Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 23 September 2012

Kim Dự là tên một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan, xưa thuộc tỉnh Hà Tiên, nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, còn gọi là núi Pháo Đài. Núi nằm về phía Tây Bắc bãi biển Mũi Nai.
Đây cũng là một trong 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa, từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài Kim Dự lan đào tức đảo vàng chắn sóng.

Thi sĩ Mạc Thiên Tứ có làm hai bài thơ tựa là Kim Dữ lan đào (hay Kim Dự lan đào); một bài bằng chữ Hán, trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737, bài kia bằng chữ Nôm, xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Kim Dữ, một trong mười thắng cảnh của Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển.

Nhà giáo, thi sĩ Đông Hồ giải nghĩa: Kim Dữ là hòn đảo vàng. Lan là khép cánh cửa lại, ngăn chặn, như cánh cửa khép lại. Đào là sóng gió. Vậy, Kim Dữ lan đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng gió từ ngoài biển không lọt vào được bên trong; ngụ ý nói rằng, Hà Tiên có tầm quan trọng trong việc che chắn cho giang sơn của chúa Nguyễn.

Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ... Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên núi, đặt súng thần công, từ đó ngọn núi nhỏ này có tên gọi là núi Pháo Đài. Pháo Đài, nay cũng dùng tên này để đặt tên cho phường.

Buổi sáng ở biển Hà Tiên, mặt trời như quả bóng màu da cam lừng lững nổi lên từ dưới biển, tàu ghe đầy ắp cá tôm tấp nập xuôi về bến Giang Thành. Buổi chiều, Hà Tiên lộng gió, biển xanh mênh mông với muôn trùng lượn sóng bạc. Chung quanh núi Pháo Đài có khá nhiều cây phượng vĩ cổ thụ, đỏ rực như màu xác pháo khi hè về. Có một vài cây hoàng lan hoa vàng nhạt tỏa hương ngan ngát khi màn đêm buông xuống. Trải qua thời gian, cùng với những biến động thăng trầm của lịch sử, di tích xưa trên đỉnh núi bây giờ đã hoang phế, gần mất dấu.

Ngày nay, trên núi có một toà kiến trúc bề thế, đó chính là khách sạn Pháo Đài. Con đường dưới chân núi được mở rộng, tráng nhựa, chạy uốn quanh lên đỉnh, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh biển và thị xã Hà Tiên.

Dưới chân núi có một con đường, dân chúng quen gọi là đường Cầu Đá vì ngày xưa người ta đắp bằng đá để nối núi với đất liền cho tiện việc lưu thông. Người đời sau theo đó đắp thành đường đất. Nay đã trải nhựa khang trang, nhưng tên gọi thì vẫn vậy. Hai bên đường ngày nay đã có phố, nhà cửa khá khang trang, vườn tược tươi tốt.

Năm 2003, cầu bê tông nối liền hai bờ cửa biển Hà Tiên được xây dựng. Đứng giữa đỉnh cầu, du khách có thể nhìn bao quát cảnh biển Hà Tiên, vịnh Đông Hồ, núi Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, tượng đài Mạc Cửu cùng với phố chợ Hà Tiên sầm uất, nhộn nhịp. Giá lưu trú ở khách sạn Pháo Đài khá mềm, phòng đầy đủ tiện nghi cho ba người giá 250.000 đồng/ngày, phòng đôi 200.000 đồng/ngày. Vào các dịp lễ, tết, giá phòng nghỉ ở Hà Tiên nhảy vọt lên gấp ba, bốn lần!

Từ núi Pháo Đài, du khách có thể đi bộ ra chợ Hà Tiên rất gần, chừng 400 mét. Đi chợ đêm Hà Tiên vui chơi, ăn uống, mua sắm là một thú vui không thể thiếu được trong chuyến du lịch. Giá cả các mặt hàng thủy hải sản ở đây khá rẻ so với một vài nơi khác, tôm khô vừa lạt 350.000 đồng một ký lô, khô cá sửu 100.000 đồng/kg...

Hàng tiêu dùng ở chợ đêm Hà Tiên cũng rất phong phú, du khách có thể mua khăn rằn, sữa tắm, kem, đèn pin, vải, trái cây có xuất xứ từ Thái, Campuchia, Trung Quốc, giá cả thường rẻ hơn trong nội địa rất nhiều.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thesaigontimes, Hatien và nhiều nguồn ảnh khác

Saturday, 22 September 2012

Bọn mình lại bắt đầu chuẩn bị cho một chuyến đi. Đích đến đã nhắm rồi, ngày giờ không rõ do tất cả còn liên quan đến thời tiết: chỉ đơn thuần mong cho trời có nắng có âm u, không bão tố hay mưa dầm trong dăm bảy bữa là thừa sức vi vu.
Nhưng mong là một chuyện còn nắng mưa là ý Trời, vậy nên bọn mình vẫn theo dõi đều mục dự báo thời tiết hàng ngày để 'canh me' cho mình một khoảng lặng chờ tung bay.

Cung đường kỳ này có lẽ thật thông thường với bao bạn từng bôn ba gót chân khắp chốn, kể cả những bạn đã vi vu theo các tour: Nha Trang và Đà Lạt. Ngay với cả bọn mình: đây cũng là những nơi đã đến, đã đi qua và đã cảm nhận được cái đẹp tại những địa danh nổi tiếng này.

Tuy nhiên: quen mà lạ cũng sẽ là chủ đích của chuyến đi. Cung cách khám phá 'các vùng ven' của những địa danh đẹp sẽ là cốt yếu. Vậy nên bài viết sau chuyến đi cũng sẽ mang một cốt cách chi li đến những chốn 'hốc bà tó' của bọn mình đến với các bạn.
Gõ đến đây thì lại nhớ đến đến lời của vài bạn trong Phượt nói rằng: bác Dũng khoái đi những chốn... hổng ai đi, giống... tui quá (he he).

Thật tế là những chốn 'hổng ai đi' vậy nhưng có thể có khối cái đẹp mê hoặc cả lòng người đấy. Và khi đã có nhiều người đi công bố về những chổ 'hổng ai đi', biết đâu sau này lại trở thành nơi 'khối người đến' thì sao.

Lang mang tán phét một tý, giờ chỉ mong sức khỏe ngon cơm như hôm kia hôm kìa - thời tiết vẫn tốt như tháng kỉa tháng kia với chút nắng chút mưa lăm dăm (biển Đông hiện thời vẫn đầy mây theo như vệ tinh thời tiết, hic!) là bọn mình lại vi vu lên đường!

Chuyến này sẽ đi openbus chạy chiều tối, tới sáng là có thể đến nơi bọn mình cần đến (dự định là Vạn Giã) và bắt đầu từ đây sẽ di chuyển bằng chiếc Win lang thang mọi nơi. Và do ngẫu hứng nên lộ trình từ đây đến lúc về có thể trên ngàn cây số.

Nhưng 'hãy đợi đấy' vậy, chắc chắn rằng trước chuyến đi mình sẽ có bài nói sơ về những địa danh sẽ qua trong chuyến này. Và khi nào bạn thấy Du lịch, GO! 'thầm lặng' không được cập nhật như bình thường thì chắc mẫm bọn mình đang vi vu trên những nẻo đường...

Điền Gia Dũng - Du lich, GO!
Người Nùng ở thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là những người di cư từ tỉnh Cao Bằng về theo chính sách của Nhà nước từ năm 1977.

Sinh sống trên miền đất mới gần 40 năm, người Nùng ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, hát những làn điệu Sli, điệu lượn, điệu ví đằm thắm trong những dịp lễ, tết…

Cụ Lục Văn Chính, gần 90 tuổi nhớ lại: "Trước đây, chúng tôi sống tại thôn Pô Tán, xã Nũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ở quê cũ, chúng tôi sống trên núi đá, không có đất canh tác, cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân chủ yếu kiếm sống qua ngày bằng việc săn bắt thú rừng, đào măng, đào củ mài.

Trước cuộc sống khó khăn của đồng bào, năm 1977, Nhà nước có chủ trương đưa 26 hộ gia đình người Nùng di cư về đây để xây dựng cuộc sống mới."

< Dạy hát Sli giang.

Có thể nói, nét nổi bật nhất trong văn hóa của người Nùng nơi đây là những làn điệu Sli mượt mà làm mê đắm lòng người. Ông Lương Văn Vinh, người được bầu là có uy tín và cũng là người hát Sli hay nhất thôn Cao Tuyên nói: "Hiện nay, thôn còn khoảng 20 người biết hát, chúng tôi thường đi biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên… và hát trong các cuộc Liên hoan tiếng hát các dân tộc toàn tỉnh. Tuy thôn chưa thành lập câu lạc bộ văn nghệ truyền thống nhưng mọi người vẫn có ý thức truyền đạt lại những điệu hát Sli cho con cháu."

Ông Vinh cho biết thêm cùng gọi là Sli nhưng Sli của các nhánh dân tộc Nùng có sự khác nhau. Chẳng hạn, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu; Nùng Phản Slình có Sli Phản Slình... Mỗi làn điệu lại có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng thông qua những câu Sli. Nhưng, tất cả đều giống nhau ở cách biểu diễn là hát xướng.

Nội dung của hát Sli phong phú và hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Nùng. Đồng bào Nùng thường hát Sli khi dịp Tết đến xuân về, khi có đám cưới, lễ hội... Khi điệu Sli vang lên trầm bổng là đồng bào đang đắm mình trong tiếng lòng của chính mình.

Ông Vinh kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi thường được nghe các anh chị, các cô, các bác ở trong thôn hát Sli Giang. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm ngồi hát đối đáp với nhau, qua những cuộc hát như thế có nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Để hát Sli hay, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy và có sự cảm thụ, cách thể hiện làm sao để lời hát dễ đi vào lòng người”.

Trong lời hát của điệu Sli Giang luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về thiên nhiên, cây cỏ… thì cuối cùng vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và ước vọng của con người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm.

Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng để hát đối, hát cùng hoặc là đối tượng được hướng đến trong bài hát. Ví dụ nếu hát về mùa Xuân thì có bài Chào mùa Xuân: Mùa Xuân đến ngày nào cũng tốt/ Già trẻ gái trai ai cũng muốn được đi chơi. Trong lao động sản xuất, người Nùng thường hát những điệu Sli có nội dung cổ vũ, động viên hăng say lao động, sản xuất hoặc nhắc nhở mọi người nên chăm chỉ lao động, bằng những câu thơ nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều hàm ý: Ngày ngày đi chơi chỗ này, chỗ khác/Không nhớ việc nhà để cây đỗ tương ra hoa mà không vun được.

< Có nhiều làn điệu Sli của các nhánh dân tộc Nùng.

Trưởng thôn Hoàng Văn Pảo cho hay hiện nay do sống chung với các dân tộc anh em, người Nùng ở thôn Cao Tuyên tiếp nhận thêm những văn hóa của các dân tộc khác nên các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Cao Tuyên đã có phần mai một. Từ thực tế trên, vài năm gần đây chúng tôi khuyến khích thế hệ trẻ học các làn điệu Sli và mong muốn chúng không quên văn hóa gốc của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Xuân Sửu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết trong những năm qua, để gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Sơn Dương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đã thành lập các Câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn như Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai; Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Sơn Nam, Câu lạc bộ hát Then ở xã Tân Trào...

Để gìn giữ điệu Sli của dân tộc Nùng Giang ở thôn Cao Tuyên, ngoài việc khuyến khích những người biết hát truyền dạy cho thế hệ trẻ, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli Giang của dân tộc Nùng nói riêng. Qua đó góp phần bảo tồn bền vững những nét văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là điểm nhấn, thu hút khách du lịch về với quê hương cách mạng.

Du lịch, GO! - Theo TTXVN, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống