Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 2 September 2012

Đà Giang như một dải lụa kỳ vĩ vắt qua vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc. Nếu ngược từ lòng hồ thủy điện về phía thượng nguồn sẽ bắt gặp một “vịnh Hạ Long” trên sóng nước Đà Giang cực kỳ ấn tượng. Du khách như lạc vào những cảnh sắc của truyền thuyết, huyền thoại về mảnh đất này.

Đà Giang được nhà văn Nguyễn Tuân mô tả bằng những ngôn từ đặc biệt nhất, khi thì hùng vĩ, hung dữ, lúc lại mềm mại, trữ tình, nhưng lại đẹp, rất đẹp. Bất kỳ ai một lần được ngồi trên con thuyền nhỏ bập bềnh ngược dòng Đà Giang sẽ không chỉ cảm mà còn tận tay “sờ” được vào vẻ đẹp kỳ bí đó. Bây giờ những người lái đò trên sông Đà không còn phải dùng đến nội công thâm hậu để chèo lái như ông lão mà Nguyễn Tuân đã khắc họa nữa. Đón du khách khám phá sông Đà ở bến thuyền Thung Nai (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) là những chàng trai trẻ trên những chiếc thuyền máy.

Thử cảm giác mạnh

Khi đã rời xa bờ bến, những con sóng bắt đầu cuồn cuộn nổi lên đập vào mạn như muốn ăn tươi nuốt sống con thuyền nhỏ. Chiếc thuyền nhỏ chao đảo, bồng bềnh trên mặt nước.

Du khách được dịp hò hét khi con thuyền vượt lên ngọn sóng dữ một cách ngoạn mục. Từ những ô cửa nhỏ trên thuyền, du khách có thể với tay chạm vào những con sóng màu nước xanh trong mát lạnh.

Chàng lái đò trẻ tên Duy (người huyện Cao Phong) bảo rằng tuy đã chở hàng trăm chuyến cho du khách ngược dòng Đà Giang khám phá cảnh sắc nơi đây, nhưng cứ mỗi khi ra đến giữa lòng hồ Thung Nai anh lại có cảm giác khác nhau. Duy kể xưa kia Thung Nai là một thung lũng lớn được những dãy núi cao, rừng rậm bao quanh, có rất nhiều hươu, nai nên người dân bản địa đặt tên là Thung Nai. Khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng, Thung Nai trở thành hồ chứa nước khổng lồ với những hòn đảo xanh nhấp nhô trên sóng nước, tạo ra một cảnh quan được ví như “vịnh Hạ Long” trên sông.

Này là hòn đảo nhỏ với đỉnh được thiên nhiên tạo dựng như hình hài cơ thể một tráng sĩ đang gồng mình nhìn về phía bờ. Kia là những đảo nhỏ cao thấp, mấp mô với đám cây xanh mọc trên đỉnh nhô lên giữa dòng sông...

Những tảng đá với đủ hình thù đã xếp chồng lên nhau để tạo nên các hòn đảo nhỏ. Hàng ngàn năm qua đảo đá vẫn đứng trơ gan cùng đất trời, bao cuộc mưa nắng mà chẳng hề mòn phai. Bao con sóng dữ ập tới mà đảo chẳng hề bị cuốn trôi. Con thuyền lướt nhẹ qua những hòn đảo để lại trong lòng du khách một cảm giác tuyệt vời rằng mình như đang đi giữa vịnh Hạ Long ở vùng cao này vậy. Sóng nước Đà Giang cũng đủ mạnh và dữ dội để du khách ấn tượng như đang đi giữa biển Đông hùng vĩ.

Nghe huyền thoại, ngắm cảnh đẹp

Qua hơn chục kilômet đường thủy với những cảm giác vô cùng ấn tượng, giờ đây du khách sẽ được chàng lái thuyền cho cập bến vào tế lễ ở đền Bà Chúa Thác Bờ. Điều lạ đập vào mắt du khách là những con thuyền vàng mã khổng lồ. Chiếc nhỏ dài trên 2m, còn chiếc lớn dài đến 4-5m và được trang trí hết sức cầu kỳ. Nhiều chiếc thuyền được trang trí đầu rồng cùng những hình người đặc sắc, tinh xảo.

