Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 25 August 2012

Buổi chiều, bọn mình hướng về khu Hàm Tiến, chợ Rạng. Dẫn xe ra cổng nhà nghỉ là 16h, trời nắng tốt lắm nên bọn mình nghĩ là có thể đến bãi đá Ông Địa, Lầu Ông Hoàng, khu tháp Chăm Poshanư, kè cửa biển Phú Hài (nơi sông Cà Ty đổ ra biển) - rất phù hợp cho một tuyến đường ngắn trong buổi chiều cuối cùng của chuyến phượt.

< Bờ kè bãi cá. Thật ra 'bãi cá' nằm phía dưới kia ngay khu phố 7 và 8, nơi mà bọn mình từng đã ra một lần vài năm trước.

Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất đưa ra biển; "Né" có nghĩa là để né tránh.

< Nơi mà con đường Huỳnh Thúc Kháng chạy sát bờ biển nhất, gần đến mức chả có resort hay nhà nghỉ nào mọc lên vì quá... ít đất - dù đất tại Hàm Tiến cũng là 'Tấc đất, tấc vàng' từ thuở nào...

< Cầu Rạng bắt ngang hạ nguồn Suối Tiên.

"Mũi Né" ngày nay trở thành một thương hiệu du lịch lớn của cả nước với rất nhiều du khách nước ngoài. Trong đó: nhiều người Nga đã gắn bó với nơi này đến mức họ chọn phương cách định cư và làm ăn ngay tại đây tạo thành một khu người Nga ở đường Nguyễn Đình Chiểu, tức là khu Hàm Tiến.
Do vậy: đa phần các khu du lịch lại tập trung nhiều ở phường Hàm Tiến của Phan Thiết.

< Chùa Hải Tự đây.

Khu Hàm Tiến kéo dài từ cầu Rạng bắc ngang Suối Tiên, nơi dòng suối hòa dòng nước với biển) đến khu sân golf và làng Sea Links City và tương lai có thể kéo dài tới tận ngã 3 Nguyễn Thông.
< Còn phía bên này đường có một quán bún cá bình dân, vậy là vào 'xử lý' món truyền thống miền biển...

NLĐ: Hầu như các hàng quán ở Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né đều bán đêm. Đi dạo và thưởng thức hải sản là một trong những thú vui tại khu du lịch, nếu trời không mưa. Với cách kinh doanh xuyên đêm, Hàm Tiến - Mũi Né đã ít nhiều tạo cho mình nét riêng so với nhiều khu du lịch khác trong phạm vi toàn quốc.


< Quán bình dân nên giá cũng bèo nhèo: 12k thôi nhưng có lẽ vẫn mắc hơn thực khách trong xóm.

Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, tại mặt tiền của nhiều resort: cứ đêm xuống là lúc các cửa hàng chuyên doanh hải sản tươi sống đua nhau mời chào khách. Lúc này đây, chỉ cần bước chân vào một cửa hàng thôi, khách sẽ có dịp trông thấy các bể xi măng có máy sục khí, nuôi dưỡng một số loài hải sản vừa đánh bắt được vài giờ trước đó trên biển. Khách có thể chọn  lựa bất cứ loại hải sản theo ý muốn và sau đó đưa ra yêu cầu chế biến.

< Bồi dưỡng thêm vài cái hovilo, nói nôm na là 'hột vịt lộn'. Nhớ lại thuở 'mới phượt', bọn mình 'kén cá chọn canh' lắm: Săm soi nhiều quán, nơi nào thật sạch mới nhào zô, nước đóng chai hiệu lạ tặng cũng không uống, trà đá miễn phí ở các quán thì miễn bàn...

Vậy nhưng bây giờ thì xơi tất: mọi người vẫn ăn, vẫn uống hà rầm nhưng có ai lăn đùng ra chết đâu? Nhờ vậy mới biết nhiều nơi xập xệ nhưng trà free uống chung vẫn thơm ngát!



< Lưng tưng cái bụng rồi thì đi, lòng lại hẹn thầm cho 'bữa chiều', 'bữa tối' - Người ta nói 'ăn - chơi' mà: phải có thực mới vực được... phượt!

< Nắng giờ đã xế chiều, khu Hàm Tiến vàng hoe...

Tương tự, tại một điểm có tên là Bờ Kè, du khách sẽ không mất nhiều thời gian để tìm thấy những điểm bán hải sản ngoài trời hoặc dưới mái che và không xa mép biển. Ở đó, họ sẽ được thưởng thức những đĩa hải sản được chế biến bởi những đầu bếp khá lành nghề.
< ... và tắt luôn nắng vì trời đầy mây. 'Mấy ngày nay thường có mưa', người ta nói vậy nhưng từ trưa hôm qua đến giờ chỉ  thấy một trận nhỏ lúc ở cà phê Quyên Sương.

Tại đây, khách trò chuyện cho đến tận khuya và chẳng phải ngại ngần khi ngồi lâu vì mọi quán bán ở Bờ Kè đều coi trọng khách hàng, khách hàng thật sự là “thượng đế” của họ (túi phải dày chút nghen).
< Bọn mình ghé lại bãi đá Ông Địa. Bãi đá Ông Địa là một địa danh chỉ các mỏm đá nhô ra bờ biển khoảng giữa núi Cố và núi Rạng thuộc huyện Hàm Tiến (Bình Thuận) trên đường đi từ Phan Thiết ra Mũi Né...

Rời Bờ Kè, khách còn có dịp tìm thấy những điểm bán thức ăn khuya cùng với sự phô diễn tài nghệ nấu ăn của các đầu bếp đến từ nhiều vùng khác nhau và của Phan Thiết.
< Đây là một bãi biển rất đẹp, nước biển trong xanh với nhiều ghềnh đá nổi trên mặt biển rất hấp dẫn du khách. Bãi đá này do thiên nhiên tạo ra từ bao đời nay, trong đó có một tảng đá có hình thù rất giống ông địa nên người dân trong vùng đặt tên là bãi đá Ông Địa. 

Sau đó, cho xây am, sơn phết thành tượng Ông Địa để thờ cúng. Hằng ngày, người dân buôn bán đi ngang qua thường dừng chân nghỉ ngơi và thắp nhang cúng vái ông địa phù hộ mua mau bán đắt...

< Khúc này bờ kè khá đẹp, có nhiều ghế đá - khách ngồi không bị hỏi "Qúy khách dùng chi?".
Vậy nhưng chưa kịp dòm ngó gì thì mấy kéo đến đen kịt...

Thức ăn nấu tại chỗ, hoặc trước đó vài giờ, được bày ra trên khay đĩa, đặt trên những  chiếc xe đẩy dưới ánh sáng của những ngọn đèn neon dìu dịu, tuồng như  muốn đánh thức sự tò mò của du khách, để họ lựa chọn món ăn và rồi thưởng thức món ăn tại  vài chiếc bàn kê không xa chiếc xe, nơi chủ hàng đứng bán.
< Và mưa trút xuống như... lũ trời! Không chỉ một trận thôi đâu, vừa tạnh thì lại làm 'tăng hai'!
Trú mưa là thượng sách vì áo mưa bọn mình vứt tại nhà nghỉ.

Nhiều du khách cho hay: Mùa trăng ở Hàm Tiến - Mũi Né, các điểm bán thức ăn trước cổng các resort, tại Bờ Kè lúc nào cũng đông người. Ăn và thưởng thức ánh trăng là thú vui tuyệt hảo, không phải lúc nào con người cũng tìm thấy nhất là người ở các thành phố công nghiệp.
Điều đó nhiều người nói chỉ gặp đuợc khi về khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.

< Trận mưa lớn kéo dài một hồi rồi cũng tạnh, bọn mình lại ra bờ kè gần đó. Bờ kè hình cánh cung đưa ra biển này mình nghĩ rằng người ta làm để giữ cát: có cát mới có bãi biển được...

< Và có bãi biển mới có thể thêm nơi chơi, nơi tắm vì mặt tiền 'biển' tại khu Hàm Tiến hầu như các resort đã cát cứ hết rồi.
Chân trời, phía tháp Chăm đen kịt, đầy mây với sấm chớp rền trời, phải về thôi - thật tiếc!

< Chạy nhanh về bờ kè bãi cá.
Đây là nơi các bác tài xe ôm làm xiếc chạy xe mà bọn mình đã xem từ 2 năm trước.

Một số thông tin khác về những địa điểm có thể tham quan tính từ Phan Thiết đến Mũi Né:

Từ nội thành Phan Thiết ra Mũi Né khoảng 22 km, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, nơi tham quan nằm rải rác trên đường. Việc tập trung như thế này khiến cho đường ra Mũi Né thêm phần hấp dẫn. Thứ tự từ hướng TPHCM đi vào như sau:

- Nhà ở Mộng Cầm - một trong những người tình của Hàn Mạc Tử nằm tại số nhà 300 đường Trần Hưng Đạo.
- Sông Cà Ty với Tháp nước Phan Thiết.
- Vạn Thủy Tú.
- Trường Dục Thanh.
- Chợ Phan Thiết.
- Tháp Chăm Phố Hài - Tháp Pôshanư.
- Lầu Ông Hoàng.
- Núi Cố với mộ Nguyễn Thông.
- Bãi đá Ông Địa.
- Rặng Dừa Hàm Tiến (Rạng).
- Khu resort cao cấp.
- Suối Tiên.
- Làng chài Mũi Né
- Đồi Cát Mũi Né.
- Hòn Rơm...

< Dưới kia chỉ vài chiếc ghe nhỏ đang đậu, chắc gió mùa này - bến ghe đã chuyển về mé kia của Gành (Gành Bắc).
Mây lại kéo theo, mịt mù, đen nhẻm. Vậy là phóng vội về nhà nghỉ. Thật may mắn là vừa lúc xe vào mái hiên nhà nghỉ thì trời trút trận mưa dữ dội: coi như toi buổi chiều và tối rồi, hi hi...

< Ngớt mưa đã gần 19h, hai vợ chồng nhà nghỉ mời dùng cơm chung nhưng bọn mình cảm ơn và từ chối (trước kia họ nhận đặt bữa nhưng chị vợ đang mang thai sắp sanh nên không nhận nữa).

Từ chối nhưng chưa có gì bỏ bụng cho buổi tối nên lơn tơn qua vài căn bên cạnh: lại có chổ chơi đây...

< Gọi dĩa mỳ xào hải sản 60k, bia Saigon đỏ 10k cả đá... Vậy là xong một bữa ngon lành, cũng có thể vì đói meo, he he...
Chủ quán bên này vui tính, tha hồ tán chuyện vì anh chủ động. Hai đứa con sinh đôi: đứa mập đứa ốm của anh lăng xăng đeo ba như đỉa - lớn rồi nha...
Gọi là quán nhưng bán tà la: từ bánh Bin bin, Snack, xà bông, dầu gội... thậm chí cả bài tây.
Đường xá vắng hoe nhưng vẫn có lượng khách lai rai từ resort Năm Châu đối diện.
< Thỏa thuê rồi thì về, ngang qua quán 'Cô chủ nhỏ' thì nghe tiếng chào: hóa ra người dân tại đây cũng đã quen mặt bọn mình rồi còn chi...
Bà xã tán chuyện với 'ông chủ' của 'Cô Chủ Nhỏ'.

< Về 'nhà' lại có chuyện tán phét cùng anh chủ nhà nghỉ về cái máy chộp của anh ấy. Waoo, hóa ra cũng xài máy thứ dữ nghen!

Hết chuyện thì về nghỉ, coi như chiều tối nay đi đứt - thu hoạch từ phượt ngày hôm nay: sáng bội thu thì chiều lỗ vốn. Mai phải về rồi...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối - Tổng kết

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Friday, 24 August 2012

Hôm nay (25.8), hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở “ốc đảo Hansen” (Đà Nẵng) đồng loạt chuyển tài sản, nhà cửa lẫn… ký ức làng quê để vào đất liền. Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây “làng cùi”  chính thức chỉ còn trong ký ức.

Vùng đất sơn thuỷ hữu tình này, sẽ có tên gọi mới là Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân, với mức đầu tư 5 tỉ USD của Cty CP Vinpearl.

Nửa thế kỷ với những giấc mơ…
Trước đó, ngày 22.5, các tổ chức quân - dân - chính ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức một buổi tiệc để bà con làng Vân chia tay với làng cũ, lên bờ về nơi ở mới. Buổi tiệc hôm đó ở sân nhà họp thôn. Khách trong bờ nhiều hơn người làng Vân, bởi chẳng ai còn tâm trạng nào mà ăn uống, hát hò.

Ở ngoài sân nắng cạnh đó, bà Cao Thị Hiền đứng quay lưng lại với bữa tiệc để lặng lẽ phơi những bao lúa cuối cùng, chuẩn bị cho hai ngày nữa là về đất liền. Hình như bà không quan tâm đến sự ồn ào của âm nhạc, tiếng cụng ly, những lời chúc mừng... đang rất rôm rả sau lưng mình.

“Sao chị không vào ăn trưa với mọi người mà ngồi lặng lẽ ở đây?” Bà Hiền giật  mình, rồi cười buồn: “Tâm trạng mô mà ăn với uống nữa mấy chú. Chỉ còn hai ngày nữa là rời nơi này rồi, mà mọi chuyện vẫn còn đang ngổn ngang trăm mối, vừa buồn, vừa lo...”.

Ở một góc vườn khác cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thuần - một trong những cư dân đầu tiên của làng Vân cách đây gần 50 năm - ngồi bó gối trên chiếc chõng tre nhìn ra bữa tiệc, nước mắt ngắn dài. Ngỡ bà có vấn đề gì đó với buổi tiệc, nhưng hoá ra không phải.

Bà nói “mấy đêm ni tui không chợp mắt được một phút, chú ơi. Gần 50 năm trước, khi lần đầu tiên trốn chạy khỏi quê hương, rời bỏ ánh mắt sợ hãi gia đình, làng xóm để đến đây trú ẩn, tui không ngờ tới việc bây giờ lại thêm một lần nữa phải rời bỏ quê hương thứ hai, dù là tự nguyện...”.

Chúng tôi theo hồi ức của bà Thuần quay về những năm đầu thập niên 1960, khi ngành y tế thế giới chưa tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu cho bệnh nhân phong (cùi), thì nơi heo hút Hoà Vân dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng là một trong những nơi lý tưởng để cho những người bệnh bất hạnh này chọn làm nơi trú ngụ, tồn tại.

“Hồi đó kinh khủng lắm” - bà Thuần rùng mình nhớ lại: “Những ngày đầu, người ta dựng một cái trại bằng vải ở ngay ngoài sân đang tổ chức tiệc kia và nam nữ cùng ở chung trong đó...”.

Năm tháng trôi qua, nhóm người bệnh ở Trung tâm điều trị bệnh phong (của Hội Truyền giáo Cơ đốc) cũng đã tự tìm được kế sinh nhai từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Rồi từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng, với tên gọi quen thuộc là làng Vân.

Năm 1998, Hoà Vân mới chính thức được thành lập đơn vị hành chính cấp thôn, trực thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Lần đầu tiên, “bệnh nhân” và gia đình họ ở nơi này được xem là công dân, được đăng ký hộ khẩu, được đi bầu cử. Dẫu “làng” đã thành “thôn”, nhưng do cách trở giao thông, có nhiều người bị di chứng bệnh tật, tàn phế, nên từ đó đến nay, làng Vân vẫn nghèo nàn, lạc hậu.

Chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 20km, mà cuộc sống ở hai nơi có một sự cách biệt đến khó ngờ. Sự phồn hoa của đô thị chỉ chừng trong tầm với, nhưng với con dân Hoà Vân, được hoà nhập vào TP vẫn cứ là giấc mơ từ nhiều thế hệ.

Ông Trần Hữu Đức - nguyên là chàng lính biên phòng canh gác trạm Hải Vân - gần gũi với dân làng, với bệnh nhân, rồi đem lòng say mê con gái của người y tá ở trại phong này. Ngày xuất ngũ, cũng là ngày Đức “cưa đổ” người đẹp, và anh chọn làng Vân để lập nghiệp, làm trưởng thôn.

Ông Đức kể, ở  xứ sở mà xã hội còn ghẻ lạnh này, chúng tôi vẫn nhớ về đất liền. Đêm đêm nhìn ánh đèn sáng bừng nửa vùng vịnh biển, hắt bóng đến tận làng Vân mà thèm muốn được hưởng thụ chút xa hoa của thành phố. Chúng tôi mơ rồi một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông, để trẻ con đi xe đạp. Mong ước lớn hơn là sẽ có bến tàu, để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây, chia sẻ cảnh thần tiên của rừng-biển hoang sơ...

Phía trước đầy bất trắc

Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc - ông Phạm Tấn Xử - cho biết: “Được di dời vào thành phố, đó từng là khát khao lớn nhất của người làng Vân. Lâu nay, dù kinh tế khốn khó, họ đã tìm mọi cách đưa con vào đất liền, theo học. Có ít nhất 20 con em của họ là cử nhân, kỹ sư và trên đại học. Tất cả đều không có ai trở về làng cũ. Nhiều thanh niên khác, lỡ đường học cũng vào thành phố tìm việc lao động phổ thông, rồi cư trú luôn trong đó. Nay là lúc cả làng được vào hẳn thành phố, được tái định cư ngay trên con đường “5 sao” Nguyễn Tất Thành, sát với vịnh biển. Làng quê cũ của họ cũng chỉ trong tầm mắt. Đó là điều lý tưởng. Tuy vậy, chúng tôi đã vấp phải khó khăn chưa tiền lệ, đó là vấn đề kỳ thị của cộng đồng”.

Ông Xử kể, những ngày mới khởi công xây dựng khu tái định cư cho dân làng Vân, nhiều người dân ở phường Hoà Hiệp Nam đã liên tục phản đối, cản trở, tẩy chay... vì cho rằng sẽ bị lây bệnh. Phương án đưa dân xen kẽ vào cộng đồng dân cư cũng bất thành, bởi sống theo cụm còn bị kỳ thị, huống chi sống xen kẽ!

Mặt khác, mong ước của người dân Hoà Vân là được sống gần với biển, nên khó hội đủ các yêu cầu làm thoả mãn được họ. Phương án cuối cùng của chính quyền Đà Nẵng là đưa cả làng vào định cư ở khu nhà liền kề trên đường Nguyễn Tất Thành như ban đầu.

Vậy là việc giải toả, đền bù được giải quyết ổn thoả, nhưng đời sống ở nơi mới sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Văn Hai - một phế nhân bị di chứng của bệnh phong - bức xúc: “Người dân làng Vân đã đồng lòng với chủ trương của thành phố để nhường đất cho một dự án lớn. Nhưng, mức đền bù chưa thật sự tương xứng. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất. Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất, chúng tôi sẽ sống bằng cách gì với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội như hiện nay?”.

Bà Cao Thị Hiền vừa kết thúc việc phơi lúa, cũng tất tả đi đến bên chúng tôi góp chuyện: “Chú coi, ở đây đất đai ruộng vườn bát ngát, ngoài trồng lúa, tụi tui còn nuôi được con heo, con gà... đi bán. Vô đó chằng chằng bốn bức tường, lấy chi mà sống?”. Nghe vậy, bà Thuần - nãy giờ im lặng - lên tiếng: “Vô đó mi có đất để nuôi heo, nuôi gà, thì khi bán có ai dám mua không?”. Nghe vậy, bà Hiền cúi đầu...

Tại cuộc liên hoan ngày 22.8, ngoài việc quá buồn vì phải chia tay làng cũ máu thịt, nhiều người dân đã không thèm đi dự tiệc, để phản ứng với cách hành xử của chính quyền địa phương liên quan đến chuyện nhà mới. Chuyện là, mặc dù UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định rõ là sẽ cấp (không thu tiền) cho mỗi hộ dân làng Vân một căn hộ liền kề tại nơi ở mới. Thế nhưng, trong quyết định giao nhà cho dân, Cty quản lý nhà Đà Nẵng đã ghi là cho thuê thu tiền hằng tháng...

Tiệc chia tay suýt chút nữa thành “tiệc phản ứng tập thể”. Nguyên nhân  được giải thích là Cty quản lý nhà thành phố dùng mẫu văn bản cũ để gửi cho dân, nên mới có chuyện như vậy. Sự tắc trách, thiếu ý thức của Cty này kèm với sự thờ ơ, vô trách nhiệm của UBND quận Liên Chiểu, đã khiến bà con làng Vân thêm một đêm mất ngủ và quyết tâm phải làm rõ trắng - đen nhân dịp này, nếu không sẽ “vô bờ kéo xuống đường Bạch Đằng tìm ông Nguyễn Bá Thanh để hỏi cho rõ”.

Rất may, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng đã kịp thời phát hiện, giải thích. Bí thư, kiêm Chủ tịch phường Hoà Hiệp Bắc - ông Phạm Tấn Xử - hứa sẽ đích thân giải quyết cụ thể, từng hộ trong liên tiếp 2 ngày cuối cùng của người dân làng Vân thì những hiểu nhầm gây phẫn nộ kia mới lắng dịu.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, giấc mơ tưởng chừng điên rồ của ông Đức về “một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông để trẻ con đi xe đạp, có bến tàu để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây... sẽ trở thành hiện thực, khi “Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân” khởi công xây dựng. Nay mai, Hoà Vân không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố...

Thế nhưng, để những điều ấy sớm thành hiện thực thì người làng Vân phải ra đi để tìm những giấc mơ khác, gần gũi, thiết thực hơn và cũng ẩn chứa nhiều bất trắc hơn - là cơm, áo, gạo tiền của đời sống hằng ngày...

Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, internet
Đây là một trong những bảo tàng đáng xem nhất ở Việt Nam- với các hiện vật quý, được trưng bày rất chuyên nghiệp và quy củ.

Bảo tàng vũ khí cổ (Worldwide Arms Museum) do ông Robert Taylor (quốc tịch Anh) và vợ là bà Nguyễn Thị Bông sáng lập tọa lạc trên con dốc quanh co dẫn đến ngọn hải đăng nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu.

Bảo tàng nằm trong tòa biệt thự rộng hơn 300m2 mặt nền, tổng diện tích sử dụng khoảng 1.500m2. Mở cửa khai trương từ đầu năm 2012, nhưng đến nay, lượng khách tham quan bảo tàng chủ yếu là người nước ngoài. Sau hơn 7 tháng hoạt động, người bảo vệ cho biết, ngày đông khách có khoảng 100 người ghé thăm. Dường như có rất ít người Việt biết đến địa điểm tham quan đặc biệt này.

< Quân phục của những chiến binh châu Phi.

Có mặt tại thành phố Vũng Tàu, phóng viên hỏi chuyện nhân viên khách sạn, nhân viên nhà hàng, tài xế taxi và cả tổng đài điện thoại... nhưng không ai trong số họ biết đến bảo tàng vũ khí cổ nằm tại số 14, đường Hải Đăng.

< Hình nộm bằng người thật của quân đội Anh và những cây súng hỏa mai được sưu tập công phu.

Một số tờ báo lớn tại Việt Nam từng có bài viết nhắc đến bảo tàng vũ khí cổ, tuy nhiên độ phủ thông tin có vẻ như chưa đủ rộng để nhiều người Việt biết đến. Hoặc giả, tham quan một bảo tàng trong lịch trình du lịch không phải là thói quen của người Việt?

Ông Robert Taylor là người Anh định cư tại Vũng Tàu từ năm 1991. Từ năm 19 tuổi, ông đã say mê và tìm kiếm sưu tầm các loại vũ khí quân trang, quân dụng thời xưa của quân đội các nước, đặc biệt là Châu Âu.

Khi về hưu và lập gia đình với bà Nguyễn Thị Bông, ông quyết định xây dựng một bảo tàng tư nhân về vũ khí cổ tại Vũng Tàu.

Vé vào cửa tham quan là 50.000 Đ cho người lớn. Nhưng quả thực rất đáng đồng tiền. Bỏ qua những tranh cãi gần đây về việc ly dị của cặp vợ chồng Anh - Việt là chủ sở hữu của bảo tàng, hay việc bán vé tham quan là được phép hay không được phép...

... thì du khách có thể dành ít nhất 1 tiếng đồng hồ để nhìn ngắm tận mắt 500 hình nộm với kích thước bằng người thật - khoác trên mình những bộ quân phục tuyệt đẹp và chi tiết; hơn 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm cổ với lịch sử và cả những câu chuyện đi kèm...

< Trang phục quân đội hoàng gia Nga.

Du khách cũng có thể yên tâm với sự nhiệt tình và kiến thức của những người hướng dẫn bảo tàng, dù không tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo tàng, nhưng đã được tập huấn khá tốt trong quá trình làm việc.

Không gian 1.500m2 tại bảo tàng gợi nhớ bộ phim "Night at the Museum" nổi tiếng năm 2006. Rốt cục thì diễn viên điện ảnh Ben Stiller hoàn toàn có thể có mặt trong một không gian tương tự tại Việt Nam, với hình ảnh tưởng tượng của quân đội xưa cùng 500 chiến binh cổ đại, đa sắc tộc.


< Những người lính Spartan cổ đại.

Cùng với những bộ sưu tập thật sự quý hiếm (như cây súng cổ của Hà Lan - chỉ có 2 cây như thế trên thế giới), bảo tàng tư nhân này cũng được đánh giá cao bởi có sự sắp xếp không gian trưng bày khá khoa học.

Tầng 1 dành cho thời kì cổ đại đến Trung cổ với các chiến binh Viking, Spartan, Trung Quốc, các samurai và shogun - tướng quân Nhật Bản, quân đội La Mã, quân Hoplite, các chiến binh thập tự chinh (người Anh, người Tây Ban Nha, người Đức), những võ sĩ giác đấu, một số thanh gươm và súng của người Mường (Việt Nam) ở thế kỉ 19 ... Người ta có thể thấy sự tái hiện cả một lịch sử của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

Tầng 2 dành cho quân đội Anh bởi sự yêu mến của người chủ sở hữu dành cho quê hương mình. Robert Taylor dành không gian trưng bày cho những người đưa thư, người thổi kèn hiệu, lính đánh bộ, kỵ binh Anh, thủy quân, kỵ binh của Nữ hoàng.

Ở đây cũng trưng bày các cây súng côn, súng lục, súng trường, súng hỏa mai... của Anh, Pháp, Đức, Hà Lan,... thế kỉ 17,18 và 19.

Ở khu sàn lệch tầng 2, và toàn bộ tầng 3, quân đội Châu Âu được dành nhiều không gian hơn với sự xuất hiện của những người lính Pháp, Nga, Thụy Điển, Phần Lan...

Trang phục của lính hoàng gia Nga gây ấn tượng với sự phong phú và những chiếc mũ kiểu cách không kém quân đội hoàng gia Anh. Những khẩu hỏa mai của tầng lớp quý tộc Châu Âu được trưng bày khoe phần báng súng được khảm khắc rất cầu kì.

Để xây dựng bảo tàng này, anh Lợi - người hướng dẫn - cho biết, ông Robert Taylor đã lấy lại nhiều hiện vật ông cho mượn tại các bảo tàng trên thế giới mang về Việt Nam. Hiện nay, tại bảo tàng chỉ đủ không gian trưng bày khoảng 1/3 tổng số vũ khí, trang phục mà ông Taylor có. Và bảo tàng đang được mở rộng, xây dựng tiếp để có thể trưng bày nốt số hiện vật còn lại.

Khi phóng viên hỏi về các biện pháp an ninh cho bảo tàng, hướng dẫn viên chia sẻ, an ninh của bảo tàng được đảm bảo bởi một công ty chuyên về an ninh ở nước ngoài.

Hơn nữa địa thế khá hiểm trở của tòa biệt thự (nằm trên đường độc đạo lên dốc) cùng với các khu vực quân sự của quân đội Việt Nam đóng xung quanh... là một vài yếu tố quan trọng đã được tính đến.

Có thể nói, bảo tàng vũ khí cổ là một trong những bảo tàng quý giá nhất tại Việt Nam hiện nay về quy mô và giá trị bộ sưu tập. Từ bảo tàng tuyệt đẹp, thú vị nhưng vắng khách này, những người quan tâm tiếp tục phải đặt ra câu hỏi về khả năng và trình độ xây dựng các chiến lược quảng bá du lịch, phổ cập thông tin đại chúng... tại thành phố Vũng Tàu, Việt Nam.

Du lịch, GO! -  Theo Vietnamnet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống