Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 7 September 2012

Thắng cảnh Dốc Lết thuộc huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), cách Nha Trang khoảng 45 km, là một trong những điểm du lịch lý thú nhất của Khánh Hòa, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Cái tên Dốc Lết có từ xa xưa. Ngày đó, nơi đây là vùng đất hoang vu, với những dải cát trắng trải dài bất tận, những đụn cát cao hàng chục mét, ngăn cách bãi biển với phần đất ven bờ. Ai muốn đến bãi tắm phải leo qua những đụn cát, vừa leo vừa thở vừa lết nên cái tên Dốc Lết ra đời từ đó. Năm 1999, Công ty du lịch Khánh Hòa đầu tư hơn 7 tỷ đồng, biến khu đất 4 ha này thành một trong những điểm đến thú vị, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến Dốc Lết là sự thanh bình đến tuyệt đối của rừng phi lao xanh mướt, mát rượi, phủ kín hơn 2,5 km chiều dài bờ biển hình vòng cung. Bãi cát trắng phau, ôm ấp làn nước biển xanh trong. Nước biển nơi đây trong vắt, có thể nhìn rõ những hạt cát trắng lấp lánh dưới đáy. Ðược bao bọc bởi những dãy đảo ngoài xa, mặt biển luôn êm dịu, hiền hòa ngay cả những ngày gió bão.

Những lớp sóng lăn tăn, lấp lánh nắng, vờn đuổi nhau đến tận bờ cát. Đứng trên bãi, phóng tầm mắt ra xung quanh, bạn có thể nhìn thấy bán đảo Hòn Khói trước mặt. Bên phải, nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin luôn nhộn nhịp với những chiếc tàu đậu san sát như những quân cờ đôminô. Xa xa là những dãy núi chập chùng màu lam khi ẩn khi hiện giữa màu mây và màu nắng.

Sau những giờ phút tung tăng vui đùa cùng sóng biển, bạn hãy lên bờ, dạo một vòng trong khu rừng phi lao. Bước trên những thảm lá phi lao dày, căng ngực hít thở bầu không khí tinh khiết, lắng nghe tiếng chim ríu rít trên cây... bạn sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản trong khung cảnh yên bình, dễ chịu.

Một điều thú vị khác ở Dốc Lết là dạo chợ hải sản. Ở đây có đủ loại sản phẩm của biển: tôm, ghẹ, cua, ốc nhảy, tôm tích, ốc gai, sò lông, sò dương… tươi rói. Sau khi chọn mua hàng, bạn cứ thong thả ngồi dưới bóng mát phi lao chờ đợi. 15 phút sau, những món đặc sản biển thơm lừng mùi gia vị sẽ được đem tới. Thưởng thức món ngon nóng hổi, ngay bên bờ biển, trong làn gió mát rượi…là thú ẩm thực không gì sánh bằng.

Nếu nghỉ đêm ở Dốc Lết, không chỉ được đắm mình trong khung cảnh yên bình với tiếng sóng biển rì rào, đi dạo biển đêm, ngắm ánh sáng đèn như sao sa trên mặt biển của những con thuyền đánh bắt hải sản… bạn còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bình minh ở nơi này. Đó thật sự là một bức tranh kỳ ảo của họa sĩ thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo Phương Nga (báo Phụ Nữ)
Cách TP.HCM khoảng 170 km, Đảo Tiên (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) như một trái núi nhỏ nằm giữa sông Đồng Nai nơi thượng nguồn.
Dưới những tán rừng nguyên sinh rộng 57 héc ta, có những con người đã "lôi kéo" vượn, voọc, culi về đây nuôi dưỡng. Đó là các chuyên gia về động vật và môi trường của tổ chức Monkey World cùng các nhân viên lâm sinh Việt Nam, cùng chung nỗ lực cứu hộ loài linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam và Campuchia.

Bước lên Đảo Tiên, cuộc bách bộ dài 700 mét của du khách được nhắc nhở đừng gây tiếng ồn, đừng bỏ lỡ cơ hội nghe được tiếng hạt sương rơi độp trên lá khô, tiếng vượn hú vang vọng dưới những vòm xanh, như những lời đón chào thân thiện.

Đảo Tiên đón du khách bằng li ti hoa dại dưới chân, cây xanh, dây leo đan kín, những cây khô già in trên nền trời như một bức tranh…

Đến giữa Đảo Tiên du khách sẽ gặp Tiến sĩ Marina, công dân Anh, người đã sống ở đây gần 5 năm để nghiên cứu khoa học và chăm sóc các loài linh trưởng. Mỗi sáng, bà là người nội trợ ra thực đơn cho các “cô cậu” đang nhảy nhót trong chuồng. Khi chúng no nê thì bà quan sát xem cả lũ vui đùa ra sao để giúp chúng chuyển tiếp tập tính sống trong sự nuôi nhốt ra môi trường tự do.

Đến Đảo Tiên, du khách như trở lại bài học phổ thông về nguồn gốc loài người, kiến thức về đời sống của các loài linh trưởng... Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Cát Tiên đã nỗ lực để các loài linh trưởng được đưa về đây từ nhiều nguồn, bị săn bắt, nuôi nhốt...được chăm sóc, ăn uống đúng cách, được hỗ trợ để sinh con đẻ cái và dắt nhau về lại rừng lập bầy đàn, sống hoà hợp với môi trường tự nhiên.

< Ban đầu, những con voọc phải sống trong những chuồng kín trước khi được huấn luyện chuyển tiếp tập tính sống.

Đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, ngoài cảnh quan quyến rũ, hít thở không khí trong lành giữa rừng nguyên sinh, du khách còn có cơ hội tìm hiểu, quan sát đời sống sinh động và thú vị của những chàng “Tề Thiên” chuyền cành, hái lá, bẻ trái cho vợ cõng con lẽo đẽo theo sau tại Đảo Tiên.

Đảo Tiên, một hòn đảo nhỏ nhưng cho chúng ta hiểu thêm một điều lớn về sự sống của muôn loài, trong đó có con người, nương tựa nhau dưới những vòm xanh, trong sự đa dạng và cân bằng sinh học.

Du lịch, GO! - Theo Phunuonline
Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline

Tháng 3.1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời ở phố Hàng Đào với mục tiêu xóa bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho, tiếp nhận tư tưởng mới, khuyến khích học chữ quốc ngữ, chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển kinh tế. Trường nhận cả học sinh nữ.

Hưởng ứng mục tiêu của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều đàn ông Hà Nội đã cắt bỏ búi tóc, đàn bà thì cạo răng đen thành răng trắng. Và người phụ nữ Hà Nội đầu tiên cạo răng đen là Lương Thị Bẩy, con gái của một trong những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ cử Lương Văn Can. Nhưng không phải ai cũng như Lương Thị Bẩy, vì nhiều người vẫn cho rằng để răng trắng là không đứng đắn.

Như nhiều tục lệ khác, tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ huyền thoại về ông vua, chồng của một nữ thần biển. Vị nữ thần biển này đẻ được 100 trứng nở ra 100 người con trai. Chẳng bao lâu, hai người chia tay nhau vì xích mích. Nữ thần biển muốn mang 100 người con trai theo mình về biển. Ông vua tìm cách giấu được 50 người con, và để đánh lạc hướng người mẹ nhất định tìm con, ông vua đã xăm da và nhuộm đen răng của lũ trẻ để không thể nhận ra. Tuy nhiên, thật khó xác định tục này bắt đầu từ khi nào.

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971) viết rằng: “Sứ thần của Văn Lang (Giao Chỉ) trả lời vua Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu: Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm răng đen”. Sách viết tiếp: “Thời Hùng Vương ai cũng xăm mình, ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu”. Các nhà khảo cổ Việt Nam từng tìm thấy răng người Việt cổ có vết nhuộm đen tại di chỉ văn hóa Đông Sơn - Thanh Hóa (khoảng thiên niên kỷ thứ nhất TCN).

Cuốn Ghi chép và kỷ niệm ở Bắc Kỳ (Au Tonkin-notes et souvenirs - Paris, 1925) của Bonnal, viên công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội (1883 - 1885), viết: “Những đứa trẻ, cả con trai, con gái trắng nhưng khi lớn lên chúng nhuộm đen vì nếu không nhuộm đen thật đáng xấu hổ khi có một hàm răng trắng nhởn như răng chó”.

Nhuộm răng được coi là tục đẹp của người Đàng Ngoài, và răng trắng bị coi như là răng chó hay “răng trắng như răng người Ngô” (ám chỉ người Trung Quốc). Trong văn chương, ca dao thì tục nhuộm răng và răng đen của phụ nữ được ca ngợi và tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu. Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

Và để hấp dẫn cánh đàn ông, người con gái rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Trong bài hịch kêu gọi quân sĩ tại lễ thệ sư ở Thọ Hạc (Thanh Hóa), vua Quang Trung đã cổ vũ tướng lĩnh đánh quân xâm lược nhà Thanh:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Theo khảo sát của một viên bác sĩ Pháp đối với những người An Nam bị bắt phải sang Pháp làm lính thợ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thì trong số 1.430 lính bản xứ tuyển mộ ở nông thôn có 1.037 người răng đen. Vì thế có thể tạm suy ra 80% dân quê ở Bắc kỳ nhuộm răng đen. Trong số đó, 60% có độ tuổi từ 22 - 26. Những người Việt làm lính thợ thường bị lính người Ma Rốc, Sénégal cao to hành hung, áp bức. Để hạn chế tình trạng bắt nạt lính An Nam nhỏ con, một sĩ quan Pháp đã phao tin rằng những người răng đen có khả năng ăn thịt người và chỉ trong một tiếng, họ có thể xơi gọn hai cái đùi, khiến đám lính châu Phi hoảng sợ, từ đấy lính thợ An Nam mới được yên thân.

Báo Phụ nữ thời đàm số ra ngày 29.10.1933 mô tả cô gái tân thời Hà Nội: “Quần trắng áo mầu, giầy cao gót... để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch... nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ...”. Bài báo cũng nhấn mạnh: “Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là tân”.

Còn báo Phong hóa viết: “Chúng em đuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng trắng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răng đen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia... chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm ái mát hơn cái quần sồi dầy cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì nhưng các cụ bảo nó sạch vì nó đen”. Trong luận văn bác sĩ của Vũ Ngọc Quỳnh (Le laquage des dents en Indochine, H.1937) thì năm 1936, số phụ nữ răng đen ở Hà Nội ở tuổi từ 18 trở xuống còn rất ít. Và điều đó dẫn đến tiếc nuối:

Nhớ hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ cô con gái hàm răng đen huyền.

Răng tetracycline

Ngày nay, nếu thấy chị em nào có mấy chiếc răng cửa nhìn như “răng cải mả” thì chắc chắn là họ sinh trong khoảng từ năm 1972 - 1974. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì trong những năm này ở Hà Nội xuất hiện nhiều đợt sốt dịch và trong đơn thuốc bao giờ cũng có tetracycline - một loại thuốc kháng sinh, do Liên Xô sản xuất. Thời ấy một số người coi tetracycline như một loại thuốc vạn năng, có thể trị được bách bệnh, vì thế không chỉ khi viêm nhiễm, mà cả khi nhức đầu sổ mũi là lập tức làm mấy viên tetracycline. Loại kháng sinh này chính là thủ phạm làm bong men răng, dù khi lớn lên thay răng sữa mà răng vẫn vàng khè, loang lổ vết đen.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống