Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 21 March 2013

Với lối kiến trúc cổ từ hàng trăm năm nay, đình Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là một ngôi đình “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam bởi toàn bộ đình cổ được bao bọc bởi một cây bồ đề với hàng trăm búi rễ ôm trọn thân đình.

Đối với người dân ấp Gò Táo, xã Tân Đông, ngôi đình như báu vật, là trái tim của cả làng, cả xã. Khi những ánh nắng yếu ớt cuối ngày của tiết trời tháng 3 đang còn hắt xuống mái đình, chúng tôi - những vị khách lần đầu tiên đặt chân tới ngôi đình không khỏi ngỡ ngàng và bị lôi cuốn bởi nét hoang sơ, cổ kính...

... cũng như được “mục sở thị” những chùm rễ lớn nhỏ của hai cây bồ đề mọc ngay trên hai góc ngôi đình tủa ra quấn chặt lấy những cây cột, bức tường như để bảo vệ cho ngôi đình từ hàng chục năm nay.

< Đình được xây dựng từ năm 1907.

Theo những bậc cao niên làng Gò Táo thì ngôi đình đã tồn tại hơn 100 năm nay, nhờ có hai cây bồ đề mà ngôi đình còn tồn tại được đến bây giờ. Hàng năm, đình Tân Đông tổ chức bốn lễ hội chính như: lễ Kỳ Yên (16-2 âm lịch), lễ Thượng điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, người dân trong làng tụ họp nhau lại cùng nấu ăn linh đình rồi mời các đoàn hát bội khắp nơi về biểu diễn, làm lễ.

< Bên trong ngôi đình tan hoang, đổ nát.

Ông Nguyễn Văn Đời (75 tuổi), người tự nguyện chăm sóc cho ngôi đền không bị bỏ hoang từ hàng chục năm nay cho biết, đình Tân Đông được phong sắc thần, thờ phượng Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), người hai lần được phong Tổng trấn thành Gia Định, có công khai phá phương Nam dưới thời chúa Nguyễn. Tuy nhiên tờ sắc phong này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Thời kháng chiến chống Pháp, đình Tân Đông là nơi hội họp bàn bạc kế sách đánh giặc của các chiến sĩ cách mạng. Đến thời kỳ chống Mỹ, đình Tân Đông bị biến thành nơi giam giữ, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng” – ông Đời nhớ lại.
Hai năm đầu hòa bình lập lại, người dân làng Gò Táo chẳng ai nghĩ đến chuyện cúng bái nên ngôi đình bị bỏ hoang. Đến năm 1978, ông Đời bàn với vợ giết thịt hai con gà đem ra hương khói lại. Sau đó mấy năm người dân mới định kỳ đến cúng bái vào các dịp lễ.

Anh Lê Tấn Thông (cháu ông Đời), hàng ngày thay ông Đời ra thắp nhang cho ngôi đình cho biết: “Từ nhiều năm nay đã có không ít đoàn làm phim, người mẫu và nhiều đoàn khách nước ngoài về đây tham quan, chụp hình cũng như quay phim về ngôi đình này”.

Ngôi đình cổ kêu cứu

Đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 9/12/2010. Nhưng hiện nay ngôi đình này đang xuống cấp nghiêm trọng, các cửa ngôi đình trống huơ trống hoác, các bức tường bong tróc trơ lại bộ xương bằng gạnh cũ, nhiều đoạn đã và đang gần đổ xuống, mái ngói cũng bị hư hỏng nặng tạo thành những khoảng trống lớn.

< Những thân rễ chằng chịt bám chặt quanh thân đình.

Cổng đình thì mới bị húc đổ do làm đường, còn phần nhà phía trước đình (nơi thường làm sân khấu và nghi thức cúng lễ) chỉ còn trơ lại mấy cột bê tông gần sụp đổ.

“Năm 1990, một cây bồ đề phía bên phải đã bị một số người đến gỡ về làm cảnh. May sao người dân quanh đây phát hiện kịp thời nên mới giữ được hai cây còn lại. Cũng nhờ hai cây bồ đề mà phần chánh điện ngôi đình còn được như bây giờ” – anh Thông nói.
Chứng kiến ngôi đình cổ rất đẹp và đặc biệt này đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhiều du khách không khỏi xót xa.

Ông Trần Thanh Phúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang cho biết, trước tình trạng ngôi đình Tân Đông đang bị xuống cấp, ngày 15/3 vừa qua, phía Sở đã kết hợp với huyện Gò Công Đông, xã Tân Đông về ngôi đình để khảo sát, đo đạc và bàn về phương thức trùng tu, sau đó sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, sớm trùng tu ngôi đình.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bé, phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: "Hiện nay, kinh phí để trùng tu ngôi đình lại đầy đủ như xưa phải là tiền tỷ, hay ít nhất việc gia cố để đình không bị sập cũng phải gần 600 triệu. Nhưng di tích cấp tỉnh thì huyện lo, chứ ngân sách của tỉnh không thể cân đối để hỗ trợ được phần này. Huyện đã có chủ trương cho xã Tân Đông vận động mạnh thường quân đóng góp giữ đình. Muốn đề xuất đình Tân Đông thành di tích quốc gia thì cũng phải còn đầy đủ, chứ đằng này nó sắp sập rồi...".

Du lịch, GO! - Theo Dân Trí, Người Đưa Tin, internet
Liêng Rơm – thuộc xã Quảng Khê, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) gần 30 cây số - là một trong những thác nước đẹp, quanh năm tung bọt reo vang giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Ngoài vẻ đẹp, thác Liêng Rơm còn ẩn chứa cả câu chuyện mang tính huyền thoại mà ai đến đây cũng đều muốn khám phá.

Thác Liêng Rơm còn được người Kinh đặt tên là thác "Rậm". Có lẽ cái tên thác xuất phát từ việc muốn vào thác phải băng qua rừng rậm. Để đến thác, chúng tôi phải nhờ một người dân địa phương dẫn đường.

< UBND Xã Quảng Khê.

Buổi trưa tháng 3 đầy nắng, chúng tôi băng qua những rẫy cà phê bạt ngàn rồi những trảng cỏ cháy khô. Đi chưa được bao lâu đã đụng những đoạn đường đầy ổ gà ổ voi.
Sau mấy tiếng đồng hồ đánh vật với con đường, chúng tôi tập kết bên cánh rừng già rậm rạp. Đâu đấy nghe văng vẳng tiếng thác đổ, nhưng phải tiếp tục luồn rừng trên hai con dốc đứng dưới tán cây bằng lăng và tre nứa tranh tối tranh sáng, mới đặt chân tới thác. Con đường đến thác quanh co, luồn rừng và nhiều ngã rẽ, đi vào nếu không làm dấu thì khó quay trở lại đúng đường.

Theo lối mòn xuống thác phải băng qua những vạt rừng cây cao, những vách đá dựng đứng chằng chịt rễ cây cổ thụ như những con trăn trườn mình bò ngổn ngang. Thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang, trông rất ngoạn mục.

Và bất ngờ dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ xuất hiện đổ ầm ầm xuống từ độ cao trên 50 mét. Đứng từ đây nhìn về hạ nguồn có thể thấy cả một vùng hẻm núi mênh mông xa tít, ghềnh đá nhấp nhô, những vực sâu gấp khúc đang ẩn hiện trong bụi nước như sương khói.

Dưới chân thác, ẩn hiện trong bụi nước là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Khung cảnh hoang dã, đẹp như trong truyện cổ tích. Thác được tạo thành bởi một phiến đá to, cao cả chục mét chặn ngang suối. Phiến đá như mọc ra từ sườn núi, nhô ra xa tạo một hàm ếch rộng lớn. Từ trên đỉnh phiến đá, nước đổ xuống ào ào. Người dân địa phương cho biết, vào mùa mưa, nước đổ đẹp, chẳng thua gì thác Prenn ở Đà Lạt.

Băng rừng, mồ hôi ai nấy nhễ nhại. Đến thác, có cảm giác mát lạnh khiến người ta sảng khoái. Xung quanh thác, cây cối xanh tốt. Mùa này nước không nhiều nên có thể tiếp cận được dưới chân thác, nước chỉ khoảng nửa gối. Nước từ đỉnh thác đổ xuống như một dải lụa. Đứng trong hàm ếch ngó ra, có cảm giác như đứng dưới hiên nhà ngắm mưa.

Người dân địa phương rất thích đến thác Liêng Rơm vào mùa khô để mò hến suối. Dưới đáy nước là cát pha ít sỏi nhuyễn và đất mùn từ lá cây khô, môi trường sống lý tưởng và nguồn thức ăn để hến sinh sôi, nẩy nở. Hôm chúng tôi đến, có nhiều thanh niên mang thức ăn đến đây pic-nic.

Trò chuyện với những người đến chơi thác, chúng tôi biết được câu chuyện truyền miệng của người Mạ: thác Liêng Rơm là dòng nước thiêng do một con cọp trấn giữ. Ngày xưa, ai được cọp cho một viên đá trắng như ngọc thì mới được phép mang nước về. Chỉ vào một cái hang ở phía bên phải con thác, một người nói: "Đó là cái hang của cọp ở.

Từ lâu rồi, người ta không còn thấy cọp nữa. Chắc có lẽ do già yếu và đã chết!". Nhờ vậy, dân làng mới được tự do lấy nước ở con thác này. Mang câu chuyện ra hỏi những người Mạ lớn tuổi trong Bon (tương đương bản, ấp), họ đều khẳng định đó là câu chuyện có thật. Nhưng từ lâu đời, người già trong Bon cũng chỉ biết đến do cha mẹ kể lại.

Câu chuyện nhuốm màu hoang đường nhưng thật thú vị. Có thể nói nhờ truyền thuyết đó người ta chẳng dám phá hoại thiên nhiên nơi đây và cũng không xâm phạm đến thác. Bây giờ, dù không còn cọp giữ nước thác nữa nhưng con thác vẫn còn nguyên vẹn. Những dịp lễ, người ta kéo nhau đến thác ăn uống, tắm thác rồi dọn dẹp sạch sẽ trước khi ra về.

Đến Đắk Nông, từ Liêng Rơm, du khách có thể đi nhiều thác khác trong tỉnh, khám phá những cung đường đèo dốc giữa rừng hay đến những thủy điện Đồng Nai 3-4-5 để khám phá vẻ đẹp của hồ trên núi cao. Cùng với hệ thống thác nước, Đắk Nông còn có nhiều hồ nước tự nhiên hoang sơ nằm giữa núi rừng kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên như Nam Nung, Tà Đùng tạo thành những tuyến du lịch sinh thái liên hoàn đầy hấp dẫn. Ví như hồ nước Ea Snô có diện tích hơn 80ha, là một thắng cảnh thiên nhiên kì thú gắn liền với những truyền thuyết dân gian và tập tục của cư dân trong vùng.

Du khách có thể đi thuyền thưởng lãm hình ảnh những ngọn đồi xanh nhấp nhô bốn phía, hoặc xuôi xuống thác Đrây Sáp, hay ngược dòng lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh, buôn Bu Nơr quê hương của tù trưởng Nơ Trang Lơng. Hai vị tù trưởng này đã lãnh đạo đồng bào M’nông vùng lên khởi nghĩa, chống giặc Pháp, bảo vệ núi rừng Tây Nguyên. Thiên nhiên vùng này đủ để khách trải qua kỳ nghỉ thú vị 3-4 ngày.

Du lịch, GO! - Theo NGUYỄN ĐỨC (Cần Thơ Online), internet
Đến An Giang, một số khách tham quan, du khảo... còn hầu hết khách vì mục đích tín ngưỡng bởi từ xưa, người dân đã coi núi Sam và vùng Bảy Núi là vùng địa linh, đất Phật.

< Du khách tham quan hồ Thủy Liêm và chùa Phật Lớn - núi Cấm.

Tại núi Sam, lễ hội vía Bà hằng năm thường diễn ra từ ngày 22 đến 25-4 âm lịch nhưng những năm gần đây, từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, du khách đã bắt đầu đổ về núi Sam và núi Cấm khiến không khí phố núi ngày càng tưng bừng náo nhiệt.

Phố núi tưng bừng

Từ xa xưa, người dân địa phương đã coi núi Sam (Châu Đốc) và vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên - An Giang là một vùng địa linh, vùng đất Phật nên du khách đổ về “Thất Sơn mầu nhiệm” (1) để chiêm bái và vãn cảnh mỗi năm một nhiều.

< Khách hành hương viếng miếu Bà Chúa Xứ - núi Sam, Châu Đốc.

Ban tổ chức lễ hội Văn hóa quốc gia vía Bà Chúa Xứ cho biết mỗi năm thị xã Châu Đốc thu hút gần 2 triệu lượt người đến hành hương và du lịch, nhất là từ khi các loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng phát triển, giúp ngành du lịch An Giang có nhiều ưu thế nổi bật, trong đó hấp dẫn nhất là núi Sam với nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư khá đồng bộ.

Thông thường sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, đa số du khách đều đổ về vùng Bảy Núi, lần lượt tham quan núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô... là nơi thủy tú sơn kỳ, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành và mát mẻ. Đặc biệt là núi Cấm, nơi Trịnh Hoài Đức đã có lần cảm khái Hang núi ngậm mây, suối cong nhã ngọc, rất xứng danh là vùng đất bửu ngọc như người đời thường gọi Tu phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi.

Không chỉ tham quan các quần thể du lịch, về Bảy Núi, khách thích tìm hiểu lịch sử còn có dịp ghé thăm hơn 50 ngôi chùa của người Khmer hoặc các chùa Phi Lai, Tam Bửu và nhà mồ Ba Chúc, nơi ghi dấu tội ác của bọn diệt chủng PônPôt. Ấn tượng nhất là đồi Tức Dụp. Kế đến là khu du lịch Xoài So ở núi Tô hoặc khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, khu căn cứ được coi là “Bản anh hùng ca vùng Bày Núi”.

< Khách hành hương đổ bộ lên núi Cấm vào những ngày tháng 3.

Với khách nước ngoài, không chỉ choáng ngợp trước phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng, đôi khi chuyến đi cũng trở nên đặc biệt bởi tiếng xe ngựa, xe bò lốp cốp trên các đoạn đường đổ về Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc. Nơi đây mọi người còn có dịp tham quan các mô hình nuôi hươu, nai, rắn; các khu vườn trồng trầm và tận mắt chứng kiến thanh niên người dân tộc hiền lành, chất phác chuyên sống bằng nghề trèo cây lấy nước thốt nốt, mang vị ngọt đến cho mọi người.

Ở Châu Đốc và vùng bán sơn địa Bảy Núi, không những yêu thích cuộc sống chân chất, bình dị của cư dân miền núi, nhiều người còn mê các món ngon vật lạ như khô bò, lạp xưởng bò, cháo bò, thịt bò xào lá vang, gà hấp lá trúc và bánh xèo núi Cấm ăn với 12 loại rau rừng độc đáo, hương vị nồng nàn khó quên.
Ngon nhất là trái cây và rau củ trồng trên núi Cấm, núi Dài như xoài, mít, bơ, chuối, đu đủ, sầu riêng… Chưa kể đây còn là xứ sở của nhiều đặc sản nổi tiếng như đường thốt nốt, tháng 3 mùa sầu đâu, Châu Đốc vương quốc mắm…

< Phố núi Châu Đốc trong mùa lễ hội.

Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực nâng cao chất lượng sinh hoạt hội hè, ẩm thực và vệ sinh môi trường đồng thời ra sức bảo tồn rừng để làm xanh hóa môi sinh. Năm 2013, ngành du lịch ước đoán lượng khách sẽ tăng lên đáng kể nên ban tổ chức lễ hội đang cố gắng nâng cấp và phát triển các khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn nhằm giữ chân khách lâu ngày.

Tiềm năng không xa...

Nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, không chỉ các ngày lễ, ngay cả ngày thường khách hành hương cũng chen nhau đến điện thờ để cầu tài cầu lộc giữa khói hương nghi ngút. Sau khi cúng Bà, đoàn người qua viếng Tây An cổ tự và lần lượt chiêm bái các di tích khác như chùa Hang, trại Ruộng, đình Thới Sơn… những vùng đất còn ẩn chứa nhiều huyền thoại.
Những ngày này, từ trên những đỉnh cao nhìn xuống chân núi, những dòng người nối đuôi nhau giống như một con rắn khổng lồ đang cuộn mình trườn lên cao.

< Đặc sản thốt nốt mùa lễ hội.

Từ khi lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia, ban tổ chức lễ hội đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng văn hóa lễ hội.

Cái đẹp của Bảy Núi là cái đẹp mộc mạc chân quê. Mỗi ngọn núi, mỗi ngôi chùa, mỗi phum sóc đều còn mang dấu ấn của thời kỳ khai hoang nên rất dễ làm say đắm lòng người. Từ năm 2005, UBND thị xã Châu Đốc đã đầu tư cho các công trình giao thông, thương mại và quy hoạch các khu vui chơi giải trí, phấn đấu đưa Châu Đốc lên thành một đô thị du lịch nhưng vẫn giữ được nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và đến nay đã trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện các tuyến đường tráng ximăng từ chân núi Cấm đến chùa Phật Lớn dành cho khách hành hương vừa leo núi vừa vãn cảnh đã khai thông. Nay mai, khi các hạng mục công trình được hoàn chỉnh, khu du lịch núi Cấm và các trung tâm du lịch ở An Giang sẽ giữ được nét đẹp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc với công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, hang động để các khu du lịch ở các huyện miền núi An Giang thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo nhất ở miền Tây.

(1) Tên cuốn sách “Thất sơn mầu nhiệm” của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Vũ (Tuổi Trẻ online)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống