Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 9 March 2013

Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nằm cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 10 km, về phía Đông và cách Thị trấn Mường Xén chừng 10 km về phía Tây. Nép mình bên Quốc lộ 7A và nằm lưng chừng giữa đại ngàn Trường Sơn, Noọng Dẻ để lại ấn tượng cho những ai từng có dịp qua đây bởi những nếp nhà sàn thấp thoáng sườn non, và sắc màu thổ cẩm...

Bản là nơi quy tụ của 113 gia đình dân tộc Thái. Bao đời nay, người dân Noọng Dẻ sống dựa vào núi rừng, chủ yếu bằng nghề phát nương làm rẫy. Chị em phụ nữ còn có thêm nghề dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Thái.

Nghề dệt thổ cẩm có lúc tưởng chừng như đứng trước nguy cơ mai một bởi sự xâm chiếm thị phần của các sản phẩm dệt công nghiệp, nhưng người dân Noọng Dẻ quyết tâm giữ lấy nghề tổ tiên để lại, lớp trước truyền nghề cho lớp sau, không ai nỡ vứt bỏ khung cửi khỏi hiên nhà. Mấy năm gần đây, một số mặt hàng dệt thổ cẩm có xu hướng trở lại khẳng định vị trí của mình, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ miền núi, vùng cao.

Nhờ đó, sản phẩm của chị em phụ nữ Noọng Dẻ có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu của mình. Chị em lập thành Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và bầu chị Lương Thị Văn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản làm Chủ nhiệm. Tính đến nay, cả bản đã có khoảng 100 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đem về một nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Năm 2011 vừa qua, người dân Noọng Dẻ hết sức vui mừng và phấn khởi khi được đón nhận danh hiệu Làng nghề Dệt thổ cẩm.

Sản phẩm dệt thổ cẩm (váy, áo, khăn piêu, túi, ví, thắt lưng) của chị em phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu... Tay nghề của các chị ngày càng được nâng cao, có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để thuê chị em dệt. Nhưng điều còn băn khoăn đối với nghề dệt thổ cẩm ở Noọng Dẻ là thị trường tiêu thụ còn khá hạn hẹp, mới chỉ dừng lại trong địa bàn huyện Kỳ Sơn và một vài huyện lân cận, một số ít bán cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, tuy đã được công nhận làng nghề nhưng bản Noọng Dẻ vẫn chưa có xưởng sản xuất tập trung và trưng bày sản phẩm. Trong khi đó, bản lại cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn không xa, lại nằm cạnh tuyến đường chiến lược về giao lưu kinh tế và phát triển du lịch, dịch vụ; không ít khách du lịch qua đây muốn dừng lại để chọn mua một số sản phẩm làm quà lưu niệm và dành tặng người thân, bạn bè nhưng không có gian hàng trưng bày nên đành phải đi qua.

Chị Lương Thị Văn, Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Noọng Dẻ chia sẻ: "Nếu được các ban ngành cấp trên hỗ trợ mở xưởng dệt và trưng bày sản phẩm ở ngay tại bản và gần Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thì việc tiêu thụ sẽ được dễ dàng hơn, đầu ra ngày càng ổn định và chị em sẽ sống được với nghề. Từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".

Du lịch, GO! - Theo Dulichvn, internet
mỗi miền quê Việt, mỗi món bánh cổ truyền thường có nhiều tên gọi và cách làm khác nhau. Đối với người Tày, bánh trôi gọi là coóng phù, không chỉ có hương thơm của gạo, vị ngọt của mật mía, vị bùi của lạc, mà còn có chút cay nồng của gừng.

< Coóng phù của người Tày.

Bánh trôi, món bánh thân quen của người Việt, thường được dùng nhiều nhất trong dịp tết Thanh minh (mùng 3.3 âm lịch). Ở khắp mọi nơi, con cháu các gia đình đều làm mâm cơm, thành tâm dâng cúng tổ tiên, trong đó không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay.

Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, bánh trôi thường làm từ bột gạo, chủ yếu là gạo nếp, có pha chút tẻ thơm. Sau khi ngâm gạo xong, xay bột lẫn nước, để ráo rồi nặn bột, vê tròn, trong bọc viên mật thái hạt lựu, thả vào xoong nước đang sôi. Đun chừng 5 phút, khi bánh được ba phần chìm, bảy phần nổi là vớt ra, ngâm qua trong nước nguội, đơm đĩa. Để khỏi dính đĩa, dưới đáy thường có lót lá chuối, ở giữa là bánh trôi, bên trên có thể rắc thêm vài hạt vừng.

Món bánh trôi của người Tày lại có cách làm cầu kỳ hơn, hương vị cũng rất đặc trưng với dư địa của vùng núi và thường được dùng nhiều trong tiết trời còn se lạnh của mùa Đông.

Thoạt nhìn, bánh coóng phù của người Tày không khác nhiều so với bánh trôi của vùng đồng bằng. Nguyên liệu chế biến cũng tương tự, cũng là gạo nếp, xay bột lẫn nước, cho vào bọc vải, để róc nước. Sau đó nặn bột, vo viên tròn, rồi thả vào nước sôi…

Nhưng khác với bánh trôi là nhân bánh coóng phù khi thì được làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với nước đường đỏ; có khi lại làm bằng đỗ xanh đã đồ chín, trộn lẫn với đường kính.
Nước đun bánh cũng phải là nước đường, đun sôi, đợi sủi tăm rồi mới thả bánh vào. Khi thả những viên bánh coóng phù vào nồi, động tác phải thật nhẹ nhàng, thuần thục, không được để bánh vỡ. Đợi khi những chiếc bánh nổi lập lờ mới từ từ vớt ra, thả vào bát, chan với nước đường đang nóng hổi.

Theo kinh nghiệm làm bánh coóng phù của người Tày, để có hương vị đặc trưng thì nước chan bánh phải được làm từ mật mía, pha sao cho vừa có đủ độ ngọt, vừa có độ sánh và chỉ nên thêm vài lát gừng đã giã dập.

Nếu trong tiết trời se lạnh, được thưởng thức món coóng phù nóng hổi, đượm chất ngọt của mật mía, vị bùi của lạc, nồng cay gừng và mùi thơm của gạo, hẳn sẽ khiến bạn phải nao lòng khi rời xa nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo Huyền Phương (Dân Việt), internet

Friday, 8 March 2013

Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai này họp mỗi năm một lần vào ngày 27-3 âm lịch, trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chợ tình Khau Vai có từ cách đây gần trăm năm, bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khau Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên...

Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khau Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…

Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày một trầm trọng.

Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch).

Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi - nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau.

Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách.

Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời (thực tế tại chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27-3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 và kết thúc vào chiều tối ngày 27).

Câu chuyện xưa có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất này, và thu hút biết bao du khách gần xa về thăm.

Khau Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ.

Chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên và đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ chợ tình Khau Vai.

Đến Hà Giang trong những ngày tháng 3 âm lịch không thể không nhắc đến chợ tình Khau Vai. Với những giá trị tự thân của nó, chợ tình Khau Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách trong những ngày đầu xuân. Trong dịp này, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca, những câu hát đối, hát phướn của các chàng trai, cô gái người Tày, người Nùng, nghe tiếng sáo tỏ tình của các chàng trai người Dao, thưởng thức tiếng khèn thiết tha của các chàng trai người Mông gọi bạn, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thiếu nữ vùng cao đang trong độ tuổi trăng rằm, xúng xính với những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu.

Chợ tình Khau Vai cho đến hôm nay tuy đã có gì đó thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng, mang đậm các giá trị văn hóa nhân văn.

Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xửa, ngày xưa…

Du lịch, GO! - Theo Cổng thông tin Điện tử tỉnh Hà Giang, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống