Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 7 March 2013

Nói đến Bắc Giang là nhắc tới những đồi vải ngút ngàn Lục Ngạn, những trái cam sành căng mọng Bố Hạ, rượu làng Vân lâng lâng lòng người… Và, thật thiếu sót cho những ai đã từng đặt chân qua đây mà không thử hương vị giòn tan trên đầu lưỡi, bùi bùi thơm ngọt trong miệng của chiếc bánh đa Kế.

Có rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam làm bánh đa nhưng bánh đa Kế luôn mang trong mình hương vị riêng. Bánh đa Kế có nhiều loại như bánh ngọt, mặn, rán… nhưng loại bánh được nhiều người yêu thích nhất là bánh nướng.

Để làm ra chiếc bánh, người dân trong làng Kế thức dậy lúc 3 giờ sáng, từ khâu chuẩn bị gạo đến công đoạn nướng đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu chủ yếu là gạo tẻ nhưng phải là gạo Q hoặc gạo di truyền (do năng suất thấp nên những năm gần đây người trong vùng không gieo trồng nữa). Gạo làm bánh phải là gạo đã để lâu cho hết nhựa, đem ngâm với nước tới khi hạt gạo căng mọng, no nước mới được. Trong quá trình ngâm phải cho thêm khoai lang thái nhỏ để tạo màu và cơm nguội để bánh nở, xốp…

Gạo được mang đi xay sao cho thật mịn không có chút gợn nào, sau đó là công đoạn tráng bánh làm sao cho bánh được tròn, đều, lúc lấy ra không bị rách. Bánh được tráng làm hai lần và cho thêm vừng để có vị béo, lạc có vị bùi. bánh tráng được phơi trên phên tre hoặc nứa khi đã đủ nắng đến mức độ nhất định của một mặt bánh thì cần phải trở bánh để đảm bảo đồng đều hai mặt. Sau đó, bánh được nướng, đây cũng là công đoạn cuối cùng để đến với người tiêu dùng. Bánh được nướng trên than hoa (than củi) nhiệt trong bếp phải giữ đều.

Đối với bánh đa Kế, một chiếc bánh đạt tiêu chuẩn bao gồm: bánh phải chín đều, mép bánh không được quá lửa và phải có độ cong. Vẫn là nguyên liệu công thức này, các làng bên cũng đã thử làm nhưng bánh đa Kế lại có sự khác biệt về hương vị, phải chăng đó là do sự khéo léo tài tình của người làng Kế.

Công việc tráng bánh thường được gói gọn đến 3 giờ chiều, thu nhập bình quân mỗi người 100 ngàn đồng/ngày. Đối với những ngày mưa mọi người phải đem bánh đi sấy, nếu trời mưa trong nhiều ngày thì công việc làm bánh chỉ có 10 ngày. Do thu nhập không ổn định, nhiều gia đình đã bỏ nghề hoặc kiếm thêm nghề phụ trong những lúc nông nhàn.

Chị Nguyễn Thị Đỗ xã Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang cho biết: Đã có lần định bỏ nghề đi chợ buôn bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng về sau do không quen và không nỡ từ bỏ cái nghiệp của ông cha nên chị lại quay về với nghề làm bánh đa. Tuy vất vả một chút nhưng chị cảm thấy thoải mái, thấy nghề làm bánh thân thiết hơn. Những năm gần đây, gia đình chị và nhiều hộ trong làng đã cùng nhau trồng thêm đào, tầm xuân, hoa… để phục vụ những ngày rằm và đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Làng Kế ẩn mình sau những lũy tre già, nép mình bên dòng sông Thương hiền hòa, vẫn còn đây cây đa, mái đình, bến nước… Nhờ sự đoàn kết và phát huy truyền thống làng nghề, trong cuộc thi bình chọn sản phẩm tiêu biểu, do Sở Công thương tỉnh Bắc Giang tổ chức năm 2012 tại Bắc Ninh cùng với 26 tỉnh phía Bắc và 6 tỉnh phía Nam, bánh đa Kế đã được bình chọn và vinh danh nhận cúp.

Xã Dĩnh Kế có 11 thôn nhưng nghề làm bánh đa tập trung chủ yếu ở 5 thôn, nhiều nhất là thôn sau, kế đó thôn chợ, thôn phố, thôn chùa và thôn tiêu với 58 hộ.

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phunuonline), ảnh internet
Sự hấp dẫn của bảo tàng là những đồ vật phong phú về chủng loại nói lên sự thông thái, say mê nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của Alexandre Yersin.

Ngược dòng lịch sử, tháng 7 năm 1891, chàng thanh niên người Pháp 28 tuổi Alexandre Yersin, đặt bước chân đầu tiên của mình lên bờ biển Nha Trang. Năm 1894, sau khi tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch tại Hồng Kông, A. Yersin trở lại Việt Nam và quyết định ở lại đây mãi mãi. Chỉ với vài con ngựa nuôi thí nghiệm ông là người đầu tiên chế tạo ra huyết thanh đặc hiệu chống lại căn bệnh nguy hiểm này, để từ đó năm 1895 đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu năm 1896, với mục đích nghiên cứu điều chế các loại vacxin và huyết thanh cho người và gia súc.

< Bảo tàng A. Yersin.

Nằm trong khuôn viên Viện Pasteur, số 4 Trần Phú, Bảo tàng A. Yersin tọa lạc trên tầng hai ngôi nhà phía bên tay phải của Viện Pasteur, có diện tích khoảng 100m², trong đó trưng bày một phần rất nhỏ đồ vật còn sót lại mà nhà bác học đã từng sử dụng, gần cả ngàn cuốn sách từ truyện “Nghìn lẻ một đêm” đến những tác phẩm văn học cổ điển của các tác giả nổi tiếng trên thế giới, được đóng gáy bìa cẩn thận, những bức thư viết tay của ông, những đồ vật của một con người thông kim bác cổ, một nhà bác học thông thái tất cả mọi lĩnh vực: y khoa, thiên văn, địa lý, kỹ thuật, nghệ thuật...

< Kính thiên văn trong bảo tàng.

Sự hấp dẫn của bảo tàng là những đồ vật phong phú về chủng loại nói lên sự thông thái, say mê nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của chủ nhân. Từ những chiếc đồng hồ Leroy cổ xưa, ảnh chụp gia đình bác sĩ A. Yerin, các tư liệu bài báo, bút tích những bức thư, ăng ten phát tín hiệu morse, quả địa cầu, các dụng cụ đo điện, khoảng 500 tấm ảnh vừa trên giấy, vừa trên kính, các dụng cụ thí nghiệm... Và đặc biệt là chiếc kính thiên văn thật to ở góc trái căn phòng... Tất cả những đồ vật đó đã phần nào cho biết những hoạt động của ông khi sinh thời.

Đến Bảo tàng Yersin, ngoài việc nhìn ngắm những đồ vật đã từng gắn bó với người đã cống hiến đời mình cho khoa học mà còn để ngưỡng mộ cuộc sống của một con người vĩ đại mà đơn giản: vĩ đại về kiến thức nhưng đơn giản trong cuộc sống. Nhìn ngắm lại mô hình ngôi nhà cũ của ông, một ngôi nhà 3 tầng, 4 mặt đều có cửa, ta thấy được sự gần gũi của ông với cuộc sống người Việt Nam. Một ngôi nhà mà qua lời kể lại, ở đó ông đã cứu sống biết bao con người (Xóm Cồn) qua những cơn bão được ông đoán biết trước.

< Đồng hồ Leroy cổ xưa.

Chính giữa bảo tàng là mô hình căn phòng ngày xưa ông đã sống, chiếc giường, tủ sách, tủ gương đựng quần áo, ghế mây, những đồ vật rất đời thường nói lên một cuộc sống khiêm tốn và giản dị. Trên chiếc bàn làm việc có một máy tính được sản xuất vào năm 1920. Nhìn những đồ vật trong căn phòng này người ta có thể phần nào tái hiện lại cuộc sống của một nhà bác học tại thời điểm đó với nhiều thích thú: những đồ vật rất hiện đại thời đó và để có một so sánh với bây giờ....

Những tấm hình trên kính nhìn qua một máy chiếu, có thể thấy lại những hoạt động của ông, từ ngôi nhà thật đến công việc chuyên môn của người bác sĩ, cuộc sống đời thường gắn bó với người dân Xóm Cồn, hình ảnh người Việt Nam thời ấy, cảnh vật, cây cỏ, chim muông, những giò phong lan thật đẹp, lạ.

< Mô hình tàu buồm.

Trước khi rời bào tàng, lật lại cuốn sổ vàng lưu niệm, trong đó có bút tích của du khách từ nhiều nước trên thế giới đã đến đây và ghi lại, với tâm tình rất chân thật xuất phát từ lòng yêu quý ông, sự ngưỡng mộ thật sự. Nhìn ngắm lại một lần nữa khuôn viên Viện Pasteur, có những cây Tra cổ thụ do chính Bác sĩ A. Yersin đem giống từ Pháp qua trồng, bức tượng xi măng màu đen được tạc vào năm 1972, nhìn xa xa khỏi khuôn viên Viện, bên kia đường là biển với những con sóng êm ả vào mùa hè, gầm thét trong mùa giông bão, những con sóng đã từng chứng kiến có một người bác sĩ hàng ngày ra vô nơi này để làm việc, nghiên cứu. Biển cũng khiến người ta nhớ lại một thời Nha Trang đã có những con sóng thần rất lớn, và trong những mùa giông bão ấy bác sĩ A. Yersin đã gần gũi với dân Xóm Cồn biết bao.

< Du khách thắp nhang tại bàn thờ A. Yersin.

Cũng còn thiếu sót nếu đã đến thăm nơi lưu giữ đồ vật của bác sĩ A. Yersin mà không đến thăm ngôi mộ của ông ở Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 km về phía Nam, nằm trên Quốc Lộ 1A. Đó là một khu vực đầy cây xanh, còn là nơi nuôi ngựa để làm vắcxin của Viện Pasteur. Con đường dẫn đến mộ ông có hàng cây bạch đàn hai bên, những cây cổ thụ lớn với dây leo chằng chịt. Khí hậu nơi này quanh năm mát mẻ, gợi tưởng con đường đi đến cao nguyên Lâm Viên - Di Linh mà ông đã tìm ra cách đây hơn một thế kỷ.


< Viếng mộ A. Yersin.

Nằm trên một ngọn đồi nhỏ, yên tĩnh, chỉ có tiếng gió thổi xào xạc, ngôi mộ A. Yersin thật nhỏ nhoi và khiêm tốn như cuộc đời của ông. Cạnh mộ có một miếu thờ, bên trong có bức hình của ông với bát nhang, bình hoa, tất cả tượng trưng một điều: ông đã sống, cống hiến, gắn bó với người Việt Nam và chọn nơi này làm quê hương cho đến cuối đời. Đứng trên đồi nhìn xuống xa xa là núi, bên dưới là những cánh đồng mía, cảnh vật yên tĩnh, chỉ có tiếng chim, cây lá cựa mình… Nơi đây yên nghỉ một con người vĩ đại với những thành quả to lớn để lại cho hậu thế, ngôi mộ thật nhỏ bé, cho chúng ta ngày hôm nay đến để tưởng nhớ, thắp cho ông một nén nhang.

Tấm lòng của A. Yersin đối với Nha Trang được thể hiện qua đoạn trích trong bức thư ông viết năm 1896 từ Nha Trang cho người bạn là E.Roux: “Hãy đến đây với tôi,ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”.

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phunuonline)

Wednesday, 6 March 2013

Lang Biang là đỉnh núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên với 2.167 m so với mực nước biển, thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cách TP.Đà Lạt khoảng 12 km. Lang Biang là tên ghép từ câu chuyện tình của chàng K’Lang và nàng H'Biang.

Chuyện tình bi thương

Truyền thuyết kể lại rằng, chàng K’Lang (thuộc bộ tộc Lát), còn nàng H'Biang (thuộc bộ tộc Cil). Trong một lần lên rừng hái quả và săn bắt, K’Lang và H'Biang tình cờ gặp nhau. Khi H'Biang gặp nạn thì K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ nên hai người cảm mến và yêu nhau. Nhưng do lời nguyền giữa 2 bộ tộc nên H'Biang không thể “bắt” K’Lang làm chồng.

Dù vậy, hai người vẫn quyết tâm vượt qua mọi tục lệ khắt khe để đến với nhau. Khi họ trở thành vợ chồng bị gia đình xua đuổi nên phải đưa nhau lên một đỉnh đồi thâm u kiếm kế sinh nhai.

Khi H'Biang bị bệnh, K’Lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Thật oái oăm, H'Biang bị chết do nàng che đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K’Lang. Đau buồn khôn xiết, K’Lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn chảy thành suối lớn, ngày nay gọi là Đạ Nhim (suối khóc). Tiếp đó K’Lang cũng chết. Sau cái chết của hai người, cha của H’Biang rất ân hận, đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó, các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Lang Biang được chọn làm biểu tượng của thành phố Đà Lạt.

Chinh phục đỉnh cao

Được sự hướng dẫn của Liêng Hot Ha Sien, chặng đầu tiên chúng tôi chinh phục đồi trọc “Yên Ngựa”. Khi cách đỉnh 650 m, thử thách đến với chúng tôi khi đường lên đỉnh dốc đứng kiểu “chân người này đạp đầu người kia”. Ha Sien cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), đoạn đường này được làm bậc cấp dễ đi hơn trước nhiều rồi”. Sau 1 giờ 45 phút, toàn đoàn chúng tôi đặt chân lên “nóc nhà Đà Lạt” cao 2.167 m, diện tích đỉnh núi chỉ khoảng 50 m2. Mọi người thay nhau đứng chụp hình bên cột mốc đỉnh cao và toàn cảnh Đà Lạt.

Với những du khách không đủ can đảm chinh phục đỉnh cao 2.167 m, thì từ trạm kiểm lâm rẽ trái theo đường nhựa để lên đỉnh “ra đa” cao 1.950 mét (nơi trước đây quân đội Mỹ đặt đài ra đa quan sát). Tại đây có biểu tượng chàng K’Lang và nàng H’Biang, dịch vụ ăn uống, chụp hình; nhìn ống nhòm về TP.Đà Lạt, khu bán hàng thổ cẩm…

Nếu lười đi bộ, ở chân núi có dịch vụ xe Jeep đưa khách lên đỉnh với giá 240.000 đồng/chuyến (khứ hồi) để vượt qua những con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo khá thú vị. Bên một triền đồi gần chân núi có “Thung lũng 100 năm” được thiết kế như một khu du lịch sinh thái, giải trí.

Khách có thể lưu lại đêm trong những ngôi nhà sàn; thưởng thức chương trình giao lưu cồng chiêng, đốt lửa trại, uống rượu cần với đồng bào dân tộc, tìm hiểu về văn hóa, tập tục của người K’Ho.

Lang Biang là khu du lịch dã ngoại, phiêu lưu mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, văn hóa người bản địa rất thú vị.

Leo đỉnh Lang Biang
Leo núi LangBiang
Du thám LangBiang
Đỉnh Langbiang huyền thoại
Lên nóc nhà Đà Lạt

Du lịch, GO! - Theo Lâm Viên (báo Thanh Niên), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống