Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 11 April 2013

Một người bạn ở Quảng Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) nói với tôi nơi đây còn hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ phủ bóng rêu phong. Căn nhà cổ nhất đã hơn 300 năm tuổi, “trẻ” nhất cũng đã 200 năm soi bóng với sóng nước sông Gianh.

Nhà xưa soi bóng

Cư dân Quảng Hòa, anh Nguyễn Văn Thái, một tay máy ảnh có tiếng trong vùng giới thiệu với chúng tôi về những căn nhà cổ có một không hai bên bờ sông Gianh: “Nhiều vùng ven bờ sông hiền hòa này đã cơ bản bê tông hóa đường sá, vườn tược nhưng vùng Quảng Hòa này còn giữ được những ngôi nhà cổ độc đáo là một sự lạ hiếm nơi nào có được”.

Nghe lời anh, chúng tôi tìm về Quảng Hòa bữa đầu mùa nóng, cái nắng chao chát rát mặt, vậy mà vào một ngôi nhà xưa còn lại, không khí mát rượi không đặc quánh như bao căn nhà bê tông cốt thép khác. Đó là nhà cụ Nguyễn Phương (83 tuổi). Cụ nằm trên chiếc chõng tre đầu hồi, có người vào cụ vẫn minh mẫn đứng dậy, ngồi cạnh chiếc bàn cổ rót nước đãi khách. Biết chúng tôi tìm hiểu về căn nhà, cụ lần giở từng trang gia phả bằng ký tự cổ rồi kể: “Căn nhà đã hơn 350 năm, làm thượng chua, hạ mít. Cụ tổ căn nhà này vốn là một quan tri huyện miền trong, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan trường, được hồi gia, xuất tiền vào Lệ Thủy mua nhà của một địa chủ cự phách, chở bằng thuyền buồm, đi đường biển, vào cửa Gianh, giong buồm lên Quảng Hòa cất nóc, từ đó đến nay chưa sửa chữa một cái đòn tay nào”.

Bí quyết của căn nhà rường chắc chắn này theo cụ Phương là ở chỗ nó được tẩm chất chống mối mọt bằng thủ công từ ngày xưa, một loại chất đã thất truyền cũng ngót nghét trăm năm. Nhà cụ Phương 3 gian, những cột những kèo, những đòn tay, rui mè vẫn còn bóng dáng thuở xưa, chạm tay vào thớ gỗ nào cũng mát mịn. Các chạm khắc tinh xảo, từ đầu rồng, công phượng đến trúc, sen hoa huệ đều được chăm chút mài giũa tỉ mỉ.

Rời nhà cụ Phương, chúng tôi vào căn nhà ông Đinh Phan Dần, một bóng dáng lộng lẫy thuở trước kéo về. Tòa nhà 5 gian trong một khu vườn rộng thoáng. Trước người làng gọi đó là lầu ngang dãy dọc, bởi có một gác nhà ngang ở hồi phía Đông làm 2 lầu, bằng gỗ rất đẹp nhưng sau do chiến tranh, bom đạn cày xới khiến tòa lầu cầu kỳ này bị cháy.

Cụ Trương Hiền (87 tuổi) chống gậy ra nói chuyện: “Tui hồi nhỏ lớn lên thấy căn nhà này đẹp nhất vùng, nó có tòa nhà 5 gian rộng, lại có tầng lầu phía Đông khiến ai đi đâu trên sông Gianh cũng lấy nó làm chuẩn, bởi nó đẹp và cao ráo nhất vùng”. Những hoa văn chạm khắc vẫn còn lộ rõ dưới lớp bụi lưu cữu lâu ngày không được lau chùi dọn dẹp, tuy ngôi nhà hiện vắng bóng chủ nhưng nhìn vào vẫn thấy bản sắc Việt nền nã trong một khu vườn màu xanh.

Người am hiểu về các ngôi nhà rường vùng Quảng Hòa là thầy giáo Đinh Xuân Thắng ở xóm Vĩnh Phú, bởi từng một thời ông rất giỏi nghề mộc. Tuy đã 70 tuổi nhưng khi nói về các căn nhà rường, ông tỏ ra nhanh nhẹn: “Ở đây tính sơ sơ cũng có cả trăm căn nhà rường cổ. Nhà tui đây cũng ngót hơn 200 năm. Ở trong những căn nhà như ri, mùa hè nóng nực, có mất điện cũng dễ thở, bởi nó mát và dịu vô cùng. Cha ông xưa thiết kế mẫu nhà rường này là để hút gió và hút hơi nước ngoài đồng hoặc từ sông Gianh vào để làm mát, từ đó mà con cháu giữ gìn cho đến hôm nay”.

Bí quyết tường nhà

Quảng Hòa xưa vốn là làng của thợ mộc, nổi tiếng ra cả Hà Tĩnh và vào đến Thừa Thiên - Huế. Người làng kể, có nhiều thợ cả của làng đã từng tham gia dựng nên lầu son gác tía, phủ đệ ở cố đô Huế. “Chính vì thế mà nhà rường Quảng Hòa đẹp và còn lưu lại thế gian cả trăm gian cho tận hôm nay”, ông Thắng nói. Theo thầy Thắng, nhà rường Quảng Hòa có 2 loại, loại dành cho quan lại và địa chủ cự phách, đó là loại nhà chạm trỗ tinh xảo, hoa văn cầu kỳ; loại khác là nhà rường của con dân, không chạm trỗ gì ngoài việc bào nhẵn rui mè, lóng gỗ và cột kèo, tuy nhiên loại nhà của dân giản dị thế nhưng vẫn bền đến hôm nay.

Bí quyết để ngôi nhà tồn tại lâu bền qua thời gian, theo ông Thắng là nằm ở các bức tường. Nhà xây thấp nhằm tránh bão quần dập và tường xây dày để chống nắng, làm mát lúc hè, cũng như giữ ấm cho con người vào mùa đông. Căn nhà của cụ Phương có tường xây bằng gạch vồ thủ công và vữa xây là từ sợi dây tơ hồng trộn lẫn đất sét cùng với mật mía, tường xây dày đến gần 0,5m. Qua bao dâu bể đổi dời, nhà của cụ Phương vẫn vững chãi với bụi thời gian, bao nhiêu trận lũ càn, những bức tường vẫn trơ vững, ôm ấp bộ rường nhà.

Căn nhà của thầy cả Thắng hiện chở che trong đó ba đời người, gồm ông, các con và cháu nội. Ngôi nhà có mái ngói cổ còn lại nguyên vẹn đến tận hôm nay, ngói đóng dấu chỉ của vùng gốm Ngọa Cương vang bóng một thời từ 200 năm trước. Thời gian đã phủ bao mưa nắng nhưng cốt ngói vẫn còn bền chắc đến lạ.

Tuy nhiên, người làng vẫn canh cánh một nỗi lo, bên cạnh những ngôi nhà còn người ở là các ngôi nhà đã tàn lạnh khói hương. Rất nhiều ngôi nhà rường xưa đang bỏ hoang bởi chủ nhân đã về với tổ tiên, để lại cho cháu con nhưng vì nghiệp mưu sinh, con cháu của họ tứ tán khắp ngả. Nhà của cụ Đinh Phan Dần là một ví dụ, hôm chúng tôi đến, trộm đột nhập từ nóc nhà lấy mất bộ lư hương cổ, ngôi nhà đầy bụi bặm vì vắng bàn tay chăm sóc, hoang lạnh đến nao lòng. Cụ cả Thắng nói: “Nay ở trong những căn nhà rường này là người già, trẻ đi làm ăn xa, đa phần khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa. Nay cũng mong muốn địa phương kiểm đếm lại để có cách bảo tồn nhằm dự tính cho lâu dài, mong thế mà có ai đoái hoài đâu”.

Rời Quảng Hòa, bóng hoàng hôn phủ xuống phía núi ở thượng nguồn sông Gianh, qua bên kia sông, những mái nhà xưa dần mờ bóng, bụi thời gian chắc chắn tiếp tục làm mờ bao căn nhà cổ. Một gia tài hiếm có đang dần bị lãng quên!

Du lịch, GO! - Theo Minh Phong (Sàigòn Giải Phóng), ảnh internet
Nói đến ruộng bậc thang, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Tây Bắc với những ruộng bậc thang tuyệt đẹp, uốn lượn... nhưng ít ai biết được ở An Giang cũng có những ruộng bậc thang đẹp như thế. Khung cảnh nơi đây cũng thật hữu tình và lãng mạn.

Một vẻ đẹp tiềm ấn bấy lâu nay, thật may tôi lại có dịp được đến nơi đây để ngắm nhìn những ruộng bậc thang, tuy không đẹp như trên Tây Bắc nhưng cũng đủ sức hấp dẫn du khách đến nơi đây, và để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng.
Rời quán cà phê góc phố núi thị trấn Tri Tôn, chạy xe gắn máy chẳng bao xa, chúng tôi rẽ vào một con đường lót đá xanh chẻ.

Cuối đường nơi có tượng một ông Chằn mặt mày dữ tợn đứng: đó là đường lên chùa Khmer Tà Pạ (xã Cô Tô). Chùa Tà Pạ, có tên chính thức là chùa Chưn Num, một ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) của người Khmer địa phương.

Chưn Nam là ngôi chùa cổ, đã được từng bước trùng tu theo kiến trúc chùa chiền người Khmer, nên vẻ đẹp của nơi mới tu bổ át mất nét hoang tàn của những nơi chưa được tôn tạo. Các kiến trúc ở chùa đều do sư cả Chau Xưng (hòa thượng trụ trì chùa Chưn Num) thiết kế xây dựng.

Tuy nhiên, bù lại là đứng tại tháp Phật Thích Ca - cao khoảng 50 thước - phóng tầm mắt về phía thị trấn Tri Tôn cách khoảng 1 cây số đường chim bay, chúng tôi có thể ngắm cảnh phố huyện miền núi nầy thấp thoảng trong cây cối xanh rì.

Rời chùa Chưn Num, theo hướng tay chỉ của ông Chằn, chúng tôi đi tiếp. Mùa nắng nóng oi bức nầy, dọc theo hai bên con đường trải đá sỏi màu xám đỏ bản địa là hai hàng cây, trong đó bông mua và bông bằng lăng nở tím ngắt, lắt lay trong gió hiu hắt như e lệ đón chào khách phương xa.

Sư cả Chau Xưng cho biết, con đường vòng quanh chùa nầy được con sóc (bổn đạo) cùng sư sãi, à cha chung tay xây dựng theo kiểu “tàm thực” (làm tới đâu hay tới đó) trong nhiều tháng dài. Cho nên đoạn trước cổng chùa được lót những viên đá xanh hình chữ nhật nằm xen kẽ, kết dính bằng xi măng. Phần còn lại lổn nhổn đá xám đỏ, cuối con dốc là đỉnh đồi Tà Pạ.

Đồi Tà Pạ thực sự đã cuốn hút chúng tôi bởi nét hoang sơ của nó. Dù là ngày nắng trong mùa khô, nhưng những cơn gió trên cái đỉnh đồi trống hoang nầy cứ liên hồi quạt thổi, giúp chúng tôi xóa tan bao mệt mỏi đoạn đường dốc khá cam go.

Nhưng chúng tôi khỏe người hơn là khi đứng trước hồ Tà Pạ. Hồ Tà Pạ thật ra mới được bàn tay con người tạo dựng cách nay khoảng mười năm bằng việc khai thác đá. Chừng ấy năm với gió mưa bão bùng, vùng đá núi lõm do khai thác đá ấy trở thành một cái hồ chứa đầy nước, nước càng ngày càng trong xanh màu lục biếc.

Đi loanh quanh khu vực hồ, chúng tôi khám phá sự kỳ dị của những cột đá. Có cột đá khiến người ta liên tưởng đến hòn Vọng Phu ở ngoài Trung hay miền Bắc. Có phiến phẳng lì như nơi tọa thiền của bậc đạo cao đức trọng. Có phiến lại như thanh gươm giơ cao chờ sát hại kẻ thù. Lại có cột đá trơ vơ giữa hồ như một kẻ tình si cô đơn chờ ngóng bóng dáng người yêu...

Thú vị nầy chưa dứt thì thú vị khác tiếp theo khi đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt nhìn xuống bên dưới, ô hay, một cánh đồng trải rộng ra dưới ấy. Nơi nầy xanh mượt màu lúa đương thì con gái, nơi kia vàng chín cả một vùng của những cây lúa đến thì chờ gặt hái. Có chỗ vàng hươm những chân rạ. Lại có cả mấy chòm cây thốt nốt lắt lay ngọn lá trong nắng trời chói chang... Tất cả trải rộng bên chân ngọn núi hùng vĩ xanh ngắt cây rừng. Đó là núi Tô, cao 614 mét, chu vi 14.375 mét. Thật ra núi Tô là ngọn núi bao gồm cả núi Tà Pạ (xưa kia cao 120 mét, bị khai thác đá chỉ còn 45 mét cao, chu vi 10.225 mét). Đây là một trong bảy ngọn núi có tên trong quần thể Thất Sơn.

Đứng trên đồi Tạ Pạ nhìn cánh đồng Tà Pạ đẹp không sao tả xiết. Bạn tôi chắc lưỡi, buổi trưa còn đẹp như thế. Nếu vào buổi chiều hoàng hôn buông xuống, khói bếp nhà ai trên sườn núi mờ tỏa trong khói lam dâng lên từ cánh đồng thì... Cũng như vậy, buổi sáng tinh mơ, mây hay khói quyện trắng đầu núi cùng khói sương từ cánh đồng dâng lên, ngoạn mục vô cùng...

Nghe vậy, tôi liên tưởng đến những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Dù không được như vậy, nhưng ruộng Tà Pạ cũng là "của hiếm" nơi đất đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn về núi Tô, rõ mồn một là một tảng đá lớn trơ trọi nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Đó là vồ Hội. Vồ Hội, là một điểm thiêng liêng, vì có dấu chân tiên in trên đó. Đây là nửa đoạn đường lên đỉnh núi Tô.

Anh bạn tôi cho biết, không như các nơi khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ở Tri Tôn có đến đến bốn loại ruộng: ruộng trên, ruộng triền bưng, ruộng co bưng và ruộng bưng.

Ruộng trên là loại ruộng canh tác trên triền núi - nơi người ta trồng một loại lúa đặc vụ, gọi là lúa sóc - loại lúa cho ra những hột gạo nhỏ như cọng tăm, khi nấu thành những hột cơm khô, dẻo và thơm thoảng mùi sơn cước hoang dã. Ruộng Tà Pạ có diện tích khoảng 50 hecta đã canh tác hàng trăm năm nay, là nơi trên 100 hộ người Khmer trồng lúa. Trước kia, người ta chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, gọi là lúa mùa. Nay người ta canh tác hai hoặc ba vụ với các loại lúa đặc sản như Nàng nhen, nếp Than... Từ khoảng tháng 4 âm lịch trở đi, bà con trồng màu, như khoai, bắp, đậu, rau...

Trong tương lai, huyện Tri Tôn sẽ đầu tư khai thác du lịch tại đây. Công ty Bảo Thanh đảm trách, ông Đỗ Minh Trí - Phó chủ tịch huyện Tri Tôn cho biết như vậy. Đó là một việc làm tránh lãng phí tài nguyên du lịch thiên nhiên hiếm hoi của vùng châu thổ nầy.

Đến tham quan cánh đồng Tà Pạ - được xem là ruộng bậc thang độc nhất vô nhị ở đồng bằng sông Cửu Long - du khách có dịp thăm viếng chùa Chưn Num, hồ trên núi, thưởng thức đặc sản gạo Nàng nhen, gạo lúa sóc, ăn sáng với món cháo bò độc đáo thơm mùi trái trúc hoang dã, xem lễ hội đua bò Bảy Núi vào khoảng trung tuần tháng 8-9 âm lịch, còn gì lý thú hơn!

Chúng tôi bị ấn tượng vởi những điều bình dị và đẹp của nơi đây, tôi cứ ngỡ rằng chỉ khu vực Tây Bắc mới có ruộng bậc thang, ngờ đâu ở An Giang cũng có và cũng rất đẹp.

Du lịch, GO! - Theo Thời báo Kinh Tế Saigon, Vietnamscene và nhiều nguồn khác.

Wednesday, 10 April 2013

Tại Đắk Lắk hóa ra còn có một cái thác mà tìm đỏ mắt trên mạng cũng không ra thông tin về nó: Thác Phật ở vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc Buôn Đôn.
Rất ít người biết đến thác này và hiện nay cũng chưa có tên trên bản đồ du lịch Đắk Lắk.

< Thác Phật ở vườn Quốc gia Yok Đôn - Buôn Đôn.

Nhiều dân phượt đi nhiều nhưng vẫn chưa biết hay chưa có cơ hội ghé thăm. Thực ra, sau khi cây cầu bắc qua sông ở vườn Quốc gia Yok Đôn hoàn thành thì chả khó khăn gì mấy khi tìm đến với nó.

< Thác nằm gần một trạn kiểm lâm của vườn quốc gia Yok Đôn (dĩ nhiên là vào vườn QG phải mua vé).

< Trong khu vực thác còn khối các cây rừng to đùng đoàng như thế này. Vậy mà nhiều người xấu mồm cứ bảo vườn Quốc gia... hết cây, ghét thật!

Phần lớn khách Tây đi du lịch ở đây còn chịu khó cuốc bộ hết đoạn đường non chục cây số để tối cắm trại ngủ lại bên ngọn thác Phật này nữa kia.

< Mùa nước lũ thì chắc bãi đá này sẽ ngập hết... nhưng giờ mới đầu mùa mưa nên trông cũng hùng vĩ ra trò.

Thác Phật là một dòng thác đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nằm ẩn sâu trong những cánh rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Thác lại nằm rất gần một trạm kiểm lâm của vườn nên có thể tổ chức nấu nướng tại đây xong đem xuống thưởng thức ở dưới thác.

< Thác Phật hiện vẫn giữ được nét hoang dã của núi rừng Tây Nguyên.

Gọi là thác nhưng thực ra đây là một con suối với nhiều ghềnh. Tuy nhiên, trông nó vẫn rất đẹp và hoành tráng hơn thác Bảy nhánh ở phía trên rất nhiều, lại  nằm giữa rừng già nữa nên đi vào đây chơi hay phết.

Mùa nước lũ thì chắc bãi đá này sẽ ngập hết nhưng giờ mới đầu mùa mưa nên trông cũng... hùng vĩ ra trò.

< Thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng Thác Phật là vào mùa khô.

Theo một cán bộ tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, đã có một số nhóm nghiên cứu đến đây để tìm hiểu xuất xứ của cái tên "Thác Phật". Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một chứng lý thuyết phục về tên gọi này.

< Đoạn phía trên nước lặng ơi là lặng, nhìn cứ như một mặt hồ. Nhìn chỉ muốn nhảy tòm xuống mà bơi thôi.

< Nhưng chớ có dại nhé, vì ngay phía dưới đó nước lại chảy xiết... như thác vậy. Nói gở mồm, đang bơi mà các bác Thủy điện ở phía trên nổi hứng xả lũ thì cứ gọi là trôi đến... Cam Pu Chia ngay!

< Mùa khô: nước vẫn rì rào réo gọi suốt ngày đêm! Vậy mới biết vườn quốc gia Yok Đôn vẫn còn hoang sơ nên giữ nước lại nhiều lắm.

Với cây cầu bắc qua sông ở vườn Quốc gia Yok Đôn vừa hoàn thành, hi vọng trong tương lai không xa Thác Phật sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.

Du lịch, GO! - Thổng hợp từ Đắk Lắk Online, Vuontrohbu

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống