Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 24 August 2012

Mọi mệt dường như tan biến khi tôi đứng trước một màu xanh thẳm của nước biển và mây trời huyền ảo Vĩnh Hy, miên man trong tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng êm ả như mái tóc suôn mượt của người thiếu nữ tinh khôi.

Cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 42km theo hướng Đông Bắc, xã Vĩnh Hải huyện Ninh Hải có một vịnh biển đẹp hoang sơ mang tên Vĩnh Hy. Như nơi sơn cùng thủy tận của tỉnh Ninh Thuận, vịnh Vĩnh Hy hút hồn biết bao du khách nhờ vẻ hoang sơ mộc mạc tự nhiên, như nàng tiên không son phấn.
Mọi mệt mỏi sau hành trình khá xa dưới "cái gió như phan nắng như rang" dường như tan biến khi tôi đứng trước một màu xanh thẳm của nước biển và mây trời huyền ảo Vĩnh Hy, miên man trong tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng êm ả như mái tóc suôn mượt của người thiếu nữ tinh khôi.

Bãi cát trắng như dát vàng, ánh lên những lấp lánh kỳ ảo dưới cái nắng thanh bình. Xa xa là những dãy núi đá vôi nghiêng bóng soi mình xuống mặt biển.

Tôi như bị mê hoặc trong khung cảnh hoang sơ như cô gái quê mộc mạc chưa một lần son phấn, vẻ đẹp  diễm lệ ấy khiến tôi phải thốt lên: “Vĩnh Hy có phải em là tiên!”.

Đến Vĩnh Hy, thích nhất là được đi tàu đáy kính lướt trên vùng biển êm đềm và được dừng lại phía bờ bên kia của vịnh để ngắm những cụm san hô rực rỡ như những khóm hoa lung linh, huyền ảo dưới đáy biển.

Đi qua cây cầu treo khoảng 15 phút, bạn còn có thể đến suối Lồ Ồ với dòng nước mát rười rượi cùng các tảng đá to nhỏ chồng lên nhau. Xung quanh là rừng cây bao phủ thanh mát như chốn bồng lai.

Khi  tàu quay về, bạn còn được thưởng thức hoặc mua ngay tại chỗ những con cá  thu, cá ngừ tươi xanh còn giãy đành đạch khi ghe đánh cá vừa cập bến. Ở đây, bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều loại ốc ngon, đặc biệt là ốc bàn tay, ốc dâu, ốc nhảy, nhum, hàu hương, cua huỳnh đế… vô cùng tươi ngon với giá rẻ.

Đến Vĩnh Hy, tôi nhớ hoài lúc chiều xuống được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn chầm chậm chìm xuống biển, trời đất bao phủ cả một màu đỏ rực. Khung cảnh làng chài với những ngư dân hối hả kéo lưới hiện lên thật sống động lạ thường.

Đến giờ tôi vẫn tiếc hoài vì chưa được ngủ lại trên các nhà sàn, vui chơi, nhảy múa và thưởng thức những ché rượu cần nồng nàn cùng bà con dân tộc Ra Glai sống quanh vịnh. Dẫu sao, điều đó cũng là lý do để tôi quay lại với nàng tiên Vĩnh Hy thêm nhiều lần nữa.

Du lịch, GO! - Theo iHay
Theo tiếng Thái, loài vật này có tên "Tó Khum" (dịch ra tiếng phổ thông là ong đất), nổi tiếng hung dữ, có nọc độc gần như nọc rắn hổ mang.

< Món nhộng ong đất xào nước măng chua, một trong những món ăn khoái khẩu, đặc sản của núi rừng Tây Bắc.

Tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm vào rừng săn "Tó Khum". Năn nỉ mãi, tôi mới được một trong những nhóm thợ săn "Tó Khum" có tiếng cho bám gót trong 3 ngày 3 đêm...

Để chuẩn bị cho một chuyến đi săn “Tó Khum”, đồ nghề của tôi chỉ là 1 chiếc máy ảnh cộng 1 quyển sổ và mấy chiếc bút bi. Ngược lại, đồ nghề của những thợ săn loài ong hung dữ, chuyên làm tổ dưới đất lại rất phức tạp.

< Trong nắng chiều muộn vàng óng, các thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước khi lên đường.

Nếu mang ra so sánh về đồ nghề đi săn trong rừng thì đồ nghề của thợ săn ong đất được xếp đầu bảng về mức độ lỉnh kỉnh và lặt vặt. Ngoài những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu khi đi dài ngày trong rừng, mỗi thợ săn phải có 3 bộ quần áo vải thật dày và 1 bộ quần áo mưa; 4 đôi găng tay, loại chuyên dùng để rửa bát đũa vào mùa đông; 1 đôi ủng; 2 ống tre có chu vi 8 cm đến 9 cm và dài 30 cm.

< Xuất kích khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng.

Kèm theo những chiếc túi lưới dài rộng đều 50 cm, loại dùng để làm vách ngăn chạn đựng bát; cuốc, xẻng, dao, xà beng, đèn pin và 1 chiếc gùi; những chú dễ mèn hay cào cào làm mồi nhử ong; 1 cuộn dây thừng. Ngoài ra, còn 2 thứ không thể thiếu là 1 chiếc mũ bảo hiểm cùng một túi lưới đánh cá được các thợ săn cải tiến chùm ngoài mũ bảo hiểm để tránh ong đốt mặt.

Trong suốt quá trình đi săn ong đất mỗi thợ săn cần phải có, đôi mắt tinh nhanh, một tinh thần thép và sức bền của một vận động viên chạy việt dã…

< Trước khi bắt, phải dò tìm và bịt các đường ra của “Tó Khum”.

Địa điểm được chọn để tổ chức đi săn là bất kỳ đâu, miễn ở đó có tổ ong đất. Và trong chuyến đi săn này là những khu rừng Thồ Lộ thuộc bản Thẳm Cọng, xã Hua Trai, Mường La (Sơn La).
Để lên Thẳm Cọng, phải vượt gần 60 km từ Thành phố Sơn La đến xã Hua Trai. Sau đó vượt tiếp hơn 15 km từ trung tâm xã qua những đoạn dốc đá hay những đoạn đường mòn vắt vẻo trên những triền núi có vực sâu ngút tầm nhìn.

< Những chú ong đất hung hăng lao ra lọt hết vào túi lưới.

Mỗi khi gặp những đoạn dốc đá, để đưa được xe máy lên hay cho xe xuống đều phải có người hỗ trợ.

Thời điểm “đột kích” bắt ong đất là khoảng thời gian từ 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng. Vì khi đó trời tối tiện lợi hơn cho việc bắt ong đất. Phòng trường hợp ong bay ra sẽ không nhìn thấy “kẻ” tới phá tổ của chúng như ban ngày.

Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng với những thợ săn thì đây là công việc “hái ra tiền” để giúp họ nuôi sống gia đình. Bởi một mùa đi săn ong, bình quân mỗi người cũng mang về 20 triệu đồng từ tiền bán ong.

< Sau gần 2 giờ, tổ ong đã được các thợ săn hạ gục.

Do vậy, niềm vui lớn nhất của những thợ săn ong là sáng hôm sau mang được ong xuống núi cho kịp phiên chợ.

Khi xuống tới chợ, có sẵn những người chuyên buôn ong chờ ở đó. Thấy đội săn từ xa, họ đã ùa ra như ong vỡ tổ để kịp dành được cho mình vài kg “Tó Khum”.

< Và đây là kết quả sau chuyến đi săn đêm.

Với giá bán đổ cho những người chuyên buôn ong ở các chợ, các thợ săn bán được từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg nhộng và 350.000 đến 400.000 đồng/kg ong già. Thậm chí, vào cuối mùa giá bán đổ còn cao hơn.

< Sáng sớm hôm sau, các bà vợ đem ong xuống chợ.

Được biết, ong đất không chỉ được người sành ăn ưu dùng, là thứ hàng tiêu dùng đắt đỏ, mà tại các nhà hàng của Thị xã cũng đã bổ sung vào danh sách những món ngon của Tây Bắc để thu hút khách thập phương.

Mặc dù không được thưởng thức món ăn chế biến từ ong bày biện đẹp mắt trong các nhà hàng nhưng đến giờ tôi vẫn không thể quên mùi vị hấp dẫn của món nhộng ong đất, chiến lợi phẩm đêm ấy trong ống tre nướng trên bếp củi; nhộng ong xào với nước măng chua và ong già rán giòn với lá chanh hay nộm ong đất với các vị của rau thơm, ớt nướng cay xè...

< Và ong đất được bán ở chợ với giá 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg nhộng ong đất.

Đó là những món ăn được các thợ săn thể hiện sau khi chúng tôi rệu rạo từ rừng trở về.

Cũng trong đêm đó, bên bếp lửa hồng của gia đình anh Mùa A Di trên bản vùng cao Thẳm Cọng, các thợ săn đã quên đi những mệt nhọc, hoà mình vào những phút thảnh thơi, chếnh choáng khi truyền tay nhau bát rượu ngô mừng chiến thắng của 3 ngày 3 đêm đi săn “Tó Khum”.

Du lịch, GO! - Theo GD&TĐ

Thursday, 23 August 2012

Những bãi biển mà bọn mình đã đến thì không còn nhớ bao nhiêu để kể, có những bãi cát trắng phau phau, dốc cát lài và nước trong vắt nhìn tận đáy. 

Có bãi thì cát vàng, hạt lớn, độ nghiêng nhiều hơn và bao giờ cũng sóng vỗ dữ dội. Lại có bãi biển như mặt hồ tĩnh lặng, làn nước leo lẻo đến thấy được những đàn cá nhỏ bơi tung tăng.

< Một góc biển phía Đông Hòn Hồng, nơi có những bãi đá.

Còn bãi biển phía Đông Hòn Hồng Hòa Thắng này thì sao nhỉ? Mình cũng chả biết diễn tả ra sao, chỉ biết rằng nó quá đẹp, một sự hoang dã đến mức khó lột tả bằng những câu văn thông thường.

< Chỏm núi Hòn Hồng, dưới đây là bãi biển của nơi gọi là 'resort'.

Đây là khúc đầu trên của cái gọi 'resort', tính từ hướng mình đi xuống là rẽ trái. Từ nơi này có thể nhìn thấy Hòn Rơm phía tít xa, thấy cả Hòn Hồng và Mũi Yến Hồng Chính theo phương ngược lại.


< Những tảng đá màu nâu đỏ, rất lớn nằm la liệt...

Ngoại trừ tiếng sóng vỗ, tiếng gió vi vút bên tai - hoàn toàn không còn một tạp âm nào khác ngoài tiếng gọi của thiên nhiên. Không một bóng người ngoài những chú chim biển đang kiếm ăn bên mép sóng.
< Góc này túm tụm những vỏ ốc và vỏ xương của bọn cầu gai...

Nửa kia tắm biển, đẹp như thế này mà không tắm thì đúng là phí của Trời. Sóng biển nhấp nhô nối tiếp nhau trườn vào bờ cát trắng hình cánh cung tạo nên những làn gió biển mát rượi.
< Bãi biển có nền cát rất thoải, vậy thì mép bãi ngoài kia cũng không sâu.

< Còn phía trong là những bờ đá phủ đầy trảng cỏ xanh.

Nước mùa tháng 7 âm lịch này không lạnh, duy chỉ có 'bóng nước': đây là một loại tảo tròn tròn như viên thuốc loại nhỏ nhất, trong suốt và có vỏ mỏng màu nâu.
Loài này không gây hại gì mà chỉ cho mình có cảm tưởng như nước có cặn rong biển. Thời điểm này cũng là mùa sứa ở nhiều nơi khác nhưng tại đây mình không thấy con nào dạt lên bãi biển.
< Tắm biển là điều khó cưỡng lại được. Chốn hoang vu này: nếu bạn thích tắm tiên thì... cứ việc hòa mình với đất trời! Chỉ có ta và biển cả mà thôi.

< Mình thì nhắm tới đỉnh núi đá này, đá đỏ: một màu đặt trưng của vùng đất Hòa Thắng, Mũi Né tại Bình Thuận.

Đây là phần đất thuộc xã Hòa Thắng - Bình Thuận. Thiên nhiên hào phóng ban tặng Hòa Thắng nhiều địa danh đẹp, trong đó nổi tiếng nhất là Bàu Trắng với những hồ nước trong xanh giữa sa mạc cát mênh mông, những nơi độc đáo khác như hang Dơi, Bãi Chùa, Hòn Nghề... nhưng nổi bật trong đó là Hòn Hồng, kề bên là bãi Chùa...
< Những vách đá đầy xương rồng: đây không phải là chỗ leo tốt nếu không muốn chân tay phủ đầy 'lông nhím'.

Gọi là 'hòn' nhưng nơi đây không phải là đảo mà là một ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc thôn Hồng Chính, có độ cao 236m. Hòn Hồng trải dài hơn 10km dọc bờ biển với nhiều bãi đá tuyệt đẹp như: Bãi Ốc, Bãi Gành, Bãi Xếp, Bãi Dơi, mỏm đá Tannobi…
< Chỗ này nhìn chả thấy chiếc xe mà mình dựng bên gốc dừa. Nhưng không quá quan trọng: Nàng Win thừa sức 'ở mình ên' trong khi chờ đợi bọn này mà, cũng như mọi lần thôi...

< Nhìn về phía Hòn Hồng lần nữa: mé bên kia núi là thôn Thiện Ái - Hồng Chính. Thôn là làng chài, lưng lửng Hòn Hồng phần đất thuộc Anariya resort nhưng cũng không biết còn tồn tại hay không trong thời buổi suy thoái toàn cầu...

< Mình leo qua vài khối đá lớn tìm cách leo lên. Đường lên đỉnh đá mà mình chọn thế này đây, dốc cao, phủ đầy cỏ nhưng điểm những viên đá lăn lóc có cạnh khá sắc nhọn.

< Trèo lên một đoạn rồi ngoáy nhìn về phía biển: 'Nửa kia' vẫn vui đùa cùng sóng nước.

Đứng ở mũi Bãi Xếp ngay dưới chân Hòn Hồng, nơi những ghềnh đá chồng chất lên nhau, sóng biển dội vào vách đá tung bọt trắng xóa tạo nên những khúc nhạc xao động của biển khó mà tả hết được cảm xúc.
< Dốc dần cao hơn, chân lượt sượt bên những viên đá lô nhô. Nắng nhiều nhưng không gắt, lại bị các cơn gió lồng lộng lấy sạch hết nhiệt đi rồi.
Nơi mình gọi là đỉnh núi cũng không còn quá xa, mà lỡ bước thì cần phải tiến đến cùng...

< Chỉ còn vài thước cuối cùng thôi, mình lại nhìn và thụ hưởng cảnh đẹp của trảng cỏ. Cao thật nhưng dễ trèo hơn nhiều so với đồi cát ban nãy, thật sự là vậy.

Người dân ở đây cho biết sở dĩ có tên gọi như vậy vì vào những buổi xế chiều nhìn lên đỉnh núi dễ nhận thấy ánh hào quang màu hồng tỏa ra từ núi đá.
Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Hòn Hồng không thể nào giống với những ngọn núi khác bởi nét đặc trưng riêng của nó.
< Rồi mình cũng đến đỉnh: Đây là phần bãi biển của resort bỏ hoang nằm giữa núi Hòn Hồng và mũi Hồng Chính. Dưới kia là hàng dừa đong đưa theo gió, kia nữa là đỉnh Hòn Hồng.
Vị trí trên bản đồ Wikimapia tại đây.

< Trên này cao, không thể nhìn thấy phía dưới đâu nên mình zoom hết cỡ mới thấy 'nửa kia'.
Đừng cho là mình 'kiểm tra' kỹ quá vì thật sự: nửa kia là 'cái chân đi'... kỷ lục, vừa thấy ở đó nhưng thoáng một cái là biến mất tăm qua rặng đá ngầm bên trái hình đấy, he he...

< Trời đất thật bao la trong khi con người lại nhỏ bé. Nếu bạn nhấn ảnh này để xem lớn hơn thì sẽ thấy đỉnh hòn Rơm lờ mờ tít xa xa giữa biển.

Hòn Hồng có cấu tạo địa chất Granít pha lẫn trầm tích núi lửa. Nhưng có điều kỳ thú là trên núi đá ấy là một cánh rừng xanh tươi, tạo thành 3 gam màu khác nhau: xanh, trắng và đỏ xen kẽ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Hồng là Đài quan sát của quân ta và khắc ghi nhiều chiến công anh dũng.
< Chỗ mình đứng đã cao, nhưng nhìn về phía trong đất liền lại thấy ngọn đồi phủ xanh cây bụi còn cao hơn nữa.
Lòng tự hỏi 'Chinh phục tiếp không?'... rồi tự nhủ rằng 'Thôi'.
Chốn hoang vu nhưng cứ mỗi người một nơi không thật an toàn, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau.

< Năm 2008: từ đỉnh Hòn Hồng này, nhiều dù lượn của những nhóm bạn trẻ đã tung bay trên bầu trời Hồng Chính.

Từ Hòn Hồng nhìn về phía biển rất dễ nhận ra một thắng cảnh khác là Hòn Nghề, hay còn được gọi là Hòn Đú, bởi hình dáng rất giống với một con đú biển. Đó là một cù lao nhỏ nhô lên giữa biển khơi với độ cao trên 15m so với mặt nước.

< Thuở ấy, họ đã chụp cảnh này khi đang bay. Đây là hướng nhìn từ Hòn Hồng đến phía mình đang đứng. Phía dưới là vịnh biển của resort.
Từ khi hàng rào của cái gọi là resort mọc lên thì những cánh chim bay không mỏi này cũng không còn.

< Ảnh chụp trên không, vịnh biển phía bên kia Hòn Hồng: Đảo nhỏ là Hòn Nghê, chân ảnh có căn nhà nhỏ của Anariya Resort. 2 ảnh này của nhóm bay bên Trái tim Việt Nam chụp năm 2008, thiệt là đẹp bạn nhỉ.

Hòn Nghề cách Hòn Rơm chừng 15km theo đường biển. Mặc dù diện tích chỉ hơn 1,2ha nhưng lại có một di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh xinh đẹp. Nơi đây, vào năm 1946 quân và dân địa phương đã tổ chức một trận đánh lịch sử tiêu diệt nhiều lính lê dương và ngụy quân định đổ bộ vào làng Bình Thiện, nay là thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng.

< Lúc này đã gần 11 giờ 30. Nơi mình đứng nhìn thấy rõ trảng cỏ và cả đường mòn có thể ra mũi Yến Hồng Chính. Nếu cắm trại tại đây một hai ngày sẽ khám phá được hết.

< Leo lên tảng đá cao nhất, mình chụp một tấm cuối và trở xuống, cũng chả thấy bóng một ai...
Ảnh mình chụp panorama (không chân chống) mình post dưới cùng bài, bạn xem tạm cho biết sơ qua toàn cảnh bãi hoang.

< Dưới kia biển vẫn rì rào vỗ sóng bên hòn đá cô đơn.

Trở về chuyến đi: nơi bọn mình vừa đến và đang thụ hưởng cái thiên nhiên trong vùng đất biển bao la này chính là chân hòn Hồng (nơi mình vào, nhìn phía phải là núi Hòn Hồng) với bãi Chùa và nhiều bãi đá kề cận.
< Chỏm núi đá ngoài kia vẫn tung tóe sóng biển bao ngàn năm qua bên mép đá.

Lưng chừng núi Hòn Hồng phía Thiện Ái có Anariya Resort, còn bên này là dự án của South Fork cũng là nơi mà trước kia có những nhóm bạn ở diễn đàn Ttvnol từng tung hoành ngang dọc trên bầu trời bằng dù lượn... cho đến ngày nơi này bắt đầu 'cắt xẻ' tạo biệt lập lãnh địa cho riêng mình bằng dãy hàng rào dài như vô tận trên núi và kéo dài trên những đồi cát thì những bóng dù ngày trước cũng bặt tăm.
< Còn vài phút nữa là chính ngọ, bọn mình lên xe trở ra. Quen đường nên chỉ trừ một khúc ngắn 'chạy mình ên' do cát lún thì khoảng đường còn lại vẫn tống 2.

< Cái trạm gác ở cổng ngoài đây: hai năm trước có bảo vệ tại đó và họ không cho vào.
Hai chiếc xe tải xúc cát đã đi từ lúc nào rồi.

< Những đoạn tường rào dọc ngang - giờ đây vài đoạn bị chôn vùi dưới cát: Đất mẹ muốn xóa nhòa một quá khứ?

Từ đó cho đến khi South Fork sập tiệm thì Hòn Hồng và những bãi biển, bãi đá kề cận kéo dài tới tận mũi Hồng Chính, Mũi Yến hiếm bóng du khách... ngoại trừ bọn mình đang ở đây: chỉ có ta và biển, đất trời mênh mông và biển rộng bao la!
< Một bầy 'xe tăng' đang hành quân chắn ngang đường - Xin các sếp cho đi nhờ tí ạ...

Rời ngã 3 Thiện Ái được một đoạn thì bọn mình gặp một sự cố trên đường: Đang chạy về hướng Hòn Rơm, nhìn phía trước có chiếc xe gắn máy ngã lăn bên hướng chiều ngược lại, vết bánh xe kéo lê một đoạn dài. Gần đó là một cặp nam nữ người ngã chỏng chơ. người vừa lồm cồm đứng dậy - có vẻ họ vừa tự té xe khá nặng.
< Đất trời bao la. Từ lúc mình vào nơi rộng lớn này chỉ gặp anh chăn bò, hai anh bộ đội và dăm anh xúc cát. Tỉ lệ số người phân bố trên kilômét vuông thật ít ỏi.

Mình từng gặp cảnh giúp người té xe nhưng sau đó họ lại đổ thừa... trong khi mình hoàn toàn không liên quan. Báo chí cũng thường đề cập tới chuyện 'Lục Vân Tiên' ra tay cứu người bị tai nạn... bỗng chốc trở thành kẻ “tội đồ”. Vậy nhưng bỏ mặc họ thì không đành nên mình trở đầu xe lại.
< Giữa trưa ngoài TL716 cũng vắng teo.

Cô gái ngồi ven đường với vài trầy xước không nặng, kiểm tra sơ có vẻ tay phải cô bé bị trặc gân phần cùi chỏ. Chàng trai nặng hơn với vết rách thịt tại ngón tay giữa, máu chạy nhỏ giọt trên đường, hai đốt ngón gãy gập ngang. Băng vô trùng bọn mình đem theo khá nhỏ, không sử dụng được nên đành dùng cái khăn sạch băng lại cầm máu. Vài chiếc xe chạy ngang - có cả tắc xi, mình vẫy cầu cứu nhưng không ai dừng, hỏi số điện thoại nhà anh kia thì anh ta ậm ừ không cho biết, hỏi số của cô gái rồi phone: thật may có người nghe, vậy là mình đưa máy cho cô ấy gọi ở nhà ra giúp - hóa ra họ ở Thiện Ái, cách đó không xa nên sẽ ra liền.


Lúc này bà xã chận được một xe gắn máy chạy ngang đang hướng về Thiện Ái. Cặp vợ chồng chở đứa bé trên xe này hứa sẽ đến nhà chàng trai gọi người ra liền sau khi truy vấn cậu chàng nạn nhân một đỗi (chả biết vì sao anh này cứ dấu diếm nhà... ), rồi họ phóng vụt đi ngay.
Mình xếp tư thế ngồi của cô gái để đỡ cách tay phải bị trật, kiểm tra lại bàn tay chàng trai trẻ lại lần nữa và dựng chiếc xe của họ lên - Từ Thiện Ái đến đây mất chưa đầy mười phút, máu từ tay chàng trai cũng ngưng chảy nên bọn mình đi. Lòng vẫn còn áy náy nhưng biết thế nào khi họ cứ muốn dấu diếm điều gì đó. Đành vậy, chắc rằng chút nữa thôi thì mọi việc sẽ ổn và bọn mình cũng tránh được cám cảnh không trở thành một 'Lục Vân Tiên' khác trong những bài dạng "Mang họa vì cứu người" của báo chí.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống