Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 12 September 2012

Hoa loa kèn trắng trong vốn được nâng niu, từng bị dán mác “hoa tư sản”, hoa thực dân, và bị hắt hủi suốt một thời kỳ dài bởi biến động xã hội lịch sử.

Tương truyền từ đời vua Lý Thái Tông (1227-1238), Thăng Long hình thành Thập tam trại (Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên, Giảng Võ, Hữu Tiệp...) ở phía tây kinh thành. Trong đợt khai quật hoàng thành, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng đông - tây, về phía làng Ngọc Hà xưa, và họ cho rằng đây là con sông mang tên sông Ngọc làm nên tên làng Ngọc Hà.
Ngoài trồng lúa, các trại còn trồng rau, quả và hoa để cung cấp cho kinh thành. Hoa trồng ở Thập tam trại chủ yếu là sói, nhài, huệ, ngâu...

Ca dao và tục ngữ Hà Nội có câu:

Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỏi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này?

Hay:

Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua

Nhiều quan lại triều Nguyễn khi về hưu không muốn ở lại đất Huế đã trở ra Bắc đến mua đất ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp để trồng cây và hoa vui thú điền viên. Họ thuê dân hai làng này vốn có kinh nghiệm chăm sóc. Dù đi trên đường trục hoặc các nhánh đường xương cá của làng, đâu đâu cũng thấy toàn hoa là hoa. Hoa Ngọc Hà phục vụ cuộc sống của người dân đất kinh kỳ từ lễ hội, ma chay, cưới hỏi, cúng lễ và cả ngày thường.

Năm năm sau khi chiếm Hà Nội, năm 1888, một số nhà thực vật học người Pháp đã lập ra Bách Thảo để trồng thí nghiệm các loài cây (người dân quen gọi là Trại Hàng hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Ngoài trồng các giống cây bản địa, viên giám đốc còn mạnh dạn cho nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ, quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Hoa nhập từ châu Âu gồm: Qillet (cẩm chướng), pansee (hoa bướm), marquerite (cúc vàng), violette (hoa tím)...

Khu vực trồng hoa Tây được lợp kính và chia thành luống đã tạo ra kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa. Giám đốc vườn thuê mướn dân Ngọc Hà và Hữu Tiệp vào làm vườn. Ban đầu hoa trồng ở đây chỉ phục vụ những gia đình người Pháp trong các dịp sinh nhật, tết Chính trung (Quốc khánh Pháp 14.7) hay tiệc tùng.

Nhờ có vườn Bách Thảo mà dân Ngọc Hà và Hữu Tiệp biết gây giống các loài hoa mới, vì trước kia họ chỉ trồng hoa mẫu đơn, huệ, hồng, sói, cúc vạn thọ, ngâu, thiên lý... Người đầu tiên trồng những giống hoa mới ở Ngọc Hà là ông Phạm Hữu Tỉnh và Trịnh Văn Quang.

Thấy hoa Tây bán được giá và kỹ thuật không quá khó nên cả làng bắt chước hai ông, các giống hoa bản địa ít dần, thay vào đó là các giống hoa Tây. Đầu thế kỷ 20, chị em ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp mang hoa vào phố rao nửa Tây, nửa ta “La flơ bà đầm” (mời bà đầm mua hoa).

Cũng nhờ có Bách Thảo, hoa ở Hà Nội phong phú hơn, thú chơi hoa cũng đa dạng hơn. Tiếp nhận văn hóa chơi hoa từ người Pháp đầu tiên là những người làm ở sở Tây, thanh niên du học từ Pháp về, trí thức có tư tưởng tiến bộ và các gia đình giàu có. Không chỉ bày lọ hoa ở bàn tiếp khách ngày tết, ngày thường họ cũng trưng hoa, cùng với hoa là salon Tây.

Hoa Tây không chỉ đi vào văn chương thơ ca mà còn là cảm hứng cho các họa sĩ. Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ (trước năm 1954, người Hà Nội gọi hoa loa kèn là huệ Tây) của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ năm 1943 với một thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng đầu về phía lọ hoa toát lên một nỗi buồn vương vấn, nhẹ nhàng được cho là một trong các bức tranh tiêu biểu của hội họa Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng thân phận loa kèn thật trắc trở...

Năm 1959, bà Hai ở Ngọc Hà đi bán hoa loa kèn, bà kể, vừa mới hạ gánh xuống vỉa hè phố Hàng Đường thì một người phụ nữ mặc quần lụa áo trắng đi qua lẩm nhẩm: “Bà này bán hoa tư sản”.

Bà không hiểu sao lại gọi là hoa tư sản, hoa trồng ra ai mua thì bán. Nghĩ vậy nhưng thấy có gì không ổn, bà định gánh đi thì một người đàn ông ngoài năm mươi nhìn gánh hoa rồi bảo: “Bà không biết bọn tư sản đang bị hạ bệ mà lại còn đi bán loại hoa cho bọn chúng à?”.

Nói xong ông ta lấy mũi bàn chân lập úp cả sàng hoa. Ngọc Hà chăm hoa từ khi cắm cái cây xuống đất, người chơi hoa xong dù bỏ đi mà khi cầm lên vẫn còn nhẹ tay, nỡ nào kẻ đi đường lại đang tay “dập liễu vùi hoa”.

Ức quá, bà rút đòn gánh định phang kẻ chơi hoa lại tệ bạc với hoa thì ông này lớn tiếng: “Bây giờ mà còn bán hoa của bọn thực dân à. Để gọi công an đến xử lý mới được”. Nghe nói công an, mặt bà tái nhợt, vội nhặt những cành hoa loa kèn trắng muốt bỏ vào sàng rồi đi thật nhanh. Nhưng ông kia vẫn còn chưa tha: “Bà kia dừng lại!”. Rẽ sang phố Hàng Cá, bà gánh vội về nhà. Thấy vợ về với gánh hoa còn nguyên, chồng bà đoán có chuyện chẳng lành. Rồi ông ra vườn, băm nát cả mấy sào loa kèn đang nhú hoa, gom lại làm phân.

Chuyện loang ra khắp làng và mùa loa kèn năm ấy Hà Nội đã vắng loài hoa trắng trong, tinh khiết. Những người yêu loài hoa này đoán già đoán non chắc năm nay mất mùa. Ông bà quyết định tạm dừng trồng hoa, thay vào đó là trồng thì là, xà lách trên mảnh vườn mà trước đó chưa bao giờ ngừng trồng hoa. Tuy nhiên hợp tác xã nông nghiệp vẫn trồng lay ơn, hồng, cẩm chướng... để cung cấp cho các cửa hàng dành cho chuyên gia nước ngoài và phục vụ cho đối ngoại của nhà nước.

Đầu những năm 1990, đất đai bắt đầu có giá, hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp mất dần làng cũng vỡ ra. Dân có tiền đổ về đây và những ngôi nhà cao tầng mọc lên che lấp ánh sáng cho hoa. Xác máy bay B.52 vẫn cắm dưới hồ Hữu Tiệp nhưng qua đây không còn mùi nồng của phân, mùi hăng của nước tiểu và đi từ đầu làng đến cuối làng không còn ngan ngát mùi hương...

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Sào huyệt của cướp biển từ nhiều trăm năm trước, giờ trở thành xã mồ côi giữa biển. Đảo Bé (thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) trông xa như mom núi trồi lên mặt biển, giờ còn một di tích, được đặt tên là hang Kẻ Cướp…

Sào huyệt của cướp biển

Nhiều trăm năm trước, nhiều toán cướp biển chọn đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm căn cứ để tấn công sang đảo lớn Lý Sơn vào cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Cổ Lũy, vũng Quất. Đảo Bé là sào huyệt để bọn cướp chôn giấu tài sản và trú ngụ qua ngày. Nhiều người đồn đoán, đảo này vẫn giấu vàng của bọn cướp thời đó. Ai đã đọc tác phẩm “Đảo giấu vàng” của Robert Louis, nhà văn người Scotland, thì có thể hình dung ra hình ảnh bọn cướp biển một thời.

Ông Phạm Thoại Tuyền, một người dân trên đảo lớn Lý Sơn, khá rành câu chuyện hải tặc, vẫn được gọi là giặc Tàu ô. Thời đó, giặc Tàu ô cứ lén lút đổ bộ lên đảo lớn, chúng cướp phá ầm ầm, bắt giữ gái đẹp rồi kéo nhau bỏ đi. Vậy nên đảo Lý Sơn có nhiều ngôi nhà cổ được thiết kế có hai vách để đàn bà con gái trốn giặc Tàu ô. Trên đảo có những dũng sĩ lao ra bãi biển chiến đấu chặn giặc Tàu ô cướp phá.

Dòng họ ông Tuyền có bà Phạm Tiên Điều, con út của cụ Thủy tổ họ Phạm. Giặc Tàu ô vào làng, bà chạy đi báo cha mẹ. Khi sắp bị bắt, bà lao mình xuống biển tuẫn tiết để giữ tấm thân trong sạch. Người dân trên đảo giờ xây đền thờ để cúng viếng bà. Bà cũng là nữ nhân thần duy nhất trên đảo Lý Sơn.


< Đảo Bé nhìn từ đảo Lý Sơn.

Trong sách Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi lại: “Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh…”. Cướp biển thời đó đều xuất binh từ đảo Bé. Những tiếng tù và ầm ĩ báo động giặc Tàu ô vào đảo. Hình ảnh đó giờ đã lùi vào dĩ vãng. Sào huyệt của hải tặc, giờ trở thành xã đảo An Bình.

Qua thăm đảo Bé, câu chuyện một thời được người dân giới thiệu bằng di tích, đó là hang Kẻ Cướp. Hang rất hiểm trở, thông thường phải lặn xuống biển mới tìm được lối vào hang.

< Cảnh đẹp trên đảo Bé.

Kẻ cướp ở đảo Bé giờ không còn, nhưng qua đảo Bé phải đối mặt với “sóng cướp”. Chỉ cách đảo lớn Lý Sơn chừng 4 cây số biển, khoảng nửa giờ đi thuyền, nhưng việc đi lại vô cùng vất vả, hiểm nguy.

Đảo Bé với chừng 100 hộ dân do vậy thường bị cô lập hoàn toàn khi sóng to gió lớn. Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch xã An Bình, kể: “Cán bộ qua đảo Bé công tác, gặp mùa mưa thì phải gói tất cả hành lý, điện thoại trong túi ny lon. Thuyền vô bờ không được, phải tăng bo bằng thúng”.
Khu vực đảo Bé thường xuất hiện sóng to như ngôi nhà. Thúng chở khách hay úp ngược và trút mọi người văng xuống biển. Nếu bơi kém thì mất mạng như chơi.

Kho báu đảo Bé

Khách đặt chân lên đảo Bé, mọi ánh mắt đổ dồn về khách lạ. Bởi không mấy khi, khách đất liền thăm cái xã cô đơn. Đảo “giấu vàng”, mấy mươi năm cày cuốc, trồng hành, trồng bắp người dân đào bới chả tìm thấy.

< Trẻ em trên đảo.

Họ toàn thấy được nỗi nhọc nhằn với nhiều thiếu thốn, khi phải sống ở hòn đảo giữa biển khơi.

Nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào: “Khổ thì khổ thiệt, nhưng con gái ở đây dù quanh năm dầm mình nước biển, ăn toàn rau biển, nhan sắc vẫn đẹp mặn mà hơn mà nói chuyện có duyên”.


< Phụ nữ bắt đầu vụ trồng hành tỏi.

Câu chuyện nhan sắc có thể đúng là thế thật. Những cô gái nước da ngăm đen, nụ cười tươi mới, hàm răng trắng đều. Vóc dáng họ đều thể hiện một sự trẻ trung, căng đầy sức sống của một cơ thể được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên.

Vậy nên đảo Bé mới có câu chuyện “rể lính cả nhà”. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ dân số ở đảo Bé công nhận, chuyện lạ đó có thật. Những chàng lính trẻ cứ đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Đây là lập tức bén duyên.

Bà Đây đã lớn tuổi nhưng nước da vẫn hồng hào. Bốn chàng lính, người đến từ đất liền, người ở đảo lớn đều xin được làm rể gia đình bà Đây.

Cứ hơn 8 giờ sáng là có một chiếc thuyền nhỏ chở khách từ đảo lớn cập sang đảo Bé. Khách đang yên, đang vui, tự nhiên ông chủ đò bắc tay đi loa loa khắp xóm: “Tới giờ rồi, bữa nay về sớm thôi”.

Nếu là khách quen thì chẳng thắc mắc chuyện qua trễ về sớm. Bởi cái lịch qua đảo, rời đảo đều phụ thuộc vào ý muốn của ông trời. Cứ thấy trời lăn tăn một chút sóng, ông chủ đò hấp tấp hối khách.

Một ông già ví đảo Bé quê mình như một đầu con ngựa chiến: “Nó kỳ lắm, trời đang yên đang lặng, thời tiết chuyển lừng lừng thì không có tàu nào cập vô được đâu. Nếu khách kẹt lại, gắng chờ vài ngày biển êm thì mới có đò qua rước mình về”.
Vàng ở đảo, có lẽ khó tìm được. Nhưng vàng ở đảo Bé, đó là sự hoang sơ, trong trẻo, tinh khôi khó kiếm được ở chốn đô thành.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Trung (Quảng Ngãi Online), internet
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km, ít ai biết rằng mặt nước bãi biển hoang sơ Ghềnh Bàng lại ẩn chứa nhiều san hô và cá biển đủ màu sặc sỡ, là một địa điểm rất thú vị cho những ai khoái du lịch "bụi" và những người trẻ tuổi có chút "máu" mạo hiểm.

Được lặn biển luôn là ước mơ của những người mê khám phá. Cái cảm giác được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới thuỷ cung rực rỡ toàn san hô và các loài thuỷ ngư thật khó có gì có thể so sánh được. Thế nhưng cái giá 70USD cho một lần lặn biển mà khu Resort Furama (Đà Nẵng) chào mời (mặc dù rất xứng đáng với sự chuyên nghiệp mà họ mang lại) cũng không phải là mức ai cũng có thể "nghiến răng" chịu được (giá này ở Nha Trang là từ 50-150USD). Ấy vậy nên một nơi thiên nhiên hoang sơ như Ghềnh Bàng lại trở thành điểm đến thú vị và ít tốn kém.

Nói Ghềnh Bàng là nơi thiên nhiên hoang dã thì chưa hoàn toàn đúng, bởi dù phải đi hết đường nhựa, xuống ôtô cuốc bộ thêm hơn 1km nữa, nơi đây vẫn có đôi ba cái lán dân địa phương dựng nên. Cứ tạm coi đây là khu du lịch sinh thái với những dịch vụ tối thiểu nhất: Vài chai nước, dăm ba chiếc bạt dứa, cần câu cho thuê với giá 5.000 đồng/chiếc cộng mồi bột, chục chiếc kính lặn tự chế... Nhưng chính sự hiện diện thiếu vắng của các dịch vụ lại tạo nên nét hấp dẫn riêng của Ghềnh Bàng.

Dọc bãi biển dài hơn 2 km là hàng nghìn tảng đá lớn nhỏ với đủ hình dáng, ôm bọc lấy bãi đá là cây cối um tùm xanh mướt. Theo lời cư dân bản địa thì "Cứ bơi ra đó mà lặn thôi, nhiều san hô đẹp lắm".

Thế nhưng để ra được khỏi bãi đá không phải là chuyện đơn giản. Hì hụi trèo qua những tảng đá lớn nổi rõ trên mặt nước, vừa đặt chân xuống nước "đội quân" du lịch "bụi" đã gặp ngay những tảng đá chìm bám đầy hà sắc như dao cạo, tuồng như thiên nhiên muốn bảo vệ những cảnh quan xinh đẹp của mình trước ánh mắt tò mò của con người. Y hệt như dò mìn vậy, người đi trước mò mẫm từng bước một để tránh đá, người đi sau quan sát để tránh những chỗ "kẻ dẫn đường" lỡ sa chân. Để ý một chút sẽ thấy cát trắng phau, êm mượt bọc quanh những tảng đá "bẫy" này.

Vượt qua hơn 20 m "gian khổ", cuối cùng những bàn chân đau nhức vì hà đâm cũng đặt được lên khu vực cát mịn, lúc này nếu đứng thẳng, nước biển đã ngập ngang ngực người lớn. Lao mình xuống làn nước màu ngọc bích chẳng khó khăn gì để phát hiện ra những dãy san hô lớn nhỏ ẩn hiện dưới làn nước nông trong vắt.

San hô nơi đây không nhiều màu sắc như san hô ở Nha Trang, nhưng cũng đủ hấp dẫn với một tour du lịch khám phá. Khi lặn xuống nước, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những đàn cá thia, cá nàng đào đủ sắc màu và những con ốc biển lạ mắt bám dưới gốc san hô nữa...

Ngụp lặn chán, những kẻ mệt nhoài vì sóng đánh, vì sặc nước nhưng lòng đầy hả hê kéo nhau lên bờ, lại một chặng đường vượt qua "bẫy đá" gian nan...

Du lịch, GO! - Theo Baicatvang tổng hợp, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống