Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 4 April 2013

Chùa Phổ Quang tọa lạc ở số 643 đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình - TP HCM. Nằm gần cuối con đường nhỏ, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử, đây là địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Cảnh quan nơi đây rất đẹp và thanh tịnh.

Giữa nhịp sống náo nhiệt thường ngày của thành phố, chùa Phổ Quang tựa như một chốn bồng lai, đượm vẻ huyền diệu, đem lại không khí tịch liêu đến nhẹ lòng cho bất cứ ai ngay khi vừa đặt chân đến. Chùa Phổ Quang do hòa thượng Nguyễn Viết Tạo (pháp danh Thanh Cảnh) khởi công xây dựng từ năm 1952 với kiến trúc ban đầu còn khá đơn sơ.

Theo lời kể của hòa thượng Thích Như Niệm - trụ trì chùa hiện nay, vào năm 1960 chùa được xây dựng lại với nhiều nét kiến trúc mới do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bản thiết kế. Năm 1999, chùa Phổ Quang được giao cho Thành hội Phật giáo TPHCM quản lý dưới sự trụ trì của hòa thượng Thích Như Niệm.

Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Phổ Quang vẫn giữ nguyên nét đẹp nên thơ ban đầu. Những mái ngói chùa cong cong dưới tia nắng chiều hòa cùng gió lộng tạo nên cảnh quan êm đềm, thoát tục. Khuôn viên chùa hiện nay rộng hơn sáu ngàn mét vuông với những hàng cây rợp bóng mát trước sân chùa, chánh điện.

Trước chùa là tam quan với lầu chuông mái ngói và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được đúc năm 1962. Bước qua cổng, du khách sẽ thấy hai dãy nhà Đông, Tây nằm yên bình tự bao đời. Lối vào chánh điện rợp xanh những hàng cây. Chánh điện được bài trí rất trang nghiêm, ở giữa là tượng Phật Di đà to lớn, uy nghi, cao gần 7m, đường kính rộng hơn năm mét do nhà điêu khắc Phúc Điền khắc họa; hai bên là bàn thờ mười bức Thập Điện bằng gỗ có từ năm 1950, mỗi bức cao 0,64m.

Bao xung quanh bờ tường phía trong chánh điện còn có các bức tranh tường khổ lớn miêu tả những sự tích liên quan đến giáo lý nhà Phật. Chánh điện rộng, mát nhưng vẫn không kém phần uy nghi. Quần thể kiến trúc ở chùa Phổ Quang khá độc đáo với nét đặc trưng của các ngôi chùa cổ miền Bắc.

Một trong những đặc điểm khiến chùa Phổ Quang trở thành nơi được nhiều du khách yêu thích tìm đến chính là nét thanh bình, yên ả khó tìm thấy giữa lòng thành phố đông đúc người, xe.

Cánh cổng chùa xưa cũ như đã đứng đó tự bao giờ, những mái ngói cong vênh, rợp trời cây lá xanh ngắt trong khuôn viên sân chùa. Đứng ở đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có thể nghe được tiếng chim kêu ríu rít, mọi âu lo phiền muộn cùng những bon chen tất bật gác bỏ lại bên ngoài.

Nét đẹp ở chùa Phổ Quang hài hòa, gắn liền với cảnh vật xung quanh. Có lẽ vì thế mà hàng năm chùa Phổ Quang chào đón rất nhiều du khách tìm đến chiêm bái, vãn cảnh, thả mình vào không gian thoáng đãng.

Du lịch, GO! - Theo My Tour, internet
Trong những hành trình rong ruổi, được uống ly cà phê ở lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... thì thật không còn gì thú vị bằng.

< "Tiệc" cà phê ở thảo nguyên xanh Yên Minh (Hà Giang).

1. So với thưởng trà thì cà phê xem ra không phức tạp lắm. Đồ nghề đi kèm cũng không đòi hỏi phải chén tống, chén quân, khay đĩa lích kích lại dễ vỡ. Trong khi trà đòi hỏi một không gian tĩnh, một địa điểm tĩnh thì cà phê có phần linh động hơn nhiều. Có lẽ vì thế, cà phê trở thành món ngon khó bỏ của nhiều khách lữ hành trên đường phiêu du.

Trong nhiều hành trình rong ruổi, việc dừng chân và ghé vào quán nhỏ dọc đường để uống ly cà phê cho tỉnh táo đã là cái thú. Mà được uống cà phê dọc đường, lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... những nơi mà chả bao giờ có quán cà phê dịch vụ thì thật không còn gì thú vị bằng.

2. Những năm 2006, khi phong trào uống cà phê trên đường phiêu du bắt đầu được dân đi bụi bằng xe máy đưa vào lộ trình như một việc không thể thiếu, đồ nghề chuẩn bị cho món ngon xem ra khá đơn giản.

Cà phê tan có sẵn đường, sẵn sữa. Một cái xoong nhỏ, mà thời đó xoong khuấy bột cho trẻ em là thích hợp nhất. Vào hiệu thuốc mua vài chai cồn sát trùng. Chai nước lọc và một lon nước ngọt rất không liên quan đến món cà phê.

Dẫn đoàn sẽ là người chọn thời điểm và địa điểm hạ trại, thường khi xuất phát khoảng một giờ đồng hồ, các thành viên nhóm bắt đầu phiêu với nắng, gió, núi, đèo, mây, nước… thì sẽ dừng lại. Mỗi người mỗi việc. Lon nước ngọt cắt ra làm đôi, lấy đáy để đựng cồn nước. Ba viên đá kê lại thành bếp, xoong khuấy bột bắc lên, đổ nước vào, đun một loáng là sôi.

< Không có nồi thì dùng tạm lon coca nấu nước.

Cà phê tan pha ra, nóng hổi, thơm ngào ngạt. Có ly giấy thì mỗi người một ly trang nhã. Còn không thì chai nước suối cắt khéo là có 2 cái ly quá tiện rồi.

Giản tiện hơn, một lần dừng chân ở ngã ba Lử Thẩn, đường đi Bản Phố (Bắc Hà), Simacai, một sớm mùa đông mà nắng lên trong vắt, hơi lạnh của núi rừng vẫn ẩm ướt dưới bánh xe, cả bọn thèm một ly cà phê khó tả. Chỉ có cà phê, có nước lọc, không có xoong, cũng không có cồn khô.

Nào có hề gì, một xe quay ngược lại độ vài cây số tìm mua một lon nước ngọt, cồn không có thì đã có củi khô, vỏ lá giòn rụm bên vệ đường. Bạn đồng hành tỉ mẩn mài bay nắp lon nước ngọt, rồi bắc bếp lá, dùng lon coca làm siêu đun nước, đổ cà phê vào hòa tan. Độ 15 phút sau là mỗi đứa đã chia nhau ngụm cà phê nóng bỏng lưỡi, thỏa mãn, phiêu diêu.

< Pha cà phê bằng xoong.

3. Một chặng đường dài hơn 5 năm đã trôi qua, câu chuyện về những ấm cà phê trên đường phiêu du đã có nhiều biến chuyển, dù vẫn còn đó những con người đầy ắp đam mê xê dịch trong trái tim. Một chiếc siêu sáng loáng bé xinh đã thay thế chiếc xoong khuấy bột. Những nhóm đi cầu kỳ mang theo cả bếp gas du lịch, tiện dụng và rất chuyên nghiệp.

Thay vì uống cà phê hòa tan, dân đi bắt đầu mang theo phin, cà phê bột, đường, sữa, ly giấy... Và thế là không cần vào quán, tự chúng ta đã thành... chủ quán, đợi cà phê tí tách rơi ngay trên đỉnh đèo hay trên một bờ sông lộng gió.

Uống cà phê trên đường thiên lý giờ đã thật đậm chất “chơi” với dân du lịch, nhất là với dân đi xe đạp hay xe máy vì với ôtô thì quá thuận lợi trong việc vận chuyển công cụ, dụng cụ và nguyên liệu cho thú chơi tao nhã và thi vị này.

4. Một trong những chi tiết nên có của một buổi cà phê tao nhã trên đường thiên lý đó chính là âm nhạc. Chỉ bằng một chiếc loa du lịch chạy pin và một thiết bị nghe nhạc phù hợp, thanh âm của những bản tình ca rộn ràng hay réo rắt sẽ cùng bạn ghi dấu vào hành trình những khoảnh khắc khó quên.

Dọn dẹp kỹ lưỡng trước khi rời đi, để lại cho nơi ta đến chỉ là những dấu giày bám bụi và mang đi những kỷ niệm ngọt ngào, hẳn là một thứ văn hóa cà phê trên đường thiên lý hay ho.

Du lịch, GO! - Theo Băng Giang (Tuổi Trẻ), internet
Rau ranh là loại rau mọc hoang trên rừng, lá to bằng lá chè, có màu nõn chuối, mùi hơi chua, dịu hơn lá bứa. Chúng mọc nhiều nhất ở vùng núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Trà My (Quảng Nam). Còn ốc đá là loài ốc sống trong các gộp đá ở các suối trên núi cao, lớn hơn đầu đũa một tí, cũng sống tập trung ở các huyện nói trên. Hai loại này “kết bạn” với nhau trong thực đơn của người vùng cao, giờ thành món khoái khẩu của dân thành thị, nhất là trong những ngày hè nóng bức này mà có bát canh rau ranh ốc đá để giải nhiệt thì rất tuyệt.

Rau ranh và ốc đá hầu như mùa nào cũng có, nhưng chớm hè mới là thời kỳ mà rau ranh ra nhiều lá non và ốc đá chuẩn bị sinh sản, nên khi nấu canh hay làm món xào vào thời điểm này là ngon nhất.

Dọc tỉnh lộ lên Trà Bồng, cứ mỗi sáng trên đường đến các phiên chợ vùng cao mà thấy những người phụ nữ Cor cõng gùi, bên trong có những bó rau xanh màu nõn chuối, thì đích thị đó là rau ranh. Lấy lớp rau ranh ra khỏi gùi, phía bên dưới thế nào cũng có những chú ốc đen trũi, mình dài, óng ánh trong nắng sớm. Ba ngàn đồng cho mỗi bó rau ranh và sáu ngàn đồng cho mỗi lon ốc. Bấy nhiêu đó là đủ cho một nồi canh 4 người ăn.

Rau ranh là món ăn truyền thống của người Cor, có thể nấu với thịt heo nhưng ngon nhất vẫn là nấu với ốc đá. Sau khi lấy dưới suối về (bây giờ có thể mua ngoài chợ), ốc được ngâm với nước cơm chừng một buổi cho chúng nhả hết chất nhớt trong bụng ra, sau đó đem chặt đuôi ốc rồi luộc sơ qua nước sôi. Để nguyên con ốc trong vỏ đem ướp với gia vị, đặc biệt là sả và ớt, sau đó bỏ vô chảo với một ít dầu phụng, đảo qua một lửa là có thể sử dụng làm nguyên liệu cho nồi canh.

Rau ranh rửa sạch, vò cho chúng nhàu đi, bỏ vô nước sôi, khi lá rau bắt đầu ngả màu thì cũng là lúc cho ốc đá đã xào lúc nãy vào nồi. Sẽ có một nồi canh vừa thơm thơm chua chua mùi rau ranh vừa ngầy ngậy mùi ốc đá. Nấu món này khá đơn giản, nhưng món rau ranh ốc đá hấp dẫn ở chỗ, ngoài hương vị riêng thì có lẽ đây còn là loại rau và ốc sạch nhất hiện nay.

Dân Quảng có câu “Rau ranh ốc đá là cá nậu nguồn”. Nghĩa là, loại rau và ốc này đối với người (nậu) vùng cao (nguồn) như một món cá vậy. Quả không sai.

Du lịch, GO! - Theo Trà Sơn (Thanh Niên), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống