Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 19 March 2013

Thường khi những cơn mưa giữa mùa hạ, ở những con sông con suối dọc miền Trung, từng đàn cá lúi dưới sông cái theo dòng nước chảy trở ngược về đầu nguồn, lên những dòng suối có nhiều thác ghềnh tìm nơi trú ẩn rồi chuẩn bị mùa đẻ trứng.

Nắm được đặc điểm di chuyển sinh sản của loài cá như vậy, người nông dân sống cạnh đồng, xa biển xa đầm ở quê tôi thường ra suối đánh bắt cá lúi mỗi khi mưa về. Dụng cụ có gì đâu, chỉ đơn giản vài tấm lưới rồi đem thả giăng trong các gành đá dưới lòng suối, vậy mà mỗi đêm cũng gỡ được vài kg, đêm nào gặp may, cá “chạy” nhiều, số lượng cá có thể nhiều hơn.

Loại cá này sinh sản nhanh và sống từng đàn, nhưng con lớn thường chỉ bằng độ hai ngón tay. Ưu điểm của cá lúi ở suối là mập, xương mềm, thịt thơm, ngọt nên chế biến món gì cũng ngon. Tuy nhiên, người ở quê không nấu nướng cầu kỳ mà thường làm những món dân dã, như cá lúi nấu với rau răm, kho với gừng, kho nghệ, nấu canh rau mương, nấu chua lá giang, nướng dầm nước mắm...

Từ lúc tuổi nhỏ đến giờ, tôi thích nhất món cá lúi nướng ăn với rau thơm. Cá được đánh lưới từ suối nên nhìn con nào vảy cũng đều sáng bóng tươi nguyên. Đối với món cá lúi suối nướng, ta không nhất thiết phải làm ruột, không nạo vảy, không ướp bất kỳ gia vị nào mà chỉ cần rửa sơ bằng nước suối, đem nẹp thành từng ghim hoặc từng kẹp rồi nướng đều trên lửa than hồng.

Nên nhớ giữ độ nóng vừa phải, tránh cháy sém cá sẽ mất ngon. Người ngồi nướng phải canh cho con cá chín vàng đều. Khi cá đã chín, lấy ra khỏi ghim để nguội rồi cho vào một chén nước mắm ngon có giã với ớt, tỏi, chanh, đường đã chuẩn bị trước đó.

Cá nướng thường được ăn kèm với các loại rau thơm, rau chuối thái nhỏ, và cơm. Món ăn “mộc” thế nhưng phải nói không gì ngon bằng. Ăn cá nướng khác với cá kho, cá nấu canh vì nó có mùi thơm của vảy nướng lửa than, có độ giòn của phần đầu, phần xương, có độ dai chắc ngọt của thịt cá. Nếu ăn món cá nướng này bên bờ suối lại càng ngon hơn gấp bội lần. Đó là điều thú vị khi vừa được ngồi ăn cơm với cá tươi nguyên chất, vừa được nghe tiếng nước suối chảy, tận hưởng khí hậu trong lành rợp bóng dưới cây rừng mát lành lại càng ngọt ngào hơn...

Du lịch, GO! - Theo Đào Tấn Trực (iHay), internet
Một Sầm Nưa hoang dã, hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của Quang Dũng, nơi bao nhiêu người lính của đoàn quân Tây Tiến đã nằm lại nay là quê hương thứ hai cho những người Việt tha xứ gầy dựng tương lai.

< Con đường hoa đào liên tỉnh dài hàng chục cây số trên đất Lào.

Miền tây Thanh Hóa. Đến Mường Lát, đã qua những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” mà dặm trường hành quân của đoàn quân “không mọc tóc” ngày xưa vẫn chưa dừng lại. Vùng đất trong câu thơ cuối cùng nằm bên kia biên giới phía bạn Lào: “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”…

Ừ, đã theo hành trình Tây Tiến thì ráng đi cho trọn một bài thơ…

Theo dấu thơ xưa

< Cổng chào trên đất bạn như một tấm danh thiếp duyên dáng về quê hương.

Xong xuôi công việc ở Mường Lát, chúng tôi ngược lên những dốc đèo của Mường Chanh, Tén Tằn, Quang Chiểu… để qua đất bạn Lào.

Hệ thống giao thông sau 65 năm kể từ thuở đoàn quân Tây Tiến đi qua hẳn đã đổi thay nhiều, đường ôtô đã mở xuyên qua biên giới, nhưng bên ngoài cửa kính xe vẫn ngợp trắng những “cồn mây” lãng đãng trên thung núi xa. Đến biên giới Việt - Lào lúc chiều tà, con đường từ trạm kiểm soát biên phòng đi qua huyện Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn gợi cho mọi người một cảm giác rất… “Tây Tiến”.

Những bản làng đất Lào hiền hòa với khói bếp vẽ màu chiều lên mái nhà sàn. Có những bản làng nằm ngay trên tỉnh lộ xuyên qua bản được ngăn hai đầu bởi những cánh cổng sắt, gắn thêm tấm biển viết bằng hai thứ tiếng Lào - Việt: “Ai ra vào phải đóng cửa, nếu không đóng phạt tiền 100.000 kíp” (đơn vị tiền tệ của Lào).

< Tinh khôi màu hoa trên đường đi.

Không giống những cột mốc địa danh được dựng lên không theo một quy chuẩn kiến trúc nào với khẩu hiệu, lời chào quan khách… thường thấy, chúng tôi bất ngờ khi cổng chào của các địa phương trên đất bạn không chỉ có kiến trúc đặc trưng của văn hóa xứ mình mà trên thân cổng là hình ảnh những di tích danh thắng được gắn lên, trang trọng và thẩm mỹ.

Khi bắt gặp chiếc cổng chào, du khách không chỉ biết mình đã đặt chân đến địa phương nào mà nhìn trên thân cổng, sẽ như được tặng một “brochure” về miền đất đó!

Con đường hoa đào… liên tỉnh

Từ huyện lỵ Viêng Xay lên tới Sầm Nưa (thủ phủ tỉnh Hủa Phăn), con đường mới thật sự ấn tượng bởi những cây đào rừng xứ Lào. Với khoảng cách 5 m/cây, suốt con đường mấy chục cây số từ Viêng Xay lên Sầm Nưa có lẽ là con đường hoa đào dài nhất… Đông Dương.

< Ngôi trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn do Việt Nam xây tặng nước bạn Lào.

Cũng lang thang khá nhiều chuyến, nhiều nơi trên đất Lào nhưng chưa khi nào chúng tôi gặp một đường hoa dài như thế. Người Lào không ăn Tết Nguyên đán như người Việt nên sắc hoa hồng thắm của những cây đào miên man bên đường lại mang nhiều xúc cảm cho những người khách Việt.

Đặc biệt, đoạn đường hoa đẹp nhất, ở ngoại vi thị xã Sầm Nưa, đang tọa lạc một công trình mang nặng tình hữu nghị Việt - Lào, Trường PTTH dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn do ta xây tặng bạn.

Cả con đường dài mấy chục cây số hoa cứ rực rỡ, tinh khôi, không một cành, một nhánh bị bàn tay vô ý thức nào bẻ gãy gợi hình ảnh những cây đào rừng, đào đá bị cắt tận gốc mang đi bán và càng khâm phục ý thức của người dân bạn Lào.


< Một góc trung tâm thị xã Sầm Nưa hôm nay.

Sầm Nưa hôm nay không còn hoang dã hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của Quang Dũng, nơi bao nhiêu người lính của đoàn quân Tây Tiến đã nằm lại. Những công trình mới mọc lên hai bên bờ sông Nậm Xam vừa đủ sầm uất mà không ồn ào.

Có hơn 5.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại đây, và nếu nhớ quê chỉ cần mỗi sáng sớm, ra ngã tư bản Me Súc đầu thị xã, nơi có nhà hàng tên Huế Thương của hai vợ chồng người Việt quê huyện Phú Lộc. Không chỉ ấm lòng với tô bún bò ngon không thua gì bún Huế ở chợ Đông Ba, bạn còn gặp những người Việt tứ xứ về đây.

Người đến Sầm Nưa trong câu thơ ngày xưa chẳng nhớ đường về xuôi. Sầm Nưa bây giờ đất lành chim đậu, là quê hương thứ hai cho bao người Việt tha xứ mưu sinh và gầy dựng tương lai…

Du lịch, GO! - Theo Lê Đức Dục (báo Tuổi Trẻ)
Mùa cào ruốc vùng biển Hội An (Quảng Nam) thường bắt đầu từ dịp tết cổ truyền và kết thúc vào cuối tháng 4. Những ngày này, từ sáng sớm, nhiều du khách đã háo hức ra mé biển An Bàng - Cửa Đại tận mắt chứng kiến từng tốp ngư dân ngực trần, chân đất đạp sóng giăng những mẻ lưới cào ruốc.

Những ngày trời yên biển lặng, ruốc về dày đặc. Đi dọc các làng chài cảm nhận mùi ruốc nồng nồng phả theo những cơn gió nồm. Nhưng thích nhất khi đến mùa ruốc là thực đơn tại quán cơm, nhà hàng phố Hội phong phú nhiều món từ ruốc tươi, góp phần tạo nên nét độc đáo trong ẩm thực biển xứ Quảng.

Khách phương xa ghé thăm Hội An trong tiết trời còn chút se lạnh của ngày giêng hai mà được thưởng thức một bát canh ruốc nghi ngút khói, điểm màu đỏ của cà chua thì thật sảng khoái, không gì bằng. Gọi là canh ruốc vì nguyên liệu chủ yếu là ruốc. Bên cạnh cà chua làm phụ gia người ta còn dùng khế, đúng điệu hơn phải có cả húng quế... để kích thích thêm vị giác.

Ruốc khá hợp với những loại rau vườn nhà như cải rổ, bông bí, cần tây và ruốc tươi xào đã trở thành món ăn quen thuộc, ưa thích của cả thực khách khó tính nhất. Đặc biệt là ruốc xào với các loại đậu và người Hội An có “tuyệt chiêu” xào ruốc tươi với đậu rồng nên món ăn này lúc nào cũng “cạn hàng” trước tiên.

Du khách lưu trú dài ngày thì thích cùng bạn hữu quây quần bên manh chiếu trải bên bờ biển thong thả nhâm nhi món gỏi ruốc. Nhiều người nói gỏi ruốc Hội An là món hảo hạng, một phần cũng nhờ người chế biến khá hiểu con ruốc. Ruốc không chỉ tươi, vừa mới đánh bắt lên còn nhảy tanh tách mà phải tìm cho được loại ruốc màu nâu đỏ để làm gỏi.

Theo kinh nghiệm người đi biển, ruốc đỏ là loại ngon nhất, còn ruốc màu nâu sậm là ruốc già, nâu hồng nhạt là ruốc non, ruốc già và non thường chất lượng không ngon bằng.

Ruốc được nhặt rác, rửa sạch bằng nước biển, vắt ráo nước cho vào một tô lớn rồi vắt chanh vào, ướp khoảng mươi phút là ruốc chín, không còn mùi tanh. Ruốc đủ độ chín cho thêm chút đường, tiêu, gừng thái chỉ, ớt cắt mỏng, rau thơm... vào là thành món gỏi ruốc.

Miếng gỏi ruốc ngọt ngào, mềm mềm, thơm phức hòa quyện cùng vị cay nồng nồng của ớt, của gừng không chỉ là món nhậu hấp dẫn mà còn có tác dụng kích thích dạ dày, dễ tiêu, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Vào những ngày ruốc lên rộ, sản lượng đánh bắt nhiều vô kể, lại thêm món ruốc khô phơi nắng. Ruốc khô phố Hội hình như quá quen thuộc và nhiều du khách không thể bỏ qua được lời mời cùng với nụ cười đôn hậu của cô bán hàng xứ biển: “Mua một ít ruốc khô về làm quà đi anh, chị!”.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Ly (báo Tuổi Trẻ) + internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống