Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 16 September 2012

Một lần đi Đồng Văn, anh bạn người Tày hỏi tôi đã ăn món “cải cay” bao giờ chưa? Dù đã có nhiều dịp dừng chân nơi địa đầu Tổ quốc, thưởng thức nhiều món ăn dân dã truyền thống miền núi như xúc xích gác bếp, trâu khô gác bếp, cải mèo, canh đậu... nhưng tôi chưa bao giờ biết món này.

< Hoa cải vàng rực trên cao nguyên Đồng Văn.

Người Mông gắn bó với vùng cao nguyên Đồng Văn từ bao giờ không ai còn nhớ. Và món ăn truyền thống về cây cải thì thật vô cùng phong phú không thể kể hết trong một bài nhỏ. Nào là cải muối chua phơi khô để nấu với Tẩu Chúa, và làm món Khau Nhục, nào là cải cay muối xổi v.v.

Mùa đông, những cơn giá rét từ trên núi ùa xuống thung lũng, len lỏi qua những ruộng đỗ tương vàng lá, những rặng samu nằm rải rác, đậu vào mái hiên nhà. Mùa đông, cao nguyên đá Đồng Văn trở nên xám xịt, u buồn và lạnh giá. Ấy cũng là mùa cây cải nở hoa.

Bà con ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã chắt chiu từng nhúm đất giữa các hốc đá để gieo cải. Những năm gần đây, cây cải dầu được thử nghiệm thành công đã mang đến cho miền đất cao nguyên tấm áo mới căng tràn sức sống. Màu xanh của lá, vàng mơ của hoa, những cánh đồng cải miên man trong thung lũng đã làm biết bao lãng khách say mê. Đi, tìm đến, một lần và không thể không trở lại lần thứ hai...

Sau vụ thu hoạch ngô xong, đồng bào làm đất quãi hạt cải trên nương. Với khí hậu núi đá vừa lạnh vừa mát trên độ cao trên cây số so với mặt biển, rất phù hợp cho cây cải phát triển mà không cần phải tưới tắm và bón bất cứ thứ gì. Trời càng giá rét, cải càng xanh và chuyển màu tim tím như sự thuỷ chung với cao nguyên. Nhất là những năm tuyết phủ trắng nương thì cây cải càng phát triển mạnh, lá to, mền và rất ngọt.

Đến tháng giêng, tháng 2, rau cải trổ ngồng, đơm hoa, màu vàng hoa cải điểm tô cho cao nguyên đá thêm lộng lẫy. Ngồng cải được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng và thật sự cuốn hút kỳ lạ. Khi đem bóc vỏ, cho vào nồi luộc chín tới, chấm với đậu xị ăn với mèn mén làm ấm lên để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt.

Bữa ăn tối hôm ấy, một đĩa rau cải xào được mang ra. Trông cũng bình thường như nhiều đĩa rau cải khác, thậm chí màu sắc có phần kém hơn vì đĩa cải không xanh mướt như cải mèo mà lại ngả sang màu cỏ úa. Tôi đưa một gắp cải vào miệng. Một luồng hơi nóng, cay xè lan tỏa rất nhanh, xộc vào khí quản và như tan loãng trong cơ thể. Như vừa ăn món gì đó chấm mù tạt hoặc uống một ly nước bạc hà, tôi thấy người nhẹ bẫng đi trong phút chốc, rồi vị ngọt của cải ngấm vào đầu lưỡi, ở lại rất sâu.

Anh bạn đồng hành chia sẻ sau khi dự án trồng cây cải dầu được thực nghiệm và chứng minh hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa hình khắc nghiệt nơi đây như băng tuyết, sương muối, chịu hạn, rét..., cây cải dầu đã trở thành loại cây trồng quan trọng cho năng suất cao với bà con các huyện vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc. Hạt cải sau khi thu hoạch sẽ được thu mua để chế biến dầu cải. Phần thân được bà con dùng làm món ăn.

Thân cải sau khi tước bỏ lớp vỏ già cứng bên ngoài, cắt ngắn 5-7cm sẽ được cho vào muối. Bí quyết muối cải ngon thật ra cực kỳ đơn giản: không gia vị. Sau khi chần cải qua nước sôi nóng, người ta sẽ ủ toàn bộ cải vào trong nồi đậy vung kín hoặc buộc kín trong túi nilông để qua đêm, hoặc ủ khoảng 10 giờ. Khi đó, thân cải màu xanh sẽ ngả sang màu cỏ úa, tinh dầu cải tiết ra và món cải cay “xuất hiện”. Thông thường đồng bào hay muối ủ rồi lấy cải đã muối ra chế biến, nêm nếm gia vị thành món dưa cải xào.

Khi chúng tôi đề nghị mang ra một đĩa “dưa cải cay” không chế biến, cô bé bán hàng rất ngạc nhiên. Cải cay muối nguyên chất không nêm nếm gia vị, chấm với mắm ớt, mới đưa vào miệng đã nghe tinh dầu cải lan tỏa khắp cơ thể, xua tan cái giá lạnh vùng cao. Mọi người vừa ăn vừa xuýt xoa vì ngon và cay.

Ngày về ngang qua đèo Mã Pì Lèng, một vạt cải vàng rung rinh trên sườn núi đá xám đen, làm bừng lên không gian hư ảo và bềnh bồng sương khói. Tôi biết mình lại có thêm một món ăn để nhớ về cao nguyên đá...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thái Anh (TTO), Nguyên Bình (YuMe), internet
10 ngày chữa hết sạch bệnh chai chân.

Vết chai chân chữa mọi cách không dứt khiến tôi rất đau, đi lại khó khăn. Một ông lão người dân tộc thiểu số bày cách lấy củ hành tím giã thật nhuyễn rịt vào vết chai, làm kiên trì 10 ngày sẽ khỏi.

Bệnh chai chân này cả bố và tôi đều mắc phải. Bố tôi bị vết chai bàn chân phải, đi lại rất đau. Bố đã làm mọi cách vẫn không được, từ dùng kềm cắt da, bôi thuốc tây... vùng chai vẫn cứng, còn dãn rộng và xuất hiện nhiều vết mới.

Chịu đau không thấu, bố đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán là bệnh chai chân...

... nguyên nhân là bị tỳ đè và ma sát, do giày dép chật, do viêm thần kinh trong bệnh đái tháo đường, do di truyền bị chai bất thường hoặc quá mức. Triệu chứng chính là đau khi tỳ đè, nhất là tại chỗ chai. Khi cắt tổ chức chai tìm thấy một lõi ở trong vị trí chai…

Bố tôi đã được tiến hành tiểu phẫu để lôi cồi trong vết chai. Sau này bệnh đã khỏi song bố tôi cho biết hễ nghĩ đến lúc phẫu thuật là ổng sởn da gà. Bởi phần bàn chân là nơi có nhiều dây thần kinh nhạy cảm nên ca tiểu phẫu đã khiến ông phải nằm ở nhà hơn nửa tháng trời chẳng đi đâu, hay làm được việc gì cả.

Chẳng biết do di truyền hay lây mà chỉ một thời gian ngắn sau tôi cũng bị chai chân. Quả thật những gì mà bố tôi mô tả giờ tôi cảm nhận rõ mồn một: đau buốt mỗi khi giày dép ma sát với vết chai, đi lại phải nhón rất khổ sở... Lúc đó tôi rất sợ phải lên bàn mổ bởi sẽ mất hơn nửa tháng trời nằm nhà, đang là thời điểm nhạy cảm của công việc. Do đó dù đau tôi vẫn cố cà nhắc đi làm.

Tình cờ một lần ngồi uống cà phê tại một quán ở phố núi, có ông lão người đồng bào dân tộc thiểu số thấy dáng điệu đi lại của tôi đã hỏi: "Mày bị chai chân à?". Ông bảo cởi giày cho ông xem, rồi nói: "Cái này tao biết, dễ chữa mà, cũng không tốn kém gì". Rồi ông bày: Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa chân cho thật sạch. Lấy củ hành tím giã cho thật nhuyễn rồi rịt vào vết chai sau đó dùng một miếng vải sạch cố định lại. Cứ kiên trì làm chừng 10 ngày là hết đau thôi.

Tôi đã thực hiện như lời ông lão. Quả nhiên mới 3 ngày là chân cảm thấy bớt buốt khi đi lại và vài ngày sau thì vết chai rụng lúc nào không hay, thay vào đó là lớp da non. Cách này tôi cũng đã bày cho hai người bạn và đều rất công hiệu.

Du lịch, GO! - Theo Tùy Phong (VnExpress)
Chúng tôi đến huyện Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn - vựa na (miền Nam gọi là mãng cầu) lớn nhất cả nước khi mùa na đã gần qua. Thế nhưng, không khí thu hái, mua bán na của bà con nơi đây vẫn tấp nập, rộn ràng. Năm nay na được mùa được cả giá.

< Bạt ngàn rừng na được trồng trên núi.

Huyện Chi Lăng có hai nơi trồng na nổi tiếng là xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Cuối vụ, nhưng chợ na Đồng Bành vẫn tấp nập kẻ bán người mua.  Ngay từ 3h sáng, rất nhiều xe ô tô lớn nhỏ chờ na trên núi xuống để thu gom về xuôi.

< Những quả na này nặng từ 0,3 đến 0,4 kg còn khá nhiều dù vụ na sắp qua.

Anh Hoàng Văn Năm - người dân tộc Nùng, xã Chi Lăng  tươi cười chia sẻ: "Cuối vụ rồi, na to không còn nhiều, chỉ còn na nhỉnh hơn nắm tay một chút nhưng vẫn bán được 5-6 nghìn một cân. Nhà tôi năm nay có hơn 500 gốc, cũng thu được 30 triệu đồng ".

< Lán dựng lưng chừng núi để thu hoạch và chăm sóc na.

Cây na được coi là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo của huyện Chi Lăng. Cây na ở đây được trồng trên các núi đá có độ cao trên 200 mét so với mặt nước biển. Điều đặc biệt, càng lên cao, cây na càng phát triển tươi tốt và quả rất to.

Chị Vân - ở thị trấn Đồng Mỏ cho biết: "Vào khoảng tháng 7 âm lịch là mùa thu na rộ nhất, na cho nhiều trái to, có trái nặng từ 0,8kg đến 1kg".

Các hộ trồng na ở đây chủ yếu là thu hái bằng phương pháp thủ công như vặt tay, dùng kéo cắt. Những cây na ở khu vực núi cao, nhiều đá thì có hộ đã sáng kiến chế ra chiếc kéo dài để cắt na.

< Ròng rọc kéo na.

Thông thường, các hộ dân phải gánh na từ trên núi xuống dưới chợ để bán. Cuối vụ na 2006, tại khu trồng na Lũng Than của thị trấn Đồng Mỏ, các hộ trồng na đã góp tiền dựng nên "con đường na" nối từ chân lên đến lưng chừng núi.

< Những đống na thu gom để chở về xuôi.

Cứ cách quãng khoảng 20 - 30m, họ dựng một lán trại làm điểm tập kết na cho xe máy thồ xuống. "Ngày trước, chúng tôi mất cả đêm trắng soi đèn để gánh na xuống núi kịp phiên lúc sáng sớm. Từ ngày có đường, việc vận chuyển na đã nhanh và đỡ nguy hiểm hơn rất nhiều"-Bác Lường Văn Hoàng một hộ trồng na trên núi chia sẻ.

< Cân na để bán.

Còn ở dưới xã Chi Lăng, các hộ trồng na ở đây đã sáng chế ra một loại ròng rọc để tải na từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ 1 đến 2 phút là cả giỏ na nặng 20 đến 30 kg được đưa xuống. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tải phân bón lên trên núi.

< Đặc sản "na mắt hồng" - ngon nhất xứ Lạng.

Na Đồng Bành có tiếng khắp cả nước về sự ngon ngọt, nhưng nó vẫn chưa được đẩy lên thành một thương hiệu. Ngay cả việc trồng na của các hộ dân trong huyện đều là do tự phát. Họ ít được sự hướng dẫn, hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc và bảo quản na.

Chị Ngọc - Hội trưởng hội nông dân thị trấn Đồng Mỏ chia sẻ: "Hội nông dân cũng chỉ tư vấn cho bà con cách bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu. Chứ vấn đề khoa học về nhân giống na hay làm thương hiệu thì chưa có. Cây na ở đây vẫn còn tự nhiên lắm".

Du lịch, GO! - Theo Trần Hồng Minh (Thanhnien)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống