Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 16 August 2012

Thị trấn dưới chân Hòn Ngang...
Gió Hòn Ngang thổi sang núi Lá,
Mai em về anh trả nghĩa nhơn.
Lời nguyền đành rã keo sơn,
Cầm bằng như kẻ chơi đờn đứt dây.
.
Gió Hòn Ngang thổi sang Hòn Ó,                    
Trăng Hòn Ó soi tỏ Hòn Ngang.
Mai em về cách trở quan san,
Một lời thề thốt đá vàng em mang theo.

Hòn Ngang nằm chênh chếch từ đông sang tây thị trấn Củng Sơn, dài hơn cây số, cao chừng 35m. Trước kia núi có nhiều cây rậm rạp, sau đó dân làm rẫy phân chia thành từng khoảng nhỏ trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.

Phía đông núi thoai thoải, phố xá nhà cửa xây dựng đẹp đẽ, khang trang. Trước năm 1945 và trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, dưới chân Hòn Ngang dân ở rải rác. Trong vòng 25 năm nay, nơi này đã trở thành huyện lỵ khang trang, đông đúc.

Phía tây Hòn Ngang, cùng với sự phát triển, bộ mặt thị trấn Củng Sơn của huyện miền núi Sơn Hòa ngày càng khởi sắc.

Củng Sơn nguyên là thôn Phước Sơn thuộc Tổng Thượng, huyện Đồng Xuân, đông và bắc giáp thôn An Hội Tân Lập, tây giáp suối Thá, nam giáp thôn Đà Rằng. Năm 1832, vua Minh Mạng chia lại đơn vị hành chánh. Huyện Tuy Hòa mở ra phía bắc sông Đà Rằng bao gồm làng Củng Sơn thuộc tổng Hòa Bình.

Năm 1899, Thành Thái thứ 11, huyện Sơn Hòa được thành lập, Củng Sơn là huyện lỵ thuộc tổng Sơn Bình. Đến tháng 8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời gọi Sơn Hòa là huyện Quang Trung. Năm 1946, làng Củng Sơn cùng với Tịnh Sơn thành xã Cộng Hòa.

Thị trấn Củng Sơn đông giáp xã Sơn Hà, tây giáp xã Ea Chà Rang, nam giáp huyện Sông Hinh, bắc giáp xã Suối Bạc, diện tích 22,21km², có 4 thôn là Đông Hòa, Tây Hòa, Trung Hòa và Tịnh Sơn, dân số 10.078 người.

< Một góc thị trấn Củng Sơn hôm nay.

Thị trấn còn có hồ Suối Bùn xây dựng năm 1984 sức chứa 374.450m³ tưới 3.000 ha ruộng lúa và trạm bơm ở Tây Hòa. Xóm vườn ở Đông Hòa trồng thơm, mít, cau, trầu, cam, bưởi… Cam Củng Sơn không nhiều nhưng nổi tiếng.

“Cam Củng Sơn - thơm Chợ Đồn”

Chợ Củng Sơn ban đầu có tên là chợ Đồn, nơi giao lưu giữa đồng bằng và miền núi, giữa đồng bào Kinh và người dân tộc thiểu số trước đây. Trước năm 1945, nhà thương Củng Sơn do một y tá trông coi, năm 1954 mới có bệnh xá với một cán sự y tế phụ trách.

< Bò 'một nắng' Củng Sơn.

“Nhà dây thép” Củng Sơn lúc đầu bằng tranh tre, trước 1975 chưa có hệ thống điện thoại. Hiện nay hệ thống điện thoại rộng khắp đến các xã.

Củng Sơn có đình làng, có chùa Sắc Tứ Phước Sơn ở thôn Đông Hòa và nhà thờ Tịnh Sơn.
Thời Nho học, Củng Sơn có hai vị cử nhân là ông Đặng Châu (khoa Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên tại trường thi Bình Định) và em là Đặng Lang (khoa Bính Ngọ Thành Thái 18, tại trường thi Bình Định).

Năm 1920 nơi đây có trường sơ học gồm ba lớp: Đồng ấu, dự bị và sơ đẳng. Đầu năm 1956 mới có trường tiểu học cấp 2, 3 Phan Bội Châu và một trường thanh niên dân tộc nội trú. Năm 1974, ông Thái Văn Châu người làng Củng Sơn đậu y khoa bác sĩ, là người tốt nghiệp đại học đầu tiên của huyện này.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đình Chúc (báo Phú Yên), internet
Trong những ngọn thác ở Tây Nguyên, thác Pongour nằm ở phía nam Đà Lạt được tôn vinh là "ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương".

Theo tiếng địa phương, Pongour có nghĩa là sừng tê giác - một cái tên thật oai dũng mang đẫm hơi thở của đại ngàn cao nguyên đất đỏ. Vậy mà mãi gần đây, Pongour vẫn bí mật ẩn mình trong rừng sâu mặc dù hình ảnh của nó vẫn thường được dùng làm nền cho rất nhiều bài hát karaoke vi tính. Con thác hùng vĩ này có chiều cao bằng một cao ốc 14 tầng, bề rộng gấp đôi chiều dài của một sân bóng đá. Suốt ngày đêm tiếng nước đổ ầm ào vang xa đến dăm bảy cây số.
Thác nằm lọt giữa một vùng rừng già nguyên sinh rậm rạp. Trước kia, để đến con thác này, người ta phải phát cây băng rừng hoặc trôi thuyền theo dòng Đa Nhim vào đến gần, rồi bám rễ cây mà thả người men ra bờ thác. Thế rồi vào năm 1999, rừng già Pongour đã mở cửa.

Một con đường nhựa 6km nối từ thị trấn Đức Trọng về hướng dòng thác và khu du lịch sinh thái Pongour ra đời. Người ta vẫn cố giữ được tán rừng nguyên sinh, không xâm phạm vào dòng thác và con sông đã có từ ngàn xưa. Vì thế, du khách vẫn thấy hết được vẻ đẹp hoang dã của núi rừng Tây Nguyên nơi đây.

Nằm ngay gần con đường từ Sài Gòn lên Lâm Đồng, chỉ cách Đà Lạt chưa đến một giờ xe chạy, hiện mỗi ngày Pongour đón tiếp không dưới một ngàn du khách. Ngay đầu con đường là chiếc cổng chào bằng đá có khắc đậm dòng chữ "Nam thiên đệ nhất thác". Dọc bờ sông là những ngôi nhà sàn Tây Nguyên bằng tre duyên dáng.

Bị các mỏm đá chặn lại, dòng sông xé ra thành một chục dòng thác gieo mình trải dọc bờ vách thẳng đứng. Nước thác tung lên thành các bức tường bọt trắng dày xốp và thành những đám mây hơi nước khổng lồ bao trùm lên khắp mặt sông.

Dưới chân thác, con sông sục sôi bỗng hiền hòa trải mình thành một mặt hồ thênh thang cho cây rừng và vách đá soi bóng lung linh. Hàng trăm tấm đá phẳng lạ lùng nhô lên trên mặt nước như đón chân du khách băng qua làn mưa bụi nước ngay dưới chân thác.

Đứng đó, ta thấy mình như người tí hon rơi xuống một miền đất thần tiên khác lạ. Qua đến bờ bên kia, người ta rủ nhau tìm đường leo lên sườn núi đi vào những cánh rừng già hoặc đến thăm những ngôi nhà gỗ đơn sơ ẩn mình sau nương ngô xanh mát.

Những người chân yếu có thể đứng ngắm dòng thác dưới mái vòm của một đài quan sát ngay gần khu trung tâm. Đây là góc nhìn đẹp nhất và cũng là nơi trước kia mà Vua Bảo Đại thường dừng chân trong các chuyến xuyên rừng săn hổ dữ.

Trái ngược với sự sôi động của dòng thác, ngay trên đỉnh thác có một bến thuyền du lịch chạy điện, êm ả đưa khách dọc ngang mặt sông mà không hề có tiếng máy nổ, không hề có khói bụi ồn ào. Đặc biệt, ở Pongour có một bảo tháp ba tầng vươn lên giữa một hồ nước, là nơi người ta có thể tọa thiền để dưỡng tâm và thụ hưởng khí lành. Con đường nhỏ dẫn ra tháp nằm chìm dưới mặt nước khiến người ra như đang bay trên mặt hồ.

Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây quần bên ngọn lửa trại, cùng hòa giọng ca và cùng nắm tay các bạn trẻ Tây Nguyên quay tròn trên các vũ điệu cồng chiêng. Chia nhau những miếng cơm lam, chuyền tay các ống rượu cần, các xiên thịt nướng, cho đến khi sương đêm đẫm ướt. Chui vào những chiếc lều trại, nằm nghe nước rơi trên mái, nghe hương rừng tan giữa ầm vang thác đổ và nghe tiếng cỏ dại đâm chồi ngay bên dưới lưng mình. Nghỉ đêm giữa rừng Pongour huyền ảo có thể cho ta những cảm giác không thể tả được bằng lời.

Điền Gia Dũng: Đã từng có thời điểm Pongour trở thành dòng thác chết do thủy điện ngăn dòng, giữ nước. Để cứu thác, đơn vị quản lý thác phải huy động 3 máy bơm nước công suất lớn để tạo nên dòng thác “nhân tạo”, nhưng lượng nước không thể phủ lấp hết mặt đá hoa cương.
Hiện nay, người ta đã xây dựng hồ chứa nước ở thượng nguồn giúp thác có nước cả trong mùa khô. Mặc dầu không thể so sánh với lúc chưa có thủy điện nhưng thác Pongour vẫn rất đẹp và ấn tượng trong mắt người tham quan.

Du lịch, GO! - Theo Eva, ảnh Dulichgo, internet
Nhắc đến ẩm thực Thanh Hóa có lẽ bạn sẽ nhớ ngay đến món ăn nổi tiếng là nem chua. Nhưng ở xứ này còn có nhiều món lạ rất ngon khác như nem nướng, canh đắng hay bánh răng bừa...

< Nem nướng Thanh Hóa.

Thơm nồng hương vị nem nướng (nem thính)

Đây là món nem thính với vị chua của thịt trộn với thính, lá ổi và được cuốn bên ngoài bởi lá chuối khô, sau khi chế biến, nem ngấu, mang đi nướng nên được gọi là nem nướng. Món nem này được làm từ thịt lợn miếng đem ướp với mắm, muối, bột ngọt, hạt tiêu... Thêm tỏi băm trộn tùy theo khẩu vị, đảo thật đều cho ngấm rồi rắc thính vào vừa đủ khô.

Sau khi ngấu, món nem này được vùi trong tro bếp để ủ chín là thơm ngon nhất. Nhựa từ bì heo sẽ chảy ra, nổ tí tách, tỏa thơm lừng là lúc nem đã chín. Bóc hết lớp lá chuối bao ngoài rồi chấm tương cay xè. Nem nướng còn có thể ăn với xà lách, rau sống, chuối chát, khế... cuốn trong bánh đa nem đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ.

Ngọt bùi canh đắng xứ Thanh

Với đặc trưng là vị khá đắng nên bạn không dễ gì có thể quen ngay được khi nếm thử lần đầu. Nhưng chỉ sau một vài lần "nhắm mắt" thưởng thức, bạn sẽ "nghiện" cái vị đắng đặc trưng này. Bởi cảm giác đắng ban đầu chỉ ở đầu lưỡi, còn khi nuốt vào trong cổ họng, thì lại cảm thấy thanh mát, ngòn ngọt...

Lá đắng dùng nấu canh là một loại lá tự nhiên mọc trong rừng có hình dáng giống lá sắn. Nhưng không phải loại lá đắng nào cũng có thể cho bát canh ngon. Người dân xứ Thanh thường chọn hái loại lá dài và mỏng.

Ngày nay, để tiện dụng, lá đắng thường được hái về, phơi khô rồi xé nhỏ. Khi nấu canh, chỉ cần bốc lấy một nhúm lá bỏ vào nồi. Tuy khô nhưng nhựa của lá vẫn còn được bảo tồn. Chính vị đắng từ nhựa đã tạo nên sự ngon, lạ của món canh này.

Canh lá đắng thường được nấu cùng với thịt lợn hoặc cá băm nhỏ, thêm một chút riềng, sả, cơm mẻ, mắm tôm ngon rồi bóp tất cả cho thật đều với nhau, ướp trong khoảng 15 phút. Sau đó, bắc nồi lên bếp đảo đều, đun lửa nhỏ.

Lửa vừa bén vào, mùi thơm của riềng sả, mắm tôm dậy lên đã khiến bụng dạ cồn cào. Đầu bếp cứ để cho nồi canh ngấm gia vị, sôi liu riu trên bếp lửa chừng vài phút rồi đổ thêm vào vài bát nước. Khi nào nồi canh sôi bùng lên, khuấy vào thấy sền sệt là được.
Trong mùa hè nóng nực, bạn húp bát canh đắng cũng thấy tỉnh hẳn người, bao mệt mỏi dường như tan biến.

Thơm ngon hương vị bánh răng bừa

Gọi là bánh răng bừa vì hình chiếc bánh vừa dài vừa nhỏ như chiếc răng bừa. Bất cứ ai đi xa cũng không thể quên được cái mùi thơm thoang thoảng của lá dong hòa quyện với mùi thơm của nhân thịt và bột gạo tẻ.

Lớp lá gói bánh bên trong thường là lá chuối khô hoặc lá chuối tươi hơ qua lửa cho dai và dẻo hơn. Bên ngoài mới là lớp lá dong để tạo màu xanh và vị thơm đặc trưng cho bánh.

Gạo làm bánh phải ngâm cùng một ít nước vôi qua đêm để bánh có màu xanh đẹp mắt . Sau đó mang gạo đi xay thành bột nước vừa phải. Tiếp đến, cho bột gạo vào nồi bắc lên bếp củi để lửa nhỏ, dùng tay khuấy đều nồi bột cho khỏi bị vón cục.

Quấy bột được coi là công đoạn khó nhất khi làm bánh răng bừa, bánh ngon hay không, dẻo hay bị cứng, mịn hay là có các đường nứt đều phụ thuộc vào tay người khuấy bột. Nhân bánh làm từ hành khô phi thơm lừng, thịt ba chỉ băm nhỏ rồi trộn chung với hạt tiêu, mộc nhĩ đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.
Bánh được ăn kèm với nước mắm chanh ớt, ăn mãi không thấy ngán!

Du lịch, GO! - Theo TTVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống