Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 6 October 2012

Mùa này gió nồm thổi nhẹ, cá biển nhiều, nhất là cá hố. Và món lạ duy nhất chỉ có ở quê tôi, món truyền thống đặc trưng ở làng biển – gỏi cá hố.

Nhân có mấy người bạn ở Sài Gòn ra chơi, sáng ra làng biển Nhơn Hội, xã An Hòa, Phú Yên tôi mua cá hố tươi rói về làm món “bửu bối” quê nhà đãi khách.
Cá hố làm gỏi phải là loại cá hố loại nhỏ (cá hố dải) được đánh bắt bằng cách đi thúng chai thả lưới cước. Đi chợ biển thật sớm để chọn con thật tươi xanh. Nhìn con cá hố tươi da trắng bóng, sáng đều, không bị trầy tróc, toàn thân cá cứng chắc, mắt sáng. Trong suốt thời gian từ khi mua về cho đến lúc chế biến phải luôn giữ lạnh cá.

Thường làm khoảng 20 con cá cho năm, sáu người ăn là vừa. Cá hố đem về, ướp lạnh ngay bằng đá viên rồi chế biến tuần tự các bước: cắt đầu đuôi, dùng tay tước hết kỳ (cái ghi) trên lưng rồi dùng cát sạch hoặc miếng vải có độ nhám kẹp tuốt hết phần phấn trắng bám trên thân cá. Xong bước này, con cá không còn màu trắng sáng nữa mà là màu trắng đỏ. Rửa thật sạch lần cuối, bỏ vào thau đá mới. Dùng dao thật bén lóc lấy thịt hai bên rồi cắt thành từng miếng độ 4cm, bỏ phần xương sống. Cắt cá xong, cho ít muối và bột ngọt vào rồi ngâm một hồi cho thịt cá săn chắc rồi chắt bỏ hết nước. Đến đây nếu ăn liền thì tiếp tục chế biến, chưa ăn có thể để tủ lạnh cũng không sao.

Ăn gỏi cá hố đòi hỏi đủ gia vị. Trước hết phải vắt được một tô nước chanh. Trước khi trộn gỏi, đổ nguyên tô nước chanh vào phần cá vừa cắt thành miếng, ngâm độ mười phút vớt cá ra, dùng tay vắt cá thật khô. Lúc này miếng cá đã chuyển sang màu trắng đục. Và vẫn tiếp tục giữ độ lạnh. Khi ăn lấy ra trộn từng phần cá với hành tây xắt nhỏ, các loại rau thơm như húng, tía tô, é quế, rau răm, xoài xanh, khế, đậu phộng rang, tiêu hạt…

Ăn gỏi cá hố, nhất thiết kèm với một chén nước mắm ngon giã với ớt – tỏi – chanh – đường và vài cái bánh tráng nướng. Khi ăn, gắp từng nhúm gỏi cá bỏ vào chén, thêm rau thơm, lấy nhúm đậu phộng, vắt thêm tí chanh, ít hạt tiêu, bóp bánh tráng vụn ra rồi chan tí nước mắm pha, thế là lùa ngon lành. Ôi, cảm giác thơm ngọt vào đến tận chân răng.

Mấy anh bạn của tôi hôm ấy, ban đầu thấy lạ chưa mạnh miệng nhưng làm được vài miếng rồi lại tấm tắc mà ăn đến no say. Rồi có bạn phán rằng, “món này phải nằm trong sách các món ngon Việt Nam mới xứng tầm!”

Du lịch, GO! - Theo Báo Sài Gòn tiếp thị, ảnh internet

Friday, 5 October 2012

Cuộc sống đã đổi thay nhiều, khắp trên cả nước, phố xá ngày càng tân tiến, những ngôi nhà cao tầng mọc lên từng ngày, con người ta sống nhanh hơn mà dường như dần bớt quan tâm đến các giá trị tinh thần. Chắc chẳng ai tin rằng, ở Tây Nguyên, vẫn còn những cô gái cần mẫn hàng năm trời để “kiếm củi lấy chồng”. Chuyện tưởng chừng như chỉ còn trên những trang giấy ấy vẫn được tiếp tục với những niềm tin bất diệt vào truyền thống tốt đẹp của bản làng.

Không biết từ bao giờ, trên vùng đại ngàn phóng khoáng ấy, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, bầu bạn đã có quy định rằng: khi trai gái lớn lên, đủ tuổi tìm vợ tìm chồng, họ sẽ phải vượt qua những thử thách để chứng tỏ sự trưởng thành, khéo léo, như một cách lấy lòng gia đình người mình sắp gá duyên.

Theo đó, người con trai sẽ vào rừng săn bắn, lấy đầu thú về treo lên vách nhà rông. Còn các cô gái thì vào rừng chặt củi gùi về để chứng minh mình có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông dệt vải... Thú càng nhiều, củi càng nhiều, các chàng trai cô gái Tây Nguyên sẽ càng được yêu mến, trân trọng sự cần cù, khéo léo để vun vén công việc gia đình. Với người Rơ Ngao, người Jẻ - Triêng, sơn nữ đến tuổi tìm chồng phải tự tìm đến cả trăm bó củi trên rừng mới mong có cơ hội về nhà chồng.

Tại sao lại là củi? Điều này có lẽ cũng dễ hiểu đối với đồng bào Tây Nguyên. Với họ, củi là một trong những thứ quan trọng không thể thiếu được trong mỗi gia đình, là thứ sẽ thắp lên ngọn lửa nơi căn bếp, sưởi ấm và duy trì sự gắn kết của mỗi thành viên trong gia đình. Người con gái về nhà chồng, giỏi giang, tháo vát chính là ở chỗ ấy. Thế nên, yêu cầu về củi “sính lễ” là rất cao. Do đó, củi được thiếu nữ sơn cước lựa chọn rất cẩn thận, công phu, dù tục lệ hầu như không bắt buộc song thông thường các cô gái thường chọn cây dẻ khỏe mạnh, bởi gỗ khi khô sẽ chắc, dễ chẻ, cháy tốt và đượm than.

Kích cỡ cây được chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10 phân. Củi được chặt thành đoạn từ 80 phân đến trên 1 mét và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống, không được dài ngắn bất thường. Thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh phải đồng loạt được chặt bằng hoặc vát nhọn tất cả. Đây chính là thử thách sự khéo léo của các cô gái.

Củi phải đạt đến độ “tiêu chuẩn’ như vậy khiến các cô gái khá là vất vả và mất nhiều thời gian trước khi về nhà chồng. Có cô mất 2, 3 năm, thậm chí, có cô gái phải mất 4 năm để kiếm số củi cô cho là “đủ” để làm vợ người ta. Ngày xưa, tục lệ còn khắt khe, các cô gái phải tự chịu đựng hiểm nguy, lên rừng kiếm củi một mình, bất cứ ai giúp đỡ mà bị làng phát hiện, sẽ bị phạt vạ rất nặng. Bây giờ, rừng đâu có còn nhiều nên nhiều nơi ở Tây Nguyên đã quyết định cải “lệ”, đó là người con gái có thể mượn bất cứ ai trong làng đi kiếm củi giúp mình, trừ người chồng tương lai.

Tuy nhiên, sự vất vả của các cô gái sẽ được đền đáp. Những đống củi săn chắc, đều đặn đẹp đẽ chính là minh chứng cho tình yêu của người con gái với đối tượng của mình. Đồng thời, qua đó, người làng có thể đánh giá được công dung ngôn hạnh của cô gái ấy như thế nào. Ngoài ra, cô dâu mới nào kiếm được nhiều củi, đẹp, đều đúng như yêu cầu thì sẽ được cha mẹ chồng hết sức tin tưởng và yêu quý.

Quanh tục lệ này, có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt nên làm cho nó càng trở nên thần bí, linh thiêng, càng khiến các cô gái không dám lơ là. Dân làng truyền tai nhau rằng nếu củi của người con gái càng nhiều, đẹp, đều… thì đó là đống củi của một người con gái có đôi bàn tay khéo léo, có hình thức đẹp, sống hiếu thảo, cẩn thận và chắc chắn người chồng mà cô ta sắp lấy là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai; và tình yêu của người con gái với người con trai đã rất sâu nặng. Nếu người con gái nào lấy củi từ cây dẻ bị cụt ngọn thì đó sẽ là điềm xấu cho hôn nhân sau này.

Phong tục “kiếm củi lấy chồng” này là một truyền thống tốt đẹp. Tình yêu trải qua nhiều thử thách thì sẽ vững bền. Song, có một nghịch lý rằng, rừng giờ đã chẳng còn nhiều, các cô gái ngày càng khó khăn  để tìm củi, chắc rồi sẽ đến một ngày, các cô sẽ mất 10 năm, 20 năm để tìm “sính lễ”. Thế còn may, hay sẽ chẳng còn củi để các cô gái lấy chồng! Mà việc rừng càng ít, một phần cũng là do tục lệ này chứ đâu?

Biết là thế, nhưng tục lệ thì vẫn là tục lệ. Đây quả là một vấn đề nan giải đối với một số cư dân còn giữ phong tục lạ này ở Tây Nguyên khi Nhà nước đã giao rừng cho đồng bào quản lý, cấm chặt phá mà chưa ngăn chặn kịp một cách làm hao hụt tài nguyên rừng có vẻ như rất “hợp lý” này.

Du lịch, GO! - Theo Văn Hiến Việt Nam, ảnh internet
Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại Rượu ghè ngon nhất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất. Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo… (haggard04)

Rượu ngon Tây Nguyên: Rượu Ghè (tiếng Bana: sơdrô)

Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại. Rượu ghè ngon ngất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất.

Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo.

Xét về chất lượng thì rượu làm từ khoai mì là kém nhất: rượu chỉ ngọt nước đầu, đến can thứ 3 (can là đơn vị đo mực rượu uống của ngườu Bana) là nhạt thếch.

Rượu bắp và bo bo được xếp ngang hàng về chất lượng nước cốt (nước cốt nhiều, ngọt thơm nồng, đến can thứ 9, thứ 10 vẫn còn thơm ngọt). Một số người thích uống bobo hơn do khi uống độ rượu mạnh hơn, cảm giác lâng lâng sớm hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, rượu bắp uống vừa êm, vừa dịu nhưng lại…nhanh gục hơn cả bo bo. Điều đặc biệt là rượu bắp dù uống có nhiều đến mấy thì sau khi ngủ dậy vẫn thấy thư thái nhẹ nhõm như chưa từng say, còn rượu bobo uống thường thấy nặng đầu.

Nước dùng để uống rượu ghè là nước suối múc từ hố nước đào ven suối, hố đào xong để qua một đêm cho lắng rồi múc về chứa torng những trái bầu khô (loại bầu một nậm). Nước suối để trong trái bầu khô có vị ngọt mát rất riêng (cả cái mùi ngai ngái nồng nồng cung rất đặc trưng nữa), khi dùng nước ấy đổ vào ghè rượu, nước trong ngọt hoà với cốt rượu, khoảng 5 phút sau ngấm cốt, tạo ra thứ rượu thơm ngon say đắm. (em có mang một ghè rượu thuộc loại quý về thành phố, nhưng dùng nước suối đống chai đổ vào, cứ thấy không đúng vị).

Rượu ghè có thể nói là rươu nhẹ, nhưng rượu nhẹ uống lắm cũng say. Em vốn chẳng dám say, ấy vậy mà lên Gia Lai cũng không tránh khỏi tai kiếp.

Ngày đội em đặt chân đến bản cũng là ngày trong bản có đám tang, theo đúng tục lệ, để tỏ lòng thương tiếc với dân làng và lòng kính trọng với người chết, người đến làng phải đi một vòng quanh nhà sàn, uống mỗi ghè rượu nửa can. Nghe xong mà em tâm thần chấn động, kinh hãi vô cùng nhưng không thể quay đầu, đành nhắm mắt đưa chân. Vận dụng hết mọi thành công lực, thêm cả mánh mung tiền bối chỉ dạy cuối cùng cũng qua ải.

Than ôi! Khó khăn chồng chất khó khăn, 2 vị “trùm” một già làng, một trưởng bản đang chờ sẵn, cười vang “Giỏi! Giỏi”. Ấy cũng là vì “Giỏi! Giỏi!” ấy mà em phải chịu đạn thêm 2 li rượu gạo. Uống xong đầu óc quay cuồng, tuy nhiên vẫn đủ tỉnh táo để thốt lên “Nham, nham” (ngon, ngon). Rồi sau đó bỏ về đến nhà rông không kịp họp hành dặn dò đội, sáng hôm sau 50 nhân mạng vật vờ, đành mất một buổi sáng cho nghỉ ngơi và chuyển điểm ở cho một nửa quân số.

Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, đấy cũng là lần đầu tiên biết thế nào là say rượu, thề một lần cho biết rồi…thôi!

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống