Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 13 September 2012


Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều dạng địa hình gồm cả đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng.

Được thành lập từ năm 1978 với tên gọi “Khu rừng cấm Bình Châu” với mục đích bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, là nơi cung cấp, cư trú cho các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN thế giới.

< Cây đỏ ngọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Đứng từ ngọn hải đăng Ba Kiềm cao nhất trên đỉnh núi, chúng tôi phóng tầm mắt ra bốn phía. Trước mặt là con đường ven biển cong hình lưỡi liềm đẹp mắt. Phía sau là ngút ngàn màu xanh của cây rừng trùng điệp trải dài trên ranh giới hành chính gồm 4 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Phước Thuận và thị trấn Phước Bửu.

< Hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Do địa hình tương đối bằng phẳng, thoai thoải đổ vào trung tâm nên tạo thành 4 vùng địa hình khác nhau. Vùng bằng phẳng chiếm diện tích 9.902 ha, trải rộng từ phía Bắc đến phía Nam.

< Cây Dầu Lông, loài gổ rừng thường thấy trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Ở phía Tây có một vài ngọn núi cao từ 100 đến 150 mét và những quả đồi thoai thoải xen lẫn với những bàu nước ngọt tự nhiên. Tổng diện tích của vùng có địa hình đồi khoảng 350 ha. Vùng cồn cát ven biển có diện tích khoảng 940 ha, chạy dọc trên 17 cây số bờ biển. Vùng bưng bàu, hồ nước diện tích khoảng 200 ha, nằm rải rác trong Khu bảo tồn.

< Lá cây nắp ấm, một loài thực vật bắt mồi côn trùng nhiệt đới trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Khu bảo tồn thiên nhiên này được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”. Các dạng địa hình khác nhau đã tạo cảnh quan sinh động, đa dạng gồm: đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng, tạo thành nơi cư trú rất đa dạng cho các loài động, thực vật…

< Chim Phướn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Với diện tích 11.293 ha, rừng Bình Châu-Phước Bửu có thảm thực vật nguyên sinh vô cùng phong phú, gồm: 113 họ, 408 chi, 661 loài, trong đó có nhiều loài rất quý hiếm như: Cẩm lai Bà Rịa, Gõ đỏ, Gõ mật, Kơ nia, Giáng hương, Bình linh nghệ, Sơn đào... Động vật cũng rất đa dạng, có 70 họ, 29 bộ, 178 loài, trong đó 106 loài chim, 43 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư, 51 loài thú… Hiện nay, có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: Gà lôi vằn, Bồ câu nâu, Cú lợn rừng, Yến núi.

< Nhện lông trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng… Giữa ngút ngàn rừng nguyên sinh nổi lên một bàu nước nóng hơn 70 điểm phun lộ thiên có mạch nước nóng hoạt động rộng gần 1 km2.

< Chim hút mật đỏ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Hơi nước bốc lên tạo một nồi xông hơi thiên nhiên khổng lồ. Nước ở đây có nhiệt độ từ 40ºC đến 64ºC rất phù hợp để chữa bệnh. Khu du lịch suối khoáng nóng Bình Châu nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, được tổ chức du lịch thế giới chính thức công nhận là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của 47 quốc gia trên toàn thế giới.

< Chim Bắp Chuối mỏ dài trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Với dải rừng nguyên sinh, những bàu nước, những đỉnh núi như Hồ linh, Tầm Bồ, núi Mộ Ông, Hồng Nhung… hoang sơ, bí ẩn, đang chờ sự trải nghiệm của du khách với những chuyến đi về rừng. Vườn sưu tập cây gỗ rừng có diện tích 50,8 ha phân bố trong Khu Bảo tồn đã được định danh và gắn bảng tên cây. Khu cứu hộ động vật có diện tích 8 ha, hiện đang có một số loài thú móng guốc như: hươu sao, nai, khỉ, heo rừng, nhím và một số loài thú khác.

< Nai rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Đây là điểm đến thú vị nếu bạn muốn khám phá hệ động, thực vật. Bạn cũng có thể ngồi thuyền dạo quanh khu rừng tràm tự nhiên rất đẹp với hệ sinh thái đất ngập nước để tận hưởng cái cảm giác trong lành, sảng khoái và thú vui câu cá nơi đây.

< Rắn lục mép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Do nằm ven theo bờ biển nên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu đang phát triển Khu dịch vụ và du lịch ven biển. Bãi biển Hồ Cốc dọc theo con đường ven biển với bãi cát dài và sạch đẹp, nước biển trong xanh, sóng êm dịu và an toàn là bãi tắm lý tưởng cho mọi người vào những ngày nghỉ cuối tuần.

< Sóc chân vàng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Rời Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu trong cái nắng chiều đang ngả qua từng chiếc lá, chúng tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc khi chưa thể đặt chân đến hết những nơi mà anh Nguyễn Bá Xuân, một cán bộ trẻ của Khu bảo tồn giới thiệu. Anh háo hức kể cho chúng tôi nghe về các dự án phát triển Khu Bảo tồn đang thực hiện như: Xây dựng vườn lan rừng tự nhiên để bảo tồn các loại lan rừng quý hiếm, kết hợp tham quan, nghiên cứu; Mở các tuyến xuyên rừng giới thiệu về tài nguyên động - thực vật rừng kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh suối nước nóng Bình Châu…

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh, Nguyễn Luân (Vnanet)
Đền Ngọc Sơn xưa là đảo nhỏ trên hồ Lục Thủy. Bắc qua hồ để đến đền là cầu Thê Húc.
Tương truyền ở đây từng có một ngôi đền được dựng lên để thờ những người đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đến đời Vĩnh Hựu nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Khánh Thụy.

Lê tồn thì Trịnh tại
Lê bại thì Trịnh vong

Câu tục ngữ nói lên mối quan hệ giữa các vua Lê và chúa Trịnh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi Lê Chiêu Thống được sự giúp sức của giặc phương Bắc đã đốt cung Khánh Thụy để trả thù chúa Trịnh. Đảo Ngọc Sơn tan hoang nên một người tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung cũ.

Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương Đế quân vào thờ và đổi chùa thành đền. Tuy nhiên, ra đền vẫn phải dùng thuyền vì không có cầu.

Trước sự xuống cấp của đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu, một nhà thơ và nhà văn hóa lớn của Hà Nội, đã đứng ra cải tạo và nâng cấp vào năm 1865. Ông cho xây dựng đình Trấn Ba với ý nghĩa ngăn chặn văn hóa ngoại bang, trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 m, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là tháp Bút.

Để nối bờ với đảo ông đã cho dựng cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Dân gian có câu: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài" (cầu ở xứ Bắc không đâu đẹp bằng Nam Định, chùa thì không đâu bằng Bắc Ninh và đình không đâu bằng Sơn Tây) nên ông đã cho mời thợ Nam Định. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Khi quân Cờ Đen phải giải thể năm 1885 thì việc canh gác cho viên quan tư có phần lơi lỏng. Trước cảnh ngang trái ấy, một thanh niên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh) đã đốt cầu. Do còn quá trẻ nên người em cùng tham gia đốt cầu là Hai Nguyên đã kể cho một người bạn và rồi cậu này kể lại với bố là Cả Nghệ nhà ở phố Hàng Mắm. Cả Nghệ đi báo quan Pháp và hai ngày sau, lính ập đến nhà bắt Hai Minh.

Do chưa đến tuổi thành niên nên Hai Nguyên được tha. Trong khi đó vì mới 17 tuổi Hai Minh không bị tử hình nhưng bị bắt tù rồi sau đó chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ đã đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía bắc. Mùa đông năm 1888, Minh bị đày lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh đánh vào chợ Chu. Lợi dụng lính canh mệt mỏi ngủ quên, Hai Minh trốn thoát nhưng vì không thông thạo địa hình cuối cùng cậu bị bắt lại và bị tử hình. Năm đó Hai Minh tròn 18 tuổi.

Sau khi cầu bị Hai Minh đốt, người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Bức ảnh chụp cầu Thê Húc với những tấm ván lát dọc trên trang web về Hà Nội xưa là của Pierre Dieulefils (ông nổi tiếng nhờ những bức ảnh chụp Hà Nội và Bắc kỳ).

Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1888 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng". Cầu Thê Húc trước khi bị đốt cũng đã đẹp như Claudius mô tả chiếc cầu trùng tu, chỉ có điểm khác là cầu được trùng tu cong hơn để chịu lực tốt hơn.

Vì đền thờ Văn Xương Đế quân nên các sĩ tử trước kỳ thi Hương bao giờ cũng vào đền khấn bái. Sau này các văn sĩ cũng thường xuyên vào đền vãng cảnh và thắp nén hương. Nhà văn Vũ Bằng kể lại trong thiên phóng sự Cai kỷ niệm của ông với cầu Thê Húc. Lần đầu tiên hút mấy bi thuốc phiện ở phố Mã Mây, ông lững thững đi vào đền Ngọc Sơn, nhưng đến giữa cầu Thê Húc thì ông phê thuốc: "Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không phải bằng da, thịt hay gân sụn...". Sau này khi cai được, ông ân hận vì đã phê thuốc giữa cây cầu duyên dáng nhất Hà Nội.

Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền quá đông làm cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn.

Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu ông thiết kế bằng gỗ.

Có một nhà văn, dịch giả gắn một phần đời với đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc là Lê Bầu. Lê Bầu sống ở khu tập thể đền Ngọc Sơn từ năm 1963 đến năm 1972. Trong bút ký Rùa hồ Gươm, ông viết: "Hồ Gươm làm cho Hà Nội duyên dáng và mềm mại hơn nhưng cầu Thê Húc lại là đồ trang sức quý giá của hồ Gươm".

Lúc còn sống Lê Bầu đã làm con tính, một năm đi làm, đi ăn ngày 2 lần ở bếp tập thể nên ông phải qua lại cầu Thê Húc 2.400 lần và nhân lên với 10 năm là 24.000 lần.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Đền ông Hoàng Mười cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 2km, được xây dựng năm 1634 (thời Hậu Lê). Năm 2002, đền được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Đền còn có tên gọi là đền Củi, được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Trước đây đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững, ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, đền phải tạm rời vào làng. Đến năm 1995, đền mới được khôi phục lại và vẫn giữ được hình dáng ban đầu.

Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ngoài ra đền ông Hoàng Mười hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử. Đặc biệt có 21 đạo sắc, bản thần tích những tài liệu hán tự, hệ thống tượng pháp...

Đền Hoàng Mười thờ theo hệ thống đạo mẫu tứ phủ, nghĩa là bốn cõi, mỗi cõi đều được một bà mẹ chủ trì. Mẫu Cửu Trùng chủ cõi trời, Mẫu Thượng Ngàn chủ cõi non, Mẫu Thoải chủ cõi nước, Mẫu Địa chủ cõi trần gian.

Ngoài ra, đền còn thờ 5 vị tướng, mười hai vị cô và 10 vị hoàng. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười, con trai Bát Hải Đại Vương ở hồ Đông Đình. Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ, không ít nơi lập đền thờ ngài. Di tích đền ông Hoàng Mười ngoài giá trị văn hóa lịch còn có cảnh quan hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông. Di tích toạ lạc trên vùng “sơn thuỷ hữu tình”.

Theo dân gian, ông Hoàng Mười là người văn võ toàn tài nên được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An, được đặc cách toàn quyền khâm sai kiểm soát ở xứ Nghệ, ông có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ người nghèo.

Căn cứ vào các sắc phong được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thần Hoàng Mười được thờ chính trong đền là nhân vật có thật. Ông là Đại tướng họ Nguyễn tên tự Duy Lạc, là người có tài thao lược, đã từng phò tá vua Lê, được phong đến chức Đô chỉ huy sứ. Là vị anh hùng cầm hàng vạn quân đi dẹp giặc. Về sau lại có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi quân nhà Nguyễn cướp 7 huyện Nam Hà, nay là vùng đất Hà Tĩnh và tả ngạn sông Lam bao gồm Thanh Chương, Nam Đàn nên được phong chức Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân, cẩm y vệ,...

Theo gia phả họ Nguyễn tại thôn Xuân Am thì Nguyễn Duy Lạc sinh năm Mậu Ngọ và mất ngày 12/2 năm Kỷ Mão, có công giúp làng 100 quan tiền, 2 mẫu ruộng nên được thờ cúng trong đền. Ông là con trai thứ năm của Nguyễn Phúc Tâm. Khi Nguyễn Duy Lạc được sắc phong là Vị quốc công, người cha được sắc phong Phúc quốc công, còn người con cả Nguyễn Duy Nhân cũng được phong Đặc tiến hộ quốc thượng tướng quân. Cả ba cha con họ Nguyễn đều được sắc phong và được nhân dân thờ cúng tại đền Xuân Am. Đức Hoàng Mười được thờ trong hệ thống đạo mẫu tứ phủ nghĩa là đã được thần thánh hóa. Ngày nay tại đền Hoàng Mười vẫn còn lăng mộ Nguyễn Duy Lạc. Trên án thờ có đắp thanh gươm và cây bút lớn vươn thẳng lên trời xanh.

Đền Hoàng Mười ngôi đền linh thiêng xứ Nghệ, hằng năm, vào những dịp lễ hội, các ngày rằm, mùng 1, hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến kính cẩn thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính, cầu cho gia đình ấm no hạnh phúc, cầu cho quốc thái dân an.

Đặc biệt, vào ngày 10/10 âm lịch diễn ra lễ hội đền ông Hoàng Mười. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người…

Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.

Trong những năm qua, đền cũng nhận được sự quan tâm đầu tư tôn tạo từ lãnh đạo các cấp để ngôi đền ngày càng khanh trang hơn, phục vụ đời sống tâm linh của người dân.

Lễ hội Đức thánh Hoàng Mười

- Địa điểm: Tại đền thờ và mộ đức thánh Hoàng Mười - Xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An Lễ hội diễn ra hai lần trong một năm, một là lễ hội rước sắc vào ngày 15/3 âm lịch, hai là lễ khai điển vào ngày 10/10 âm lịch - ngày kỵ ông Hoàng Mười để ghi nhớ công đức của Ngài
- Phần lễ: - Sáng ngày 14/3 âm lịch: lễ yết cáo - Tối ngày 14/3 âm lịch: lễ đại tế - Sáng ngày 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương - Tối ngày 15/3 âm lịch: lễ yết cáo - Tối ngày 09/10 âm lịch: lễ đại tế - Sáng ngày 10/10/âm lịch: lễ tưởng niệm,dâng hương - Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ
- Phần hội: - Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền. - Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người. - Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.

Du lịch, GO! - Theo Kinh tế Nông thôn, Quehuong, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống