Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 4 September 2012

Nằm trong quần thể du lịch của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, từ lâu Bích Động đã được biết đến với danh xưng “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam sau động Hương Tích).

< Cổng chùa tam quan cổ kính ẩn hiện sau tán cây rậm rạp.

Trong tiết trời mát mẻ một ngày đầu thu, quãng đường hơn 100km từ Hà Nội về Bích Động dường như không lấy đi bao nhiêu sức lực của nhóm du khách trẻ. Nhìn từ xa, ngôi chùa thấp thoáng ẩn hiện trong tán cây rậm rạp của ngọn núi Ngũ Nhạc Sơn.

< Chùa Hạ với mái uốn cong chia làm hai phần.

Phải đến thật gần, đi qua một hồ sen cổng chùa tam quan cổ kính mới hiện ra trước mắt. Con đường lát gạch đỏ râm mát làm mọi người cảm thấy khoan khoái vô cùng. Chùa Bích Động xây dựng theo kiểu "Tam" Hán tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.

< Những bậc thang men theo vách núi lên chùa Trung.

Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc làm chùa chiền hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục. Ba ngôi chùa xây trên sườn núi cao, dưới gầm có động Xuyên Thủy. Giữa bức tranh núi rừng hùng tráng dát lên một phù điêu là những ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa từng gọi ''Bích sơn bát cảnh''.

< Chùa Trung nằm ở lưng chừng núi với kiến trúc bán mái phía ngoài.

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ Phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái.

Năm 1705, có hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành.

< Khung cảnh thâm nghiêm, tĩnh mịch trong động tối.

Năm Đinh hợi (1707), hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối. Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa là Bích Động.

Sau khi tham quan chùa Hạ, trở ra sân quay về hướng bắc, bước khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, tới lưng chừng núi là đến chùa Trung, kiến trúc bán mái phía ngoài.


< Chùa Thượng tọa lạc ở vị trí cao nhất gần đỉnh núi.

Đây là một chùa rất độc đáo ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên. Chùa có 3 gian thờ Phật. Lễ Phật xong ở thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời trau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế, sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...
Lên chùa Thượng, khách lữ hành phải bước gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, thờ Phật bà Quan Âm.


< Hình dạng độc đáo của những nhũ đá trong động Xuyên Thủy.

Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Đứng từ trên chùa Thượng thả tầm mắt bao quát quang cảnh núi non xen kẽ ruộng đồng như một bức tranh sơn thủy. Sau khi tham quan quần thể chùa độc đáo, cả nhóm hứng thú đi thuyền khám phá hang động Xuyên Thủy ngay dưới chân ba ngôi chùa.

Vừa vào trong mọi người đã choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những nhũ đá rủ xuống từ trần hang. Những nhũ đá đủ hình dáng, màu sắc tạo thành vô số hình thù lạ mắt: lúc như một nụ sen, lúc như bầu sữa mẹ, có khi lại là hình một con cá sấu...
Đắm chìm trong không gian đẹp đến huyền hoặc, những ưu phiền lo lắng trong cuộc sống bỗng chốc như biến mất. Cả khi kết thúc hành trình, cảm giác yên bình vẫn còn lắng lại suốt trong lòng...

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thắng (Dulich Tuoitre)
Nằm trên đường 9 huyền thoại, di tích sân bay Tà Cơn thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là điểm dừng chân quen thuộc với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá “tour DMZ” (du lịch vùng phi quân sự).

< Du khách nước ngoài tham quan chiếc máy bay vận tải CH-47 trưng bày trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn. Đây là loại máy bay chuyên vận chuyển người, vũ khí và lương thực trong những năm lính Mỹ tham chiến ở Khe Sanh.

Những ngày đầu tháng 9, lượng khách nước ngoài tham quan di tích sân bay Tà Cơn dường như đông hơn. Họ là những cựu binh Mỹ hay những du khách đến từ các nước Anh, Úc, CH Czech… tham quan để biết và hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Việt Nam.

< Chiếc máy bay vận tải hạng nặng C130 của quân đội Mỹ tham chiến năm 1972 được trưng bày trên bãi cỏ sân bay Tà Cơn.

Khu di tích còn khá đơn sơ với năm chiếc máy bay (loại C130, UH-1,CH-47… ), ba chiếc xe tăng còn nguyên vẹn hoặc đã tan xác, hoen gỉ trưng bày trên những bãi cỏ. Đây là những máy bay, xe tăng mà quân đội Mỹ từng dùng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn cách đây hơn 40 năm.

< Trực thăng lên thẳng UH-1, loại máy bay cơ động được lính Mỹ sử dụng nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam và chiến trường Khe Sanh.

Một nhà bảo tàng về đường 9 - Khe Sanh trưng bày những hình ảnh, vũ khí của lính Mỹ, lính quân đội chế độ cũ và quân giải phóng.

< Cận cảnh một chiếc xe tăng Mỹ tại chiến trường Khe Sanh.

Một bia đá tạc ghi chiến công lịch sử được dựng sau hàng chục loại bom mà quân đội Mỹ đã ném xuống miền tây Quảng Trị trong những năm 1965-1972. Kế đó, những công sự hầm hào, đài chỉ huy, đài liên lạc… được phục dựng trong khuôn viên sân bay cũng đang khẩn trương hoàn thành.

< Xác một máy bay của Mỹ từng tham chiến tại Quảng Trị.

Cách bố trí, phục dựng di tích của sân bay Tà Cơn hiện nay còn khá khiêm tốn, nhưng phần nào cũng giúp du khách hình dung về một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được quân đội Mỹ và lính chế độ cũ coi là một vị trí “cứng”, cơ động nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.

< Một số trang bị của quân giải phóng miền Nam.

Toàn sân bay giống như một lòng chảo với bốn bề là núi non - vốn là những điểm đặt hệ thống hỏa lực lý tưởng, lại cách con đường 9 huyết mạch chưa đầy 3km.

< Du khách nước ngoài tham quan những trang bị, vũ khí sót lại của lính Mỹ trong nhà bảo tàng đường 9 - Khe Sanh.

Thế nhưng trước sức mạnh tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tà Cơn đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân của đối phương. Ngày 26-6-1968, quân Mỹ buộc phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh - Tà Cơn.

< Du khách CH Czech tham quan hệ thống hầm hào của lính Mỹ được phục dựng tại sân bay Tà Cơn.

Sau những thăng trầm dâu bể, ít ai có thể ngờ một nơi từng là nỗi khiếp đảm, là “địa ngục trần gian” đối với lính Mỹ đã trở thành những vườn cà phê ngút ngàn, những bãi ngô và lạc mơn mởn xanh.

“Thật kỳ diệu. chiến tranh đã qua đi, nhường chỗ cho hòa bình và sự sống đang từng giờ từng phút nảy nở trên mảnh đất này” - một Việt kiều CH Czech đã tâm sự với tôi như thế khi tham quan di tích nổi tiếng này.

< Những loại bom Mỹ ném xuống miền tây Quảng Trị những năm 1965-1972.

Cách TP Đông Hà khoảng 65km và cách cửa khẩu Lao Bảo khoảng 20km về phía nam, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, sân bay Tà Cơn từng là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968.

< Người dân xã Tân Hợp trồng ngô và lạc, tận dụng những khu đất rộng rãi trong sân bay.

Địa danh này từng gắn với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và gắn với câu nói nổi tiếng chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Du lịch, GO! - Theo Tiến Thành (Dulich Tuoitre)
m thực vỉa hè Sài Gòn có đặc điểm thường quy tụ về một nơi, một xóm, một phố, một phường đông vui.

Phố bún mắm

< Phố bún mắm Nguyễn Nhữ Lãm chỉ dài chừng 200m mà có hơn 20 quán.

Đường Nguyễn Nhữ Lãm, quận Tân Phú có đoạn chỉ dài khoảng 200m nhưng có trên 100 hàng quán, trong đó có hơn 20 quán bán bún mắm. Vì vậy, con đường này còn được gọi: con đường bún mắm. Bạn có thể chọn xuất xứ như bún mắm Sóc Trăng, Châu Đốc, Trà Vinh… và cả bún mắm Sài Gòn. Điểm cộng cho khu vực này là ngồi ở quán này có thể gọi món ăn ở quán khác. Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có các món khác như chè, cháo, hủ tíu mì Tàu, mì Quảng, mì Ý, bò bít tết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo vịt… Các quán bán từ 5 giờ sáng đến 12 giờ khuya.

Đường... cơm gà xối mỡ

Đường Ba Đình, phường 10, quận 8 cũng được thực khách gọi là “con đường cơm gà xối mỡ”. Bắt đầu từ đoạn cầu Nguyễn Tri Phương quẹo vô đường Ba Đình chỉ vài chục mét nhưng có khoảng sáu quán bán cơm gà. Thực tế chỉ có khoảng hai, ba thương hiệu nhưng “bành trướng” ra các nhà kế bên. Cơm gà xối mỡ ở đây giòn, thơm, giá cả bình dân.

Ngoài ra, trên đường Hậu Giang, phường 2, quận 6 cũng có bốn quán bán cơm gà xối mỡ chất lượng, giá cũng bình dân. Nước xốt ở đây ngọt ngọt, mặn mặn – lạ miệng. Cao cấp hơn là khu vực đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 với năm, bảy quán, có thêm các món gà ác tiềm, gà hấp…

Đường cơm gà xối mỡ nhộn nhịp nhất từ khoảng chiều tà cho đến tối.

Đổi vị với món Bắc

Khu trung tâm quận 1, ở góc đường Nguyễn Huệ – Hải Triều có một dãy quán ăn chính tông gốc Bắc đã hơn 20 năm. Tuy tạo thành dãy nhưng chỉ có hai quán Cấm Chỉ và phở Hà. Thực đơn của Cấm Chỉ phong phú với các món phở, miến, món nhậu, xôi… nhưng đặc trưng nhất vẫn là món trứng non và ngọc kê. Trên bàn thường dọn kèm lạc rang húng lìu, bánh quảy nhỏ và ớt khô, nước mắm, tương đen, tương ớt. Quán mở cửa từ 3 giờ 30 chiều đến 5 giờ sáng hôm sau.

Nhắc đến miến cua thì người ta dễ liên tưởng đến đoạn đường Đinh Tiên Hoàng giáp Điện Biên Phủ, Q.1 là nơi chuyên bán miến cua với hai, ba quán có món đinh này. Nói đến miến gà, cháo gà thì khu Hải Triều, Q.1 là nơi người ta sẽ ưu tiên nghĩ đến. Bún riêu, canh bún thì không có con phố nào có nhiều hàng bán bằng hẻm 287 thông từ đường Võ Văn Tần qua Nguyễn Đình Chiểu, Q.3…

Phố tiềm

Con đường ăn uống Phan Xích Long mà nhiều người quen gọi là đường 41 ở quận 11 khá đông đúc với khoảng hai mươi quán san sát nhau. Con đường bán đủ món từ hủ tíu, bún mắm, cháo, sinh tố…

Nhưng phong phú nhất vẫn là các món tiềm, súp bong bóng cá, cháo đầu cá, cháo thập cẩm, cháo hải sản… nấu theo kiểu người Hoa. Món nổi tiếng hàng chục năm nay ở đường 41 là gà ác tiềm thuốc bắc, ngầu pín tiềm, súp bong bóng cá. Cứ tối đến, cả đoạn đường sáng trưng, tiếng mời khách lẫn với tiếng xào nấu xôn xao.

Đại lộ ẩm thực

Chạy dọc đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường 8 và phường 9 quận 10, chắc chắn bạn sẽ thấy choáng vì độ phủ và đa dạng của quán xá nơi đây. Nói đến phở, có khoảng năm, sáu thương hiệu như phở 24h, phở 5 Sao, phở Hùng, phở Quỳnh, phở Tương Lai… Các quán bán đặc sản miền biển, lẩu xiên, lẩu nướng… có hơn chục căn.

Đồ ngọt nổi tiếng lâu nay trên đoạn đường này là chè Thái, chè lạnh có khoảng bốn tiệm với quy mô khá hoành tráng, chè nóng cũng có hai quán. Gần chục cửa hàng bán yến sào, chè yến các loại. Cửa hàng bán thức ăn nhanh KFC, pizza Domino, cơm gà, bánh cuốn, bánh canh ghẹ, bánh mì. Rồi nào là trà sữa, yogurt, kem… có hơn mười tiệm. Ngoài ra, tại góc đường Nguyễn Tri Phương – Vĩnh Viễn còn có hai quán bán hủ tiếu Nam Vang.

Phố của họ nhà… lẩu

Món lẩu hiện nay vô cùng phong phú với đủ cách nấu, đủ loại nguyên liệu đang hội tụ về đất Sài Gòn. Nếu mỗi ngày bạn đi ăn một món lẩu khác nhau ở thành phố này thì phải mất hơn nửa tháng mới tạm gọi là điểm danh đủ mặt họ nhà lẩu. Từ món lẩu dê tên tuổi, lẩu bò ngon mà rẻ, lẩu đầu cá, lẩu cá kèo dân dã, lẩu hải sản phong phú, lẩu mắm đậm đà; cho đến lẩu chua đủ cung bậc, chua của me, chua của lá giang, của mẻ, của khế... Còn nếu chọn một món lẩu nào đó như lẩu dê chẳng hạn, thì đi ăn cả tháng trời chưa chắc đã hết các quán bán món này.

Một số khu vực bán lẩu ở thành phố: quận 1: khu Nguyễn Công Trứ, lẩu dê. Quận 3: khu Ngô Thời Nhiệm – Trương Định, lẩu bò, lẩu dê. Khu Bà Huyện Thanh Quan – Sư Thiện Chiếu, lẩu cá kèo. Quận 5: khu Huỳnh Mẫn Đạt – lẩu dê, lẩu thập cẩm. Khu Châu văn Liêm – Nguyễn Trãi, lẩu đầu cá.

Phố ốc sầm uất

Nói đến ăn vỉa hè không thể thiếu món ốc, vì nó là món ăn đặc trưng “quán cóc” thứ thiệt của Sài Gòn. Đa số quán ốc mở cửa từ chiều đến tối khuya, ban đầu như để dành cho dân nhậu. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, quý bà quý cô, khách văn phòng… bắt đầu ghé đến; giới trẻ cũng thích lể ốc vừa rẻ ngon vừa vui. Và món ốc trở thành “cao thủ” ăn vặt Sài Gòn. Ốc có nhiều cách chế biến như hấp, luộc, nướng, xốc, um với bơ, tỏi, me, ớt, sa tế… và hầu hết các gia vị chấm làm ngon. Ngoài ốc, quán còn kèm cua, ghẹ, hột vịt lộn, khô mực, khô cá khoai…

Hiện những phố ốc nổi tiếng ở Sài Gòn với mức độ sầm uất phải kể đến là dãy quán hai bên đường Thành Thái, quận 10 bán từ trưa cho đến khuya, đèn đuốc sáng choang.

Ít ồn ào hơn là phố ốc trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 và hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc, quận 3. Có tiếng từ lâu có xóm ốc hẻm 391 – 393 Trần Hưng Đạo, quận 1. Và hàng trăm quán ốc vỉa hè đúng nghĩa có mặt khắp Sài Gòn để phục vụ khách ăn rong...

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống