Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 6 April 2013

Tôi đến phố cổ Hội An khi trời đã tắt nắng. Mặc dù biết mình rất bất lịch sự, nhưng tôi không thể ngừng hét lên sung sướng vì quá ưng vẻ đẹp của mảnh đất này.

< Phố bên sông Hoài.

Tôi từng được nghe kể rất nhiều về vẻ cổ kính, trầm mặc của Hội An. Được biết rất nhiều thông tin rằng Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng cho tới khi “mục sở thị”, quả thực tôi vẫn thực sự sửng sốt vì Hội An đẹp hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

< Cầu An Hội rực rỡ đèn lồng.

Hành trình khám phá Hội An của tôi bắt đầu từ 7 giờ tối. Người bạn là dân Hội An chính gốc đã “khuyến cáo” tôi chỉ có khoảng 3 giờ đồng hồ để lang thang ngắm phố cổ, mua sắm và thưởng thức những món ngon nổi tiếng nơi đây. Bởi quán xá ở Hội An thường đóng cửa khá sớm.

Ấn tượng đẹp đẽ đầu tiên của tôi về Hội An là vẻ lung linh của cầu An Hội dưới ánh đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc làm không chỉ làm cho cây cầu thêm duyên dáng, khiến con sông Hoài thêm chất thơ, mà còn khơi gợi được cảm xúc rất sâu lắng trong lòng du khách.

< Những quán cà phê được trang trí bằng đèn lồng lung linh, huyền ảo.

Nếu như đèn lồng được ví như “đặc sản” Hội An thì những chiếc đèn hoa đăng chính là “món gia vị” không thể thiếu trong “bữa tiệc” ánh sáng lung linh của đêm phố Hội. Đèn hoa đăng được bán rong rải rác khắp hai bờ sông Hoài với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/3chiếc.

< Những cậu bé, cô bé bán đèn hoa đăng bên sông Hoài.

Người Hội An nói rằng, một chiếc đèn hoa đăng thả xuống dòng sông sẽ xóa đi một muộn phiền và biến một điều ước của bạn thành hiện thực. Dẫu không phải là người mê tín, nhưng tôi cũng không thể từ chối được thú vui “rất Hội An” này.

Nằm ngay bên bờ sông Hoài, đường Bạch Đằng chứa đựng rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hội An. Dãy quán cóc san sát nhau trên con đường này chính là nơi cực kỳ lý tưởng để bạn thưởng thức hàng loạt món ẩm thực Hội An nổi tiếng như cao lầu, mì quảng, cơm gà, bánh bao, bánh vạc và đủ loại chè…

< Âm nhạc truyền thống bài chòi rất có sức hút với khách du lịch.

Sau khi no bụng, bạn lại có thể đi tìm những phút giây thư giãn tinh thần tại sân khấu hát bài chòi. Có thể thấy rằng hát bài chòi đã đem lại không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp yên bình vốn có.

Cách cầu An Hội chỉ vài bước chân là chùa Cầu. Ngôi chùa nổi tiếng này có thiết kế khá đặc biệt bởi nó chính là cây cầu nối hai bờ một khe nước chảy xuyên qua lòng phố cổ. Bên cạnh đó, mái ngói âm dương huyền bí của chùa Cầu vẫn được biết đến như một biểu tượng của Hội An trong nhiều thế kỷ qua.

< Chùa Cầu – “viên ngọc” giữa lòng Hội An.

Ngoài đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An còn ba con đường chính: Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học. Thả bộ chầm chậm trên những con phố nhỏ uốn lượn mềm mại, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trầm mặc, bạn sẽ cảm thấy như mình đang lạc vào một không gian rất lạ: vừa hiện đại, vừa xa xưa.

Trên đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học, bạn sẽ tìm mua được rất nhiều món đồ lưu niệm đúng chất Hội An như quạt lụa, đèn lồng, đặt may cấp tốc những bộ đầm, bộ vest hay ghé thăm galaxy trưng bày ảnh, tranh đặc sắc về Hội An.

< Những con đường đẹp mộc mạc, bình yên.

Bởi Hội An là một mảnh đất “sống” nhờ du lịch nên người dân nơi đây tỏ ra rất có kinh nghiệm trong cách cư xử với du khách thập phương. Đa phần các cửa hàng ở Hội An đều đón khách lịch sự và gần gũi.

Bạn có thể ướm thử, hỏi giá, mặc cả thoải mái và cuối cùng quyết định không mua, nhưng người bán hàng vẫn luôn tiễn bạn bằng nụ cười rất thân thiện.

Những ngôi nhà cổ cũng là điểm tham quan không nên bỏ qua. Bạn sẽ được chủ nhà mời vào dùng trà và kể cho bạn nghe những câu chuyện về tuổi thọ cả trăm năm của ngôi nhà.

Có một điều khá thú vị là thay vì việc bán vé tham quan, chủ nhà sẽ đề nghị bạn tùy tâm đóng góp tiền vào một chiếc thùng để hỗ trợ họ bảo tồn và tu sửa những chứng nhân lịch sử này.

< Một cửa hàng bán đèn lồng.

Quả đúng như lời người bạn tôi đã nói, quán xá Hội An đóng cửa rất sớm. Khi đồng hồ điểm 10 giờ đêm, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách Tây vẫn còn lang thang trên đường thì quán xã đã đóng cửa gần hết.

Dẫu đang trên đà phát triển du lịch nhưng dường như Hội An vẫn giữ được sự chừng mực của một nền văn hóa truyền thống phương Đông, để không bị những loại hình dịch vụ hút khách làm nhộn nhạo, xô bồ.
Ai đó đã nói rằng Hội An giống như một thiếu nữ tuổi đôi mươi dịu dàng, êm ái rất dễ làm say lòng người. Nhưng “cô gái đẹp” này luôn giữ trong mình những quy tắc nề nếp, gia giáo nên sẽ "về nhà trước giờ giới nghiêm".

Du lịch, GO! - Theo Linh San, Seiya (iHay.Thanhnien)
Đến huyện An Dương nhiều người tìm đến đình Nhu Thượng (xã Quốc Tuấn) để khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc thế kỷ 19 hiện vẫn được lưu giữ.

Đình Nhu Thượng cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861). 20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình Nhu Thượng thờ vua Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn và nữ tướng Mai Thị Cầu - hai người con của vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan)  - người đứng đầu chống quân đô hộ nhà Đường thế kỷ 8.

Hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, chống giặc ngoại xâm.

Năm 722, sau khi vua Mai Hắc Đế mất, Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi, đem quân đánh chiếm lại vùng đồng bằng phủ Tổng Thành (Thanh Hóa ngày nay) cho đến Quảng Ninh, Nam Hà. Tháng Chạp năm 727, sau 2 tháng giao chiến, quân giặc phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu và vua Bạch Đầu Đế. Không chịu khuất phục quân giặc, hai chị em nữ tướng  gieo mình xuống sông tuẫn tiết.

Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Quốc Tuấn vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ - nơi hai chị em nữ tướng gieo mình (người dân trong làng gọi  là miếu Một và miếu Đôi). Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991.

Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Mai, dân làng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng.

Ngoài đám rước của dân làng, từ miếu Đôi, miếu Một về Đình, sau nghi thức tế thần làng và hàng loạt các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội như: đấu vật, tam cúc điếm, thi bắt vịt, thi cầu thùm... tổ chức tại sân đình.

Du lịch, GO! - Theo Diệp Anh (Haiphong.gov), internet
Lần đầu tiên tôi đến Bắc Hà, lại đúng vào ngày không có chợ phiên. Bạn tôi, có người xuýt xoa tiếc, hỏi sao không cố ở lại thêm ít ngày nữa, chờ đến phiên chợ cho bõ công.

Nhưng với tôi, đến một nơi nào đó vào thời điểm không phải đẹp nhất trong năm đâu phải là điều đáng buồn, khi ta chắc chắn sẽ còn quay trở lại. Và người luôn đến Bắc Hà vào phiên chợ, sẽ chẳng bao giờ biết được rằng, Bắc Hà, ngày không chợ phiên vẫn cứ quyến rũ đến nao lòng…

< Người Mông trỉa bắp trên những nương ngô dọc đường chạy qua bản Phố.

Hôm ấy, một ngày đầu xuân, hoa mận đã lác đác nở trắng dọc những bản nhỏ ven đường. Dừng chân ở Bắc Hà lúc tờ mờ sáng, buổi sáng ở phố núi này hóa ra không lạnh lắm, trừ việc vài du khách nữ sợ sương muối nên lấy khăn trùm kín đầu.

< Những đứa trẻ bản Phố hồn nhiên chơi đùa.

Trong bữa cơm tại gia đình người bạn ở thành phố Lào Cai ngày hôm sau, được đãi món cải mèo, tôi mới biết hóa ra sương muối ở cao nguyên trắng chính là “gia vị” để món cải mèo nơi đây giòn, ngọt đến vậy.

6 giờ sáng, ghé vào quán phở bà Tuất ngay đầu thị trấn, khách đã nườm nượp, và những tô phở xếp hàng ở quầy đang được bà chủ quán hối hả chan nước dùng. Anh bạn đi cùng tôi “quảng cáo” đây là quán phở gà ngon nhất Bắc Hà. Chẳng du khách nào tới cao nguyên trắng lại không ghé.

Nhưng cũng chẳng cần những lời giới thiệu ấy, vì tự bản thân những sợi phở tráng bằng gạo Ma chá dẻo thơm, thứ gạo người Mông trồng trên núi cao, cùng những sớ thịt gà bản ngọt lừ, giòn da chắc thịt đã “mách” với tôi rằng chẳng thể tìm đâu nữa một món ngon quen mà lạ lùng như thế ở phố núi nhỏ này.

< Khách thăm lò nấu rượu ở bản Phố.

Ngày không chợ phiên, nên con phố dẫn xuống trung tâm chợ vắng lặng. Lác đác vài người phụ nữ váy hoa ngồi bán rau, bán rượu, ai cũng cầm trên tay kim chỉ, thêu khăn, thêu váy. Một bà cụ bán rượu ngô đầu chợ hào phóng mời chúng tôi nếm thử.

Cái thơm nồng say sưa của hớp rượu múc vào thìa nhựa thôi thúc chúng tôi ngược lên bản Phố, “thủ phủ” của những chén rượu ngô Bắc Hà nấu từ men hồng mi bốn mùa không ngớt làm say lòng du khách.

< Người phụ nữ vừa bán rau, vừa thêu khăn ở chợ Bắc Hà.

Trong căn bếp nhà ông Giàng Seo Sẩu, hai bếp lò đang cháy rực. Con trai ông xách cả xô nước tiếp vào nồi nấu rượu. Dòng rượu trong veo chảy rí rách chảy vào những chiếc can 5 lít. Can đầy sẽ được đổ vào chum. Ông chủ mời khách bằng cách ném ca nhựa vào chum, múc đầy, rót ra chén, tràn trề như suối và say như chẳng còn biết đến thứ rượu nào khác trên đời.

Nhưng thực ra chúng tôi đã không say rượu ngô Bắc Hà sáng ấy, mà say trong một quán nhỏ ven thị trấn với thịt nướng, gà nướng thơm lừng khi trời nhập nhoạng. Men rượu ngô khiến buổi tối cao nguyên cứ bồng bềnh, chuếnh choáng.

Còn sáng ấy, chúng tôi lại ngược lên mãi con đường chạy dọc bản Phố, con đường gấp nếp với một bên là vách núi xanh rì. Bắc Hà đang mùa trỉa bắp.

< Mua, bán rượu ở chợ Bắc Hà.

Những bà, những chị váy hoa rực rỡ nổi bật trên những thửa ruộng nâu vừa vỡ. Trẻ con cũng theo mẹ lên nương. Chúng ngủ say trên lưng mẹ trong những tấm địu, hay vẩn vơ chơi ở những bờ ruộng, vệ đường khi bố đánh trâu cày ruộng và mẹ mải mê trỉa bắp.

Ở nơi cao nhất của bản Phố, tôi gặp lũ trẻ vừa đi học về. Cặp sách vẫn trên vai, chúng chơi với nhau theo cái cách của trẻ con vùng núi là leo lên những sườn núi thấp ven đường và trượt xuống. Con gái thì chơi “oẳn tù tì”, ai thắng thì được cõng.
Bắc Hà, ngày không chợ phiên, không tiếng khèn mông, không váy hoa rực rỡ, cứ trôi đi êm ả như thế.

Du lịch, GO! - Theo Tịnh Tâm, Lưu Quang Phổ (iHay)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống