Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 2 March 2013

Phan Thiết (Bình Thuận) chắc chắn sẽ hấp dẫn người ta bằng những bãi biển đẹp, những đồi cát mênh mang trong nắng gió hay những món hải sản tươi rói còn thơm hương biển cả.
Nhưng Phan Thiết cũng chiếm lấy trái tim kẻ lữ hành chỉ đơn giản bằng một cuốn bánh tráng nướng mắm ruốc nóng hổi, giòn tan, tròn đầy những hương và vị.

Bánh tráng cuốn mắm ruốc không giống như bánh tráng nướng chấm mắm ruốc truyền thống ở Phan Thiết vì dùng loại bánh mỏng hơn, thêm nhiều nguyên liệu hơn, cách chế biến cũng cầu kỳ hơn. Món này về hình dáng tương tự bánh tráng cuốn ở Nam bộ, nhưng đặc biệt ở chỗ phần bánh tráng cuốn bên ngoài được cuộn lại từng chút một khi nướng trên than hồng.

Thành phần tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này là bên cạnh mắm ruốc với độ mặn vừa phải để phết lên bề mặt bánh tráng, còn có trứng gà hoặc cút luộc, nem chua, chả lụa, mỡ hành, tương ớt. Tùy vào từng hàng quán và bí quyết riêng của chủ quán, bánh tráng sẽ có thêm chút đồ chua, bắp cải thái chỉ sợi, bơ…

Bí quyết để làm nên một cuốn bánh đẹp mắt, dễ ăn nằm ở khâu nướng - cuộn bánh. Bánh tráng không quá dày mà cũng không quá mỏng để dễ cuộn hơn khi nướng và không bị vỡ vụn lúc thưởng thức.

Để cuộn được bánh khi nướng, người nướng sẽ dùng hai chiếc đũa sắt dài. Một chiếc đặt phía trong tấm bánh đã trải trên vỉ nướng, một chiếc đặt ngoài. Lúc nướng phải canh lửa thật kỹ sao cho bánh tráng vừa chín tới thì cuộn lại. Cuộn quá sớm bánh tráng không giòn, còn quá muộn bánh thường bị vỡ. Bên cạnh đó, phải cuốn đều tay để cuốn bánh tròn và giữ chặt nhân bánh, tránh bị rơi ra ngoài khi ăn.

Hương vị đầu tiên khi nếm thử món ăn dân dã này là sự pha trộn giữa cái ấm nóng của bánh vừa nướng, âm thanh giòn giòn vỡ vụn của bánh. Rồi sự mềm mại của trứng, chả lụa và sần sật của nem khi ngập vào răng. Hương vị mằn mặn ngòn ngọt của mắm ruốc lẫn trong vị béo của mỡ hành và cay cay của tương ớt chạm vào lưỡi. Tiếp đó là một làn hơi nóng ủ từ lúc nướng, tỏa ra nhẹ nhẹ.

Tất cả quyện vào nhau, pha trộn nhau, bổ sung cho nhau, làm nên cảm giác thật tròn vị liền ngay sau đó. Và rồi để lại cái mong muốn được ăn thêm những cuốn bánh ấy đến khi thật no lòng…

Món dân dã này thường được bán vào buổi chiều như một món ăn lót dạ chờ bữa tối. Chúng tôi nếm thử món này lần đầu khi ánh chiều vừa tắt và những cơn gió biển bắt đầu thổi mạnh, bay cả cát trên làng chài Mũi Né, trong hơi ấm tỏa ra từ lò than cạnh chỗ ngồi dã chiến, của sự nhiệt tình của cô chủ quán. Và trước ánh mắt ngây thơ đang đau đáu chờ đợi của cô cháu gái khi ngồi nhìn ra đường, chờ đèn sáng để xua đi bong tối loang nhanh trên cả làng chài nhỏ bé ấy.
Chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng làm tất cả chúng tôi khi rời Phan Thiết nhớ đến nao lòng.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Thúy (TTO), internet
Được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước, trong lòng hệ thống núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là hàng trăm hang động lớn nhỏ, ẩn chứa những vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa.

Đối với các nhà khoa học, Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là "vương quốc hang động" với những giá trị về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học…

Còn với nhiều du khách, trong đó có tôi, Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hội tụ những vẻ đẹp của chốn bồng lai, mà chỉ cần một cái với tay, bạn sẽ dễ dàng chạm vào tiên cảnh...

Khi tham gia chuyến thám hiểu con sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha với chiều dài 1.500m, tôi cảm thấy mình đã may mắn hơn cô bạn Alice ở xứ sở diệu kỳ trong câu chuyện cổ tích ngày xưa rất nhiều. Nếu 500m đầu tiên trong lòng động lấp lánh ánh sáng kỳ ảo và vẫn lao xao những âm thanh của đời thường vọng vào, thì trên 1.000m tiếp theo, Phong Nha trở nên hoang sơ và kỳ vĩ, bóng tối và ánh sáng đan xen, tiếng mái chèo khua nước hòa trong tiếng đập cánh của đàn dơi, tiếng tí tách kiên nhẫn của những giọt nước chảy qua hàng trăm triệu năm... chào đón du khách.

Đoàn chúng tôi ngồi trên thuyền độc mộc (và cả thuyền kayak) chầm chậm trôi trên sông, nơi bóng tối trở nên nhạt nhòa bởi ánh sáng từ những chiếc đèn pin đội đầu và tiến sâu vào lòng núi. Lòng hang hẹp dần và trần hang như lùi lại tít trên cao.

Sông chảy dích dắc, những mái chèo khua nhẹ để du khách ngẩn ngơ trước nhiều lối rẽ bất ngờ. Với tay qua mạn thuyền, tôi gần như chạm vào những chùm thạch nhũ rủ xuống từ trần hang, những đàn dơi ràn rạt vỗ cánh, dạn dĩ bay qua như muốn chạm vào tóc, vào vai những người khách lạ đang thám hiểm xứ sở diệu kỳ...

Và không chỉ có thạch nhũ, sông sâu, đàn dơi và bóng tối, gió trong lòng động Phong Nha cũng hào phóng vô cùng. Lặng lẽ và bất ngờ, gió cứ miên man thổi qua đoạn eo thắt của dòng sông ngầm và đến giờ vẫn là điều bí ẩn khi ở nơi này bóng tối vẫn mặc tình bao phủ. Một chút rồi thôi, khi thuyền trôi qua nơi này, dòng sông lại trở lại nét tĩnh lặng vốn có. Thong dong uốn lượn, thắt mở bất ngờ, khi du khách đủ phân vân để tự hỏi mình rằng dòng sông sẽ tiếp tục đưa ta đến chốn nào, thì bất chợt dòng sông biến mất...

Nơi dòng sông ngầm biến mất giờ mở ra một không gian rộng lớn, nơi này được gọi là động Huyền Không. Tôi chưa hiểu hết nguồn gốc của tên gọi này, nhưng cảm giác vô ưu là có thật, khi tôi đứng ở đây, trên “viên cuội” khổng lồ có thể chứa được cả hàng trăm người và chạm tay vào những cô tiên xinh tươi hay ông Phật có nụ cười rất đỗi hiền từ.

Có người bảo tôi, rằng nếu trong lòng đang ấp ủ những điều ước, ngay bây giờ, bạn hãy gửi lời nguyện cầu của mình vào trong gió, trong nước, trong sự bí ẩn và quyến rũ của động Huyền Không, khi bạn chạm tay vào hình ông bụt. Và không riêng chỉ mình tôi, những người đồng hành dũng cảm, say mê khám phá dòng sông ngầm bí ẩn trong lòng động Phong Nha, cũng đang lặng lẽ gửi những điều ước của mình ở chốn Huyền Không...

Sau gần hai mươi năm đón khách, tour mạo hiểm khám phá chiều sâu bí ẩn 1.500m động Phong Nha đã mở ra một trang mới để du khách tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác từ quá trình kiến tạo địa chất khu vực núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Dòng sông ngầm sẽ đưa bạn đến nơi giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hư và thực, đón nhận những ngọn gió kỳ lạ như thổi đến từ thiên đường.

Bạn tôi, người đã có hàng ngàn lần dẫn du khách vào tham quan động Phong Nha, quen từng khúc quanh, ngả rẽ, nhưng lần đầu tiên chèo thuyền độc mộc tiến sâu vào động Phong Nha đã để lại trong lòng bạn những cảm xúc kỳ lạ...

Du lịch, GO! - Theo Tin Du Lịch, ảnh internet

Friday, 1 March 2013

Vũng Tàu là vùng đất vừa có rừng, vừa có biển, đặc sản vô cùng phong phú và đa dạng. Đến Vũng Tàu, bạn có thể thưởng thức một số món ăn độc đáo của người dân nơi đây như: bánh canh Long Hương, tiết canh tôm, bánh khọt...

Bánh canh Long Hương

Bánh canh ăn ngon mà nấu đơn giản, chỉ cần ninh chân giò và xương ống cho ngọt nước lèo rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Nước lèo trong veo nhưng có vị ngọt đậm đà của xương và thịt. Sợi bánh được làm bằng bột gạo pha bột lọc để có độ dài và bột màu trắng trong. Bánh canh ăn kèm với gia sống , rau cần và các loại rau thơm khác.

Bánh khọt

Món bánh khọt mang một hương vị riêng đậm chất hương vị dân dã. Màu trắng của bột gạo quyện với vị béo ngậy củ mỡ hành cộng với vị thơm ngọt của tôm trong món bánh khọt, thật sự làm hài lòng những thực khách.

Bánh hỏi An Nhất

Bánh hỏi được làm bằng một thứ gạo thơm và bí quyết là cách pha chế bột sao cho bánh dẻo, dai. Miếng bánh hỏi trắng thơm mùi gạo mới càng nhai càng thấy ngọt hậu, bánh hỏi cuốn với rau sống , thịt xào , chấm với nước mắm kèm ngó sen chua ngọt, cuốn hết cuốn này thêm cuốn khác tới no mà vẫn thấy thèm, hoặc ăn với thịt bò xiên bằng que nướng trên bếp than hồng , chấm mắm nêm cũng rất ngon.

Thịt nướng kiểu Nga

Rất nhiều quán thịt nường chế biến theo kiểu Nga, nguyên liệu là thịt heo, bò gà…dùng xiên nứớng trên bếp lửa than, thịt được tẩm gia vị theo truyền thồng kiểu nga, trong đó có những quán nổi tiếng như quán Việt Nga, Vườn Bàng ở 37/4 Nguyễn Thái Học.

Tiết canh tôm

Dùng dao nhọn đâm vào gáy tôm lúc còn sống để lấy tiết, tôm làm tiết canh phải là lọai tôm từ 700gr trở lên. Tiết canh tôm ăn là lạ, thịt tôm mềm lẫn với tiết tôm sừng sựt như rau câu, mằn mặn , ngòn ngọt, thực khách được xem đầu bếp biểu diễn màn đánh tiết canh tôm ngay tại bàn .

Mứt hạt bàng

Bàng ở Côn Đảo là loại cây rừng, lá và quả thật to. Người dân Côn Đảo “thu hoạch” quả bàng đem phơi cho dốt vỏ, rồi trong những lúc rỗi việc nhà, đem ra chẻ lấy hạt dùng làm mứt...

Đến Vũng Tàu - Côn Đảo, du khách thường được mời thưởng thức món đặc sản mứt hạt bàng. Có hai loại mứt hạt bàng: ngọt và mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối, đường ở đất liền. Cho một vài hạt vào miệng, vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng ở đầu lưỡi, du khách đều công nhận: lạ và ngon!

Tuy nhiên, vùng đất du lịch Vũng Tàu cũng là địa danh nổi tiếng về sự 'chặt chém' du khách của một số quán kinh doanh. Bạn hãy cẩn thận lưu ý trước để tránh nỗi bực mình không đáng có.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Nhung (Vietnamnet)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống