Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 10 September 2012

“Một chọi một lên cột đồng hồ” là câu nói thịnh hành của giới trẻ ở Hà Nội trong những năm 60, 70 thế kỷ trước. “Một chọi một” nghĩa là để giải quyết va chạm hoặc mâu thuẫn, cánh thanh niên xử sự rất quân tử là đánh nhau tay đôi; còn “cột đồng hồ” là địa danh ở đầu phố Hàng Đậu, nơi có chiếc đồng hồ công cộng. Nhưng tại sao lại rủ nhau lên cột đồng hồ để tỷ thí? Và có phải cột đồng hồ Hàng Đậu hay cột đồng hồ khác vì Hà Nội có khá nhiều cột đồng hồ công cộng?

...Chiếc đồng hồ ở tháp giữa, ngay dưới thánh giá của nhà thờ lớn trên phố Nhà Chung khánh thành vào Noel năm 1886. Đúng 12 giờ đêm hôm đó, nó gióng giả 12 tiếng chuông làm các tín đồ Công giáo và cư dân quanh khu vực ngạc nhiên. Dù đồng hồ của nhà thờ Công giáo để con chiên biết giờ hành lễ, song nó cũng là đồng hồ công cộng theo kiểu phương Tây đầu tiên ở Hà Nội.

Mặt đồng hồ quay ra ngoài đường, ai cũng nhìn thấy, hơn nữa, đồng hồ này không tính theo giờ âm lịch của Trung Hoa mà tính theo múi giờ Việt Nam (GMT+7).

Đồng hồ và truyền giáo chẳng có gì liên quan với nhau, thế nhưng ở đất Thăng Long, đồng hồ giúp các nhà truyền giáo thực hiện được sứ mệnh của họ. Chuyện đó diễn ra vào đầu thế kỷ 17. Sau mấy năm dọc ngang ở Đàng Trong, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660), một trong những người ngoại quốc góp phần sáng tạo ra chữ Việt hôm nay, quyết định ra Đàng Ngoài truyền giáo.

< Cột Đồng Hồ xưa...

Tháng 3.1627, ông được chúa Trịnh Tráng, con trai cả của Trịnh Tùng, khi đó đang mang quân đi đánh Đàng Trong, gọi đến gặp ở Ninh Bình. Đánh nhau trở về, ngày 2.6.1627, Trịnh Tráng cho gọi Alexandre de Rhodes vào thành Thăng Long, cho phép ông được giảng đạo. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, từ Giáng sinh năm 1927 đến lễ Phục sinh (tháng tư) năm 1628 đã có 500 người dân được rửa tội và hai mươi nhà thờ được xây dựng.

Lo ngại trước thành công đó, triều đình quyết định trục xuất Alexandre de Rhodes và đoàn truyền giáo. Tuy nhiên, họ tìm cách lần lữa, chỉ ra khỏi Thăng Long mà không trở vào Đàng Trong. Họ sống quanh quẩn ở Phố Hiến và các tỉnh lân cận. Lúc này dân ở Đàng Ngoài không có tục xem đồng hồ, với họ là “cơm vua, ngày trời”, thời gian đâu có ý nghĩa gì. Thế nên người dân chia ngày ra làm ba phần: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối và ấn định thêm một chút là gần nửa buổi sáng, gần nửa buổi chiều. Ban đêm được chia làm năm canh. Chỉ có nhà quan mới dùng đồng hồ, vì họ phải biết giờ để vào chầu vua chúa, biết giờ để xuất hành... Nhưng đồng hồ các quan dùng chủ yếu theo kiểu Hồi giáo, là những gáo đồng được thả vào trong một bồn nước. Các gáo đồng được đục một lỗ nhỏ, khi gáo đầy nước sẽ rơi xuống đáy.

Người trông đồng hồ lúc đó sẽ đánh vào chiếc cồng và tùy theo canh mấy mà đánh bao nhiêu tiếng. Nhưng cũng có quan lại dùng đồng hồ cát, và khi đồng hồ cát có vấn đề thì họ đành phải chờ thợ của triều đình đến sửa. Nhưng thợ thì ít trong khi có quá nhiều đồng hồ hỏng. Biết được điều này, các nhà truyền giáo đã học cách làm và sửa đồng hồ cát, việc không quá khó đối với họ. Thế là khi cần làm đồng hồ, các quan cho gọi nhà truyền giáo. Mỗi lần vào thành làm đồng hồ chỉ mất từ năm đến sáu tiếng nhưng họ kéo dài công việc đến mười có khi là mười hai ngày, trong thời gian đó, họ kiếm cớ đi gặp con chiên và giảng đạo.

Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã cho chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống Bắc thành, rồi cho phá thành cũ xây thành mới nhỏ hơn và cho làm một chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ này chế tạo theo kiểu đồng hồ Hồi giáo mà trước đó quan lại thời Hậu Lê đã dùng nhưng to hơn. Vị trí đặt đồng hồ trông ra đường Nguyễn Tri Phương hiện nay.


< ... và ngày nay.

Lối vào gọi là cổng đồng hồ, có lính canh bên ngoài. Khi gáo đồng rơi xuống đáy bể, người trực canh báo cho lính đánh trống biết là canh mấy. Nhưng trống ban ngày và đêm khác nhau. Canh một đánh một hồi, canh hai đánh hai hồi, canh năm đánh năm hồi nhưng đến canh Mão lại chỉ đánh một tiếng, canh Thìn đánh hai tiếng và canh  Dậu (chuẩn bị chuyển sang canh một) đánh bảy tiếng. Đêm 24 rạng ngày 25.4.1882, trước lúc quân Pháp bắn đại bác vào thành Hà Nội, dân vẫn còn nghe trống canh. Khi thực dân Pháp chiếm thành, biến thành nơi đóng quân, thì nhiều công trình bị phá bỏ, trong đó có chiếc đồng hồ một thời gian dài gắn bó với dân thành Thăng Long.

Trở lại với câu cửa miệng “Một chọi một lên cột đồng hồ”, vậy thanh niên "tỷ thí" ở cột đồng hồ nào vì Hà Nội có rất nhiều cột đồng hồ công cộng. Trước khi khánh thành cầu Long Biên, đốc lý Pretre Charles (giữ chức vụ này từ ngày 1.8.1901 đến 21.11.1901) cho lắp chiếc đồng hồ ngoài trời đầu tiên ở đầu phố Hàng Đậu, tiếp đó ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục hiện nay, rồi Cửa Nam, cổng Bảo tàng Lịch sử, ngã tư Sở...

Trừ chiếc đồng hồ ở đầu Hàng Đậu là hai mặt tròn, còn lại là ba mặt vuông để mở rộng góc xem giờ. Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu lúc nào cũng đông đúc người qua lại và cạnh đó có bốt công an gác cầu nên thanh niên không bao giờ đánh nhau ở đây. Địa điểm hẹn đánh nhau chính là cột đồng hồ trước Bảo tàng Lịch sử, khu vực này không có nhà dân lại thưa vắng người qua lại.

“Người gác đồng hồ đêm trước nhà có giỗ uống quá chén nên đêm sau trực ngủ quên, nửa đêm nghe tiếng trống canh giật mình tỉnh dậy vội chạy đến chỗ anh đánh trống hỏi han thì mới vỡ lẽ do làm nghề này quá lâu nên cứ đúng canh một, người anh giật một hồi, canh hai giật hai hồi, canh ba giật ba hồi. Thấy người giật lại không thấy lính báo giờ chạy sang nên đoán ngủ quên thế là cứ đánh” - Trích bài viết về thân phận lính đánh trống canh xưa, Báo Tiếng dân đăng năm 1933.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Không chỉ quyến rũ ở vẻ đẹp của những phố núi mờ sương, những thửa ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp, Sapa còn nổi tiếng với dòng thác đầy lãng mạn - thác Tình yêu.

< Cảnh đẹp dưới chân thác Tình yêu.

Thác Tình yêu thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng Tây Nam, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Sapa.
Trước khi đến đây, du khách được khám phá vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh, bao quanh bởi những tán trúc già rêu phong, trầm mặc.

< Thác Tình yêu được ví như chiếc nón trắng lấp lánh giữa đại ngàn.

Rừng trúc xanh mướt, bạt ngàn và thấp thoáng là những gam màu đỏ, vàng, trắng của hoa đỗ quyên. Cảnh đẹp như bức tranh sơn thủy, thoảng bên tai là âm thanh xào xạc, thì thầm của rừng già khiến du khách có thể thả hồn mình theo thiên nhiên.

Con đường đất đỏ quanh co, uốn lượn đưa du khách đến với thác Tình yêu. Hành trình đến với Thác tình yêu không dễ dàng với những du khách quen sống ở đồng bằng. Khi lên dốc thì phải căng chân lên để leo, còn khi xuống dốc lại chùng chân mà bám đường.

< Trước khi đến thác Tình yêu, du khách được khám phá vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh, bao quanh bởi những tán trúc già rêu phong, trầm mặc.

Nhìn từ xa, dòng thác như hình chiếc nón lấp lánh dưới ánh mặt trời. Với độ cao gần 100m, bắt nguồn từ đỉnh Fansipan, thác Tình yêu đem theo hơi lạnh của núi rừng, chảy suốt ngày đêm, đổ xối xả xuống dòng suối Vàng, như bản trường ca của đại ngàn.

< Thác Tình yêu chảy suốt ngày đêm, đổ xối xả xuống dòng suối Vàng.

Con suối Vàng dưới chân thác óng ánh nghiêng mình uốn lượn, hai bên bờ là thảm cỏ xanh mượt, trải dài những bụi trúc gai... tạo nên bức tranh thơ mộng.

Thác tình yêu nằm trong hệ thống gồm 3 con thác lớn thuộc xã San Sả Hồ của huyện Sa Pa gồm: thác Bạc ở đầu nguồn chảy xuôi xuống nổi bật bởi một màu trắng như dát bạc, thác Cát Cát làm “than trắng” cho trạm thuỷ điện được người Pháp xây dựng từ những ngày đầu cai trị nơi đây, thác Tình Yêu là sự kết tinh giữa vẻ đẹp tráng lệ của thác nước với sức sống mãnh liệt của câu chuyện tình thơ mộng.

< Thác Tình yêu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp tới Sapa.

Đến với thác Tình yêu, du khách còn được người dân bản địa kể về giai thoại tình yêu lãng mạn của người và tiên. Cũng xuất phát từ giai thoại này, thác mới có cái tên thơ mộng là thác Tình yêu. Chuyện kể rằng, xưa kia, các nàng tiên nhà Trời thường lui xuống thác để tắm mát. Một ngày nọ, nàng Tiên thứ bảy phát hiện bên dòng suối có một chàng tiều phu có tên là Ô Quy Hồ, con trai cả của Thần Núi đang ngự trị trên dãy núi Ai Lao đang vừa nấu cơm vừa thổi sáo. Tiếng sáo khi róc rách như tiếng suối ca, khi líu lo như tiếng chim rừng...

< Thác Tình yêu cũng là điểm dừng chân lý thú trong hành trình chinh phục dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Một lần, do mải nghe tiếng sáo, nàng quên cả đường về. Vậy là giữa ánh lửa bập bùng, người con trai của Thần Núi đã thổi sáo cho nàng nghe. Ngày nào cũng thế, cho đến một hôm nàng bị cha mẹ phát hiện và không cho theo các chị xuống thác tắm nữa. Nàng nhớ người con trai của Thần Núi nên chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống dòng thác và ngóng chờ tiếng sáo quen thuộc. Nàng ngóng chờ trong vô vọng, buồn phiền biến thành một loài chim màu vàng bay quanh đỉnh núi Ô Qui Hồ.

Trong chuyến khảo sát của Tổ chức Phát triển Việt Nam (SNV) mới đây, thác Tình yêu được đề xuất đưa vào khai thác trong tour du lịch “Cung đường Tây Bắc”, hứa hẹn trở thành một trong các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất của huyện vùng cao miền núi phía Bắc Việt Nam.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Báo Ảnh, Đất Việt.
Trà Linh (huyện Nam Trà My) là một xã vùng núi cao của Quảng Nam nổi tiếng với sâm Ngọc Linh và những bản làng Xê Đăng sương mù phủ kín quanh năm cùng sự khắc nghiệt vùng rừng núi cheo leo, dốc đứng.
Với những khách lữ hành, vùng sâm còn có sắc trời Sa Pa mù sương, cảnh đẹp của Đà Lạt mộng mơ xuân hạ thu đông trong một ngày.

Đi vào trong nók (thôn - PV), chúng ta như lọt thỏm giữa đất trời chập chùng sương giăng dưới những tán cây cổ thụ tầng tầng lớp lớp đan xen lẫn nhau. Những giọt sương nhỏ qua từng kẽ lá với tiếng kêu tí tách. Thi thoảng chợt thấy lạnh buốt khi từng cơn gió núi se lạnh lùa vào người, chạm vào những giọt mồ hôi sau chặng đường dài leo dốc.

< Chú chó dẫn đường vào nók.

Men theo con đường đá dựng đứng, trơn trượt hay lối đi hiểm trở, dốc cheo leo là những bụi hoa dại, cỏ non, rau rừng xanh đến miên man trong tiếng hú gọi của miền sơn cước. Núi rừng Trà Linh trong veo như ánh ban mai tỉnh giấc, hiền hậu khác hẳn sự nhọc nhằn, cô độc vốn thấy.

< Đắp bờ ruộng bậc thang.

Càng bước, đôi chân ta như chùn lại bởi những bản làng Xê Đăng dần hiện ra trong màn sương mờ ảo. Những cánh ruộng bậc thang nằm giữa lưng chừng núi thấp thoáng giữa trời cao, vực sâu. Có thể đưa tay ngắt cụm rau quen thuộc như diếp cá, rau má, rau mã đề đang là là quanh chỗ bạn ngồi, nhấm nháp vị đăng đắng trên môi hoặc vò nát những đọt chè xanh ngửi lấy mùi thơm nồng ngai ngái. Chợt thấy “thèm”!

< Mặc áo mưa chống... sương mù ra đồng.

Nhưng để đến với đỉnh sương mù bản làng Xê Đăng nằm ở phía lưng chừng trời kia còn phải thử sức với chính mình bằng đôi chân chắc khỏe và một ý nghĩ phóng khoáng để tiếp tục bước.

Bản làng Xê Đăng rất nhiều nók. Nók gần nhất tính từ trung tâm xã cũng phải đi bộ gần 1 giờ. Nók xa nhất cũng cả nửa ngày trời. Tất cả thử thách những đôi chân dẻo dai.

< Ruộng bậc thang sương mờ ảo.

Nók Tắt Tu là điểm dừng chân gần nhất. Mới bước đến đầu nók, những kho thóc của đồng bào lộ diện trước mắt. Trên đường vào nók, chúng tôi gặp những người dân nói cười giòn tan với giọng lơ lớ đáng yêu. Những cô bé, cậu bé đen nhẻm e thẹn không dám nói chào, cứ chạy lăng xăng khi nhìn thấy khách lạ.

< Cheo leo "ngõ đá".

Đón bình minh sớm mai trên đỉnh núi thật tuyệt!

365 ngày ở đây đều vắng mặt trời. Hình như người dân nơi đây đã quá quen với cuộc sống mờ mờ ảo ảo kỳ lạ này. Cửa ngõ vào nók sương mù chùng chình qua ngõ, giăng đầy lối đi, lấp kín từng khe cửa nhà, phủ  trùm từng mái nhà sàn nhỏ bé. Sương đặc quánh như chốn tiên cảnh bồng lai. Đứng dưới hốc cây, triệu triệu giọt sương li ti đầy trong vốc tay, nhỏ xuống người ướt đẫm.

< Thể thao vùng cao chỉ có bóng chuyền.

Đêm xuống, trong từng mái nhà sàn, bên ché rượu cần ấm nồng, những chàng trai, cô gái thỏa sức trong từng điệu hát, bước nhảy đắm say lòng người. Để rồi tất cả qua đi, chìm đắm trong men rượu, say tình, say nghĩa và say cả lòng người.

Hãy đến với bản làng Xê Đăng một ngày trọn vẹn, bạn sẽ được thưởng ngoạn, được ngao du, được thử thách với núi rừng, được yên lành trong ánh sương mai 24 giờ và để được thấy mình nhỏ bé giữa bao la tiếng gió ngàn Ngọk Linh Trường Sơn hùng vĩ.

Du lịch, GO! - Theo Dương Văn Út (TTO)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống