Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 5 October 2012

Cư dân bản địa Tây Nguyên từ bao đời nay luôn sống trong sự đùm bọc, che chở của rừng.
Họ gọi rừng là “bà mẹ” đầy ân sủng, vì từ nguồn tài nguyên này đã cho con người ở đây nguồn sống dồi dào, phong phú.

Những mớ rau, mụt măng, đọt mây, trái cà đắng… từ lâu là nguồn lương thực không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, và giờ đây, những đặc sản đó đang trở thành món ngon của rừng dâng tặng thực khách gần xa khi tìm đến với vùng đất Tây Nguyên.

Khó quên vị đắng đọt mây

Vị đắng khó quên từ những đặc sản của rừng mang lại không chỉ có cà đắng, măng le… vốn đã quen thuộc lâu nay, mà còn có những đọt mây mọc hoang chằng chịt trong rừng. Người ta chọn những đọt mây non tơ, bụ bẫm (dài khoảng ba bốn gang tay) mang về tước bỏ phần vỏ lá, sau đó nướng lên cho mềm rồi xé nhỏ từng sợi để nấu với nhiều loại thực phẩm khác như cá, thịt, mắm… đều tạo nên những món ăn ngon.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên xưa thường nấu đọt mây với cá khô, thịt khô treo sẵn trên giàn bếp. Và cái thứ thức ăn (khô hoặc nước sền sệt) này cho người ăn vị đăng đắng khó quên. Nhiều người bảo ăn đọt mây vào sẽ trị được bệnh sốt rét, tiêu chảy đường ruột. Điều đó đã được kinh nghiệm thực tiễn từ đời sống ẩm thực của cư dân miền núi ngày xưa chắt lọc ra. Thật kỳ lạ: “kinh nghiệm” ấy là cả một sự khảo cứu, kết luận nghiêm túc của tri thức dân gian, bởi khi giở cuốn “Những cây thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì mới rõ rằng đọt mây rừng hàm chứa đầy đủ những dược tính trên.

Ngày nay món ăn đọt mây đã hiện diện trong các nhà hàng, từ bình dân cho đến sang trọng cũng nhờ sự kết hợp đặc biệt của nó-vừa là món ăn, vừa là vị thuốc trị bệnh công dụng. Xét về mặt văn hóa ẩm thực, đọt mây rừng không còn là món ăn dân dã, bình dị của thiểu số người sống và gắn bó với rừng, mà nó đã đi xa hơn và có mặt trên các bàn ăn đầy “cao lương, mỹ vị”. Này nhé: đơn giản thì đọt mây nấu với cá hộp, thịt hộp…hoặc xé nhỏ từng sợi làm gỏi gà, khô nai, khô cá, mực. Cầu kỳ hơn thì luộc lên cho bớt đắng, sau đó cắt nhỏ như hạt lựu hầm với các loại thịt.

Những món ăn được chế biến từ đọt mây đang trở thành “đặc sản” hấp dẫn thực khách tại nhiều khu du lịch, nhà hàng ở Tây Nguyên. Tại Dak Lak, bạn đến khách sạn Yang Sing, Khu du lịch văn hóa-ẩm thực buôn Akô D’hông, thậm chí Bạch Mã, Tuấn Đạt… đều có những món ăn này. Sang Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum), hay về Gia Nghĩa, Nâm Nung (Dak Nông) thì đọt mây càng là sự chọn lựa không thể thiếu trong những bữa tiệc đãi khách phương xa. Thế mới biết từ sản vật của rừng đã cho con người nguồn sống đi cùng với cảm giác khám phá và thưởng thức nó thú vị và phong phú biết dường nào!

Ngọt bùi rau dầm tang

Rau dầm tang ẩn mình dưới suối vào sáu tháng mùa khô, đến mùa mưa lại cựa mình trỗi dậy. Những mầm rau xanh biếc, vươn dài như thể trong thời gian mùa khô nó đã tích tụ biết bao dưỡng chất của đất, của nước để dâng hiến cho con người có cái ăn dằn bụng trong những ngày dầm dề mưa rừng trút xuống. Cũng có lẽ sống cuộc sống như vậy, nên rau dầm tang trông nuột nà, mong manh hơn bất kỳ loại rau rừng nào khác. Cọng rau giòn dễ gãy, lá như lá răm và cũng dễ bị bầm úa, tổn thương, nhưng lại có vị ngọt bùi khó tả.

Dầm tang không dùng để ăn sống, mà phải nấu nhừ lên cùng nhiều loại thực phẩm dễ tìm kiếm trong rừng như măng le, củ mài và nấm. Khi ăn vào có vị bùi nơi đầu lưỡi, một lúc sau thấm ngọt nơi cổ họng. Có người bảo rau dầm tang trong rừng giống như cây cải cay ở trong vườn tược miệt đồng bằng vậy - một khi thưởng thức đều thi vị vì nó khai mở cho người ăn nhiều cảm giác: đắng - cay, ngọt - bùi…đều có cả.

Không nghi ngờ gì nữa, rau dầm tang không những là nguồn thực phẩm thông thường, mà còn là món gia vị của rừng ban tặng. Nấu bất cứ món gì được cho là đặc sản của rừng (từ măng le, củ mài, nấm…đến cá, thịt thú rừng các loại) đều không thể thiếu dầm tang. Tùy theo từng món ăn mà người ta cho vào lượng rau dầm tang ít hoặc nhiều. Chẳng hạn, để cho tô canh cá suối được thơm ngon hơn, chỉ cần thái nhỏ một nắm rau dầm tang bỏ vào (như hành ngò) là được.

Còn muốn có một nồi thịt (hoặc lòng) hầm lên béo ngậy và thơm lừng, phải cho thật nhiều dầm tang vào thì sẽ được như ý. Hơn thế, loại rau này là một phần không thể thiếu trong món muối chấm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên xưa nay. Món muối chấm (với các loại thịt, cá nướng) ấy ngon đến nỗi các nhà hàng, khách sạn hiện nay đặt hàng từ các nghệ nhân ẩm thực người dân tộc thiểu số để đưa vào “menu” nhằm câu thực khách. Bất kỳ ai được thưởng thức một lần đều không thể nào quên mùi vị rất riêng và độc đáo của nó.

Đến bây giờ, trong những ngày mưa, đâu đó trên các ngả đường Buôn Ma Thuột, vẫn dễ bắt gặp những người đàn ông, đàn bà từ Buôn Đôn, Cư M’gar hoặc xa hơn nữa là Ea Súp ra phố, chở theo những bó rau dầm tang để bán dạo. Họ vừa đi vừa rao: Ơ…! dầm tang, dầm tang…

Du lịch, GO! - Theo Phương Đình (Đák Lắk Online), ảnh internet

Thursday, 4 October 2012

Lang thang qua những nẻo đường của quê hương, bám đèo leo núi, để chỉ lặng mình nhìn trời nhìn đất, lặng ngắm cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng đất nước. Lặng im trong tình người mộc mạc thiết tha, để cảm nhận được đất nước mình vẫn còn thật nghèo, nhưng đẹp biết bao. VYSA xin được giới thiệu đến các bạn loạt bài nhật ký lữ hành qua các vùng đất Tây Nguyên của bạn Haggard04. (Ảnh minh họa do bạn Iceberg đóng góp)

Giở nhật ký lữ hành ra và đọc lại, thấy nhớ những chuyến đi, nhớ những vùng đất từ tấp nập đến heo hút, từ phồn hoa đến nghèo khó, từ nguyên sơ đến hiện đại. Những chuyến đi không chỉ là lang thang nhìn cảnh, nhìn người mà còn để thêm hiểu, thêm yêu từng mảnh đất đã đi qua.

Mình muốn viết về những vùng đất ở Việt Nam, những vùng đất mình đã đi qua, những vùng đất đã mang lại cho mình rất nhiều cảm xúc, ghi lại những ngày tháng sôi nổi đã qua.
Gia Lai (tháng 6,7, 8/2005)

Nhận được thông báo đi Gia Lai tiền trạm, mình háo hức vô cùng, Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên hoang sơ, nơi Biển hồ lộng gió và xanh biếc như cặp mắt của thiếu nữ Bana. Tây Nguyên trong trí tưởng tượng của mình là như vậy.

Xe khởi hành lúc 7h30 tối, đoàn đi có 6 anh em và chú lái xe là thiếu tá quân đội về hưu vui tính. Dọc con đường Bình Phước lầy lội, trời mưa tầm tã, tối mù mịt, sự háo hức ngắm cảnh dọc đường của mình bị nhấn chìm, co gối lại và ngủ.

Mưa tạnh, trời trong sáng đến lạ, tưởng đã sáng nhưng xem đồng hồ mới có 3h, ngạc nhiên và thích thú nhìn ra cửa kính. Trăng sáng, sáng lấp lánh trên đầu, trăng mềm mại chiếu khắp đồi núi gập gềnh, ánh trăng lẫn trong sương núi giăng ngang xe, lùa cả vào trong xe mang lại hương đêm lành lạnh và trong lành. Trăng bạc ngập trong sương bạc, giăng giăng từng ngọn thông thẳng tắp, cảnh đẹp hơn cả sự mong đợi của mình.

Sáng 6h tới Pleiku, không khí cao nguyên dễ chịu trái ngược với cái nắng tháng 6 gay gắt của Sài Gòn. Ăn sáng xong chị bí thư tỉnh đoàn đưa xuống Kongcharo va Iamron- 2 huyện khó khăn của tỉnh. Xe bám đèo chạy quanh những khúc cua đầy thử thách. Đường hẹp mà xe cứ lao băng băng, môt bên là núi cao, một bên là vực thẳm, cả trăm km.

Từ Pleiku xuống đến Kongcharo (Kon Chro?) khoảng 120km hầu như đường đèo núi, chỉ đi qua 2 thị trấn nhỏ, muốn mua thêm một cuộn phim mà cũng không có (hic, cái máy ảnh kĩ thuật số lại hết phin). Đến Kongcharo thì bác bí thư huyện đoàn đã ngồi cạnh một nâm cơm …cây nhà lá vườn bao gồm gà rừng nướng, một số món đặc sản và…chịp! một ghè rượu cần loại rượu bobo ủ đủ ngày đủ tháng mới lấy trong bản ra!

- Ôi cái ông này, vừa mới xuống đã bắt uống rượu thì vào bản sao nổi – chị bí thư tỉnh đoàn đon đả
- Ơ, cái con mụ này! Tau là tau đãi cán bộ chứ có đãi mầy đâu _anh bí thư…đẹp trai lên tiếng.

Quái! Cái ông này mà người dân tộc á, chưa kịp thắc mắc thì ông ấy đã cười khì khì đứng dậy chào đoàn bằng giọng Bắc rất chuẩn và nhìn cái mặt ngẩn tò te của mình rồi phán “đội trường mà bé như con cá cảnh thế này thì phải cẩn thận đấy”

- Em chả sợ – mình nhe răng cười

Hỏi tới hỏi lui, hoá ra lại là bác đống hương với mình, lại chưa vợ, chịp! chịp!
Lùa vội ..mấy miếng thịt gà, sếp nói, ghè này khi làm việc xong thì chiến đấu, giờ trưa rồi, không nhanh vào đến bản thì tối mất.

Gớm thật, cái tiết trời Gia Lai nó như lừa người ấy, sáng mới mát mẻ thế mà đến trưa thì nóng như lửa đốt, đang hí hửng được chui lại vào xe máy lạnh mát rượi thì bác huyện phán câu xanh rờn “Cái con xe đại tiểu thư này không lết nổi vào bản đâu, anh em mình đi xe Jep thôi”. Vậy là 6 anh em cộng thêm anh tài, anh huyện và chị tỉnh nữa tha nhau lên một con xe mà cứ xóc một cái là có nguy cơ bị bắn ra ngoài, người chen người, mỡ của cả đoàn là thi nhau chảy xối xả.

Xe lướt đi trong cái ngột ngạt khủng khiếp ấy với tốc độ khoảng 12km/h, đường chưa làm, toàn đá mẹ đá con (mà đá con là con khủng long của đá mẹ) khi xe xuống suối cạn thì anh em nín thở sợ…trượt mà xe lên dốc suối thì anh em lại nín thở sợ lật. Lê lết thế nào mà cả đoàn vẫn còn sống đầy đủ khi vào đến xã Đaksông. Vừa vào đến mấy nương đầu xả thì mình đã thấy thấp thoáng mấy bác…mặc khố lấp ló trên những …thửa đất cao cao, thề là cao quá nên mình…chả thấy gì hết, hehe.

Vào đến xã, mấy bác xã nói một hồi mặt mình ngu hẳn, chả hiểu nói gì, anh huyện nhe răng cười “Ơ, cái cô này, tiếng kinh mà còn không hiểu hay anh bảo nói tiếng Bana nhá” . Cuối cùng nhờ sự nỗ lực hết mình, mình cũng nghe được rằng các chú ấy muốn …mời cơm! sướng thế chứ, tới đâu cũng ăn, mà không ăn thì sợ…người ta buồn.

Anh huyện phán: – giờ đi xem tình hình mấy bản quanh đây đã, chiều tối về rồi ăn, mà mấy ông cũng đừng bày vẽ thịt gà làm gì, đoàn hôm nay chỉ thich ăn món đặc sản chỉ có ở vùng này thôi.

- Khong an ga thi may bao lam mon gi (là các bác ấy nói không dấu đấy nhá)
- Cán bộ hôm nay chỉ thích món lòng gì xào cà đắng thôi.
Khổ thân các bác xã thật thà, không cho làm thịt gà thì ở cái xử không chợ này kiếm đâu ra lòng gà cho cán bộ xơi, đấy, cái thâm thuý của bác huyện là như thế đấy!

Nói thì nói vậy, cả đoàn không nhận lời ăn cơm ở Đaksông vì từ 2h chiều đến tối phải đi hết 2 xã nghèo nhất huyện là Đaksong và Sơró. Cả đoàn ì ụp lội qua con suối trong vắt và mát lạnh để đi sang bản Kso. Nước trong quá, lại đang khát nước tính vục một ít nước lên uống thì anh “thanh niên địa phương” đã cản lại “uống là bị sốt rét rừng đấy” – hết dám ho he!

Sang đến bản, một bày trẻ con lếch thếch kéo đến vây quanh, theo đoàn tới nhà rông. Nhà sàn của người Bana thấp nhưng dài, nhà rông cũng vậy, đây là nét đặc trưng rất dễ phân biệt với các dân tộc khác, thường thì chỉ 3 bậc đến 5 bậc là tới sàn. Nhà rông của bản Kso vẫn còn giữ được nguyên hiện trạng truyền thống với lối kiến trúc đơn giản, trang trí thú sơ sài (một cái đầu khỉ ở cột) bên trong là những cây nêu, những phiếm gỗ rât lớn vẽ hình và được gọi là khiên. Một bếp lửa lớn giữa sàn nhà cạnh bếp là một cửa thông nhỏ (như cửa sổ).
Nhìn qua lớp ván gỗ, mình rợn cả tóc gáy khi thấy nhiều cỗ quan tài lớn nhỏ khoét từ những thân cây lớn mà thành. Nhìn kĩ thì mới thấy đều là quan tài rỗng, chắc là để dành khi “hữu sự”.Đi một vòng quanh làng, thấy nhà nào cũng khoét sẵn mấy cái cỗ quan, khi chưa dùng để đựng ngươi thì đồng bào ta đựng..nước uống!

Nắm được sơ qua Kso, đoàn hành trình lên Kte. Làng này nghèo nhất xã, xã lại nghèo nhất huyện, mà huyện anh hùng Kongcharo thì lại nghèo nhất tỉnh. Vậy nên theo logic mà suy ra thì cái lòng Kte nghèo nhất tỉnh, một trong những cái tỉnh nghèo nhất nước! Mấy chục móc nhà sàn xiêu vẹo, nhà rông cũng tiêu điều, xơ xác, bà con Kte sống lại xa nguồn nước, muốn đi lấy nước phải xách gùi hơn 3km. Anh huyện cảnh báo, Kte là một làng nhạy cảm nhất do địa hình heo hút, trong làng chỉ 1,2 ngươi nói được tiếng Kinh, bà con lại thật thà như đếm, nếu gặp một chút phật lòng thì hậu quả rất đáng tiếc – một nét gạch đỏ trong sổ – bà con thương mình là được rồi.

Lấn cấn mãi, trời tối, biết là không xong việc nhưng không muốn phiền bà con, cả đoàn kéo nhau về huyện. Lòng mình ngổn ngang lo lắng suy nghĩ, có lẽ nhờ vậy mới không chết khiếp cái con đường nguy hiểm mà xe đang trèo, đang bò từng km.

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
Nếu vẽ bản đồ Việt Nam, có lẽ nơi đặt nét bút đầu tiên chính là mũi Sa Vĩ thuộc Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh). Trải qua bao thăng trầm cùng dân tộc, điểm đầu Sa Vĩ vẫn hiên ngang như một minh chứng trường tồn trước thời gian:
“Hùng vĩ thay toàn thân đất nước,
Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa.
Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước,
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...”.

Sa Vĩ không chỉ nổi tiếng với 2 câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...” mà còn có ý nghĩa đặc biệt về biên giới lãnh thổ: Nếu điểm cực Bắc biên giới đất liền thuộc xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), thì đường biên giới biển khởi đầu tại Sa Vĩ.

Tại Sa Vĩ, do cột mốc 1377, 1378 phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc nằm ở cửa sông Bắc Luân, khi thủy triều dâng lên mốc cách bờ hàng trăm mét nên hầu hết du khách khi đến đây đều lấy biểu tượng 3 ngọn phi lao trên bức phù điêu dựng ngay trên bờ biển để chụp ảnh với niềm tự hào đã đến nơi địa đầu Tổ quốc.

Trong quá trình phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nếu như cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới đất liền (ký hiệu 1369) tại đầu cầu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh), khánh thành vào tháng 12-2001, thì cột mốc cuối cùng (1378), mặc dù cũng chỉ đặt tại Trà Cổ (Móng Cái), nhưng mãi đến tháng 11-2009 mới được hoàn thành.

< Biển Sa Vĩ, cột ngoài khơi là cột mốc biên giới Việt - Trung trên biển.

Đến Sa Vĩ - Trà Cổ tận mắt nhìn, lắng tai nghe những câu chuyện có thật do những người dân nơi đây kể, ta lại càng thấy yêu mỗi tấc đất quê hương mà cha ông ta bao đời phải chiến đấu, hy sinh máu xương để gìn giữ cho đất nước. Gánh chịu bao nhiêu khốn khó nơi địa đầu Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh, người dân Trà Cổ vẫn kiên trì góp sức bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc...

Còn bây giờ vùng đất này đã đổi thay nhiều, các khu du lịch mọc lên như nấm trên những đồi cát trắng mịn. Khách du lịch các nơi nườm nượp đổ về để 'cảm' với cái gió Sa Vĩ là gió vi vút từ biển thổi vào, gió rì rào những hàng dương trên cát trắng. Sa Vĩ đón chào du khách với bức phù điêu xanh hình ba ngọn phi lao vươn thẳng lên trời mà hầu như ai đặt chân tới vùng đất thiêng này, dù chốc lát đều muốn được ghé lại lưu giữ hình ảnh của mình.

Xa xa trên biển, cột mốc biên giới Việt-Trung đánh dấu chủ quyền hai bên, trầm ngâm sóng đánh. Nhìn xa hơn, vào những ngày trời trong biển lặng, có thể nhận ra hình hài nhấp nhô của làng Việt cổ Vạn Vĩ, nơi những người Việt ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã đến định cư suốt 500 năm nay. Nhiều người trong số họ đã trở về Sa Vĩ để thấy mình “cùng đón bình minh và cùng ngắm hoàng hôn” với Vạn Vĩ. Nằm cạnh đường ô tô ra biển, nhà thờ Trà Cổ - điển hình của phong cách kiến trúc châu Âu, đẹp một cách cổ điển giữa những làng mạc dân dã.

Đứng ở mũi Sa Vĩ địa đầu Tổ quốc, phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ cong và dài 17 km. Trà Cổ được mệnh danh là bãi tắm dài và lãng mạn bậc nhất Việt Nam. Những dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ xuất hiện giữa làng chài. Nhiều gia đình bị cuốn vào cơn lốc hội nhập, vội vã bỏ chài lưới vào gác bếp, lao vào làm du lịch những mong đổi nghề, đổi đời.

Sa Vĩ ngày nay không chỉ có cát, cá tôm mà còn có cả sân golf, khách sạn. Đất đai bên đường từ Móng Cái vào Trà Cổ tăng giá vùn vụt. Nhiều dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ được khoanh đỏ trên tấm bản đồ làng biển. Trà Cổ từ một xã thuần nghề ngư, đến nay trên 60% số gia đình trong phường Trà Cổ đã biết làm du lịch và dịch vụ. Hiện làng biển có khoảng 45 nhà nghỉ đang hoạt động với gần 600 phòng với mức doanh thu tăng đều mỗi năm.

Khách tắm biển dù không nhiều nhưng đủ để rực rỡ sắc màu trên cát trắng như một điểm nhấn hiện đại. Nhà hàng bên bờ biển Trà Cổ nằm rải rác, giá cả dễ chịu, không “chặt chém” như các nơi khác. Những bữa tiệc hải sản bên bờ biển, gồm những tôm, ghẹ, bề bề, ốc, mực... có dư vị khó tả, vì sự tươi ngon của thực phẩm, sự niềm nở của người bán và cả không khí trong lành, thuần khiết của một vùng biển chưa mất hẳn chất dân dã.

Người dân Trà Cổ vẫn còn lưu giữ ngôi đình có niên đại hơn 500 năm. Cụ già trông đình có tên gọi Vũ Tiến Nồng kể rằng: ngôi đình là tài sản vô giá mà cha ông từ 500 năm trước đã để lại. Đình được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV). Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, mang đậm chất văn hóa của người Việt, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa, điều này càng khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc.

Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Đình gồm 48 cột lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Cột cái cao 4,65 mét, chu vi cột 1,63 mét. Đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 mét.

Trong đình còn hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng đã xám màu thời gian, trên đó khắc: Địa cửu thiên trường (đất vững, trời dài) và Nam Sơn tịnh thọ (nước Nam bền vững); một bộ kiệu bát cống, 8 long ngai, 02 hạc rùa, một bộ bát biếu, 01 bộ thất sự bằng đồng, 05 bức đại tự, 05 cửa võng... đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng và nhiều hiện vật có từ thời Lê, Nguyễn. Đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để thờ thành hoàng làng là 6 vị tiên công có công xây làng, lập ấp.

Theo các bô lão trong làng truyền lại, thì tổ tiên xưa vốn là người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đánh cá. Trong một lần đi biển, gặp sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào đây. Trước cảnh hoang vu, chỉ toàn sú vẹt, lau sậy cùng những đồi mua, đồi sim, có 6 gia đình đã chán nản nói: "Ở đây ăn bổng lộc gì?/Lộc sim thì chát, lộc si thì già". Nhưng 6 gia đình còn lại lại lạc quan, tin tưởng vào vùng đất tuy vắng vẻ nhưng khung cảnh đẹp, nên đã trả lời: "Ở đây vui thú non tiên/Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau". 6 gia đình ra đi, 6 gia đình ở lại khai phá miền đất mới, sinh làng lập ấp..."

Rời làng biển, vẫn con đường thẳng tắp tràn ngập vị mặn mòi của biển, trước mặt chúng tôi chính là mũi Sa Vĩ. Tấm biển “Vành đai biên giới” nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt. Ngay chót mũi Sa Vĩ, phía tay trái có một mảnh vườn nhỏ trồng rất nhiều cây. Đó là khu vườn do các nguyên thủ quốc gia trồng khi về thăm điểm đầu tiên của dải đất hình chữ S. Chúng tôi ngắm những hoa sim, hoa mua như cũng tím hơn trong chiều biên giới, giẫm chân lạo xạo trong bùn cát và hưởng trọn nắng gió biển trời Sa Vĩ.

Mũi Sa Vĩ ngày trước chỉ có bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra bảo vệ và người dân trong vùng qua lại đánh cá bắt tôm thì nay cũng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và cả ngoài nước. “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Nhúm một nhúm cát, nhặt lên một hòn đá cuội, nắm chặt trong tay mình để thấy cát và đá cũng ấm tình Tổ quốc. Tôi mang hai vật ấy cất vào ba lô mang về đặt lên bàn làm việc. Tôi tin chắc rằng, mỗi khi nhìn thấy cát và đá tôi lại nhớ về Sa Vĩ, nhớ về Trà Cổ, về nơi đã lưu giữ một phần tâm hồn mình, để lại nhen nhóm và thu xếp thỏa mãn khát vọng lên đường khám phá những mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, những điểm cực khác của Tổ quốc mình và trân quý hơn những vẻ đẹp muôn hình muôn sắc khắp dải đất hình chữ S thân yêu.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ internet

Trà Cổ nằm ở cực Đông Bắc đất nước thuộc tỉnh Quảng Ninh, kề sát biên giới Trung Quốc, cách thị xã Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái chừng 10km.

Có thể đến Trà Cổ bằng nhiều cách khác nhau. Bằng ca nô hay tàu thủy chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với quãng đường hơn 200 km hoặc từ Hòn Gai với hành trình 132km, bạn sẽ đến bãi biển Trà Cổ. Nếu bạn đi đường bộ thì có thể lên ôtô từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội - Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi thị xã Móng Cái để ra bãi biển Trà Cổ...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống