Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 30 January 2013

Vâng, cao lắm mới đến Cao Bằng. Cây sầu lá đỏ có cách tựa của cây sầu.
Sông có cách xanh ngắt của Quây Sơn vì một dãy núi cao ngất vây quanh. Và ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc, vẫn đổ nước trắng xoá.

Như con đường tơ lụa vùng cao

Tôi đã dừng chân ở nhiều ngọn thác, nhưng thác nước kỳ vĩ này vẫn không xoá được trong tim tôi những ngôi nhà đất thó nơi vành đai biên giới tổ quốc tôi.

Khác với những ngôi nhà tường trình đất thó nện rất dày bên xóm Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang, ngôi nhà đất thó, đất ruộng bên này tường đất vẫn mỏng hơn. Dù đã sang xuân, răng tôi vẫn lập cập va vào nhau. Chỉ khi chui vào cái bếp cũng đắp bằng đất thó; ăn cháo ấu tẩu nấu bằng thứ hạt dẻ khô với xương thịt heo cắp nách, mắt tôi mới sáng ra; rồi mới nhìn trần nhà của người dân tộc Tày. Trần nhà của vùng miền núi vẫn giăng mắc đầy ngô, gạo nếp nương vẫn nhiều hơn gạo tẻ. Đất có mặt ngay trong ba ông vua bếp, rồi cái bếp ngoài trời cũng đắp bằng đất khum khum như cái chum, khoét miệng dưới để nấu rượu ngô.

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao đường vành đai biên giới vẫn còn nhiều nhà đất thó? Thì ra, xây nhà ở vùng Cao Bằng giá vật liệu đắt gấp ba lần miền xuôi vì phí vận chuyển. Hơn 30 cây số đường đèo còn đang rải đá, trời mưa hay nắng xe chạy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Đường đi nhiều chỗ thót tim.

Chỉ khi đứng bóng núi, sương giăng, lạc chân vào vườn hoa dẻ ở Trùng Khánh, ong từng bầy bay rù rì lưng núi, cánh cung của cung đường giáp biên thật đẹp. Con sông Quây Sơn lúc có nắng, trong vắt nghiêng về phía mặt trời. Nước vẫn trắng thác Bản Giốc, đổ xuống sông Quây Sơn, nơi dòng sông bắt nguồn từ phía Vân Nam Trung Quốc đổ về non nước Cao Bằng. Những cánh đồng lúa non, với những con ngựa trắng nhởn nhơ lưng núi. Những bầy ngựa trắng có con đang thồ hàng xuống chợ.

Có bao nhiêu con đường mòn của tiểu thương từng vẹt cả móng ngựa trên vách núi, không tính hết. Có bao nhiêu tấn chè Shan Tuyết ở cao nguyên đá Hà Giang, ngựa thồ sang Trùng Khánh, có bao nhiêu cao ngựa trắng thồ hàng về Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang?

Con đường cánh cung biên giới đông bắc này thật huyền diệu, khác gì con đường tơ lụa năm xưa. Đổ về Cao Bằng dự phiên chợ trước tết, bò giống và ngựa giống, trà Shan Tuyết và ong rừng, xôi ngũ sắc và xôi trám... làm nên gương mặt chợ vùng núi trong thung lũng núi vừa xôn xao vừa ấm áp.

Sắc màu của người miền sơn cước

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con ngựa trắng ngắt trà dây ăn bên dòng sông xanh ngắt, nơi có những ngôi nhà đất thó, sẫm nâu, thâm u, những điệu hát lượn cũng u buồn của nhiều mối tình không đến được với nhau, vì tục lệ, vì những lý do rất nhiêu khê của con người tự đặt ra rồi tự làm khổ nhau. Làn điệu dân ca này luôn làm ta chới với như khi say rượu ngô. Bạn đã nghe một người Mông, đơn độc hát khi dắt ngựa trên dốc núi vắng? Đơn độc hát, mà chỉ có núi đá xám lại lắng nghe. Tôi đồ rằng vì những giọng hát này mà sông Quây Sơn mới xanh đến thế, mới day dứt tôi đến thế. Cũng có thể vì hát lượn, vọng ra từ ngôi nhà đất thó kia, đất thấu hiểu hắt lên núi đá, nên núi Cô Muông mới hùng vĩ, nên sông Bằng nước rất trong nhìn thấy cả sợi tóc bạc của người già.

Bạn đã một ngày theo ngựa đi hái trà dây trên ngọn thác Sầu? Tên thác là dân địa phương tự đặt, nơi thác đổ có những bóng cây sầu lá đỏ như khêu trên vách núi. Người phụ nữ miền núi có thói quen vừa đi vừa thêu, vừa đi vừa tước lanh. Những cô gái thêu khăn choàng và váy hoa để diện ngày tết.

Nếu gặp ngày mù sương, bạn ngồi nướng thịt gà bọc đất trong cái bếp bằng đất, trong ngôi nhà cũng bằng đất thó, ngước nhìn trần nhà dát toàn bắp ngô, đủ màu tự nhiên phết phảy trắng vàng đỏ sậm của ngô trên trần nhà, bạn sẽ cảm nhận được nỗi niềm của miền đất nơi ấy: cao lắm Cao Bằng.

Du lịch, GO! - Theo Lộc Vừng (SGTT), internet
Ngoài thịt gà sống thiến, thịt lợn xá xíu, ba chỉ áp chảo, chân giò kho mác mật, miến măng nấm hương… mâm cơm ngày tết của đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc không bao giờ thiếu món 'nằm khau' (nằm khâu).

Món gì tên nghe lạ vậy?
Hỏi ra mới biết đó là món thịt heo nấu nhừ, xếp trên bát lùm lùm hình quả đồi nên gọi là nằm khau (tiếng Tày, Nùng nằm là chín nhừ, khau là quả đồi). Món này còn có tên gọi khác là khau nhục (khau: đồi, nhục: thịt).

Nằm khau được làm từ thịt ba chỉ. Nghe vậy hẳn có người sẽ nghĩ món ăn chắc là ngấy. Nhưng không. Với tài nấu nướng của mình, những “đầu bếp gia đình” ở các bản làng đã làm nên món nằm khau khiến người ăn phải gật gù, khen ngợi.

"Nằm khau có xuất xứ từ đâu và từ bao giờ chẳng rõ. Chỉ biết đó là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng. Ngày tết, món nằm khau đã góp cho mâm cỗ của đồng bào thêm hương vị".

Tôi đã từng tò mò xem người trong bản làm món này. Thịt ba chỉ cắt miếng to chừng bàn tay, cạo rửa sạch sẽ rồi đem luộc. Chỉ luộc sơ, cốt để miếng thịt săn lại. Dùng que tre nhọn đầu xăm kỹ phần bì, xong xoa đều một lượt giấm hoặc nước cốt chanh. Thịt được ướp mắm muối, bột ngọt, để mươi phút cho ngấm. Mới thế thôi đã nghe dậy mùi thơm quyến rũ.

Thịt sau đó được đem rán trong chảo mỡ sôi. Khi rán phải quay mặt bì xuống dưới để bì chín vàng. Do đã ngấm giấm chua, lớp bì nở phồng, giòn xốp mà không cứng. Cũng không cần phải rán kỹ quá, chỉ cần bì nở đều, có màu vàng là được.

Nhưng như thế mới chỉ được một nửa công đoạn chế biến. Thịt vớt ra, để đó cho nguội và ráo mỡ. Bắt đầu sang phần làm khoai môn, loại khoai củ to hơn nắm tay, nhiều bột, có vân màu tím, được bà con trồng nhiều trong vườn nhà, không phải môn ngứa. Khoai môn gọt vỏ, bổ dọc, thái lát dày đem chiên giòn. Khoai chiên xong, lát nào lát nấy se vàng, sém cạnh, thơm ngọt và bắt mắt.

Thịt và khoai đã chế biến xong. Bây giờ mới là khâu cuối cùng để cho ra đời món nằm khau. Thịt được thái ra từng miếng dày, lại tẩm ướp một lần nữa với gừng tươi, tỏi bằm và quả mác mật khô giã nhỏ. Chế thêm một chút nước mắm, một thìa rượu trắng. Xếp thịt và khoai vào bát. Khi xếp phải lật ngược miếng thịt cho phần bì quay xuống. Cứ một miếng thịt xen kẽ một miếng khoai. Xong xuôi, úp một chiếc bát khác lên trên làm nắp đậy, lật ngược lại rồi đem hấp cách thủy.

Mâm cơm ngày tết đã được dọn ra. Rượu xuân đã được rót. Mọi người nâng ly chúc tụng. Lúc đó người nội trợ mới mở vung nồi, bê khay hấp ra. Những bát nằm khau vẫn còn nóng hổi.

Mở nắp đậy, bát thịt đầy có ngọn, những miếng thịt xếp đều chằn chặn còn nguyên hình bát úp. Màu bì vàng ruộm, nâu đỏ. Mùi thơm của mác mật, gừng, tỏi… hòa quyện thành một hương vị đặc biệt, sực nức, ngạt ngào. Gắp một miếng nếm thử. Thịt thơm ngậy, mềm lừ. Khoai vừa bột vừa bùi, dẻo quánh. Hai vị này quyện với nhau thật hài hòa. Béo mà không mỡ, nhừ mà không nát.

Nằm khau ăn nóng, ấm sực cả người. Gắp thêm miếng nữa, nhấp một chút rượu, hơi xuân thêm phần nồng nàn, câu chuyện đầu năm càng thêm rôm rả.

Du lịch, GO! - Theo Ba Hưng (DulichTuoitre), internet
Mỗi độ xuân về, chuẩn bị đưa tiễn năm cũ và đón mừng năm mới cộng đồng người Xơ-đăng sống trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên vui mừng tổ chức lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm để cúng Giàng, thần linh, tổ tiên ông bà cầu mong cho người Xơ-đăng luôn được khoẻ mạnh, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên, thú dữ, cộng đồng luôn đoàn kết...

Theo truyền thống của cộng đồng dân tộc Xơ-đăng cứ vào mùa khô năm trước (khoảng tháng 10, 11 và tháng 12) đến thời điểm của mùa khô năm sau (khoảng tháng 2, 3, 4 và tháng 5), Hội đồng già làng họp lại chọn lấy ngày trăng sáng, đây là những ngày đẹp nhất để tổ chức làm lễ mừng sức khoẻ đầu năm.

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày 3 đêm với cả làng tham dự.

Để có lễ vật dâng cúng Giàng, thần linh và tổ chức lễ hội được chu đáo, dân làng phải chuẩn bị rượu ngon, các loại thức ăn khô như: măng, cá; thịt và cả heo, gà... hằng tháng trời trước đó. Theo truyền thống, mỗi nóc (mỗi nóc có từ 20-30 gia đình sinh sống) được giao một việc, nóc thì lo sửa chữa lại máng nước, nóc thì lo trang trí lại nhà Rông, nóc thì lo vào rừng tìm cây về để làm cây nêu, nóc thì lo đi mua trâu, đàn bà, con gái thì lo giã lúa mới lấy gạo gói bánh, xuống suối bắt thêm cá, ốc, hái thêm rau... lễ hội này thường diễn ra như sau:

Ngày thứ nhất: Hội đồng già làng và một số người già lớn tuổi am hiểu về phong tục tập quán của người Xơ-đăng hướng dẫn một số thanh niên khoẻ mạnh làm cây nêu, trang trí lại nhà Rông, cồng chiêng được đem ra lau chùi và thử lại tiếng, tập xoang (múa), ca hát... đồng thời cũng tại nhà Rông, một ché rượu thiêng và một con gà trống to cũng được đem đến và được đặt ngay ngắn tại giữa nhà để chuẩn bị làm lễ. Tại đây, Hội đồng già làng dùng dao cắt tiết gà, một ít đổ vào ché rượu thiêng, còn lại đổ vào tô lớn.

Khi gà bị cắt tiết, một số người lớn tuổi lần lượt đọc những câu cầu khấn với nội dung hàm ý tỏ lòng thành kính đối với Giàng, ông bà tổ tiên. Họ đổ ít rượu thiêng trong ché ra vào tô đựng tiết gà trộn đều rồi cùng nhau xuống chỗ đào cây nêu để chuẩn bị làm lễ dựng cây nêu.

Trên tô tiết gà, người ta cắm vào đó một ngọn đèn bằng sáp ong. Ngọn đèn được đốt lên, già làng dùng tay nâng chén tiết gà lên đọc lời khấn, cùng lúc các chàng trai, cô gái và dân làng nối nhau thành một vòng tròn (nghi lễ này được thực hiện lại vào ngày thứ 2), cây nêu được dựng lên và cùng lúc trâu cũng được đem cột vào cây nêu, dê cũng được đem cột vào các cột cây Pơlang theo chiều dọc và có bao nhiêu dê thì có bấy nhiêu cây Pơlang được trồng. Vì vậy, có dịp đến các bản làng của người Xơ-đăng có rất nhiều cây Pơlang được trồng, đây là dấu hiệu của một làng no đủ và giàu có, tinh thần đoàn kết cao, ăn nên làm ra, thương yêu và đùm bọc nhau.

Ngày thứ hai: Từ sáng sớm, mọi người trong các nóc đã cơm nước xong. Cồng chiêng, trống từ nhà Rông được lấy xuống, dân làng trong bộ trang phục truyền thống đã có mặt đầy đủ trước nhà Rông.

Trống, cồng chiêng nổi lên, già làng hướng dẫn một số trai tráng khoẻ mạnh, những thanh niên này sẽ thực hiện việc đâm trâu và bắn dê sau đó nhảy múa. Những vòng xoang được nối nhau, già làng vừa di chuyển vừa ném những nắm gạo vào cho trâu vừa dùng giáo đâm vào đùi trâu trong tiếng hò reo của dân làng vang vọng cả núi rừng. Sau động tác này, ông lại chuyển giáo cho những người có uy tín trong làng và những thanh niên được chọn lần lượt dùng giáo đâm vào trâu, trong tiếng trống, cồng chiêng và họ đâm khi trâu chết hẳn thì mới thôi. Cùng lúc một nhóm thanh niên khác cũng trong tư thế sẵn sàng từng người một dùng ná bắn vào dê cho đến chết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu trâu bị đâm trúng tim chết và gục xuống đất ngay thì cả làng năm đó sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc làm ăn, dân làng đoàn kết... Thanh niên nào đâm trúng tim trâu thì được cả làng tôn vinh dũng sĩ với hàm ý Giàng ông bà, tổ tiên đã cho họ một năm với sức khoẻ dồi dào và hạnh phúc.

Trâu, dê được đem đi xẻ thịt, trong làng có bao nhiêu nóc, mỗi nóc có bao nhiêu người cũng được chia phần bằng nhau. Phần tim, gan, bộ lòng của trâu để Hội đồng già làng dùng và tiếp khách, phần còn lại được chế biến các món ăn truyền thống ngay tại nhà Rông để dân làng bà con, anh em và cả khách mời có dịp vui chơi ăn uống thoả thích. Riêng đầu trâu sẽ được bố trí lại để cho ngày hôm sau (ngày kết thúc). Họ vừa ăn, uống vừa chúc sức khoẻ nhau, hỏi thăm công việc nương rẫy. Nhân dịp này, những thanh niên, thiếu nữ Xơ-đăng chưa chồng, chưa vợ có điều kiện tìm hiểu, quen nhau và kết duyên chồng vợ.

Ngày thứ 3: Đầu trâu được xẻ và chế biến tại nhà Rông để cho Hội đồng già làng và những người có uy tín trong làng ngồi lại bàn bạc và trao đổi rút kinh nghiệm. Đầu trâu được đem treo ở vách nhà Rông. Đến đây lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm chấm dứt.

Lễ hội mừng sức khoẻ đầu năm không chỉ là nghi lễ cầu cho làng bản, cho gia đình và cộng đồng luôn khoẻ mạnh mà còn giải toả mọi tâm lý sợ hãi, ám ảnh của các thế lực siêu nhiên, mang lại sự an bình trong cuộc sống của mọi nhà, mọi gia đình và cộng đồng. Nghi lễ mừng sức khoẻ đầu năm từ lâu đã ăn sâu vào cuộc sống và tiềm thức của cộng đồng dân tộc Xơ-đăng. Nét văn hoá cổ truyền, độc đáo này luôn được người Xơ-đăng gìn giữ và trân trọng.

Du lịch, GO! - Theo Cema, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống