Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 30 September 2012

Sông Đà hùng vĩ là một phần tất yếu của cuộc sống Tây Bắc. Trong tiềm thức người dân, sông là người bạn thâm giao và đầy ân oán. Suốt lộ trình Tây Bắc chúng tôi đi qua, dòng sông luôn thoắt ẩn thoắt hiện, đẹp một cách đầy mê hoặc.

Cuộc sống ven sông

Dọc sông Đà, cuộc sống của người dân (phần lớn là người Thái) lúc nào cũng sống động và rộn rã. Từ ngàn đời nay, người Thái đã sống dựa vào con nước. Khi được hỏi, những người già luôn nói câu cửa miệng: “Thái ăn theo nước” (câu đầy đủ là: Xá ăn theo lửa/Thái ăn theo nước/ H'mông ăn theo sương mù - PV).

Chúng tôi vào Quỳnh Nhai - mảnh đất cuối cùng của Sơn La. Đường vào trung tâm huyện Quỳnh Nhai là đường cụt, chỉ có thể vào và trở ra theo đường cũ. Con đường ngoằn ngoèo, hết dốc này tới đèo khác. Một phần rộng lớn của huyện Quỳnh Nhai (9/13 xã) sẽ nằm sâu dưới con nước trong nay mai.

Quốc lộ 279 là đường duy nhất để có thể đi từ Quỳnh Nhai trở ra, và tới các vùng miền khác. Tuyến đường đi qua 4 xã của huyện Quỳnh Nhai là Mường Giôn, Pác Ma, Chiềng Ơn và Mường Giàng với tổng chiều dài 50 km, nối liền với Sa Pa (Lào Cai) và huyện Than Uyên, thị xã Tam Đường tỉnh Lai Châu. Con đường đã được nâng cấp, từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai lên đến Than Uyên chỉ còn 57 km...

Cách bến phà Pá Uôn mấy trăm mét, những tiếng gào khóc mỗi lúc một gần khiến tôi thấy rờn rợn. Có người chết đuối, mới thấy xác. Những người chết như thế này thường không được đưa về bản. Họ hàng, người thân phải tìm ra hiện trường rồi đóng áo quan và mai táng người chết ở đâu đó gần đấy.

Những tiếng khóc hờ, vẻ mặt ngây dại của người goá phụ và đàn con, dắt tay nhau đi dàn hàng ra đường trong một buổi chiều u ám, đã ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Đất có thổ công, sông có hà bá. Lần này thuỷ thần đã nổi giận, lật ụp chiếc thuyền đuôi én với bốn tay lực điền xấu số.

Bến phà Pá Uôn chiều cuối đông, những chuyến phà cuối cùng đang hối hả chở người, xe qua lòng sông - khúc này rất rộng và khoáng đạt. Từ nhiều năm nay, bến phà này là nơi dung chứa nhiều phận đời, nhất là những người chèo đò ngang và các cửu vạn khuân hàng từ sông lên bến. Tôi đếm được có đến mấy chục chiếc thuyền. Chiếc nào cũng rất bé. Mặc dù có phà nhưng những người vội vã thì vẫn luôn chọn giải pháp đi thuyền, nhanh hơn nhiều.

Còn cách bến phà tới cả trăm mét, những người lái đò đã chạy theo và khẩn nài mời chúng tôi quá giang bằng thuyền. Họ bảo: Đi thuyền nhanh, đỡ phải chờ phà lâu, mà lại an toàn (?)

Đi phà chỉ mất 1.000đ/người, nhưng đi thuyền thì các chú lái tha hồ chặt chém, có lúc là 5.000đ nhưng cũng có lúc là 10.000đ, thậm chí trong một số điều kiện đặc biệt thì phải mất trăm bạc. Chiếc thuyền chòng chành, phành phạch rời bến trong nỗi khiếp hãi của tôi. Nước sông chảy ri rỉ vào lòng thuyền, mỗi lúc một nhiều. Chú lái tên Lò Văn Thuận cười hềnh hệch: “Bác yên tâm không sao cả”.

Con đường vào tới huyện lỵ Quỳnh Nhai bị cắt xé bởi hàng chục khúc suối chảy ngang. Không một đoạn nào được làm ngầm, tất cả đều chỉ là đá hộc rải sơ sài qua suối. Tôi chưa thấy thị trấn nào kỳ lạ như thị trấn Quỳnh Nhai. Con đường qua thị trấn rất hẹp, hai bên là những ngôi nhà sàn nhỏ bé. Ở đây chẳng hề có một chút gì không khí phố thị, tất cả đều rất mộc mạc, và buồn.

< Cầu Pá Uôn lúc đó đang xây dựng.

Buổi tối, vài ba hàng cà phê vườn leo lét ánh đèn, và, những dãy bàn ghế thì được kê ra không khác nào các quán bia ở Hà Nội. Các chết vì lật thuyền của bốn người thái ở tận khu vực bến phà Pá Uôn mà tôi gặp lúc chiều muộn đã lan truyền đến đây. Người ta thi nhau bàn tán, rằng sông Đà năm nào cũng mang theo nó vài người ở khu vực này.

Ở nơi dòng nước sẽ ngự trị

Ngược dòng Đà giang đi về phía Lai Châu, đã hơn một lần tôi nhầm tưởng là sông Đà khi trông thấy dòng Nậm Na hoặc một dòng suối lớn tương tự. Con sông ẩn hiện tới ranh mãnh, khi thì thấp thoáng sau những ngọn núi xanh biếc, lúc lại bất chợt hiện ra mênh mông khoáng đạt.

Trong lòng sông, những chiếc tàu hút cát (có cả đãi vàng) xù xì, bẩn thỉu, rách rưới và gớm ghiếc y hệt những con tàu ma trong phim nhựa nước ngoài. Những chiếc tàu này cũng ẩn hiện với đầy vẻ bí hiểm. Người ta nói đó là tàu hút cát, rồi đãi cát đó tìm vàng. Những con tàu nhẫn nại bò qua từng khúc sông một cách tỉ mẩn. Đất đá cứ mặc sức hút, lòng sông bị cày xới nát be bét và những mỏm đá ngầm thì nhô lên chi chít. Những vụ lật thuyền, đắm thuyền mà con người đổ cả cho hà bá, cũng là vì lý do này.

< Cầu Hang Tôm sẽ bị Ngập Nước khi chặn dòng sông Đà.

Từ cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng lừng danh miền Bắc một thời - có thể thấy rõ ngã ba sông Đà. Cây cầu nối liền hai bờ vui này giờ chỉ còn chờ ngày nước dâng là cũng chìm nghỉm vào hàng vạn khối nước. Những sợi cáp to bằng cổ tay, những khối bêtông xám xịt... tất cả đều im lìm, hiu hắt. Những du khách nghe danh cây cầu này, khi đi qua đây đều dừng chân chụp vài tấm ảnh rồi lại vội vã lên đường.

Thị xã Lai Châu (cũ) buồn và heo hút tới nao lòng. Chẳng ai hình dung được đây từng là trung tâm tỉnh lỵ trong mấy chục năm trời. Cả thị xã, chỉ có khu vực ngã ba gần cây xăng là trông có vẻ còn sức sống hơn cả. Vài hàng quán lụp xụp, bán chác nhì nhằng những thứ đồ vật dụng rẻ tiền. Thị xã này cũng sẽ chìm sâu trong làn nước cả, mang theo biết bao huyền thoại, bao chứng tích của lịch sử.

Tôi đi lòng vòng vô định trong thị xã nhỏ bé này, miên man nghĩ về một nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Biết đâu lần sau qua miền Tây Bắc, tôi sẽ lại đi trên mảnh đất này, nhưng bằng thuyền... Rốt cuộc, những suy nghĩ mông lung ấy cũng phải lắng xuống vì chặng đường trước mặt chúng tôi còn rất dài, những con đèo mà chỉ mới nghe tên đã thấy ngao ngán.

Còn tiếp
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet
Trước chuyến đi Tây Bắc lần này, tôi lầm tưởng hoa dã quỳ chỉ mọc ở miền Trung - Tây Nguyên. Nhưng không phải thế, cả một vùng Tây Bắc, dã quỳ nở rộn ràng hai bên đường. Thứ hoa dại mang màu vàng rực ấy có sức cuốn hút lữ khách kỳ lạ.

Nơi cái rét tung hoành

Tây Bắc thường được coi là đẹp nhất vào mùa xuân, lúc ấy dọc đường trăm hoa đua nở. Vì coi như thế nên thiên hạ thường tìm lên Tây Bắc vào mùa xuân hoặc mùa hạ, chứ chẳng mấy ai đi vào lúc miền Bắc rét đậm như tôi. Đi rồi mới vỡ lẽ, cuộc sống Tây Bắc luôn đầy màu sắc, và ấm áp ngay cả trong những ngày đông giá.

Từ Hà Nội theo quốc lộ 6, đi mải mốt hơn 200km thì lên đến Mộc Châu. Mặc dù vẫn biết là tôi đang lên Tây Bắc trong những ngày rét nhất của mùa đông năm nay, đã chuẩn bị rất nhiều quần áo rét, nhưng tôi không tưởng tượng được cái rét ở Mộc Châu lại ghê gớm đến thế.

Chiều tối, Quốc lộ 6 mờ ảo trong sương chiều bảng lảng. Những con đèo quanh co không nhìn rõ đường. Xe ngược chiều đã bắt đầu phải bật đèn pha. Những người Mông đi lấy củi cũng đã về, gùi trên lưng những gánh củi nặng trĩu...

Hoàng hôn buông xuống thị trấn Thảo Nguyên. Vẻ u ám của tiết trời mùa đông không làm giảm đi sự tấp nập ở đây. Những công nhân làm việc trong nông trường chè và các nông trường bò sữa trong vùng hối hả mua thực phẩm cho bữa cơm chiều. Anh bạn đồng nghiệp đã lên Thảo Nguyên cách đây 6 năm, giờ tìm lại vào một nhà người quen, anh gần như không xác định được đường. Khác nhiều quá, thị trấn nhỏ bé giữa thảo nguyên quạnh quẽ ngày nào giờ trở nên thật sầm uất, xe cộ đi lại như mắc cửi.

Cuộc tìm kiếm vào nhà một người quen dần trở nên vô vọng. Anh bạn nói lại: Đó là một quá trà nhỏ, sạch sẽ và bán trà rất ngon. Trà ngon tới mức lần đầu lên Thảo Nguyên, anh chỉ ngồi uống một chén trà cùng ông chủ quán trải đời thì bao nhiêu mệt nhọc dặm đường đều tiêu tán.

Thật đáng tiếc, cả hai chúng tôi vòng đi vòng lại tới mấy lượt nhưng rốt cuộc chẳng thấy quán trà ngày xưa đâu. Có lẽ ông chủ đã đổi nghề, hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Thị trấn Thảo Nguyên cách thị trấn Mộc Châu khoảng 7km. Mộc Châu thì đã trông ra dáng phố lắm, không còn nhiều nét cục mịch thôn dã như ở Thảo Nguyên. Đêm ở Thảo Nguyên sương xuống đậm đặc và rét khủng khiếp. Cái lạnh như toát từ trong xương trong thịt ra nên dù có mặc bao nhiêu áo, chúng tôi vẫn rùng mình.

Phải đến 9-10h sáng thì sương ở đây mới hầu như tan hết. Một sớm đông, cái gì ở đây cũng trở nên tinh khôi hơn bao giờ hết. Những dãy núi xám ngoét tôi nhìn thấy tối hôm trước, giờ trở nên xanh đẫm rất đẹp.

Đêm ở bản Phêng Đất B

Mùa này, nhiệt độ ở Tây Bắc vào những hôm nắng ráo luôn thấp hơn dưới xuôi tới vài ba độ. Đường 6 cũ, đoạn từ Tuần Giáo lên tới Lai Châu dài 80km, xấu kinh khủng. Con đường giống như hoang lộ hơn là một quốc lộ. Gần một ngày đường, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một chiếc xe U-oát chạy vội vã về phía Tuần Giáo, xóc tưng tưng.

Đường rất hẹp, lòng vòng xuyên qua các bản làng. Những đứa trẻ, thậm chí cả người lớn, luôn reo lên và giơ tay chào thân thiện mỗi khi thấy chúng tôi. Đây không phải lần đầu tôi lên Tây Bắc, nhưng những cảm xúc và tình cảm về những con người thân thiện ấy vẫn rất mới mẻ, tựa hồ như giữa tôi và họ đã là những người bạn thân thiết.

Phêng Đất B là một bản của người Thái, nằm bên cạnh một dòng suối xanh biếc. Dòng suối to và kỳ vỹ tới mức lúc đầu, tôi ngợ là sông Đà. Chiều tà, cả bản có ba chục nóc nhà sàn nằm sát nhau, gọn gàng trong một trảng đất, đẹp và nên thơ tới kỳ lạ, tới mức người bạn đồng nghiệp của tôi quyết định sẽ ngủ đêm tại đây.

Đường từ Quốc lộ xuống bản gần như dựng đứng, rất bé. Thế nhưng những gia đình khá giả trong bản vẫn mua xe máy và vẫn lên lên xuống xuống hàng ngày. Họ nói, con đường này họ đã quen thân với từng viên đá cuội. Những người già chỉ cho chúng tôi tới nhà trưởng bản. Phải được sự đồng ý của nhân vật này thì những viễn khách như chúng tôi mới được lưu lại qua đêm.

Trưởng bản là anh Lò Văn Thương. Chúng tôi ngồi trong nhà anh Thương tới lúc trời tối mịt thì anh về, trông anh còn rất trẻ và vạm vỡ. Anh Thương vào rừng tìm trâu, chuẩn bị cho vụ cấy đông - xuân. Anh nói, “ở đây trâu nhà ai cũng thả trong rừng hết, khi cần mới vào rừng tìm”. Những con trâu không bao giờ bị lạc ấy là tài sản của cả bản. Vậy nên đã bao đời nay, ở đây chẳng ai mất trâu bao giờ.

Buổi tối, anh Thương thết đãi chúng tôi món thịt vịt. Anh trấn an một cách rất hiểu biết: “Nhà báo đừng ngại cúm. Thứ nhất ở đây không có dịch, vịt gà khoẻ là ăn tốt. Thứ hai, luộc sôi kỹ lắm rồi. Nếu có cúm cũng chẳng con virus nào sống được”.

Người dân ở bản này sống theo kiểu tự cung tự cấp. Chợ rất xa, đi mất cả buổi mới tới. Bởi vậy hoạ hoằn mới có người đi chợ. Cá dưới suối thì nhiều vô kể. “Vào mùa nhiều cá, chúng tôi ăn tới phát ngán - anh Thương kể - thậm chí thèm rau hơn thèm cá. Nhiều lắm, nhưng dân bản không dùng kích điện đánh bắt. Tôi nói, nếu dùng kích điện thì chẳng mấy nỗi mà hết cá. Vậy là bà con nghe. Hôm nào vào mùa cá các anh lại lên đây, cá suối nấu canh chua thì hết ý”.

Đến hơn 8 giờ tối thì căn nhà chộn rộn tiếng người. Mấy đứa trẻ trong bản lục tục kéo đến nhà anh xem phim. Cả bản có vài chiếc TV, mà TV màu hẳn hoi. Điện được kéo từ nguồn thuỷ điện ngoài suối. Vợ chồng anh Thương mau mắn đi dọn dẹp cho chúng tôi một chỗ ngủ, có cả đệm.

Đêm nằm bản, chăn ngắn, quấn được đầu thì hở chân. Có bao nhiêu quần áo rét, tôi mặc cả vào người. Ở xó bếp, đống lửa cháy âm ỉ cũng chẳng xua cái lạnh đi được là bao. Cả đêm tôi nằm xoay xó với chiếc chăn ngắn ngủn. Nhà sàn, gió đại ngàn thổi vào từng cơn rét thấu óc. Anh Thương lúc đầu còn nói chuyện được vài ba câu, sau rồi giọng anh trở nên đứt quãng và tiếng ngáy bắt đầu đều đều. Chắc hẳn công việc ban ngày đầy mệt nhọc khiến cho tay lực điền ấy đắp ít chăn hơn tôi mà vẫn ngủ ngon lành, không hề thấy lạnh.

Cả đêm hôm ấy, chúng tôi hầu như không ngủ được, phần vì lạnh, phần vì những câu chuyện về sông Đà, về phong tục người Thái mà anh Thương kể lúc chập tối cứ mãi ám ảnh. Con sông Đà duyên nợ gắn với cả cuộc đời những người Thái ven sông là cả một câu chuyện dài...

Còn tiếp
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, ảnh minh họa internet
Thu Xà trước kia nằm trên đất làng Tiên Sà, tổng Nghĩa Hà, phủ Tư Nghĩa xưa vốn là khu phố cổ buôn bán sầm uất, tấp nập, chỉ đứng sau Hội An. 

< Các em nhỏ thôn Thu Xà tập múa lân sư để chuẩn bị cho Tết Trung thu.

Dọc hai bên dòng sông Đào là phố xá, nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa và nghề làm lân sư rồng cũng ra đời từ đó. Vào những năm 1940, khi cửa biển hẹp dần, sông Đào bị bồi lấp, hoạt động buôn bán bị ngưng trệ, dòng người di cư lên phố cổ Hội An ngày càng nhiều nên nghề làm đầu lân ở đây cũng dần mai một bớt.

< Anh Nguyễn Đức Dân, 36 tuổi, tiến hành công đoạn gắn sừng cho đầu lân.

Vậy nhưng tết Trung thu gần kề và chuẩn bị cho những ngày tết cũng là lúc các gia đình làm đầu lân sư ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi trở nên tất bật.

< Gia đình anh Nguyễn Đức Toàn khẩn trương hoàn thiện đơn đặt hàng đầu lân sư mùa Trung thu tại nhà.

“So với Trung thu năm trước, số lượng đầu lân sư tiêu thụ mạnh và được ưa chuộng rộng rãi hơn”, anh Nguyễn Đức Toàn, thợ làm đầu lân sư có tiếng ở Nghĩa Hòa, cho biết. Thuở còn lên chín lên mười, anh Toàn đã học nghề từ bố - ông Nguyễn Tô, 74 tuổi, một người gốc phố cổ Thu Xà xưa. Thấm thoắt đã hơn 30 năm.

< Công đoạn lên khung sườn cho đầu lân sư.

Mùa Trung thu năm nay đại gia đình của anh được đặt hàng làm hơn 1.000 đầu lân sư để cung cấp cho các thị trường dọc các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.

< Chọn lọc giấy báo cũ để đúc khuôn làm đầu lân.

Anh Toàn chia sẻ: thị hiếu chơi lân sư ngày càng đổi khác. Ngày xưa, đầu lân - sư tử quét sơn rất hút hàng nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ, mắt lân…

< Đầu lân sau khi đúc từ khuôn sẽ được đem phơi khô để tạo thành hình.

Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm đầu lân sư Nghĩa Hòa so với các tỉnh khác.

< Dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ.

Thông thường để hoàn thiện một chiếc đầu lân - sư tử phải mất 2-3 ngày với 4 công đoạn: đúc khuôn giấy hình đầu lân; dán giấy thiếc hay vải kim sa; trang trí các chi tiết như mắt lân, đường viền và cuối cùng trang trí lông vũ.

< Tranh thủ ngày cuối tuần, các em học sinh ở xã Nghĩa Hòa làm râu cho lân, sư tử để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Từ thực tế đó việc sản xuất đầu lân sư đã có một dây chuyền chuyên môn hóa với nhiều nhân công phụ trách từng công đoạn.

< Niềm vui với chiếc đầu lân mới.

Đa số nhân công ở Nghĩa Hòa còn rất trẻ (10-25 tuổi), làm theo thời vụ với mức tiền công dao động từ 500.000-3 triệu đồng/người. Theo thợ làm đầu lân sư Nguyễn Đức Dân (36 tuổi): “Thời gian cao điểm làm đầu lân sư bắt đầu từ tháng bảy âm lịch”. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 100.000-1,5 triệu đồng/đầu lân, sư tử.

Có thể nói sản phẩm đầu lân sư truyền thống ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi vào dịp Trung thu thật sự là một tín hiệu vui, bất chấp làn sóng đồ chơi Trung Quốc đang ồ ạt thâm nhập Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo TTO

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống