Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 13 March 2013

Tại P.Tân Phong (một phần Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) có một phố nhỏ, tập trung cư dân của 50 quốc gia thuộc 5 châu lục tới định cư và sinh sống. Người ta gọi đây là khu phố "đa quốc gia".

< Một nhà hàng bán món ăn Hàn Quốc lại khu phố "đa quốc gia".

Vì nhiều lý do khác nhau, đã có nhiều người đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippine, Ả Rập, Iran,… (châu Á); Anh, Pháp, Nga, Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Bungari, Hà Lan, Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… (châu Âu); Mỹ, Canada, Brazil… (châu Mỹ); New Zealand, Úc… (châu Úc) và một số người đến từ châu Phi tập trung sinh sống tại KP3, 4 của P.Tân Phong.


< Một nhà hàng món Thái.

Đây là một cộng đồng dân cư đa quốc gia, đa ngôn ngữ, với nền văn hóa phong phú đa dạng. Ấn tượng đầu tiên của những người mới đến khu phố "đa quốc gia" này là hệ thống nhà hàng tên nước ngoài chằng chịt. Như nhà hàng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; siêu thị, phòng khám đa khoa của Hàn Quốc; dịch vụ spa của Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng có vài nhà hàng Việt nằm lọt thỏm giữa cơ man nhà hàng ngoại.

Hầu hết cư dân người nước ngoài sinh sống tại đây đều có tác phong công nghiệp rất cao. Cứ mỗi sáng sớm, họ vội vã rời nhà, lên xe đưa đón đến nơi làm việc đóng tại các quận ngoại thành TP.HCM, hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Con cái của họ cũng được xe đưa đón tới các trường dân lập quốc tế.


< Một cư dân người Nhật tại khu phố "đa quốc gia" dắt chó đi dạo.

Chị Ana đến từ Đức sáng nào cũng chở con gái ra trạm xe đưa đón để con tới trường dân lập quốc tế Việt Úc ở Q.9. Chị đưa con ra giao tận tay cho cô giáo, nhắc nhở con thắt dây an toàn rồi mới quay về đi làm. Buổi chiều cả gia đình lại dắt nhau xuống nhà hàng Đức để ăn uống và dạo chơi. Đầu giờ tối, hầu hết mọi người tập trung ở các quán ăn của cộng đồng mình để thưởng thức những món hợp khẩu vị. Các quán ăn thường đóng cửa sớm hơn các quán bar, spa, massage. Nếu khoảng 22h đêm, hầu hết các quán ăn đã đóng cửa thì các quán bar, karaoke, cà phê vẫn hoạt động tới 2 - 3h sáng ngày hôm sau.

< Học sinh người Hàn Quốc qua đường đón xe buýt để đến trường.

Mỗi cộng đồng có những cách sống khác nhau. Đối với người châu Á, họ sống và sinh hoạt khép kín hơn. Chị Thúy Hà, nhân viên giám sát của một trường quốc tế thường xuyên tiếp xúc với các em học sinh ở khu phố này, cho biết người Hàn Quốc (chiếm đến 80% cư dân ở đây) sống rất khép kín và chú trọng tới gia đình truyền thống. Họ thuê nhà tập trung thành từng xóm, nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây.

Người Hàn siêng năng, cần cù nên chú trọng tới hiệu quả công việc, nhất là giờ giấc. Giáo viên muốn gặp học sinh tại gia thì phải lên lịch hẹn, khi đã hẹn thì không được tới trễ. Có nhiều em cho biết cuộc sống bên Hàn rất khó khăn, phải làm lụng rất vất vả, nhưng khi cha mẹ sang Việt Nam mở nhà hàng thì cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Cứ mỗi chủ nhật vào tuần cuối cùng trong tháng, họ tập trung nhau tại một chỗ để trao đổi thông tin và dẫn con cái sinh hoạt ngoại khóa như nhặt rác ở các công viên.

Chị Ngọc Trâm, giáo viên của một trường trong "khu làng đa quốc gia", cho hay người châu Âu cởi mở, hồ hởi hơn người châu Á. Họ luôn đề cao ý thức và quyền công dân của mỗi cá nhân nên ít khi hỏi han và quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác như người châu Á. Người châu Âu thuê nhà biệt lập chứ không thành cụm như người Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiếm khi họ để ý tới hàng xóm nếu không có gì cấp thiết.

Anh Phước Dũng, nhân viên bảo vệ, cho biết cứ trung bình 10 người ở đây thì chỉ có một người Việt Nam. Người Việt sinh sống trong khu này đa phần là tầng lớp "đại gia". "Những người nước ngoài biết tiếng Việt sống khá thân thiện, vui vẻ, khi gặp là họ chào hỏi. Như cặp vợ chồng người Brazil và Mỹ là bác sĩ thú y sống khá tình cảm, đi đâu họ cũng cầm tay nhưng khi nào đi ăn thì tôi thấy họ tiền của ai người ấy trả", anh Dũng cười cho biết.

Du lịch, GO! - Theo Infonet, internet
Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng ba âm lịch. Đến nay đã có hàng vạn lượt du khách hành hương tới Đền Bờ. Đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần, lượng du khách tăng đột biến, tàu thuyền đậu kín các bến cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình), bến Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong).

Đi lễ Đền Bờ, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên giữa mênh mông sông nước, giữa những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô, xung quanh là các bản làng của người dân tộc Mường, Dao… tạo nên một bức tranh thơ mộng sơn thủy hữu tình, như một Vịnh Hạ Long trên núi.

Thác Bờ xưa là đoạn sông Đà chảy qua khu vực chờ Bờ, thuộc xã Hào Tráng (nay là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc). Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ.

Theo truyền thuyết dân gian, vào khoảng năm 1430 - 1432, vua Lê Lợi đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua kéo quân đến khu vực Thác Bờ, thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được.

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc. Về sau khi hai bà mất, thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho 2 bà là Bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ 2 bà.

Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính thì hiện nay đền Thác Bờ tọa lạc trên dải đất của hai huyện là Đà Bắc và Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Đền Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần có tổng diện tích trên 1 ha, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo qua hơn 100 bậc sau đó theo một triền dốc thoải là vào đến khu vực đền. Trong đền có 38 pho tượng lớn nhỏ, tượng thờ chính là hai pho tượng bằng đồng.

Đền Bờ phía hữu ngạn tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Trước đây đền Thác Bờ được xây dựng ngay dưới chân Thác Bờ với nguyên vật liệu chỉ là tranh tre, nứa lá.

Năm 1979, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà được khởi công xây dựng. Do nước dâng cao, ngôi đền đã phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông, qua nhiều lần tu sửa đến năm 2000 ngôi đền được nâng cấp xây dựng khang trang như hiện nay.

Bao giờ cũng vậy, người đi lễ cũng sẽ cầu nguyện ở đền Trình, sau đó mới lên tới đền Chúa. Mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Mỗi ngày, Đền Bờ đón hàng ngàn khách thập phương nô nức đến lễ Phật, lễ Chúa cầu may.

Sau khi đã hành lễ xong, những người hành hương sẽ cùng nhau thưởng thức món cá nướng sông Đà chính hiệu như cá măng, cá thiểu, được xếp thành từng mớ vàng ruộm thơm lừng, hay món gà xiên nướng trên bếp than củi hồng rực.

Vào thăm động Thác Bờ với nhiều tầng, thạch nhũ muôn hình lung linh soi bóng nước, có cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời… Động Thác Bờ nằm ở sườn núi phía Bắc của dẫy núi Chủa nhìn ra mặt sông. Động có chiều sâu tới hơn 100m. Lòng động gập ghềnh, nhấp nhô chỗ rộng, chỗ hẹp, nơi rộng nhất tới 20m. Đặc biệt, tạo hoá ban tặng dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường với vẻ đẹp tuyệt mỹ.

Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên giữa mênh mông sông nước, giữa những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô, xung quanh là các bản làng của người dân tộc Mường, Dao… tạo nên một bức tranh thơ mộng sơn thủy hữu tình. Chẳng thế mà có ai đó đã ví rằng “hồ Thác Bờ như một Hạ Long thu nhỏ".
Đây là tuyến du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh hấp dẫn, nhất là khi hồ Hòa Bình đã được đưa vào điểm du lịch trọng điểm Quốc gia.

Tham quan Thác Bờ viếng đền Bà Chúa ở Hòa Bình
Động Thác Bờ (Hòa Bình)

Du lịch, GO! - Theo Báo Tin Tức, Fcar
Buôn M’Liêng, xã Đắc Liêng nằm sát bên hồ Lắk và tiếp giáp với những cánh rừng nguyên sinh - đây được xem là những điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn vào loại bậc nhất ở Tây nguyên.

Nét độc đáo của buôn M’Liêng là đồng bào Mơ Nông ở đây còn gìn giữ được nhiều tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức quí báu như lễ hội, nghề thủ công, nghề dệt thổ cẩm; nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trống H’gơr, chiêng, ché cổ. Và đặc biệt 100% hộ dân ở buôn M’Liêng còn ở trong những nếp nhà dài truyền thống, trong đó có những ngôi nhà được xây cất bằng những vật liệu từ rừng, giống hệt như những ngôi nhà mà tổ tiên họ dựng cách ngày nay hàng trăm năm.

Chính những yếu tố trên nên buôn M’Liêng được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chọn triển khai dự án bảo tồn buôn cổ. Theo ông Trương Bi, phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Đắc Lắc, nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên - thì những giá trị văn hóa mà đồng bào Mơ Nông ở buôn M’Liêng còn lưu giữ được thật quí báu.

Với những tác động tích cực từ dự án bảo tồn buôn cổ này, tỉnh Đắc Lắc sẽ xây dựng buôn M’Liêng trở thành buôn văn hóa, buôn du lịch, làng nghề truyền thống đặc trưng của người Mơ Nông. Cũng theo ông Trương Bi, từ năm 2007-2009, tỉnh Đắc Lắc sẽ đầu tư 5 tỉ đồng cho việc bảo tồn và phục dựng buôn văn hóa cổ M’Liêng.

Việc bảo tồn và phục dựng buôn cổ M’Liêng bao gồm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: phục dựng lễ hội, dạy diễn tấu cồng chiêng, khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm đồ gốm... Bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể gồm: phục dựng sáu ngôi nhà cổ bằng vật liệu truyền thống của người Mơ Nông (cột nhà và sàn nhà bằng gỗ, vách nhà bằng phên lồ ô, mái lợp tranh), với mức đầu tư 600-700 triệu đồng/nhà; xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc truyền thống bằng vật liệu dân gian kết hợp với vật liệu hiện đại.

Sau khi hoàn thành việc phục dựng theo nguyên bản buôn cổ vào năm 2009, buôn M’Liêng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là địa điểm cần tìm đến của những nhà nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên, nhất là văn hóa dân tộc Mơ Nông.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Minh - trưởng Phòng Văn hóa - thể thao huyện Lắk, cho biết toàn huyện hiện có hơn 59.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 36.000 người, sinh sống ở 85 buôn. Đến thời điểm này huyện Lắk đã đầu tư xây dựng được 71 nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn dân tộc thiểu số, có 34 buôn được công nhận buôn văn hóa cấp huyện.

Và tiêu biểu nhất vẫn là buôn M’Liêng - buôn đang được đầu tư xây dựng thành buôn văn hóa tiêu biểu của toàn quốc. Mới đây, tỉnh Đắc Lắc đã cấp cho buôn M’Liêng 13 bộ cồng chiêng, xây dựng thêm ba ngôi nhà dài truyền thống và chuẩn bị khởi công xây dựng nhà văn hóa cộng đồng có qui mô lớn hơn nhà văn hóa cộng đồng mà huyện đã đầu tư xây dựng.

Già làng Y Đrơng Bkrông tiếp khách bên bếp lửa trong ngôi nhà dài truyền thống với hai hàng cột gỗ sao to đầy tay người ôm. Căn nhà dài của Y Đrơng cũng như hơn 100 căn nhà khác trong buôn được làm bằng cây rừng theo mô hình nhà truyền thống, mỗi nhà có chiều dài gần 30m, gồm năm gian, đủ cho ba gia đình nhỏ cùng sinh sống.

Theo lời của già làng Y Đrơng thì buôn M’Liêng còn nhiều gia đình giữ được chiêng cổ, ché cổ và cả ghế Kpal - nơi nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng - làm bằng cả nửa cây gỗ quí có đường kính chừng hơn 1m, chiều dài hơn 20m... Già làng Y Đrơng dẫn chúng tôi đi xem dãy ché cổ tám chiếc và ba bộ chiêng quí của ông bà để lại. Ông bảo: “Những chiêng, ché này mình coi là vật thiêng, của quí.

Trước đây có nhiều người từ nơi khác đến hỏi mua, nhưng mình không bán. Mình phải giữ lại cho con cháu”. Cũng theo lời kể của già làng, trước đây khi những cánh rừng đại ngàn dưới dãy núi Chư Yang Sin còn nhiều gỗ quí, bà con buôn M’Liêng đã dùng những chú voi lực lưỡng của buôn mình vào rừng kéo gỗ về mới dựng lên được những ngôi nhà dài vững chắc thế này ngay bên hồ Lắk. Nhẩm tính căn nhà của già làng phải làm hết hơn 100 cây gỗ tốt.

Nói về cuộc sống của bà con trong buôn, buôn trưởng Ma Hoa kể: “Ngày trước, bà con thường vào rừng săn bắn, hái lượm và chủ yếu làm lúa rẫy, tỉa bắp. Nay bà con đã biết trồng lúa nước hai vụ. Nhà nào cũng có ruộng lúa, có rẫy đậu, rẫy bắp và nuôi được nhiều bò, heo nên cuộc sống cũng đã khấm khá hơn. Nhà nước không còn phải cứu trợ thường xuyên nữa".

Tuy nhiên, Ma Hoa cũng lo lắng vì những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm gốm trước đây nay bị mai một. Và việc dự án phục hồi buôn cổ giúp bà con tìm lại được những nghề truyền thống này thật đáng quí.

Những ngày xuân này, đồng bào Mơ Nông ở buôn M’Liêng cũng như nhiều buôn làng khác ở Tây nguyên bắt đầu vào mùa lễ hội với nhiều hoạt động hết sức độc đáo, như lễ mừng lúa mới (mừng vụ mùa thắng lợi), hội đua voi. Niềm tự hào của già làng Y Đrơng là buôn M’Liêng bây giờ đã là điểm dừng chân của khách du lịch trong và ngoài nước. Sau này khi khôi phục được những nghề truyền thống, bà con buôn M’Liêng vừa gìn giữ được văn hóa của tổ tiên ông bà, lại có thêm việc làm cải thiện đời sống.

Du lịch, GO! - Theo Kiều Bình Định - Quân Đội Nhân Dân, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống