Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 12 August 2012

Hầu như người Sài Gòn ai cũng từng có dịp đi Vũng Tàu – một địa danh du lịch rất quen thuộc. Nhưng có một Vũng Tàu khác, với những điểm đến ít có trong tour của các công ty du lịch

1- Ngắm Vũng Tàu từ tàu cánh ngầm

Vũng Tàu chỉ cách TP.HCM 110km với 2h30 phút xe tốc hành máy lạnh. Thế nhưng bạn hãy thử một lần lướt sóng cùng tàu cánh ngầm để có một cảm giác mới lạ hơn. Xuất phát từ bến Bạch Đằng, tàu chạy êm ru trên dòng sông êm đềm, len lỏi giữa những rừng cây xanh ngát. Chỉ sau 1h15phút cửa biển mênh mông hiện ra trước mắt. Từ khoang tàu, bạn thỏa thích ngắm nhìn thành phố Vũng Tàu, với Núi Lớn, Núi Nhỏ ẩn hiện xa xa. Giá vé tàu 160.000đ/người, mỗi ngày có 4 đến 6 chuyến đi về, khá tiện lợi.

2- Êm đềm bãi Chí Linh

Bãi Trước, Bãi Sau đông nghẹt người tắm biển là quang cảnh thường thấy ở Vũng Tàu. Nếu không muốn chen nhau thuê dù, ghế... với giá cắt cổ, tắm biển xong lại chen nhau tắm nước ngọt, mời bạn đến với bãi biển Chí Linh.

Nằm ngay ngã tư đường 3/2 và Nguyễn Hữu Cảnh, chỉ cách khu trung tâm 3km, Chí Linh đã được quy hoạch thành làng du lịch khá đẹp. Bãi biển vắng vẻ thơ mộng, bạn tha hồ tắm biển và nằm thư giãn, phơi nắng cả ngày mà không bị hàng rong quấy rầy.

3- Chùa Quan Âm bãi Dâu

< Quan âm Bồ tát Tự.

Niết Bàn Tịnh Xá, Linh Sơn Cổ Tự... là những ngôi chùa quen thuộc nằm trong các tour du lịch. Mời bạn đến thăm một ngôi chùa khác nằm trên đường Trần Phú - chùa Quan Âm Bồ Tát.

Chùa tĩnh lặng nhìn xuống Bãi Dâu sóng vỗ rì rào. Nổi bật giữa khung cảnh chùa là tượng Phật Bà Quan Âm cao 16m đứng trên tòa sen trắng.

4- Tượng Đức mẹ bồng con trên núi

Tượng Chúa Kitô giang tay nằm trên núi Nhỏ là một thử thách cho các bạn trẻ khi phải vượt qua cả ngàn bậc thang để lên đến đỉnh. Nếu đã có tuổi hoặc thể lực không cho phép, bạn hãy lên thăm tượng Đức Mẹ bồng con trên đường Trần Phú, gần quán ăn Cây Bàng.

Độ cao ở đây thấp hơn, nhưng cũng vừa đủ đẹp để ngắm nhìn biển và chụp ảnh. Tượng Đức Mẹ cao 27,5m nằm ở độ cao 60m cách mặt biển, dưới chân tượng, ở độ cao 25m, là Đền Thánh. Ngày xưa khu này là rừng rậm hoang vắng, đến đầu thế kỷ 20 giáo dân mới khai phá trồng dâu nuôi tằm. Tên gọi Bãi Dâu bắt nguồn từ đấy.

5- Chinh phục hải đăng Vũng Tàu

Hải đăng Vũng Tàu là ngọn đèn biển có hình tháp tròn đường kính 3m, cao 18m nằm trên đỉnh núi Nhỏ ở độ cao 170m so với mặt biển. Chinh phục Hải Đăng khá dễ dàng, chỉ cần 10 phút xe gắn máy là bạn đã ở trên đỉnh Núi Nhỏ lộng gió.

< Tượng Chúa giang tay nhìn từ ngọn hải đăng.

Từ đây bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Vũng Tàu với 3 mặt là biển xanh ôm ấp. Lần theo đường cầu thang xoáy ốc lên đỉnh tháp , chạm tay vào bóng đèn biển khổng lồ chiếu xa 35 hải lý là một cảm giác thật khó tả.

6- Vượt biển thăm hòn Bà

Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm trên biển, cách mũi Nghinh Phong 200m, giữa bốn bề nước biển. Tuy nhiên bạn vẫn có thể vượt biển ra thăm Hòn Bà mà không cần tàu thuyền gì cả.

< Thủy triều xuống hé lộ đường ra Hòn Bà.

Hãy đợi buổi chiều, khi thủy triều xuống, con đường đá sỏi dẫn từ bờ cát ra đảo dần dần lộ ra. Lúc này bạn ung dung dạo bước trên biển, nước xâm xấp dưới chân mát lạnh. Trên đảo có miếu thờ Bà và một hầm bí mật, nơi hội họp của chiến sĩ cách mạng hồi xưa. Nhưng bạn hãy nhớ quay trở về đất liền trước khi trời tối, lúc thủy triều bắt đầu lên từ từ ngập hết con đường!

7- Câu cá với dân làng chài

Làng chài Bến Đá nằm cách thắng cảnh náo nhiệt Thích Ca Phật Đài chỉ vài trăm mét, nhưng khung cảnh khác hẳn. Để vào làng bạn sẽ đi qua những con đường cá khô thơm nắng vàng hiền hòa tĩnh lặng. Thời tiết đẹp, bạn có thể theo dân chài làm một buổi câu cá gần bờ hết sức thú vị. Chỉ sau nửa giờ rời bến tàu là đến điểm buông câu. Bạn sẽ được hướng dẫn sử dụng cần câu, mắc mồi câu, thả câu và chờ đợi những chú cá mú, cá hồng, cá ngát... cắn câu.

< Đường vào làng chài.

Cảm giác tự tay giật cần câu với chú cá gần cả ký lô nặng trĩu thật khó quên. Thành quả lao động lập tức được chế biến đơn giản ngay trên tàu thành bữa tiệc hải sản dã chiến. Cá hồng nướng muối ớt, cá mú nấu cháo, cá ngát thì nấu lẩu... Thêm vài ly đế trong mắt mèo, tâm hồn như chếnh choáng cùng sóng biển !

8- Nhà thờ Bến Đá

< Nhà thờ Bến Đá như một con tàu lướt sóng ra khơi.

Đến thăm làng chài mà không ghé nhà thờ Bến Đá thì thật thiếu sót. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt, tiệc tùng, cưới hỏi.. của dân làng chài.

Nằm trong khuôn viên thoáng mát, nhà thờ có kiến trúc hết sức đặc sắc, với thiết kế như một con thuyền trắng khổng lồ đang giương buồm hướng ra biển.

9- Đài liệt sĩ Vùng Tàu

Nằm ở vòng xoay giao lộ 3/2 và Lê Hồng Phong - cũng có tên là vòng xoay Đài Liệt Sĩ - ngay Bãi Sau, điểm tham quan này bao gồm một Đài liệt sĩ nằm giữa vòng xoay và một đền thờ nằm trên đỉnh đồi bên cạnh.

< Đền thờ liệt sĩ Vũng Tàu.

Đây là địa điểm vui chơi và hóng mát mỗi chiều của dân địa phương. Vào những buổi chiều rảnh rang, bạn hãy thuê một chiếc xe đạp dạo vòng vòng Đài Liệt Sĩ rồi lên đỉnh đồi ngồi trên bãi cỏ ngắm cảnh thành phố biển chiều tà rất thú vị. Có rất nhiều điểm cho thuê xe đạp đôi dọc Bãi Sau, giá thuê là 15.000đ/chiếc.

10- Vũng Tàu ẩm thực

Bánh khọt là đặc sản danh tiếng Vũng Tàu. Nhưng ngoài bánh khọt, bánh bèo Tuyết Mai đường Phan Chu Trinh cũng là món quen. Quán nằm trong vườn cây rộng mát. Nước chấm ở đây thuộc hàng số dzách. Ngoài bánh bèo ra bạn còn có thể gọi nem nướng, gỏi cuốn…

Nếu thích ăn hải sản, đừng nghĩ Vũng Tàu chỉ có quán Cây Bàng. Đến thăm làng chài Bến Đá trên đường Trần Phú, bạn hãy ghé qua chợ hải sản. Nơi đây có một loạt vựa như: Thành Phát, Hồng… bán hải sản tươi ngon vừa được đánh bắt mà giá cả rất mềm.

< Bánh khọt, đặc sản Vũng Tàu

Vũng Tàu còn có quán lẩu cá đuối 40 Trương Công Định ngon quên trời đất, ngồi lề đường, ngắm thành phố, ăn miếng cá ngon ngọt, bạn cảm thấy mình không khác gì dân nhậu Vũng Tàu "chính hiệu con nai vàng".

< Khách Tây đạp xe dạo phố biển.

Còn nếu đã quá quen với đồ biển và muốn đổi món? Đến Bảy Chuyển II ăn thịt rừng hay Vườn Bàng đường Nguyễn Thái Học ăn thịt nướng xiên cũng là ý hay. Gia vị ướp thịt nướng đúng kiểu Nga ở Vườn Bàng đã làm nên tên tuổi của quán. Khách tây, các chuyên gia Nga mỗi chiều đến đây đông kín, ai cũng thích thú hít hà khói tỏa lên từ các xiên thịt nướng!

Phố ăn đêm đường Đồ Chiểu cũng là nét đặc trưng của Vũng Tàu. Sau một ngày tắm biển, tham quan, leo núi…, hãy làm một tô cháo bồ câu nóng hổi, lặng lẽ nhìn thành phố về khuya, để thấy, vùng đất này tuy thân thương, quen thuộc mà vẫn còn nhiều điều mới lạ cần khám phá…

Du lịch, GO! - Theo báo Phụ Nữ
Tưởng chúng tôi đi xin 'bùa yêu' lại toàn những người đứng tuổi trông rất giống những người đã có vợ con, 'nhà bùa' nói ngay: 'Tôi chỉ giúp cho những cặp trai gái độc thân bén duyên nhau chứ không bao giờ làm bùa chú cho những người bỏ vợ, bỏ chồng đâu'.

Hầu như dân tộc vùng cao nào cũng có những người làm bùa. Từ Mường, Thái, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao..., mỗi một dân tộc có phương thức làm bùa khác nhau và thường chia thành 3 đẳng cấp.
"Người tài cao chỉ cần nghe yêu cầu của người nhờ mà chế được lá bùa theo ý muốn, thậm chí có thể đơn phương giải bùa thì được gọi là 'nhà bùa'.

Đẳng cấp thấp hơn là người biết làm bùa nhưng dừng lại ở việc phải xem xét kỹ lưỡng ở cả hai phía người cần bùa và bị bỏ bùa có mặt được gọi là 'sán bùa'. Còn đẳng cấp thấp nhất gồm người chỉ biết cách làm bùa mà không biết cách giải bùa thì nhiều không kể xiết”, kỳ nhân xứ Mường, 'Thần dòi” Bùi Văn Chê (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết.

Nhà bùa tài ba của dân tộc Cao Lan

Ông Chê không có tài làm bùa nhưng lại quen biết nhiều những “nhà bùa” khắp các vùng Tây Bắc. Theo lời chỉ dẫn của ông, chúng tôi bắt xe từ Hòa Bình lên Tuyên Quang để tìm họ. Trên xe, chúng tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ, chồng người Bình Định 32 tuổi, nước da ngăm đen miền biển; còn cô vợ người Hưng Yên, 19 tuổi xinh gái và trắng trẻo ríu rít, hạnh phúc.

Xe dừng, cặp vợ chồng chưa kịp nghỉ ngơi đã bắt xe ôm đi thẳng đến một ngôi nhà sàn ở thôn Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang. Họ có cùng mục đích với chúng tôi: nhà của người làm bùa có tiếng của dân tộc Cao Lan, ông Hoàng Tiến Đồng.

Ông Hoàng Tiến Đồng không có ở nhà. Ở nhà chỉ có bà vợ Phạm Thị Cát, trạc 50 tuổi, đang ngồi chẻ lạt đan nôi. “Ông ấy không có nhà. Đi nghe hát sình (một điệu hát truyền thống người Cao Lan) từ chập tối rồi. Để tôi đi gọi”, bà Cát nghỉ tay nói.

Hai vợ chồng trẻ kia ngồi xuống, tay cùng mân mê chiếc nôi đan dở. Người chồng tủm tỉm cười ngó xuống phía bụng vợ. Thoáng đỏ mặt, chị vợ phát mạnh vào lưng chồng cái "bốp" rồi bẽn lẽn nhìn về phía chúng tôi.

Chừng hơn 10 phút sau, ông Đồng về. Ngước nhìn đôi vợ chồng trẻ đứng trên bậc thang nhà sàn, ông Đồng reo lên: “Nguyễn Quang Quyền ở Quy Nhơn phải không?”. Người chồng dắt tay vợ xuống tận chân cầu thang rối rít: “Dạ con Quyền đây!", ông Đồng nhìn sang cô vợ trẻ của Quyền hiểu ngay, cười ha hả: “Cũng xinh đẹp đấy, cưới được mấy tháng rồi?". “Dạ 6 tháng. Tất cả ơn ấy nhờ thầy cả ạ”, chàng trai miền biển thật thà cảm tạ.

Thì ra, vợ chồng anh Quyền bắt xe đò lặn lội từ tận Bình Định ra để cảm ơn ông Đồng đã giúp mai mối, tác thành. “Tác thành một cách kỳ lạ mà không ai dám tin. Chính mình đi cầu thầy Đồng làm giúp mà cũng bán tín bán nghi”, anh Quyền kể. Theo lời Quyền, hai vợ chồng anh có thành đôi lứa tất cả là nhờ lá bùa của thầy Đồng ban cho.

Tháng 5/2011, Quyền từ vùng biển Quy Nhơn ra làm công trình ở Bắc, gặp cô H. xinh đẹp ở đất nhãn lồng Hưng Yên là đem lòng yêu luôn. "Chết cái, gặp em ở đâu là cô ấy tránh mặt. Đem hoa tặng ngày lễ là vứt đi ngay. Càng thế, em càng yêu và quyết lấy bằng được. Nhưng mình chân thành mà không biết làm cách nào để lấy được lòng cô ấy.

May sao, có thằng bạn lên Tuyên Quang làm thợ mỏ về kể trên này có món bùa yêu vô cùng hiệu nghiệm. Nghe nó kể cứ hoang đường thế nào, nhưng vì tình em cũng thử. Nó đưa đến gặp thầy Đồng nhờ giúp. Thầy Đồng nghe em kể chuyện xong, thấy em thật lòng liền ban cho một lá bùa. Dặn cứ thế, cứ thế là ổn. Đi về, em chỉ biết nhất nhất rồi làm theo. Ai dè, sau mấy tháng, nhà em chuyển ghét thành yêu mến, rồi bọn em cưới luôn! Tất cả là nhờ thầy Đồng cả”, anh Quyền hớn hở kể lại.

Sau khi cưới nhau, Quyền cũng kể thật lòng với vợ nhưng vợ không tin. Thế nhưng khi biết chuyện quả là em có bùa thì cũng tặc lưỡi: “Thôi thì duyên số, anh thật lòng thương nên em cũng chẳng trách. Nhưng nhận ơn thì nên trả ơn". Thế là vợ chồng Quyền lặn lội ra Bắc chuyến này.

Nói chuyện với “nhà bùa" Hoàng Tiến Đồng - một người đàn ông nhỏ bé - không ai nghĩ ông có “pháp thuật” ghê gớm. Tưởng chúng tôi đi xin “bùa yêu” lại toàn những ngưòi đứng tuổi trông “rất giống những người đã có vợ con đàng hoàng”, “nhà bùa” nói ngay: “Tôi chỉ giúp cho những cặp trai gái độc thân bén duyên nhau chứ không bao giờ làm bùa chú cho những người bỏ vợ, bỏ chồng đâu”. Đến tận khi nghe chúng tôi biết tiếng ông đến tìm hiểu chuyện thực hư của "bùa yêu”, ông mới mở lời.

Mở một tủ lim có khóa sắt kiên cố, ông Đồng cầm ra một tập sách chữ Nho đã cũ ố vàng: “Tập sách này, cha tôi (ông Hoàng Hữu Tố) đã lựa chọn tôi là người thừa kế. Trước khi mất, cha tôi có dặn: 'Làm gì cũng phải có tâm thì mới có được nhân đức và bền lâu. Kỵ nhất là chuyện hại người, chia rẽ vợ chồng con cái người ta. Làm bùa cho người này cũng phải xem có hại cho người kia không'. Tôi nghe lời dặn rồi theo sách. Cứ thế ngày một ngấm rồi phát triển thêm. Giờ thì cũng lĩnh hội được gần đủ".

Trong hàng chục cuốn sách chữ Nho dùng để làm lễ, làm bùa, ông Đồng đặc biệt coi trọng cuốn “Trung nguyên hợp hôn". Đây cũng chính là cẩm nang để làm bùa yêu của ông. Theo lời "nhà bùa” này, cuốn sách này có thông tin về bản mệnh của tất cả mọi người theo ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Khi có ai đến nhờ ông làm bùa yêu thì ông phải tra xem 2 tuổi người nam, người nữ có hợp mệnh nhau không. Nếu hợp thì ông mới làm, nếu không hợp thì ông từ chối. Nếu hợp thì người đến xin bùa phải chuẩn bị một đôi nhẫn bạc, 2 miếng vải đen, trắng (khoảng 2m2/miếng) và một ít tiền.

Nhẫn bạc được đặt lên bàn thờ rồi mời vị thần Nam đường, bà Mụ, ông Tơ bà Nguyệt xuống xe duyên cho. Bùa yêu được viết bằng chữ Nho và được hóa đi sau buổi lễ. Người xin bùa mang chiếc nhẫn bạc về tặng cho người con gái có tình cảm cùng đeo.

Ông Đồng cho biết thêm: “Nếu họ thành duyên được với nhau thì theo tục lệ, họ phải trả lễ lại cho ông mối một con gà trống thiến, một cái đùi lợn, 12 cái bánh dầy (mỗi cái nặng nửa cân có nhân đỗ xanh) và một con gà mái tơ. Tiền cảm tạ thì ít nhiều không quan trọng nhưng phải là con số 4: 40 nghìn đồng, 400 nghìn đồng, 4 triệu đồng...”.

Hỏi về hiệu quả của bùa yêu, ống Đồng bảo: “Cái đó cũng còn nhiều yếu tố nhưng tôi đã làm bùa yêu là cưới. Nguyên trong thôn Song Lĩnh này, tôi đã làm duyên cho 8 cặp và những đôi này đều sống với nhau êm ấm, hạnh phúc". Chưa gặp được những người kia để kiểm chứng nhưng câu chuyện của đôi vợ chồng đến tạ ơn ông cũng cho chúng tôi tin phần nào.

Bà Trần Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch UBND Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang cũng không thể khẳng định chuyện “nhà bùa” Đồng có những khả năng đó thật hay không. Tuy nhiên, bà Lan nói: “Tôi có biết khả năng của ông Đồng qua nhiều người dân trong xã. Người Cao Lan là dân tộc có nhiều nghi thức tâm linh và bùa độc đáo cần được sự quan tâm và nghiên cứu của các nhà văn hóa”.

Vậy nhưng theo phóng viên báo Bưu điện VN thì:
"Ngay như chính bản thân ông Đồng, dù có sẵn “bùa, phép” nhưng vẫn phải thừa nhận một điều rằng: “Yêu thật vẫn là cách tốt và bền vững nhất trong hôn nhân, hạnh phúc. Trong cuộc sống trai gái, vợ chồng, ai cũng có những khó khăn, mâu thuẫn, nếu cả hai quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn thì đó mới chính là thứ “bùa” thật sự”.

Ai cũng biết rằng khi phải xa một người mình hết mực yêu thương thật khó nhưng thà buồn một chút, đau khổ một chút còn hơn là dính vào bùa ngải. Hơn nữa, ngay như chính “cao thủ bùa” mà tôi đã gặp cũng phải thừa nhận rằng, thứ “bùa” mà ông đang sử dụng để giúp nhiều người không có thực nhưng không hiểu vì sao mọi người vẫn lầm tin".

Du lịch, GO! - Theo BĐ&CS, BĐVN, internet
Không đâu trên đất nước Việt Nam lại nghe thấy nhiều từ "money" (tiền) như ở Sa Pa.

< Không chỉ du khách người nước ngoài, người Việt khi đặt chân đến Sapa cũng bị người bán hàng quây kín để chào hàng.

Giữa mùa hè oi bức, khách du lịch nườm nượp kéo về Sa Pa, coi đó là nơi tránh nóng lý tưởng nhất của miền Bắc. Khách nước ngoài, dường như đến Việt Nam không thể không đến Sa Pa, Hạ Long, Cố đô Huế. Nhưng không đâu trên đất nước Việt Nam lại nghe thấy nhiều từ "money" (tiền) như ở Sa Pa - câu chuyện không có tiền không… chụp ảnh, không có tiền không… nói chuyện; câu chuyện về những người bán hàng bám du khách như… ăn xin đã hết sức quen thuộc ở nơi này.

Những đứa trẻ chỉ biết đến tiền

Sa Pa đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm. Khi người Pháp phát hiện và khai phá vẻ đẹp nguyên sơ của nơi này, họ đã quy hoạch và xây dựng nó thành một nơi nghỉ mát có một không hai ở miền Bắc Việt Nam. Sa Pa đã sớm phát triển, nhưng sự "trưởng thành" sớm ấy, lại thêm việc buông lỏng quản lý, ăn xổi ở thì trong thời bung ra gần đây đã rước thảm họa đến với Sa Pa… Những hệ lụy từ phát triển du lịch đã lấy đi của Sa Pa nhiều thứ, cái mất lớn nhất chính là sự mai một cái đẹp hồn hậu, mến khách của phần nhiều cư dân nơi đây.

Báo chí nói quá nhiều về "vấn nạn" bán hàng rong, đeo bám du khách ở Sa Pa. Những nhà quản lý cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Nhưng dường như, những cố gắng ấy vẫn không mảy may chạm được vào gốc rễ của vấn đề. Và nó vẫn cần tiếp tục được đưa ra để bàn luận, để cứu Sa Pa.

< Đội quân 'đeo bám' đang chờ khách du lịch. Một bộ phận người dân Sapa đang tự giết hình ảnh đẹp của chính địa phương mình.

Sáng sớm Sa Pa còn mờ hơi sương, bà con người dân tộc đi bán hàng đã xuống thị trấn. Họ gùi theo những gùi hàng không nặng vì đó chủ yếu là hàng lưu niệm. Những đứa trẻ người Mông thu hút sự chú ý của du khách vì vẻ hồn nhiên, nguyên sơ như những đóa hoa rừng Tây Bắc. Đoàn du khách chụp ảnh và bắt chuyện với chúng. Chúng bắt đầu ngó nghiêng, liếc nhìn dò xét và tỏ thái độ chẳng hài lòng gì.

Khi có người hướng ống kính về chúng để chụp một vài bức ảnh, các bé gái xua tay rối rít: "Không chụp ảnh, không chụp ảnh", có đứa thản nhiên nói: "không mua hàng thì không chụp ảnh", "Không cho tiền thì không chụp ảnh". Và hành động phản ứng cao nhất của lũ trẻ chính là chúng quay lưng, chổng mông vào… ống kính của du khách. Họ đều lắc đầu và ngao ngán bỏ đi.

Tôi dẫn một đoàn khách ngoại quốc lên Sa Pa, thấy các bạn bị hét vào tai "no money, no photo" rồi bị chổng mông (theo đúng nghĩa đen) vào ống kính, bất giác nỗi hổ thẹn dâng lên ngập lòng.

< Chụp ảnh là phải trả tiền.

Phần lớn, công việc hàng ngày của trẻ em ở đây không phải là đi học mà là đi bán hàng lưu niệm để kiếm sống. Những giây phút buổi sáng tờ mờ sương như thế có lẽ là giờ phút nghỉ "giải lao" để chuẩn bị cho một ngày mệt nhọc đeo bám du khách của chúng.

Từ thị trấn Sa Pa, các đoàn du khách nối nhau lên Hàm Rồng ngắm cảnh, đi thăm động Tả Phìn, Thác Bạc, Cầu Mây, xuống Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải thăm thú làng du lịch… Đến chỗ nào cũng thế, vừa bước chân xuống khỏi ô tô, chưa kịp ngắm nhìn phong cảnh bản làng núi non, các du khách đã bị một đám đông các bà, các chị người Mông, người Dao, người Giáy áo quần sặc sỡ vây quanh chào hàng và bám theo không rời một bước, vào tít sâu trong bản. Ken vào những chỗ trống dưới chân người lớn là các em bé người Mông tíu tít tay cầm vài ba túi thổ cẩm nhỏ xinh chào bán.

Thoạt nhìn là cảnh vui vẻ, tấp nập, là sự mến khách của người dân nơi đây, nhưng chắc không mấy ai thấy dễ chịu và hứng thú khi bị làm phiền suốt hành trình du lịch như thế. Không thấy cảnh đẹp, không thấy lãng mạn, lúc ấy du khách chỉ thấy rầu lòng, thương cảm rồi hổ thẹn và công phẫn. Vấn đề văn hóa du lịch lại thêm một lần được đặt ra đầy bức xúc, làm đau đầu các nhà quản lý.

Giám đốc Sở: đau xót cho cả SaPa

Buổi tối, ánh đèn vàng rực ở đường phố xen lẫn khói sương mờ ảo làm cho khung cảnh Sa Pa êm đềm hiện ra. Những người bán hàng rong vẫn đeo bám du khách dù ít hơn ban ngày. Những quầy hàng nhỏ ven đường đối diện Nhà Thờ Đá của các chị người Dao đỏ bày biện đủ thứ khăn, mũ, ví, vòng thêu tay khéo léo.

< Cuối ngày, bà lão ngoài tuổi 70 móm mén ngồi riêng một góc để đếm những đồng tiền kiếm được.

Tôi hỏi chuyện Triệu Lờ Mẩy và Lý San Mẩy, những chị người Dao quanh năm sống nhờ cái gùi hàng lưu niệm nhỏ. Lờ Mẩy hồn nhiên kể: "Mình có hai con rồi. Con mình cũng được đi học đấy. Mình phải cho nó đi học để thoát cái nghèo của bố mẹ nó, chứ không cho nó xuống thị trấn bán hàng đâu".

Khi hỏi về chuyện người dân ở đây đeo bám du khách để bán hàng, các chị người Dao phân trần rối rít: "Chúng mình không làm như thế đâu, chúng mình chỉ ngồi bán hàng một chỗ thế này thôi, vì mình biết như thế là không lịch sự mà".
Ở Sa Pa, nếu người bán hàng nào cũng nghĩ được như Lờ Mẩy và San Mẩy thì có lẽ, đề án "Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch" của UBND huyện Sa Pa đang được đề ra để thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ sớm hoàn thành.

Khi trao đổi với TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai về tình trạng đeo bám khách du lịch, bán hàng rong, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch ở Sa Pa, ông đã kể những câu chuyện đầy tâm huyết: "Đó cũng là điều trăn trở, đau xót cho tất cả những người ở đây, kể cả lãnh đạo lẫn người dân. Vấn đề đó phải giải quyết tận gốc. Khi du lịch phát triển thì lợi ích phải được phân phối đồng đều.

Cộng đồng người dân là chủ ở đây, họ phải nhận được lợi ích từ du lịch. Nói vui thế này: Em là chủ nhà, du khách đến nhà em mà lại không dùng dịch vụ gì, em chả có thu nhập, chỉ có các bác ở thị trấn là có thu nhập. Các bác xuống làng em chụp ảnh, bác làm tất cả các thứ, dùng cả cơm bác đem từ trên thị trấn xuống, chai nước khoáng bác cũng đem xuống uống rồi vứt luôn cái vỏ chai và em phải đi nhặt. Em đành phải sinh ra những cái dịch vụ "lạ" kia thôi. Bác chụp ảnh nhà em thì phải trả tiền cho em, rồi em phải ép bác mua thổ cẩm của em… Tất cả đều không nên trách cộng đồng bà con vì bà con ít được hưởng lợi. Chúng ta phải điều tiết vĩ mô, quan trọng nhất là làm sao cho người dân có lợi ích từ du lịch".

Nhiều người bảo, những chuyện ấy, trẻ lên ba cũng nhìn thấy được, nhưng không hiểu sao nhà quản lý cứ mặc kệ nó tồn tại. Để rồi nhiều bà con hồn nhiên đã bị ném vào cái vòng luẩn quẩn phải "ăn vạ" du khách như một cách để tìm sự "công bằng"?

< Trả tiền cái đã!

TS Trần Hữu Sơn đã đưa ra những nhìn nhận và phân tích sát sao, rõ nét khi ông là người trực tiếp tham gia quản lý những hoạt động về văn hóa và du lịch của tỉnh Lào Cai: "Du lịch càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo ở Sa Pa càng lớn. Tôi có một đề tài nghiên cứu về vấn đề này từ 2005, đã phát biểu trước các diễn đàn lớn của tỉnh nhà rồi. Đề tài ấy chỉ ra sự phân hóa giàu nghèo giữa người dân ở thị trấn và người Mông là 8 lần. Tình trạng này rất dễ xảy ra các vấn đề bất ổn về an ninh xã hội. Cái khoản lợi nhiều nhất trong 25 năm phát triển du lịch thì thuộc về những người kinh doanh du lịch trực tiếp, còn đồng bào dân tộc không kinh doanh trực tiếp nên không có lợi ích gì".

Không lại quả, dẫn khách mua đồ Trung Quốc

< Dịp nghỉ lễ, lượng khách đổ về Sapa khá lớn khiến giá phòng tăng. Nhiều phòng nghỉ ngày thường chỉ 300.000 đồng nay tăng lên đến hơn một triệu.

Trong sự phát triển của ngành du lịch - "công nghiệp không khói", dịch vụ homestay (du lịch cộng đồng) cũng sớm du nhập và phát triển ở Sa Pa, đã bước đầu đem lại những lợi ích cho người dân ở các bản như Cát Cát, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Bản Dền… Quá trình để hoàn thiện và mở rộng loại hình kinh doanh du lịch này cũng vẫn còn là những bản kế hoạch dài hơi.

TS Trần Hữu Sơn tiếp tục câu chuyện về phát triển bền vững ở Sa Pa: "Bây giờ đồng bào mở ra du lịch cộng đồng, như ở Bản Dền, rồi mô hình Cát Cát, như thế vẫn chưa phải là tối ưu. Mình có thể học hỏi các nước khác có những mô hình phát triển du lịch bền vững. Tôi ví dụ như ở Sa Pa, người dân ở đây hãy cứ làm nông nghiệp, đừng "bắt" người dân làm du lịch. Sau đó, doanh nghiệp đưa du khách đến thì chia lợi nhuận cho người dân. Ví dụ ở Châu Phi chia đến 70% lợi nhuận cho người dân, mặc dù người dân chẳng làm gì về du lịch cả, nhưng đây là đất đai của tổ tiên tôi, quê hương tôi thì tôi phải được… hưởng.

< Bám theo khách mời mua hàng, khách hàng không mua thì không thể thoát được. 

Nhưng ở ta thì ngược lại. Thậm chí, có anh hướng dẫn viên, khi xuống Tả Phìn, du khách rất muốn mua đồ thổ cẩm thật do người dân làm, nhưng vì bà con không "lại quả" phần trăm, nên anh ấy đưa du khách về thị trấn mua đồ Trung Quốc.

Người dân không được hưởng lợi tí nào, cũng vì cả những lý do láu cá như thế nữa. Như vậy phải thấy rằng cái gốc của vấn đề là làm sao hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu!"

Hiện nay, UBND huyện Sa Pa đã đưa ra những biện pháp nhằm phát triển du lịch, đồng thời hạn chế những tác hại, những ảnh hưởng tiêu cực từ thương mại hóa, đô thị hóa hay xây dựng quá nhiều thủy điện tàn phá thiên nhiên, đã và đang làm du lịch Sa Pa chao đảo.

Việc triển khai đề án "Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch" được coi là những nỗ lực lớn của các nhà quản lí trong việc thúc đẩy du lịch và bảo tồn văn hóa ở Sa Pa. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào sự nỗ lực và cố gắng của những nhà quản lý nơi đây để có thể có một Sa Pa bền vững, "hoàn mỹ" trong tương lai.

Tất nhiên, điều đó cũng cần sự góp sức lớn lao của người dân Sa Pa - những chủ nhân đích thực và cổ xưa ở vùng đất xinh đẹp này, để hình ảnh Sa Pa không bị những hệ lụy từ phát triển du lịch "ám ảnh" và "bôi nhọ", để cái danh xưng "Thiên đường du lịch" bấy lâu nay thật là xứng đáng, chứ chẳng phải là thứ đôi khi làm ai đó thấy hổ thẹn...

Du lịch, GO! - Theo Laodong và nhiều nguồn ảnh khác.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống