Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 10 August 2012

Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh (H.Tuy An, Phú Yên) về hướng tây 15 km, cao nguyên gò Thì Thùng (xã An Xuân) có độ cao khoảng 400 m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, cây xanh trái ngọt hiền hòa.

Trên đỉnh cao nguyên này, có một mặt bằng gò bãi rộng lớn và một hệ thống hầm địa đạo của quân và dân Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tổng chiều dài địa đạo là 1.948 m xuyên qua gò Thì Thùng, sâu 4,5 m, rộng 0,8 m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20 m chừa một cửa hông có ngụy trang.

Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là hệ thống giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Công trình Địa đạo Gò Thì Thùng khởi công ngày 10/5/1964 và hoàn thành sau 15 tháng trong điều kiện hết sức khó khăn, để tránh bị địch phát hiện, ta phải tiến hành đào vào ban đêm bằng những phương tiện thô sơ.

< Miệng cửa chính vào hệ thống địa đạo gò Thì Thùng.

Ngoài đường hầm chính và những đường nhánh nằm sâu dưới mặt đất 5 mét và dài 2 km, xung quanh Gò Thì Thùng được đào nhiều lớp chiến hào dài gần 10 km, chằng chịt thông với nhau và thông vào địa đạo. Hệ thống bãi chông, công sự, giao thông hào liên hoàn với địa đạo tạo thành một trận địa kiên cố, giúp lực lượng quân đội chủ lực và du kích địa phương tổ chức bố phòng, vận dụng cách đánh sáng tạo và đã lập nên nhiều chiến công vang dội.

Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta. Ngày nay, đường về địa đạo gò Thì Thùng đã được rải nhựa thông thoáng.

Và nói đến An Xuân, số đông người sẽ nhớ ngay đến một hệ thống hầm địa đạo mang tầm cỡ quốc gia, nhớ đến đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm, ngày hội duy nhất có ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.

< Đường về An Xuân.

Dù còn thiếu nhiều dịch vụ phục vụ du lịch, tuy nhiên đến An Xuân, du khách sẽ có được cảm giác mát lành của khí hậu vùng cao, được tận mắt thấy di tích lịch sử tầm cỡ ở chiến trường xưa, được thưởng thức nhiều món dân dã ngon như canh chua lá dít, các loại rau rừng…

Tuy nhiên địa đạo có nguy cơ bị “xóa sổ” do không được trùng tu, tôn tạo; người dân tự phát trồng sắn ở hầu như toàn bộ khu vực với diện tích khoảng 27 ha.

Theo Chủ tịch UBND xã An Xuân Trần Quang Minh, khoảng 10 ha đất trong khu di tích đã bị người dân cày xới để trồng sắn. Song theo quan sát của phóng viên, hiện toàn bộ khu di tích đã bị “nông nghiệp hóa” với loại cây trồng chủ yếu là cây sắn.

< Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đã 2 năm song nơi đây vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo.

Có không dưới 20 hộ dân đã trồng sắn trong khu di tích lịch sử quốc gia này. Một thực tế là trước khi Địa đạo Gò Thì Thùng được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia vào đầu năm 2009, hầu hết diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi người dân chuyển sang trồng sắn rất khó xử lý.

Ông Trần Quang Minh chia sẻ: Hiện di tích đã bị biến dạng nhiều so với hiện trạng ban đầu. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư. Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên và huyện Tuy An cần xem xét lại thu hồi lại quyền sử dụng đất trong khu vực địa đạo Gò Thì Thùng, xây dựng kế hoạch trùng tu để bảo vệ di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien, Tintuc... và nhiều nguồn ảnh khác
Tháng Chạp, cứ chớm tắt mưa phùn, nghe có nắng hanh, là người làng tôi đắp lò, rang nếp làm bánh nổ Tết. Ít có loại bánh nào lại làm dễ như bánh nổ, chỉ vỏn vẹn có ba thứ làm nguyên liệu là… nếp, đường và gừng già.

Chính vì dễ làm, ai làm cũng được, nên làm một chiếc bánh nổ cho ngon lại rất khó. Nó là cả một quá trình chuẩn bị khá công phu. Trước hết là chọn nguyên liệu. Nếp hạt phải được chọn từng lượm một khi còn đứng ngoài đồng, rồi phơi riêng cho đủ nắng. Xong, giữ nếp trong bao ni lông kín không để lò hơi. Đường dùng làm bánh cũng phải là loại đường vừa trắng, đủ để bánh có màu hơi vàng ở mạch hồ giữa các hạt nổ. Gừng dùng làm bánh là thứ gừng củ, được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày Tết mang ra làm bánh.

Cái hay của bánh nổ là được làm rất ồn ào. Đầu tiên, nếp cho vào chảo rang như rang phỏng. Nếp càng nổ to, hạt càng lớn và lợi bánh. Sau đó sàng nhặt vỏ trấu, rồi xên đường với gừng già sắc mỏng, trộn đều với nhân nếp nổ, cho vào khuôn gỗ, dùng vồ đóng mạnh và đều tay. Vừa đóng vừa đếm nhẩm số lần đóng vồ sao cho từng phần của cây bánh đều chịu một lực nén bằng nhau. Đây là công việc của người lớn. Cây bánh đóng xong, khi mang ra vuông và dài cỡ hai gang tay, được sấy nhẹ bằng than nóng. Đến đây bánh đã hoàn tất, chỉ cần cắt ra từng lát mỏng hình vuông hay chữ nhật, tam giác, tùy thích.

Còn nhớ ngày bé, khi mẹ làm bánh nổ Tết, tôi thường được giao mấy công việc lon ton như nhặt vỏ trấu, giã gừng và lau rửa khuôn gỗ. Khoái nhất là ngồi chầu rìa bên chiếc nia. Lúc bỏ nổ vào khuôn để đóng thế nào cũng có nổ rơi. Cứ hễ hạt nổ nào rơi ra chiếc nia tròn là tôi chén ngay. Vị gừng thơm cay quyện với hương nếp còn nóng sộc lên mũi nghe cứ tê tê như ăn cao lương mỹ vị. Mà đúng là không có loại cao lương mỹ vị nào thay thế được. Bởi hương vị mộc mạc của bánh nổ gợi lên trong tâm thức tôi đôi vai gầy của mẹ, cánh đồng lúa bạc màu của cha, và những đêm thức trắng khi gió mùa đông bắc thổi rộ kỳ lúa lỗ, báo hiệu một năm mất mùa.

Gần đây bánh nổ Quảng Ngãi có qui cách làm hiện đại hơn xưa nhiều. Thay vì rang nếp bằng lò củi lò than, người ta đã rang bằng lò điện. Một ang nếp, khoảng hai chục lon sữa bò, được rang xong cái vèo, khỏi phải đội nếp xếp hàng như ngày xưa. Còn bánh cũng không đóng thủ công như ngày xưa nữa, mà đóng bằng máy, nhanh gấp hàng chục lần. Công nghệ mới, chiếc bánh ra lò nhẹ và trắng tinh, trông thật xinh xắn.

Ấy thế mà mỗi độ Xuân về, không hiểu sao tôi vẫn thèm và nhớ chiếc bánh nổ xưa, thô kệch nặng mùi đường, với những mạch hồ vàng li ti mà mẹ tôi vẫn làm để cúng ông bà vào ngày Tết.

Du lịch, GO! - Theo Diendandulich.biz, internet
Bờ biển Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi) là nơi ta được lắng nghe bản giao hưởng của đá và nước trong sự dâng hiến hết mình của sóng.

< Bãi biển Châu Me.

Liệu có một thứ âm nhạc được tạo nên từ đá và nước làm mê hoặc lòng người hay không? Chắc chắn bạn sẽ có câu trả lời khi đứng giữa “thạch trận” bên bờ biển Châu Me vào một ngày thu đẹp trời nào đó.

Thế giới kỳ ảo của đá

Nơi đây, hòn Bù Nú tách khỏi dãy Trường Sơn, vươn mình ra biển hàng nửa cây số, dầm chân trong nước để tạo ra những vách đá dựng đứng, những hang hốc rêu phong màu huyền tích.

Đá nơi đây không “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà hài hòa với nước, với sóng làm nên những cung bậc có khi trầm lắng, có lúc vút cao và vọng lại dưới những hang động đầy bí ẩn.

Mất khoảng 20 phút đi bộ về hướng Đông Nam dọc bãi cát nâu vàng, bạn sẽ đến gành Trọc với cơ man là đá tầng tầng lớp lớp, kỳ hình dị dạng.

Khi mặt trời sắp khuất sau rặng núi phía Tây là lúc đá đổ bóng lên đá, tạo nên một thế giới đá vô cùng sống động. Độ chếch của nắng thay đổi từng phút đã khiến cho hàng trăm tảng đá nhanh chóng thay hình đổi dạng. Vừa thấy giống một đàn “hải cẩu” lúp xúp đi trên cạn thì lát sau, chúng đã hóa thành những con “cá voi” đang đùa giỡn với từng đợt triều lên. Và rồi chỉ trong giây lát, “đàn cá voi” ấy…cải trang thành một “đoàn thuyền” lừng lững tiến ra khơi…

Đây chính là lúc ta được nghe bản giao hưởng của đá và nước trong sự dâng hiến hết mình của sóng. Đó là âm thanh bùng vỡ khi từng đợt sóng xô vào những hang đá hiểm hóc. Là âm thanh reo vui của một đợt sóng bạc đầu khi nó “chinh phục” được những tảng đá vươn cao nhất. Từng mảng nước lênh láng hân hoan tràn qua những cái đầu nhẵn bóng, đầy cam chịu của đá.

Nước rút, từng dòng dịu nhẹ len qua các khe đá nghe róc rách như suối. Cũng có lúc ta nghe âm thanh tức tưởi và u uất. Đó là lúc những con sóng trẻ, thích khẳng định mình một cách bồng bột nên bị “rớt” vào ổ phục kích của những vực đá sâu hun hút, loay hoay mãi mà chẳng thấy đường ra.

Mượt mà gành Nhu

Cách gành Trọc khoảng hơn 1 km về phía nam là gành Nhu. Như tên gọi của nó, gành Nhu trông xa như một nét mi cong mềm mại của “mỹ nhân ngư”. Đó là một bãi đá dài khoảng 800m, không hiểm trở như gành Trọc, chạy dọc theo bãi cát vàng mượt mà, tựa vào triền núi bốn mùa xanh ngắt màu dứa dại.

Gành Nhu trông hiền hòa bởi nó cư trú trong một eo biển khá yên ả, nơi mà tàu thuyền neo đậu bình yên trong những ngày biển động.

Ở đây, bạn có thể nghe những bản hòa âm dìu dịu của những làn sóng nhẹ vỗ vào gành đá. Đó là những lời hát thì thầm, rì rào của nước, của gió, tưởng chừng cả bãi đá cũng đang cùng với sóng lao xao.

Vào những đêm trăng, nhiều hòn đá ở gành Nhu trông giống như những nhà sư đang thiền tọa, ngẫm thấu cái lẽ vô cùng của tạo vật. Du khách sẽ cảm thấy nhẹ tênh, trút bỏ mọi phiền muộn khi lắng lòng trước những âm thanh kỳ ảo của thiên nhiên nơi đây.

Chợt nghĩ, đá và nước không hoàn toàn “cương nhu tương khắc” mà có nét tương đồng. Vì không tương đồng thì sao có thể làm nên…âm nhạc. Và hãy tưởng tượng xem, bờ biển sẽ đơn điệu như thế nào nếu vắng bóng những gành đá - những nốt nhạc miên man ngân lên lời của nước.

Không chỉ có âm nhạc của đá và nước, Châu Me còn làm say lòng du khách bốn phương bằng thứ âm nhạc của gió biển trong lành thổi qua bạt ngàn rừng dừa khua tí tách và lọc qua rừng dương xanh ngắt lao xao.

Thông tin thêm:

Châu Me (xã Phổ Châu, H.Đức Phổ) là nơi sở hữu những km bờ biển và gành đá cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi (cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía Nam), đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều tour du lịch sinh thái.

Thênh thang trời biển Châu Me

Du lịch, GO! - Theo Trần Cao Duyên (Thanhnien), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống