Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 14 September 2012

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Hà Nội vẫn chưa có rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tại khách sạn Métropole người ta đã chiếu phim phục vụ khách nghỉ ngơi ở đây tại quầy Grand café.

< Quầy Grand café ở khách sạn Métropole là nơi chiếu phim đầu tiên ở Hà Nội.

Bộ phim được chiếu là phim câm Thần cọp và có thể khẳng định Grand café là “rạp” đầu tiên ở Hà Nội. Rạp chiếu bóng (thời đó người ta gọi rạp chiếu phim là rạp “chớp bóng”) theo đúng nghĩa đầu tiên ra đời ở Hà Nội là Pathé ở cạnh đền Bà Kiệu. Để có đất xây rạp, chủ rạp Aste người Pháp đã móc nối với Hội đồng thành phố phá một phần đền Bà Kiệu lấy mặt bằng xây rạp.

Rạp lợp tôn, kê ghế gỗ, khánh thành ngày 10.8.1920. Pathé bị phá năm 1941 để dựng tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes.

Tiếp đó tới rạp Tonkinois ở phố Hàng Quạt, trước khi trở thành rạp chiếu phim, Tonkinois là nhà hát Năm Chăn chuyên diễn tuồng, chủ Tonkinois là anh chàng Tây lai lấy vợ Việt Nam. Gọi là nhà hát nhưng thực ra chỉ là mấy ngôi nhà tư rộng năm gian khi diễn tuồng thì dẹp đồ đạc, thu gom quần áo, khán giả quây xung quanh chiếc đèn treo ba dây.

< Tại phố Nguyễn Xí, có một cái cổng nhỏ đi vào một rạp chiếu phim lấy tên là Palace.

Rạp chiếu phim đầu tiên vào ngày 12.6.1921 và sau đó chuyên chiếu phim trinh thám, phiêu lưu nhiều tập, phim về chiến tranh. Năm 1930, Tonkinois đã cho chiếu phim có lồng tiếng Việt để khán giả hiểu được nội dung. Sau khi Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma - IFEC) thành lập, hãng này cũng bỏ tiền xây rạp. Rạp đầu tiên của họ khánh thành vào năm 1924 là Palace, sau đó là Family (ở phố Hàng Buồm).

Năm 1930, một công ty chiếu bóng nữa do người Pháp làm chủ đã ra đời ở Hà Nội để cạnh tranh với IFEC, đó là Societé des cinéthéâtre d’Indochine. Thấy chiếu bóng là ngành kinh doanh béo bở, một số Hoa kiều cũng bỏ vốn xây dựng, nhưng họ chỉ xây rạp nhỏ, thuê phim của người Pháp và một số ít phim Hồng Kông, Trung Quốc để chiếu.

< Nhà hát lớn lúc đang xây.

Trước năm 1930, mỗi rạp chỉ đặt một máy chiếu, khi hết cuốn, thợ chiếu thay cuộn mới để chiếu tiếp. Màn ảnh được làm bằng vải trắng xung quanh viền vải xanh thẫm hoặc đen. Sàn phòng chiếu bằng phẳng và màn ảnh được đặt trên cao nên xem xong phim ai cũng bị mỏi cổ. Khán giả ngồi trên những ghế tựa hoặc ghế băng có tựa lưng bằng gỗ nhưng có vài rạp không có ghế ngồi mà ngồi dưới sàn. Rạp này có hai hạng, xem mặt chính thì trả hai xu, xem mặt trái thì chỉ mất nửa tiền.

Rạp Hội Âm Nhạc (nay là Nhà hát múa rối nước Kim Đồng ở phố Đinh Tiên Hoàng) thì hai phần ba phía trên là ghế tựa còn lại phía dưới là ghế băng và giá vé rất rẻ nên thu hút rất đông học sinh con nhà nghèo vào xem. Cuối những năm 1930, một số rạp mới có ban công và sàn được làm dốc, các hàng ghế được bố trí lệch nhau. Một số rạp lắp quạt trần để giảm nóng bức trong mùa hè và phân chia thành bình dân, sang trọng.

Những bộ phim đầu tiên được trình chiếu ở Hà Nội đều là phim câm, cho đến khoảng giữa thập niên 1930, khán giả mới được xem phim nói với bộ phim đầu tiên là Phía Tây không có gì lạ. Nhưng khi đó, ngôn ngữ trong phim là tiếng Pháp nên chỉ những người biết tiếng mới hiểu được và để khắc phục tình trạng vắng khán giả, các rạp cho dịch ra tiếng Việt, thuê người thuyết minh.

Cũng trong thời gian này, chủ rạp nhận thấy Tết Nguyên đán là cơ hội vàng cho doanh thu nên họ nhập những phim hấp dẫn rồi cho quảng cáo trên băng rôn căng trên phố, dán áp phích ở cửa rạp, quảng cáo trên các báo. Bên trong rạp, họ còn treo câu đối chúc tết, có hoa đào, nhân viên tươi cười niềm nở. Đặc biệt, rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài) khi chiếu phim Tarzan, họ còn đưa cả cây đã cắt ngọn vào góc rạp để tạo cảm giác giống như cánh rừng nhiệt đới. Đi đầu trong chiếu phim tết là hãng Cinéma Théâtre, và để không bị lép vế IFEC cũng phải chạy theo.

< Cinéma Palace - rạp chiếu bóng sang trọng nhất Hà Nội xưa.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, giao thông đường biển từ Pháp tới Việt Nam bị Đức và Nhật phong tỏa đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển phim. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp nắm quyền cai trị Đông Dương, bi quan trước tình hình kinh doanh, nhiều chủ rạp người Pháp đã bán lại rạp cho người Hoa. Để bù vào nguồn phim thiếu hụt từ Pháp, các chủ người Hoa đã nhập phim từ Hồng Kông.

Sau khi tiếp quản thủ đô năm 1954, chính quyền mới vẫn giữ nguyên các rạp và chỉ đến khi có chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì các rạp buộc phải thực hiện công tư hợp doanh vào năm 1959, rồi sau thành rạp nhà nước. Nguồn phim Mỹ, Pháp không còn nên miền Bắc nhập phim của Liên Xô, Đức, Ba Lan... Thời kỳ này khu vực nội thành Hà Nội gồm bốn khu Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Hoàn Kiếm có thêm rạp chiếu do cải tạo lại các rạp hát. Nhiều nhất là khu Hoàn Kiếm với Tháng Tám, Kim Đồng (phố Hàng Bài), Bắc Đô (phố Hàng Giấy), Hòa Bình (trước là rạp Hội Âm nhạc ở phố Đinh Tiên Hoàng)...

< Hình ảnh về rạp cinéma cổ xưa nhất tại Việt Nam: Rạp Pathé do người Pháp xây dựng tại Hà Nội vào năm 1920.

Khu Ba Đình có rạp Đặng Dung. Khu Hai Bà Trưng có rạp Mê Linh (phố Lò Đúc), rạp Bạch Mai (phố Bạch Mai); Đống Đa có rạp Dân Chủ (phố Khâm Thiên), Đống Đa (phố Thái Thịnh). Tuy nhiên, Đống Đa không phải là rạp cũ, nó được xây dựng vào năm 1976. Các huyện ngoại thành có bãi chiếu bóng ngoài trời, Từ Liêm có bãi Cầu Giấy, Thanh Trì có bãi Mai Động, Gia Lâm có bãi Gia Lâm, riêng khu Đống Đa lại có bãi Khương Thượng. Mấy chục năm, các rạp chiếu phim ở Hà Nội chủ yếu dựa trên cơ sở vật chất sẵn có, ít được chú ý sửa chữa, nâng cấp. Không chỉ chất lượng âm thanh chưa bảo đảm, mà các công trình vệ sinh cũng kém, thậm chí có rạp giữa buổi chiếu quạt trần rơi xuống trúng đầu khán giả đang ngồi xem.

Tính đến năm 1927, cả nước Việt Nam có 33 rạp chiếu bóng, trong đó Hà Nội có 4 rạp, Hải Phòng 2 rạp, Huế 2 rạp, Chợ Lớn 4 rạp, Sài Gòn 4 rạp, Cần Thơ 2 rạp...
Năm năm sau, năm 1932, số rạp tăng lên nhanh chóng. Riêng Bắc kỳ có 27 rạp, Trung kỳ 11 rạp và Nam kỳ 13 rạp. Một số người Việt Nam bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh mới này và ở Hà Nội, nhà tư sản Vạn Xuân là người đầu tiên bỏ tiền xây rạp Olimpia (nay là Nhà hát Hồng Hà trên phố Hàng Da) vào năm 1936. Đến năm 1939, số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam lên tới 60.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Từ lâu trong dân gian lưu truyền câu nói "kẻ cắp chợ Đồng Xuân", với hàm ý chợ Đồng Xuân có rất nhiều kẻ cắp và có ý thán phục tài nghệ của kẻ cắp ở cái chợ lớn nhất Bắc Kỳ...

< Chợ Đồng Xuân ngày xưa.

Sau khi trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888, đốc lý   Landes Charles (nắm quyền từ 8.6.1899 đến 15.1.1890) ra quyết định xóa bỏ hai ngôi chợ cũ của Hà Nội vốn họp cạnh đền Bạch Mã và Cầu Đông, dồn tất cả về họp ở cái chợ nhỏ nằm trước cửa đền Huyền Thiên, thuộc phường Đồng Xuân. Năm 1889 có tên là chợ Mới, nhưng năm 1890 đổi thành  Đồng Xuân.

Ban đầu, chợ họp ngoài trời, diện tích chợ nhỏ rồi sau đó lan ra phố Hàng Khoai, Hàng Gạo. Tuy là chợ hàng ngày nhưng mỗi tháng có một phiên họp vào ngày đầu tháng âm lịch, chợ phiên đông đúc kẻ mua người bán hơn ngày thường do bà con các vùng ngoại thành mang bán các loại cây giống, súc vật giống như lợn, chó, mèo...

Vì số người mua bán quá đông nên chính quyền thành phố cho phép tràn sang khu đất mới lấp. Để bắt tất cả kẻ mua người bán phải vào chợ và không chiếm đường đi của các phố xung quanh, đồng thời không bỏ sót thuế, chính quyền cho quây xung quanh bằng rào tre với diện tích khoảng 10.000 mét vuông. Chợ Đồng Xuân ban đầu không có hàng lối, những người bán cùng mặt hàng tự ngồi gần nhau để dễ bán dễ mua. Thấy thuế chợ Đồng Xuân là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách  nên Landes Charles quyết định nâng chợ phiên từ tháng một lần lên hai lần, đồng thời cho xây lại chợ.

Khung chợ đúc bằng gang chuyển từ Pháp sang và có năm bộ kèo, mỗi bộ dài 52 mét, cao 19 mét, mái lợp bằng tôn để che mưa che nắng. Năm 1892, trong kế hoạch xây dựng lại khu vực phố cổ để Hà Nội văn minh hơn, chính quyền thành phố đã cho xây tường ở mặt cổng ra vào và đến năm 1893 thì xây tường bao xung quanh. Vào chợ có ba lối, cổng chính là mặt phố Đồng Xuân hiện nay với ba cổng, cổng bên ở phố Hàng Khoai và một cổng ở phố Hàng Chiếu. Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất Bắc Kỳ vừa  bán lẻ vừa bán buôn cho người các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra.

Cuối thế kỷ XIX, chợ Đông Xuân không chỉ có các mặt hàng sản xuất trong nước mà chợ bán rất nhiều hàng hóa tiêu dùng nhập từ nước ngoài, trong đó có táo, lê nhập từ San Fransico (Mỹ), vải từ Anh, hàng tiêu dùng từ Pháp, Hồng Công và Thượng Hải (Trung Quốc), nên người ta bắt đầu chia thành từng dãy, đồng thời quy định cụ thể khu vực này bán hàng gì, khu vực kia bán hàng gì. Thẳng cổng chính là dãy bán vải, bên trái là bán hoa quả, kế đó là bán tạp hóa rồi đến các quầy bán thịt, rau, đồ sắt, ăn uống và có cả khu vực dành cho những người xem bói. Trong bài xẩm Vui nhất là chợ Đồng Xuân, người ta liệt kê ra rất cụ thể chuyện này:

...Vui nhất có chợ Đồng Xuân,
Mùa nào thức nấy xa gần xem mua.
Cổng giữa có chị bán dừa,
Hàng cau, hàng quít, hàng dưa, hàng hồng.
Ai ơi đứng lại mà trông,
Hàng vóc hàng nhiễu thong dong mượt mà.
Ngoài chợ có chị hàng hoa,
Có người đổi bạc đi ra đi vào.
Nào hàng bún nấu bán rao,
...

Đầu thế kỷ XX, rau quả từ Đà Lạt chuyển ra theo tàu hỏa, su hào, bắp cải từ Sapa chuyển về bằng ô tô và nhiều mặt hàng sản xuất từ Sài Gòn chuyển ra như xà phòng Cô Ba, nước hoa, rồi bàn chải, dầu nóng... Vì là chợ lớn, lại đầy đủ các mặt hàng nên sáng sáng đàn bà con gái người Pháp, Nhật, Ấn... và me Tây, muốn mua sắm cái gì đều phải lên Đồng Xuân.

Phục vụ cho những người bán hàng và mua hàng là những đội bâté (phu chuyên mang vác thuê), trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Các phường bâté này là trẻ em cả trai lẫn gái dưới 16 tuổi chuyên cắp rổ theo người đi chợ, họ mua cái gì thì bỏ vào rổ của chúng, sau khi mua đủ chúng sẽ mang ra xe cho họ và nhận tiền boa".

Phân biệt giữa phường này với phường kia là ở màu sắc cái rổ, nếu phường này sơn đen thì phường kia sẽ để nguyên màu ám khói. Do có nhiều phường bâté nên cạnh tranh diễn ra quyết liệt, để hạ uy tín của nhau, người của phường này lợi dụng chợ đông thò tay lấy cắp hàng trong rổ của phường kia và ngược lại. Dù nhiều người đi chợ yêu cầu trẻ cắp rổ theo mình cảnh giác nhưng hàng hóa vẫn bị mất, sự việc diễn ra quá nhiều và cảnh sát bốt Hàng Đậu bí mật theo dõi cũng không phát hiện được nên người đi chợ nói với nhau: “Đúng là kẻ cắp chợ Đông Xuân”. Dần dần câu nói đó loang ra khắp thành phố.

Trước khi trở thành người giàu có thì Công Tu Nghiệp (người làng Phú Gia, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) từng là trẻ phụ bán hàng ở quầy vải chợ Đồng Xuân hồi đầu thế kỷ XX. Vợ chồng một người Pháp thấy Nghiệp dễ thương nhận làm con nuôi và dạy cho nghề nấu ăn. Khi trưởng thành, Nghiệp xin ra ở riêng và mở cửa hàng, rồi từ đó mà thành đạt. Lúc ông còn sống, có người hỏi ông về chuyện kẻ cắp chợ Đồng Xuân, ông bảo chỉ có các phường bâté lấy của nhau.

Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Hà Nội vào tháng 7.1959, chợ Đồng Xuân không còn là cái “dạ dày” của Hà Nội, các phường bâté cũng bị giải tán, hàng hóa ít dần, vì thế chợ cũng vắng người... Sự thể “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” có lẽ chỉ có thế!

Truyện ngắn Mất cái ví đăng trên Báo Nhật Tân số 3 ra ngày 16.3.1933 của nhà văn Nguyễn Công Hoan kể về chuyện ông Tham phàn nàn người cậu ruột ở quê ra chơi nhiều quá nên vờ kêu mất cái ví trong đó có 40 đồng. Ông Tham bảo cậu: “Hôm nay phiên chợ Đồng Xuân, mời cậu lên chơi cho biết chợ” với hàm ý cậu là kẻ lấy chiếc ví như đám kẻ cắp chợ Đồng Xuân.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet
Phan Thiết - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với những bãi biển xanh cuộn sóng, những cồn cát trắng trải rộng mênh mông, quyến rũ và đầy sức mê hoặc.

Tôi khởi hành chuyến đi của mình vào một buổi sớm tinh mơ khi những giọt sương còn đọng trên cành lá, ánh bình minh còn chưa ló dạng. Men theo đại lộ Đông Tây vi vu từng cơn gió thổi đã làm quên đi cái oi bức nắng nóng của Sài Gòn hoa lệ.

Xe rẽ tới đường hầm Thủ Thiêm vượt con sông Sài Gòn lớn ngút ngàn. Lòng hầm phát ra thứ âm thanh ồ ồ. Cứ như là giọng nói sang sảng oai vệ của ông lái đò trong thiên tùy bút "Người lái đò Sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân, không hổ danh là một công trình quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

< Tháp Chàm Po Sah Inư.

Bỏ lại căn hầm lớn sau lưng, xe bon bon trên con đường mới mở quận 2 ra tới xa lộ Hà Nội, đi thêm một quãng thì đến địa phận Đồng Nai. Dừng chân ở Trảng Bom tôi làm một tô phở nóng. No lòng rồi mới bắt đầu đi tiếp.

Tới Bình Thuận ngang qua những dãy đồi Bà Nài bạn đừng quên ghé thăm tháp chàm Po Sah Inư gắn liền với tên của vị công chúa tài hoa và xinh đẹp của vương quốc cổ chăm pa hay tạt qua Lầu Ông Hoàng một thời vang tiếng, ngôi biệt thự huy hoàng đã hoang phế theo thời gian nhưng vẫn còn đó một mối tình tuyệt đẹp.

< Lầu Ông Hoàng thấp thoáng xa xa.

Nơi in dấu chân của chàng thi nhân tài hoa Hàn Mặc Tử cùng nàng Mộng Cầm dạo bước nơi đây. Để lặng lòng lắng nghe từng câu thơ được chàng khắc họa với tất cả nỗi niềm thương nhớ:

"... Lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết..."

Hòn Rơm có hàng dừa cao mát rượi trĩu quả vươn mình in bóng trên mặt biển xanh. Ánh chiều dương tà tà rũ xuống phố thị đèn hoa rực rỡ.

Nếu bạn nghĩ đêm ở các khách sạn resort quanh biển hãy dành một chút thời gian để dạo bước ngắm nhìn cảnh biển về đêm. Thấp thoáng xa xa bạn sẽ thấy những đóm sáng đèn của những chiếc thuyền thúng bấp bênh bồng bềnh trên sóng nước nơi ngư dân chài lưới đang chăm chỉ làm việc.

Mặt trời đỏ từ từ nhô lên mặt biển, mang đến cho Phan Thiết một ngày mới bắt đầu. Tôi thức dậy thật sớm để lắng nghe hơi thở của một làng chài nhộn nhịp, để tìm hiểu xem cách họ buôn bán ra sao? Những chiếc thuyền thúng đầy ắp ghẹ, cá, tôm sau một đêm đánh bắt ngoài khơi đang lần lượt tấp vào bờ buôn bán hải sản náo nhiệt.

Lẫn trong tiếng kì kèo qua lại giữa kẻ bán người mua vẫn còn đâu đó một vài người đang chờ đợi những chiếc thuyền sau cập bến. Bạn có thể mua chúng theo dạng: thau đầy ắp cá tươi hay cân kí cá đem về tùy theo thỏa thuận.

Tôi đi cùng người bà con ở Phan Thiết ăn cơm tấm xứ biển nhưng đặc biệt ở chỗ nước mắm nơi đây họ lại làm ngọt gắt. Khi ăn vào cứ như ta đang uống nước ngọt vậy. Tôi có thắc mắc hỏi thì được cô chị họ giải thích rằng: "vì dân quanh vùng suốt ngày gắn với biển nên cái mặn nó thấm vào người lâu rồi, thành ra đồ ăn thì mới làm ngọt như vậy."

Sau bữa cơm sáng đặc biệt tôi theo chị đến Trường Dục Thanh nằm trên con đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết - một nơi lưu dấu ấn của vị lãnh tụ tài ba đã từng dạy học và gắn bó với vùng biển miền Trung đầy nắng gió. Chị nói: "Nhắc đến Bình Thuận là nhắc đến cồn cát đẹp như tranh, nhắc đến Dục Thanh, Kê Gà, Tà Kú là nhắc tới những địa danh đã đi vào tâm khảm của người dân Bình Thuận".

< Đoạn đầu vào Suối Tiên.

Chị dẫn tôi đến Mũi Né thăm Suối Tiên Phan Thiết. Quang cảnh nơi đây vẫn còn hoang sơ, hùng vĩ và đầy thơ mộng mà thiên nhiên đã dành riêng cho nơi này.

Những bụi cỏ dại mọc ven dòng suối nhỏ dẫn lối ta như lời kêu gọi: "Hãy đến khám phá nơi đây!". Nóng lòng muốn biết theo sau là gì cũng đã thôi thúc làm cho tôi càng tò mò nhiều hơn. Đến Suối Tiên tốt nhất bạn nên tự khám phá một mình theo sở thích cá nhân của mỗi chúng ta.

Còn nếu bạn muốn tìm người hướng dẫn tận tình để biết nhiều hơn về nơi bạn đang tới thì ngay phía trước con đường vào suối đã có một đám em nhỏ người địa phương đang đứng chào mời với giá 10 đô cho khách nước ngoài hoặc tầm tối đa 50 ngàn với du khách nội địa như chúng ta.

Hôm tôi đến Suối Tiên có rất nhiều khách du lịch là người nước ngoài đến xem rất đông. Vì thế mà cũng không có gì ngạc nhiên khi mỗi du khách đều có một em người việt đi kèm.

Ai tới đây đều cũng phải cởi dép để men theo dòng suối nhỏ mát lạnh khoan khoái được chảy ra từ những mạch nước ngầm trong lòng núi. Suối Tiên càng đi sâu vào bạn sẽ càng cảm nhận được cái đẹp mà du khách thường ví von là "Suối Bồng Lai Tiên Cảnh".

Các dãy núi trùng trùng điệp điệp san sát nhau hòa quyện với những gam màu trắng, vàng, nâu, đỏ. Tất cả lai tạo nên một hình ảnh khiến cho ta cứ liên tưởng không ngừng đến những sắc tộc màu da trên thế giới cũng giống với màu cát nơi này.

< Chợ hải sản trên bãi biển.

Chúng không có sự phân biệt nhau mà chỉ gắn chặt một tình anh em thắm thiết đậm đà. Ánh xanh phản chiếu của hàng cây hoang dã đối diện xào xạc theo từng đợt gió thổi mướt lay động khiến trái tim của mỗi một du khách cũng phải bồi hồi xao xuyến. Chiều hoàng hôn ngả bóng lại càng tạo nên cho Suối Tiên thêm huyền bí chất chứa bao điều lạ lẫm và thú vị.

Phan Thiết đã làm say mê biết bao nhiêu du khách thập phương. Chỉ cần một lần ghé nơi đây, phong cảnh hữu tình của những bãi cát mịn hòa theo sóng biển cùng hàng phi lao nghiêng bóng trải dài và sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương cũng đủ để khiến bạn luôn mong muốn sẽ quay lại Phan Thiết thật nhiều lần hơn nữa.

Du lịch, GO! - Theo Yume

ĐGD: Có lẽ tít "Mũi Né đẹp như mơ..." sẽ chuẩn xác hơn vì trong bài đề cập nhiều đến nơi này. Mình bổ xung thêm bản đồ ẩm thực Phan Thiết vào để các bạn có thể tham khảo thêm.

< Bản đồ ẩm thực tại Phan Thiết. bạn nhấn open new tab để xem kích cỡ lớn hơn.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống