Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 22 September 2012

“Từ sáng đến giờ tôi đã giao được hơn 2000 chiếc lồng đèn rồi đó. Năm nay, hàng được sản xuất nhiều, ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”. Một chị bán hàng trung thu ngay ngõ vào nhà thờ Phú Bình trên đường Lạc Long Quân (P.5 Q.11 TP.HCM) vui vẻ khoe với chúng tôi như thế…

< Những gian hàng lồng đèn ở xóm lồng đèn Phú Bình.

Hồi sinh một nghề “hiếm”

Buổi sáng cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch, con hẻm dẫn vào xóm đạo Phú Bình nhộn nhịp hơn ngày thường. Những gian hàng bán lồng đèn trung thu trưng bày nhiều sản phẩm khá đẹp. Những chiếc lồng, đèn giấy kiếng truyền thống có dịp khoe sắc.

Trên chiếc ba gác máy, một thanh niên đang cẩn thận xếp từng chiếc lồng đèn lên xe. Đủ hình thù con vật, nào bướm, cua, thỏ, gà…rất nhiều mẫu mã đẹp mắt. Anh thanh niên vừa làm vừa cho biết, một đơn vị hoạt động từ thiện đặt 4.000 chiếc lồng đèn trong dịp trung thu này. Do số lượng lớn, nên anh phải giao hàng theo nhiều đợt.

Anh thắc mắc: “Không hiểu vì sao những năm trước mãi lực lồng đèn giấy kiếng mỗi năm mỗi thấp nhưng năm nay lại tăng cao. Có được như vậy chúng tôi mới tiếp tục duy trì được làng nghề truyền thống của cha ông để lại từ hơn 50 năm nay”.


< Chuyển hàng lên xe.

Tính từ đầu ngõ vào đến nhà thờ khoảng 100m có chừng 5 gian hàng bán lồng đèn giấy kiếng. Họ là những hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh lâu đời mặt hàng này.Ghé vào một gian hàng, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích đang cặm cụi chẻ từng chiếc nan làm khung sườn lồng đèn. Bàn tay của cô gái mềm mại, nhịp nhàng…

Là nhân viên kế toán của một công ty trong thành phố, Bích hiện 28 tuổi, đã nghỉ việc nhiều năm về với gia đình, tiếp tục nối gót cha ông làm nghề truyền thống.

Phía trong cửa hàng, cụ Nguyễn Thị Hoa, mẹ Bích đang ráp những khung lồng đèn. Thực ra cả nhà bắt tay vào công việc sản xuất lồng đèn ngay từ sau Tết. Trải qua 8 tháng lao động cần cù, không mệt mỏi, hàng chục ngàn chiếc lồng đèn với đủ loại hình thù, màu sắc ra đời, tỏa ra muôn hướng đem lại niềm vui cho trẻ thơ trong đêm rằm tháng 8.

Bích cho biết sức bán năm nay tăng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh hàng điện tử ngoại nhập vẫn ồ ạt tấn công các món hàng truyền thống…

Một cụ già trong xóm lồng đèn nhận xét: đèn năm nay bán chạy hơn có nghĩa là, sau nhiều năm chơi các loại đèn ngoại nhập, trẻ thơ Việt Nam muốn trở về với cái mộc mạc, vẻ nét đẹp thâm sâu của những chiếc lồng đèn giấy kiếng. Phải chăng cái hồn của dân tộc đang trở lại mạnh mẽ ?

Lồng đèn “Báo Đáp”

Xóm lồng đèn Phú Bình được hình thành vào giữa thập niên 1950. Nơi đây là một quần cư của những gia đình có gốc gác từ miền Bắc. Theo những bậc cao niên còn sót lại, xuất phát từ làng nghề lồng đèn ở Nam Định. Họ mang vào Nam nghề truyền thống của cha ông, sống quay quần cùng nhau duy trì và phát triển. Ban đầu vài chục hộ, sau lên cao điểm tới hơn 200 hộ và hiện nay con số chỉ còn một nửa, chủ yếu là cầm cự để giữ nghề.

< Những cô gái trẻ thực hiện công đoạn cuối cùng: trang trí cho lồng đèn.

Thời vàng son của nghề lồng đèn phải kể đến những năm trước 1975. Hồi ấy, chiếc lồng đèn là cả một niềm mơ ước của những đứa trẻ Sài Gòn. Nét hoa văn rực rỡ, hình tượng phong phú: hình con cá, con tôm, nai…đủ màu vàng, đỏ, xanh đã làm các em nhỏ ngẩn ngơ. Vài nan tre phất lên tấm giấy kính, những chiếc lồng đèn đã gợi cho các em thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người thợ làm nên sản phẩm.

Đến nay, từ những chiếc lồng đèn giấy kính, bàn tay và khối óc người thợ đã sáng tạo ra cái mới, theo từng nhịp bước của thời đại. Mẫu mã mỗi năm mỗi khác, buộc lòng những người còn nặng lòng với nghề thủ công này phải sáng tạo ra những chiếc lồng đèn phù hợp.

Chúng tôi ghé vào căn nhà ở gần chợ Phú Bình. Ông Nguyễn Văn Quyền năm nay đã 54 tuổi đang ngồi giữa đống nan tre. Bàn tay ông khéo léo uốn từng những chiếc nan ra lồng đèn hình con gà. Dừng tay tiếp chúng tôi ông nói : “đến đời tôi đã 3 đời làm lồng đèn. Lồng đèn ở Phú Bình này còn có tên là lồng đèn Báo Đáp. Theo ông bà tôi kể lại nguồn gốc thưở xưa cả làng Báo Đáp di dân vào đây đem theo nghề lồng đèn. Ngày nay, gọi là lồng đèn Báo Đáp hay báo đáp thì suy cho cùng cũng một ý nghĩa như nhau. Báo Đáp là tên làng cũng có nghĩa là chúng tôi duy trì nghề của cha ông nhằm báo đáp công ơn tổ tiên dày công gầy dựng”.

Ông Quyền dõi đôi mắt về hướng xa xăm. Ông nhớ lại những nhọc nhằn của một đời làm nghề. Ông cho biết, cứ sau ăn tết xong là cả nhà lao vào cuộc. Ông đến tận ngã tư Bình Phước vào các vựa lồ ô (một loại giống tre nhưng rỗng ruột) mua nguyên liệu tập kết ngay tại nhà. Từ đó, mỗi người mỗi công đoạn cưa cắt, chẻ nan. Có 10 chủng loại gia đình ông thường làm là các loại thú, máy bay, tàu thủy. Cứ một cây lồ ô dài 5m có thể cho ra từ 80 – 100 chiếc lồng đèn các loại.

< Anh Quyền và vợ ráp khung lồng đèn.

Công việc của gia đình ông cứ thế trôi theo ngày tháng. Ông chỉ sản xuất ra khung sườn rồi giao lại cho một nhóm thợ dán giấy kính. Nhóm thợ này phải là những người có tay nghề cao để có thể cho ra sản phẩm vừa nhanh vừa đẹp. Công đoạn cuối cùng là trang trí cho lồng đèn được giao cho nhóm thợ chuyên vẽ hoa văn. Những đường nét độc đáo vừa giản dị nhưng lại thâm thúy tạo hồn cho chiếc lồng đèn khởi sắc.

Mỗi người mỗi công việc. Ai nấy cũng đều có việc làm quanh năm. “Làm một mùa, ăn cả năm” quả là đúng với nghề làm lồng đèn. Ông Quyền cho biết sau trung thu cả nhà lại bắt tay vào làm đèn ngôi sao giáng sinh. Sau giáng sinh cho đến tết là quãng thời gian người thợ làm lồng đèn được nghỉ ngơi.

Từ giã ông Quyền, chúng tôi được ông báo cho một tin vui: hai ngày nữa ông sẽ giao hàng cho một mối ở tỉnh, với hơn 2.000 chiếc lồng đèn. Ông mời chúng tôi trở lại để ghi hình hoạt cảnh này...

Chúng tôi ra về khi xóm lồng đèn Phú Bình đã lên đèn, với hi vọng sẽ trở lại…Có điều cảm nhận rõ nhất ở đây là năm nay không khí dường như tươi vui hơn,   bởi đèn giấy kiếng đã trở lại… từ đó tỏa đi khắp mọi miền đất nước, chào đón một mùa Trung thu yên ấm, thanh bình.

Du lịch, GO! - Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)

ĐGD: Mua và chơi lồng đèn VN để ủng hộ hàng trong nước, vực dậy những làng nghề truyền thống của cha ông đã có từng bao đời nay. Cảm ơn người tiêu dùng của chúng ta!
Bạn hỏi “Lúa nơi ấy đã chín vàng rồi nhỉ?”. Những ký ức về một Tây Bắc - Đông Bắc thu lồng lộng gió trời và biển lúa rập rờn cánh sóng đủ khiến lòng lữ khách phải xôn xao.

< Lúa bắt đầu chín rộ vàng tươm trên những nẻo đường vùng cao...

Tháng 9, tháng 10. Dân đi “phượt” trở nên cuống quýt. Ấy là vì miền núi cao phía Bắc đã vào thu, lúa chín vàng trên những cánh đồng, mùa gặt đang trở nên rộn ràng, hối hả. Những chuyến đi háo hức và không bao giờ là cũ, tranh thủ mỗi cuối tuần vội vã. Bạn đồng hành gặp nhau trên đường thiên lý, cùng chia sẻ những khoảnh khắc của bình yên.

1. Đường mây Ý Tý

< Dân “phượt” đi thăm lúa ở Dền Sáng (Bát Xát, Lào Cai).

Nằm cách Hà Nội hơn 300km về phía Bắc, Ý Tý nổi tiếng và hấp dẫn “dân phượt” bởi những cung đường trong mây. Trở nên lộng lẫy hơn vào mùa lúa, bồng bềnh trong nắng thu, thân thiện bởi những nụ cười Hà Nhì mộc mạc... những địa danh Mường Hum, Dền Sáng, Dền Thàng, Lao Chải, A Lù, Hồng Ngài đã thành những điểm đến không thể bỏ qua.

Hành trình: 2 ngày rưỡi. Di chuyển bằng tàu hỏa hoặc ôtô đêm từ Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.

Thuê xe máy tham quan các địa danh, chi phí khoảng 200.000 đồng /ngày.

2. Kỳ vĩ  Mù Căng Chải

< Đi gặt (Púng Luông - Mù Căng Chải).

Dọc theo quốc lộ 32C là thiên đường lúa của Việt Nam, nơi những địa danh La Pán Tẩn, Chế Cù Nha, Dế Xu Phình, Hồ Bốn… khiến du khách choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ, mênh mông của “lúa reo đỉnh trời”. Đây là cung đường phù hợp với các lịch trình bằng ôtô riêng hoặc xe gắn máy, cũng thích hợp cho 2 ngày cuối tuần với tổng chiều dài cung đường khoảng 600km.

Do Mù Căng Chải là điểm đến nổi tiếng và thuận lợi nên các nhóm đi tính toán kỹ về việc ăn uống và thuê khách sạn, nhà nghỉ tránh trường hợp cháy phòng, cháy đồ ăn.

Nên chủ động chuẩn bị đồ ăn picnic, lều trại, hoặc các phương án nghỉ đêm hợp lý như ở nhờ nhà dân, liên hệ với chính quyền xã để được giúp đỡ. Đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn khi tham gia giao thông.

3. Mùa vàng Cao Phạ

< Niềm vui mùa gặt.

Cao Phạ là thung lũng lúa lộng lẫy nằm dưới chân đèo Khau Phạ, cách Tú Lệ - một điểm “vàng” mùa lúa chín không xa về phía bắc, cũng nằm trên quốc lộ 32C. Để khám phá Tú Lệ, Cao Phạ phương án di chuyển tối ưu là xe máy, để có thể len lỏi vào các đường mòn liên xã, khám phá Lìm Thái, Lìm Mông, Púng Luông, Nậm Búng, Nậm Có.

Đến Cao Phạ đừng quên thưởng thức cơm nếp mới ăn với thịt lợn mán nướng. Trong trường hợp bạn có ít thời gian, độ 1 ngày rưỡi thì Cao Phạ là một chọn lựa hợp lý

4. Quản Bạ - Đồng Văn

< Mùa vàng Quản Bạ (Hà Giang).

Thung lũng Tam Sơn - Quản Bạ với ngọn núi đôi danh tiếng trong tiếng chày đập lúa mùa gặt sẽ là những dư âm khó quên cho một hành trình khám phá Đồng Văn cao nguyên đá. Tuy không có quá nhiều những cánh đồng lúa do điều kiện địa hình, nhưng đã có thì vô cùng ấn tượng. Bức tranh lúa ở Cán Tỷ, Lùng Tám, Sáng Pá, Lũng Cú, Đồng Văn sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những người “chịu khó” đi đường dài gập ghềnh và “mò mẫm”.

Thông thường, du khách có thể đi xe đêm lên Hà Giang, thuê xe máy 250.000 đồng/ ngày để thực hiện chuyến đi. Ôtô riêng cũng là một phương án phù hợp.

5. Lộng lẫy Mường Hoa

< Thung lũng Mường Hoa (Sapa, Lào Cai).

Nằm ở gần điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa, thung lũng Mường Hoa và các cánh đồng lân cận là một điểm đến đặc biệt trong mùa lúa chín. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo và thân thiện, sự có mặt của đồng bào các dân tộc trong ngày mùa rộn ràng sẽ đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm và những chia sẻ thú vị với người dân bản địa.

Hãy kết hợp đi thăm lúa ở Mường Hoa nếu bạn đã có kế hoạch đi du lịch Sa Pa thời điểm này.

6. Giấc mơ Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với những cánh đồng lúa nằm xen giữa những dãy núi đá vôi và những bản làng người Thái, người Mường bình yên nép mình bên cau cọ. Đã có đường ôtô đến các bản Cao, bản Trình, bản Hin, bản Nủa.


< Lúa ở Kho Mường - Pù Luông (Thanh Hóa).

Các bản ở sâu trong núi hơn như Kho Mường, Cao Hoong, Son-Bá-Mười lại là đích đến của những hành trình trekking, khám phá bản thân và điểm đến.

Một số công ty lữ hành thường xuyên tổ chức tour 3 ngày, trong đó có hành trình “đi bộ” dành cho du khách nước ngoài, chi phí khoảng 2.000.000 đồng (tour xe máy), 3.000.000 đồng (tour ôtô) trọn gói, có hướng dẫn viên.
Nếu bạn tự đi “bụi” sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.

Mỗi năm thu lại về. Bức tranh mùa lúa càng trở nên sống động bởi những con người luôn muốn trải nghiệm cuộc sống bản địa và khám phá tự nhiên.

Du lịch, GO! - Theo Băng Giang (TTO)
Chúng tôi trở lại thành phố Pleiku sau nhiều năm xa cách, vì vậy ai cũng muốn tìm lại một bữa ăn đậm chất rừng hoang sơ ở nơi này. Người bạn thổ địa phố núi nháy mắt: “Thì đi ăn rau rừng và cá thác cho thỏa cơn thèm”…

< Rau rừng ăn với mắm cua.

Từ đọt rau rừng bình dị…

Bữa cơm miền cao nguyên Gia Lai bắt đầu bằng món rau xanh luộc. Những đọt lá xanh ngăn ngắt, cứng cáp, tươi non có vẻ khá quen, nhưng khi hỏi tên nó thì người địa phương cũng chỉ biết đáp gọn lỏn: “Rau rừng!”. Nhưng rau rừng là rau gì? Theo hình dáng thì loại này rất giống rau lủi, vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), nhưng xét về hương vị, rau rừng Gia Lai thiếu đi chất nhớt và cả vị thuốc, dù độ giòn ngọt thì tương tự.

< Đọt rau rừng tươi non ăn kèm món lẩu.

Có người lại cho rằng nó na ná rau tàu bay hay đọt dớn… Vừa ăn, chúng tôi vừa tiếp tục đoán mò về gốc gác của thứ rau ấy, nhưng rồi nhất trí rằng có lẽ cứ gọi theo đúng cách của người Gia Lai là hay nhất: rau rừng!

Theo lời người dân địa phương, rau rừng “rộ” ở Gia Lai chỉ khoảng chừng hơn một năm trở lại đây, trước đây là món “chống đói” của bộ đội Trường Sơn.

Được trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, nhưng rau ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng. Nó gắn liền với chất rừng núi của vùng Gia Lai nên người phương xa ghé Gia Lai, muốn tìm thứ gì đó mới lạ cho bữa ăn thì được giới thiệu ngay.

< Rau rừng nấu canh cua núi.

Nghe nói rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn ba chục ngàn đồng một ký.

Chất rừng ở loại rau này không nằm ở sự ngon ngọt mà ở vị mát, dù ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì. Rau rừng còn ngon ở độ giòn, giả như có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.

< Cá suối nấu canh rau rừng.

Khẳng định như thế vì món rau này từng được mang ra “thí nghiệm” với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Nghe đâu người Gia Lai xa quê lên cơn “ghiền” rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.

Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắmkho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng xem ra cũng chấp nhận được.

(*) Trên bàn tiệc, món rau rừng còn được bỏ vào lẩu cá, đa phần là những loài cá đánh bắt được từ sông Sê San.

…Đến tận hưởng cá tiến vua

< Cá anh vũ chiên gừng.

Dòng sông hùng vĩ, lắm thác ghềnh này ngoài khả năng thủy điện còn chứa trong lòng những loài thủy sản quý hiếm như cá sọc dưa, cá lăng, cá chiên, thậm chí cả loài cá anh vũ!

Nhìn thấy “cá anh vũ” trong thực đơn, thực khách khấp khởi, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có người ngược ra tận vùng Việt Trì, Phú Thọ, sẵn sàng bỏ cả triệu đồng cho một đĩa cá anh vũ mà đâu có cơ may thưởng thức, còn lo vì giữa đại ngàn mà có cá anh vũ chễm chệ trong thực đơn thì chắc đó là… “đồ nhái”!

< Cá anh vũ trên sông Sê San.

Theo mô tả của người am hiểu về cá ở xứ này, cá anh vũ có dáng dấp khá giống cá trôi, nhưng vảy có sắc óng ánh, phần đầu thuôn và đặc biệt là cặp môi hình tam giác rất dày (có nơi ngoài Bắc còn gọi là cá lợn). Xin chủ quán cho ngắm mặt mày con cá này, chủ quán đành lắc đầu phân bua rằng thường trong ngày chỉ có một con, mà đã chế biến sơ rồi, có muốn xem cũng chịu.

Cả thành phố Pleiku nghe đâu chỉ có đôi ba quán có bán loài cá này. Những ngư dân dọc sông Sê San thường chặn bắt cá anh vũ ở vùng nước trong, nhiều hang hốc, chủ yếu ở khu vực thủy điện Ialy.

< Chả cá anh vũ.

Cá rất có giá nên lâu ngày ngư dân có lẽ cũng quên vị cá, bởi đánh bắt được là đành chép miệng “gả” lại cho các nhà hàng. Còn việc cá không còn nguyên vẹn vì được mổ sạch ruột ngay khi đánh bắt được để tránh bị trương phình do cá thường bốc mùi ươn nhanh.
Nghe đâu có đơn vị ngoài Bắc đã nhân giống thành công loài cá này. Nếu quả vậy thì sắp đến thời ai cũng có thể thưởng thức “món tiến vua” mà không cần đi xa vất vả tìm kiếm. Thịt cá chắc nhưng vẫn mềm mại, trắng và thơm, thường được làm thành vài món là nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, nấu lẩu măng chua.

Hấp dẫn hơn cả là món chiên giòn với gừng, ban đầu cứ ngỡ là thịt gà nhưng cắn vào thì thơm ngon hơn nhiều. Ngon không chỉ vì thịt cá, mà còn bởi được tận hưởng cảm giác “làm vua” trên bàn tiệc đại ngàn, ai ăn cũng cứ luôn miệng tấm tắc khen. Chứ có lẽ nếu chưa biết danh cá anh vũ, không ít người sẽ vẫn dửng dưng vì… không biết nó quý! Sự đời nhiều khi là thế...

(*) Rau rừng thường được ăn kèm với các món “thịt lam” - món ăn được làm từ thịt dê, heo, gà hoặc bò ướp kỹ với riềng, tỏi, gừng rồi nhồi vào ống tre lồ ô, nướng trên bếp lửa.

Du lịch, GO! - Theo Hiền Danh (Doanh nhân Saigon) và nhiều nguồn ảnh khác.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống