Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 22 August 2012

Trên đỉnh cao của đồi cát: gió lồng lộng, gió làm quai của chiếc mũ bảo hiểm cùng dây đeo máy ảnh kêu phần phật; gió xô người, gió lấy sạch cái nhiệt của mặt trời giữa cái nắng chói đang chiếu xuống bọn mình khiến cái nóng cũng mất tăm!

< Ảnh 'nửa kia' chụp lúc mình (chấm đen nhỏ) vừa leo xong dốc cát dựng thứ nhất, chuẩn bị vào dốc thứ hai - lúc đó mình cũng đang hướng máy ảnh lên đây...

Mình ngồi trên đó cảm nhận cái đẹp, cái bao la của một chốn hoang sơ tuyệt vời. Nhìn ra phía Đông: xa xa là Hòn Hồng hướng thẳng ra biển Đông còn quanh ta là những đồi cát nhấp nhô như sóng lượn với các trũng sâu, rất sâu.

< Khăn trùm mặt che nắng bay mất rồi, gió trên đây mạnh khiếp, sơ ý không chống chân kỹ là ngã lăn xuống triền cát luôn đó nghen.

Chiếc khăn trùm mặt của nửa kia đã cột chặt nhưng vẫn tuột và bay vút xuống một trong những trũng sâu ấy. Nó xoay tròn cùng với những chiếc lá và nhánh cây bụi khô trông như một vòng lốc xoáy vô hạn.

< Thật ra nhìn không thấy trạm gác và cổng của khu du lịch đâu, nhưng mình cầm máy ảnh zoom gần thì thấy...
Hai năm trước thấy cửa kéo ngang, bảo vệ không cho vô, giờ đang trống hoác.

Nhìn về phía Tây, nơi có trạm gác và cánh cổng của khu du lịch mà năm kia bọn mình đã đến nhưng bảo vệ không cho vào. Bây giờ nó ra sao nhỉ? Hồi nữa, ta thử 'làm khách' vào tham quan xem sao - Mình cũng là khách du lịch mà?

< Dưới trũng cát: gió làm lá khô và bụi rậm xoay tròn theo gió - hồi sau cái khăn che mặt cũng bị cuộn vào đây...
Gió từ hướng biển Đông thổi vào đất liền đấy.

< Phía xa là đồi cát tiếp nối đồi cát, tít chân trời chính là mũi Yến Hồng Chinh: bọn mình cũng chưa ra đó được lần nào. Lần đến gần nhất là khoảng gần 1 cây số...

< 'Trèo xuống chưa em?' - 'Tý nữa đi', tiếc cái khung cảnh tuyệt vời này đây mà, đi xuống rồi khó có dịp trèo lên...

Con đường đất bên dưới bổng nhiên xuất hiện hai chiếc xe tải cũ, họ chạy thẳng vào trong KDL. Xe nào vậy cà? Vẫn còn xây dựng à, hay chở cái thứ gì đó vào trong đó? Nơi đây không thấy được, có lẽ một chút vào trong sẽ biết.
< Bạn thấy chiếc Win100 của bọn mình đậu đâu không? Mình cũng chả thấy...

< Chỉ đến khi tăng hết cỡ độ phóng đại của cái Nikon có độ zoom 21x thì mới thấy: ẻm đây rồi.

< Bây giờ thì xuống thật vì 'đã' rồi. Bà xã nhìn 'dốc thấy ghê' nên xuống theo cách riêng: trượt xuống, thả trớn như xe gài số 0...

9 giờ 47 phút, bọn mình rời đỉnh đồi cát xuống dưới. 'Nửa kia' chọn cách trượt vì nhìn các dốc chúi nhủi thấy ghê quá, còn mình tiến bước theo con đường ngắn nhất đến cụm cây mà xe mình đang đậu.


< Hết dốc 1 rồi đến dốc 2, còn mình vẫn đi xuống nhưng xuống bằng gót chân: bước một, cát trượt dài thành hai...

Lên thì cắm đầu ngón chân nhưng xuống phải dùng gót, một bước nếu tính thêm phần 'tự trôi' sẽ thành hai bước. Phút chốc đã ở mặt bằng phía dưới cùng - lên thì phê thật nhưng xuống nhẹ nhàng mà, bao giờ cũng vậy.
< Xuống hết đồi cát cũng hết gió, mình chụp một phát lên trên - Những đồi cát to chà bá không dấu chân từ năm kỉa, năm kia bây giờ lại có dấu vết của bọn mình rồi.

< Mình đạp máy xe, trở đầu và chạy vào trong. Mé trái là đường dây điện, nền đường đất đá lô nhô, còn cổng thì chả có bảo vệ nào cả!

< Đến một đoạn cát lầy không thể chạy. 'Nửa kia' xuống xe, tấn công về phía trước liền.

Bọn mình lên xe và hướng về cái gọi là KDL gì đó ấy. Trạm gác chả có ma nào, cái lạ là cửa trạm gác bị đục tháo tất, cửa kéo chận ngang cũng vậy = không có hơi hướm của sự ngăn chận hay kinh doanh. Nói rõ là không bóng người ngoài những người trên hai chiếc xe tải hồi nãy bọn mình thấy đang... xúc cát vào xe! Mấy anh chàng này nhìn bọn mình, lạ lẫm rồi quay ngay về công việc của họ - cát trời cho, không có khu du lịch thì cứ thoải mái xúc...

< Vậy nhưng trước khi đi vẫn 'bắn' cho mình một tấm.

Bọn mình chạy thẳng vào trong. Đến một đoạn cát hơi lầy thì nửa kia bước xuống đi trước, còn mình dựng chống, định đi bộ quay lại xin chút thông tin của những người xúc cát. Đi được vài mươi thước thì lại thôi, cứ chạy vào chứ hỏi làm chi? Lúc này, bóng bà xã đã mất tăm do con dốc phía dưới che chắn. Mình nổ máy chạy theo nhưng không thấy đâu cả, nhìn thấy cái trạm canh trên một rẻo đồi cỏ xanh, mình chạy xe lên đó.
< Coi lôm côm như vậy chứ một mình một xe chạy ầm ầm, chỉ ngại những đoạn toàn cát khô, khô khốc!
Bà xã đi bộ vậy chứ nhanh lắm, nhìn phía trước chả thấy đâu...

< Cảnh vật phía sau lưng mình đây: trông như bãi sa mạc, không một bóng người...

Đây chính là dự án của CTy South Fork (Mỹ) đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp tại Hòa Thắng Bình Thuận, được cấp phép từ năm 2004 và triển khai từ năm 2005. Trên giấy tờ thi khu du lịch nói trên sẽ là một tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí ven biển như: nhà nghỉ, nhà hàng, khu hội nghị, CLB sức khỏe, khu giải trí, với tổng diện tích sử dụng khoảng 600ha đất.
< Còn phía phải đường mòn là một chỏm núi.

Cũng trên 'giấy tờ' về kế hoạch của nhà đầu tư thì đây là một trong những khu du lịch lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế với qui mô gồm năm khu nghỉ dưỡng ven biển gồm 900 phòng, một khu hội nghị quốc tế 6.000 chỗ, khu vui chơi - giải trí theo mô hình Disneyland và hai sân golf 18 lỗ (chẹp!).

< Mình chạy tiếp. Phía trước xuất hiện căn nhà nhỏ bên phải.

Dự kiến trong ba năm đầu, một số hạng mục sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 25 triệu USD (bèo bọt nhỉ?) và tiếp tục hoàn tất dự án trong... 5-7 năm tới.
Sau đó, South Fork đã xin thay đổi phân kỳ đầu tư. Tháng 12-2009, tỉnh đã chấp thuận việc điều chỉnh này và đã bàn giao thực địa 330 ha đất tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cho South Fork thuê.
< Nó đây! Từa tựa như trạm gác nhưng lớn gấp mấy lần cái ngoài kia.
Cửa nẻo đã được lắp đặt nhưng người ta lại đục lấy đi hết, chỉ còn cái xác thô...
< Phía trong là một dãy nhà khác có hướng mở nhìn ra biển. Trông như chốn ngồi ghế bố hóng gió.

Sau khi nhận đất, South Fork đã nhiều lần yêu cầu tỉnh Bình Thuận cấp giấy đỏ cho số đất thuê nêu trên nhưng tỉnh không đáp ứng và cuối cùng là có động thái thu hồi dự án. Tỉnh cho rằng South Fork không có năng lực tài chính, không triển khai đầu tư mà mang dự án đi chuyển nhượng. Tỉnh đã xác minh và được biết đại diện chủ đầu tư đồng thời là chủ tịch của hai công ty và đồng thời là giám đốc của một công ty khác.
< Nhìn biển phía trước mặt thì như thế này: những hàng dừa đong đưa trong gió, sóng vỗ rì rầm.

Tất cả công ty này đều có chung một địa chỉ giao dịch ở Mỹ nên việc xác nhận tài chính giữa các công ty này không đảm bảo khách quan, trung thực. Mặt khác, dù được cấp phép từ năm 2004 và đã giao đất nhưng bao năm qua South Fork chưa tác động đầu tư vào dự án, lại có nhiều dấu hiệu mang dự án đi sang nhượng, bán tài nguyên (titan) trong vùng đất được giao.
< Còn mé trái thì đây: cũng là hướng mà con đường mình vô khi nãy bẻ cong rồi chạy song song với bờ biển.
Trên này cao, so với cái thềm cỏ phía dưới tầm năm bảy mét nên muốn xuống phải trở ngược lại, đi theo con đường đất.

< Mình khóa cổ rồi đi bộ trở ngược lại, ăn gian tý đường bằng cách xuống theo bờ đá lở. 
Phía dưới bờ cỏ đây, hình là hướng trái.

< Phía trước mặt nè: cứ ngỡ là đi thẳng được nhưng chừng mươi bước là thấy vực, cao tầm 5 mét đấy - chạy xế ủi xuống chỉ có nước què giò.

< Mình len ra sát mép vực, nhín phía phải: Waoo, đẹp quá...

Trong khi đó, phía South Fork cho rằng từ tháng 4-2010, họ đã thông báo triển khai việc đầu tư song tỉnh Bình Thuận lại cấp phép cho Công ty Cổ phần Đường Lâm vào khai thác titan khiến cảnh quan bị đảo lộn, gây ô nhiễm môi trường trong vùng đất của dự án. Vì thế, tháng 9-2010, South Fork có thông báo dừng toàn bộ hoạt động đầu tư để chuẩn bị thủ tục khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra Tòa án Quốc tế.
< Từ mép vực lại nhìn hướng trái: không thể xuống được vì dốc dựng, nhiều bụi gai. Vậy lối nào xuống đây? 'Nửa kia' vẫn mất tăm, không một dấu vết...

Về việc này, ông Nguyễn Văn Dũng nói thực chất South Fork vin vào cớ tỉnh cho khai thác titan để đối phó với việc thu hồi dự án. Cụ thể là tháng 6-2005, South Fork có văn bản xin khai thác titan trong vùng đất dự án nhưng tỉnh không đồng ý vì công ty không có chức năng khai thác titan.
< Bất chợt, cách xa thật xa có một chấm nhỏ đang di động. Mình hướng máy ảnh về đó zoom hết mức, zoom đến ảnh nổ hạt thì hóa ra là đây! Pó tay: chân 'nửa kia' là chân 'siêu phượt'!

< 'Vợ hai' gần hơn, trên chóp đồi. Mình ngoáy lại, chộp một phát cho cô nàng Win. Vậy nhưng chỉ là cái chấm vì không zoom.

Dù vậy nhưng trong tháng 8 và 9-2007, South Fork lại thỏa thuận đồng ý cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha của dự án và CTy này phải nộp cho South Fork 20 USD/tấn trong khu vực hơn 120 ha, trữ lượng titan hàng trăm ngàn tấn. Tại thời điểm trên, South Fork chưa được giao đất, chưa đăng ký thuê đất nên nếu có việc thỏa thuận là South Fork đã bán tài nguyên khoáng sản của quốc gia theo kiểu “phát canh thu tô” trên đất mà mình chưa có quyền sử dụng.

< Trở lên lấy xe, mình bấm thêm vài pô rồi trở lại và theo đường đất trong ảnh - có lẽ sẽ xuống biển được đấy.

< Bà xã đây: đang chụp lên còn mình đang hướng máy ảnh về phía dưới, he he...

Vì nhiều nguyên nhân nêu trên nên tỉnh Bình Thuận kiểm tra lại lần cuối các vấn đề liên quan và sẽ thu hồi dự án của South Fork. Vậy là South Fork kiện Bình Thuận ra Trọng tài Quốc tế, đòi bồi thường 3,75 tỉ USD! Nếu vụ kiện này đưa ra phân xử thì có thể đây là vụ kiện có số tiền đòi bồi thường lớn nhất từ trước tới nay (nguồn báo Pháp Luật).
< Vòng cua mà phía trên nhìn xuống đây. Lầy cát, khéo léo chạy vẫn ok.
Đường đất này vẫn chạy theo hàng cột điện cho đến cái trạm biến thế trống toát thì bẻ cong lần nữa, hướng xuống biển.
< Rồi cũng đến được bãi biển, mình vứt xe bên hàng dừa.

Trong thật tế thì 'Tổ hợp du lịch, dịch vụ giải trí' do nước ngoài đầu tư vào đây chi nằm trên giấy, và như bạn thấy đó: họ cũng chả đầu tư vào đó được bao nhiêu ngoài việc san ủi đường đất, xây thô vài căn nhà, trồng hàng dừa, kéo dây trung thế vào trong và... nhận tiền huê hồng từ titan!
< Mé phải bờ biển. Chổ này không nên tắm do không... đẹp (có lẽ mình khó tính), muốn tắm thì đi dọc theo bãi này vài trăm mét sẽ thấy cát vàng trắng, tuyệt!

< Bằng không thì đi theo mé trái: hướng ni băng qua cái vụng nước cạn, đến một bãi biển tuyệt đẹp.

Và bọn mình đã tìm đến đây khi 'Khu du lịch - dịch vụ cao cấp' đã trở thành một chốn hoang vu, những cửa sắt đã được gỡ sạch, trạm biến áp chỉ chõng chơ cái vỏ... Chỉ có hàng dừa vẫn xào xạc, bãi biển vẫn ì ầm trong một không gian rộng lớn không một bóng người. Biển và đất mẹ trở về với thiên nhiên, với chúng ta.
< Ngay mép sóng, hình chụp bãi biển phía trái. Cái vụng nước kéo dài vào sát mép núi, chỉ là nước biển thôi.

Mong rằng với những nguyên nhân chính đáng, Bình Thuận sẽ thắng kiện và cho công ty 'rùa bò' này một bài học về sự ngâm tôm!
< Bãi biển phía này tuyệt đẹp, hoàn toàn không một bóng người ngoài vài chú chim đang kiếm ăn trên mép sóng. Mờ mờ chỏm núi phía xa là Hòn Rơm đấy.

Nhưng chưa hết đâu, vẫn còn nhiều thứ mê hoặc hơn nữa nhưng phiền bạn chờ phần kế tiếp.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Tuesday, 21 August 2012

Năm thủy điện - một con số không nhiều trong tổng số 123 thủy điện của cả tỉnh Lào Cai. Nhưng năm thủy điện này nằm trên thung lũng Mường Hoa xinh đẹp, xé nhỏ danh thắng du lịch này bởi hàng loạt máy móc đang khẩn trương xẻ núi, ngăn đập.
Một di tích quốc gia là bãi đá cổ Sa Pa cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

< Trong vòng bán kính 10 km² ở khu du lịch Sa Pa nổi tiếng cả nước lại phải gánh chịu 'một đống' thủy điện vừa và nhỏ triển khai đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng và di sản ruộng bậc thang nơi đây.

Một nhà máy thủy điện sẽ mọc lên giữa di tích quốc gia. Đó là dự án nhà máy thủy điện Sử Pán 1 (huyện Sa Pa) sẽ được xây dựng trong khu vực bãi đá cổ Sa Pa - được công nhận di tích quốc gia năm 1994.

Dự án qua cửa các ban ngành trót lọt cho đến khi được gửi đến Sở VH-TT&DL Lào Cai. Thủy điện đã nằm trong quy hoạch, Sở VH-TT&DL không thể phản bác lại tỉnh, đành phải cầu cứu Bộ VH-TT&DL. Suốt một năm qua, những người làm văn hóa và du lịch đang phải đấu tranh đòi ngừng xây dựng nhà máy thủy điện giữa di tích mà tỉnh Lào Cai đang dự định lập hồ sơ di sản thế giới.

Không xây được thủy điện thì... kiện

< Lòng suối Mường Hoa trơ sỏi vì công trình xây dựng nhà máy thủy điện đổ hết chất thải xuống.

Tranh cãi, công văn qua lại trong suốt một năm vẫn không đưa đến kết quả. Nhà đầu tư kiên quyết giữ nguyên địa điểm với lý luận không làm ảnh hưởng đến một viên đá nào. Trong khi đó, Sở VH-TT&DL cho rằng cần phải đánh giá tác động đến di sản và cả môi trường cảnh quan. Đó là chưa nói việc xây đập thủy điện sẽ cho chìm xuống lòng hồ những viên đá chưa được khai quật khảo cổ học. Những viên đá đã phát lộ lại nằm bên lở của dòng suối, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm.

Việc mời một đoàn chuyên gia khảo sát di tích này được coi là việc “cực chẳng đã” sau nỗ lực thuyết phục không thành. Chuyến khảo sát được một phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai gọi một cách chua xót là “tour khám phá thủy điện” diễn ra giữa tháng 8. Tại cuộc thảo luận sau chuyến khảo sát, đại diện các bên đã có những tranh cãi gay gắt về việc dừng hay không dự án thủy điện tại địa điểm nhạy cảm này.

Ông Phạm Hải Hà - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long, nhà đầu tư thủy điện Sử Pán 1- nói: “Bãi đá đường xuống chẳng có, chúng tôi làm đường xuống, kiến nghị làm hàng rào bảo vệ xung quanh. Chúng tôi sai ở chỗ nào, xâm hại di tích ở chỗ nào. Việc xây đập nước thủy điện, có hồ nước theo cảm quan chúng tôi là tốt. Chúng tôi chưa làm gì xấu đến mấy viên đá cổ của các anh cả. Hàng chục tỉ chúng tôi bỏ ra, bây giờ các anh bảo dừng. Sao các anh không bảo dừng ngay từ đầu. Không lẽ chủ đầu tư kiện Sở VH-TT&DL, sở thua là chắc”.

Muốn làm di sản thế giới hay không?

< Nếu xây thủy điện, những tảng đá cổ với các hình chạm khắc chứa đựng ký ức của các tộc người ở Sa Pa có nguy cơ bị nhấn chìm xuống đáy nước.

Ông Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai, khẳng định phải nhìn cảnh cả một thung lũng trù phú tan hoang vì xây dựng thủy điện chứ không chỉ nhìn chuyện mấy hòn đá. Khách du lịch bỏ đi, chuyên gia nước ngoài cảnh báo mà thủy điện vẫn mọc lên. Khi chúng tôi làm việc gay gắt, Sở Công thương không thích, ủy ban không ưa, doanh nghiệp càng không ủng hộ. Nhưng ai dám chắc khi xây đập nước, sạt lở không tổn hại đến di tích, tài nguyên du lịch đến bao giờ được phục hồi đúng theo hứa hẹn của các anh?

Đặt câu hỏi cho tỉnh Lào Cai, đại diện Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) nói: “Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho bãi đá cổ Sa Pa. Không thể khoanh từng hòn đá mà đi làm hồ sơ di sản được. Nó phải hài hòa trong tổng thể, mà tổng thể đó đang bị chất lên năm cái thủy điện. Vậy hiện nay tỉnh còn muốn làm di sản thế giới hay không để chúng tôi còn báo cáo lại?”.

Trong khi đó, PGS Đặng Văn Bài, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Lào Cai bắt buộc phải lựa chọn. Nếu chỉ muốn kinh tế thì hãy bỏ khát vọng làm du lịch và di sản thế giới đi. Bây giờ Sa Pa là sản phẩm du lịch nhưng 50 năm nữa sẽ thành một nghĩa địa thủy điện”.

Thủy điện còn, du lịch không còn

Thủy điện không chỉ là nỗi sợ của riêng những hòn đá ở bãi đá cổ Sa Pa mà các bản làng nổi tiếng về du lịch cộng đồng cũng thấm đòn đau của thủy điện. Số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL Lào Cai cho thấy lượng khách đến tham quan và lưu trú tại các điểm du lịch có thủy điện như Tả Van, Bản Hồ giảm mạnh đến hơn 80% so với năm 2006 - thời điểm bắt đầu xây dựng các nhà máy thủy điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cảnh báo: “Đã đến lúc cần xem xét kỹ các dự án thủy điện. Ở góc độ du lịch, không nên chấp nhận các dự án thủy điện nữa. Sa Pa đã bị cảnh báo rất nặng nề về vấn đề này nhưng đáng tiếc là cả Sa Pa, Lào Cai và ngay cả các tỉnh phía Bắc đã không hề lắng nghe”. Từ khía cạnh nhà đầu tư, ông Phạm Hải Hà phản bác: “Tại sao thủy điện hoàn toàn xấu cho du lịch. Nếu không có thủy điện Hòa Bình thì chẳng ai biết đến tỉnh này! Nếu ngăn đập làm hồ, Sử Pán 1 có thể tạo nên một vùng tiểu khí hậu phù hợp với du lịch sinh thái”.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thủy điện không thể đồng hành với du lịch sinh thái bởi vì cái du khách muốn là cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa thì đã bị thủy điện hủy hoại.

Một con suối gánh 5 thủy điện

Cả thung lũng suối Mường Hoa với bãi đá cổ, cầu Mây, ruộng bậc thang đang bị xẻ thịt để làm thủy điện. Đào núi, ngăn dòng, điện đâu chưa thấy còn những bản làng trù phú hút khách du lịch thì vắng hoe. Năm thủy điện đang khẩn trương tiến hành vẫn còn là con số quá nhỏ so với 19 thủy điện trong quy hoạch ban đầu. Một trong số năm thủy điện này, thủy điện Sử Pán 1 sẽ chạy dọc bãi đá cổ Sa Pa, từ Hầu Thào đến Bản Hồ và cũng gần khu danh thắng Cầu Mây. Có nghĩa là thủy điện này cùng với những hệ lụy của nó sẽ ôm trọn phần đẹp nhất của thung lũng Mường Hoa - vốn được xác định là trọng điểm du lịch.

PGS Đặng Văn Bài cảnh báo: “Phải đánh giá tổng thế tác động của cả năm thủy điện. Việc xây dựng chừng ấy nhà máy thủy điện trên con suối nhỏ thể hiện thái độ của chính ta đối với bà mẹ thiên nhiên. Nếu không tính toán thì từ bây giờ chúng ta đã ăn mất phần của con cháu sau này”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "50 năm ngắn lắm, phải nghĩ tới 50 năm sau các công trình thủy điện này biến thành gì. Sau chừng ấy năm, chúng ta để lại một bãi thải những công trình đã chết. Đó có lẽ là điều quản lý nhà nước chưa vươn tới".

Quy hoạch ẩu, thủy điện sẽ ”giết” Sa Pa

< Cảnh quan Bản Hồ đang bị san ủi be bét làm loang lổ. Nơi đây đang được tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Nậm Toóng và thuỷ điện Sử Pán.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của TS Trần Hữu Sơn, một nhà văn hóa cũng là giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai, người luôn đau đáu với câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa và tài nguyên du lịch cho cộng đồng.

* Tại sao đến tận bây giờ Sở VH-TT&DL mới can thiệp sâu vào việc xây nhà máy thủy điện trong khi tác hại của nó đã diễn ra một thời gian khá dài?
- Tháng 4-2010 tôi đi khảo sát, người dân than là năm nay không có khách đến dù trước đó mỗi năm có thể đón hàng vạn người. Đó là một sự lạ và chúng tôi bắt đầu cho điều tra. Trước đây bản Dền (xã Bản Hồ) là trung tâm của du lịch cộng đồng, nhưng điều tra sáu tháng đầu năm 2010 chỉ có 80 người khách. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị dừng tất cả các nhà máy thủy điện ở Sa Pa. Nhưng dừng lại rất khó, quy hoạch đã ký rồi, doanh nghiệp vào làm rồi, kinh phí đâu để đền bù mà bắt doanh nghiệp dừng lại. Ở đây có kẽ hở của luật, luật không quy định rằng phải bảo vệ tài nguyên du lịch như Luật di sản quy định bảo vệ di sản.

< Từ lâu thác Bạc là danh thắng nổi tiếng của cả vùng Tây Bắc nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ và là điểm đến không thể thiếu của du khách khi tới thăm Sa Pa.

Hơn nữa, người ta chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ lợi ích lâu dài, cần hôm nay không cần mai sau, hoặc tư duy nhiệm kỳ. Vậy là doanh nghiệp cứ nhảy vào thôi, mà doanh nghiệp thì cứ lãi là họ làm chứ chả nghĩ gì hơn. Thậm chí tôi nghĩ ngay cả doanh nghiệp làm thủy điện, họ có thật sự cần làm ra điện hay không. Thử hỏi một con suối năm cái thủy điện thì làm sao có nước. Họ đã nghĩ đến điều đó chưa hay cũng biết rồi mà làm ngơ, miễn là ta có dự án trong tay rồi thì giải ngân theo đúng cơ chế cho vay? Có một cơ chế sai lầm đem lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp làm thủy điện là được vay 2/3 vốn của Nhà nước. Do vậy, tôi được biết nhiều doanh nghiệp cứ khai khống dự án lên. 200 tỉ khai lên 300 tỉ, nhà đầu tư chả bỏ xu nào mà chỉ làm bằng tiền nhà nước. Cơ chế ưu đãi vay như thế là không được.

Bây giờ bảo đánh giá môi trường chúng tôi cũng chịu, phải có các chuyên gia về môi trường. Các đoàn nghiên cứu, khách du lịch đều phát biểu: muốn xây dựng thủy điện thì phải xây dựng kiểu khác, để lở loét như thế thì ai còn đến nữa. Các doanh nghiệp nói rất hay là chúng tôi sẽ phục hồi, sẽ trồng A, trồng B nhưng kinh nghiệm cho thấy ở thủy điện Lào Cai và nhiều nơi khác đã trồng được gì đâu.

* Có những ai đồng hành với văn hóa trong cuộc đấu tranh nhằm giảm bớt tác hại của thủy điện đến Sa Pa?

- Người dân, cán bộ. Nếu ai bình tâm, yêu Sa Pa thì họ sẽ có tâm trạng như tôi. Người dân bao giờ cũng đồng hành với mình. Tết năm 2011 tôi tiếp một ông người Dao ở Nậm Cang, một người tôi không hề biết. Ông đi hơn trăm cây số bằng xe máy đến, ông bảo: Tôi không quen anh nhưng thấy anh phát biểu trên tivi rất đúng với ý người dân chúng tôi, tôi chẳng có gì đâu, chỉ có con gà biếu anh ngày tết, coi như cảm ơn anh. Suốt 30 năm làm trong ngành, 10 năm làm giám đốc sở thì đó là món quà xúc động nhất. Lúc đó tôi cũng nhận ra: À, người dân hiểu mình.

< Nhưng hiện nay cảnh quan khu vực thác Bạc đã bị phá nát bởi đại công trường thi công hồ nước lớn trên đầu nguồn thác này.

* Theo quan điểm của ông, ở Sa Pa, thủy điện nên nhường bước cho du lịch?

- Tôi đã nói rồi, cả nước có một Sa Pa, không có hai. Người Pháp có 100 năm khai thác du lịch ở đây. Vừa rồi khảo sát cho thấy khách đến một bản của Sa Pa trong một năm bằng tám tỉnh Tây Bắc cộng lại. Hơn nữa, Sa Pa khi làm du lịch thì đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân khá lên. Tổng lợi nhuận thu về cho Nhà nước khó nhìn thấy nhưng nó giải quyết công ăn việc làm cho người dân, từ anh lái xe ôm đến người lái taxi, người làm khách sạn, người bán ngô nướng, anh múa khèn...

Giờ quy hoạch thủy điện bừa bãi lại lấy mất tài nguyên du lịch của họ, ruộng nương của họ. Mà ruộng bậc thang quý hơn gấp nhiều lần ruộng ở đồng bằng. Cả đời cha ông họ, cả dòng họ đổ mồ hôi trên triền núi mới có được chừng ấy ruộng thôi.

Không nhất thiết phải xây dựng năm nhà máy thủy điện tại Sa Pa mà hoàn toàn có thể làm ở chỗ khác. Cả nước chỉ có một Sa Pa - trung tâm du lịch miền núi lớn nhất. Sự đóng góp của thủy điện chả được bao nhiêu so với những gì gây ra với cảnh quan, tài nguyên du lịch.

* Nhưng dù sao, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chúng ta đang giải quyết vấn đề trên ngọn, khi tất cả quy hoạch đã được phê duyệt?

- Dừng được một cái là may lắm rồi. So với ý muốn của mình thì chưa được nhưng thế còn hơn không. Theo quy hoạch, Sa Pa có 19 thủy điện, nhưng khi chúng tôi kiến nghị đã giảm xuống còn năm cái. Nhưng chỉ riêng năm cái cũng chết lắm rồi. Nếu cứ để như hiện tại thì 5-7 năm nữa khách du lịch sợ không đến nữa, Sa Pa không còn là Sa Pa nữa, chỉ có những người đến du lịch một đêm thì buồn lắm.

Tan hoang Bản Hồ

“Mất cá, mất thác, mất cảnh quan, Bản Hồ mất sạch rồi” - Đào A Án (trưởng thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai) buồn bã nói. Bản Hồ nay có tới hai nhà máy thủy điện nhưng câu chuyện của ông trưởng thôn Đào A Án chỉ xoay quanh cái ngày xưa Bản Hồ còn giàu có, nhiều khách: “Ngày xưa, suối sâu đến hơn 10m, cá nhiều, khách đến ở nhà chỉ xuống suối một lúc là có tới mấy cân cá để ăn. Ngày xưa có thác cá nhảy, khách đi chơi mang theo cơm lam, lợn quay, vừa ăn vừa xem thác. Thủy điện thi công một cái, khách bảo: Bản Hồ đẹp nhất cảnh quan, giờ như sạt lở đất”.


< Công trình thủy điện Sử Pán 2 đang được thi công tại bản Hồ, Sapa khiến cung đường xuống bản bị cày nát, cảnh quan thay đổi hoàn toàn.

Ông trưởng thôn còn nhớ nhà máy đầu tiên khởi công năm 2004, kéo theo đó là lở núi, phá rừng, máy xúc, máy ủi cày xới ngày đêm. Tất cả đất đá, chất thải được đổ thẳng xuống con suối chảy qua thôn. Đến cả suối nước nóng tự nhiên cũng bị nhà máy thủy điện vùi lấp. “Trung bình một ngày mấy trăm khách xuống tắm, giờ thì hiếm lắm mới thấy một người. Từ hồi thi công thủy điện, khách vắng hẳn, 29 nhà dân làm du lịch chỉ có 1-2 nhà có khách, chăn màn mốc hết” - ông nói.

Ông trưởng thôn tiếp câu chuyện buồn của Bản Hồ: “Phá tan hoang rồi vứt đấy chứ có làm tiếp đâu. Có tổ máy bảo làm ba năm xong nhưng tám năm rồi chưa xong, công nhân, kỹ sư cũng đi đâu hết. Họ bảo còn tiền đâu mà làm. Thế mà đợt mới khởi công, người ta cũng hùng hổ đào bới, xây dựng làm hỏng hết cả đường ống dẫn nước sinh hoạt của người dân. Dự án nước ngoài tài trợ cho mỗi nhà một bể nước sạch đành bỏ không vì đường ống vỡ hết rồi”.

Du lịch, GO! - Theo Hà Hương (báo Tuổi Trẻ), internet
Hà thành giờ lại có xe điện, mua 15.000 đồng đã đủ một vòng quanh dăm ba con phố cổ. Nhưng cách truyền thống nhất vẫn là đi bộ và tự mình khám phá mọi ngõ ngách của những phố hàng, những tên phố đã làm nên một phần hồn của người Hà Nội.

Điểm đến đầu tiên là ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa. Sáng tinh mơ, các bà các cô từ chợ hoa sớm Quảng Bá đã làm một cuộc diễu hành hoa qua cửa ô này để rồi tản ra khắp mọi nẻo đường thành phố.

Từ ô Quan Chưởng, ngang qua Hàng Đường nếm đủ vị chua cay mặn ngọt của ô mai Hà Nội. Sấu Hà Nội chỉ có một mùa, nhưng ô mai sấu có cả bốn mùa quanh năm. Đó cũng là món quà gửi cho người đi xa, để nhắc nhớ về Hà Nội với những trái sấu lăn lăn trên vỉa hè...

< Đây cửa ô Quan Chưởng, phảng phất hồn xưa trên phố nay.

Dưới dốc Hàng Than có một cửa hàng bán bánh cốm đã hơn 100 năm nay. Cái tên Hàng Than được đặt cho con phố này vì đây là nơi tập kết than của tàu bè chạy qua sông Hồng. Nhưng giờ phố này trở thành phố hàng chuyên bánh cốm, loại bánh có vỏ xanh mướt với nhân đậu xanh xôi nhuyễn.

Giới trẻ Hà Nội giờ mê ngồi trà đá trên phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hay cà phê ở phố Mã Mây. Góc ngã ba Mã Mây có một quán cà phê là lạ của một kiến trúc sư trẻ mê phố cổ Hà Nội như điếu đổ.

< Tây ta đều mê cái thú ngồi quán cóc vỉa hè trên phố Tạ Hiện.

Quán được cải tạo từ một ngôi nhà cổ hai tầng, giữ nguyên nét kiến trúc cách đây hàng trăm năm. Quán ít bàn, ít ghế, chủ nhân của nó tạo nên những tấm phản dài, khách ngồi uống cà phê trông giống như ngồi bệt ở vỉa hè. Bên trên, cậu kiến trúc sư không quên thiết kế một vài chiếc đèn đường vuông vuông, những chiếc đèn này giờ chỉ còn nhìn thấy trong những bức tranh phố Phái hay ảnh chụp phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Trà đá ở phố Tạ Hiện có điểm thú vị đặc biệt mà không con phố nào trong phố cổ có được. Chỉ cần ngẩng mặt lên là có thể thấy những mái ngói phố cổ rêu phong san sát xô nghiêng. Kiến trúc độc đáo này bạn sẽ không thể bắt gặp trên bất cứ một phố Hàng nào khác, kể cả Hàng Bạc, Hàng Bồ... những nơi được cho rằng vẫn giữ được nhiều nét Hà Nội xưa.

< Dạo chơi trên phố Hàng Buồm.

Phố Tạ Hiện cũng là con phố yêu thích của dân yêu nhiếp ảnh và Tây balô.

Chiều phố cổ, nằm lẩn khuất sau rất nhiều mái ngói, vòng qua rất nhiều ngả rẽ có một con ngõ tấp nập lạ thường. Ngõ Tạm Thương từ hàng chục năm nay trở thành chốn “hò hẹn” của văn nghệ sĩ Hà Nội. Đôi khi chỉ cần hỏi chuyện ông chủ quán hay bà hàng nước thôi cũng đủ thứ chuyện đời thường của văn nhân, nghệ sĩ đất này.

Và có một con ngõ trông ra hồ Gươm chỉ ngắn mấy chục mét nhưng thú vị lạ thường. Con phố này được giáo sư người Mỹ Mark Rapoport ví như một New Orleans cổ xưa thu nhỏ trong cuốn 101 lý do để chúng tôi thích sống ở Hà Nội: “Đó là một ngõ phố của âm nhạc, quán rượu và tuổi trẻ, ngay cạnh cái hồ trung tâm song lại thu mình thành một thế giới riêng”.

< Phố Thuốc Bắc trầm lắng trong đêm.

Cửa hàng băng đĩa nhạc, nơi có thể tìm thấy hầu hết đĩa nhạc quốc tế mà bạn cần, ở đây còn có cả cửa hàng thức ăn nhanh, quán cơm, khách sạn...

Những người trẻ Hà Nội có thói quen kết thúc một vòng quanh mấy con phố cổ bằng một cốc trà đá trước cổng nhà thờ. Sang hơn có thể qua quán cà phê trên phố Ấu Triệu nhìn ra sân nhà thờ, trên bàn đã bày sẵn một tờ giấy khổ rộng và ít bút màu để khách vẽ theo ý thích...

Bạn có thể kết thúc một vòng nhỏ, dù chưa đủ qua 36 phố phường. Hà Nội còn những tháng năm dài để khám phá...

Du lịch, GO! - Theo Hà Hương (TTO)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống