Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 18 August 2012

Được mệnh danh là “Đà Lạt của Bà Rịa – Vũng Tàu” (BR-VT), núi Dinh đang là điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ và dân phượt.

Khám phá thiên nhiên

Nếu là dân phượt chuyên nghiệp hay là những người “ghiền” phượt thì cái tên núi Dinh đã trở nên quá quen thuộc. Bởi, đây là một trong những địa chỉ thường được dân phượt chọn cho những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của mình.

Bằng những chiếc xe gắn máy, môtô, xe địa hình… từ TP.HCM, nhiều đoàn, nhóm đã có những trải nghiệm thú vị ở núi Dinh. Sau những chuyến đi, họ lại có những chia sẻ thú vị cùng mọi người trên các diễn đàn, facebook...

Cách TP.HCM khoảng 80km, núi Dinh thuộc địa bàn huyện Tân Thành. Hiện nay, giao thông và các phương tiện để đến được với ngọn núi này khá dễ dàng và thuận lợi. Do vậy, đây cũng là điểm thu hút du khách thời gian qua.

Giải thích về tên gọi núi Dinh, người dân địa phương kể, do khí hậu trên núi rất mát mẻ nên trước đây toàn quyền Pháp có xây dinh thự để nghỉ mát vì vậy sau này người ta quen gọi núi Dinh. Cũng có người cho rằng sở dĩ có danh xưng trên là để tưởng nhớ công ơn người đã có công khai phá là ông Nguyễn Văn Dinh. Núi Dinh được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh BR-VT. Di tích núi Dinh đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1993

Đường lên núi được trải nhựa phẳng lì, hai bên đường là những hàng cây xanh tỏa bóng mát, thỉnh thoảng lại có những khúc cua… tạo nên cảm giác khó tả. Chạy trên cung đường này, nhiều người đã trở thành những thi sỹ và nhớ về những câu thơ nổi tiếng một thời của Quang Dũng: ‘‘Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống – Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Không thật sự chạm trời, nhưng một bên là núi, một bên là đồng bằng làm nên một cung đường thật sự ấn tượng. Đây cũng là con đường mà dân phượt tỏ ra thích thú và được ví như những cung đường lên Đà Lạt… Dọc con đường này, có những hàng quán là nơi du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn để tiếp tục chinh phục ngọn núi Dinh huyền bí này.

Được xem là ngọn núi cao (khoảng 500m) và có nhiều câu chuyện bí ẩn trong ngọn núi này đã làm cho cái tên núi Dinh được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Giới trẻ thì tò mò về một điểm để phượt, khám phá núi rừng, thử thách cảm giác mạo hiểm, đặc biệt là vào ban đêm; còn khách du lịch lại muốn tận hưởng cảm giác “Đà Lạt của BR-VT”, tìm hiểu các di tích lịch sử, minh chứng cho một thời oai hùng như thế nào… Gần đây, một số du khách nước ngoài đã biết tới ngọn núi này và cũng khám phá bằng cách tự thuê xe gắn máy đến với núi Dinh. “Họ rất thích được khám phá những nơi như núi Dinh, vì ở đó họ có thể leo núi, cắm trại và thăm các di tích, chùa chiền”, Anh Phương, một hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM chia sẻ.

Điểm đặc biệt của ngọn núi này là có những “cảnh” rất ấn tượng và đẹp mắt. Đó là đỉnh Ông Trịnh, là suối Đá, suối Tiên… tạo nên bức tranh thủy mặc, có những nét chấm phá. Đây cũng là những nơi để những người thích, nhấn máy làm vài pô, lưu lại khoảnh khắc khi đặt chân đến ngọn núi này.

Những suối Đá, suối Tiên từ trên đỉnh núi Dinh chảy xuống, với dòng nước mát rượi cũng là nơi cho nhiều người đặt chân tới đây đắm mình trong làn nước trong. Tiếng suối chảy, chim hót ríu rít làm cho núi Dinh thêm hữu tình, kỳ thú.

Về suối Tiên, tương truyền, vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời xuống hạ giới để du ngoạn. Qua dòng suối trong xanh này, các nàng tiên rủ nhau tắm mát rồi mới trở về trời. Có lẽ người xưa yêu cảnh trí nơi đây, một vùng non nước kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình nên đã nghĩ ra câu chuyện này để đặt tên là suối Tiên.

Một thời oai hùng

Theo các tài liệu thì núi Dinh có hình cánh cung, chạy dài theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. Đỉnh cao nhất là núi Ông Trịnh (trên 500m), phần còn lại thoải dần về hai phía. Đầu thế kỷ XX, ở đây là rừng nguyên sinh, với thảm thực vật nhiệt đới rất đa dạng. Dưới những tán rừng già là nơi cư trú của nhiều loài động vật.

Lợi dụng địa hình hiểm trở ở đây, cuối năm 1952, Thị ủy Bà Rịa đã bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác, xã Long Sơn về núi Dinh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Dinh là cơ sở an toàn che chở cho các đơn vị vũ trang của thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức, Thị ủy Bà Rịa, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh… Từ căn cứ núi Dinh, những đội quân bất chợt tập kích vào các hang ổ của địch ở Nhà Tròn, cầu Long Hương, cầu Thủ Lựu, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp… nhiều lần làm cho quân địch phải kinh hồn, bạt vía.

Căn cứ núi Dinh trải dài trên một diện tích rộng (khoảng 60km2), có địa hình phức tạp, hiểm trở, địch biết nhưng không thể nào tìm được nơi hoạt động cụ thể của lực lượng cách mạng. Có thể nói, mỗi hốc đá, mỗi lùm cây, một bờ suối đều tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, chiến sĩ ta lập nên những kỳ tích anh hùng. Năm tháng qua đi, những địa danh như: Hang Tổ, Hang Dây Bí, Hang Mai, Bưng Lùng, Chùa Diệu Linh, Hang Dơi… vẫn mãi mãi ghi nhớ những chiến công, những kỳ tích hào hùng của quân và dân ta.

Hang Tổ: Nằm trên độ cao 200m, có nhiều hang đá rộng và sâu, đủ chỗ chứa hàng trăm người. Nơi đây là điểm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ ta, là nơi chứa và cung cấp lương thực thực phẩm của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa. Mùa xuân năm 1968, Hang Tổ là nơi tập kết lực lượng của bộ đội tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trước lúc xuống đường tham gia cuộc tổng tiến công Mậu Thân.

Hang Dây Bí: Nằm trên độ cao 481m về phía Đông Nam núi Dinh, là căn cứ của Huyện ủy, Huyện đội Châu Đức. Địa hình ở đây nhiều vòm đá, phía trong là các hang động, có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm, bên ngoài nhiều cây dây leo che kín. Hang nằm trên độ dốc khá cao, đường lên rất khó. Vào những năm 1965 - 1966, máy bay Mỹ đã dội xuống đây hàng trăm tấn bom đạn. Họ dùng cả máy bay lên thẳng thả biệt kích, dùng mìn cay, bơm hơi độc vào hang hòng tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ ta cố thủ, bám trụ trong hang sâu, chờ thời cơ tiến công tiêu diệt địch. Chính tại đây, ngày 30/10/1967, lực lượng Đại đội 34 huyện Châu Đức đã tiêu diệt 100 tên, bẻ gãy nhiều đợt tấn công để bảo vệ an toàn cho căn cứ.

Hang Mai: Nằm ở độ cao 234m về phía Tây Bắc, là một thung lũng lòng chảo, có hai con suối nhỏ chảy qua. Thiên nhiên tạo cho Hang Mai vẻ đẹp thơ mộng. Xung quanh hang có khá nhiều cây cối và những thảm cỏ xanh tươi thoang thoảng hương thơm của thảo mộc và ríu rít tiếng chim rừng. Năm 1968, sau khi phát hiện đây là nơi tập kết của lực lượng ta, địch đã dội bom hủy diệt toàn bộ căn cứ. Chúng còn đưa quân lên đây phá sập miệng Hang Mai. Những ngôi chùa lớn ở gần đó cũng bị phá hoại hoàn toàn.

Hang Dơi: Nằm ở độ cao 50m, gần với địa bàn dân cư nhất so với các căn cứ khác. Hang Dơi có hai ngách lớn, nhiều đường đi rất thuận lợi, miệng hang rộng và thoáng. Đây là nơi hoạt động của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa trong hai thời kỳ kháng chiến gian khổ.

Bưng Lùng: Nằm ẩn mình giữa hai đỉnh núi Ông Trịnh và núi Dinh. Trong các căn cứ núi Dinh thì Bưng Lùng là nơi xa nhất. Từ năm 1961 đến 1967, Mỹ - ngụy ráo riết tìm diệt các căn cứ của ta nên cán bộ, chiến sĩ phải chọn căn cứ Bưng Lùng để bảo toàn lực lượng. Là một thung lũng khá bằng phẳng, xung quanh có rất nhiều cây lung (cây dong riềng) nên có tên gọi là Bưng Lùng. Bên các sườn dốc là bạt ngàn cây cổ thụ, tán lá rộng xum xuê tránh được sự trinh sát và bom đạn của địch. Cán bộ, chiến sĩ ta đào hầm chữ T và mắc võng ngủ trong hầm. Bưng Lùng là nơi đã đào tạo, rèn luyện các chiến sĩ của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa và Thành đoàn Sài Gòn trước lúc về nội thành hoạt động.

Chùa Diệu Linh: Nằm trên độ cao 160m về phía Tây Bắc núi Dinh. Đây là nơi hoạt động của Thị ủy Bà Rịa trong những năm 1972-1975. Chùa Diệu Linh đã bị bom đạn địch làm đổ nát gần như hoàn toàn, chỉ còn lại chiếc tháp Tổ ba tầng.

Giờ đây, sức hấp dẫn của núi Dinh không chỉ là sự cuốn hút của thiên nhiên, lịch sử mà còn có cả nét cổ kính của không gian phật giáo ở nơi này. Bởi nơi đây còn là bản địa “Liên Tông Tịnh độ non bồng” – lâu nay phật tử gọi là chốn bồng lai. Với hơn 100 ngôi chùa nằm quanh núi, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 300 năm như tổ đình Linh Sơn Cổ Tự, chùa Đại Tòng Lâm, chùa Tây Phương… với hàng chục pho tượng Phật đặc sắc, được đánh giá là trung tâm phật giáo lâu đời của vùng miền Đông Nam bộ, thu hút khách du lịch với vẻ đẹp tiềm ẩn và sự linh thiêng vốn có.

Du lịch, GO! - Theo Lê Vân Nhi (báo Du Lịch), ảnh internet
Với vùng đất bazan trù phú như Ban Mê, cà phê là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái ban tặng. Thức uống đậm đà và sáng tạo này đã biến phố núi trở thành “thủ phủ cà phê” Việt Nam,“thủ phủ cà phê Robusta” thế giới.

Làng cà phê Trung Nguyên thuộc phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được xem là nơi tôn vinh loại thức uống này một cách độc đáo, có một không hai. Đây là điểm đến yêu thích của bất cứ ai có dịp ghé ngang phố núi bình yên.

Không gian thưởng thức cà phê khá ấn tượng với nhiều ngôi nhà cổ khác nhau. Các ngôi nhà có kiến trúc sắc sảo, tinh tế và phóng khoáng. Vừa bước chân vào làng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dãy nhà cổ bên trái đan xen vườn sưu tập.

Những nét chạm khắc công phu, tinh xảo mang phong cách kiến trúc Hội An là điểm nhấn tiêu biểu của không gian thưởng thức cà phê gắn liền với thiên nhiên. Vườn cây xanh mát, những giàn hoa giấy êm đềm leo lên các mái nhà rồi buông mình xuống mái hiên làm tăng thêm vẻ quyến rũ cho nhà cổ. Giữa nơi lắng đọng ấy lại được nhâm nhi một tách cà phê theo cách chế biến của Trung Nguyên càng thú vị.

Khách tham quan càng thích thú hơn khi được tự mình lắng nghe huyền thoại cà phê chồn, và khám phá con đường chinh phục cà phê các nước trong nhà cổ đặc biệt “nơi kết nối thế giới”.

Ngoài ra, với nhà cổ mang đậm phong cách hiện đại phương Tây, khách có cơ hội hiểu rõ thế giới cà phê từ việc tìm hiểu xuất xứ, cách trồng, chăm sóc cây, cách phân biệt đến các công đoạn thu hoạch và chế biến cà phê. Đây cũng là nơi thưởng thức cà phê yêu thích của rất nhiều khách tham quan có lẽ vì nó mang đến nhiều trải nghiệm hơn cả. Khách còn được xem các Barista chuyên nghiệp biểu diễn nghệ thuật pha chế cà phê.

Một nơi khó bỏ qua đó là vườn sưu tập với các loại cà phê chè, vối, mít, robusta, robica… được dày công sưu tầm, gìn giữ qua nhiều năm. Có cây gần trăm năm tuổi. Đan xen giữa vườn cà phê cổ ấy là những pho tượng mộc mạc, gần gũi, đậm chất Tây Nguyên.

Bước chân du khách càng nhanh hơn khi qua những dãy đá sắp xếp có ý đồ trên mặt nước để thấy trước mắt là thác nước Tây Nguyên khá ấn tượng. Những khối đá to chồng lên nhau tạo nên hình ảnh đại ngàn hùng vĩ. Bên trong thác nước chính là không gian trình diễn cà phê thế giới. Điều tuyệt vời là khách có thể thưởng thức nhiều phong cách cà phê nhiều nước như: Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Brazil, Nhật Bản… ngay tại làng.

Cuối làng cà phê, không gian nhà dài Êđê là nơi trưng bày những hiện vật cổ có giá trị lớn và lâu đời nhất của Tây Nguyên. Nó được thiết kế như một thế giới cà phê thu nhỏ với những nét đặc trưng của vùng đất đại ngàn. Căn nhà sàn cổ Êđê dài 40m, rộng 12m, là bảo tàng cà phê Việt Nam với bộ sưu tập hàng ngàn hiện vật và những hình ảnh sống động về cà phê nhiều nơi trên thế giới. Bảo tàng có những tư liệu, hình ảnh quý giúp mọi người hiểu hơn về không gian và ngôn ngữ cà phê từ nhiều vùng miền, đất nước.

Thời gian gần đây, làng cà phê thường xuyên tổ chức ẩm thực chợ quê. Đó là hình ảnh thu nhỏ của những phiên chợ nông sản cổ xưa mang nét văn hóa truyền thống của miền quê Việt Nam. Các phiên chợ là nơi thư giãn ý nghĩa vào những ngày lễ và cuối tuần thu hút người dân và du khách khi đến Buôn Ma Thuột.

Những giá trị, trải nghiệm làng cà phê mang lại sẽ làm cho những ai đã yêu mảnh đất Ban Mê trù phú càng hiểu thêm về một miền cao nguyên đậm đà bản sắc. Hãy đến nơi đây, thưởng thức hương vị cà phê, hòa mình giữa không gian bình yên để yêu hơn phố núi chập chùng đất đỏ, trời xanh và bạt ngàn cây trái cùng những hạt cà phê tuyệt hảo.

Du lịch, GO! - Theo Tiểu Lâm (báo Du Lịch), ảnh internet
Hành trình du lịch của chúng ta tiếp tục với Hòn Ngang: để đi từ Hòn Lớn sang đảo này mỗi ngày có hai thuyền khách chạy vào lúc 7h sáng và 15h chiều. Tại đây dân cư đông đúc hơn cả Hòn Lớn vì nó là trung tâm xã Nam Du.

Một khung cảnh sầm uất khi tàu vừa cập bến ập vào mắt du khách, sự nhộn nhịp của hàng ngàn con tàu đánh cá lớn nhỏ neo đậu ở cảng, dọc 2 bên cảng là hàng trăm ngôi nhà được dựng trên cọc bê tông lẫn cọc tre.

Hòn Ngang hiện nay thuộc xã Nam Du, một đơn vị hành chính vừa tách ra từ hòn Lớn năm 2005. Xã có10 đảo lớn nhỏ, trong đó hòn Ngang là đảo trù phú và đông dân cư nhất với 900 hộ, đa số sinh sống bằng nghề khai thác hải sản và nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè ở các bãi Nam, bãi Bắc và bãi Chướng.

Đường giao thông ở đây chỉ là một con đường nhỏ chạy dọc khu dân cư và hầu như không có bất kỳ phương tiên di chuyển nào cả, muốn tham quan đảo du khách chỉ có thể đi bộ. Vậy nhưng chúng ta có thể khám phá hết đảo chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Nhà trọ ở đây giá cũng bình dân nhưng không tiện nghi cho lắm, thuê nhà trọ để nghĩ ngơi hay tắm biển cũng là một điều lỳ thú.

Dọc theo bãi Nam được coi là trung tâm thương mại của hòn Ngang có nhiều gian hàng thực phẩm, chợ, quán giải khát.

Ở đây có nhiều cửa hàng, quầy bách hóa, các cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại, ti-vi và các dịch vụ giải trí như bi-da, cà phê nhạc, cà phê karaoke... Trên hòn Ngang có miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng khá kiên cố trên một đồi cao sát bãi Nam, hằng năm đều có cúng kiến linh đình.

Về đêm, từ hòn Ngang nhìn sang hòn Lớn, du khách có thể thấy những cụm ánh sáng lấp lóa như một dãy ngân hà lung linh càng làm tăng thêm sự huyền ảo của một vùng biển đảo xa bờ. Gần hòn Ngang là các hòn Mấu gồm 126 nóc gia, hòn Đụng, hòn Nồm Giữa, hòn Nồm Trong, hòn Nồm Ngoài... mỗi hòn chỉ có một hoặc hai gia đình, đa số đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn vừa buông xuống, khách tham quan có thể thuê ghe xuồng ra biển tham quan các lồng bè nuôi cá mú, cá bóp hoặc đi bách bộ dọc theo các bãi biển làm quen với các ngư dân chuyên nghề chế biến tôm khô và cá khô.

Còn như có rộng thời gian, khách có thể thuê ghe đến thăm những ngư ông được coi là “Robinson” trên các hoang đảo để hiểu rõ thêm về số phận, cuộc đời của những người đầu tiên đặt chân lên đảo và gắn bó với biển để mưu sinh. Ở hòn Ngang chúng ta có dịp thưởng thức các món mực nấu cháo, vọp nướng mỡ hành, cà xeo xào củ hành, cá nhái nướng bẹ chuối và các loài ốc đảo vừa ngon vừa rẻ.

Đến hòn Ngang, ngoài phong cảnh hữu tình, nhiều người thích nhất là những vườn dừa cao chót vót. Được biết, xưa kia dừa do những cư dân đầu tiên mang từ đất liền ra trồng. Nay các “chủ đảo” đã ra người thiên cổ nhưng hàng dừa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Ấn tượng nhất là những ghềnh đá cheo leo nằm ở bãi Bắc và bãi Chướng, những bãi biển này yên tĩnh và sạch sẽ với cảnh vật gồm nhiều tảng đá hình thù kỳ quái, độc đáo nhất là những viên đá tròn, dài đủ màu sắc muôn hình vạn trạng nằm chồng chất lên nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động và kỳ thú. Khách đến đây ai cũng chọn một vài viên nhỏ mang về kỷ niệm, coi như món quà của biển.

Khám phá xong Hòn Ngang, chúng ta lên thuyền và thêm 20 phút nữa để đến với Hòn Mấu, một đảo nhỏ rộng khoảng 2km², chỉ có khoảng 100 nóc nhà với chừng 600 hộ dân chủ yếu sống bằng chài lưới.

Ở đây có những bãi biển rất đẹp làm say đắm nhiều du khách khi đặt chân đến và nhiều du khách đã cho rằng nếu đến Nam Du mà chưa đến những bãi biển này thì coi như chưa đến Nam Du.

Đây là những đảo tương đối lớn của quần đảo Nam Du và tương đối sung túc, ngoài ra còn có nhiều hòn đảo rất đẹp như Hòn Dầu, một hòn đảo tương đối lớn với khoảng 20 nóc nhà cùng một rừng dừa xanh quanh năm. Cả đảo là một khu rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ 95% diện tích cùng với những bãi biển cát trắng, song vỗ rì rào.

Đời sống của cư dân quần đảo Nam Du chủ yếu là đánh cá và câu mực, khi đến đây du khách nên nghỉ lại một đêm và cùng ngư dân lênh đênh trên chiếc thuyền thúng để tận hưởng được cái thú của chuyến câu đêm.

Nhìn xa xa, mỗi một chiếc thuyền thúng như một cái rổ khổng lồ có một cây đèn nhỏ để thu hút mực, trên thuyền có chừng 2 đến 3 người đang say sưa gỡ những chú mực vừa dính câu lấp lánh bảy màu.

Khi đã xong chuyến câu, lên bờ rồi thì du khách có thể ngồi lại trên bờ biển để tận hưởng cái xe lạnh của biển đêm. Nếu vào những ngày có trăng lại càng thơ mộng, vừa nhâm nhi con mực nướng còn tươi sống được nướng trên bếp lửa hồng thơm lừng, vừa ngắm ánh trăng tròn vằng vặt thì không có gì bằng.

Hiện nay quần đảo Nam Du đang được đầu tư phát triển để trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách tham quan.

Du lịch, GO! Tổng hợp, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống