Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 21 September 2012

Đến huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế), hỏi dân địa phương nên thăm cảnh đẹp nào, chắc chắn du khách sẽ được chỉ đến thác A Nô (A Nôr). Thác cách trung tâm huyện A Lưới 3km thuộc làng Việt Tiến, xã Hồng Kim. Người dân A Lưới có câu: “Chưa thăm A Nôr như chưa đến A Lưới”. 

Phải băng qua vài ngọn đồi mới đến được thác A Nô nhưng trên đường đi, du khách đã có thể thả mình vào không gian trong lành của thiên nhiên. Men theo con đường đất, nhiều người sẽ gặp những tảng đá rêu phong với đầy đủ kích thước. Có tảng đá to được tận dụng làm giường ngủ dưới tán cây rất mát mẻ, lại có nhiều tảng đá rộng bằng bàn ăn là nơi để khách du lịch “nhâm nhi”.

Đường đi khá gập ghềnh, nhưng đã có “dàn giao hưởng” của tiếng chim hót, vượn hú, tiếng rì rầm của nước trong, tiếng lá cây cổ vũ nên không ai cảm thấy mệt mỏi.

< Đường vào thác ANôr.

Không gian A Nô đúng là có thể xoa dịu sự căng thẳng cuộc sống thường nhật, làm cho mọi người ai cũng thấy dễ chịu và sảng khoái. Đặc biệt, khi đến nơi, đắm mình vào dòng nước mát lạnh thì người khó tính nhất cũng có cảm giác thích thú.

< Thác A Nôr.

Từ trên cao dòng nước trắng xóa đổ xuống thành ba ngọn thác liên hoàn làm nên một thác A Nô hoang sơ và quyến rũ. Trên cùng là ngọn thác ngắn nhất và cuối cùng là ngọn thác cao nhất. Phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng. Nơi đây có thể bơi lội và tha hồ xông hơi nước mát.

< Dòng nước mát lạnh từ thác tạo thành suối.

Do đổ từ độ cao hơn trăm mét nên thác A Nô luôn có một lớp sương mờ bao phủ xung quanh thác với những thảm thực vật xanh ngắt, không khí mát lạnh vì bụi nước lan tỏa. Vách núi đá cheo leo luôn có nhiều hoa đỗ quyên rực đỏ càng làm A Nô thêm thơ mộng. Nhiều người ví A Nô như một máy điều hòa tự nhiên, chống lại cái nắng gay gắt và gió Lào khô khốc, bức bối.

< Núi Chóp Mũ mờ sương.

Ở khu du lịch sinh thái A Nô có ngọn Chóp Mũ cao chót vót quanh năm mây phủ cùng những cánh rừng già, là khu vực bảo tồn nhiều loài động - thực vật quý.

< Làng Việt Tiến.

Đến đây du khách còn khám phá những nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hi, Cơ Tu và Vân Kiều cùng chung sống ở đại ngàn A Lưới. Đặc biệt có làng Việt Tiến nằm ngay lối vào khu du lịch, nơi du khách dừng chân thưởng thức rượu cần, nghe cồng chiêng và xem điệu múa Cha Chấp truyền thống của người Pa Kô. Làng có tên như thế vì được Công ty may Việt Tiến tài trợ xây dựng, gồm 22 hộ dân với 22 nếp nhà sàn.

< Đội cồng chiêng của làng.

Thời kháng chiến chống Mỹ, đây là điểm ra mắt đội du kích xã Hồng Kim. Dừng chân ở cổng làng Việt Tiến, ta có thể nghe thấy âm thanh nước đổ đồng vọng với tiếng chim rừng ríu rít. Cách chân thác 1km, cảm giác mát lạnh, trong lành ập đến khiến du khách như quên cái mỏi mệt sau chuyến hành trình dài.

Nước A Nôr đổ ra thành suối rộng, người dân quanh vùng thường đến đây bắt ốc, cua, cá. Lội qua suối, bạn có thể thấy những chú cá leo búng mình lên các tảng đá rất điệu nghệ.

Người già kể, xưa, A Nôr là nơi trú ngụ nhiều con vật nhà trời. Ngày nọ, người đàn ông trong bản thấy con ếch to, anh ta giương nỏ bắn. Con ếch chết, người đàn ông về nhà đổ bệnh và chết theo. Dân làng thương nhớ và lấy tên ông đặt tên cho ngọn thác. A Nôr gồm ba ngọn thác liên hoàn cao 8m, 60m, 120m. “Đứng ở đỉnh A Nôr sẽ thấy được toàn cảnh A Lưới”, Quỳnh Liên, người già trong bản cho biết.

Nước A Nôr đổ từ trên cao xuống trông như suối tóc của thiếu nữ. Hai bên thác là những vạt hoa rừng tím, đỏ điểm tô thêm cảnh sắc. Mùa hè, dân bản và du khách tìm đến đây mỗi ngày hàng trăm lượt. A Nô được ví như như chiếc máy điều hòa giúp bà con chống lại cái nắng gay gắt trên dãy Trường Sơn. Trên đường ra, bạn có thể ghé bản làng Việt Tiến mua một số hàng lưu niệm truyền thống và nghe những bài dân ca trữ tình của người Pa kô.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTCT, QĐND và nhiều nguồn khác
Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, mỗi chiều sau khi tắm biển xong, rủ bạn bè thưởng thức một đĩa mít trộn hay ốc hút thì còn gì bằng.

Đã nghe “danh tiếng” mấy món ăn này, nên khi được mời, tôi khó có thể từ chối. Thật vậy, mấy món “ăn chơi” dân dã này không biết từ bao giờ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Đà Nẵng, và bây giờ đang được biết đến như một nét ẩm thực vô cùng độc đáo ở đây. Ngồi bên bạn bè, trò chuyện rôm rả, thưởng thức mấy món ăn quê, mới nhận ra đôi khi hạnh phúc thật giản đơn.

Cây mít mọc ở nhiều nơi ở Đà Nẵng, trái có vị rất đậm và thơm, món mít trộn cũng vì thế mà càng thêm đậm đà.

Người Đà Nẵng cũng như người dân sống trên dải đất miền Trung vốn mộc mạc, chất phác, vì thế các món ăn cũng đơn giản, không cầu kỳ trong chế biến. Tuy vậy, vị tinh tế và đậm đà thì không chê vào đâu được. Món mít trộn là như vậy.

Với món mít trộn, nguyên liệu cơ bản là giống nhau, cũng từ trái mít non luộc chín vừa tới rồi xắt sợi hoặc xé tơi để trộn gỏi, nhưng các hàng quán “nhà giàu” thì trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ, nhìn món ăn sang trọng hơn. Nhưng có lẽ đúng món mít trộn chân chất xứ này thì phải là trộn với da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Tất cả trộn đều với nhau, tạo nên mùi thơm quyến rũ, màu sắc cũng thật bắt mắt.

Ăn mít trộn thì không thể thiếu bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm... tất cả tạo nên một vị ngon không cưỡng được.

Đà Nẵng cũng là xứ nổi tiếng với món ốc xào xả ớt, mà người dân địa phương gọi dân dã là ốc út. Ốc miền Trung con nào con nấy nhỏ mà chắc thịt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... nhiều vô số kể ở khắp nơi. Đem về ngâm thật sạch, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà khó quên. Có lẽ là do sự đậm đà vốn có trong cách thức chế biến món ăn của người Đà Nẵng đã tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn này.

Món ốc hút đã trở thành quen thuộc với mọi người, nhất là các bạn trẻ và du khách phương xa. Rảnh rỗi, bạn bè rủ nhau đi "hút ốc", ngồi bên quán vỉa hè hút ốc bằng tay, miệng và tay dính màu ớt đỏ cay xè, ăn xong lâu rồi vẫn hít hà vị cay. Vậy mà vẫn thích. Sự đậm đà của sả, ớt và gia vị thấm vào từng con ốc tạo nên cái “sự ghiền” cho người ăn.

Đà Nẵng là một thành phố lớn ở miền Trung. Bên cạnh sự giàu có của hải sản và sự phong phú trong ẩm thực nơi đây, sự hấp dẫn của Đà Nẵng đôi khi đến từ những nét rất nhỏ, rất riêng và rất đặc biệt. Những món ăn chơi dân dã này chính là một trong những nét riêng đặc biệt đó. Bởi tôi đã vài lần nghe bạn bè rủ rê: Ghé Đà Nẵng chơi không? Tắm biển thỏa thích rồi làm đĩa mít trộn hay đĩa ốc hút cay xè cho đỡ nhớ.

Du lịch, GO! - Theo Huỳnh Thu Dung (TTO), internet
Người Lự (còn gọi là Lào Lự, người Lữ, người Nhuồn, người Duồn) là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam. Mấy năm gần đây một số bản làng của người Lự ở tỉnh Lai Châu đã trở thành điểm du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn du khách quốc tế.

Theo số lượng mới thống kê gần đây, cả nước chỉ có khoảng 5.500 người Lự và họ sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Phong Thổ, Tân Uyên (Lai Châu).

Người dân tộc Lự biết làm ruộng nước từ lâu đời và còn làm thêm nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn. Nghề trồng bông dệt vải phát triển ở hầu hết gia đình người Lự.

< Nụ cười của phụ nữ Lự lộ những hàm răng độc đáo. Vậy nhưng trong bản giờ chỉ những người trên 35 tuổi mới nhuộm răng đen.

Phụ nữ Lự có bàn tay thêu thùa khéo léo, may, dệt trang phục cho cả gia đình; nhất là váy, áo, khăn của thiếu nữ về nhà chồng trong ngày hôn lễ được thêu hoa văn thổ cẩm trang trí trên nền vải nhuộm chàm rất đẹp.
< Bình yên bản Nà Tăm

Họ mặc áo chàm, xẻ ngực; váy may bằng vải chàm đen, có thêu hoa văn thổ cẩm thành hai phần trang trí do vậy thoáng nhìn cảm giác như chiếc váy có hai tầng vải ghép lại.

< Nhà sàn đặc trưng của người Lự.

Thiếu nữ Lự đeo vòng cổ trang sức làm bằng bạc chạm khắc rất tinh xảo và khăn đội đầu được cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn thổ cẩm đẹp mắt.

< Lễ cơm mới của người Lự.

Người dân tộc Lự sống có trước có sau, đặc biệt vợ chồng rất thủy chung với nhau. Nếu vì lý do nào đó mà vợ chồng phải ly dị thì họ sẽ bị dòng họ và dân làng phạt rất nặng.

< Phụ nữ Lự giặt giũ bên bờ suối. Một vài nơi ở vùng sâu hơn: các cô gái Lự vẫn duy trì phong tục ngực trần tắm suối.

Người Lự rất thích hát dân ca của dân tộc mình, say sưa chơi các loại nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị, trống trong các ngày lễ, ngày hội của bản làng. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi dân gian được thanh niên ưa thích như ném én, kéo co.

< Qua suối.

Nét độc đáo nhất của phụ nữ Lự là phong tục nhuộm răng đen có điểm xuyết một vài chiếc răng bằng vàng giả trông khá lạ mắt. Phong tục nhuộm răng đen đang bị mai một vì lớp trẻ của người Lào Lự giờ không thích nhuộm răng đen. Bây giờ tìm trong bản những người nhuộm răng đen chỉ là phụ nữ có tuổi đời từ 35 trở lên.

Theo truyền thống, người Lự sinh sống ở nhà sàn, nhà có hai mái, mái phía sau ngắn còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà ở chính mở theo hướng tây bắc. Trong nhà có hai bếp lửa, một bếp để nấu ăn cho gia đình hằng ngày và một bếp để đun nước tiếp khách khi tới thăm nhà.

Nét đặc biệt của người Lự là rất quý khách tới thăm nhà và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách chụp ảnh, tìm hiểu phong tục tập quán nhưng không đòi hỏi thù lao như những nơi khác.

Du lịch, GO! - Theo Ngọc Bằng (TTO), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống