Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 18 September 2012

La Hai xưa: Không có phố, xóm thôn chỉ có mái tranh. Hoàng hôn buông khói biếc, hàng tre xanh im lìm soi dáng xuống dòng sông. Con sông Con, sông Cái lững lờ trôi. Sông cũng ồn ào khi lũ trẻ nghịch đùa trong những buổi trưa hè oi ả. La Hai, phố núi hiền hòa bình dị đã đi vào nhạc, vào thơ. Vùng đất này còn gieo niềm tin, nỗi nhớ vào tâm khảm những người xa quê.

< Đường vào thị trấn La Hai bên cây cầu sắt.

La Hai xưa là vùng tự do của cuộc kháng chiến chín năm lịch sử, là nơi để người lính áo vải si ta, sau những chặng đường hành quân trải bao hiểm nguy, gian lao, vất vả trở về bên các má, các chị, các em. Rồi người lính Cụ Hồ lại đi tiếp chặng đường đánh đuổi giặc cứu dân.

La Hai xưa với dưa Lỗ Sấu đỏ hồng, dòn tan, ngọt lịm mát lòng người chiến sĩ, trái bắp sữa đầu mùa no dạ người lính xa quê. Kẹo đậu phụng “nẫu” nấu dẻo thơm. Nồi sắn hầm ấm áp bụng đêm mưa gió. Và ai đã đến đây, dầu chỉ một lần, khi xa rồi sẽ nhớ vô cùng. Nhớ miếng dưa hấu “nẫu” trao, bắp soi Bầu má nấu, nhớ hương kẹo xứ đường, nhớ nồi sắn hầm đêm ấy hay nhớ tình người và nụ cười của em gái La Hai?

La Hai có dòng Kỳ Lộ chảy từ chân núi La Hiên hùng vĩ, qua bao làng mạc, sông về xuôi vẫn mang cái tên gợi nhớ thượng nguồn - Kỳ Lộ.

< Cầu sắt La Hai.

Ở đầu nguồn, lòng sông Kỳ Lộ sâu và hẹp, hai bờ là những vách núi dựng đứng. Xuôi về hạ lưu, bờ là bãi cát phẳng phiu, nước quanh năm trong xanh, nhìn thấu đáy. Bởi vậy nên có câu ca dao:

Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền anh bơi ngược dòng sông
Nhìn em cho thỏa tấm lòng nhớ thương

< Chợ La Hai.

Vậy nhưng La Hai nằm ở vùng trũng, gần như năm nào nơi đây cũng bị nước lụt bao vây. Nói đến mùa mưa ở phố núi, trong ký ức tôi và bao người dân nơi đây in đậm trận lũ lịch sử năm 2009. Trận lũ lụt lịch sử ấy làm người dân quê La Hai khốn đốn. Song, ở đó cũng đầy ắp tình người.

Ai đó bảo gái La Hai xưa có mái tóc dài, hàng mi đen cong trên đôi mắt đẹp, có nụ cười tươi như hoa buổi sáng…

Gái La Hai xưa cũng hay lam, hay làm, cũng hai sương một nắng để mùa về gánh lúa vàng kĩu kịt. Và nếu giặc tới, em cũng biết cầm súng giữ làng. Dân gian có câu: “Nhất gái La Hai – nhì trai Phường Lụa”. Em gái La Hai một lần đã gặp, khi đi xa rồi thì cứ luyến lưu.

La Hai quê hương! Nhiều người đã đến, đã nhớ và đã yêu, đã xem La Hai là một phần máu thịt của mình. Gái La Hai còn có giọng ca trời phú, đã làm bao mặc khách khi ghé thăm đều muốn “Ở lại đây mà nghe tiếng hát…” để rồi…“quên đường về”.

Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên là một minh chứng cho giai nhân phố núi với tài sắc vẹn toàn. Có lẽ vậy mà tướng Đoàn Khuê khi đến đây hoạt động cách mạng đã chọn gái La Hai làm người bạn đời tri kỷ.

La Hai nay đã có phố, có phường; xóm xóm thôn thôn màu ngói đỏ như khoe cùng màu xanh đất trời, màu xanh của lúa. Hàng tre làng vẫn duyên dáng soi bóng. Dòng sông xanh vẫn lững lờ trôi.

Phố núi hôm nay: Ánh điện sáng lung linh trong sương. Vẫn bóng má, bóng em trên đồng. Gặp em gái La Hai, vẫn nụ cười tươi, hai má ửng hồng. Vẫn những con người một nắng hai sương điểm tô cuộc sống…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Phú Yên, ảnh internet
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại vừa chỉ đạo sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/9 tới.

< Ngôi nhà của phụ mẫu thân sinh ra ông Nguyễn Văn Thiệu nằm trong một ngõ nhỏ, quanh co giữa làng chài thôn Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Theo lời kể của người dân địa phương, ông Thiệu là người rất mê tín. Tháng 3/1971, sau khi đắc cử ghế Tổng thống Sài Gòn, ông Thiệu đã đưa vợ con về thắp hương mộ tổ, gom mồ mả của dòng họ... để tạ ơn tổ tiên...

< Bên tay trái của căn nhà có ngọn núi nhỏ, dưới chân núi có chùa và sóng nước, khá đẹp.

... Đồng thời, vợ chồng ông cho sửa sang chùa Trùng Sơn trên đỉnh núi và Văn Thánh miếu ở lưng chừng núi Đá Chồng nằm giữa hai xã Khánh Hải và Văn Hải.

Trên núi Đá Chồng có ba tảng đá lớn chồng lên nhau có hình thù rất dữ tợn đặt tên là núi Mặt Quỷ. Cách núi Mặt Quỷ khoảng 1 cây số, ở chóp Bắc núi Đá Chồng, có một tảng đá lớn hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 6 m, cao 3m nhìn giông giống như cái dao, nên được gọi tên là hòn Đá Dao, các thầy phán là “yểm mệnh” của Thiệu.

< Núi mặt quỷ ở Ninh Hải, Ninh Thuận.

Dân xứ này có câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao” và cho rằng sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu thăng quan, tiến chức, phát quang lộ mặc dù nhà gần chân núi Mặt Quỷ là nhờ hòn Đá Dao.

Tin lời các quân sư “chiêm tinh gia” nên nhân chuyến hồi hương vinh quy bái tổ, vợ chồng Thiệu mang theo các sư phụ cao nhân về để trấn, yểm giữ long mạch núi Đá Chồng để bảo vệ linh khí cho Thiệu về sau.

< Theo lời kể của một số người dân trong làng, hồi nhỏ ông Thiệu và bạn bè đi học qua con sông này bằng đò rất vất vả, nên luôn mơ ước có cây cây cầu cho trẻ em đi học dễ dàng. Sau khi lên làm Tổng thống, ông liền cho làm một cây cầu bê tông thay cho bến đò. Do năm tháng, cầu cũ đã xuống cấp nên mới đây Nhà nước đã làm cây cầu mới bên cạnh cầu cũ.

< Gian giữa của căn nhà có treo bức hoành phi "Đức Lưu Quang".

Để "yếm" long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ, ông Thiệu lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ.

Âm dương bài bố đầy đủ, Nguyễn Văn Thiệu và vợ là bà Nguyễn Thị Mai Anh yên tâm, ngủ ngon và tin tưởng đến mức gửi trọn tiền đồ quốc gia cho những lời phán truyền sấp ngửa. Thế nhưng, đến đầu năm 1975, khi quân Giải phóng đã đánh chiếm tỉnh Phước Long thì vận mệnh ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đến lúc tàn.

< Nhà nghỉ mát của Tổng thống Thiệu trên bãi biển Ninh Chữ.

Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh tại làng Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), làm tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH), tại miền Nam Việt Nam từ năm 1967 – 1975. Sau đó ông cùng gia đình sống lưu vong ở nước ngoài và qua đời tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Ngôi nhà cũ của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu tại khu vực bãi biển ở huyện Ninh Hải vốn là nơi để ông và gia đình nghỉ mát mỗi khi ông về quê.

Ngoài căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu, UBND huyện Ninh Hải sẽ định hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến hai căn nhà của quan chức chế độ cũ khác là ông Hoàng Đức Nhã và Trần Đình Thống tại huyện Ninh Hải. Dự định bố trí sử dụng làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng dân cư địa phương.

Du lịch, GO! - Tổng hợp theo báo Đất Việt, Sài Gòn tiếp thị
Dung Quất cách huyện ly Bình Sơn 18km đường bộ, 20km đi thuyền dọc theo sông Trà Bồng trong xanh thơ mộng, địa danh nơi đây đã gắn liền với lịch sử.

< Vịnh Dung Quất tinh khôi trong nắng mai lên. Từ thuở xưa người dân địa phương thường gọi là Vũng Quýt (Quất), cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 45 km về phía Đông Bắc.

Vịnh Dung Quất, thuở xưa người dân địa phương thường gọi là Vũng Quýt có biển quanh năm nơi đây hiền hòa, được bao bọc bởi dãy núi Nam Trâm và mũi CoCo là hình vòng cung che chắn gió, thuận lợi cho ngư trường khai thác quanh năm.

< Tàu dầu vào neo đậu tại vịnh Dung Quất tiếp nhận sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất - góc nhìn từ ô cửa tàu cá trong nắng sớm. Khảo sát vịnh Dung Quất vào tháng 9/1994, trước phong cảnh hữu tình nơi đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thốt lên: “Dung Quất đẹp như nàng công chúa đang ngủ”, sau đó chọn Dung Quất là địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước.

< Những ghe máy nhỏ rẽ sóng qua lại trên vịnh Dung Quất tạo nên bức tranh thanh bình.

Đến Dung Quất bạn ngồi lên chiếc xuồng nhỏ, thả trôi lững lờ dọc ven bờ, nhìn bao quát vùng biển xanh biết mênh mông. Nổi lên giữa dòng sông là Hòn Bà, Hòn Trà, xa hơn là Hòn Ông giống như một người khổng lồ nằm ngắm bể Đông. Đến Hòn Ông, bạn có dịp quan sát tổ của loài di, cùng nghe tiếng hót của nhiều loài chim biển vang trên những mõm đá.

< Những cồn đá lô nhô trên vịnh Dung Quất- nhìn từ xa trông giống những nét chấm phá của bức tranh thủy mặc.

Chệch về hướng Tây là bãi tấm Khe Hai, mực nước sông phẳng lặng, bờ cát trải dài trắng mịn ôm choàng dãy phi lao xanh mượt vi vu gió hè. Từ dây bạn xuôi thuyền đến mũi CoCo, đây là bãi đá ngầm trông giống như đàn vích trườn mình ra biển.

< Đê chắn sóng dài hơn 1,6 km - công trình đê dài nhất Đông Nam Á nhoài ra biển trông giống cánh tay khổng lồ trong nắng chiều.

Men theo bãi đá, bạn chỉ cần một phiến đá mỏng để khẩy ốc, hàu, thú vị hơn, bạn có chiếc cần câu, lấy ốc tia đập nhỏ làm mồi câu cá hanh, cá săn bông trong hốc đá, sẽ có món nướng, luộc đậm đà hương biển và cững không quên chọn hang đá, gốc dương mát dịu đắm mình trong cảm giác thư thái.

< Tranh thủ lúc tàu làm thủ tục tiếp nhận hàng, một thủy thủ thư thả ra hiên tàu câu cá trên vịnh Dung Quất.

Bên cạnh là Bãi Bóng, Bãi Xếp, Bãi Lớn, Bãi Nhỏ còn nguyên vẹn vẻ đẹp sơ khai kỳ thú. Nếu còn thời gian, bạn đổ bộ vào Hòn Cóc dưới chân núi Nam Trâm, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi vách đá thắng đứng như bức tường thành uy nghiêm thách thức cùng thời gian.

< Hoàng hôn trên vịnh Dung Quất.

Cạnh bãi biển có khe nước ngọt, ngư dân đi khơi thường về đây nghỉ ngơi lấy nước. Chiều trời gát núi từng đàn khỉ kéo về uống nước và nhặt thức ăn từ các loại sinh vật biển.

Hằng năm vào ngày 4/1 âm lịch, ngư dân thường tổ chức lễ hội đua thuyền, thuyền được khắc biểu tượng bốn linh vật : Lân, Long, Qui, Phượng với nhiều hoa văn rực rỡ. Khi tiếng trống khai cuộc, những đôi tay vạm vỡ rám nắng đồng nhịp bước lên trong tiếng cổ vũ reo hò cuồng nhiệt, cờ trống vang đậy cả góc vịnh.

Vịnh Dung Quất với vẻ đẹp tinh khôi trong nắng mai lên, yên bình lúc hoàng hôn ráng vàng buông xuống nhẹ nhàng trên biển, nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung.

Du lịch, GO! - iQNG.vn tổng hợp, ảnh VnExpress

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống