Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 15 September 2012

Công viên đầu tiên ở Hà Nội chính là vườn Bách thảo (Jardin des plantes) được lập vào năm 1889, trên vùng đất của làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và Khán Xuân.

< Vườn hoa Cửa Nam.

Vườn Bách thảo ban đầu chỉ là một vườn thí nghiệm, được trao cho một viên dược sĩ hải quân biệt phái về Sở Nông lâm nghiên cứu phương thức di thực các loại thảo mộc từ nước ngoài, tìm ra những giống thích hợp để trồng trên phố.

Dần dà, cùng với các giống cây, các luống hoa nở quanh năm đã tạo nên kỳ hoa dị thảo. Rồi người ta bắt đầu nuôi hươu, nai, gấu, hổ và voi cùng nhiều loại chim muông nên vườn còn được gọi là Bách thú.

< Vườn Bách Thảo xưa tại Hà Nội.

Chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra, thú không được chăm sóc, nên họ cho chuyển vào Sở thú Sài Gòn.

Vườn Bách thảo tuy không lớn nhưng cảnh quan và bóng mát của nó thu hút người đến thưởng ngoạn ngày một đông, khiến cho một thời, người các tỉnh về Hà Nội là phải đi hóng mát hồ Gươm, ghé chợ Đồng Xuân và thăm vườn Bách thảo mới “đủ món”.

< Người Pháp di dân để làm vườn Bách Thảo, gọi là vườn Thảo Mộc (jardin botanique), còn người ta vẫn gọi là trại Hàng Hoa hay vườn Bách Thú.

Bách thảo cũng là nơi học sinh Trường trung học bảo hộ (còn gọi là Trường Bưởi) nhà ở xa vào đây nghỉ trưa. Những năm 1960, GS Vũ Văn Chuyên thường dẫn sinh viên học dược lên Bách thảo để nhận biết các giống thảo mộc, vốn vô cùng phong phú. Từ khi Hà Nội thành nhượng địa năm 1888 đến đầu những năm 30 của thế kỷ trước, hệ thống vườn hoa và công viên Hà Nội khá hoàn chỉnh, với cây, hoa và tượng đài.


< Trong vườn Bách Thảo có trồng nhiều loại cây, mở nhiều lối đi, ở giữa dựng một cái lầu bát giác gọi là nhà kèn.

Sau này Hà Nội có thêm một công viên lớn nữa là công viên Thống Nhất. Tham gia xây dựng công viên Thống Nhất không chỉ có cán bộ và công nhân, mà còn có sinh viên, học sinh và công sức của nhân dân. Thời đó phụ nữ chủ yếu mặc quần lụa, sa tanh và quần phíp lồng chun, khi tham gia lao động, có chị em hăng hái quá đã bị sa xuống đống bùn lầy, khi kéo lên được thì quần ở lại.

Tuy bùn bám xuống tận đùi, khó nhìn thấy, nhưng các cô cũng đỏ chín mặt và cánh đàn ông liền cởi áo đưa chị em quấn. Năm 1960, công trình hoàn thành với hai mặt nước trong xanh là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu (phía bên kia đường Nam Bộ - nay là đường Lê Duẩn - TN).

Trên bán đảo Gió có quán Gió, ngoài sân quán có giàn phong lan với khá nhiều giống là điểm hẹn của các nhóm bạn phổ thông hay đại học. Thời bao cấp, công viên Thống Nhất đúng là địa chỉ vui chơi, giải trí.

< Vườn hoa canh nông.

Tối thứ bảy có ca nhạc ngoài trời, ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán dưới hồ có lướt ván, trên bờ bắn pháo hoa, có thi hoa, chọi chim. Chủ nhật các cặp vợ chồng trẻ dẫn con đến đây dạo chơi và chụp ảnh kỷ niệm. Nhưng trong những ngày còn lại, thì buổi tối, cũng như Bách thảo, công viên Thống Nhất là địa điểm lý tưởng để bày tỏ và biểu diễn các trạng thái tình yêu. Gái làm tiền cũng trà trộn đi kiếm khách, vì thế để ngăn chặn tệ nạn, công an thường xuyên vào công viên kiểm tra.

Nhưng mỗi gốc cây là một đôi trai gái làm sao biết đôi nào yêu nhau, đôi nào bán dâm và để hoàn thành nhiệm vụ, họ thực hiện chính sách nhầm còn hơn bỏ sót. Họ tách hai người ra hai nơi, hỏi cô gái tên gì, anh kia tên gì rồi lại hỏi anh kia tên gì và cô gái tên gì, nếu khớp thì tha (không xin lỗi), còn không khớp thì lập tức bắt cô gái đưa về khu (nay là quận). Nhưng cũng có cô bị bắt oan vì vừa mới quen trên đường (thời bao cấp, các chàng trai có trò tán gái ngoài đường và gọi đó là “cưa đường”, cô nào xiêu xiêu đồng ý vào công viên coi như đã “cưa đổ”), chưa kịp biết tên thật của nhau.

Công viên Thống Nhất cũng là nơi kiếm ăn của “quân quân khu” (chuyên mặc quần áo bộ đội, tiếng lóng là quần áo “dõng”, đi dép đúc, đầu đội mũ cối hay mũ dạ), phía bắc là quân khu ngõ Hoàng An, phía nam là quân khu Vân Hồ. Quân quân khu trấn lột các đôi ngồi ở góc khuất, ngoài tiền, quân quân khu còn lột dép nhựa Tiền Phong, “đúc Tàu”.

Cùng nạn “quân quân khu” còn có ăn cắp, chúng quan sát thấy đôi nào đang mải mê là bò đến lấy túi, thậm chí dắt cả xe đạp. Ban ngày bụi đời hay trẻ “dạt vòm” (bỏ nhà đi) ngủ đầy trên ghế đá. Để chỉ những kẻ lười lao động sống lang thang, dân Hà Nội mắng đó là loại "cơm đường, cháo chợ, vợ công viên".

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, lãnh đạo Hà Nội quyết định xây dựng công viên và đào hồ mới, đó là công viên Thanh Nhàn (nay là công viên Tuổi Trẻ), công viên Thủ Lệ, hồ Giảng Võ. Công viên Thủ Lệ hoàn thành vào năm 1978, còn Thanh Nhàn thì đến 2012 vẫn dang dở. Đến nay, tiếng là công viên cho thanh niên nhưng Thanh Nhàn chủ yếu là nơi hoạt động của nhà hàng, siêu thị và sân thể thao. Điểm vui chơi duy nhất có lẽ là sàn nhảy nhưng là chỗ cho kẻ có tiền...

< Đường Thanh Niên ngăn hồ Trúc Bạch và hồ Tây.

Ngày 19.4.1980, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Lê Nin (22.4), thành phố quyết định đổi tên công viên Thống Nhất thành công viên Lê Nin. Nhưng rồi, năm 2003, lấy lại tên Thống Nhất vì tên Lê Nin đã được đặt cho vườn hoa Chi Lăng, nơi có bức tượng “ông Lê Nin ở nước Nga”. Đất nước đổi mới, Hà Nội đi đầu trong việc xây dựng nhà nghỉ và không ít đôi đã tìm đến nhà nghỉ, nên công viên không còn là thiên đường của tình yêu, nó trở nên vắng tanh, hoa cỏ xác xơ, cây cối héo hon, lòng hồ hôi thối và cả công viên như một nhà toa lét công cộng.

Lấy cớ công viên xuống cấp, một công ty đã trình thành phố dự án biến khu vực phía nam thành các khu nhà với các trò chơi nhưng đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của báo chí, nhân dân và giới kiến trúc.

Rồi trước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đổ một đống tiền vào đây để cải tạo với mong muốn tạo nên “một không gian sinh hoạt văn hóa, vui chơi sạch đẹp, hấp dẫn người dân trong các dịp lễ hội và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Nhưng hiện nay, đây vẫn chỉ là nơi tập thể dục của người cao tuổi, và chỗ ngủ qua đêm cho kẻ lang thang không nhà.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Thanhnien), internet
Búp khoai kho là món ăn truyền thống ở huyện Thanh Thủy – Phú Thọ, một món ăn dân dã và cũng rất thú vị, hấp dẫn với nhiều người.

Búp khoai ở đây không phải là búp khoai lang, mà là búp của các giống khoai có dọc (có nơi còn gọi là bẹ hoặc đài khoai) như khoai trứng, khoai riềng, khoai lủi, khoai đốm… thứ khoai mà thường ở làng quê nào cũng có, vừa dễ trồng, dễ chăm sóc lại có nhiều tác dụng và giá trị kinh tế.

Củ khoai dùng luộc hoặc sào nấu làm canh ăn không biết chán. Dọc khoai dùng chăn nuôi lợn rất hay ăn chóng lớn. Còn búp khoai (trừ khoai đốm là loại khoai rất ngứa ít người dùng) đem kho tương cho ta thứ canh ăn rất ngon, mang đậm đà hương vị làng quê.

Món búp khoai kho không có quanh năm chỉ có theo mùa và trong thời gian rất ngắn. Khoai thường trồng từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 5 năm sau thì thu hoạch. Thời gian từ khi khoai mọc đến trung tuần tháng 4 khoai phát triển và đẻ con nên không hái búp. Mãi đến đầu tháng 5 trước khi thu hoạch 1-2 tuần người ta mới hái búp khoai vừa làm thức ăn vừa cho khoai chùn lại để tập trung dinh dưỡng nuôi cho củ to mập.

Để có món búp khoai kho vừa ngọt lại không ngứa, từ khâu chuẩn bị đến các thao tác nấu phải rất cầu kỳ, cẩn thận, chu đáo.

Kinh nghiệm khi hái búp khoai là chọn những búp lá còn quấn tròn chặt rồi đem về rải ra nong phơi dưới nắng nhạt cho hơi tái (thường hái vào buổi sáng sớm, phơi vào buổi trưa để chiều nấu). Trước khi nấu đem rửa sạch rồi xếp quấn tròn vào nồi đất theo từng lớp một, trên cung rải một lượt cua đồng đã bóc bỏ yếm và mu. Lấy 2 thanh tre cật ghim chéo chữ thập ở trên miệng nồi để khi đun sủi búp khoai không bị bồng lên.

Cho một muôi tương ngon hòa loãng với nước cho vào săm sắp búp khoai rồi bắc lên đun. Khi sủi chú ý để nhỏ lửa, chỉ cho sủi lăm tăm. Tuyệt đối không nhúng đũa vào. Theo dõi khi nước trong nồi cạn dần dùng tương hòa loãng với nước có thêm chút mỡ lợn (gọi là nước hàng) thỉnh thoảng lại dùng muôi múc tưới dần vào.

Cứ thế đun gần cạn lại tưới nước hàng vào, làm như thế từ 4 đến 5 lần là chín. Lúc này có thể lấy đũa nhúng vào kiểm tra độ mặn nhạt để điều chỉnh cho vừa. Rồi tùy theo nồi canh to hay nhỏ, lượng nhiều hay ít mà ta có thể cho 1 hay 2 quả dọc đã được nướng chín, rửa bỏ sạch vỏ, hột rồi dằm nhỏ dải lên trên và cho thêm một chút nước hàng vào đun cho cạn là được.

Nhấc nồi canh xuống mở vung cho nguội dần. Khi dùng nhấc ghim ra lấy đũa gắp khéo từng chiếc búp khoai lên bát, trông từng chiếc búp khoai bên ngoài vẫn săn nguyên nhưng bên trong đã chín mềm mục tỏa ra mùi thơm ngậy của dọc, của cua, ngọt ngào của tương và hương vị đặc trưng của khoai đồng, ăn vào thật khó quên.

Du lịch, GO! - Theo báo Du Lịch, ảnh minh họa từ internet
Nằm bên đường Nghi Tàm, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, Chợ hoa Quảng Bá khác với những khu chợ thông thường bởi chỉ mở vào ban đêm và bán một mặt hàng đặc biệt duy nhất - đó là HOA.

< Chợ hoa đêm Quảng Bá thường bắt đầu từ 2 giờ sáng…

Có thể đối với những du khách phương xa, Chợ hoa Quảng Bá là một điều mới lạ, nhưng đối với những người Hà Nội, chợ hoa này là nơi rất đỗi quen thuộc, đến nỗi, nếu chỉ nói đi chợ hoa đêm thì mọi người cũng ngầm hiểu không đâu khác, đó là Chợ hoa Quảng Bá.

“Triển lãm” hoa rực rỡ sắc màu và hương thơm

Phải thừa nhận rằng, có đến Chợ hoa đêm này mới thưởng thức hết được cái thú vị, hấp dẫn của nó. Nhất là trong cái giá rét của những ngày giáp Tết này, trong cái ánh sáng nhập nhoạng bao trùm cả khu chợ, thì Chợ hoa Quảng Bá vẫn như một buổi “triển lãm” hoa với rực rỡ sắc màu và hương thơm. Hoa ở đây vô cùng phong phú. Chỉ riêng hoa hồng thôi cũng đã có rất nhiều loại: nào hồng trắng, hồng kem, hồng phấn, hồng Pháp, hồng Đà Lạt…

Ngoài những loài hoa quen thuộc như hồng, cúc, ly, lay-ơn, đồng tiền, thược dược…, thì còn có cả những loài hoa với những cái tên “rất Tây” mới phổ biến vài năm gần đây như lan Denbrobium, lan môn-ca-đa, sa-lem… Tất cả hợp thành một rừng hoa rực rỡ với hương thơm quyến rũ và mê hoặc lòng người. Trên mỗi bông hoa vẫn còn đọng những giọt sương đêm long lanh. Tất cả được cắt và bó thành những bó đều tăm tắp, chất thành từng chồng trên mặt đất.

Hỏi chuyện những người bán hàng đã lâu năm tại đây, cũng không ai nhớ rõ Chợ được hình thành từ khi nào, chỉ biết đã từ lâu lắm rồi, có thể do nhu cầu mua bán mà Chợ hoa Quảng Bá đã trở thành chợ đầu mối, thành nơi tập trung bán hoa của những người trồng hoa ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hiện tại, nguồn hoa nhập về Chợ chủ yếu là từ các làng hoa Vĩnh Phúc, Nghi Tàm, Gia Lâm, Văn Giang, thậm chí từ Mê Linh, Đông Anh hay Đà Lạt cũng có.

Còn những người mua phần lớn là chủ những cửa hàng hoa nhỏ, những người bán hoa rong mua lại từ chợ hoa “buôn” này để bán với giá cao hơn kiếm lời. Một đặc điểm rất dễ nhận ra ở những người mua này, đó là trên tay họ luôn cầm theo chiếc đèn pin. Bởi tại Chợ hoa đêm này, cái ánh sáng leo lắt hắt xuống từ một vài chiếc đèn đường khiến cả khu chợ chìm trong mờ mờ ảo ảo, đôi khi nhìn mặt người cũng không rõ, muốn tìm mua được những bông hoa đẹp nhất, tươi nhất và đúng loại họ cần thì chiếc đèn pin trở thành vật dụng vô cùng hữu ích.

< Có cả trăm hồng, ngàn tía để khách lựa chọn.

Chị Liên, một người bán hoa tại đây, cho biết Chợ hoa đêm Quảng Bá được mở quanh năm. Bình thường, khoảng 12h đêm Chợ bắt đầu mở, nhưng người lúc này còn thưa thớt, phải đến 3h sáng mới là thời điểm Chợ họp đông nhất. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết như thế này thì Chợ được mở từ rất sớm, khoảng 8 - 9h tối. Khách mua hoa dịp này không chỉ là những người bán hoa rong mà còn rất nhiều người tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

< Giữa một rừng hoa, hoa sen chiếm một góc đáng kể.

Quả thật, vào lúc này, kẻ mua người bán đang ra vào tấp nập. Những xe hoa lớn, nhỏ cứ nối đuôi nhau nườm nượp đổ về. Có lẽ bởi những ngày gần Tết, rất nhiều người muốn đến thưởng ngoạn và tận hưởng “khí Xuân” từ chợ hoa, để quên đi những nhọc nhằn, bộn bề từ cuộc sống trong suốt một năm, để lựa chọn và mua về những bông hoa đẹp nhất, trang trí cho ngôi nhà mình trong dịp Tết đến Xuân về.

“Rẻ như… bèo”

< Hoa theo những chiếc xe đạp len lỏi vào mọi ngóc ngách Hà Nội…

Ngoài sự đa dạng về chủng loại, điểm đặc biệt khiến Chợ hoa Quảng Bá hấp dẫn rất nhiều người đến đây là bởi giá hoa “rẻ như bèo”.

Chị Tâm, người “buôn” hoa tại Chợ Quảng Bá hơn 7 năm nay, cho biết: Thông thường, mỗi loại hoa được chia thành từng bó 50 cành hoặc 100 cành.

Giá hoa mỗi ngày cũng có sự thay đổi khác nhau chút ít. Vào những ngày thường, trung bình giá 1 bó hồng 50 cành khoảng 90 nghìn đồng. Với một số loại hoa khác như hoa cúc là 100 nghìn đồng/bó, đồng tiền là 70 nghìn đồng/bó, đắt hơn là hoa ly, khoảng 10 nghìn/cành. Còn với những loại lá cắm xen như dương sỉ hay cỏ thì giá rẻ hơn nhiều. Thậm chí, nếu khéo léo mặc cả, bạn có thể xin kèm những loại cỏ này khi mua hoa. Vào dịp lễ, Tết đang đến gần, do lượng tiêu thụ hoa lớn hơn nhiều nên giá hoa sẽ tăng lên, nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều khi so sánh với giá hoa ngoài cửa hàng hay các khu chợ khác.

Và đúng như lời chị Tâm, đối với những người chỉ quen mua hoa tại cửa hàng mà chưa lần nào đặt chân tới Chợ hoa Quảng Bá, thì chắc chắn sẽ ngỡ ngàng, bất ngờ vì giá hoa ở đây. Có lẽ không ở đâu, không khu chợ nào tại Hà Nội, bạn có thể mua được hoa rẻ như vậy, nhất là trong dịp lễ, Tết thế này. Đây chính là lí do mà cho dù Chợ họp vào ban đêm nhưng vẫn thu hút được số lượng lớn những chủ hàng hoa nhỏ hay những gánh hoa rong tìm đến, cốt để lấy được nguồn hoa với giá “gốc”.

Khu chợ cứ tấp nập dòng người ra vào như vậy cho đến khi những tia sáng đầu tiên bắt đầu ló rạng, Chợ vãn khách dần và tan chợ. Lúc này, những người mua hàng cũng đã kịp chất đầy lên xe hay những gánh hàng rong của mình những bông hoa rực rỡ sắc màu, tiếp tục mang những bông hoa ấy đi khắp phố phường, đến với mọi nhà.

Với những du khách đến để thưởng hoa, họ cũng kịp mang về cho mình những bông hoa tươi tắn và ưng ý nhất để làm đẹp cho không gian riêng của mình khi ngày Tết đã cận kề.

Du lịch, GO! - Theo Thủy Trần (Quehuong), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống