Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 26 August 2012

La Dêê là một xã thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Xã La Dêê có diện tích 184.66 km², dân số năm 1999 là 1902 người, mật độ đạt 10 người/km².

Từ Bến Giằng (trung tâm hành chính huyện Nam Giang) ngược sông Thanh theo quốc lộ 14D khoảng 80km, cách TP. Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 215km về phía Tây Bắc, chúng tôi gặp những ngôi làng nên thơ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nằm giáp biên giới với nước bạn Lào, xã La Dêê vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng bà con đồng bào Cơtu, Tàriềng, Ve đã có ý thức làm ăn và phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

< Làng người Tà Riềng thôn Đắc Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang - nơi chứa đựng nhiều nét văn hóa cần được khám phá.

Năm nay, lúa mùa của bà con dường như chín sớm hơn mọi năm. Trên những triền núi, cánh đồng lúa chín vàng nhuộm cả trời chiều. Nơi ấy, thấp thoáng sắc màu thổ cẩm của những cô gái miền biên cương dùng những tum (giỏ nhỏ) tuốt lúa. Con đường dẫn về bản, ngào ngạt hương thơm từ những vòm hoa pơlang nở trắng và hoa dhavai nở vàng ven đường, quấn quýt theo chân người.

Cả vùng rừng La Dêê rộng lớn được trải đều các lớp học, cả đến người lớn tuổi cũng được đến lớp. Chữ Cơ Tu – những mẫu tự Latinh dùng trong quốc ngữ được một số những cán bộ cách mạng hoạt động ở vùng cao chế tác nên, được thầy Blúp Dứ, một người giáo viên vùng cao truyền dạy lại đã trở thành loại ánh sáng mới cho hàng trăm, hàng ngàn cư dân Tà Riềng, Cơ Tu vốn tăm tối chữ nghĩa bao đời. “Cái chữ mở ra cho dân mình nhiều điều mới lạ, bổ ích lắm. Người Cơ Tu, Tà Riềng biết được tiếng nhau, biết được giá trị, ý nghĩa của cái chữ, của việc học...”, người ta nhớ lại...

Đêm ở La Dêê dài và thinh lặng. Bước chân người gõ xa xa trên mặt đất rừng, vọng vào bếp lửa nhà sàn người Cơ Tu. Hòa âm của rừng là tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá rừng rơi xào xạc và những ngọn gió đi hoang như đưa người qua miền cổ tích. Mỗi bản làng, dù khác nhau, vẫn cùng rộn ràng hòa chung vào lễ hội Choóc đail (ngày hội đinh tút của người Tà Riềng.

Điệu tung tung da dá uyển chuyển của thiếu nữ và trai tráng Cơ Tu, múa xoan của con gái Tà Riềng hòa cùng lễ ăn mừng lúa mới trong nhịp điệu cồng chiêng. Hương vị đầu mùa thơm nức cơm lam, xiên cá suối nướng đến món zơrá, món thịt muối chua (zrúa)… đã làm nên văn hóa ẩm thực độc đáo của người miền cao.          

Rời La Dêê giữa sương bảng lảng. Xa xa những làn khói bốc lên từ những mái nhà sàn trên vùng biên cương. Giã từ các bản làng của người Ve, Tà Riềng, Cơ Tu chìm trong mùa vàng trĩu hạt, tôi lại về xuôi. Ngày mới bắt đầu cho bao nhiêu đợi chờ nơi biên giới hoang sơ, ít người biết tới.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VTR và nhiều nguồn khác
Không chỉ tiết kiệm, có lợi cho sức khỏe, đi bộ là một trong những hình thức du lịch khám phá gần gũi môi trường và là cách để bạn cảm nhận thế giới xung quanh một cách ấn tượng nhất, sâu sắc nhất.
Có những điểm đến chỉ có đôi chân mới đưa được bạn tới, giúp bạn khám phá muôn điều kỳ thú. Dù ở thành phố hay nông thôn, rừng núi hay sa mạc, dù nắng hay mưa, ít hay nhiều người, thậm chí một mình bạn vẫn có thể thực hiện chuyến du lịch đi bộ theo cung đường đã định.

Du lịch đi bộ đường dài (tiếng Anh: hiking hoặc bushwalking) là hoạt động ngoài trời chủ yếu ở môi trường thiên nhiên theo các tuyến đường mòn nhằm khám phá, thưởng thức cảnh vật. Nếu du lịch đi bộ nhiều ngày có đeo balô trang thiết bị ngủ đêm, nấu ăn thì được gọi là backpacking, du lịch đi bộ nhiều ngày ở các tuyến đường núi là trekking.

Tự phát

Cách đây ba năm, một nhóm đi trong giới trẻ miền Bắc mang tên “Long nhong ngoài đường” với hình thức “bỏ đường to, chỉ đi vào đường bé” đã gây ấn tượng với nhiều “dân đi” khi thực hiện các chuyến chinh phục đỉnh Phanxipăng (Lào Cai) “không theo cung đường truyền thống”, chinh phục núi Nhĩ Cồ San (Bát Xát, Lào Cai)...

Hiện ngoài các cung đường quen thuộc và mức độ dễ như khám phá rừng quốc gia Cúc Phương, Cát Bà, Ba Vì, thăm bản Sa Pa, Mai Châu, nông thôn Ninh Bình, cù lao, miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, leo núi Bà Nà, Lang Bian..., các nhóm ưa thích du lịch đi bộ đang tìm trải nghiệm mới trên nhiều tuyến khó hơn.

Tự thu thập thông tin trên mạng, vạch ra các cung đường dựa trên bản đồ và với sự trợ giúp của phương tiện định vị GPS, các nhóm đi đã bắt đầu các hành trình chinh phục dãy Phu Song Sung (thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Yên Bái), Tam Đảo (đông bắc VN) hay tìm đường lên Tây Yên Tử, xuyên rừng Cát Bà (Hải Phòng), rừng quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), Pù Luông (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), khám phá động Thiên Đường (Quảng Bình)... Đặc biệt, một số bạn trẻ hợp nhau sau một thời gian đồng hành đã lập thành một đội bán chuyên nghiệp.

Thời gian từ một đến vài ngày, các hình thức du lịch đi bộ phổ biến ở VN là leo núi, cắm trại, đi xuyên rừng, thăm làng mạc... Trong đó, khách du lịch nước ngoài thường chọn vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc hoặc đồng bằng sông Cửu Long để đi bộ đường dài và leo núi Phanxipăng là một trong những tuyến ưa thích nhất.

Khi con đường mới là đích đến

“Hơn tất cả các loại hình “xê dịch” khác, đi bộ là cách cảm nhận thế giới xung quanh chân thực nhất. Người tham gia du lịch đi bộ theo đó cũng nắm bắt tinh thần chuyến đi một cách trọn vẹn nhất” - G.Giang, một thành viên của phuot.vn, chia sẻ. Chính quá trình đi bộ, những quan sát phát hiện và tình huống trên đường cùng các cung bậc cảm xúc của người đi mới là điều đáng để tâm chứ không chỉ chăm chăm nhằm đến đích cho sớm. Đã có tuyến leo đến đỉnh Phanxipăng chỉ mất một ngày, nhưng nhiều người vẫn chọn hành trình dài hơn để... leo cho thỏa thích.

Du lịch kết hợp với thể thao mức độ nhẹ như đi bộ, cơ thể không phải vận động quá sức và tiết ra hormon adrenalin tăng hưng phấn. Ngắm làng mạc, hoa cỏ, núi non, ong bướm, chim muông, chào hỏi chuyện trò với những người gặp trên đường, thi thoảng dừng chân nghỉ ngơi chiêm ngưỡng cảnh vật và lắng lại ngẫm ngợi nghe chính bản thân mình. Vậy là bạn đã có chuyến du lịch đi bộ thành công!

Bài toán khai thác các tuyến du lịch đi bộ ở VN

Hiện nhiều điểm đến nổi tiếng của VN đang bỏ qua lợi thế địa phương trong việc khai thác du lịch đi bộ, thậm chí không tuân thủ Luật di sản, phá vỡ cảnh quan môi sinh, điều cấm kỵ trong việc phát triển hình thức du lịch này. Điển hình, dự án xây dựng hàng loạt thủy điện tại Sa Pa đang có nguy cơ “giết chết” thung lũng Mường Hoa với rất nhiều bản người dân tộc thiểu số cũng như nhấn chìm bãi đá cổ đã xếp hạng di tích cạnh dòng suối.

Khách du lịch đến Sa Pa để làm gì nếu không phải đi bản, ngắm núi. Chưa kể các tuyến điểm tham quan phần lớn do chính khách du lịch xây dựng, tự chọn điểm nhìn bao quát toàn cảnh. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn hiện là điểm hút khách du lịch trẻ nhưng cũng chưa đưa ra tuyến đường tham quan cụ thể, lộ trình chi tiết để kéo họ ở lại lâu hơn.

Một chuyên gia trong ngành du lịch ở Đức - quốc gia nổi tiếng thế giới với hình thức du lịch đi bộ - có lần nói VN có các điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển những tuyến du lịch đi bộ đáp ứng nhu cầu du khách nhưng dường như khía cạnh này vẫn còn bỏ ngỏ.

Không cần vốn đầu tư lớn, xây cất hoành tráng... nếu các địa phương phối hợp với ban ngành chức năng lên được quy hoạch tổng thể các tuyến du lịch đi bộ, vạch ra cung đường cụ thể, cung cấp thông tin đầy đủ và quảng bá rộng rãi thì sẽ thúc đẩy người dân vận động nhiều hơn, thu hút được khách du lịch nước ngoài lưu lại dài hơn.

Mỗi du khách đều có thể trở thành người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các công viên quốc gia cũng có thể hạn chế nạn tàn phá rừng bừa bãi... Rừng vàng, núi đẹp, sông nước êm đềm trên đất Việt sẽ thêm phần gắn bó với mỗi người dân và hái ra tiền nhờ vào đó!

Du lịch, GO! - Theo Thủy Trần, Minh Lý (Dulich Tuoitre), ảnh internet
Đà Lạt đón tôi lúc hơn 4 giờ chiều bằng một cơn mưa rào. Hết đường cao tốc, vào đến đèo Prenn thì mưa tạnh. May làm sao, lúc đó đường vắng ít gặp xe đò, không có xe tải. Mặt đường sau mưa còn ướt. Cánh rừng sau mưa như xanh hơn, đẹp hơn. Tôi tắt máy lạnh, hạ cửa kính xuống.

Ngồi sau tay lái với kính xe trong veo, với làn gió mát lạnh mơn man bên tay lái, thỉnh thoảng một vài hạt mưa còn sót lại bay táp vào mặt. Bỗng có cảm giác bao nhiêu mệt mỏi sau quãng đường hơn 300 cây số như tiêu tan hết. Cả nhà thấy tỉnh táo hơn, phấn khích hơn với khung cảnh lạnh mát sau mưa của đèo Prenn.
Ai đó có lẽ đã đúng khi nói, cái lạnh của Đà Lạt khiến du khách ăn ngon hơn, mang đến cho du khách cảm giác uống rượu lên “đô”, lâu say hơn.

Tôi muốn bổ sung thêm, với khung cảnh, đường xá và cái lạnh của miền cao nguyên, lái xe ở Đà Lạt chắc chắn là sướng hơn nhiều vùng khác, ít nhất là so với Sài Gòn, so với Đồng Nai, so với suốt chặng đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt.

Con đường dốc quanh co uốn lượn, lên xuống liên tục đem đến cho người lái cảm giác chiếc xe như bốc hơn, đánh vòng cua ngọt hơn. Xe của tôi 7 chỗ, một cầu, số tự động, ghế da, kính bấm, không sunroof, ít đồ chơi. Nhưng biết đủ là đủ. Chừng nào có điều kiện đổi xe sau, còn hiện tại, chiếc xe cứ lướt đi, lướt đi. Bên này là những biệt thự thấp thoáng dưới tán cây. Bên kia là rừng thông ẩm ướt, phía xa xa là ngọn núi.

Thỉnh thoảng, xe lại qua đoạn cua vòng cung, một bên là núi một bên là vực, ngồi trên xe thấy ngọn cây ở ngang tầm mắt. Vào đến nội thành, vợ tôi bảo “chạy một vòng quanh Hồ Xuân Hương rồi hãy đi nhận phòng”. Ở gần chợ, xe đông hơn, đường phố nhiều người hơn nhưng vẫn không thấy sự xô bồ. Ở Đà Lạt, người đi trên đường phố cũng có nét gì đó thong dong. Có lẽ đó là nhịp sống chậm mà cư dân các thành phố lớn vẫn thèm. Tôi đóng kính xe, mở một bản nhạc quen thuộc mà chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi lần nghe tại Đà Lạt lại thấy khác hơn: “Thành phố buồn, nhớ không em…”.

Ý tưởng đổi lịch đến các điểm tham quan thành chuyến đi lang thang đến với chúng tôi vào buổi sáng hôm sau, ngay lúc khởi hành.

Qua vài con phố để tìm đường, vợ tôi bảo: “thôi đừng đến mấy điểm tham quan đông người, mình đi Đà Lạt bao nhiêu lần rồi, có chỗ nào lạ đâu. Cứ lái xe đi vòng vòng có khi lại hay hơn”. Con trai tôi, đang tuổi teen, ngồi phía sau hưởng ứng: “yeah, đúng rồi!”. Xe vừa đến một ngã ba, tôi “chấp hành” bằng cách quẹo ngay, không hề biết và không cần biết đường đó dẫn đến đâu.

Lâu lâu rồi, cả nhà mới có giây phút bên nhau như thế này. Con không phải nghĩ đến việc làm bài tập môn này, trả bài môn nọ, bố mẹ thoát ra khỏi áp lực công việc, không cần lo chiều nay phải xong báo cáo, ngày mai phải họp, ngày mốt phải thuyết trình. Cả nhà bên nhau như trong căn phòng thân thuộc của mình. Chỉ có cái khác, “căn phòng” này là một không gian di động. Chúng tôi đi mà không cần nghĩ thế là nhanh hay chậm, không cần biết đến mấy giờ phải về.

Chiếc xe đi qua một vùng có những vườn rau, vườn hoa trong nhà lưới, có những ngôi nhà nhỏ ven đường với hàng rào hoa rung rinh trước gió. Chiếc xe đi qua vùng đồi có rừng thông non lá xanh mơn mởn rồi lại đến khu rừng với “đường quanh co lượn gốc thông già”.

Có khi cả đoạn đường chẳng gặp xe hơi nào đi ngược chiều. Mở cửa kính, thong dong cho gió núi ùa vào, tôi giữ tốc độ trên dưới 50 – 60km/giờ. Có những đoạn đường tốt, xe lướt đi êm êm, lâu lâu gặp đoạn đường xấu, tiếng dội giàn gầm lúc nào đó có thể gây khó chịu nhưng lúc này lại mang tới “cảm giác lái” thú vị!

Cả nhà rì rầm trò chuyện, thích gì nói đấy, từ chuyện quả táo của Newton đến chuyện Drogba rời Chelsea, từ chuyện cài đặt Ipad đến chuyện tivi tối nay có gì. Cao hứng lên, vợ con nói thích nghe bài hát nào đó, chỉ cần vài thao tác chọn bài là cả “không gian di động” ngập tràn trong âm thanh. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều hát theo nho nhỏ rồi chìm đắm vào những ý nghĩ riêng của mình.

Chạy một hồi, ngẫu nhiên nhìn bảng chỉ đường ghi một địa danh nào đó mới nhận ra hướng mình đang đi, nếu không thích lại quay đầu xe tìm hướng khác.

Đường ven hồ Tuyền Lâm, đường đến Suối Vàng, đường đi Lang Biang... Đà Lạt có rất nhiều những đoạn đường có đèo, dốc. Quá trưa, chúng tôi ghé vào một quán ăn vắng vẻ. Quán nằm ngay khúc cua ven đường, dưới chân núi, cạnh hồ. Mỗi nhóm thực khách có thể chọn một căn lều nào đó.

Trong lúc chủ quán làm đồ ăn thì cả nhà thảnh thơi nằm võng. Không gian im ắng, thỉnh thoảng có cơn gió mát lạnh từ phía hồ thổi lên phía núi, qua rặng thông vi vu, vi vu. Lâu lâu mới có một chuyến xe đò đi ngang ngoài lộ, nghe âm thanh biết xe giảm tốc vào cua rồi lại rồ ga tăng tốc, tiếng bánh xe xiết trên mặt đường xa dần, nhỏ dần, trả lại cho không gian sự im ắng thanh bình.

Nói đến lái xe ở Đà Lạt mà không nhắc đến mưa, sương và cái lạnh buổi sáng sớm có lẽ là chưa đủ. Đà Lạt có cả mưa rào và mưa dầm. Vào đèo gặp trời mưa, nhìn bên ngoài cây lá lướt thướt ngả nghiêng, bỗng thấy không gian trong xe thêm phần ấm áp. Biết là mưa thì tầm nhìn hạn chế, đường trơn, có đoạn lầy lội nhưng vẫn thích ôm vô- lăng đi trong mưa gió.

Một buổi thức giấc sớm, khi vợ con còn yên giấc, mình tôi lấy xe ra đường nhắm hướng Hồ Xuân Hương thẳng tiến.

Xe để qua đêm ướt đẫm sương, đồng hồ chỉ nhiệt độ bên ngoài là 10 độ C, thấp hơn bên trong xe. Dù biết số đo này chỉ để tham khảo thì vẫn cần nói rằng, đây là trạng thái hầu như chưa từng gặp ở Sài Gòn. Buổi sáng Đà Lạt đường vắng, chỉ cần lên chừng 40km/giờ đã thấy gió lạnh táp vào mặt, vào người. Quanh Hồ Xuân Hương, lác đác có người tập thể dục, vài người đi đâu sớm với vẻ co ro.

Mặt hồ lăn tăn sóng, gió từ phía hồ mang theo hơi lạnh. Ở bờ bên này nhìn sang bờ bên kia còn thấy làn sương mong manh như khói. Một mình trong xe, mở nhạc to lên, vừa chạy trong khí lạnh vừa hát theo, tự nhiên thấy mình hát hay hơn. Đôi khi, dừng xe ven đường, mang máy ảnh ra chụp vài kiểu rồi lại lên xe lái đi. Chừng một hai vòng quanh hồ, cái lạnh đã ngấm vào người, có thể tìm một quán ven đường nhỏ nhỏ nào đó gọi ly càphê nóng ấm.

Ngày vui qua mau. Thoắt cái đã hết buổi sáng. Thoáng cái là hết một ngày. Ngồi nhẩm tính thấy kỳ nghỉ sắp hết. Chưa về mà đã nhớ Đà Lạt!

Vài Kinh nghiệm cá nhân trước khi lái xe gia đình đi du lịch

Trước khi đi đường dài, nên đưa xe đến dịch vụ bảo trì để kiểm tra kỹ thuật cần thiết. Đổ đầy xăng. Lưu số điện thoại của người bảo trì xe, hỏi thăm các mối quan hệ, điểm dịch vụ bảo trì của hãng, cây xăng có thể tin cậy ở nơi sắp đến. Việc này sẽ tạo an tâm khi lái xe đến vùng lạ, có thể trao đổi khi thấy bất cứ dấu hiệu lạ nào trên xe.

Chuẩn bị, sắp xếp đồ đạc theo sở thích chu đáo: nước uống, bánh kẹo, trái cây, đồ ăn vặt dọc đường…; chuẩn bị danh mục bài hát theo ý thích phù hợp với thiết bị của xe, dễ tìm. Sắp xếp đồ đạc trên xe hợp lý, cái gì có thể cần dùng dọc đường như máy ảnh, giấy tờ thì để gọn gàng, dễ lấy.

Cài đặt điện thoại thích hợp, nên giao điện thoại cho người ngồi bên cạnh và chỉ ưu tiên nghe số ít thuê bao thật cần thiết. Nên vệ sinh xe trước khi đi, chuẩn bị các loại gối, mền riêng của từng người để đảm bảo có một không gian sạch sẽ mà mọi thành viên của gia đình đều thấy thoải mái, yêu thích.

Du lịch, GO! - Theo Hưng Long, AQ, HL (SGTT), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống