Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 30 September 2012

Việt Nam có 4.000 năm văn hiến, các dân tộc cùng chung sống có nhu cầu tự nhiên là nối kết nhau lại để chống chọi với thiên tai, giặc giã, trở thành một cộng đồng bền chặt - đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cùng nhau dựng nước và giữ nước.

Truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, của người Thái, người Mường, người Ba Na, Ê Đê... đều mô tả người Kinh, người Thượng là anh em một nhà, đặc biệt là truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, đều có chung một mẹ, đều sinh từ một bọc, đều là đồng bào.

Với điều kiện địa lý tự nhiên (địa mạo, đất đai, khí hậu...) khác nhau, các dân tộc đã tìm ra phương thức ứng xử thiên nhiên khác nhau, vượt lên mọi trở ngại thích ứng với điều kiện tự nhiên để sản xuất, tồn tại và phát triển của từng dân tộc.

Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ các dân tộc cổ đại sinh sống trên lục địa Trung Hoa, hoặc cao nguyên Tây Tạng, một số khác cho rằng nguồn gốc chính từ người Việt bản địa. Nhưng căn cứ vào các kết quả nghiên cứu gần đây, xem xét sự hình thành các dân tộc Việt Nam trong sự hình thành các dân tộc khác trong khu vực thì có thể nói rằng tất cả các dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai.

Cả nước Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em. Trong số đó có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thuở ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác lần lượt di cư đến. Do vị trí nước Việt Nam giao lưu hết sức thuận lợi nên nhiều dân tộc ở các nước xung quanh vì nhiều nguyên nhân đã di cư từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, chủ yếu từ Bắc xuống, rồi định cư trên lãnh thổ nước này.

Sống trên mảnh đất Đông Dương - nơi cửa ngõ nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam là nơi giao lưu của các nền văn hóa trong khu vực. Ở đây có đủ 3 ngữ hệ lớn trong khu vực Đông Nam Á, ngữ hệ Nam đảo và ngữ hệ Hán - Tạng. Tiếng nói của các dân tộc Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ khác nhau.

Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc là: Chứt, Kinh, Mường, Thổ.
Nhóm Tày - Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.
Nhóm Môn - Khmer có 21 dân tộc là: Ba na, Brâu, Bru-Vân kiều, Chơ-ro, Co, Cơ-ho, Cơ-tu, Cơ-tu, Gié-triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ mú, Mạ, Mảng, M'Nông, Ơ-đu, Rơ-măm, Tà-ôi, Xinh-mun, Xơ-đăng, Xtiêng.
Nhóm Mông - Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà thẻn.
Nhóm Kađai có 4 dân tộc là: Cờ lao, La chí, La ha, Pu péo.
Nhóm Nam Đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu-ru, Ê đê, Gia-rai, Ra-glai.
Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán dìu.
Nhóm Tạng có 6 dân tộc là: Cống, Hà Nhì, La hủ, Lô lô, Phù lá, Si la.

< Đại diện 54 dân tộc anh em dưới cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây.

Mặc dù tiếng nói của các dân tộc thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, song do các dân tộc sống đan xen với nhau nên một dân tộc thường biết tiếng các dân tộc có quan hệ hàng ngày và dù sống xen kẽ với nhau, giao lưu văn hóa với nhau, nhưng các dân tộc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

1. Dân tộc Ba Na hay còn gọi là Tơ Lô, Krem, Roh, Con Kde, ALa Công, Krăng. Ðịa bàn cư trú: Kon Tum, Bình Ðịnh, Phú Yên.
2. Dân tộc Bố Y hay Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn, Pu Nà. Ðịa bàn cư trú: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

3. Dân tộc Brâu hay Brạo. Ðịa bàn cư trú: Làng Ðăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
4. Dân tộc Bru - Vân Kiều hay Trì, Khùa, Ma - Coong. Ðịa bàn cư trú: Tập trung ở miền núi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
5. Dân tộc Chăm hay Chàm, Chiêm Thành, Hroi. Ðịa bàn cư trú: Ninh Thuận và một phần nhỏ ở An Giang, Tây Ninh, Ðồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bình Thuận và Tây Bắc Phú Yên...
6. Dân tộc Chơ Ro hay Ðơ Ro, Châu Ro. Ðịa bàn cư trú: Phần lớn cư trú ở tỉnh Ðồng Nai, một số ít ở tỉnh Bình Thuận.

7. Dân tộc Chu Ru hay Cho Ru, Ru. Ðịa bàn cư trú: Phần lớn ở Ðơn Dương (Lâm Ðồng), số ít ở Bình Thuận.
8. Dân tộc Chứt hay Rục, Sách, Mã Liềng, Tu Vang, Pa Leng, Xe Lang, Tơ Hung, Cha Cú, Tắc Cực, U Mo, Xá Lá Vàng. Ðịa bàn cư trú: Sống ở huyện Minh Hoá và Tuyên Hóa (Quảng Bình).
9. Dân tộc Co hay Cor, Col, Cùa, Trầu. Ðịa bàn cư trú: Huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).
10. Dân tộc Cống hay Xắm Khống, Mâng Nhé, Xá Xong. Địa bàn cư trú: Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, ven sông Ðà
11. Dân tộc Cơ Ho hay Xrê, Nộp, Cơ Lon, Chil, Lát, Tring. Ðịa bàn cư trú: Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng).
12. Dân tộc Cờ Lao hay Ke Lao. Ðịa bàn cư trú: Hà Giang.

13. Dân tộc Cơ Tu hay Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca Tang. Ðịa bàn cư trú: Huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam), huyện A Lưới, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).
14. Dân tộc Dao hay Mán, Ðông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Ðại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn và Sơn Ðầu. Ðịa bàn cư trú: Biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, một số tỉnh Trung Du và ven biển Bắc Bộ.
15. Dân tộc Ê Đê hay Ra Đê, Ðê, Kpa, Adham, Krung, Ktal, Dlieruê, Blô, Epan, Mdhur, Bích. Ðịa bàn cư trú: Ðăk Lăk, phía Nam tỉnh Gia Lai, phía Tây của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
16. Dân tộc Giáy hay Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ. Ðịa bàn cư trú: Tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng.
17. Dân tộc Gia Rai hay Giơ Rai, Tơ Buăn, Hơ Bau, Hdrung, Chor. Ðịa bàn cư trú: Gia Lai, Kon Tum và Ðăk Lăk.
18. Dân tộc Giẻ Triêng hay Dgích, Ta Reh, Giảng Rây, Pin, Triềng, Treng Ta Liêng, Ve, La Ve, Bnoong, Ca Tang. Ðịa bàn cư trú: Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Ninh.

19. Dân tộc Hà Nhì hay U Ní, Xá U Ní. Ðịa bàn cư trú: Lai Châu, Lào Cai.
20. Dân tộc Hoa hay Hán. Ðịa bàn cư trú: Trong cả nước.
21. Dân tộc Hrê hay Chăm Rê, Chom Krẹ, Lùy. Ðịa bàn cư trú: Phía tây tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh.
22. Dân tộc Kháng hay Xá Khao, Xá Xúa, Xá Ðón, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm. Ðịa bàn cư trú: Sơn La, Lai Châu
23. Dân tộc Khmer (Việt gốc Miên, Khmer Krôm). Ðịa bàn cư trú: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang.
24. Dân tộc Khơ Mú hay Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Ðịa bàn cư trú: Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Yên Bái.

25. Dân tộc Kinh (Việt). Ðịa bàn cư trú: Khắp các tỉnh, đông nhất ở vùng đồng bằng và thành thị.
26. Dân tộc La Chí hay Cù Tê, La Quả. Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Lào Cai.
27. Dân tộc La Ha hay Xá Khắc, Phlắc, Khlá. Ðịa bàn cư trú: Sơn La, Lào Cai.
28. Dân tộc La Hủ hay Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Xung, Khả Quy. Ðịa bàn cư trú: Huyện Mường Tè (Lai Châu).
29. Dân tộc Lào hay Lào Bốc, Lào Nọi. Ðịa bàn cư trú: Huyện Ðiện Biên (Điện Biên), huyện Phong Thổ, Than Uyên (Lai Châu), huyện Sông Mã (Sơn La).
30. Dân tộc Lô Lô (Mùn Di, Di... Có hai nhóm: Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen). Địa bàn cư trú: Phần lớn sống ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai.

31. Dân tộc Lự hay Lữ, Nhuồn, Duồn. Ðịa bàn cư trú: Huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
32. Dân tộc Mạ hay Châu Mạ, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngắn. Ðịa bàn cư trú: Lâm Ðồng.
33. Dân tộc Mảng hay Mảng Ư, Xá Lá Vàng. Ðịa bàn cư trú: Lai Châu (Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay).
34. Dân tộc Mông (Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Mán). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An
35. Dân tộc M'Nông (Bru Đang, Preh, Ger, Nong, Prêng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu No, nhóm M'Nông Bru Dâng). Ðịa bàn cư trú: Ðăk Lăk, Lâm Ðồng và Bình Phước
36. Dân tộc Mường (Mol, Mual, Moi, Moi Bi, Au Tá, Ao Tá). Ðịa bàn cư trú: Cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, tập trung đông ở Hoà Bình và miền núi Thanh Hóa. Sống định canh định cư nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn.

37. Dân tộc Ngái (Ngái Hắc Cá, Lầu Mần, Hẹ, Sín, Ðàn, Lê). Ðịa bàn cư trú: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
38. Dân tộc Nùng (Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Phần Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Quý Rịn, Nùng Dín, Khen Lài). Ðịa bàn cư trú: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang.
39. Dân tộc Ơ Đu hay Tày Hạt. Ðịa bàn cư trú: Nghệ An.
40. Dân tộc Pà Thẻn (Pà Hưng, Tống). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Tuyên Quang.
41. Dân tộc Phù Lá (Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Xí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang). Ðịa bàn cư trú: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, đông nhất ở Lào Cai.
42. Dân tộc Pu Péo (Ka Beo, Pen Ti Lô Lô). Ðịa bàn cư trú: Hà Giang.

43. Dân tộc Ra Glai (Ra Glay, Hai, Noa Na, La Vang). Ðịa bàn cư trú: Phía Nam tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận.
44. Dân tộc Rơ Măm. Ðịa bàn cư trú: làng Le, xã Morai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
45. Dân tộc Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận). Ðịa bàn cư trú:Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc.
46. Dân tộc Sán Dìu (Sán Déo, Trại, Trại Ðất, Mán quần cộc). Ðịa bàn cư trú: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
47. Dân tộc Si La (Cú Dé Xử, Khà Pé). Ðịa bàn cư trú: Lai Châu.
48. Dân tộc Tày (Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí). Ðịa bàn cư trú: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang.

49. Dân tộc Tà Ôi (Tôi Ôi, Pa Cô, Ba Hi, Pa Hi). Ðịa bàn cư trú: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), huyện Hương Hoá (tỉnh Quảng Trị).
50. Dân tộc Thái (Tày, Táy Ðăm, Táy Khào, Tày Mười, Tày Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thờ Ðà Bắc). Ðịa bàn cư trú: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An.
51. Dân tộc Thổ (Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Tày Poọng, Ðan Lai, Ly Hà). Ðịa bàn cư trú: phía Tây tỉnh Nghệ An.
52. Dân tộc Xinh Mun (Puộc, Pụa). Ðịa bàn cư trú: Vùng biên giới Việt Lào thuộc Sơn La, Lai Châu.
53. Dân tộc Xơ Đăng (Xơ Đeng, Cà Dong, Tơ Dra, Hđang, Mơ Nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Con Lan, Bri La Teng). Ðịa bàn cư trú: Kon Tum, Quảng Nam, Ðà Nẵng và Quảng Ngãi.
54. Dân tộc Xtiêng (Xa Ðiêng). Ðịa bàn cư trú: Bốn huyện phía bắc tỉnh Bình Dương, một phần ở Ðồng Nai, Tây Ninh.

Du lịch, GO! - Theo NTO, internet

Saturday, 29 September 2012

Đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngoài ngắm cảnh đẹp nơi biển đảo với nhiều di tích nổi tiếng, chúng ta còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon mà trong đất liền không dễ tìm thấy. Có thể kể đến một số món như: mực tươi, nhum biển, rau bồng bềnh, ốc, các loại cá - trong đó nổi tiếng ngon nhất là cá tà ma.

Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.

Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo.

Hôm đó, buổi chiều vừa ngấp nghé, trời còn nóng nên chúng tôi chọn dùng món cá tà ma nấu canh chua lá giang. Cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt...

Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.

Canh chua cá tà ma tỏa mùi thơm dịu. Hương cá hòa quyện hương lá giang theo làn gió nồm bay khắp quán làm những khách bàn bên cũng nôn nao dạ dày. Thịt cá chín chuyển từ màu trắng đỏ sang màu trắng, săn chắc, trên nồi nước có những váng mỡ cá liu riu...

Ăn cá tà ma ta cảm nhận được cái dai, ngọt của thịt cá. Đặc biệt phần lườn được xem là chỗ ngon hiếm, ai cũng tranh thủ gắp một ít để thưởng thức vị béo rất riêng. Có thể ăn cá tà ma nóng hôi hổi trên bếp, vừa thổi vừa ăn, vừa húp; cũng có thể gắp phần thịt cá để ra riêng một cái đĩa dầm nước mắm cá cơm nguyên chất cho thấm rồi ăn, sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, canh chua cá tà ma có thể ăn kèm với bún tươi thay cơm. Thịt cá tươi thơm ngon nên nước canh chua cũng không kém phần hấp dẫn.

< Cá Tà Ma cũng có thể nướng trên bếp than.

Với du khách, những người được ăn cá tà ma đều xem là một thức ngon, không đụng hàng với bất kỳ loại cá nào trong đất liền. Với người dân Lý Sơn, họ luôn xem đây là món đặc sản quê hương dùng để mời khách, nhất là lâu lâu có dịp bạn bè thân thiết đến đảo.

Du lịch, GO! - Theo Tấn Trực (Thanhnien), internet
Những năm gần đây, du khách phía Bắc lựa chọn làng Thổ Hà (xã Vân Hà, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) làm điểm đến ngày càng tăng.

< Những chuyến đò đưa khách vào làng và những nếp nhà cổ kính ven sông là nét đặc trưng của Thổ Hà.

Làng cổ Thổ Hà - Dấu ấn văn hóa Bắc Bộ

Người ta muốn tới Thổ Hà, để sống trong không khí thanh bình của một làng quê còn đậm hồn vị Việt Nam, để “say” với rượu nếp, những món bánh ngon và cả những nụ cười tình cờ bắt gặp.

< Cổng làng Thổ Hà.

Nằm ven sông Cầu, ba mặt giáp sông, làng Thổ Hà khác với các làng khác của vùng quê Bắc bộ là không có ruộng. Người dân sống nghề “gạo chợ nước sông” - tức nghề thủ công, buôn bán nhỏ.

Trước kia, cùng Bát Tràng, Phù Lãng, đây là một trung tâm làm gốm sầm uất của Việt Nam có từ thế kỷ 14. Nổi tiếng với các sản phẩm chum, vại, chõ, tiểu sành với thứ men nâu bóng, gốm Thổ Hà theo chân những nhà buôn qua sông Cầu đến mọi miền đất nước.

Cùng những thăng trầm của lịch sử, đến Thổ Hà hôm nay, người ta chỉ bắt gặp dấu tích của một làng gốm cổ truyền ở những bức tường được dựng bằng những mảnh chum, vại, tiểu sành, kết dính bằng “lầm” - một thứ đất được pha trộn đặc biệt, sau bao năm vẫn vững chãi cùng thời gian.

< Chùa làng Thổ Hà.

Từ bến đò đặt chân đến đất làng Thổ Hà, chúng tôi gặp ngay ở chợ làng những màu sắc bắt mắt của đặc sản quê hương, nải chuối chín vàng, thúng khoai lang còn bám đất nâu...

Đi sâu vào trong làng, chúng tôi choáng ngợp bởi màu trắng lóa của những phên tre phơi bánh đa nem, bánh đa vừng. Trong cái nắng thu, nhà nhà phơi bánh.

< Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo trở thành nghề chính của người dân Thổ Hà. Có thể gặp những nong phơi bánh dọc đường, ngõ ở làng, thậm chí trong nhà.

Bánh đa nem nay được tráng bằng máy, mỏng dính, được làm thành những tấm hình chữ nhật dài. Người làng cho hay, sau khi phơi khô, từ tấm đa nem lớn này sẽ được cắt thành từng tấm tròn, hay vuông, rồi mới đóng gói...

< Kiến trúc các toà nhà trong làng bố trí theo hình xuơng cá. Trong những hẻm sâu của làng có nhiều ngôi nhà, tường xây bằng phụ phẩm gốm, trát bằng bùn sông, không hề sử dụng đến vôi vữa.

Thổ Hà nhiều ngõ, những ngõ hẹp sâu hun hút, nhà cửa san sát. Muốn vào nhà ai phải gọi cửa thật lớn vì ở Thổ Hà nhà nào cũng… nuôi chó. Người làng thấy khách qua, cười hiền, nói cứ đi lại thoải mái, chó không dữ.

Trước sân chùa, sau những phên tre phơi bánh, đám trẻ con đang nghịch nước, tranh nhau khoe với khách lạ bánh đa nhà mình là ngon nhất.

Thổ Hà đông trẻ con. Cả làng có đến mấy nhà trẻ, sân đền chùa trong làng cũng là nơi trông trẻ. Trẻ em quen với việc làng có khách, vô tư tạo dáng trước ống kính.

Một cháu nhỏ khi được hỏi về món ăn cháu đang ăn ngon lành trên tay, không ngần ngại mời chúng tôi “đặc sản”: bánh đa nem xào bột ớt, chấm nước mắm cay ngọt (hỏi thăm, chúng tôi mới hay người làng tận dụng những miếng vỡ của bánh đa nem, đem chiên trên dầu ăn, rồi trộn đều nước mắm cay, ăn nhâm nhi cũng rất ngon miệng).

Du khách nếu có nhu cầu được hỏi về xuất xứ của những chiếc bánh đa giòn rụm đang cầm trên tay, các cụ già trong làng không ngần ngại mời ngay khách ghé vào gia đình mình, nhìn tráng bánh, quạt bánh trên những lò than hồng rực, nếm thử chiếc bánh vừa quạt xong, giòn rụm.

< Hai bên đường làng san sát những phên tre phơi bánh tráng.

Giữa 1 giờ trưa, bước vào một gia đình phơi rất nhiều bánh đa vừng trước cửa, chúng tôi vẫn nhận được nụ cười niềm nở của một chủ nhà.

Tay không ngớt đảo những phên bánh cho đều nắng, chú Trịnh Đắc Hạnh, người tráng bánh đời thứ 5 của gia đình kể cho tôi cách làm để có được những chiếc bánh đa ngon, khách ăn một lần rồi nhớ mãi; gạo, lạc, vừng phối trộn như thế nào, phơi nắng sao để bánh không bị cong, vỡ...

Bánh đa vừng Thổ Hà, từng được dân địa phương nơi đây ví vui “Kì phùng địch thủ” với bánh đa làng Kế, cũng ở Bắc Giang. Chú Hạnh chìa những lát lạc tươi vừa xắt mỏng và cười nói: "Đó là bí quyết làm nên những chiếc bánh đa vừng Thổ Hà ăn một lần rồi nhớ mãi”.

Chiếc bánh đa ngon, phải tráng làm 2 lượt, phơi đến 3 nắng cho đủ độ giòn khi quạt. Cái khéo của người tráng bánh đa Thổ Hà là phải làm sao canh được thời tiết có nắng to hay không để rắc thêm vài cọng dừa nạo vào mặt bánh. Khi chiếc bánh khô, nướng trên than hồng, nghe thấy vị ngọt và béo của cùi dừa tan trên lửa...

Chia tay Thổ Hà khi nắng còn chưa tắt, chúng tôi lỉnh kỉnh hành lý với những túi quà bánh của Thổ Hà. Nào mỳ gạo, nào bánh đa nem, nào bánh đa quạt, nào chuối, nào rượu... Con đò ngang chậm rãi lùi xa.

Chúng tôi vẫn nhớ nụ cười của chị hàng nước khi mời thử món bánh đa nem trộn bột ớt, nhớ cái niềm nở của cô chú Hạnh hứa khi quay lại sẽ để dành hẳn cho những cái bánh đa vừng loại ngon, nhớ cả nụ cười đen nhánh của một cụ gặp ở đầu làng khi hỏi đường sang làng Vân gặp cụ Tom, mua cho được lít rượu nếp cái hoa vàng...

Có nhiều điều làm nên sức sống, linh hồn của một ngôi làng. Ở Thổ Hà, chúng tôi hiểu, đó là sự chân tình, mến khách của một làng quê ven một khúc sông Cầu êm ả...
-------

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 40km về phía Đông Bắc. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính.

Thổ Hà ba mặt là sông như một hòn đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có hai bến đò: bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới nằm ở xóm Ba. Trước kia đò do người chèo trông rất thơ mộng, nhưng ngày nay đều được gắn máy nên đò chở khách nhanh hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè của dân vạn chài sinh sống.

Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo. Thổ Hà ngày nay cũng đang căng mình giữ gìn những giá trị truyền thống vốn có.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien và nhiều nguồn khác.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống