Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 March 2013

Bộ sưu tập thông tin về những con sông gần như đã rất đầy trong những chuyến hành trình của chúng tôi. Mỗi một dòng sông là một câu chuyện, một lời tự sự, một tâm tình và mang một hình dáng rất riêng tư.

Bài viết này xin được chia sẻ một vài hình ảnh những dòng sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

1. Sông Nho Quế ở Hà Giang

Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Trung Quốc) và chảy qua điểm cực Bắc của lãnh thổ Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 2km đường chim bay.

Hành trình len lỏi của dòng Nho Quế giữa cao nguyên đá tai mèo đã đem lại cho đệ nhất hùng quan Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) một vẻ đẹp đầy bí ẩn và hoang dại. Sông Nho Quế là chi lưu của sông Gâm tại xã Lý Bôn tỉnh Cao Bằng, và đến lượt mình, sông Gâm lại là phụ lưu cấp I của sông Lô tại Khe Lau, Tuyên Quang.

2. Sông Quây Sơn ở Cao Bằng

Sông Quây Sơn phát nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng đông nam vào lãnh thổ nước ta, qua hai huyện Trùng Khánh và Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng rồi quay trở lại đất Trung Quốc.

Dòng sông gắn liền với thác Bản Giốc đẹp vào bậc nhất ở Việt Nam với ba tầng thác cuồn cuộn đổ xuống từ độ cao trên 50m tạo nên những hình ảnh tráng lệ và âm thanh vang động núi rừng, rồi lại hiền hòa xuôi dọc theo biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung chảy về Hà Quảng.

3. Sông Lô ở Tuyên Quang

Dòng sông nổi tiếng và nên thơ với câu hát “Sông ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng hoang vu” cũng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào lãnh thổ nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Sau một hành trình dài hơn 250km qua địa phận các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, dòng sông hợp lưu với sông Đà và sông Hồng tại quãng ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì - nơi chất chứa nhiều huyền thoại của cha ông và có loài cá anh vũ nổi tiếng.

4. Sông Mã ở Sơn La

Một trong những dòng sông được bắt nguồn từ những dãy núi nằm trong lãnh thổ Việt Nam ở mạn tây bắc (Pù Huổi Long) và được hợp sức bởi nhiều chi lưu và những dòng suối nhỏ khác.

Sông Mã trên địa phận tỉnh Sơn La dài khoảng 93km là một dòng sông có độ dốc lớn và nhiều thác ghềnh, mùa khô nước trong xanh hiền hòa, mùa mưa nước gầm lên hung dữ. Sông Mã chảy sang nước bạn Lào tại cửa khẩu Chiềng Khương huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và quay về Việt Nam tại cửa khẩu Tén Tằn, Thanh Hóa.

5. Sông Nậm Na ở Lai Châu

Dài khoảng 86km bắt nguồn từ một dãy núi cao trên 2000m của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Nậm Na là phụ lưu lớn nhất của sông Đà và hợp lưu với dòng sông này tại Mường Lay - Lai Châu.

Nằm dọc theo quốc lộ nối hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, vẻ hiền hòa và thơ mộng của dòng sông đã khiến cho con lộ này trở thành một trong những cung đường quyến rũ nhất của Tây Bắc. Hình ảnh cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng lớn nhất miền Bắc khi xưa, mà tương lai sẽ bị chìm trong nước sau khi thủy điện Sơn La hoàn thành, luôn gắn liền với những bức hình của Nậm Na.

6. Sông Đà ở Hòa Bình

Sông Đà với những vách đá sừng sững hiểm trở, những thác nước gập ghềnh, những vũng xoáy hung dữ… tất cả đã được chặn lại tại Hòa Bình để sinh ra dòng điện phục vụ cuộc sống của con người.

Từ đây, dòng sông không còn khoác trên mình tấm áo độc hành dữ tợn mà thay bằng vẻ trong xanh yên ả dưới chân những hòn đảo nhỏ trong lòng hồ Hòa Bình trước khi hợp lưu với sông Hồng tại Tam Nông - Phú Thọ. Dòng sông có lưu lượng nước lớn và hệ sinh thái vô cùng phong phú, tiềm năng phát triển du lịch rất cao.

7. Sông Hồng ở Lũng Pô

Khởi nguồn từ trên núi Ngụy Sơn cao trên 2000m thuộc tỉnh Vân Nam, sông Hồng chảy vào đất Việt tại đỉnh Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ đây, dòng sông đỏ nặng phù sa được tiếp thêm sức bởi dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy ra từ khe núi và trở thành biên giới tự nhiên với Trung Quốc cho đến tận Hà Khẩu.

Trước đây có một cồn cát nhỏ và một gốc cây sung lớn đánh dấu điểm bắt đầu của dòng sông trên đất Việt, nhưng cơn lũ lớn tháng 8-2007 đã san phẳng tất cả, chỉ còn có cột mốc biên giới 92 đứng giữa ngàn lau.

8. Sông Chảy ở Lào Cai

Dòng sông khơi nguồn từ biên giới Việt Trung trên dãy Kiều Liên Ti của tỉnh Hà Giang. Sông Chảy chảy theo hướng từ đông sang tây, từ Hoàng Su Phì qua Xín Mần đến Mường Khương, tại đây lòng sông dốc và đầy thác ghềnh đã tạo ra một khe núi rất sâu và hùng vĩ.

Đến Bắc Hà, một trong những tour ưa thích của du khách là ngược dòng sông Chảy đỏ ngầu phù sa để đi chơi chợ vùng cao Cốc Ly họp vào thứ ba hằng tuần.

9. Sông Mã ở Cẩm Thủy - Thanh Hóa

Trở lại Việt Nam tại Tén Tằn sau một chặng đường dài hoang dại bên nước bạn Lào, sông Mã song hành với quốc lộ 15A chảy qua Mường Lát, Hồi Xuân, Cành Nàng, Cẩm Thủy và hợp lưu với sông Chu trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Hới.

Những cung đường hai bên bờ sông Mã thật sự luôn đem lại những cảm xúc mạnh mẽ cho những cư dân yêu du lịch khám phá và mạo hiểm. Nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ khó được hình ảnh bình yên và lãng mạn của dòng sông khi nó chảy qua những bãi bồi phù sa Cẩm Thủy - Thanh Hóa...

Du lịch, GO! - Theo Black & Windy (Chuyentrang.tuoitre), ảnh internet

Thursday, 14 March 2013

Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái khoảng 12km, có độ cao 1.370m so với mặt nước biển. Quanh năm mát mẻ, vào mùa đông sương mù mờ mịt, đi lên núi ngỡ như đi trong mây. Nơi đây nổi tiếng với trà cổ thụ Suối Giàng.

< Đường lên đỉnh Suối Giàng trải qua nhiều dốc, đèo...

1- Chúng tôi lên đỉnh Suối Giàng vào khoảng 10 giờ sáng, nhưng nơi đây ngỡ như mới hừng đông, không một giọt nắng vàng sưởi ấm. Sương mù còn lãng đãng dưới chân, mưa bụi lớt phớt, càng làm cái lạnh miền Tây Bắc vừa mơn man vừa se lạnh ngọt ngào thấm sâu vào da thịt cảm giác dễ chịu của tiết trời vào thu.

Rừng Pơmu bên kia đồi được mệnh danh là rừng vàng của núi rừng Suối Giàng mờ trắng trong mây. Dưới kia, thác Tập Lang rì rào một dòng trắng xóa như dải lụa vắt ngang lưng trời. Lờ mờ dưới chân núi, cánh đồng Mường Lò trải rộng một màu xanh. Cánh đồng lớn thứ nhì vùng Tây Bắc.

Thật thú vị khi chúng tôi vào một cửa hàng bán trà, ngoài đặc sản trà, còn có những tảng đá trên đỉnh Suối Giàng với nhiều vân đá tự nhiên tuyệt đẹp để du khách ngồi uống trà. Những giò lan vùng cao tươi thắm đong đưa trong gió từ đại ngàn mang cái giá rét thổi về lồng lộng. Giữa tiết trời lạnh giá mà ngồi nhấp nháp ngụm trà đậm đà hương vị Tây Bắc, cái hậu ngòn ngọt của trà Suối Giàng vẫn thấm sâu mãi trong lòng. Trà như ngon, như ngọt thêm khi cô gái trong bộ y phục người Mông súng sính duyên dáng, cứ nhoẻn miệng cười lúm đồng tiền xinh xắn, thỏ thẻ mời khách uống trà.

“Cây trà có hơn 500 năm tuổi, hấp thụ tinh túy của đất trời thêm xanh tươi, không hề có bón phân làm mất chất thuần khiết tự nhiên, tạo nên hương vị độc đáo của trà mang cốt cách tiên. Ai uống trà Suối Giàng như hấp thụ cả tinh túy của đất trời”, những lời như rót mật của cô gái và đôi tay dịu dàng thoăn thoắt rót trà, khiến chúng tôi không ai từ chối được. Hết bình trà này đến bình trà khác, khách mềm môi chẳng khác nào như uống rượu nồng nàn, lơ mơ say ngỡ đang lạc cảnh non bồng.

Chủ quán, một người dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã hơn 10 năm, tâm đắc kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết của trà Suối Giàng mà anh được nghe những người lớn tuổi nơi đây kể lại: “Hơn 500 năm trước, trên đỉnh Suối Giàng xuất hiện 2 vị đạo sĩ đến đây đánh cờ. Hai ông say mê chơi cờ suốt mấy ngày liền, mặc cho trời giá rét. Thấy vậy, một cô gái trên đỉnh Suối Giàng đi hái những búp non trà mọc đầy trên đỉnh núi, pha trà mời các ông uống giải khát.

Vị trà quá ngon, càng uống, càng thấy tinh thần tinh tấn, ngồi chơi cờ suốt mấy ngày liền cũng không thấy mệt. Cô gái cho biết, do nấu trà bằng nước suối Tập Lang tinh khiết không chút mùi bùn trên đỉnh cao, còn lá trà được hấp thụ khí trời thuần khiết của mây mù gió núi, tạo nên hương vị độc đáo. Từ đó, hai vị đạo sĩ thường xuyên lên đỉnh Suối Giàng chơi cờ và thưởng thức hương vị khó quên của trà Suối Giàng.

2- Ngoài kia, con đường trải nhựa thoai thoải dốc, các cháu học sinh đi học về, những chủ nhân tương lai của đỉnh Suối Giàng. Những học sinh người Mông tung tăng trong chiếc cặp trên tay, miệng líu lo nói cười. Trường học đã lên đến núi cao, cũng có nghĩa là tri thức, văn minh đã đến với bà con nơi đây, những người mà từ xa xưa chỉ biết có rẻo cao và đồi núi chập chùng cheo leo.

< Người ta nói: "Đàn ông mặc áo vest hái chè, vị sẽ khác, mà thiếu nữ mặc váy ngắn hái chè vị lại càng khác".

Những cô gái Mông trong y phục cổ truyền, với những gam màu đỏ trong nền đen nổi bật giữa bầu trời mây mù. Đôi má ửng hồng, nét duyên dáng tự nhiên mà quyến rũ của người vùng cao mùa sương lạnh. Những bước chân mạnh mẽ của họ như không hề biết cái lạnh đang vây quanh, trên lưng gùi thực phẩm vừa mua về nhà sau khi bán hết gùi búp chè tươi.

Một cô gái cho biết họ mang nụ trà tươi đã hái từ khi gà rừng vừa gáy báo sáng để đem bán cho nhà máy chế biến. Đi hái trà vào thời điểm này tuy có lạnh, sương mù dày đặc dễ bị cảm lạnh, nhưng bù lại Nhà máy trà Suối Giàng sẽ mua giá cao vì búp trà còn ủ hơi sương, đảm bảo chất lượng trà thơm ngon, có hậu ngọt.

Bởi vậy, khi hái trà, cả nhà cùng làm, người trẻ bắt thang hái trên cao, người già hái dưới thấp, trẻ con nhẹ nhàng đu hái những búp ngoài xa. Để giữ được hương vị độc đáo của trà Suối Giàng mà không trà xứ nào có được, người trồng trà cũng nhọc nhằn vô cùng. Anh Giàng A Chiến, nguyên Giám đốc Nhà máy trà Suối Giàng, cho biết thêm: Trà Suối Giàng còn có khả năng chữa bệnh, giúp bồi bổ cơ thể chống các chứng bệnh tim mạch, thấp khớp… Bởi vậy trà Suối Giàng được các doanh nhân Nhật Bản bao tiêu toàn bộ. Do vậy, số lượng trà Suối Giàng bán trong nước không được bao nhiêu.

3- Hai người phụ nữ Mông sau khi bán xong gùi búp trà, dừng lại trước một quầy thực phẩm bên đường để mua hàng. Họ cứ mãi đếm tới đếm lui số tiền cầm trên tay, rồi suy nghĩ, rồi nhoẻn miệng cười như mếu, lắc đầu: “Không đủ tiền mua rồi”. Tôi hỏi bán búp trà được bao nhiêu tiền mà nửa ký đường cát không đủ tiền mua.

Cô gái thiệt thà trả lời: “Hôm nay hái 5kg, bán được 35.000 đồng. Đó là loại hảo hạng, toàn búp non tơ hái từ khi gà vừa gáy sáng, hái xong mang đi bán liền, nhựa còn tươi mới bán được 7.000 đồng/kg, còn loại dở hơn, chỉ bán được 5.000 đồng/kg thôi. Mà đâu phải ngày nào cũng có búp trà để hái bán, 4 - 5 ngày mới hái một lần, chỉ đủ tiền mua vài ký gạo”. Tôi ngỡ như mình nghe lầm, bèn hỏi lại, cô gái trả lời y vậy, còn giải thích thêm: “Người trồng trà Suối Giàng còn nghèo lắm, chỉ có mấy người dưới xuôi lên đây mua bán trà mới giàu, mỗi ký trà thành phẩm họ bán từ 200.000 đến 500.000 đồng”.

Tôi không khỏi chạnh lòng khi biết cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Bóng các cô gái Mông đã khuất xa sau đồi Pơmu, nhưng tôi vẫn còn thẫn thờ nhìn theo với cả nỗi lòng thương cảm. Anh Giàng A Giao, Phó Chủ tịch xã Suối Giàng, thấy tôi cứ mãi ngẫn ngơ dưới cơn gió lạnh, anh nắm tay tôi vào nhà anh gần đó, rót trà mời khách, Giàng A Giao cũng ngậm ngùi: “Trên đỉnh Suối Giàng này có 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 2.500 nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ vào cây trà.

Ngày xưa, cây trà cổ thụ nhiều lắm, nay chỉ còn khoảng 340ha cây trà, nhưng thời gian qua có một số người dưới xuôi lên đây mua cây trà cổ thụ làm kiểng. Nhiều người dân Suối Giàng ham tiền bán cây, làm rừng trà thưa đi rất nhiều”.

Giàng A Giao chậc lưỡi xót xa: “Là giống trà cổ thụ, phát triển tự nhiên, không bón phân, nên số lượng búp trà cũng ít lắm, lại bị ép giá nên người trồng trà không thể nào vươn lên khá được, hàng năm có đến 170 hộ phải cứu đói mùa giáp hạt”. Tôi hỏi anh có phương án nào giúp người trồng trà Suối Giàng thoát nghèo, A Giao trầm ngâm: “Trước kia chúng tôi có hợp đồng với Công ty chè Văn Hưng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, nhưng công ty này mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 100 tấn, mà sản lượng búp tươi nơi đây khoảng 500 tấn/năm, rốt cuộc số lượng thừa đó cũng bị tư thương ép giá.

Để tự cứu đói, người Suối Giàng đã trồng thêm lúa và bắp. Nhưng vẫn còn quá ít, chỉ khoảng 270ha bắp, 68ha lúa, vì trên đỉnh núi muốn có một hécta lúa nước phải bỏ công khai phá rất nặng nhọc”.

Tạm biệt đỉnh Suối Giàng, quê hương của những cây trà cổ thụ trăm năm, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước cuộc sống nghèo nàn của bà con nơi đây. Sự xuất hiện của cây lúa, cây bắp trên núi cao, tuy chưa nhiều, nhưng dẫu sao cũng nói lên sự mất dần ưu thế của cây trà cổ thụ đang biến dần thành cây kiểng. Không khéo ngày nào đó, lên đỉnh Suối Giàng mà không có trà cổ thụ, muốn biết trà cổ thụ Suối Giàng ra sao, chắc phải về phố thị mà tìm!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Tường Lộc (SGGP), ảnh internet
Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự), thuộc xã Dư Hàng Kênh (huyện An Dương), nay thuộc đại bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân. Nếu căn cứ vào bản ghi chép bia ký của chùa Dư Hàng thì chùa có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980 - 1009).

Cuối thời vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khia sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225 - 1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập ở Yên Tử Sơn, đã có mối quan hệ với bản chùa Dư Hàng...

Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Dư Hàng vẫn truyền lệ kỷ niệm sinh nhật vị sư tổ đệ nhất "Đền ngự giác hoàng tinh tuệ thiền sư" tức vua Trần Nhân Tông vào ngày 2/11 Âm lịch. Vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm là thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái vào ngày 3/11 Âm lịch.

Đến đời vua Lê Gia Tông (1672), sư cụ Nguyễn Đình Sách (tự là Chân Huyền) đã xuất tiền để tậu ruộng đất, làm chùa to rộng, có đủ gác chuông, nhà thờ tổ, nhà tăng... Từ đó trở đi, dù phải trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã được các thế hệ hòa thượng, tăng ni, tín đồ phật tử sở tại chung sức, chung lòng sửa sang chùa ngày thêm khang trang, đẹp đẽ.

So với nhiều ngôi chùa thờ phật ở Hải Phòng, chùa Dư Hàng có kiến trúc bề thế, khuôn viên hoàn chỉnh, gồm tòa phật điện 7 gian, gác chuông cao 3 tầng, mái đao cong vút, quả chuông đồng cỡ lớn, chữ đề: "Phúc Lâm tự chung", nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm.

Tại tòa Phật điện, hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng phật cổ có giá trị, tạo hình chuẩn xác như bộ Tam thế, tòa Cửu long - Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng "Thập điện minh vương"...

Nội thất tòa phật điện được trang trí nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thếp vàng rực rỡ, đường nét mềm mại, kỹ thuật tinh xảo, được thể hiện qua các mảng đề tài hoa lá, cỏ cây, muông thú, mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Gian tiền đường của tòa phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng, nhiều mảng đề tài quen thuộc: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây... thể hiện ước muốn của muôn dân cho "mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt", hộp hình khắc gỗ mô tả cảnh thầy trò Đường tăng trên đường sangTay Trúc thỉnh kinh.

Hiện nay, chùa Dư Hàng còn bảo lưu nhiều di vật quí giá như chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ thuật bằng gốm sứ, đá xanh, bộ kim sách "A hàm" cổ được lưu truyền từ nhiều đời sư trụ trì.

Tại khu vườn tháp tĩnh mịch, rợp mát bóng cây cổ thụ xanh tươi, ngoài nhóm mộ tháp các vị sư tổ đã viên tịch lại bản chùa còn có mộ tháp chứa xá lỵ các vị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tháp sư cụ Chân Huyền và nhiều vị hòa thượng đã từng trụ trì tại ngôi chùa Dư Hàng.

Năm 1962, tại chùa đã diễn ra một sự kiện quan trọng, gắn liền với phong trào đấu ranh yêu nước, đòi quyền dân sinh, dân chủ của tăng ni, phật tử cùng dôngddaro học sinh, thầy giáo, thợ thuyền lao động. Họ đã tập trung tại chùa Dư hàng làm lễ truy điệu nhà yeu nước Phan Chu Trinh, khi cả nước được tin cụ mất tại Sài Gòn.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Hội Tăng già cứu quốc Hải Phòng đã làm lễ ra mắt tại chùa, điểm tổ chức "Tuần lễ vàng". Đồng thời các đoàn thể quần chúng cách mạng họp bàn việc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Pháp trở về Việt nam, ghé thăm đồng bào, chiến sĩ Hải Phòng.

Suốt 9 năm kháng chiến, chùa Dư Hàng đã mở rộng cửa thiền nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kháng chiến qua phong trào "áo ấm mùa Đông" cho binh sĩ, lương thực nuôi quân. Có nhiều vị tu hành ở chùa đã hăng hái tòng quân cứu nước, tiêu biểu có cố hòa thượng Đinh Quang Lạc đã được Chính phủ trao tăgn Huân chương kháng chiến hạng Ba. Chùa Dư Hàng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1986.

Trong sự phát triển của du lịch Hải Phòng, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh là rất lớn và được chú trọng khai thác, trong đó chùa Dư Hàng là một trong những điểm đến trong tour du lịch nội thành. Chùa Dư Hàng với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trường tồn cùng thời gian đã làm nên sức hấp dẫn của một điểm du lịch văn hóa tâm linh ở thành phố cảng.

Du lịch, GO! - Theo Haiphong.gov, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống