Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 16 August 2012

Ngày 14.8, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị), cho biết vừa phát hiện một hang động tuyệt đẹp tại một dãy núi hiểm trở thuộc thôn A Sóc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá.

Những hình ảnh ghi nhận được tại hang động này cho thấy đây là một hang động lớn, bên trong có những khối thạch nhũ nhiều màu sắc tuyệt đẹp.

Đây là hang động lớn với những khối thạch nhũ nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Vào sâu trong hang có rất nhiều trảng rộng với những bãi đá ngầm và những mạch nước như những dòng suối nhỏ.

Hang động này rộng khoảng 3m, cao hơn 2m, có nhiều khối thạch nhũ màu vàng và trắng với nhiều hình dạng khác nhau, bên dưới có suối chảy và đá ngầm. Hang động này chỉ cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây gần một giờ đi bộ.

Vào sâu trong hang động còn phát hiện rất nhiều những trảng rộng với những bãi đá ngầm và những mạch nước ngầm như những dòng suối nhỏ. Hang động này được gọi là động BRai, nếu được đầu tư sẽ là một điểm du lịch lý tưởng.

Ông Hoàng Anh Quyết - giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Trị cho hay đơn vị này sẽ cho đoàn đi khảo sát để có phương án bảo tồn và đưa hang động này vào khai thác.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Rời thác Pongour, bọn mình trở ra QL20 rẽ phải hướng về Đại Ninh, tại đây sẽ có đường rẽ đi Tà Hine, Da Kra, qua đèo Đại Ninh để đi Bắc Bình - Phan Lâm - Phan Sơn rồi đến Lương Sơn. Chắc chắn là đoạn này cũng sẽ quạnh vắng như bao con đèo vắt ngang dẫn từ miền núi ra biển như QL55, QL28... mà mọi lần mình đã đi.

< Trở ra QL20, hướng về Đại Ninh.

Trong web "Hội đập lớn và phát triển nguồn nước VN" có nhắc về thủy điện Đại Ninh, mình tóm lược lại như sau:
Hồ thủy điện Đại Ninh nằm ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có diện tích khoảng 4.000 ha, cao trình nước lúc đạt đỉnh tới 879,5 m³, cách Đà Lạt chừng 50 km theo đường đi thị trấn Bảo Lộc.

< Qua cầu, cây cầu cũng mang tên Đại Ninh.

Dự án Thủy điện Đại Ninh thuộc hệ thống bậc thang của sông Đồng Nai, nằm trên sông Đa Nhim, cách TP HCM 260 km, công trình đầu mối nằm trên địa phận xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Được khởi công từ ngày 10/5/2003, thủy điện Đại Ninh là một công trình vừa cấp phát điện cho hệ thống điện phía nam và dẫn nước từ lưu vực sông Đồng Nai về cho Bình Thuận.
< Qua cầu vài kilomét thì gặp nhánh rẽ, tuy nhiên đây là nhánh vào đập. Còn đường đi Tà Hine chưa đến đâu.
< Trường Trung học Cơ sở Ninh Gia.

Kết nối nguồn nước giữa sông Đa Nhim và sông Đa Queyon (điều này làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên), hồ chứa nước thủy điện Đại Ninh rộng 2.000 ha được hình thành qua hai đập chính cao gần 60 mét, 4 đập phụ, hai đập tràn sự cố và một kênh nối thông giữa hai hồ, dẫn nước từ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Lâm Đồng tạo thành hồ chứa với tổng dung tích 320 triệu m³ nước, ở cao trình khoảng 640 mét thuộc địa phận huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cách thành phố Đà Lạt khỏang 40 km.

< Bầu trời như bạn thấy: đầy mây mù nhưng vẫn nắng, không mưa.

Nước từ hồ chứa Đa Nhim và Đa Queyon sẽ được dẫn về Nhà máy Thủy điện Đại Ninh qua một đường hầm áp lực dài 11,2 km xuyên trong lòng núi và đường ống thép áp lực dài 1,8 km, đường kính 3,2 mét, với lưu lượng nước thiết kế qua tất cả các tua bin là 55 m³/giây phục vụ cho hai tổ máy phát điện tổng công suất lắp đặt là 300 MW (mỗi tổ máy 150 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm 1,2 tỷ kWh.
< Gặp một ngã 3 lớn hơn, mình tấp lại hỏi người ven đường cho chắc ăn - Qủa đúng là đường đi Lương Sơn.
Bọn mình rẽ trái vào đó...

< ... và trực chỉ hướng ngã 3 Tà Hine - Ninh Loan. Đường nhỏ nhưng khúc này rất tốt khiến bọn mình phấn chấn...
Nhưng lầm to!

< Chạy một đỗi thì thấy bờ đê phía trái đường, triền đê trồng cỏ thành ô ca rô khá đẹp.

Nhà máy Thủy điện Đại Ninh vận hành, ngoài việc bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, nước xả từ thủy điện Ðại Ninh còn là nguồn năng lượng phục vụ cho thủy điện Bắc Bình với công suất khỏang 33 MW trong tương lai và cung cấp luợng nước đáng kể cứu cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp có nguy cơ sa mạc hóa ở huyện Bắc Bình và Bắc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
< Trên đê là đường, có cổng chắn cấm vào. Đây là hồ thủy lợi Đại Ninh.

Nước sau thủy điện Ðại Ninh và thủy điện Bắc Bình đổ ra suối Mác Tin, nhập cùng dòng sông Ða Ka Chu (Ta Mai) ở thượng nguồn sông Lũy, rồi xuôi về biển. Ðể tận dụng nguồn nước này, cuối tháng 5-2006, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết giai đoạn một...
< Hồ rộng, chụp đẹp nếu có trình độ và gặp đúng thời cơ, vị trí tốt (đây là ảnh trên mạng).

Nhiệm vụ của dự án (giai đoạn một) là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí, cấp nước phục vụ dân sinh và cải tạo môi trường trong khu vực.
< Còn 'nửa kia' chỉ tranh thủ vào và bấm vài phát nên chỉ được thế này thôi, hi hi...

Bắc Bình là vùng khô hạn nhất tỉnh. Cuối tháng 12-2005, tỉnh Bình Thuận đã khảo sát xây dựng đập dâng nước Bắc Bình (dài 140 m, mặt đập rộng 1,5 mét) tại thôn 3, xã Phan Sơn, nhằm ngăn dòng sông Lũy, chảy qua tuyến kênh đào dài 14 km dẫn nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh về hồ chứa Cà Giây.
< Còn mình vẫn tít phía trên đường, đang 'bốc phét'.

Khi tổ máy thứ nhất của thủy điện Ðại Ninh hoạt động, công trình này sẽ tiếp nguồn nước có lưu lượng nước từ 8 đến 12 m³/giây để đưa về hồ Cà Giây, nâng năng lực tưới của hồ lên khỏang 8.000 ha, gấp 2 lần năng lực thiết kế.
< Nghỉ chân ít phút rồi lại đi, đường vẫn rất ok khiến lòng mình nhẹ nhõm.

Cùng với tiến trình xây dựng đập đầu mối sông Lũy đưa nước về hồ Cà Giây, ngành thủy lợi tỉnh Bình Thuận cũng đã khảo sát và nâng cao đập 812 ở hạ lưu sông Lũy từ 1,4 m lên 2,4 m và mở rộng từ 1 lên 3 cửa cống tưới tải nước về cho kênh Úy Thay với lưu lượng nước qua mỗi cống 3 m³/giây.
< Nhưng đến cầu Đakra (Km3+795.6) là bắt đầu 'thấy ghê'.

Ðồng thời, hệ thống cống sẽ đưa nước từ đập 812 về tưới cho khoảng 2.000 ha ruộng “ăn” nước trời thuộc xã Lương Sơn, Sông Bình và bổ sung nước cho đập Ðồng Mới ở khu vực hạ lưu. Khi Thuỷ điện Đại Ninh đi vào vận hành, thì đồng nghĩa hai công trình thủy lợi này cũng phát huy hiệu quả và mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn cho một vùng khô hạn, hàng năm chỉ sản xuất một vụ bấp bênh, thậm chí không có nước cho gia súc uống vào mùa khô...
< Mặt đường nhưa rất nhiều đoạn bị bóc đi và thế bằng đá to đá bé...

< Dẫu cảnh có đẹp nhưng cũng không có thời gian thưỡng lãm: Xế ngồi trước căng mắt né đá, ôm ngồi sau cũng hồi hộp ngại tránh không xong.

< Vô số đoạn như thế này, tiếc cho cái bê tông nhựa cũ, he he...

Mặt tích cực của thủy điện Đại Ninh trên lý thuyết là hoàn hảo nhưng mặt tiêu cực thì không được nhắc đến, chỉ biết rằng thủy điện đã làm biến mất thác Gougah trong mùa mưa, giảm nước và dòng trong mùa khô (thác ngập mất khi hồ tích nước - mùa khô hai dòng chỉ còn một).
< Những đồng lúa nho nhỏ ven đường. Còn trên các triền đồi là cà phê và điều.

Còn thác Pongour một thời chết đứng vì khô nước (may mà cuối cùng người ta cũng tạm khắc phục được phần nào). Riêng thác Liên Khương (hay Liên Khang - Liên Khàng theo tiếng K’Ho) biến mất cũng chưa rõ nguyên nhân chuẩn xác.
< Không có bất cứ một phương tiện thi công nào tại đây. Vậy có lẽ diện mạo con đường Đại Ninh sẽ 'trường kỳ kháng chiến' trong diện mạo này.
Ảnh là lúc đang lên dốc...

< ... rồi lại xuống đồi, dốc kế cận tiếp nối ngay phía trước...

Nhưng thôi, không nói về chuyện 'thủy điện' nữa vì nghe chán lắm. Trên con đường này, bọn mình đang hướng về Ninh Loan, một xã thuộc huyện Đức Trọng. Các xã kề cận là Tà-In (Tà Hine), Tà Năng, Tà Nhiên và Đà Loan.
< Gặp 'xe buýt' đang chạy ngược chiều: máy cày kéo cái thùng xe...

< Những đường cong điểm xuyến bằng các ổ gà được cắt vuông góc liên tục xuất hiện...

< Một nhóm người địa phương đang trồng trọt trên đồi, có lẽ phát quang làm rẫy.

Trước năm 1991, vùng đất này còn hoang sơ, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc (Người Churu), và hai khu Kinh tế mới (dân nghèo từ thành phố Đàlạt xuống và dân một số tỉnh phía Bắc vào). Cuộc sống còn nghèo trong khi địa bàn quá rộng nên ngay cả người trẻ khỏe cũng thấy khó khăn trong việc di chuyển, đó là chưa kể những khi trời mưa bão, nói chi đến những người bệnh tật đau yếu.
< Lại một đoạn cho hai kẻ lãng du 'bơi đá', tốc độ khi vào các khúc này chỉ tầm dưới 30km. Vậy nhưng lòng vẫn lo: đá chém một phát vào vỏ là teo!

< Đa phần đồi chung quanh là cây công nghiệp, còn rừng núi thiên nhiên có lẽ đã đi từ thuở nao...
Bạn xem ảnh 'đường khúc nắng, khúc u u' đây.

< Trông cái 'eo' này lại nhớ đến địa danh Eo Gió Nghĩa Hành - Minh Long.

Ngày nay, đường giao thông đã xuyên suốt mọi xã, nhờ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, trong đó có việc thâm canh hàng ngàn ha cà phê, phát triển 6 mô hình nhà lưới, nhà kính sản xuất rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thâm canh các giống cây ngắn ngày như bí đỏ, su hào… và đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp - xây dựng…
< Trong lúc mãi mê vật lộn với đường rải đá lưng tưng thì một ngã 3 xuất hiện trước mắt: Lối vào thác Bảo Đại đây rồi!
Phía nhánh rẽ trái cũng có bảng hướng dẫn và giới thiệu về thác trên.

< Qua trụ sở công an địa phương ngay ngã 3 chừng trăm mét là vắng thưa nhà dần.

6 tháng đầu năm nay xã Ninh Loan đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,23%. Cùng với hạ tỷ lệ hộ nghèo, tới cuối tháng 6 vừa qua, Ninh Loan đã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, 98% số hộ trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh và được dùng điện lưới quốc gia, thu ngân sách nhà nước đạt 549,1 triệu đồng - bằng 58% kế hoạch năm 2012.
< Quanh co một vùng đất đỏ Tây nguyên.

Cùng với phát triển kinh tế, tới nay, trên 80% số hộ trong xã đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% số thôn (7 thôn được phúc tra công nhận và 1 thôn được công nhận mới) đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” và 100% số cơ quan, trường học… đạt danh hiệu “Cơ quan văn hóa”.
< Bọn mình lại gặp một ngã 3 kế tiếp. Nếu bạn có đi thì đừng ngại vì phía trước cũng có bảng chỉ đường. Tấm bảng màu xanh dương chỉ mũi tên đường vào thác, vậy nếu quẹo phải sẽ đi Đà Loan.

< Gần đó có trạm Y tế xã Tà Hine.

< Đoạn đường thẳng, vẫn kéo dài lên vài dốc...


Mục tiêu của Ninh Loan là tới cuối năm nay, sẽ hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 - 30 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng GDP trên 13%.

< ... và xuống vài đồi. Hai bên là cụm dân cư của người Churu.

< Cuối cùng thì cũng đến nơi: Khu Du lịch thác Bảo Đại.
Nhìn hai cánh cổng đóng im ỉm, bọn này nhủ thầm: chắc toi rồi!
Phía trong có một cô bé đang chăn mấy con bò, phía ngoài có tấm bảng ghi nguệch ngoạc "khách vô thăm thác gọi số ĐT 090.... để mở cổng".
'Nửa kia' ngoắc cô bé và hỏi "vào được không bé" thì nhận được cái gật đầu - Cô chủ đàn bò mở cổng bên cho bọn mình vào.

Phẹc, sao cái khu du lịch gì vắng tẻo teo vậy cà?

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Wednesday, 15 August 2012

Những bãi biển trong veo, khu vịnh hoang sơ, đảo Vinpearl Land nổi tiếng, thác Yangbay hùng vĩ… là những điểm nhấn thú vị của du lịch Khánh Hòa.

< Nhìn ra biển Nha Trang.

Nhắc đến Khánh Hòa, du khách nghĩ ngay đến Nha Trang, thành phố biển nổi tiếng nhất nước ta.
Tại Nha Trang, ngoài việc thả mình trong những bãi biển trong xanh, hoang sơ, tuyệt đẹp, ngâm mình trong bùn khoáng, bạn còn được chiêm ngưỡng thế giới nước phong phú tại thủy cung Trí Nguyễn, ngắm thác Yang Bay hùng vĩ, thác Tà Gụ đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình.

< Bình minh ở Nha Trang.

Ngoài ra, đến Nha Trang, bạn còn được ngắm quang cảnh biển rừng ở khu du lịch hòn Sẻ tre, thưởng thức món cháo Nhum và gỏi Nhum nổi tiếng tại hòn Tằm; ngắm "loài chim lấy máu làm tổ" trên các vách đá cheo leo hay lặn ngắm san hô cùng hàng trăm loại cá lạ được bảo tồn tại hòn Mun; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp bà Po Nagar (mẹ xứ sở).

< Yên bình cảng Cam Ranh...

Song song với những trải nghiệm thú vị này, tại thành phố biển đẹp, nổi tiếng nhất nước, bạn còn có cơ hội thử thách lòng can đảm, sức dẻo dai qua những trò chơi cảm giác mạnh như dù bay có động cơ, dù lượn, lặn biển, kéo phao chuối, thuyền kayak, canô.

< Tháp Po Nagar kỳ vĩ.

Sau Nha Trang, Khánh Hòa còn sở hữu đảo Vinpearl Land, thiên đường nghỉ dưỡng tuyệt vời. Điểm đặc biệt của Vinpearl Land là không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của mọi người mà còn thích hợp với nhiều đối tượng khác nhau, từ những người thích cảm giác nhẹ nhành, thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên, đến những người thích trải nghiệm cảm giác mạnh ở cáp treo đạt hai kỷ lục Việt Nam cùng hàng loạt trò chơi thiết kế ấn tượng, rạp chiếu phim hoành tráng.

< Vinpearl Land cũng quyến rũ du khách với hàng trăm trò chơi khác nhau.

Nếu không thích khung cảnh nhân tạo của Vinpearl Land, bạn có thể chọn giải pháp ung dung trên thuyền, vừa tham quan vịnh Vân Phong hoang sơ vừa nhâm nhi món ốc quỷ ngon tuyệt, khám phá vẻ đẹp khác nhau của từng lao, từng đảo nhỏ của đầm Môn; ngắm đá và toàn cảnh Nha Trang ở Hòn Chồng, nhảy sóng ở bãi Trù, sinh hoạt của làng chài ở bãi Rô, chiêm ngưỡng vịnh Cam Ranh, một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới; hay đón những ánh nắng đầu tiên của ngày tại hải đăng Đại Lãnh.

Bên cạnh tắm biển, du thuyền, chơi trò chơi, bạn có thể tham quan chiêm bái các đình, chùa nổi tiếng của Khánh Hòa như di tích Am Chúa thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu; Đình Phú Cang mang nét yên bình của một làng quê; Chùa Long Sơn với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang đậm dấu ấn thời hiện đại; Lăng Bà Vú khắc họa rõ nét nghệ thuật cung đình và dân gian đầu thế kỷ 19.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham quan bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, nơi hiện đang bảo quản gần 10.000 hiện vật gốc và hơn 5.000 tư liệu hình ảnh thuộc về các thời kỳ lịch sử khác nhau; khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, nhà bác học tài ba đã sống và cống hiến hết mình cho khoa học của nhân loại; văn miếu Diên Khánh tôn vinh những người hiển danh; viện Hải Dương Học nghiên cứu, tìm hiểu đời sống của hàng trăm loại sinh vật biển hay làng cổ Phú Vinh, nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, mang đậm nét miền Trung. Hay thả mình trong khung cảnh thiên nhiên tại khu du lịch Ba Hồ, Suối Tiên.

< Vẻ đẹp bờ biển đá ở Hòn Chồng.

Bên cạnh việc tự lên lịch trình tham quan, bạn còn có thể đăng ký tour một ngày ở các công ty du lịch. Mức giá thường dao động từ 250.000 - 500.000đồng/tour/người.

Di chuyển
Phương tiện giao thông ở Khánh Hòa khá phát triển. Bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe khách, tàu lửa, máy bay hoặc tàu thủy.

< Chèo thuyền tại KDL Ba hồ.

Bằng phương tiện công cộng

< Tắm bùn khoáng.

Bạn có thể mua vé xe khách, tàu lửa hay vé máy bay để đến Khánh Hòa tại bến xe khách, ga xe lửa hay đại lý vé máy bay trên toàn quốc. Giá vé tùy thuộc vào phương tiện di chuyển và khoảng cách từ nơi bạn xuất phát đến Khánh Hòa.

< Thanh bình hòn Tằm.

Sân bay Cam Ranh cách thành phố Nha Trang khoảng 30km, bạn có thể bắt taxi.

Bằng phương tiện cá nhân

Theo quy tắc bất thành văn của việc phượt, nếu quãng đường từ nơi xuất phát đến Khánh Hòa trên 300km, nên sử dụng phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn. Đến Khánh Hòa, cụ thể là Nha Trang, bạn có thể thuê xe máy, taxi hay xe ôm để di chuyển giữa các danh thắng.

< Hải đăng Đại Lãnh.

Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang theo đầy đủ giấy tờ, tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ. Nên mang bao tay, khẩu trang, kính mát để bảo vệ. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển và đối chiếu hành trình tham quan.

< Đầm Nha Phu trong veo.

Đến vào mùa nào?
Mùa nào Khánh Hòa cũng tuyệt đẹp với biển xanh, cát trắng, với những ngọn thác hùng vĩ, khu tắm bùn khoáng vui nhộn hay Vinpearl Land tuyệt đẹp.

< Vịnh Vân Phong quyến rũ với những cụm đá hoang sơ.

Đặc sản Khánh Hòa
Các món đặc sản của Khánh Hòa gồm nem Ninh Hòa, bún cá Nha Trang, bún sứa, bánh ướt Diên Khánh. Ngoài ra còn có những món ăn ảnh hưởng của khu vực Nam Trung bộ  như phở Nha Trang, bánh mì Nha Trang, bò nướng Lạc Cảnh...

Cư trú
Khách sạn trên đường Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật với mức giá 250.000 - 400.000 đồng/phòng đơn; 400.000 - 800.000 đồng/ phòng đôi. Lưu ý đặt phòng trước khi đến.

Mang gì khi đến Khánh Hòa?
- Tất cả các trang phục, giày dép bạn thích. Song đừng quên bikini hay dép lê để đi biển.
- Kem chống nắng, mũ rộng vành, áo khoác mỏng, kem chống muỗi thuốc trị côn trùng.
- Vật dụng cá nhân. Thuốc trị các bệnh cơ bản.
- Lều, mền mỏng nếu có ý định cắm trại.

Các cung đường thường gặp:
Hà Nội/Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang

Hà Nội/ Sài Gòn – Nha Trang – Kon Tum
Hà Nội – Sài Gòn – Nha Trang – Phan Thiết – Phan Rang
Hà Nội/ Sài Gòn – Nha Trang – Đắk Lắk
Hà Nội/Sài Gòn – Nha Trang – Phú Yên

Du lịch, GO! - Theo Infonet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống