Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 8 September 2012

Sa Pa dành chừng 15 phút lưu lại là quá đủ cho một tách càphê nóng, thuê xe máy, xốc lại hành lý; bắt đầu cuộc hành trình lấy Sa Pa làm… bàn đạp cho những kẻ mê khám phá Tây Bắc trên lưng “ngựa sắt”.
Chuyến tàu đêm Hà Nội – Lào Cai vào ga lúc trời tờ mờ sáng, sau bát phở ấm bụng trên con phố đối diện ga là chuyến xe mất khoảng một tiếng đồng hồ lượn đèo. Đến Sa Pa – thành phố du lịch vừa mới cựa mình tỉnh dậy.

Mường Hum, Y Tý đẹp như tranh

Chặng đường 35km đi Mường Hum bắt đầu dưới vòng lăn của bánh xe. Những dải ruộng bậc thang trải dài từ triền núi kéo dài xuống tận thung lũng bắt đầu hiện ra trước mắt với phảng phất mây vờn.

Những khe nước trong veo thỉnh thoảng lại róc rách chảy không ngừng suốt dọc đường đi. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau khiến người cầm lái dễ rơi vào cảm giác say đường, chẳng thể phân biệt đoạn nào đang lên, đoạn nào đang xuống dốc. Thỉnh thoảng, trước mắt lại hiện ra một rừng tre thẳng băng, cao vút, tăm tắp tưởng chừng chỉ được thấy trong phim.

Ba cây số cuối cùng đường đá hộc gập ghềnh, những đoạn suối “đột nhiên” chảy băng ngang, những vạt đất sạt từ trên vách núi xuống trở thành những thử thách mà không kém phần thú vị cho những người yêu cảm giác phiêu lưu. Dừng chân ở Mường Hum, nơi chợ phiên lớn nhất vùng nhóm vào chủ nhật hàng tuần với đầy đủ màu sắc văn hóa, ẩm thực và giao thương của các dân tộc sống nơi đây. Bữa trưa đầu tiên với lòng, lưỡi lợn đen, kèm rau củ, rau thơm mang hương vị đặc trưng xứ Nậm Pung – “Tây Bắc đệ nhất mỹ tửu”. Rượu Nậm Pung nấu bằng thóc và men lá, nặng nhưng rất đằm; chai vừa mở nút đã nghe thoảng hương thơm của thóc.

Mất khoảng hai giờ chạy xe nữa là đến Y Tý. Nằm ở vị trí cao hơn Sa Pa, ngoài cảnh quan hùng vĩ, một bên dốc sâu đổ thẳng xuống thung lũng, một bên là núi cao dựng đứng, nơi đây làm say lòng người với lúa, mây, tuyết và nhà trình tường.

Những ngôi nhà bốn mặt vách đổ bằng đất sét, dày tối thiểu nửa mét. Người ta thoạt đầu dùng gỗ làm nẹp xương, đổ đất sét đã trộn vào, nện chặt, rồi cứ thế cao lên dần cho đến khi vừa ý. Rui, mè, dầm, kèo cột đều là gỗ có sẵn, mái xưa lợp bằng lá gianh, nay thay dần bằng tấm lợp ximăng. Chỉ có vách đất sét mới chịu được cái lạnh khắc nghiệt mùa đông, nhưng mùa hè lại mát. Tại đây, có thể nghỉ qua đêm ở nhà Mỷ, nhà Si với điều kiện khá tốt: đầy đủ chăn nệm sạch sẽ, tắm nước nóng, ngâm thuốc người Dao… Chiều, bỏ xe leo bộ ngược lên Phan Cán Sử để tận hưởng cảm giác “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời”*.

Đến Y Tý, không thể không thưởng thức rượu thóc Sim San. Nhẹ hơn Nậm Pung khá nhiều, vị hơi chua đặc trưng, Sim San khá thích hợp cho buổi tửu đàm, ngắm trăng đêm nơi vùng biên hẻo lánh này. Những ngày cuối năm có tuyết rơi, sáng sớm chạy xe trên những con đường đèo sát biên giới, qua Sim San, lên Hồng Ngài chiêm ngưỡng những khu rừng phủ tuyết, vương vất trên cành cây ven đường – những khoảnh khắc khó quên. Sáng sớm, mở cửa ra tận hưởng mây ùa vào nhà, mây giăng giăng khắp nơi, từ triền núi, xuống thung lũng. Cảm giác người như bồng bềnh trong mây. Ở Tây Bắc, có lẽ Y Tý là nơi mây đẹp nhất.

Tắm dược thảo, ăn vịt suối

Giữa tháng 9, mùa lúa chín, con đường xuôi theo A Lù, A Mú Sung xuống đến Lũng Pô tràn ngập những bức tranh rực rỡ sắc màu của ruộng bậc thang. Cảnh sắc tuyệt đẹp ùa vào tầm mắt, không khí se se lạnh khiến đôi lúc người cầm lái cứ vẩn vơ giữa cảnh sắc đất trời.

Lũng Pô là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Chạy ngược đường vào ba cây số đến đồn biên phòng Lũng Pô, những chiến sĩ nơi đây sẽ dẫn đi xem cột mốc biên giới, ngắm nhìn ngã ba, nơi dòng sông nửa xanh biếc, nửa đỏ quạch phù sa đưa dòng sông Hồng nhập vào đất Việt, chảy về xuôi. Dọc theo dòng sông chạy về Lào Cai qua Trình Tường, Bát Xát, dòng sông thoắt ẩn, thoắt hiện theo những cung đường. Bên kia là đất Trung Quốc với con đường xuyên Á được đặt trên những cây cầu vượt dài vài chục cây số.

Bỏ lại sau lưng những cung đường vắng vẻ, hoà mình vào những đoàn xe đón đưa du khách từ Lào Cai lên, từ Sa Pa xuống để hoàn tất một vòng tròn về với điểm xuất phát – Sa Pa. Lại lướt qua phố xá tấp nập đầy sắc màu, người ngựa, xuôi theo đường nhỏ chạy thêm 15km thẳng xuống Bản Hồ. Con đường nhỏ dựng đứng đổ thẳng xuống, chạy qua một cây cầu nhỏ bắc qua dòng suối là đến nhà Lý Phủ Tình. Sáu bồn gỗ ngâm thuốc theo công thức bí truyền của người Dao lúc nào cũng sẵn giúp xua tan mọi mệt mỏi của một ngày rong ruổi trên yên ngựa sắt.

Sau 30 phút tận hưởng cảm giác say say, ngồ ngộ, dễ chịu khi đắm mình trong bồn thuốc thơm mùi dược thảo; rồi thưởng bữa trưa với món chính là vịt suối. Vịt suối ở đây lông xanh óng ánh, to như ngan (vịt xiêm), thịt thơm. Đi kèm là bí luộc, ngọn su su xào. Không thể thiếu tiết canh sóng sánh, ăn kèm đọt kinh giới hái ngay vườn nhà, đĩa ngô nếp rang và nậm rượu Thanh Kim. Rượu Thanh Kim được nấu ngay tại nhà, nặng và bớt chua hơn Sim San, mặc dù vẫn mang hương đặc trưng của thóc.

Ngược Sa Pa, lưu lại mươi lăm phút để làm thủ tục trả xe, đắm mình trong mùi thơm tách càphê nóng, ngắm cảnh chiều muộn nơi phố núi với mây giăng. Đón chuyến xe cuối về xuôi, mang theo nỗi nhớ cung đường Tây Bắc đầy thú vị mà ăm ắp luyến lưu. (* thơ Quang Dũng).

Du lịch, GO! - Theo Tiên Lâm (SGTT), ảnh internet
Đào Nhật Tân - linh hồn của những ngày tết, cũng từng bị coi là hoa tư sản, bị ế ẩm và bị phá sạch hồi thập niên 50 thế kỷ trước.
Dân gian có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế”, vậy đào Nhật Tân có từ bao giờ?

Trở lại thế kỷ thứ 7, Tống Bình trở thành thủ phủ của mười hai châu, năm mươi huyện thuộc An Nam đô hộ phủ do nhà Đường (Trung Quốc) lập ra vào năm 607. An Nam đô hộ phủ đặt ở vị trí mà nay là đất Phú Thượng, Nhật Tân (thuộc quận Tây Hồ). Quan và quân Trung Hoa ở đây không biết bao giờ được về quê hương và để bớt nỗi nhớ, đồng thời tính được thời gian ở Giao Chỉ, viên quan đứng đầu đã sai quân lên rừng Hoàng Liên Sơn đốn đào mang về trồng. Khi hoa nở, họ biết tết sắp đến ở quê nhà và cộng các mùa hoa lại, họ biết đã ở đất Giao Chỉ bao nhiêu năm.

Một giai thoại được sách chép lại là Tết  Kỷ Dậu (1789), sau khi tiêu diệt 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long, Quang Trung đã sai quân phi ngựa thần tốc ngày đêm mang một cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu. Vì là giai thoại nên có thể thật và không thật, nhưng ít nhiều đều xuất phát từ hiện thực cuộc sống. Xâu chuỗi với chuyện hoa đào ở An Nam đô hộ phủ thì có thể đưa ra kết luận hoa đào ở Nhật Tân rất có thể có từ thế kỷ thứ 7.

Đào phai bây giờ vẫn còn ở Nhật Tân nhưng còn đào bích có từ bao giờ? Trong một bài đăng trên Báo Hà Nội mới số Xuân năm 1981 có đoạn: “Đầu thế kỷ 20 có một khách phương xa đem đến quán Trấn Vũ một cành đào bích, cụ thủ từ là Đồng Khuê thấy hoa đỏ thắm rực cả góc chùa, nhận thấy đây là giống đào quý hiếm bèn ghép vào gốc đào ta để giữ giống rồi sau đó giao cho hai người làng Nhật Tân là Đường Nguyên và Hương Việt.

Từ đó bích đào được dân làng Nhật Tân nhân rộng ra”. Đến Nhật Tân hỏi tung tích hai cụ Đường Nguyên và Hương Việt, nhưng vì chỉ có tên chữ, không có tên Nôm, nên không ai trong làng biết cụ Đường Nguyên và Hương Việt ở xóm nào. Khách phương xa đến quán Trấn Vũ nếu là người Việt Nam thì chắc hẳn phải có vùng đất nào đó ở miền Bắc có giống đào này. Tuy nhiên đến nay, không thấy sách xưa nói đến chuyện này. Nếu khách phương xa là người Trung Hoa thì có thể tin được vì từ xưa Trung Hoa đã có giống bích đào. Phải chăng bích đào ở Nhật Tân có nguồn gốc từ Trung Hoa?

Trước năm 1954, Nhật Tân có dinh Lẫm chuyên trồng đào nên còn gọi là dinh Đào. Dinh rộng chừng 5 ha trông ra hồ Tây. Tương truyền rằng ở đây có cây đào tổ. Ngoài dinh Đào thì dân cũng trồng ở những mảnh đất nhỏ và với dân số vài chục vạn người thì hàng vạn cành đào là đủ cung cấp cho thú chơi ngày tết của Hà Nội.

Ngày 10.10.1954, bộ đội về tiếp quản thủ đô. Đó là một ngày không thể nào quên với người Hà Nội và cả dân tộc khi Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam chấm dứt gần một trăm năm chiếm đóng mảnh đất hình chữ S. Tới tết ông Công, ông Táo, lác đác đã có nhà cắt đào mang vào phố và hớn hở về nhà. Nhưng những ngày sau thì mang đi lại mang về. Cả làng ngơ ngác. Đến 27 tết thì nỗi lo âu hiện ra trên nét mặt những người nông dân. Chợ hoa Hàng Lược đông hơn mọi năm nhưng lại ít người mua đào hơn. Dân làng không biết điều gì xảy ra và sau đó mới vỡ lẽ khi người đi chợ hoa bảo hoa đào là hoa của tư sản nên không ai muốn đón năm mới bằng thứ hoa của giai cấp vừa bị cách mạng lật đổ.

Người bán hoa nhớn nhác, người ở nhà thì nóng ruột khi không thấy con cháu về lấy thêm. Đến đêm ba mươi, người mua đào vẫn thưa thớt. Tết năm ấy nỗi buồn trùm lên Nhật Tân. Hoa đào ế chất đầy vườn. Sang năm 1955, dinh Đào bị phá sạch và người ta nuôi vịt nên có tên là trại Vịt. Một ngày, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trần Duy Hưng về thăm nhà ở Xuân Đỉnh, đi qua dinh Đào quen thuộc với người Hà Nội, không thấy đào mà chỉ thấy vịt, ông ghé vào hỏi thăm mới biết chuyện. Ông khuyên mọi người quay lại trồng đào vì tin hoa đào là hoa của tư sản chỉ là tin đồn không căn cứ. Và cây đào hồi sinh ở Nhật Tân. Trước kia, đào chỉ được trồng ở một số diện tích nhất định trong làng và ở dinh cổ, sau do nhu cầu ngày càng lớn nên làng mới trồng trên đất lúa.

Người xưa hay ví người con gái xinh đẹp nhưng duyên tình trắc trở là “phận má đào”. Và đào Nhật Tân cũng có thân phận chẳng khác gì cô gái xinh đẹp kia. Năm 2001, dự án xây khu đô thị mới Ciputra liên doanh với nước ngoài triển khai thì cả ruộng đào nằm trong dự án nên bị thu hồi. Người sống chết với đào chết đứng, chạy ngược chạy xuôi gõ các cửa, báo chí lên tiếng nhưng thành phố đã quyết rồi... Và nhiều nhà âm thầm ra bãi sông Hồng gây dựng lại từ đầu. Một cú sốc nữa với đào Nhật Tân là năm 2006, năm đó chứng khoán là kênh thu hút rất đông người đầu tư, bỏ tiền vào mã nào cũng có ăn vì thế người ta kiêng màu đỏ và dân chứng khoán kiên quyết không trưng đào.

Bây giờ đào ngoài bãi rất đẹp, ấy là nhờ những người sống chết với loài hoa này, nhờ công lao và kinh nghiệm bao đời truyền lại. Đúng là những gì là của dân, thuộc về dân thì dân không bỏ dù ai đó muốn bỏ.

Bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có mười hai hay mười bốn cánh nhưng cũng có loại bông kép có tới ba hai cánh, loại này ít trồng vì không được người chơi ưa chuộng. Cánh bích đào dày có màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp bao bọc nhị vàng phía trong tỏa ra tua tủa, lá bích đào hình mũi mác màu xanh biếc, cành vươn thẳng đứng.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Rượu nhụy sen, rượu làng Mơ, rượu Ruhm, rượu quốc lủi... tất cả đều gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử của đất Thăng Long xưa.

< Lò nấu rượu.

Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết, phường Thụy Chương nấu rượu ngon có tiếng. Thụy Chương là một trong sáu phường của Tổng Trung thuộc huyện Vĩnh Thuận, sang đời Nguyễn phải đổi thành Thụy Khuê, vì kiêng húy của Nguyễn Hiến Tổ (Chương hoàng đế là miếu hiệu của Thiệu Trị). Ca dao tục ngữ Hà Nội có câu:

Làng Võng (Võng Thị ngày nay) bán lợn bán gà
Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) nấu rượu là đà cả đêm

Nằm cạnh Hồ Tây với hoa sen bát ngát, tháng năm sen nở tỏa hương khắp vùng phía tây kinh thành nên Thụy Chương cũng nổi tiếng khắp kinh thành về rượu nhụy sen.


< Nhà máy rượu Hà Nội.

Tương truyền rượu sen Thụy Chương ngon đến mức Đức Phật cũng không cưỡng lại được, dù giáo lý “ngũ giới” của nhà Phật có “giới tửu” (cấm rượu). Chuyện kể rằng, Phật đã đến đây và nhiều lần uống say, nên dân trong vùng đã cho dựng tượng Phật say ở chùa Đõ (chùa này nay không còn).

Cách đây chừng ba chục năm, các sư ở chùa Kim Liên (Q.Tây Hồ) đã thử phục hồi lại cách làm rượu nhụy sen. Cứ một lớp cơm trộn men lại rải một lớp nhụy sen sau đó ủ cho đến khi cơm ngấu men thì đổ nước mưa và chờ cho nổi cơm thì nấu như nấu rượu thường. Kết quả được thứ rượu có mùi thơm nhẹ, uống rất dễ chịu. Tuy nhiên để có được mười lít rượu quý này thì phải cần tới cả đầm sen để lấy nhụy.

Một vùng đất khác ở Thăng Long nấu rượu cũng rất nổi tiếng, đó là Kẻ Mơ (nay là khu vực gồm Mai Động, Tương Mai, Hoàng Mai, Q.Hoàng Mai):

Em là con gái kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành…
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Hay: Rượu làng Mơ, thơ làng Lũ (Kim Lũ thuộc Q.Hoàng Mai nổi tiếng có nhiều người làm thơ hay, trong đó phải kể đến Nguyễn Siêu) và Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch (làng có nhiều người chơi cờ tướng giỏi ở H.Bình Giang, Hải Dương). Điều đó cho thấy rượu Mơ không chỉ nổi tiếng ở Thăng Long mà còn lừng danh thiên hạ. Phía tây nam thành Thăng Long có làng Vọng (nay là P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân) nấu rượu rất ngon, ngoài ra còn có rượu Ngâu (nay là Yên Ngưu, Hoàng Liệt, H.Thanh Trì), làng Thổ Khối (Gia Lâm).

S.Baron là con lai đầu tiên với người phương Tây ở Thăng Long, kết quả giữa một nhà buôn người Hà Lan và một phụ nữ Thăng Long thế kỷ 17.


< Nấu rượu ngô.

Mấy chục năm sống ở Thăng Long và làm cho Công ty Đông Ấn Anh, S.Baron viết cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (Description of the Kingdom of Tonkin - xuất bản ở Paris, năm 1683), về uống rượu, S.Baron viết: “... Dân chúng Thăng Long hiếm khi thấy họ uống say còn quan lại và binh sĩ thì uống rượu khỏe được cho là dũng cảm nhưng không uống đến mức không biết gì”.

Năm 1895, Pháp xây nhà máy rượu trên đất của hai thôn Cảm Ứng và Hòa Mã (nay nằm trên ba mặt phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc và Hòa Mã). Chủ hãng rượu tên là Fontaine. Nhà máy sản xuất các loại rượu trắng 35 độ, rượu Cúc, Ngũ gia bì...

Cũng từ năm 1890 đến 1900, Hà Nội lại có thêm hai nhà máy rượu nữa ở phố Hàng Than, một là của Wurhlin chuyên sản xuất rượu nếp đóng chai với công suất 500 lít/ngày, và nhà máy kia là của Denoc chuyên sản suất rượu Rhum bằng mật mía. Trước đó, rượu ta không bán theo lít mà bán theo cân ta.


< Phố Hàng Bạc.

Còn rượu của Tây lại đóng vào hai loại chai là nửa lít và một phần tư lít (còn gọi là cút). Rượu do Tây sản xuất ban đầu không bán được, lại phải đóng thuế, nên đám chủ nhà máy kêu lên chính quyền yêu cầu rượu ở Hà Nội cũng phải đóng thuế. Chính quyền nghe lọt tai yêu cầu ai nấu rượu phải báo lên quan địa phương và phải nộp thuế mỗi chai một xu. Nhưng người Hà Nội lý sự: “Chúng tôi nấu để uống có bán cho ai đâu mà bắt đóng thuế”, thế là không ai đóng.

Các chủ nhà máy thúc mạnh và lấy lý do vì rượu nấu thủ công không đảm bảo chất lượng và trốn thuế, nên chính quyền ra lệnh cấm, ai vi phạm bắt được sẽ bỏ tù. Nghiêm như vậy nhưng dân vẫn nấu, vì thế Tây đoan gọi là “rượu lậu”, còn cánh nhà Nho ở Hà Nội thì chua chát gọi là “quốc lủi”. Lệnh cấm rượu khiến các làng nấu rượu có tiếng đất Thăng Long - Hà Nội mất dần. Các tiệm rượu quan quản R.A (Régie Alcool) xuất hiện trên rất nhiều phố, cùng với thuốc phiện hộp R.O. Một mặt của tấm biển quảng cáo có chữ R.A và mặt kia là R.O cạnh đó là ba sắc (cờ Pháp).

< Ống khói nhà máy Rượu Hà Nội xưa.

Ở Hà Nội, đầu thế kỷ 20, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không chỉ nổi tiếng về thơ mà còn nổi tiếng về ham chơi và nhất là rượu. Một lần tri huyện ngoại thành nghe tiếng Tản Đà đã đích thân tìm ông và mời tới nhà uống rượu, vốn từ lâu không ưa đám quan phủ, quan huyện nhưng ông vẫn nhận lời. Bữa rượu còn có bạn bè ông ta và vài chánh lý các xã, sở dĩ tri phủ cho gọi các ông này là để trả tiền cho bữa rượu đồng thời chứng kiến quan huyện nhà giao thiệp rộng rãi thế nào. Uống đến chén thứ năm, viên tri huyện mời ông đọc thơ, bực mình trước sự dốt nát lại hay khoe khoang, Tản Đà lấy giọng và đọc:

Chỉ vì thần dân ngu như lợn
Cho nên chúng nó được làm quan

Nghe xong tri huyện ngậm bồ hồn làm ngọt. Uống thêm một chén như lời cám ơn bữa rượu, Tản Đà cáo bận xin về. Từ các nhà văn, nhà thơ Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Trần Huyền Trân đến lớp ít tuổi hơn như Nguyễn Vỹ, Vũ Bằng khi viết về ông không thể không nói đến chuyện rượu. Còn ông thì tuyên ngôn:

Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ, không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

Và tự biện:
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười?

“Khi nào có khách cần thết rượu thì dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái mà uống, vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là đắm say” - Phạm Đình Hồ, ghi nhận mỹ tục của người Thăng Long trong Vũ Trung tùy bút.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống