Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 1 October 2012

Với những người con xa quê, ký ức về kỷ niệm tuổi thơ và món ăn mẹ nấu luôn còn mãi, lung linh rõ nét và khó quên.
Khi trời lành lạnh cuối ngày với mưa rơi lất phất lại chợt thấy thèm bánh khoái nồi rang Thanh Hóa quê nhà.

Với nguyên liệu giản dị, không cầu kỳ nhưng bánh khoái nồi rang (hay còn gọi là bánh khoái chảo gang hoặc bánh khoái tép) làm người ta ăn no mà không ngấy, ăn mãi không thấy chán… không rõ từ bao giờ nhưng có lẽ tên bánh được đặt theo cảm xúc như vậy.


Thời bao cấp, ngày nghỉ thỉnh thoảng mẹ lại làm món bánh khoái nồi rang. Món ăn được cả nhà yêu thích.

Gạo tẻ được xay mịn thành bột hòa với nước ngâm qua đêm cho thật nhuyễn, nguyên liệu là những thứ giản dị, dễ tìm: tép đồng tươi, bắp cải, rau cần… Tép đồng được đảo sơ với hành lá và gia vị cho ngấm, khi se vàng là được, rau cần rửa sạch, lấy cọng non, bỏ lá, cắt từng đoạn ngắn, bắp cải thái mỏng. Tất cả nguyên liệu chỉ đơn giản vậy.

Chảo gang được đặt trên bếp đun to lửa, một khúc cuống của tàu chuối được nhúng vào bát mỡ phết nhanh và đều trên khắp mặt chảo một lớp mỏng, bắp cải, rau cần được rải đều trên mặt chảo, muôi bột được đổ vây xung quanh, mỡ nóng làm bột se lại quyện đều vào rau là lúc rắc tép đều lên mặt bánh. Trong chốc lát, khi viền bánh vàng rộm là lúc lật bánh lại, chỉ một phút sau khi mùi thơm náo nức tỏa ra là lúc bánh chín.

Khi bánh chín, người ta ăn nóng. Bánh được chấm với nước mắm cốt cá pha loãng với chanh, ớt, chút hạt tiêu. Mùi thơm, ngọt rau cần và bắp cải lẫn vị bùi, béo của tép đồng cùng cảm giác giòn giòn của miếng bánh tan trong miệng thật khó quên. Vị bánh với nóng, cay, ngọt, bùi, béo lan tỏa khắp cơ thể đánh thức mọi cảm xúc, ăn xong lại háo hức chờ ăn tiếp cái bánh trong chảo mới thấy nhớ những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ. Hương vị bánh cũng thanh tao, mộc mạc một nắng, hai sương như quê nhà.

Bánh khoái nồi rang Thanh Hóa giản dị như chính những người dân ở vùng quê nghèo nơi đây, không cầu kỳ về nguyên liệu chế biến và thực hiện như bánh khoái Huế, bánh xèo Nam Bộ nhưng ai đã thưởng thức một lần thì sẽ khó quên và còn lưu luyến mãi.

Du lịch, GO! - Theo Bảo Châu (Baodulich), ảnh sưu tầm
Quốc lộ 6 cũ – Tuyến đường từng là huyết mạch giao thông của cả vùng Tây Bắc giờ đây nằm lặng lẽ nơi rừng núi cô quạnh.

Để lại sau lưng những mệt mỏi của con đường Xuân Nha đã qua, mái nhà đơn sơ của người Thái bên sườn núi, tiếng suối trong vắt, rừng tre xanh mát, bỏ lại nơi đó dấu chân và vết bánh xe của kẻ lãng du…

Chút nắng chiều le lói sau màn sương dày đặc, vội vã những guồng quay cuối cùng chúng tôi tìm về nơi ánh sáng thị thành – Đêm đó, Mộc Châu mưa rơi đều…

Chúng tôi thức giấc khi những giọt sương ban mai còn ướt đẫm trên những búp chè xanh non xanh biếc. Mộc Châu sáng tháng 5 trời trong vắt, chút ánh sáng mùa hạ chưa đủ xua tan cái lạnh giá miền Cao nguyên này.

Chằng lại đồ, đổ đầy xăng, một chầu cà phê sáng và lại tiếp tục lên đường, tìm lại cung đường đã bị quên lãng bởi thời gian, con đường Quốc lộ 6 cũ. Cung đường từng là huyết mạch giao thông của cả vùng Tây Bắc hùng vĩ, giờ đây nằm lặng lẽ nơi rừng núi cô quạnh.

Thị trấn Nông trường Mộc Châu bây giờ là nơi gặp nhau của 2 con đường cùng một cái tên – Quốc lộ 6, nhưng người ta đã gọi chúng là đường mới và đường cũ, như để phân biệt quá khứ và hiện tại. Con đường 6 mới với mặt đường nhựa nhẵn thín, bốn làn ôtô chạy suốt đêm ngày, còn đường 6 cũ giờ chỉ còn lại vài đoạn có thể đi được, có những đoạn chỉ còn lại trong ký ức của những người dân nơi đây.

Xuyên qua thị trấn Nông trường, qua những đồi chè xanh mượt, chúng tôi hướng về đèo Hua Tát, một con đèo nằm trên quốc lộ 6 cũ giờ đây gần như bị bỏ hoang.

Đèo Hua Tát dài chừng 25 cây số, ngày xưa nó là con đèo rất hiểm trở, là thách thức đối với bất cứ lái xe nào qua đây, mặt đường nhỏ, một bên là núi cao dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Góc cua tay áo rất hẹp, khuất tầm nhìn. Theo thời gian bị bỏ hoang, mặt đường xuống cấp trầm trọng, chỉ còn trơ lại nền đường cũ.

Những chặng đường thế này, Minsk luôn là kẻ được ưu tiên đi trước. Côn đã thay, máy được căn chỉnh lại làm cho chiếc xe “xã hội chủ nghĩa” này lao mình đi một cách nhanh chóng. Đâu đó, dưới thung lũng kia, những vườn đào, vườn mận cuối mùa còn trĩu quả. Con đèo Hua Tát giờ đây đã được nối thông ra Quốc lộ 6 mới, vì thế, chúng tôi phải hỏi người dân để tìm lại đường 6 cũ. Dễ dàng nhận thấy dấu vết của thời gian qua con đường trải dài là bùn lầy và cỏ dại.

Sau Minsk những chiếc wave, dream và cào cào là chiếc xe chốt đoàn. Mặt đường tuy lầy lội, rất nhiều ổ gà lớn nhỏ, dòng suối chảy vắt ngang đường không còn là thử thách quá khó khăn khi ngày hôm qua chúng tôi đã được luyện tay lái và thần kinh ở đoạn đường Xuân Nha. Không nhiều con dốc dựng đứng, ít trơn trợt hơn, nền đường to hơn, nhưng điều đó không làm quốc lộ 6 cũ mất đi vẻ hấp dẫn.

Hãy thử dấn thân vào đây một lần, và nếu bạn là tín đồ của off-road thì nó sẽ khiến bạn bị mê hoặc. Con đường men theo sườn núi lên cao dần đồng nghĩa với việc bạn có thể tha hồ ngắm cảnh sắc phía thung lũng. Và bạn sẽ thấy những vườn đào, vườn mận đang trĩu quả mà chúng tôi dễ dàng xuống tận nơi để hái, sẽ thấy thửa ruộng bậc thang đang vào mùa cấy lúa với ngôi nhà nằm yên bình giữa đám mạ non xanh.

Những vật dụng cần thiết khi đi qua Quốc lộ 6 cũ là dao, loại dao rựa của người dân tộc hay đi làm rẫy, bởi sẽ có rất nhiều đoạn chúng tôi phải dừng lại, phát lau lách, phát quang những cây bụi mọc giữa đường để mở lối đi. Cảm giác đó, khiến bạn nhận thấy rằng, mình như là kẻ tiên phong mở đường, tìm lại lịch sử ngày xưa đó.

Nhưng cũng đừng mải mê với cảnh sắc ven đường mà quên đi việc lái xe. Mặt đường bị cày nát theo năm tháng xuất hiện rất nhiều sống trâu, và bùn lầy đặc quánh. Chỉ cần một phút lơ là, bạn sẽ dễ dàng “đo đường” ngay lập tức. Chúng tôi gặp phải sự cố khi xe của hai bạn nữ xế nhau bị ngã. Cú ngã giữa vùng nước đầy bùn khiến cho chúng tôi không nhịn được cười khi nhìn bộ dạng hai người bạn đồng hành. Tất nhiên, dựng xe dậy và tiếp tục cuộc hành trình là hành động của bất cứ kẻ “dirtbikes” nào.

Nghỉ trưa dưới tán cây giữa con đường cũ, thịt được nướng nhanh chóng, mỳ tôm đã chuẩn bị sẵn, đồ ăn được soạn ra, ly cà phê béo ngậy tạo cảm giác lâng lâng đến khó tả khi được thưởng thức giữa nơi sươn cước hoang dã này. Một nửa chặng đường đã được chinh phục. Trước mắt là chặng đường chạy dọc dòng sông Đà hùng vĩ. Có thể nói sau chặng đường Xuân Nha đầy khó khăn và gian khổ thì chặng đường ngày hôm nay của chúng tôi đã nhàn nhã hơn rất nhiều.

Từng chiếc xe nối đuôi nhau chạy đều, cảnh sắc quá đẹp khiến lộ trình bị chậm lại. Rẽ ngang vào dòng thác bên đường chơi đùa là cách mà chúng tôi đã làm để chống lại cái nắng oi ả của tháng 5. Dòng thác cao vút từ trên đỉnh núi đổ xuống nhẹ nhàng như một dải lụa mềm, tô điểm cho núi rừng nơi đây thêm bảng lảng. Kẻ lãng du, đã dừng gót chân khi chiếc cầu vồng xuất hiện lưng chừng dòng thác. Mọi mệt nhọc tan biến, hòa mình vào đó, bạn sẽ thấy off-road xe máy luôn mang lại những điều mới lạ.

Trời về chiều, ánh hoàng hôn vàng vọt lấp loáng nơi dòng Đà Giang đồng hành cùng chúng tôi trên con đường về Bãi Sang, chặng cuối cùng của hành trình. Bãi Sang – Tòng Đậu là điểm cuối của đường 6 cũ cắt ra đường 6 mới. Chạy qua từng khu rừng tre mà bà con ở đây trồng rừng nguyên liệu, ôm cua và đổ đèo một cách thuần thục, khói bếp chiều giăng lên cùng hoàng hôn đỏ làm chậm bước chân những kẻ lãng du. Vội vã những guồng quay cuối cùng qua Thung Khe, Thung Nhuối trong ánh trăng hoang hoải đưa chúng tôi về với thị thành.

Lộ trình cho cung đường Xuân Nha – Quốc lộ 6

Ngày 0: Hà Nội – Mai Châu (130km): Ngủ nhà sàn ở Bản Lác.
Ngày 1: Mai Châu – Co Lương – Trung Sơn – Pù Lầu – Xuân Nha – Chiềng Ve – Thái Hưng – Mộc Châu (120km). Điểm nhấn là: Chạy dọc dòng sông Mã, xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, qua bản Tà Làu của người Thái trắng, qua đồi chè, những dòng suối…
Ngày 2: Mộc Châu – Thị trấn Nông trường – Theo đường 43 đến Xồm Lồm thì rẽ phải đi lên Hua Tát – Phiêng Hạ – Chiềng Sơn – Bãi Sang – Tòng Đậu – Hòa Bình – Hà Nội. Điểm nhấn là: Đèo Hua Tát, đường 6 cũ hoang sơ lau lách mọc chen cả lối đi, Bãi Sang thơ mộng với dòng sông Đà xanh ngắt, đèo Thung Khe, Thung Nhuối như sợi chỉ vắt ngang núi rừng Tây bắc…

Thời gian đi thích hợp nhất

Tránh đi vào mùa mưa, đường xá lầy lội và có thể có lở núi rất nguy hiểm. Mùa đi đẹp nhất là mùa xuân và đầu đông. Mùa xuân lên miền Cao nguyên ngắm cả rừng đào, mận khoe sắc, ngắm cả cánh đồng cải bạt ngàn, đồi chèe xanh non. Mùa tháng 5, mùa đi hái mận trên đèo Hua Tát.

Quán ăn ngon dọc đường: Quán 70 tại Km 178 cách TT Nông trường Mộc Châu chừng 4km trên đường QL 6 mới. Quán 64.

Điểm nhấn nghỉ ngơi và chụp ảnh:

+ Rừng tre Xuân Nha, dọc sông Mã
+ Đồi chè Mộc Châu, cao nguyên Mộc Châu
+ Đèo Hua Tát
+ Quốc lộ 6 cũ
+ Dòng thác bên đường.

Du lịch, GO! - Theo Ovuong, Vietnamdirtbiketravel (Autocarvietnam)
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một bãi tắm người dân trên đảo quen gọi là Búng Bà Rí. 

Búng Bà Rí nằm ngay trước chùa Đục có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 27m hướng về phía Biển Đông. Tương truyền, có người đàn bà Chăm tên là Bà Rí dõi theo chồng đi biển ở đây rồi chết hiển linh. Từ thời người Chăm ra khai phá Cù Lao Ré (tên gọi cũ của huyện đảo Lý Sơn) Búng Bà Rí đã linh thiêng, nơi đây cũng là nơi tôi luyện các trai tráng của đội Kiêm Quản Bắc Hải từ thời vua Minh Mạng ra bảo vệ Hoàng Sa.

Búng Bà Rí chính là nơi có dòng nham thạch nguội từ núi lửa ba ngọn trên đảo Lý Sơn tạo thành một bãi tắm có đủ các loại hình vũng nước cạn, vũng nước sâu và vũng có dòng chảy xiết…

Từ bé, những ngư dân lão luyện ở Lý Sơn đã có những bước chập chững đầu tiên làm quen với sóng biển ở đây rồi thành những ngư dân lão luyện chinh phục ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Ở Búng Bà Rí dòng nham thạch nguội tạo thành một chiếc ao nhỏ giữa bãi tắm là nơi nô đùa, bật ngựa trên nước của lũ trẻ.

Người dân huyện đảo Lý Sơn vẫn quan niệm rằng, Vũng Bà Rí trước chùa Đục, có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hướng ra biển nên sẽ được Phật che chở và bảo vệ trước sóng lớn.

Chị Nguyễn Thị Mai chiều chiều dẫn hai con gái của mình đến Búng Bà Rí tập bơi, tập lặn. Chị bảo: "Ở đảo tiền tiêu này, con gái cũng phải biết bơi, biết lặn. Trai tráng, đàn ông thì đánh cá lớn ở Trường Sa, Hoàng Sa, còn đàn bà phụ nữ cũng phải biết dùng thúng chai đánh bắt cá bé quanh đảo chứ?"

< Làm quen với sóng biển trên lưng cha.

Đối với đàn ông ở Lý Sơn, không tôi luyện qua sóng nước ở Búng Bà Rí thì không thể thành ngư dân thực thụ.

Chỉ cần đến tuổi trưởng thành, đám thanh niên ở Lý Sơn có thể lặn bắt cá mực quanh đảo. Lớn hơn có thể theo cha, anh đi những chuyến hải trình dài ngày đánh bắt thuỷ sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Du lịch, GO! - Theo Thông Thiện (SGTT)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống