Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 12 August 2012

Đà Lạt được mệnh danh là 'thành phố của mùa Xuân' hay ngắn gọn nhưng xúc tích hơn là 'Thành phố hoa'. Ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24ºC và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15ºC. 

Vùng cao nguyên này có lượng mưa trung bình năm 1.755mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm.
Hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,...như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng...

< Dựng xe ven hồ Tuyền Lâm, bọn mình thả bộ dọc theo bờ kè để thưởng thúc vẻ đẹp huyền ảo này.

Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của dân tộc từ các vùng Bắc, Trung Nam. Cả tỉnh có trên 20 tộc người, đông nhất là người Việt, sau đó là M’Nông, Mạ, Cơ Ho...Người dân ở quanh vùng Đà Lạt và Di Linh trồng rau và hoa cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ.
< Đà Lạt đẹp: nét đẹp kỳ lạ từ cái se se lành lạnh, đẹp nên thơ ở những đồi núi nhấp nhô cùng rừng thông reo, đẹp yên bình những mặt hồ tĩnh lặng, c vẻ đẹp huyền ảo của những cô gái xứ ngàn hoa...

Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc... v.v.
< Trời tạnh hẳn, bọn mình rời hồ. Bên kia đường: một chú chó đen tuyền ngược xuôi, tất tả như đang tìm chủ...

Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
< Đường xá không tường tận lắm nhưng trong đầu vẫn còn nhớ mang mán. Bản đồ có trong netbook nhưng... lười mở và cũng do rằng tìm đường không quá khó.
Loanh quanh đôi chút, bọn mình ghé vào cafe Lối Xưa ngay ngã 4 Pasteur - Trần Lê.

< So với cái thú 'làm tỉnh táo', 'tán phét' hay 'đốt thời gian' của người Sàigòn thì quang cảnh và ngụm cà phê của vùng đất hoa có khác ở cái 'thưởng thức', 'tán dương' cùng 'thụ hưởng' sự bình yên. Quán đông nhưng sự yên tĩnh vẫn không thiếu.
Đây cũng là dịp xem lại bản đồ để có hướng đi - trông rồi thấy không rối như mình nghĩ.
< Rời quán theo con đường vòng vo đầy dốc đứng có tên là Thiện Mỹ, bọn mình gặp đường Hoàng Văn Thụ: con đường dẫn đến thác Cam Ly, sân bay Đà Lạt và TL725 đi Tà Nung.
Trời vẫn rét lắm dù tính cả áo mưa thì mình trùm đến 3 lớp áo quần, mưa vẫn lất phất...
< Phía trước thác Cam Ly có nhiều xe đậu, đông vì hôm nay là chủ nhật... và đây là mùa mưa nên cũng không có cảnh 'thác hôi'. Bọn mình đã ghé Cam Ly vài năm trước nên chuyến này không có kế hoạch, vậy là thẳng tiến hướng Tà Nung.
Nhưng từ 'thẳng tiến' xụm ngay khi bất chợt có cơn mưa khá lớn trút xuống. Mình vẫn còn bận áo mưa nhưng vẫn phải ghé trú mái hiên vì 'nửa kia' ngồi sau không muốn mặc vì vướng.

< Rồi mưa cũng tạnh, lại lên đường giữa những hạt lất phất.
Phía trước là ngã 3: rẽ trái là đi đèo Tà Nung, phải là Suối Vàng.
Thấy là lạ nên bọn mình rẽ phải...

Đà Lạt còn quyến rũ khách phương xa ở vẻ đẹp của các hồ.
Những hồ đẹp ở Đà Lạt có thể nhắc đến như hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh...v.v. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa.

< Con đường vòng vo bên đồi bên vực cũng chả khác gì đèo...
Đây là miền cao nguyên, xứ núi mà.

Hồ Tuyền Lâm

Hồ Tuyền Lâm cách Ðà Lạt 5km. Hồ bắt nguồn từ dòng suối Tía huyền thoại và nằm gọn gàng giữa rừng thông mênh mông. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rải rác giữa hồ là những đảo nhỏ xanh ngát.

< Ngang qua một cây cầu đặc biệt mà thành cầu được nhuộm bằng một màu đất đỏ cam...
Xa xa là những vườn hoa được phủ bạt kín.

Vào những ngày đẹp trời, dùng cano hay thuyền buồm du ngoạn trên mặt hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đồi thông xanh mởn, những sườn đồi thoai thoải. Nếu thích, du khách có thể tạt vào một hòn đảo bất kỳ, giăng võng ngủ giữa rừng thông hay thưởng thức những đặc sản núi rừng hoặc thủy sản được đánh bắt dưới hồ.
< Chạy mãi, vẫn là đường vòng vo, rừng cây và mưa vẫn lất phất giữa cái lạnh buốt các đầu ngón tay...

Tại hồ hiện có tour khám phá hồ 1 ngày với các dịch vụ như khám phá hồ bằng thuyền, thưởng thức đặc sản với mức giá 250.000 đồng - 300.000 đồng.
< Cuối cùng gặp ngã 3, cạnh đó là hai bảng giới thiệu 'KDL Suối Vàng', thôi rồi Lượm ơi! Hóa ra Suối Vàng là nơi bọn mình đã từng đi, lâu rồi nên quên mất.

Hồ Xuân Hương

Tọa lạc ngay trung tâm Đà Lạt, hồ Xuân Hương được xem như "nét duyên" không thể thiếu của thành phố sương mù. Hồ có hình trăng lưỡi liềm kéo dài gần 7 km đi qua nhiều địa danh du lịch như vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù...

< KDL Suối Vàng đẹp và rất rộng nhưng 'tái ngộ' thì thời gian không cho phép. Vậy là mình ngắm nghía cảnh vật một tý rồi trở ra.
Trên này, nhìn xuống phía dưới thấy đoạn đường mình đã qua và sẽ trở lại lần nữa...

Vào buổi sáng hay chiều, mặt hồ được phủ những làn sương sớm, tiếng chim ríu rít. Khi đêm đến, hồ thơ mộng với những ánh đèn hắt ra từ các quán ven đường. Du khách có thể thả bộ dọc hồ, đi xe ngựa hay dong ruổi trên xe máy, quanh hồ.
< Lúc này không còn lất phất nhưng đường xá vẫn ướt đẫm. Tới ngã 3, bọn mình rẽ phải đi Tà Nung.

Hồ Than Thở

Hồ Than Thở cách trung tâm thành phố 6km về hướng Chi Lăng. Thời Pháp, tên hồ là Las des Soupirs. Sau 1976, hồ có tên là hồ Sương Mai, nhưng du khách vẫn gọi là hồ Than Thở.

< Áo mưa choàng kín, phía trong là áo gió và áo thun: vậy mà mình vẫn cảm nhận được cái ren rét của vùng cao nguyên. Bụng nhủ thầm: cây kia đã có biết lạnh đâu...

< Mây nhiều, đường vắng... nhưng chính cái vắng này khiến người lái xe được sự an toàn hơn.

Tên gọi này gắn với truyền thuyết về tình yêu son sắt của một đôi bạn trẻ. Truyện kể rằng, hai người yêu nhau tha thiết nhưng vì nghĩa vụ với đất nước, chàng gạt tình riêng lên đường ra trận. Hành trang mang theo là lời thề son sắt của người con gái chàng yêu.
< Một nhánh rẽ bất chợt trên đường cuốn hút đến mức mình dừng xe lại, xuống ngắm nghía thưỡng lãm.
Chả qua là con đường láng xi măng đổ dốc hun hút, trông cứ tựa như ngõ xuống... Diêm Vương, tuyệt thật!

Một ngày nọ, tin báo tử từ chiến trường đưa về. Đau xót vì người yêu ra đi, cô gái ra nơi ghi dấu lời thề, trầm mình cho vẹn tình. Chiến tranh kết thúc, chàng trai trở về, nghe tin người yêu vì mình mà quyên sinh. Chàng cũng chọn việc trầm mình xuống hồ giữ vẹn lời thề. Thương xót cho đôi trẻ bạc mệnh, rừng thông rì rầm nghe như tiếng than khóc.

< ''Chiến mã" vạn dặm trường đây. Vừa thay nguyên bộ nhông sên dĩa Mạnh Quang 'hàng Việt chất lượng cao' nhưng mới lướt qua chút đèo, giờ đã nghe tiếng giũ của sên rồi. 

Mình vẫn muốn 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt' nhưng thế này thì e rằng chắc phải dùng sên DID, nhông dĩa Mặt trời mới xong (với điều kiện đừng dính hàng nhái)! Bộ nhông sên dĩa  cũ hàng hiệu nguyên vỉ của Thái mình xài cả chục năm kia...

< Vừa đến Tà Nung thì dính trận mưa thứ... mấy mấy, lần này lại trú bên mái hiên vì mưa khá rát.
Bắt chuyện với hai cậu trai và cô gái chủ nhà, bọn mình biết được là thác Vọng không còn xa.

Hồ Đan Kia

Hồ Đan Kia cách trung tâm Đà Lạt 12km về phía Bắc. Đây là nơi năm 1893, bác sĩ A.Yersin ngây ngất trước vẻ đẹp của cao nguyên Langbiang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghỉ dưỡng, tiền thân của thành phố Đà Lạt ngày nay.

< Ngớt mưa lại đi. Được vài cây số thì thấy ngã 3 có bảng 'thác Vọng'. Thời tiết này mà vào đó chắc chỉ có nước lội sình và vui đùa với... bùn đất đỏ, vậy nên mình chạy thẳng dù trong lòng rất nuối tiếc.

Có bề dày lịch sử như thế nhưng địa danh du lịch này chỉ được đưa vào phục vụ du khách trong thời gian gần đây. Hồ đẹp như một nàng sơn nữ còn say ngủ dưới rừng thông. Phía dưới hồ Đankia có một thác nước, gọi là thác 7 tầng. Vào mùa này, thềm thác rộng và hùng vĩ.

< Post tấm ảnh một phần thác để bà con xem đỡ 'Thác Vọng' nó thía nào, còn mình thì đổ lỗi không vào được tại... ông Trời!
Thác Cửa Thần hay còn gọi là thác Ba Tầng thuộc địa phận xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng. Độ cao của thác chừng 15 mét, ngày đêm cuồn cuộn xối xả tạo nên một dòng suối bạc trắng, nhìn tựa như chòm râu của vị thần.

Hiện tại hồ không có bất kỳ một dịch vụ du lịch nào. Du khách muốn đến hồ, phải chuẩn bị thức ăn nước uống. Không nên ở lại hồ vào ban đêm nếu ít người.
.
< Cầu Cam Ly hạ rồi đến thượng. Mình chả biết có dây mơ rễ má gì đến thác Cam Ly không nhưng dẫu gì, danh từ này cũng hay hay...

Hồ Đa Nhim

Hồ Đa Nhim nằm trên con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt, thuộc huyện Đơn Dương, cách thành phố Đà Lạt 40km về hướng đông.

< Những chiếc cầu nhỏ thôi và toàn là lát đan sắt vỉ...

Hồ Đa Nhim có diện tích 9,7km², ở độ cao xấp xỉ 1.042m. Hồ Đa Nhim ẩn mình dưới những rạng thông xanh, mềm mại với những nếp lượn trông như một mặt gương bao la. Khi gió dừng thổi, mặt hồ không một gợn sóng. Lúc trời mưa, mặt hồ như những giọt nước nhảy múa theo một khúc nhạc sôi động.
< ... với dòng nước chảy rất mạnh. Có vẻ như đây là con đập tràn giữ lại một phần nước.

Tà Nung là một xã của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vào năm 2011, xã có dân số 4.129 người - tổng diện tích 4.575 ha.
< Lúc này trời hết hẳn mưa, đường vẫn loang loáng nước, rất ít xe.

Tà Nung hiện có phân nửa dân số là người dân tộc gồm người Chil, người Lạch và người Srê. Trong đó, người Srê có số dân ít nhất nhưng là tộc dân cư trú bản địa lâu đời nhất. Đất Mê Linh của Lâm Hà và Tà Nung của Đà Lạt với vườn rừng được tắm mát quanh năm bởi thượng nguồn dòng suối nước Cam Ly. Vậy nên các cây cầu nhỏ đều mang tên Cam Ly...
< Vượt một cua quẹo thì mình thấy thị trấn dưới kia.

Một 'trùm phượt' nhận xét về Nam Ban bằng những dòng này:
Khác với cái lạnh hanh khô se sắt của Sa Pa, những cơn gió nơi vùng thảo nguyên hùng vĩ Nam Ban có một mùi vị ấm áp trữ tình rất riêng. Mùi vị ấy không chỉ thấm qua từng chiếc lá thông khô, phảng phất qua những vòm lá rì rào theo gió mà còn chạm vào từng ngọn cỏ lướt dưới chân người lữ hành.

< Thị trấn Nam Ban, nơi có thác Voi đây rồi - lúc này đã quá 12h trưa.

Và có đứng ở Nam Ban giữa trời mưa lạnh mới thấy nao nao nhớ những hơi ấm bình dị mộc mạc nhất. Một củ khoai nướng vừa hít hà vừa thổi trên tay, một ngụm trà nóng, một ly cà phê mới pha còn thơm mùi sữa…
< Có lẽ trước tiên cần thưởng cho cái bao tử nên mình ghé vào đây.
'Cửa hàng tổng hợp' vừa đớp hít, vừa đổ xăng, rửa xe còn kiêm cả cầm đồ!

Tất cả những điều đó như hoà vào không gian sơn cước hữu tình, khiến người ta không chỉ thấy nhỏ bé choáng ngợp trước rừng núi trùng điệp, mà còn ngây ngất trước cái thinh lặng mênh mông không lời của thiên nhiên.
< Món trưa đây, nhìn thật bắt mắt. Bà xã ban đầu than no (do trên đường mua trái cây linh tinh) nên không ăn. Sau thấy bày biện 'hạp nhãn' quá nên nhào vô gọi thêm chén cơm và chén cà pháo. 
Tổng cộng chỉ 30k bèo bọt mây trôi...

< No nê xong thì ngồi 'phê' điếu thuốc: Stress đã vứt ở Sàigòn, còn hành trang mang theo là nỗi đam mê sự khám phá những vùng đất lạ...

< 13h30, bọn mình lại lên đường tiến về phía trước. Lúc này trời nắng chang chang, chả bù trước đó nửa tiếng mưa dầm dề - thác Voi Nam Ban cũng chả còn xa...

< Đến ngã 3 này, mình rẽ phải: tấm bảng Khu du lịch Thác Voi ngay trước mắt như chào đón khách lạ mà quen...
Lối phải là con đường đi K'Tung, Nam Hà, Phi Tô còn chạy thẳng TL725 sẽ gặp QL27 ngay ngã 3 NThol'Hạ.

Theo tự điển thì Nam Ban là một trong hai thị trấn của huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Thị trấn được thành lập ngày 19-9-1981, khi đó là trung tâm của Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
Diện tích tự nhiên ban đầu của Thị Trấn Nam Ban là 4434 ha. Đến năm 2002 một phần diện tích của Thị trấn được tách ra để thành lập xã Nam Hà. Khi đó diện tích Thị trấn Nam Ban còn lại là 2.089 ha diện tích tự nhiên và 10.912 nhân khẩu.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Saturday, 11 August 2012

Lâu nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau ở Nghệ An có một dòng suối mà ở đó có vũng nước trong vắt đến lạ thường khi một hòn đá chỉ bằng đầu ngón tay nằm dưới độ sâu chừng 3 - 4 mét vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. 

Sự tích “vũng nước tiên”

Dòng nước này mát lạnh về mùa hè lại ấm về mùa đông, kỳ lạ hơn là nước ở đây ùn từ dưới lòng đất lên chứ không hề bắt nguồn từ dòng chảy khác, con gái tắm ở vũng nước này thì có làn da trắng hồng hào...

Tìm về xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ(Nghệ An) giữa tiết trời nắng chang chang tôi hỏi địa chỉ dòng suối có vũng nước mát lạnh, chị Hà bán hàng tạp hóa ở trung tâm xã nhanh nhảu: “Rứa chú ở mô mà cũng về đây tắm mát ở suối nước tiên này. Chú mà tắm ở đây một lần thì về nhớ cả đời, không chừng lại nghiện” - chị Hà khẳng định.

Tìm đến bản Bắc Sơn (nơi gần như là 100% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống), đây cũng chính là nơi có con suối và vũng nước tiên kỳ lạ. Mặc dù không có tư liệu nào ghi chép nhưng theo lời kể của các cụ cao niên thì suối nước này có từ khi nào không ai biết, khi lớn lên ai cũng bảo là có dòng suối này rồi với tên gọi là Khe Xanh. Nhiều người còn đặt cho nó cái tên “suối tiên“.

Nguồn nước được xuất phát từ 3 cái mó nước từ trong lòng đất chảy ra, mùa đông nước ấm còn mùa hè mát lạnh. Từ xưa người dân bản Bắc Sơn thường ra đây tắm mát. Không chỉ dân thường mà ngay các quan cũng tắm ở đây.

Dọc bên dòng Khe Xanh có hai vụng tắm, thông thiên với dòng Khe Xanh, mà theo sự tích các cụ kể lại thì nó là nơi mà quan ông và quan bà thời nghĩa quân Lê Lợi vào đóng quân ở vùng đất này thường tắm. Trong đó một vụng phía trên có tên gọi là vụng Cả Quan là nơi cho quan ông thời Lê Lợi tắm; còn một vụng phía dưới có tên gọi là vụng Mó Tôm là nơi cho quan bà tắm.

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta khi đóng quân ở đây vẫn thường rủ nhau đi tắm ở vụng nước này. Các lý trưởng, cường hào thời phong kiến cũng thường tắm ở hai vũng nước này vì vậy nơi đây mới có tên vụng Cả Quan.

Lại có chuyện kể rằng, ngày xưa nơi đây là cổng trời, Ngọc Hoàng thường cho tiên nữ xuống tắm ở dòng suối này nên mới có tên là vũng nước tiên.

Theo lịch sử và tác động của con người, ngày nay vũng Mó Tôm đã bị tác động phần nào. Còn vũng Cả Quan thì gần như vẫn giữ được vẻ đẹp và nguyên những gì sự tích để lại.

Trong hơn nước khoáng

Quả thực như lời kể, những câu chuyện về dòng suối ở đây không sai. Khi đó đã xế trưa, thấy tôi dừng xe bên dòng suối nhiều nam thanh nữ tú đang tắm mát ở đây liền hét lên: “Có khách lạ đến tắm suối tiên…“. Theo chân một số người đi tắm, vượt qua được ngọn núi khá cao rồi tận mắt chứng kiến được vũng tắm tiên.

Anh Phong người làng Bắc Sơn giới thiệu: “Mùa hè hầu như ngày mô tui cũng ra đây tắm. Nói về tắm thì chắc trên đời này không có chỗ mô tắm sướng bằng vũng nước tiên này. Nhiều buổi trưa hè nắng đến 39 - 40 độ C nhưng ra ngâm mình xuống vũng nước này sẽ mát thấu xương. Nhưng lạ là về mùa đông nếu tắm lại ấm như tắm bình nóng lạnh...”.

Quan sát vũng nước tiên này có diện tích rộng chừng 40m2, dưới đáy là đá màu trắng. Điều kỳ lạ là ở giữa vũng nước lại có một hố nước sâu chừng 4 mét, rộng hơn 1 mét và dài khoảng 3 mét.

Khi anh Phong lao mình xuống hố nước này thì làn da của anh trắng bóc một cách lạ thường. Lấy một hòn đá bằng ngón tay cái tôi tiến đến thả nhẹ xuống hố nước này thì thấy hòn đá đi xuống tận đáy chừng 3-4 mét. Cái khó tin là nhìn bằng mắt thường gần như tuyệt đối không tìm thấy một vệt cấn dù nhỏ nhất. Không tin nổi độ trong của dòng nước nơi đây, sẵn chai nước khoáng La Vie trong ba lô tôi liền múc đầy vỏ chai này giơ lên.

Thật không tin nổi là nước ở vũng này còn trong xanh hơn cả nước khoáng nguyên chất đóng chai sẵn. Anh Phong cười rồi nói: “Không phải mình anh công nhận nước ở đây trong hơn nước khoáng đóng chai đâu mà hầu hết ai đến đây cũng đều công nhận điều đó. Có năm mùa hạn hán hết nước người dân lại tìm đến đây để múc nước gánh về nhà làm nước ăn…“.

Đẹp nhất phải nói xung quanh hố sâu ở vũng nước này là những vách đá với nhiều hình thù như hình con cá, con chim, con hạc... đứng trên dễ dàng nhìn xuyên qua lớp nước để ngắm. Nếu để hố nước này yên sẽ dễ dàng thấy bọt tăm sôi ùn ùn từ dưới lên, điều này cũng minh chứng rằng nguồn nước ở Khe Xanh chính là khởi nguồn từ những mạch nước ngầm như thế này.

Nói về mạch nước ngầm ở Khe Xanh, ông Phan Văn Ngũ - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc, một người biết khá rõ về dòng suối nơi đây khẳng định: “Đúng là dòng Khe Xanh ở đây nước không bao giờ cạn. Mặc dù vào mùa hạn không hề có nguồn nước từ nơi khác chảy về nhưng nước ở Khe Xanh vẫn chảy đều. Nguồn nước chủ yếu trong mó nước ở ngay dưới vũng nước tiên và lòng khe ùn ra...”.

Ngôi đền linh thiêng

Cách dòng Khe Xanh chừng 20 mét có một ngôi đền mà người dân địa phương vẫn quen gọi đền Khe Xanh. Ngôi đền này gắn liền nhiều câu chuyện với dòng Khe Xanh và vũng nước tiên.

Theo cụ Trương Văn Đại - người trông coi ngôi đền đã hơn 10 năm nay cho biết tên chính thức của đền là đền thờ Đức ông Lê Mạnh (một đại tướng quân thời Lê Lợi), tướng quân đi đánh giặc về và mất ở đây nên người dân đã lập đền thờ. Còn theo sử sách thì Đức ông Lê Mạnh là 1 trong 12 vị tướng giỏi của Vua Mai Hắc Đế.

Bây giờ cũng không ai nhớ rõ là đền thờ Đức ông Lê Mạnh có từ lúc nào, nhưng đối với người dân bản Bắc Sơn nói riêng và xã Nghĩa Phúc cũng như các vùng lân cận thì đây là một ngôi đền linh thiêng.

Hỏi người dân Bắc Sơn không ai không thuộc lòng những câu chuyện gắn liền với ngôi đền Đức ông Lê Mạnh như ngày xưa ở vùng Khe Xanh này có nhiều thú dữ như hổ, báo, lợn rừng... Hễ ai muốn đi qua Khe Xanh và khu vực này để vào bản, đặc biệt là ban đêm thì phải mang theo dao, mác, gậy gộc… và phải đi đông người thì mới mong không bị thú dữ ăn thịt. Thế nhưng từ lúc mọi người truyền tai nhau là mỗi lần muốn đi qua khu vực này hãy vào thắp nén nhang ở ngôi đền thì thú dữ không dám đụng tới.

Rời bản Bắc Sơn khi hoàng hôn ẩn sau những dãy tre làng, tôi vẫn nhớ mãi câu thơ được người dân xã Nghĩa Phúc từ trẻ em mẫu giáo đến các cụ cao tuổi đều thuộc lòng mỗi khi giới thiệu vắn tắt về quê hương mình:

“Có ai hỏi nơi nào đẹp nhất
Tôi trả lời Nghĩa Phúc quê tôi
Có dãy lèn cao chót vót tận chân trời
Có Khe Xanh hai dòng nóng lạnh”

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Hải - ANTĐ
Tiếp nối những đội hùng binh Lý Sơn một thuở, những chàng trai trẻ đất Quảng Nam, Đà Nẵng... trước 1975, đã vượt sóng gió ra Hoàng Sa giữ đảo. Đến bây giờ, những ký ức ở đảo xa vẫn còn in mãi trong tim mọi người.

Quần đảo tươi đẹp của Tổ quốc

Giữa mùa thu năm 1971, chàng trai trẻ Lê Lan, nguyên quán ở Điện Trung, Điện Bàn (Quảng Nam) lúc bấy giờ mới 19 tuổi, là y tá theo đoàn ra đảo. Ông Lan nhớ lại: “Đợt tôi ra Hoàng Sa là đợt 45. Ra để đổi cho anh em đợt 44 đã hết nhiệm vụ. Chuyến đi xuất phát ở cảng Tiên Sa - Đà Nẵng từ 16 giờ hôm trước, tàu chạy luôn đêm đến khoảng 6 - 7 giờ sáng hôm sau là đến Hoàng Sa”.

< Cột hải đăng Hoàng Sa năm 1937 - Ảnh chụp từ tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng.

Ban đầu nhận lệnh ra giữ đảo, ông Lê Lan cũng như những người trong đoàn hết sức lo lắng: “Phải nói rằng, được công tác tại Hoàng Sa là một vinh dự lớn. Song cũng có ít nhiều lo lắng và băn khoăn nhất định. Vì Hoàng Sa cách xa đất liền, mênh mông biển nước và ở đó những 3 tháng”. Tàu đến Hoàng Sa hạ neo ngoài khơi, rồi dùng tàu cao su gắn máy đưa vào đảo. “Đặt chân lên đảo tôi thật sững sờ. Đường vào đảo như hang động, bởi hai bên san hô chất cao quá đầu, dây leo phủ kín. Giữa đường đi có đường ray xe goòng từ hồi Pháp để lại” - ông Lan nhớ lại.

Còn ông Phạm Khôi, hiện ở P.Thạch Thang (TP.Đà Nẵng) kể: “Tôi nhớ như in ngày tôi ra Hoàng Sa là ngày bà con ta đưa ông Táo về trời năm 1969. Lúc đó tôi rất hăm hở, háo hức vì mong muốn chinh phục, khám phá vùng đất mới của đất nước và vì khát vọng của người thanh niên đi bảo vệ biển đảo quê hương”. Ở Hoàng Sa lúc đó yên bình, thậm chí nhiều người còn tếu táo với nhau là đi Hoàng Sa để an dưỡng, chứ không phải đi làm nhiệm vụ. Bởi, không khí nơi đây trong lành, biển xanh, cát trắng, hải sản dồi dào. “Khi màn đêm buông xuống, anh em chúng tôi tụ tập lại bên nhau để nghe tin tức ở quê nhà.

< Ông Phạm Khôi, nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa trao kỷ vật là vỏ ốc hoa ở Hoàng Sa cho UBND H.Hoàng Sa.

Cuộc sống biển xa muôn vàn khó khăn, nhưng vì mục đích lớn phải bảo vệ đảo, vì vùng đất máu thịt của Tổ quốc nên mọi người đều  cố gắng vượt qua” - ông Phạm Khôi nói. Ông Nguyễn Văn Cúc, nhà ở P.Phước Mỹ (Q.Sơn Trà) có 3 lần ra Hoàng Sa từ năm 1973. Công việc của ông là khảo sát, sửa chữa và xây thêm bể ngầm chứa nước ngọt, đồng thời lấy mẫu đất, thực địa để chuẩn bị xây dựng sân bay. “Giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người được biết, để con cháu thế hệ mai sau luôn biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp, là một phần của Tổ quốc Việt Nam”.

Cúng đảo cầu bình yên

< Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938.

Ở ngoài đảo sợ nhất là cảnh thiếu nước, ông Phạm Khôi nói: “Chúng tôi sử dụng nước mưa được chứa ở các bể ngầm xung quanh nhà khí tượng. Khi tôi sống ở trên đảo thì chứng kiến 3 lần bị thiếu nước ngọt, mỗi lần kéo dài khoảng 10 ngày. Khát quá, nên chúng tôi lấy nước ở giếng lên để dùng, nhưng nước giếng chỉ uống được khi còn nóng, chứ để nguội rất khó uống. Uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng”. Do thuốc men thiếu thốn, thành ra việc chữa trị bệnh cũng chỉ sử dụng đường và sữa mà thôi. “Những lúc như vậy mới thấm được tình cảm của anh em xa nhà” - ông Khôi tâm sự. Trong bao thứ vật dụng, nhu yếu phẩm, thuốc men mang ra Hoàng Sa, trên tàu bao giờ cũng có mấy chú heo để cúng đảo, một tập tục được truyền lại từ bao thế hệ người Việt từng giữ đảo Hoàng Sa.

< Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa (trước 1974).

Nhiều người khi gặp gỡ, trò chuyện với PV Thanh Niên đều nhớ và kể rằng, bao giờ cũng vậy, trước khi đưa hàng hóa, thực phẩm, gạo, muối... xuống tàu để ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, anh em cũng chuẩn bị 2 - 3 con heo, con lớn cỡ 50 - 70 kg và 2 con nhỏ hơn. Khi tàu vừa cập Hoàng Sa, theo thông lệ và tập tục truyền lại, những người ra đảo phải làm thịt một con heo để cúng đảo. Mục đích việc cúng tế này được lý giải là để cầu mong biển đảo phù trợ cho mọi người được bình yên. Những con còn lại, được nuôi nấng kỹ lưỡng để khi hoàn thành nhiệm vụ, về đất liền làm thịt con heo cúng tạ ơn đảo đã chở che để mọi người được mạnh khỏe, an lành trở về nhà với người thân, bạn bè...

Theo nhiều người từng ở đảo, Hoàng Sa chỉ có dương liễu, dừa và cây nhàu, rất khó để trồng được loại cây rau quả nào để cải thiện thêm. Theo ông Khôi, bên bãi trồng cây dương liễu có một cái miếu rất thiêng, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, bên trong có tượng đồng đen, xung quanh miếu có hàng chục ngôi mộ đắp bằng đất được cho là nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ người Việt giữ đảo Hoàng Sa. Nói về miếu thờ ở Hoàng Sa, nhiều người từng ra đây kể vanh vách: “Phía nam của đảo có một cái miếu xây tường, lợp ngói, cao 3 m, dài 3,5 m, ngang chừng 2,5 m quay về hướng nam. Chính giữa thờ tượng Phật, một tượng Quan Ông và hai bệ thờ. Trước tượng Phật có bàn nhỏ bày những quyển kinh, có một cái chuông và một cái mõ để tụng kinh, niệm Phật”.

Người ở đảo thường kể cho nhau nhiều câu chuyện ly kỳ về sự linh thiêng của ngôi miếu, về chuyện mỗi khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn cá lớn kéo về vũng nước gần miếu như để chầu; chuyện có người muốn nổ lựu đạn vào đàn cá, song đã bị tử vong vì lựu đạn nổ ngay trên tay; trong đó có chuyện một ông thuyền trưởng vào năm 1968 có ý định đưa tượng Phật bằng đồng đen lên tàu về đất liền. Khi tượng đã lên thuyền, nhưng rồi thuyền cứ xoay tròn, không tiến lui gì được. Thấy vậy, thuyền trưởng sợ quá, bèn mang tượng đặt lại trên miếu, đốt nhang lạy lục van xin thì thuyền mới yên ổn rời đảo.

Dồi dào sản vật

Câu chuyện của ông Ngô Tấn Phát, nhà ở Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) kể nhẹ nhàng, nhưng đau đáu nỗi niềm về Hoàng Sa: “Năm 1959, tôi được Nha Khí tượng điều ra Hoàng Sa công tác tại Ty Khí tượng Hoàng Sa. Lúc đặt chân lên đảo nhìn ra biển thì thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ của màu nước biển phân chia từng lớp trong xanh, đậm nhạt từ bãi cát cho đến tít tận khơi xa mịt mù”. Ngoài phiên trực, theo ông Phát, thời gian rảnh rỗi ông cùng các bạn đi dạo quanh đảo, thả bộ trên bãi cát vòng quanh đảo, rồi tắm biển, câu cá, bắt ốc. Sản vật ở Hoàng Sa lúc bấy giờ nhiều vô kể, có nhiều cá mú, mực, tôm, cá khế, cá mập, rùa biển…

< Ảnh quần đảo Hoàng Sa với những cơ sở quân sự, khí tượng của Việt Nam năm 1968.

Ông Trương Văn Quảng, ở Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) có thâm niên trên 10 lần ra Hoàng Sa, chủ yếu là tiếp liệu, vận chuyển nhu yếu phẩm cung cấp cho anh em giữ đảo và đo gió, mưa. Ông Quảng cho biết ông có đọc sách nên từ thời trẻ đã hiểu khá tường tận về chủ quyền Hoàng Sa: “Vào thời chúa Nguyễn Hoàng đến nay là trên 450 năm đã có văn kiện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Khi vua Gia Long lên ngôi còn cho dựng miếu thờ người con gái đã mất ở Hoàng Sa.

Thời Pháp, thuộc đảo lớn nhất ở Hoàng Sa có tên là Robert, sau đó người Việt Nam gọi là đảo cây Dừa, bởi vì trên đảo có nhiều cây dừa lớn”. Ông kể trên đảo có nhiều phân chim nằm sâu dưới lớp san hô và bọt biển. Ngoài ra còn có nhiều loại hải sản quý hiếm. “Khi đến Hoàng Sa, điều lý thú nhất là câu cá. Ở Hoàng Sa thời điểm đó ít ghe thuyền đến đánh bắt, nên có nhiều loại cá và dễ câu. Ở trên đảo ngoài câu cá còn bắt rùa biển, ốc tai tượng, nhất là rau câu biển, lấy hàng bao để làm đông sương ăn rất ngon. Khi hết nhiệm kỳ trở về đất liền, mỗi người mang một hoặc hai bao cá khô về làm quà biếu gia đình, bạn bè” - ông Quảng xúc động kể.

Còn ông Trần Văn Sơn, sau gần 40 năm ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền (đoàn ông ra đảo năm 1973) đến giờ ông vẫn còn nhớ như in những khu vực trên đảo như nhà khí tượng, miếu bà, nhà thờ Công giáo, giếng nước... “Cá ở Hoàng Sa nhiều đến nỗi trong một đêm, một người có thể câu đến cả tạ”. Ông Sơn còn cho biết thêm, mỗi khi thời tiết đẹp, đứng ở đảo lớn Hoàng Sa có thể nhìn thấy 7 cụm đảo nhỏ xung quanh. “Khi tôi ra đảo, nhiều anh em đi trước có kể họ từng sang các đảo nhỏ xung quanh để lấy trứng chim. Còn với chúng tôi, đảo trưởng cấm không cho đi vì thời tiết xấu bất thường và có nhiều vùng xoáy rất nguy hiểm”.

Ký ức đẹp đẽ

Kỷ niệm khó phai nhất đối với ông Trần Văn Sơn thời ở Hoàng Sa là vào một đêm trăng sáng, ông cùng vài anh em trong đoàn đi tìm trứng rùa biển. “Tôi nhớ có một con rùa biển rất to lên bờ cát đẻ trứng, hai người đứng trên lưng mà nó vẫn bò đi được. Khi nó bò đến mép nước thì chúng tôi mới nhảy xuống. Phải nói là chưa bao giờ tôi thấy một con rùa biển to như thế” - ông Sơn kể một cách hào hứng.

Trong các câu chuyện của những người từng ở Hoàng Sa kể lại, bao giờ chúng tôi cũng nghe về vẻ đẹp Hoàng Sa cũng như lời khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. “Tôi lúc đó tuổi đôi mươi, không vướng bận thê nhi, chút máu lãng tử trong người trỗi dậy. Hơn nữa nghe kể rằng ngày xưa triều Nguyễn lập đội Hoàng Sa, khi đưa tiễn họ ra đi, họ được xem như những anh hùng...” - ông Trần Hòa quê ở thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên (Quảng Nam) nói.

Ông Trần Hòa ra đảo năm 1973, và với ông những dấu tích từ thời xa xưa, những mái nhà, những câu chuyện ở đảo dường như mới in vào trong tâm trí ông: “Biển đảo hiền hòa và hào phóng, cung cấp hải sản không thiếu một thứ gì. Nhưng cũng có lúc nổi cơn giận dữ, biển thét gào với những trận cuồng phong, những đợt sóng cao như trái núi lừ lừ tiến vào đảo trông thật kinh hoàng. Nhưng điều may mắn là Hoàng Sa chưa bao giờ ngập trong sóng biển”.

Mỗi khi nhớ đến Hoàng Sa, tôi nghĩ có một ngày nào đó sẽ có dịp bước chân trở lại đảo với niềm tự hào đó là một phần của đất nước chúng ta và thuộc chủ quyền của ta

Tháng 10.1973, ông Lê Lan (Quảng Nam) trở lại Hoàng Sa lần thứ 2. “Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là về (đầu năm 1974 - PV) thì Trung Quốc đưa tàu chiến, binh lính đến lấn chiếm đảo. Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu giữ đảo, vì đảo là chủ quyền của chúng ta, nhưng bọn chúng đông quá cùng tàu chiến nhiều nên cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa...” - ông Lê Lan kể trong uất nghẹn.

“Tôi cùng 32 người khác bị đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam 3 tháng, khi đó có thêm 21 người bị hải quân Trung Quốc bắt ở đảo khác. Sau đó chúng đưa tôi về trại tù binh ở Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng 1 tháng rồi giao cho Tổ chức Hồng thập tự Quốc tế của Anh trao trả cho chính quyền Sài Gòn" - ông Lê Lan kể lại trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa...

Cứu ngư dân Trung Quốc

Năm 1952, ông Lữ Điều cùng đồng đội nhận lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại ra Hoàng Sa giữ đảo. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm soát, bảo vệ quần đảo; hằng ngày kiểm tra, thu thập, báo cáo tin tức về tình hình Hoàng Sa về cho đất liền. Ông Lữ Điều kể chuyến đi rất vất vả, nhiều người mệt mỏi do sóng gió, nhưng khi nhìn đảo trong lòng vô cùng sung sướng, cảnh quan ở đó rất chi là đẹp đẽ. Khi nói về chuyện ngư dân Việt Nam thời gian qua bị bắt bớ, ông Lữ Điều nhớ lại: “Chúng tôi ở được vài tuần thì có một tàu của Trung Quốc vào đảo để xin nước uống.

Chúng tôi đã cung cấp cho họ trong lúc khó khăn và cho họ biết rằng nơi đây là lãnh thổ của Việt Nam”. Cũng theo ông Điều, họ tỏ ra rất biết ơn, “gật đầu và bắt tay chúng tôi trước khi chào rồi ra tàu”. Ngoài ra, cũng có tàu của ngư dân Nhật Bản bị bệnh nặng phải ghé đảo cầu cứu, đã được ông Lữ Điều cùng y sĩ ra tay giúp đỡ. Biết bao nhiêu lần, bằng tình cảm chân tình, nhiều lớp người Việt Nam ở Hoàng Sa đã nhiều lần cưu mang, ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ những ngư dân gặp nạn.

Sau khi Trung Quốc công bố thành lập “thành phố Tam Sa” và lập ra các cơ quan hành pháp, HĐND TP.Đà Nẵng, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng kiên quyết lên án việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Những người một thời sinh sống, làm việc, bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa cũng đã lên tiếng. Ông Phạm Khôi nói: “Trên bình diện luật pháp quốc tế về biển, không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng thấy không thể chấp nhận được việc dùng vũ lực chiếm giữ lãnh thổ của nước khác rồi thành lập chính quyền trên vùng lãnh thổ ấy. Hoàng Sa là của Việt Nam, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính của TP.Đà Nẵng. Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ chân lý, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”. Còn ông Trương Văn Quảng cho rằng: “Tôi hoan nghênh Quốc hội khóa XIII đã thông qua luật Biển Việt Nam. Việc này đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp bước các thế hệ cha ông, những người đã xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để gìn giữ, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.

Trong câu chuyện của mình khi nói về những ngày tháng ở Hoàng Sa, mắt ông Trương Văn Quảng bao giờ cũng ánh lên niềm tự hào vì mình đã đóng góp một phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền. Là chứng nhân một thời, mong muốn lớn nhất của ông là giáo dục cho thế hệ trẻ biết về chủ quyền Hoàng Sa. Trong những cuộc gặp mặt gia đình nhỏ của mình, bao giờ ông cũng kể cho con, cho cháu nghe về Hoàng Sa. “Chúng ta nên thông qua chương trình giáo dục về lịch sử, địa lý ở các trường lớp để giáo dục cho học sinh và các thế hệ mai sau hiểu biết chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Quảng nói.

Ông Nguyễn Văn Cúc (ở P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng mong muốn: “Tôi có đôi lời nhắn nhủ cho con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn, đi khai phá, giữ gìn Hoàng Sa của cha ông từ thời chúa Nguyễn. Phải luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Trong lòng Đà Nẵng

Ngày 25.4.2009, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lúc bấy giờ, đã trao quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Phát biểu trong lễ nhậm chức Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ khẳng định: “Tôi sẽ làm tốt nhất chức trách mà mình đã được giao phó. Là một công dân, tôi có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, tôi càng ý thức rõ hơn trách nhiệm này và sẽ làm hết sức mình”.

Từ đó đến nay, ông đã tận tâm tận lực cùng các cộng sự gặp gỡ nhân chứng từng sống, làm việc tại Hoàng Sa, sưu tầm kỷ vật, tư liệu lịch sử quý báu từ mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Khi Trung Quốc lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa", trả lời báo chí, ông Đặng Công Ngữ một lần nữa khẳng định: "Việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" rồi tiến hành bầu cử HĐND, thị trưởng Tam Sa là bước leo thang vi phạm trắng trợn và thô bạo chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền quản lý hành chính của chính quyền TP.Đà Nẵng đối với đơn vị hành chính Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982".

Hiện UBND huyện đảo Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ trên 350 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, trong đó có nhiều tài liệu quý giá khẳng định chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa suốt từ thế kỷ 16 - thế kỷ 20.

UBND huyện đảo Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã tổ chức, tham gia nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu. Hiện TP.Đà Nẵng đang xây dựng một dự án trưng bày các tư liệu Hoàng Sa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến ra mắt tại Bảo tàng Đà Nẵng trong năm 2012.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, internet

Tìm bằng từ khóa 'Hoàng Sa' trong Du lịch, GO! để xem những bài liên quan.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống