Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 9 September 2012

“Ai đẽo đá để thành Tam Cốc/ Ai khơi nguồn để nước trong ngần/ Ai đắp bến để thuyền em xuôi ngược… Tam Cốc Ninh Bình… Có dòng sông xanh có núi trập trùng…”.  Những câu hát của nhạc sĩ Thế Hùng đã thôi thúc chúng tôi đến thăm “vịnh Hạ Long thứ hai” - khu danh thắng Tam Cốc (Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Tam Cốc (hay Xuyên Thủy động, Tam Thủy động) là khu di tích - danh thắng thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Nơi đây được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”, “Hạ Long không sóng” hay “Nam thiên đệ nhị động”.
Khu danh thắng gồm ba hang đá tự nhiên (hang Cả - 127m, hang Hai - 60m, hang Ba -50m). Ngoài ra, khu này còn có đền thờ, chứa nhiều dấu tích từ các đời vua nhà Trần. Tiêu biểu là đền Thái Vi - nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung.

< Nhìn từ bến thuyền, khu danh thắng Tam Cốc đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Tam Cốc là khu du lịch hoàn toàn tự nhiên. Chỉ trừ bến thuyền, khu danh thắng này chưa có bất kỳ sự kiến tạo nào bởi con người.

< “Hạ Long trên cạn” thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp của dòng sông Ngô Đồng và dải lúa xanh mướt ven núi.

Rời Hà Nội, chiếc xe 16 chỗ khởi hành trong tiếng hát hò rôm rả của nhóm sinh viên. Chỉ hơn 3 giờ sau, xe đã đến địa phận tỉnh Ninh Bình. Những dãy núi đá bạt ngàn, trùng điệp quanh dòng Ngô Đồng uốn lượn chào đón cả nhóm đến với khu thắng cảnh tự nhiên Tam Cốc.

< Nhìn từ trong hang Cả.

Thuyền tôi được ông Nguyễn Văn Nhạc (60 tuổi) - người dân xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), chèo lái. Hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất quê hương, cũng am hiểu nhiều kiến thức lịch sử - văn hóa nên ngẫu nhiên ông trở thành hướng dẫn viên du lịch cho cả nhóm.

< Phong cảnh thiên nhiên sau hang Hai.

Tháng 3, tiết trời còn se lạnh nhưng không gian xung quanh tràn ngập màu xanh của lúa, cỏ cây và những dãy núi trùng điệp. Nước sông Ngô Đồng lạnh và rất trong. Ngay tại bến đò, ngồi trên thuyền đã có thể chiêm ngưỡng đủ loại rong rêu dưới đáy.
< Đá hình mỏ đại bàng - một mỏm đá tự nhiên đặc biệt ở khu du lịch Tam Cốc.

Sông Ngô Đồng uốn lượn, lách qua nhiều ngọn núi để vòng xuyên qua ba hang tối: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Ông lái đò bảo để khám phá vừa đủ cũng cần khoảng 2 giờ, qua khoảng 7km đường sông.
Mỗi lần đi qua hang, thú vị nhất là cảm nhận được âm thanh của nước vỗ hai bên bờ vách đá. Đôi lúc nước nhỏ từ đá xuống tạo nên thứ âm thanh thật đặc biệt, hệt như tiếng  đàn.

< Người dân xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) coi mỏm đá tự nhiên này là “hòn Vọng Phu số hai”.

Chúng tôi dùng đèn flash của máy ảnh soi lên thành hang để nhìn nhũ đá phát sáng. Trong hang, đá có rất nhiều hình thù nhưng nhiều nhất là dạng uốn theo nước chảy với kích cỡ đủ loại.

Sau mỗi hang, khung cảnh lại đẹp và yên ắng hơn. Đọc đường đến hang Ba, thi thoảng lại bắt gặp những chú cò trắng lặn ngụp bên sông, phía xa từng bầy dê thong thả đang ăn cỏ trên triền núi…

Mỗi mùa Tam Cốc lại mang một vẻ đẹp riêng nên lúc nào cũng đông khách du lịch. Mùa xuân, hai bên dòng sông toàn màu xanh của lúa non nhưng đến tầm tháng 5, tháng 6 lại toàn màu vàng bởi lúa đang mùa chín. Còn khoảng tháng 7 trở đi, từ hai ven bờ sông đến sát tận vách núi, hoa súng nở trắng xóa.

< Với người dân Ninh Bình, mỏm đá có hình người này là biểu trưng của vị thần xây núi. Theo truyền thuyết, khi gánh núi đi ngang qua Tam Cốc, đòn gánh của thần đắp núi bị gãy nên hai quả núi rơi xuống bên sông. Vị thần cũng ở lại đây từ đó. Tuy nhiên đây là mỏm đá tự nhiên có hình thù đặc biệt chứ không nhờ xây, tạc nên.

< Tam Cốc còn là nơi quy tụ của cò.

Đến thăm khu thắng cảnh này có rất nhiều khách nước ngoài. Ngoài việc thưởng ngoạn, chụp hình, vẽ tranh, họ tỏ ra vô cùng thích thú khi được cùng cầm tay chèo với người lái đò.

Chúng tôi kết thúc cuộc “thám hiểm” bằng một phiên chợ nổi trên sông. Sau hang Ba, hàng chục chiếc thuyền hàng và đông đảo khách du lịch tấp nập mua bán. Chợ nổi trên sông Ngô Đồng tuy nhỏ nhưng có đủ thứ hàng hóa từ đồ ăn, hoa quả, đến các loại cây, hoa (đặc biệt là phong lan rừng)…

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Dịu (TTO)
Những ngày cuối tuần hễ rãnh, tôi lên xe phóng ù về quê, nơi có những người chú, người bác chân chất... Và ở đó, tôi được thưởng thức những món dân dã nhất, mà thành thị tìm đỏ mắt cũng chẳng ra.

Từ trước đến nay, những tay sành ăn khi nhắc đến rắn trun, họ nghĩ ngay đến chuyện mang đi xào lá cách; còn nhắc đến lá nhàu thì trong đầu lởn vởn bóng dáng nồi lươn um. Những món ngon không cần bàn cãi của một thời ông cha ta mở cõi. Như một sự kết hợp ngẫu nhiên mà ngon lạ giữa rắn trun và lá nhàu. Có thể tìm thấy ở sự giao thoa này một điều gì đó vừa tinh tế vừa hoang sơ dù chỉ trong một món ẩm thực miệt vườn.

Theo chân chú Năm đi bắt rắn, lục tung cả đám cỏ chát, gò đất cao chỉ được vài con rắn trun, tôi chặc lưỡi ngán ngẩm. Chú Năm cười bảo, “ngán gì mậy! Đừng chê con rắn đen này nghe, để tao chế biến món lạ đãi mầy, ngon hết chỗ nói à!” Tôi bán tín bán nghi và… đợi vậy.

Chỉ cách đây mươi năm thôi, rắn trun là thứ bỏ đi, chẳng người dân quê nào ngó ngàng đến nó cả vì lúc đó rắn ri voi, ri cá, hay hổ đất còn nhiều. Giờ thì những cánh đồng bị khai phá gần hết, đất phải luân phiên quanh năm đâu còn chỗ cho rắn… thượng hạng bám trụ, chỉ còn lại loài rắn trun sống dưới cỏ này thôi. Và, với chú Năm và những người ở quê tôi thì rắn trun xào lá nhàu mới đúng điệu, đó là một bước đột phá của món ngon này.

Rắn trun làm sạch, để con rắn trên miếng đá xanh, chú Năm dùng chai thuỷ tinh lăn mạnh nhiều lần cho con rắn giập mềm. Chú giải thích, dùng sóng lưng dao băm thế nào cũng còn xương vụn, mà xương rắn cứng, ăn dễ mắc cổ. Dùng chai lăn đều xương rắn mềm hết, mà da rắn không bị nát. Chặt nhỏ từng miếng bằng hai lóng tay. Lá nhàu xanh, loại không non nhưng chưa già, bỏ phần cuống lá, rồi xắt sợi dài. Rắn cho vào chảo phi tỏi mỡ, xào đến phát mùi thơm. Cho gia vị, tiêu, nước mắm, bột nêm và một ít càri làm màu. Siêng một chút thì có tí nước cốt dừa càng hay. Khi rắn vừa chín, cho lá nhàu vào chảo đảo đều rồi nhắc xuống. Chú Năm vừa làm vừa nói, “lá nhàu đừng để chín quá, sẽ đắng mà giảm tính thuốc”.

Mấy người cùng nhau bên chiếc bàn tròn dưới bóng cây vú sữa ngoài sân. Đĩa rắn trun xào lá nhàu bốc khói, màu xanh của lá, màu vàng càri, điểm đen ánh của da rắn, trái ớt đỏ, và sóng sánh nước cốt dừa… chao ơi là ngon. “Phần nào trên cây nhàu cũng là thuốc, riêng lá nhàu giúp dễ ngủ, khoẻ gân cốt”, chú Năm “kê toa” vậy. Chai đế cạn dần với bao câu chuyện bên con rắn trun xào lá nhàu cứ rôm ran đến khi mặt trời đi ngủ, trăng nhô lên gần đọt cây vú sữa trong sân nhà.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet


Rắn trun nướng lèo, món ăn thời khẩn hoang Nam bộ

Ở đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, trên những cánh đồng người ta bắt được rất nhiều rắn trun. Giống như thời khẩn hoang xưa, rắn sau khi làm thịt được kẹp nẹp tre nướng trên lửa than hồng thơm nứt mũi.

Rắn trun là loại rắn nước lành, thường sống ở rừng, đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn trun dài khoảng 40 cm đến 60 cm, con nhỏ mình tròn bằng ngón tay út, con lớn có thể to cỡ ngón chân cái người lớn, lưng đen bóng, đầu nhỏ dẹt.

Rắn trun để nguyên con, đập đầu cho chết, khoanh tròn hình chữ S kẹp gắp tre nướng, hoặc nướng vỉ trên lửa than hồng. Trở rắn cho đều, độ chừng non 10 phút, thấy da rắn phù lên rồi nứt bung, răn ra một đường, ấy là rắn đã chín tới. Mở kẹp, vỉ ra, để rắn trên lá chuối xanh cho thịt hút hơi nước dịu lại. Cầm rắn bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất hấp dẫn.

Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, bạn còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...
Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi...

Du lịch, GO! Theo Hoàng Thám (VnExpress)
Ngao du mùa hè thì đến xứ sở nào cũng thú vị. Nhưng có lẽ dưới cái nắng rực rỡ, bầu trời cao và trong xanh, những hòn đảo được ôm ấp bởi biển xanh, những bãi cát hoang vắng được vỗ về bởi sóng nước... mới là những điểm hẹn lý tưởng.

< Đảo Quan Lạn, Quảng Ninh.

Việt Nam với bờ biển dài sở hữu thật nhiều những hòn đảo tuyệt đẹp. Có nơi đã trở thành điểm hẹn quen thuộc mỗi mùa hè, có nơi còn hoang vắng đang đợi bước chân người khám phá. Thế nên, ngoài những hòn đảo đã quá quen thuộc như Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc Tuần Châu (Quảng Ninh) hay hòn Ngọc Việt (Nha Trang)..., còn biết bao nhiêu hòn đảo hoang sơ thú vị khác đang chờ bạn.


Đảo Cát Bà, Hải Phòng

Nằm ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km, Cát Bà từ lâu được biết đến như một điểm du lịch lý tưởng của mùa hè miền Bắc.

Hiện nay, có rất nhiều cách để có thể đến với Cát Bà. Khách du lịch với hành trình dài ngày có thể đi du thuyền trên vịnh Hạ Long rồi sang Cát Bà. Cũng có thể đi tàu cao tốc hoặc tàu cánh ngầm (mỗi ngày đều có chuyến) từ Bến Bính (Hải Phòng) để đến đây. Còn nếu bạn yêu thích khám phá tự do, có thể tự mình đi đường bộ từ Hải Phòng qua phà biển Đình Vũ, ngao du ở Cát Hải trước khi tiếp nối một chuyến phà khác là phà Bến Gót để từ Cát Hải đến với Cát Bà.

Bạn có thể thuê một chiếc thuyền đánh cá của người địa phương hoặc một chuyến tàu du lịch để thẳng tiến ra biển. Thuyền bạn có thể vòng quanh vịnh Lan Hạ và ngắm cảnh thỏa thích cho đến khi tìm được một bãi cát hoang vắng vừa ý để neo lại, tắm biển, thư giãn, nghỉ ngơi và thả hồn cũng sóng nước mây trời. Nếu yêu thích thể thao, bạn cũng có thể thuê một chiếc kayak và tự mình chèo đi vòng quanh các đảo để tận hưởng một mùa hè thú vị khó quên.

Đảo Quan Lạn, Quảng Ninh

Thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, Quan Lạn là một trong những hòn đảo hiếm có giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ.

Từ Hạ Long, bạn có thể đi tàu du lịch đến Quan Lạn, hoặc có thể đi tàu khách từ bến Hòn Gai. Thêm một lựa chọn nữa dễ dàng hơn là bạn đến thẳng bến Vân Đồn thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh để đi Quan Lạn, chỉ mất khoảng 2 giờ. Còn nếu chi phí của bạn rủng rỉnh hơn, có thể thuê hẳn một chiếc canô cao tốc, tận hưởng cảm giác mạnh khi lướt canô dạo quanh Bái Tử Long trước khi đặt chân lên Quan Lạn.

Đảo Quan Lạn còn tuyệt vời hơn bởi tại đây còn có một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 - tức thời Hậu Lê - cách nay gần 400 năm mà vẫn giữ lại hầu như nguyên vẹn những nét đẹp về kiến trúc và những hoa văn chạm trổ tinh vi.

Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Thuộc xã đảo Tân Hiệp, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, Cù Lao Chàm đang mỗi ngày thu hút du khách vì một không gian mát lành yên tĩnh, cảnh quan thơ mộng hoang sơ và còn sở hữu một hệ động thực vật phong phú tuyệt vời.

Tại Hội An, bạn có thể mua một vé từ bất cứ đơn vị bán tour nào với giá 250.000-350.000 đồng/vé tùy vào chất lượng tàu và bữa ăn kèm theo. Thích mạo hiểm, bạn có thể mua vé canô để đi, giá đắt hơn nhưng chỉ 45 phút là đã được đặt chân đến hòn đảo kỳ thú này.

Tại đây, lặn biển hoặc bơi snocker ngắm san hô là hoạt động mà hầu hết mọi người đều yêu thích. Dưới làn nước biển trong xanh như ngọc, những rặng san hô óng ánh màu sắc cứ lung linh dưới đáy biển làm bạn thích thú từ khám phá này đến khám phá khác. Trên những bãi biển hoang vắng, bạn có thể mua một ít hải sản của ngư dân địa phương rồi chế biến tại chỗ để thưởng thức. Ở đây có nhiều loại sò ốc và cá đủ để bạn có những bữa ăn ngon lành.

Cù Lao Câu, Bình Thuận

So với các hòn đảo khác, Cù Lao Câu có lẽ còn hoang sơ hơn cả. Và cũng ít ai biết được nơi đây một “bảo tàng đá” với vô vàn tảng đá muôn hình thù bao quanh đảo, tạo nên cảnh sắc kỳ thú tuyệt vời.

Từ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bạn có thể hỏi thuê một chiếc tàu đánh cá với giá 700.000-1 triệu đồng để ra Cù Lao Câu. Canô thì di chuyển nhanh hơn, có giá 1,8-2 triệu một chuyến bao gồm cả đi về. Nhưng những ai yêu thích khám phá thì thích đi tàu ngư dân hơn vừa mang lại cảm giác bồng bềnh trên sóng nước, vừa có thể ngắm cảnh và chụp ảnh.

Tắm biển, câu cá, dạo chơi ở Cù Lao Câu đều thật tuyệt vì nơi đây còn quá hoang sơ. Nếu may mắn gặp một mẻ lưới của ngư dân được ít cá tươi hay mực tươi, bạn có thể mua để chế biến ngay và thưởng thức. Tuy vậy, bạn cần chuẩn bị lương thực từ đất liền cùng với nước ngọt cho chuyến đi của mình. Trên đảo cũng không có chỗ nghỉ lại, chỉ có một trạm biên phòng nhỏ, cho nên nếu muốn qua đêm tại đây để sớm mai ngắm được bình minh, bạn phải đăng ký trước với trạm trưởng.

Côn Đảo, thiên đường xanh

Một vùng đất thanh bình và trong lành, một hòn đảo mà gió và sóng biển luôn hào phóng, kiêu hãnh và lãng mạn, đấy chính là Côn Đảo, nhiều năm gần đây được xem là thiên đường xanh vào những ngày hè.

Biển xanh bao bọc lấy quanh đảo, gió hồ hởi và vồ vập trên mỗi bước chân qua. Ở bãi Đầm Trầu, nước xanh và phẳng lặng như mặt hồ. Được mấy dãy núi xanh xung quanh ôm ấp, bãi biển này trở nên dịu dàng như một cô gái đương thì. Bãi cát lài và phẳng lặng, mặt biển yên tĩnh và biếc xanh, đẹp đến ngỡ ngàng.

Dạo chơi quanh Côn Đảo, cảm giác sảng khoái càng lúc càng nhiều hơn. Chỉ cần thuê một chiếc xe gắn máy của người địa phương, đổ đầy bình xăng là có thể vi vu ngao du sơn thủy. Sau khi viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm mộ chị Võ Thị Sáu, thăm miếu bà thứ phi Hoàng Phi Yến, bạn có thể trên ngựa sắt rong ruổi ra mũi Cá Mập, mũi Tà Bê để nhìn biển Côn Đảo ở các góc nhìn khác nhau.

Khi đói lòng, có thể ghé đến những nhà hàng ở đây và gọi món ốc vú nàng nổi tiếng hoặc món cá bò hộp nướng đặc sản Côn Đảo sẽ thấy chuyến đi của mình càng thú vị hơn bội phần.

Du lịch, GO! - Theo Huỳnh Thu Dung (TTO), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống