Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 17 September 2012

Biển xanh, cát trắng, những phiến đá to khổng lồ lưu lại truyền thuyết đẹp về một vùng đất an bình, bãi biển Mỏm Đá Chim xứng đáng là nơi để các bạn trẻ đến tham quan, khám phá.

Mỏm Đá Chim thuộc thị xã La Gi, một địa chỉ du lịch mới của tỉnh Bình Thuận với hàng dương cổ thụ sát biển, tầm mắt chạm trùng khơi xanh thẳm mênh mông. Từ thị xã La Gi - Bình Thuận, xuôi theo hướng bắc 15km là đến bãi biển Mỏm Đá Chim.

Theo những người lớn tuổi kể lại., do khu vực này khá ấm áp, tránh gió nên lúc trước, trừ những ngày giông bão, cứ mỗi chiều đến hàng trăm con chim biển lại bay về trú ngụ. Tiếng ríu rít của chúng vang vọng một góc trời. Nhưng thời gian gần đây có lẽ do số người tìm đến khá đông hay đã tìm được nơi thích hợp hơn nên đàn chim không bay về nữa.

Trừ chi tiết không có chim đậu từng đàn trên những tảng đá, không nghe được tiếng líu lo vang vọng khi chiều buông thì bãi biển Mỏm Đá Chim vẫn thừa sức thu hút lòng người với rừng dương bạt ngàn đung đưa theo tiếng sóng; với bãi cát trắng phẳng lì, sạch không một dấu vết của con người; với nước biển trong xanh, trải dài nhìn từ xa như một dải đường chân trời; với những tảng đá mang truyền thuyết đẹp về một vùng “đất lành chim đậu”. Đặc biệt, từ bãi biển Mỏm Đá Chim phóng tầm mắt ra xa, giữa biển sẽ có một ốc đảo nhỏ xanh tươi như một chiếc nấm rơm bé xinh giữa biển.

Có thể khẳng định cảnh quan là nét độc đáo của Mỏm Đá Chim, khó tìm ở đâu những thảm cỏ xanh trải dài dọc bờ biển, những thân cây dương to cao của cả một rừng dương rộng đến 3ha, gợi hình ảnh những gốc thông già trầm mặc trên cao nguyên, những đồi cỏ nhấp nhô thấp cao tạo những nét lượn linh động, luôn đem đến cảm giác bất ngờ cho du khách.

Biển ở Mỏm Đá Chim vào mùa hè khá thân thiện, sóng không to, gió không mạnh như các vùng khác, nước biển luôn xanh trong.

Sáng sớm dạo bộ dọc bãi biển, du khách không những chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của nơi đây mà còn phát hiện khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập của những chiếc thuyền thúng câp bờ sau một đêm đi câu hay giăng lưới, tận mắt nhìn những chú cá biển, còng vung vẫy trong lưới. Đừng ngại hỏi mua, vì ngư dân sẵn sàng bán cho bạn với mức giá thấp hơn thị trường, chưa kể số kg cũng bảo đảm chuẩn, rồi nhờ những hàng quán quanh đó chế biến. Buổi chiều, ngồi trên bãi đá nghe sóng vỗ vào bờ và ngắm cảnh hoàng hôn hẳn sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Nhiều du khách "túi không đủ nặng" vào resort, hay những du khách thích trải nghiệm làn nước mát-xa công suất lớn, cái cuốn mạnh như muốn mang tất cả người và vật trên bờ hoà mình vào biển cả của những đợt sóng ồ ạt lại là một cái thú. Cái thú này chẳng nguy hiểm vì tuy sóng mạnh nhưng mực nước tại bãi biển khá cạn.

Một lưu ý nhỏ là nhiều du khách đến bãi biển Mỏm đá chim thường nghĩ khu vực này chỉ có một resort Mỏm Đá Chim. Thật ra, nếu chú ý một chút sẽ thấy cách khu resort vài chục mét, là con đường nhỏ dẫn ra bãi biển Mỏm Đá Chim. Đó là khu vực kinh doanh của người dân địa phương dành cho khách thích khám phá hay du khách bình dân.

Khi những tia nắng cuối cùng của một ngày sắp tắt, hàng trăm đàn chim ríu rít kéo về đậu trên mỏm đá lớn ở bãi biển phía sau khu nghỉ dưỡng. Chúng mặc sức trổ tài nhảy múa, nô đùa và khoe giọng ca, rồi tưởng thưởng cho nhau, vui như trẩy hội. Bạn có thể đứng từ xa tha hồ chiêm ngưỡng “bữa tiệc” lạ của loài chim biển dưới ráng chiều vàng ảo.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ DulichVn, BuudienVN và nhiều nguồn ảnh khác
Nghề buôn tóc không lạ nhưng cả làng có 300 nhà buôn tóc, giao dịch với toàn khách “ngành dọc” khắp năm châu, bốn biển thì có lẽ chỉ có ở Thiệu Tổ (Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

< Buôn tóc ở làng Thiệu Tổ.

Chân dung “đại gia” tóc

Nhà cao, cửa rộng, quần áo láng mượt, cầm lái ô tô tiền tỉ. Đó là vài nét sơ lược về “đại gia” buôn tóc Nguyễn Văn Bốn. Dưới tấm kính bàn uống nước nhà anh Bốn hàng chục loại ngoại tệ được găm xuống, khoe đủ hình dáng, màu sắc. Mỗi khách ngoại quốc đến giao dịch thường để lại đồng tiền nước mình như một loại “các vi dít” đặc biệt cho chủ nhà. Nào tiền Israel, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc…

Năm 2000, Bốn vào nghề buôn tóc do một vài người ở Bắc Ninh sang nhờ mua giúp, ăn hoa hồng. Thấy tiềm năng của nghề, vợ chồng anh thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng 5 triệu đồng làm vốn. Thủa đầu, họ tìm đến các chủ vựa sắt vụn, đồng nát lùng tóc rối, lặn lội vào từng chợ quê, chợ cóc gạ mua hàng. Để tóc thành hàng hóa phải là loại dài từ 30cm trở lên. Sau khi đã biết ngóc ngách ngón nghề, Bốn không bán cho thợ Bắc Ninh nữa mà lên tận Đồng Đăng (Lạng Sơn) tiếp thị.

Giờ không phải đi đâu xa, thương lái Trung Quốc cũng như đủ loại quốc tịch túa về Thiệu Tổ ăn hàng rầm rập. Vợ chồng anh Bốn thuộc diện buôn tóc sớm nhất nhì làng, từ hồi giá chỉ bèo bọt 3 triệu đồng/yến đến nay có loại đã tăng lên tới 7-8 triệu đồng/cân.

Buôn tóc giờ đã lan ra cả làng với 300 hộ tham gia, người buôn nhỏ cũng vốn chừng dăm bảy chục triệu, đại lý lớn cả vài tỉ đồng xoay vòng. Nghề này cứ thật thà, thẳng băng như tóc, không có chuyện “trong bánh ngoài lá”. Hàng nào dài, đẹp là tiền đẹp. Giá cứ tịnh tiến theo chất lượng: 2 triệu đồng/kg tóc rối, tóc vừa 5 triệu/kg, tóc dài trên 1m giá 7-8 triệu/kg. Thời điểm chạy hàng, vợ chồng anh Bốn bán dăm bảy tạ tóc một tháng.

Chồng lái ô tô, vợ ôm bọc tiền đi giao dịch khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Mỗi vùng miền, dân tộc lại có các loại “hàng” đặc trưng. Những lọn tóc phụ nữ người Mông chảy dài xen lẫn vài sợi vàng hoe thơm hương sương gió miền biên ải. Những tằng cẩu phụ nữ Thái đen nhóng nhánh còn ủ hương các vị lá, mùi hoa núi rừng.

Phụ nữ Thái có phong tục ngâm nước gạo để gội đầu. Nước gạo ngâm kỹ phối với những thứ lá trên rừng thành một loại dầu dưỡng đặc biệt. Anh Bốn bảo: “Lúc đầu phụ nữ vùng cao rất sợ bán tóc vì e người dưới xuôi dùng để kết… bùa, làm chài, sau biết là đồ trang điểm họ mới bán”.

Đất Việt có nguồn tài nguyên tóc vô tận và tốt nhất trong khu vực bởi xứ lạnh quá thì tóc mỏng, tóc thưa, nóng quá như ở Campuchia, Lào thì tóc xoăn, xù, xấu chiếm đa số chứ hiếm có nơi nào tóc dài, mượt như những con suối, con khe như phụ nữ Việt. Lúc đầu phụ nữ vùng cao rất sợ bán tóc vì e người dưới xuôi dùng để kết… bùa, làm chài, sau biết là đồ trang điểm họ mới bán.

Tóc có nhiều loại. “Tóc nóng” cắt tươi roi rói trên đầu, còn có dưỡng chất do máu nuôi nên mượt mà, sống động bảo quản rất lâu mà không khô, hao, xác gầy. “Tóc lạnh” là tóc rối. Trong cộng đồng người Thái, các bà, các mẹ mỗi khi chải đầu, rụng sợi tóc nào lại gom cho con, cho cháu làm tằng cẩu. Tóc ấy được gỡ ra, vân vê thành lọn, cất kỹ trên liếp nhà. Mỗi khi gội đầu nhúm tóc rối cũng được gội, chải ra cho mượt rồi độn vào tóc thật trên đầu kết thành tằng cẩu.

Tằng cẩu là một thứ ngôn ngữ chỉ dấu của phụ nữ Thái đã có chồng. Có phiên chợ, vợ chồng anh Bốn mua được cả bao tải vài chục cân tằng cẩu. Mỗi tằng cẩu dài cả mét, dày mượt nặng lắm cũng khoảng 1-1,5 lạng nên một bao tải là vài trăm mái tóc.

Buôn tóc cũng lắm gian nan. Có đợt giáp Tết, tiết đại hàn chết cả trăm ngàn con trâu bò, vợ anh Bốn ngồi kẹp giữa hai bao tải tóc to lặc lè trên chiếc xe máy chồng đèo, dọc đường gặp chiếc xe khách lấn đường va phải, sống chết lúc đó còn mong manh hơn cả sợi tóc. Ướt như chuột lột. Rét tê, rét tái.

Cả hai vợ chồng bò về được đến nhà rồi nằm đắp chăn mấy tiếng mới hồi tỉnh. Mở bao tải hàng ra, tóc vẫn khô, vẫn thơm mùi hương nhu, lá sả, lá bưởi. Sau đận ấy, vợ chồng anh Bốn quyết định mua ô tô để tiện cho việc giao dịch, vừa an toàn lại vừa tiện lợi.

Ai tóc dài, tốc rối ơ...

Để có hàng cho những đại gia tóc, Thiệu Tổ có hàng trăm chân rết chuyên đi săn hàng khắp Bắc, Trung, Nam thậm chí sang cả Lào, Campuchia. Vợ chồng Ngô Văn Thụ - Nguyễn Thị Đạy là những người như vậy. Các thợ tóc thường ở trọ cùng nhóm, ngày tỏa đi săn hàng, tối gom hàng về. Có những chuyến đi đến các vùng đất xa cuốc bộ cả ngày ròng, có những bận lội vào đường mưa trơn phải mua xích cam quấn bánh xe cho có độ bám.

Chị Đạy bảo, vào các vùng sâu gặp không ít chuyện buồn cười. Như nhiều phụ nữ dân tộc cũng muốn bán tóc nhưng cứ ngần ngừ hỏi: “Lược, dao của cô có… tẩm thuốc mê không? Cô có thuốc nào giúp mọc nhanh tóc không?”.

Có người tiếc không xuống tóc tất tay mà chỉ cho tỉa bớt một nửa rồi phụ nữ Thái thì quấn giẻ vào độn làm tằng cẩu, phụ nữ Mông thì độn lông đuôi ngựa vào cho mái tóc khi vấn lên vẫn đầy đặn, vẫn như "chưa hề có cuộc chia ly".

Có trường hợp vợ lén bán tóc về nhà bị chồng đánh tơi bời, ngược lại có ông chồng ham tiền uống rượu bắt vợ bán tóc mà trái ý thì bị đập cho một trận nên thân. Dân Thiệu Tổ có lắm chiêu thuyết khách rất độc. Có người mỗi khi đến vùng đất mới là mua một con chó, một can rượu đến gặp trưởng bản “dân vận”. Một lời của già làng là cả bản cứ ra giơ đầu cho mà cắt, tóc cứ gọi là lèn chặt cả bao. Nhiều vùng, tóc còn được đem ra đổi áo mưa, chăn, màn, ri đô, nước mắm cùng vô số thứ tạp hóa khác.

Mua hàng toàn theo kiểu “quạ”, nghĩa là ước lượng rồi trả giá nên có những người tóc rơi khỏi đầu thợ đã biết hớ vì tóc xù, khô đánh lừa con mắt nghề nghiệp. Điều bất ngờ là nguồn cung cấp tóc không chỉ có phụ nữ độc quyền. Trong 20 năm bươn chải với nghề, chị Đạy kể rằng đã mua được 4 mái tóc của… đàn ông, 3 người trong Nam, 1 người ngoài Bắc. Những mái tóc nam giới dày, đẹp, mượt mà khiến ối cô gái phải xuýt xoa ghen tị.

Thợ tóc cũng có cách ăn gian độc đáo, lúc hàng chạy, họ buộc cả chục cái chun vào một lọn tóc để gia tăng trọng lượng, hàng bán chậm họ chỉ dám buộc vài cái vì sợ bị chủ đại lý phản ứng. Bí tiền ăn xổi, dầm tiền lưu kho là câu mà thợ tóc Thiệu Tổ nào cũng thuộc nhưng để áp dụng phải trường vốn.

Cũng như nhiều loại hàng khác, tóc bảo quản lâu cũng bị hao, bị ngót nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, cả tạ tóc lưu kho 1 tháng có khi chỉ ngót mất vài lạng. Tóc kỵ nhất là nước vì ngấm nước lâu ngày dễ sinh mủn, mà đã mủn là mủn hàng bao, mủn mất cả cọc tiền xanh 500.000đ chứ không phải vài hào tiền bồm, bạc lẻ. Do đó, các tay to trong làng Thiệu Tổ khi có nhiều hàng họ mua cả thùng dầu gội về “mông” tóc, chải tóc sao cho óng mượt như tơ rồi bảo quản nơi khô ráo chờ một ông chủ nước ngoài đến ăn hàng.

Đừng tưởng tóc chỉ cam phận làm đồ trang điểm. Dân xứ đại hàn tóc mỏng thường đội tóc giả thay mũ chống rét, họ không chỉ có một bộ mà có tới ba bốn. Bộ thì đi dự tiệc, bộ đi làm, bộ đi du lịch…

Có người còn cầu kỳ hơn thuê kết áo bằng tóc trị giá cả chục ngàn đô la. Áo này mặc vào ấm sực, mềm mượt hảo hạng hơn cả lông cừu...

Du lịch, GO! - Theo Dương Đình Tường (NNVN)
Cách thị trấn Tân An (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) khoảng 15km về hướng Tây, thác Khe Mưa ngày đêm rì rào, tuôn những dòng nước trắng xoá như mái tóc của nàng tiên xõa trên vách đá cheo leo.

So với các tỉnh miền núi, vùng đất Quảng Nam cũng không “thua chị, kém em” về thắng cảnh suối, thác.
Thác ở đất Quảng không lồ lộ ngoài khu thị tứ mà thường nằm sâu trong những cánh rừng già quanh năm rợp bóng. Đó là những Thác Mơ (huyện Đại Lộc), suối (thác) Tiên (huyện Tiên Phước), suối Nước Mát (huyện Quế Sơn)… Thác Khe Mưa được ví như “thiên nhiên đệ nhất thắng cảnh” xứ Quảng.

< Hồ nước phía dưới nhìn từ đỉnh ngọn thác.

Từ thị trấn Tân An, men theo những con đường làng quanh co, khúc khuỷu về phía Tây rồi đi bộ băng qua một cánh rừng già rợp mát, thác Khe Mưa dần hiện ra, làm dịu đi cái mệt mỏi, hong khô vệt mồ hôi trên lưng áo bạn đường. Nhìn từ xa, thác Khe Mưa như một nàng tiên nằm xõa tóc trên những vách đá giữa rừng cây cổ thụ ngút ngàn.

Có lẽ, vì những dòng nước mát tuôn tràn, bắn nước bụi tung như mưa nên người ta gọi nơi này là thác Khe Mưa. Và một điều đặc biệt nữa, theo những người đi rừng nơi đây, dù thời tiết có khô hạn đến mấy, Khe Mưa vẫn đầy nước và tuôn trào quanh năm.

Bên dưới dòng thác là một hồ nước thiên nhiên mát lạnh, độ sâu cũng chỉ ngang tầm vai người. Chỉ cần lội qua hồ nước, bạn sẽ được vắt mình trên những tảng đá xếp chồng lên nhau và thưởng ngoạn cái thú bốn bề nước chảy, mơn man cơ thể mình, như được bàn tay dịu dàng massage đều đặn trên lưng.

Để cảm nhận độ dài và vẻ đẹp bất tận của “mái tóc nàng tiên”, chỉ cần men những con đường mòn và vượt qua những tảng đá, bạn sẽ lên được đỉnh thác. Ngồi trên đỉnh núi, nhìn những dòng nước trắng xóa đổ xuống phía dưới sâu hun hút, mọi mệt mỏi, ưu phiền trong cuộc sống cũng tan biến theo.

Để đến thác Khe Mưa, khách chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc xe đạp leo núi vì những con đường mòn dẫn lên núi quanh co và hẹp. Đến bìa rừng, bạn nên dựng xe ở một chỗ, rồi vượt qua quãng đường bộ hơn 1km, băng qua cánh rừng già với những cây cao tán rộng mà ánh nắng không thể xuyên qua.

Thêm một điều đặc biệt là bạn có thể cắm trại qua đêm tại thác Khe Mưa nếu đi đông người và nên mang theo dụng cụ chống muỗi và vắt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của người dân địa phương, tốt nhất hãy đi thác Khe Mưa vào mùa hè, tránh mùa mưa vì có thể gặp những cơn lũ.
Thác Khe Mưa, thêm một địa chỉ thú vị dành cho dân phượt.

Du lịch, GO! - Theo Phunuonline

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống