậy là từ đó đến giờ, vườn quýt năm nào cũng đem lại cho đôi vợ chồng trẻ nguồn thu kha khá. Năm 2007, 2008 mỗi năm được hơn 40 triệu đồng. Thấy thế, nhiều người trong bản, cả các cụ già cũng mò đến tận vườn để xem, nếm thử quả quýt trồng trên đất Sả Hồ thế nào. Ừ, ngon thật! Mua giống ở đâu thế? Trồng thế nào hả anh Thành? Ông chủ vườn chẳng giấu giếm gì, nói hết cho bà con biết.

Đến nay, thôn Sả Hồ và các thôn bên cạnh đã có hơn 20 hộ chuyển từ cây kém hiệu quả sang trồng quýt. Vườn quýt nhà các anh Vàng Phà Tính, Vàng Phà Quáng, Lý Xín Mìn… mùa nào cũng sai trĩu quả. Hỏi lấy giống ở đâu, bà con bảo của anh Thành đấy. Thì ra từ năm 2008, chàng trai Bố Y đã tự mày mò học hỏi kỹ thuật chiết, ghép, chọn những cây trong vườn cho quả đẹp để ghép mắt, cho ra đời thành công hàng vạn cây giống. Anh "kỹ sư chân đất" khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Đồng chí Lù Ỉn Sửn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mường Khương nói như khoe: Hiện nay ở Mường Khương, ngoài khu vực thị trấn, được sự hỗ trợ của Chương trình 30a, nhân dân ở các xã Thanh Bình, Nậm Chảy ven biên giới cũng phát triển trồng các loại cây ăn quả có múi với diện tích lên tới 60 ha quýt ngọt và hơn 50 ha chanh trái vụ. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên cây phát triển rất tốt. Chỉ vài năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Trong tương lai, Mường Khương đang có kế hoạch hình thành vùng cây ăn quả có múi tập trung với diện tích lên tới 300 ha để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Rồi đây, vùng "đất khát xứ Mường" hứa hẹn sẽ trở thành một vùng đất của hoa thơm trái ngọt. Chẳng phải nhờ phép màu nào cả, mà bắt đầu từ ý chí, nghị lực, bàn tay lao động của những con người dám nghĩ, dám làm như Thành mà thôi…

Sau nửa tiếng đi dạo quanh khu vườn, chân tôi đã mỏi nhừ, mồ hôi túa ra, khát đến khô cổ họng. Bàn tay chai sần của Thành nhẹ nhàng đặt vào tay tôi một quả quýt vừa bóc vỏ xong. Nếm một múi quýt, mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến. Quả quýt vỏ mỏng, các múi đều nhau, từng tép căng mọng. Vị quýt Mường Khương thanh ngọt chứ không he he như một số loại cam, quýt bán ở chợ. Quýt ngon thế này có thể ăn no được mà không biết chán.

Chỉ tay lên sườn núi, Thành bảo: Ngoài khoảng 1.000 cây quýt 9 năm tuổi đã cho thu hoạch, mình còn trồng thêm trên kia được 9.000 cây 3 năm tuổi nữa cũng đang bói quả rồi. Năm nay quýt được mùa, nếu thu hái hết cả vườn được chừng 10 tấn quả, bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg như hiện nay, tuy hơi thấp nhưng cũng thu được hơn 100 triệu đồng. Quýt Mường Khương chở ra đến đâu, nhân dân trong huyện và khách du lịch mua hết ngay đến đó…

Tôi chia tay vợ chồng Làn Mậu Thành về thành phố khi mặt trời đã lên cao. Vườn quýt được nắng cây nào cũng vàng mọng từng chùm quả. Nếu không đến tận nơi, chắc tôi đã không thể tin rằng trên xứ sở núi đá khắc nghiệt này mà bàn tay lao động và ý chí con người đã bắt đá núi phải đầu hàng, nhường chỗ cho vườn quýt sai hoa trĩu quả.

Đến nay, thôn Sả Hồ (thị trấn Mường Khương-Lào Cai) và các thôn bên cạnh đã có hơn 20 hộ chuyển từ cây kém hiệu quả sang trồng quýt. Cây quýt giờ trở thành cây trồng mang lại ấm no cho người dân nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo Tuấn Ngọc (Lào Cai Online), ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống