Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 12 March 2013

Từ xưa, Tân Châu đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa. Đây cũng chính là nơi sáng tạo nên loại lụa Mỹ A nổi tiếng một thời.

Theo những người lớn tuổi kể lại thì ngày xưa, chị em phụ nữ mà có được một bộ quần áo may bằng lãnh Mỹ A thì thật là sang trọng. Bộ quần áo ấy chỉ dành để mặc vào những ngày lễ, tết. So với lãnh Mỹ A, vải "xá xị Xiêm" - một loại lụa Thái Lan nổi tiếng thời đó - cũng không sánh bằng.

Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.

Câu ca truyền miệng từ xưa quanh các bến đò ngang ở đất Tân Châu này chắc hẳn nhiều người còn nhớ. Đó không chỉ là lời tán tỉnh cô gái đẹp của anh lái đò, mà câu ca còn hàm ý kết luận rằng "người đẹp nhờ lụa"... Mà phải là lụa Tân Châu mới càng làm tôn thêm nét duyên dáng, đến nỗi chàng lái đò cảm thấy dòng sông như ngắn lại khi có cô gái mặc lãnh Mỹ A ngồi cạnh.

Khi nghiên cứu về làng nghề của quê hương, nhà văn Mai Văn Tạo mới biết rằng, có một thời, lụa Tân Châu từng có mặt ở Singapor, Philippin và cả quốc gia nổi tiếng về nghề dệt vải là Ấn Độ, bởi nó được giới thượng lưu và hoàng tộc thời đó rất yêu thích.

Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Quay tơ phải giữ mối tơ
Dẫu năm bảy mối cũng chờ mối anh...

Khung cảnh thanh bình trong bài thơ trên là hình ảnh thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu. Thời đó, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ.

Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp. Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm v.v...

Độc đáo nhất có lẽ là kỹ thuật nhuộm lụa từ trái mặc nưa, một kỹ thuật làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả, quần áo mặc đến rách mà vải vẫn không bị xuống màu. Đây chính là phát kiến của người làng nghề xưa, nền tảng khiến cho lụa Tân Châu nổi tiếng một thời. Nhưng cho đến bây giờ, không ai biết chính xác người nào đã tìm ra cách nhuộm này. Chỉ biết rằng hồi đó, mỗi năm, người làng nghề phải qua Campuchia mua hàng trăm tấn trái mặc nưa mới đủ dùng. Sau này, người Việt trồng thử, thấy được nên trồng nhiều đến ngày nay.

Theo tư liệu thì trước năm 1945, ở Tân Châu đã có "nhà tằm" lớn của tư nhân, thu hút nhiều thợ ươm tơ, thợ dệt, thợ nhuộm vào làm. Rồi từ "nhà tằm" này, những người thợ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tay nghề cho nhau. Đến thập niên 1960 thì ở Tân Châu đã có hàng trăm nhà dệt quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhiều nhà dệt tiếng tăm còn mãi đến bây giờ như Đỗ Phước Hòa, Trần Văn Tôn, Trịnh Thế Nhân, Trần Văn Nho v.v... Một số con cháu của họ vẫn còn nối nghiệp gia đình đến ngày nay.

Lụa Tân Châu nổi tiếng nhờ dệt bằng tơ tằm. Để có những cuộn tơ vàng óng ả, người Tân Châu đã phải trải qua những tháng ngày trồng dâu nuôi tằm vất vả quanh năm. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 hecta, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia, mới đủ cung cấp cho tằm ăn.

Nghề nào cũng vất vả, cũng phải chịu gian nan, khổ cực mới gặt hái được thành công. Với người Tân Châu, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng khá vất vả. Từng có câu tục ngữ : "Làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng". Tằm phải được chăm sóc suốt ngày đêm, nhất là trong giai đoạn đưa tằm lên bủa giăng tơ. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn vui nhất của làng nghề, cũng giống như ngày nông dân ra đồng thu hoạch vụ mùa.

Sau những bước thăng trầm, làng nghề tơ lụa Tân Châu nay lại được vực dậy, con tằm lại tiếp tục nhả tơ. Ruộng dâu, vườn mặc nưa sống lại. Không những vậy, làng nghề phải nhập thêm kén ươm từ Bảo Lộc, Lâm Đồng về mới đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các mặt hàng vải vóc hiện đại và đa dạng ngày nay, tơ lụa Tân Châu tỏ ra là một loại hàng khiêm tốn. Nó kén chọn người tiêu dùng, hoặc chủ yếu đáp ứng cho các trào lưu.

Đối với các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp thì lụa Tân Châu là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của người Việt nếu chúng ta biết sử dụng chính lụa Việt Nam để tô đẹp thêm nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung đã chọn tơ lụa Tân Châu làm chất liệu chính trong nhiều chương trình giới thiệu thời trang và anh đã thành công ngoài sự mong đợi. Chính sự mềm mại và hoa văn phong phú, độc đáo của lụa Tân Châu đã gợi nên những ý tưởng sáng tạo trong anh. Những mẫu thiết kế bằng chất liệu lụa Tân Châu của anh đã được giới thiệu trong đợt Liên hoan Du lịch ĐBSCL tại An Giang.

Ngày nay, lụa Tân Châu đang từng bước tìm lại sức sống xưa của mình. So với thập niên 50 - 60 thì sản lượng còn kém xa, nhưng chất lượng tơ lụa thì đã ngang tầm với những quốc gia có ngành tơ lụa phát triển.

Những sản phẩm bền và đẹp như hiện nay là kết quả của cả một quá trình người làng nghề không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và luôn tìm ý tưởng sáng tạo nên những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Du lịch, GO! - Theo Sở Văn hóa Thông tin - Du lịch An Giang, ảnh internet
Hải Phòng là quê hương của danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và là nơi có khu di tích Ðền Trạng nổi tiếng tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

< Tượng danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ðây hiện là một trong những điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông du khách trong chương trình du khảo đồng quê của ngành du lịch thành phố.

Ðền Trạng được xây dựng từ khoảng năm 1586, sau đó đã được trùng tu qua các đời và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1991.

Cuối năm 2000, kỷ niệm 415 năm Ngày mất của Trạng Trình, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch nâng cấp quần thể di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm với các hạng mục công trình: Quán Trung Tân, mộ phần cụ Nguyễn Văn Ðịnh (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), khu vực tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm, chùa Song Mai, nơi phu nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tu hành.

Ðường đi được làm lại, khuôn viên, vườn cây lưu niệm được quy hoạch với cảnh quan đẹp và khang trang. Việc quy hoạch, trùng tu, xây dựng khu di tích Ðền Trạng thể hiện cao nhất tính lịch sử, giá trị văn hóa, đồng thời nắm bắt được những nhu cầu hàng đầu của du khách khi về thăm Ðền Trạng.

Chương trình du lịch đồng quê Hải Phòng đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù với điểm nhấn hấp dẫn là khu di tích Ðền Trạng, thờ Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), vị Trạng nguyên lỗi lạc, một danh nhân văn hóa lớn của đất nước.

Không chỉ được biết đến là một nhà thơ, nhà triết học, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là ông Trạng của dân gian qua 300 câu sấm Trạng lưu truyền đời này sang đời khác. Không sa vào mê tín, thần bí, nhưng việc khôi phục sự hấp dẫn về văn hóa tâm linh, cắt nghĩa một cách có cơ sở triết học, suy tôn một danh nhân văn hóa dân tộc là cần thiết để hướng dẫn du khách khi đến nơi đây thành kính thắp nén hương tưởng nhớ, tìm hiểu và nghe bình sấm Trạng, lôi cuốn du khách với mục đích hướng thiện.

Thăm khu di tích, nghe về thơ văn, thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, du khách còn được thưởng thức cả hương vị ẩm thực của quê hương Trạng. Người dân Vĩnh Bảo khéo tay, hay làm, chế biến nhiều món ăn đồ uống địa phương đa dạng, sẽ làm hài lòng du khách.

Khu di tích Ðền Trạng được giữ gìn, trùng tu, xây dựng và khai thác trong phát triển du lịch, đã và đang là trọng tâm của tuyến du lịch du khảo đồng quê Hải Phòng với các điểm du lịch phụ cận phong phú như xem rối cạn Bảo Hà, rối nước Nhân Hòa, thăm Ðình Nhân Mục, làng nghề tạc tượng Ðồng Minh ở Vĩnh Bảo và kéo dài tuyến ra Núi voi Kiến An, Ðồ Sơn, Cát Bà, làm nên nét đặc sắc không đâu có ngoài Hải Phòng.

Ngoài ra rượu Trạng Trình, cơm niêu, mái rạ, đàn bầu quê Trạng cùng những lời thơ, bia ký, Sấm truyền của Trạng và mở rộng hơn là những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng nông thôn duyên hải đang theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước, đến với bầu bạn năm châu, làm rạng danh quê hương, con người đất Trạng, góp phần phát triển du lịch Hải Phòng.

Du lịch, GO! - Theo Haiphonginfo, ảnh internet
Sông Ròn chảy qua các xã vùng bắc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình mang lại bao nhiêu là của ngon vật lạ, trong đó có con sò huyết.

1. Người dân vùng Ròn tin rằng, trời đã ban cho vùng đất này một thế núi hình sông tuyệt đẹp, họ hay dùng cụm từ sông Loan núi Phượng để tự hào về quê hương mình. Núi Phượng nằm trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ đâm ra biển, án ngữ trên hành trình thiên lý Bắc Nam.
Dương Văn An đã miêu tả: “Núi Hoành Sơn ở Châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu, tiếp giáp với Nghệ An. Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận (cứ 8 thước là 1 nhận) nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”.

Tuy nhiên, ít ai biết ngọn nguồn con sò huyết ở sông Ròn. Trong Ô châu cận lục không thấy nhắc đến sò huyết, chỉ nói vùng cửa biển Di Luân có nhiều ngao, cua, cá, mắm muối, tôm hùm. Cho đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì sò huyết mới xuất hiện. Sách có đoạn: “Cửa biển châu Bắc Bố chính xưa không có sò. Từ thời Hiền quận công Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ, sai ba chiếc thuyền ra Quảng Yên, giáp với Khâm Châu lấy về bỏ ở cửa biển Di Luân (cửa Ròn), đến nay xứ ấy mới có sò”.

Dù lý do thế nào thì sò huyết sông Ròn cũng quá nổi danh, là của quý đối với người vùng Ròn. Trên một trang cá nhân, Trần Lý Minh viết: “Ngày trước, chúng tôi đi mò cua, cá đụng phải sò thì bắt luôn. Theo quy định của hội mò sò, mỗi thợ mò dành ra năm con sò đầu tiên bắt được, góp lại vào một cái giỏ, để riêng ra ngâm vào nước. Lúc tan cuộc mò thì những con sò đầu tiên đã nhả sạch bùn. Vớt sò lên, cả hội cùng nhau trèo lên một cái chòi cất rớ tàu, chuẩn bị chế biến cho bữa tiệc sò tươi sống. Thợ mò dùng dao nhỏ tách đôi sò ra cho thật khéo, không để huyết sò chảy ra. Xong, vắt chanh vào thịt sò được nhuộm đỏ tươi màu huyết, đợi vài phút cho thịt chín hẳn mới ăn. Khỏi phải nói, món sò sống vắt chanh rất ngọt.”.

2. Cất công đi tìm hiểu vùng Ròn, tôi mới biết có nhiều chuyện lạ về con người như đất vậy. Ở xã Quảng Tùng, ngay bên mép sông có một cựu chiến binh tuổi ngoài 50, giọng nói sang sảng, tay chân phốp pháp khỏe mạnh. Ở vùng này và nhiều nơi khác ai chả biết đến ông; bước chân ông cũng đã đến gần như khắp năm châu bốn bể. Ông rất tâm huyết với con sò huyết sông Ròn, là người duy nhất nuôi sò huyết với thâm niên mười mấy năm. Có thời điểm, một tuần ông phải đi máy bay 3 chuyến vào miền Nam mua giống về nuôi.

Lúc chưa có sân bay Đồng Hới, ông đón xe đò vào Huế, lên máy bay đi TP.HCM, sau đó tiếp tục đón xe đò về Rạch Giá, Kiên Giang mua sò. Mỗi chuyến ông mua đến 4 tạ giống với giá 3 triệu đồng/kg. Về nuôi khoảng 6 tháng thì xuất bán. Ông bảo, nếu nuôi được 1 năm thì nó sống đến 1 tháng dù đưa đi bất cứ đâu, trong khi sò các nơi khác chỉ sống được khoảng 10 ngày là chết. Sò sông Ròn tròn đẹp, dù con giống có thể méo nhưng sau quá trình sinh trưởng lại tròn và huyết đầy. Ông là Phạm Ngọc Xuân, người ta hay gọi “Xuân sò”. Nhờ nuôi sò mà ông được UBND huyện, Hội Nông dân huyện tặng bằng khen.

Nhiều người lý giải, sò huyết sông Ròn ngon là do hình sông thế núi tạo ra nơi gặp gỡ diệu kỳ giữa 2 con nước mặn và ngọt. Vùng đất này xưa kia cũng là nơi thương thuyền nghỉ ngơi, quân lính đồn trú. Chính vì thế, mỗi lần vua quan đi qua dừng chân đều được dân địa phương dâng sò huyết thưởng thức.

Ông Xuân bảo, dịp tết Nguyên đán tiêu thụ sò nhiều nhất, cứ khoảng 25 đến 29 tết bán đến hơn 10 tạ. Theo lời truyền tụng, ngoài ngon bổ dưỡng, sò còn mang lại may mắn, “đỏ” cả năm cho người ăn khai xuân. Đặc biệt, đấng mày râu còn rỉ tai nhau sò là “Viagra tự nhiên”.

3. Ăn, với người Quảng Trạch cũng chẳng giống nơi nào. Đó là món sò huyết mù tạt, ông Xuân bảo đi khắp nơi từ bắc chí nam cũng chưa thấy nơi nào chế biến kiểu như ở quê ông. Sò huyết đắt, thường được gom bán cho nhà hàng nên muốn ăn phải tìm đến quán.

Hỏi quán mệ Mận ở thị trấn Ba Đồn thì nhiều người biết mặc dù quán chẳng ra quán, cũng không hề có bảng biển. Chủ quán là vợ chồng ông bà Ngự-Mận. Hai ông bà tỉ mẩn cắt từng loại phụ gia sẵn sàng, khách muốn ăn nhanh thì điện thoại báo giờ trước cho ông bà chuẩn bị. Khách đến, trong khi bà Mận trụng sò qua nước sôi và ngồi tách sò ra chén thì ông Ngự đổ mù tạt ra chén đầy xì dầu rồi đánh cho tan đều. Sò chần qua nước sôi với bí quyết và bàn tay khéo léo của bà Mận nên không quá chín, thịt và huyết còn tươi. Ai chưa quen, ông Ngự ngồi hướng dẫn cách ăn luôn, vừa làm ông vừa đọc mấy câu thơ: Sò huyết cháo lươn quán không tên/Quán không bàn ghế chiếu trải nền/Quý khách gần xa thăm ghé quán/Dẫu một đôi lần quán chẳng quên.

Hành, ngò, rau quế, giá đỗ sống, nộm chua, tỏi sát mỏng, gừng cắt nhỏ, đậu lạc, dứa thơm, bắp chuối tươi mỗi thứ một ít cho vào chén rồi lấy thìa múc 1 con sò cả huyết bỏ lên, sau đó múc nước mù tạt rải, nặn thêm ít giọt chanh tươi nữa và trộn đều.

Tiếp theo, dĩ nhiên cho vào miệng nhai thưởng vị. Thịt sò mát, béo lịm quyện với vị chua chua của nộm đu đủ, cay của gừng, chát của bắp chuối, vị nồng của mù tạt ngào ngạt trong vòm miệng. Nhai vừa đủ mù tạt xông lên mũi thì nuốt ực. Làm thêm ngụm rượu men riềng pha bột sắn dây của xứ Quảng Châu vào, lúc này mồ hôi cũng vừa toát ra khiến tâm hồn lâng lâng khó tả.

Du lịch, GO! - Theo Trương Quang Nam (báo Thanh Niên), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống