Ngày nay, món mì Quảng theo chân các cư dân Quảng Nam - Đà Nẵng tỏa đi khắp các vùng miền đất nước. Nhưng ít ai biết “cái nôi” của mì Quảng lại ở làng quê nghèo Phú Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Chúng tôi đến làng Phú Chiêm một ngày giữa hè. Nắng vàng rải mật trên ruộng đồng, làng mạc vùng quê miền Trung. Phú Chiêm yên bình, mộc mạc như nhiều làng quê xứ Quảng với những hàng cau, khóm chuối, vườn cây xanh mát. Đi dọc con lộ trong làng, bạn có thể gặp các bà, các chị quảy quang gánh, đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bày hàng phục vụ khách dưới gốc đa, quán cóc bên đường.
Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi ghé vào gánh mì của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi). Miệng nhai trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ mời khách: "Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.
Vừa thưởng thức món mì Quảng chính hiệu, khách vừa nghe bà Tài tâm sự: “Tôi theo nghề bán mì từ thời con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn khỏe, tôi gánh mì đi bán tứ xứ, gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện… xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ…
Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc ba giờ sáng, chế biến đến sáu giờ là gánh đi bán, đến 10 giờ thì bán hết mì. Mỗi ngày bán khoảng tám kg mì, lãi chừng 70.000 đồng. Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá công phu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì cung ứng cho cả trăm gánh mì. Đến rau sống, đậu phộng rang cũng có người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi…”.
Tô mì Quảng của bà Tài khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phộng giã giập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non của rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết tô mì mà vẫn còn thòm thèm, giá một tô chỉ 10.000 đồng.
Bà Tài cho biết, để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì phải được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon gieo trồng từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo. Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm, lá mì sẽ được gấp lại rồi xắt thành từng sợi như sợi phở. Nồi nước nhưn có thể nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà, vịt, tôm, cá lóc, ếch..., mỗi loại nguyên liệu mang đến một hương vị riêng. Nhưng theo những bậc sành ăn xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba rọi) và tôm.
Mì Quảng ở làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nguyên liệu nước nhưn đó. Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ, hoa chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm. Ăn mì Quảng không thể thiếu loại ớt sừng trâu màu xanh, khi cắn từng miếng ớt vỡ giòn trong miệng, tỏa vị cay nồng không lẫn vào đâu được. Tô mì Quảng ngon còn phải có bánh tráng nướng vàng ươm kèm theo. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn, trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng…
Trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng... người Quảng Nam luôn có món mì Quảng đãi khách. Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương… (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ một giờ khuya để nấu mì Quảng. Ba bốn giờ sáng, họ ra quốc lộ đón xe về Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán...
Sáng sớm, xe tới thành phố, các cô, các bà lại lỉnh kỉnh xếp thúng mủng, gióng mây để quảy gánh lên vai. Một đầu gánh là thúng đựng mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói thơm nức. Những tiếng rao lanh lảnh, vang trên các đường phố sao mà cồn cào, nôn nao...
Những gánh mì Phú Chiêm bán rong thường hết trong buổi sáng. Buổi chiều, những người phụ nữ bán mì dạo trở về, lại tảo tần với việc nhà. Khuya đến, các bà, các cô lại tất bật chuẩn bị để ngày mai rong ruổi gánh mì đi bán. Người trẻ thường đi bán xa, người già thì bán gần hoặc ngay trong làng, trong xóm. Ngày qua ngày, hàng trăm người bán mì Phú Chiêm dạo cứ rong ruổi và bận rộn như thế trong chu kỳ mưu sinh bất tận.
Du lịch, GO! - Theo Khánh Loan (báo Phụ Nữ), internet
Chúng tôi đến làng Phú Chiêm một ngày giữa hè. Nắng vàng rải mật trên ruộng đồng, làng mạc vùng quê miền Trung. Phú Chiêm yên bình, mộc mạc như nhiều làng quê xứ Quảng với những hàng cau, khóm chuối, vườn cây xanh mát. Đi dọc con lộ trong làng, bạn có thể gặp các bà, các chị quảy quang gánh, đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bày hàng phục vụ khách dưới gốc đa, quán cóc bên đường.
Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi ghé vào gánh mì của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi). Miệng nhai trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ mời khách: "Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.
Vừa thưởng thức món mì Quảng chính hiệu, khách vừa nghe bà Tài tâm sự: “Tôi theo nghề bán mì từ thời con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn khỏe, tôi gánh mì đi bán tứ xứ, gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện… xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ…
Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc ba giờ sáng, chế biến đến sáu giờ là gánh đi bán, đến 10 giờ thì bán hết mì. Mỗi ngày bán khoảng tám kg mì, lãi chừng 70.000 đồng. Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá công phu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì cung ứng cho cả trăm gánh mì. Đến rau sống, đậu phộng rang cũng có người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi…”.
Tô mì Quảng của bà Tài khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phộng giã giập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non của rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết tô mì mà vẫn còn thòm thèm, giá một tô chỉ 10.000 đồng.
Bà Tài cho biết, để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì phải được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon gieo trồng từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo. Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm, lá mì sẽ được gấp lại rồi xắt thành từng sợi như sợi phở. Nồi nước nhưn có thể nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà, vịt, tôm, cá lóc, ếch..., mỗi loại nguyên liệu mang đến một hương vị riêng. Nhưng theo những bậc sành ăn xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba rọi) và tôm.
Mì Quảng ở làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nguyên liệu nước nhưn đó. Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ, hoa chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm. Ăn mì Quảng không thể thiếu loại ớt sừng trâu màu xanh, khi cắn từng miếng ớt vỡ giòn trong miệng, tỏa vị cay nồng không lẫn vào đâu được. Tô mì Quảng ngon còn phải có bánh tráng nướng vàng ươm kèm theo. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn, trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng…
Trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng... người Quảng Nam luôn có món mì Quảng đãi khách. Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương… (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ một giờ khuya để nấu mì Quảng. Ba bốn giờ sáng, họ ra quốc lộ đón xe về Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán...
Sáng sớm, xe tới thành phố, các cô, các bà lại lỉnh kỉnh xếp thúng mủng, gióng mây để quảy gánh lên vai. Một đầu gánh là thúng đựng mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói thơm nức. Những tiếng rao lanh lảnh, vang trên các đường phố sao mà cồn cào, nôn nao...
Những gánh mì Phú Chiêm bán rong thường hết trong buổi sáng. Buổi chiều, những người phụ nữ bán mì dạo trở về, lại tảo tần với việc nhà. Khuya đến, các bà, các cô lại tất bật chuẩn bị để ngày mai rong ruổi gánh mì đi bán. Người trẻ thường đi bán xa, người già thì bán gần hoặc ngay trong làng, trong xóm. Ngày qua ngày, hàng trăm người bán mì Phú Chiêm dạo cứ rong ruổi và bận rộn như thế trong chu kỳ mưu sinh bất tận.
Du lịch, GO! - Theo Khánh Loan (báo Phụ Nữ), internet