Từ TP Hòa Bình qua Thung Nai (Cao Phong), du khách sẽ có dịp ngắm nhìn khu hang động đẹp nhất miền Tây Bắc. Đó là động Thác Bờ (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) nằm ngay trên bến Ngọc long lanh. Vào mùa nước cạn du khách sẽ phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Nhưng nếu vào mùa nước đầy thì du khách có thể dập dềnh từ thuyền sang nhà nổi, đi qua cầu phao được kết bằng những thân cây bương chạy dài khoảng 100m cho tới bậc đá lên động. Động Thác Bờ nằm ở sườn phía bắc của dãy núi Chủa nhìn ra mặt sông, cửa động cao tới 35m, rộng 25m.

Động có chiều sâu khoảng 150m với các khối nhũ đá hai bên bờ vách rất đặc sắc. Có cả một khối nhũ lớn mang hình tượng cá chép đang hóa rồng. Nhưng đặc sắc nhất mà du khách phát hiện ở động Thác Bờ là hình dòng nhũ khổng lồ đổ từ đỉnh xuống lòng động cao trên 10m. Màu vàng óng và hình dáng của khối nhũ đá này tựa như một ly kem xôi khổng lồ rất ngon lành. Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá kỳ diệu ra còn có khu vực tiếp du khách, khu thờ thần, Quan Âm, Phật Tổ...

Mệt mỏi sau hành trình dài leo đồi và khám phá hang động, du khách sẽ được tưởng thưởng “một chầu matxa” miễn phí tuyệt vời cho đôi chân trần. Đó là ngồi thư giãn trên con suối nhỏ trong vắt chảy ra từ lòng núi. Con suối nhỏ này chảy giữa lòng thung lũng rồi đổ ra sông Đà. Điểm cuối cùng của hành trình là một thác nước nhỏ, trong vắt như thể một sự sắp đặt tuyệt vời của thiên nhiên giúp mọi người gột rửa mệt mỏi của hành trình trước khi về nhà.

Hướng dẫn thêm:

Từ Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 6 khoảng 80km đến TP Hòa Bình, sau đó theo con đường mang tên Tây Tiên đèo dốc trên 20km để đến bến thuyền Thung Nai.

Nếu đi theo đoàn đông người, du khách nên thuê thuyền lớn có đủ áo phao cứu hộ và các thiết bị máy móc. Giá thuê thuyền từ 500.000-1 triệu đồng (không tính số người).

Để qua đêm tại đây du khách có thể thuê phòng ở khu nhà nghỉ Cối Xay Gió trên đảo Bạn Bè. Khu nhà nghỉ giá rẻ bình dân này nằm ngay dưới mép nước và bên trên là chiếc cối xay gió rất độc đáo.

Du lịch, GO! - Theo Hải Dương, Nguyễn Hường (TTCN), internet
Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng là món nướng. 
Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là tiêu rừng hay còn gọi là “mắc khén”, ớt, tỏi, gừng, muối...

Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, hương thơm. Đến Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung có  nhiều nhà hàng với đội ngũ cán bộ, nhân viên là người dân tộc, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, có kỹ thuật nấu món ăn, sẵn sàng phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức văn hoá ẩm thực dân tộc.

Tham quan bản, nếu muốn thưởng thức món ăn dân tộc, du khách nên đặt cơm trước với trưởng bản. Một số bản tự cung tự cấp nguyên liệu như: gà, cá, rau, gia vị... thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là chủ và khách có thể nâng chén rượu để “au hảnh”, chúc sức khoẻ, bắt tay nhau thật chặt. ăn món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có.

Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Đặc trưng nhất là món thức ăn nướng, gọi là “lam nhọ”: lam là nướng, nhọ là nhừ. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.

Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pỉnh tộp” cũng là cá nướng, nhưng thường dùng bằng cá to như chép, trôi, trắm... mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá, người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món “pa giảng” là cá hun khói.

Do dặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao. Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món hấp, hương vị thơm ngon.

Lên Điện Biên, du khách thưởng thức món gà “đi bộ” - gà nuôi thả trên đồi, thịt chắc. Gà luộc chấm với gia vị chéo rất ngon, không ngấy, uống với rượu Mông pê hoặc lẩu sơ rất thú vị. Từ thịt, cá, người vùng cao còn có các món lạp, luộc, canh chua... với vị ngon đặc trưng.

Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách.

Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị chéo, đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau.

Du lịch, GO! - Theo Trần Tuấn (Mocchautourism), internet
Trong gió, trong mưa, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng vẫn bay phần phật. Giây phút ấy, cứ như cả Tổ quốc đang sừng sững trong tâm hồn mỗi chúng tôi...

Tôi rất ấn tượng một đoạn văn trong bút ký Trở lại Mèo Vạc của nhà văn Nguyên Ngọc viết năm 1991: “... Rất đột ngột, bỗng thấy mình đã đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt... Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác. Cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc đấy.”

Tôi chỉ muốn nói thêm vào đoạn văn đã rất hay này của anh Nguyên Ngọc: còn, còn những nương ngô xanh ngắt mọc trùm lên những mặt núi đá khắc khổ. Còn, còn cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang trên đỉnh ngọn núi Rồng cao 1.700 m so với mặt nước biển, cột cờ trấn giữ điểm cực Bắc của Tổ quốc chúng ta.

Người ta nói, nếu hình dung đường biên giới Việt-Trung như một chóp nón, thì hai điểm thấp nhất nằm ở A-pa-chải (Điện Biên), Sa Vĩ (Móng Cái), còn chóp là Lũng Cú. Và, tâm đỉnh của Lũng Cú chính là ngọn núi Rồng.

Cuối tháng 7.2012, khi tôi lên đây, cao nguyên đá Đồng Văn đã vào mùa mưa. Từ thị trấn Đồng Văn đi Lũng Cú chỉ khoảng 30 km, nhưng do đường quanh quất cua tay áo, và buổi sáng xe toàn chạy trong mây hay sa mù, nên chúng tôi phải đi mất hơn giờ đồng hồ mới tới.

Lúc chúng tôi dừng ở chân núi Rồng, trời nắng đẹp. Nhưng chỉ khoảng 5 phút sau, khi chúng tôi bắt đầu leo 389 bậc dẫn lên đỉnh núi nơi dựng cột cờ, trời đột ngột đổ mưa lớn. Mưa nắng thất thường có lẽ là một đặc điểm của vùng chót đỉnh cực Bắc này chăng? Không ai trong đoàn dừng lại hay bỏ cuộc. Chúng tôi đội mưa leo qua 389 bậc dẫn tới đỉnh núi.

Tại sao có con số 389 bậc?

Tối hôm trước, chúng tôi đã ngủ lại một đêm với các chiến sĩ Huyện đội Đồng Văn, chuyện trò rất khuya với đại tá Lê Trân - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện. Anh Lê Trân mới “bật mí”, chính anh là tác giả của con số 389 bậc đá này: “Thông thường, khi tính con số đẹp, người ta hay chọn “9 nút”. Riêng tôi lại nghĩ: nhất chín, nhì bù. Đã đành, số 9 là con số đẹp nhất, nhưng số 10 lại tính thêm được phần “bù” của những người lính bảo vệ biên cương chúng tôi.

Khi cầm súng ở địa đầu Tổ quốc này, chúng tôi nghĩ cả đất nước luôn đứng đằng sau mình, luôn “bù” cho mình tất cả những tình cảm thiết tha yêu mến nhất. Cột cờ Lũng Cú tượng trưng cho ý chí và sự kiên định bảo vệ từng tấc đất từng mỏm đá của Tổ quốc, đó cũng là khát vọng của những người lính biên cương chúng tôi. Vì thế, tôi đề nghị với ban xây dựng Cột Cờ nên chọn con số 389 (bậc), một con số “tiến” và nếu cộng lại thì “tròn 10”. Đó là con số cuối cùng, tột đỉnh, như một lời thề”.

Khi đã đọc xong “lời thề” 389 bậc, và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, chúng tôi đã lên tới đỉnh Lũng Cú. Gió ào ạt. Mưa quất xối xả. Nhưng trong gió, trong mưa, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng có diện tích 54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam - được cắm trên cán cờ cao 13 m vẫn bay phần phật.

Giây phút ấy, cả đoàn chúng tôi như ngập trong một trạng thái đặc biệt: cứ như cả Tổ quốc đang sừng sững trong gió trong mưa, đang sừng sững trong tâm hồn mình. Lá cờ thiêng vẫn tung bay phần phật, bất chấp thời tiết. Đó thực sự là một biểu tượng cho nước non mình, dù chịu bao khắc nghiệt đắng cay vẫn ngẩng cao đầu không khuất phục. Có một luồng năng lượng kỳ lạ nào chợt lưu chuyển trong tôi, khiến toàn thân đột nhiên ấm áp, mặc cho gió mưa quất tơi tả bốn bề.

Khi rời đỉnh Cột Cờ xuống chân núi, bỗng mưa tạnh. Nắng lên. Trời xanh ngắt.

Lũng Cú - tiếng H’Mông có nghĩa là “Long cư” - nơi cư ngụ của rồng. Còn theo một truyền thuyết của người địa phương, thì ở thời Tây Sơn, sau khi Hoàng đế Quang Trung đại thắng quân xâm lược phương bắc, ông đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi ầm vang xa đến bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi trống đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc chúng ta. Và tên Lũng Cú còn có nghĩa là “Long Cổ” - tức trống của vua. Một truyền thuyết thật đẹp, và rất Việt Nam.

Khởi từ thời Lý Thường Kiệt, sau rất nhiều lần xây dựng lại và trùng tu, cột cờ quốc gia Lũng Cú mà chúng tôi chiêm ngưỡng hôm nay được hoàn thành ở lần nâng cấp sau cùng vào đúng ngày 2.9.2010. Đã nhiều lần, các vị chủ tịch nước Việt Nam đã lên thăm cột cờ Lũng Cú. Tôi rất thích bức ảnh chụp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đứng trên chót đỉnh cột cờ, phía sau có một vệ binh nghiêm trang bồng súng chào, cùng lời nói lịch sử của vị nguyên thủ quốc gia: “Phải giữ cho được từng tấc đất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta!”. Không ở đâu hơn khi đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, chúng tôi thấm thía từng chữ của câu nói này. Vì trước mặt chúng tôi, rất gần, là biên giới, còn phía sau chúng tôi là trùng điệp mênh mang cao nguyên đá Đồng Văn.

Năm nay, bà con H’Mông ở Lũng Cú - Đồng Văn được mùa ngô. Những trái bắp mập mẩy, nặng trĩu tay cầm. Đã có biết bao mồ hôi đổ ra trên tầng tầng đá núi để được những trái ấy. Cũng như có biết bao xương máu đồng bào và liệt sĩ chúng ta đã đổ ra cho cột cờ quốc gia Lũng Cú đứng hiên ngang một dáng hình Tổ quốc. Nếu đất nước ta là một con tàu như nhà thơ Xuân Diệu đã hình dung, mũi tàu là mũi Cà Mau, thì cột cờ Lũng Cú chính là cột cờ ở đằng lái của con tàu. Uy nghiêm và điềm tĩnh phóng tầm mắt cảnh giác bao quát cả miền biên viễn cực bắc Tổ quốc.

Ngày Quốc khánh 2.9 năm nay, lại hiển hiện trong tôi cột cờ Lũng Cú, nơi tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi một lần trong đời được đến viếng thăm, một lần được leo lên tới chót đỉnh.

Tôi coi chuyến đi về cột cờ Lũng Cú của mình như một cuộc hành hương, mà khởi đầu là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang, và kết thúc là một bữa trưa trong bản nhỏ của người H’Mông, nơi lần đầu tiên tôi được ăn ngon lành 3 bát mèng méng kèm dưa nương, trước ánh mắt thân thương của bà con người H’Mông.

Nghe nói, hầu như người dân H’Mông nào ở Lũng Cú cũng đều biết đánh trống đồng. Nhưng không chỉ biết đánh trống đồng, người H’Mông - những con người tự do như gió và bất khuất như đá mà tôi vô cùng kính phục - còn có biệt tài đánh giặc xâm lăng. Tôi đã gặp và nghe ở bản nhỏ ấy, trong bữa trưa mèng méng ấy câu chuyện về người dân bản này đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc vào năm 1984.  Nhưng có lẽ, đó là câu chuyện dành cho một bài viết khác...

Du lịch, GO! - Theo Thanh Thảo (TN), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống